BẢO THỦ: MỘT LỰC CẢN CỦA DÂN CHỦ.

BẢO THỦ: MỘT LỰC CẢN CỦA DÂN CHỦ.

Thời gian gần đây,Gs Nguyễn Chính Kết ở trong nước có đặt câu hỏi : Tại sao có quá ít người dám tranh đấu ? Theo ông Kết,tranh đấu cho tự do tôn giáo chỉ có 20 người trên 50 triệu, cho tự do dân chủ đa nguyên đa đảng trong suốt 30 năm chỉ khoảng 50 người trên 80 triệu thì quá ít. Ý của ông muốn ám chỉ đến những nhà tranh đấu công khai, mà tại quốc nội cũng như hải ngoại và cả quôc tế đã biết đến tên tuổi, nói trắng ra là những nhà trí thức. Trả lời 1 phần cho câu hỏi này, anh Trần Ngọc Thành, trong bài phát biểu “Trí thức VN với cuộc đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ” tại hội nghị Quốc Tế về nhân quyền họp tại Hoà Lan trong 3 ngày 08 – 11/12/2005 cũng đề cập đến. Cái quan niệm từ xưa tới nay của người dân Việt vẫn là: trí thức là người học thức cao, có nhiều bằng cấp . Với cái định nghĩa(của đa số người Việt ) ấy, thì theo tài liệu, Việt Nam có hàng ngàn giáo sư, hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ, hàng chục vạn người có trình độ đại học, thế mà Cộng Sản độc tài vẫn ngang nhiên tồn tại. Có nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân chính là:
1/- Chuyên chính vô sản: Cộng Sản chỉ chấp nhận trí thức XHCN, được CS đào tạo. Các thành phần trí thức khác phải bi tiêu diệt. Trí thức XHCNVN, anh Đông Dương (Hà Nội) goị là đứa con hoang mất nết, 1sản phẩm dị dạng sinh ra từ sự giao cấu giữa luân lý nhà Nho và ý thức hệ CS..Từ sự giáo dục , trưởng thành trong môi trường chủ nghĩa Mác – Lê hoang tưởng đó nên vô tình hay cố ý không hiểu về ý nghĩa thế nào là dân chủ, từ đó vô tình hay cố ý nhận thức 1 chiều về tư tưởng, văn hoá, kinh tế , giáo dục. Từ cái ao tù nhận thức 1 chiều đâm ra thiếu óc phán đoán, không độc lập trong suy nghĩ, dễ bị nhồi sọ về những luận điệu mị dân, dễ bị đầu độc bởi món ăn dân chủ XHCN, xào nấu kiểu văn hoá XHCN.
2/- Luận điệu hàm hồ tráo trở: CSVN luôn luôn có luận điệu đánh đồng Đảng CS với Tổ Quốc và Dân Tộc. Cái gịong điệu ấy, ta thấy đầy rẫy, không những trên báo đài trong nước mà ngay cả trên báo chí hải ngoại, cụ thể hàng ngày trên tờ DCV Online này.: phê bình đảng là nói xấu Tổ Quốc, là làm nhục Dân Tộc… Hơn thế nữa, đảng tự cho mình cái quyền đứng trên cả Dân Tộc. Khẩu hiệu: trung với đảng, (trước, rồi mới tới) hiếu với dân (sau). Yêu nước là yêu XHCN. Trí thức VN bị trói chặt trong khái niệm đảng CSVN= Tổ Quốc VN=Dân Tộc VN không thể chống đảng, vì chống đảng là chống lại Việt Nam.
3/- Bạo lực để răn đe: Các vụ triệt hạ các đảng phái, đấu tố, cải cách ruộng đất, NhânVăn –Giai Phẩm,cải tạo sĩ quan,công thương nghiệp, càn quét “phản động”với mục đích triệt tiêu mọi hành vi phản kháng ngay từ trong trứng nước: Trí phú địa hào, đào tận gốc,trốc tận rễ. Mọi ý thức chệch hướng CS đều là phản động phải loại trừ. Nỗi sợ hãi bị đàn áp làm cho người trí thức không dám bước ra khỏi cái rào chắn dân chủ của đảng.

Trí thức XHCN:
Từ những nguyên nhân trên , VN đã có 3 loại trí thức:
1/- Trí thức lưu manh: Hưởng lợi nhờ đảng CS nên là lực cản mạnh nhất, nguy hiểm nhất của dân chủ và nhân quyền.. Bọn này trung thành và bảo vệ đảng CSVN đến kỳ cùng. Đám này bao gồm con cháu bọn lãnh đạo đảng, thường xuyên ở trong và ngoài nước, hiểu biết rõ dân chủ, là kẻ thù của những đặc quyền đặc lợi của họ, đám nhân sự trong guồng máy đảng và nhà nước tuyển dụng qua hệ thống đảng đoàn, đám sinh viên học sinh được giáo dục bao cấp trong môi trường XHCN, trung thành với chế độ để ấm thân phì gia, có quyền thế, tha hồ đớp hít tham nhũng trắng trợn,bất chấp pháp luật, không kể lương tri, không đếm xỉa gì tới quyền lợi của dân tộc.
2/- Trí thức nô lệ: Đám này biết Dân chủ là cần thiết , là sinh lộ cho sư tiến lên của đất nứơc, là sự giải thoát cho cảnh lầm than của dân tộc, nhưng vì phải ăn bám vào chế độ để sống, vì những níu kéo của gia đình nên mũ ni che tai, ngoảnh mặt làm ngơ với dân chủ. Họ chỉ biết có mình, tránh va chạm, sợ thiệt thân, sợ gia đình liên luỵ, ngậm miệng ăn tiền và chỉ lo làm giàu. Nhóm này chiếm đại đa số.
3/- Trí thức nhân bản: những người trí thức đúng nghĩa, có lương tâm, thay mặt những người dân thấp cổ bé miệng , công khai nói lên tiếng nói đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho tất cả mọi người, đòi công lý và bình đẳng. Tiếc rằng những người này hiện còn quá ít.
Sao lại chỉ trí thức:
Nhưng chẳng lẽ chỉ có trí thức mới phải dấn thân, phải có trách nhiệm đấu tranh cho dân chủ? Thế còn nhân dân thì sao? Ai cũng hiểu rằng, trong moị cuộc cách mạng, mọi sự thay đổi, giới trí thức là giới lãnh đạo, là người hướng dẫn quần chúng cả về 2 mặt lý luận tư tưởng và hành động cụ thể. Trong một phong trào , có hai, ba mươi, thậm chí đến năm mươi người trí thức tham gia trong vai trò lãnh đạo.thiết nghĩ là quá đủ, vấn đề là phải làm sao biết phối hợp, đoàn kết để vận động các thành phần xã hội khác. Có được 1 người như Gorbarchov của Liên Xô trước đây làm chất xúc tác cho cải tổ và đổi mới là điều đáng mong mỏi,nhưng nếu trong tình hình VN hiện tại chưa thể có, những hình thức đấu tranh trong hoà bình như ở các nước Đông Âu cũ và các nước cựu thuộc điạ Liên Xô ở Trung Á cũng là cái chúng ta có thể học hỏi. Cần nên nhớ , tương lai của đất nước, dân tộc VN thuộc về gìới trẻ: thống kê cho thấy hơn 2/3 dân số VN ở độ tuổi 40 hoặc ít hơn. Những người trẻ cũng là những người còn rất lý tưởng, hăng say và đầy nhiệt huyết. Giới sinh viên học sinh trong nước, những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước, thường là những người hăng hái nhiệt tình nhất, thành phần then chốt của mọi phong trào, mọi cuộc cách mạng, nhưng ở VN hiện nay sao hoàn toàn im lặng? Phải chăng vì nỗi sợ ám ảnh từ vụ Thiên An Môn bên Trung Quốc 16 năm trước? Hay đó là hậu quả của việc học tài thi lý lịch, phát xuất từ chích sách trăm năm trồng người của đảng CSVN, mà họ đã nhụt ý chí đấu tranh cho 1 lý tưởng tốt đẹp hơn, hay tệ hơn nữa , hết lòng ủng hộ, bảo vệ CNCS? 1 thành phần trẻ khác cũng quan trọng không kém là giới công nhân và nhân dân lao động, những người tương đối có tổ chức, dễ kết hợp , sẵn sàng đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của họ . Công Đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan là yếu tố chính khởi đầu cho sự sụp đổ dây chuyền của CNCS tại Liên Xô và các nước Đông Âu đã do Walesa, một người thợ điện lãnh đạo. Người ta làm được, thế sao ta làm không được?
Nỗi sợ:
Trả lời cho câu hỏi này, nguyên nhân chính vẫn là nỗi sợ. Lãnh đạo CSVN sợ mất quyền hành , mất lợi lộc nên phải dùng bạo lực , mánh khoé, để tiêu diệt, khủng bố đối lập thẳng tay. Quần chúng thì sợ hãi bạo quyền, sợ cho chính bản thân bị trù dập, hãm hại không đường sống, sợ gia đình, cha mẹ vợ con, bạn bè bị trả thù, ảnh hưởng có khi đến nhiều thế hệ. Nỗi sợ lan tràn từ trong nứơc ra hải ngoại. Sống ở xứ sở tự do vẫn còn lo bị đàn áp, thân nhân còn ở quê nhà phải liên lụy, khi có việc phải trở về, sợ bị cấm đoán hoặc bắt bớ lôi thôi. Nỗi sợ to lớn và khủng khiếp đến nỗi, có lẽ không ai thoát khỏi, kể cả các đảng viên CS cao cấp nhất. Chẳng hạn Đỗ Mười sợ L.Đ.Anh., trong khi L. Đ. Anh lại sợ Đỗ Mười, cả 2 ông này lại sợ Hồ Cẩm Đào… Đảng sợ dân, dân sợ đảng. Rốt cuộc, không ai dám làm gì cả để thay đổi. Đầu năm nay, một số nhà lãnh đạo trong nước từng lên tiếng yêu cầu mọi người hãy can đảm, đừng sợ nữa. Cho đến nay, 1 năm đã trôi qua, lết quả lời kêu gọi dường như không có gì đáng khích lệ.
Sự ỷ lại:
Ngoài sự sợ hãi, tính ỷ lại cũng đóng góp vào hàng rào ngăn chận dân chủ. Người dân thường ỷ lại vào trí thức, cho rằng mình không có tài, thiếu hiểu biết. Trí thức lại đẩy trách nhiệm cho đám đông, viện cớ mình cô thế, thiếu người hậu thuẫn. Già thì than không còn đủ sức, trẻ lại kêu chưa đủ kinh nghiệm. Người đi học đùn cho kẻ đi làm, bảo rằng mình bận học, lo cho tương lai, cuộc sống chưa ổn định để có thì giờ cho dân chủ. Kẻ đi làm lại đưa ra những gian nan trong công việc, trong cuộc sống, trong gánh nặng gia đình để có cớ thoái thác. Người ở trong lo bán cái cho hải ngoại, nêu lên những khó khăn trở ngại, những nguy hiểm bất trắc trong điều kiện chính trị độc đoán toàn trị trong nước, người ngoài nước có đủ điều kiện, tự do thông thoáng hơn cho sự đấu tranh cho dân chủ phải chủ động. Dân hải ngoại lại cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình, người trong nước mới là chủ yếu, vì chính họ là người được hưởng lợi từ dân chủ, bên ngoài chỉ là lực lượng phù trợ. Năm tháng cứ trôi qua, cái hy vọng kết hợp nhau để cùng đứng lên góp gió thành bão vẫn chưa thấy, vẫn chỉ là lưa thưa vài cơn gió nhẹ. Thói quen trông chờ vào người khác chẳng thay đổi gì mấy.
Luân lý Nho Giáo: Đầu óc bảo thủ:
Có 1 điều mà cả 2 anh Trần Ngọc Thành và Đông Dương có nói qua như 1trong những lực chính cản trở cho sự nhập cuộc của người trí thức VN trên con đường dân chủ hoá đất nước, đó là cái luân lý Nho giáo đang được xử dụng cùng ý thức hệ CS để củng cố chế độ. Nó thực ra chỉ là cái chế độ gia trưởng, cái đầu óc bảo thủ uy quyền phong kiến mà ông Lý Quang Diệu từng văn hoa gọi là những giá trị Á Đông. Chính cái đầu óc bảo thủ quan liêu này, người viết cho rằng, không những chỉ có trong tư tưởng của đám người lãnh đạo CSVN, còn đậm nét trong tư duy của trí thức VN, mà còn hằn sâu trong lối suy nghĩ và văn hoá của người dân thường, trong cũng như ngoài nước. Ý thức hệ CS chúng ta bàn luận đã quá nhiều, ở đây chỉ đề cập đến khía cạnh quan liêu bảo thủ được dùng trong đó. Nhờ nó, cái ý tưởng:” đảng , chính quyền là đầy tớ của nhân dân” chỉ còn trên lý thuyết, 1 biểu ngữ trang trí cho đẹp. Thực chất, đảng, chính quyền là cha mẹ dân. Hơn thế nữa, là ông Trời, là Thượng Đế.. Hãy coi 2 ông thái thượng hoàng DM, LDA đã ra khỏi BCT/DCSVN từ lâu rồi mà vẫn còn tung hoành toàn thể đảng CSVN và đất nước VN theo ý mình để thấy cái hệ luỵ Nho giáo này, sau khi tác động lên ý thức hệ CS, nó tàn phá Tổ Quốc và Dân Tộc đến mức nào. Bài quan điểm của Đỗ Mười cách nay mấy tháng là 1 bằng chứng rõ rệt: mặc cho đất nước tụt hậu, ông nhất định bắt buộc VN phải theo đúng ý ông xây dựng XHCN trong nền tảng Mác – Lê, không ai ngăn cản được. Sự quan liêu bảo thủ, nhờ sự độc tài toàn trị của CNCS, đã lan tràn xuống tới những cơ sở hạ tầng thấp nhất: cán bộ hành chính địa phương tha hồ nhũng nhìễu, dọa nạt, đàn áp, cướp bóc nhân dân, điển hình là những vụ mánh mung cướp đất đai, nhà cửa ruộng vườn đang xảy ra khắp mọi nơi, người dân chỉ biết óan than, khóc thầm.
Những người được mệnh danh là những trí thức tiến bộ, những nhà đấu tranh dân chủ công khai cũng không tránh khỏi cái đầu óc quan liêu bảo thủ. Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học VN, đại biểu Quốc Hội VN là 1 thí dụ, dù ông đã có những ý kiến đóng góp cho DCSVN về đổi mới và 1 số ý tuởng về dân chủ, ông cũng chỉ trích thẳng tay một cách rất răn đe trịch thượng(nghe được trong 1 bài phỏng vấn của đài BBC) về 1 bài bình văn của 1 em bé nữ sinh vì tư tưởng phóng khoáng mới lạ của em. Chuyện phê bình gay gắt giữa những người được coi là những con chim đầu đàn của PTDCVN, các ông HMC, NTG, HT, TK, HSP và hiện nay, thêm cả bà DTH phải chăng cũng bắt nguồn từ cái đầu óc bảo thủ? Người cho rằng mình có tuổi đời cao hơn, thành tích đấu tranh dày hơn thì phải ở vị trí lãnh đạo., Kẻ lại bảo rằng mình khôn ngoan hơn, lý luận sắc bén hơn, xứng đáng ở chức vị cao. Ai cũng quan liêu độcđoán , nhưng lại gán nó cho người khác. Đó là ngoài xã hội, trong gia đình, cái luân lý Nho Giáo đua đến quan liêu bảo thủ còn nặng nề hơn, cha mẹ bắt buộc con cái làm chuyện này, cấm đoán chuyện kia. Trong 1 bài viết của DTH, nhà văn có tiếng là hay góp ý đấu tranh cho dân chủ chống độc tài, khoảng tháng 9 năm nay, trong đó có đoạn bà nhất quyết cấm tiệt con cháu bà làm chính trị, nếu không nghe lời bà sẽ từ, người viết không ngờ bà vừa cởi mở lại vừa bảo thủ với con cháu mình đến thế. Còn trong quần chúng thì đầu óc bảo thủ còn ghê gớm ra sao nữa. Nào là : “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “áo mặc sao qua khỏi đầu”. “trứng đòi khôn hơn rận”…
Ngay cả trong cộng đồng hải ngoại, những người đã làm quen nhiều năm với các nền văn hoá phóng khoáng Tây Phương, óc quan liêu bảo thủ dường như còn bám rễ khá sâu trong lòng. Một số người cứ vin vào việc bảo tồn văn hoá, giữ gìn truyền thống để bảo vệ cái sự hủ lậu của họ. Trong các sinh hoạt cộng đồng, người Việt Hải Ngoại vẫn thường cố giữ những phong tục cũ kỹ. Điển hình như lễ giỗ tổ hàng năm, nghi lễ vẫn 1 bài bản đọc và đốt văn tế ,dâng trà dâng rượu, rồi tamquỳ ngũ bái, có từ bao năm, ban tế lễ phải là những ông già khăn đóng áo thụng, bảo rằng như thế mới trang trọng. Kết quả là mỗi năm mỗi vắng, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy một ít người trơ trọi. Tại sao chúng ta không khuyến khích mọi người tham gia bằng cách mời gọi các thành phần già trẻ trai gái đóng góp ý kiến về cách thức tổ chức các nghi lễ , làm sao cho vui tươi và hợp thời hơn, ban tế lễ nên bao gồm mọi thành phần, đặc biệt giới trẻ, vì họ là những người đang còn nhiệt tình và nhiều sáng kiến nhất? Về mặt xã hội và gia đình cũng thế, ngay cả trên diễn đàn DCV này vẫn có một số người lên tiếng chê bai nguyền rủa những ai có cái tên ngoại quốc là bọn mất gốc. Tại sao khi người ngoại quốc có một tên VN thì ta khen họ là có tính hoà đồng, còn ta thì không thể làm ngược lại, trong khi chúng ta đang sinh sống trên đất nước họ, nhất là khi tên của ta gây khó khăn cho họ trong cách phát âm, tệ hơn nữa, khi họ phát âm tên đó, nghe không ổn theo ngôn ngữ của họ? Truyền thống bảo thủ đôi khi còn gây phiền toái và rất tốn kém, một gia đình có người lập gia đình, chỉ nguyên 1 việc gửi đi khoảng 100 thiệp cưới, họ đã mất 10 cái cuối tuần( Weekends) để đến từng nhà đưa thiệp mời, người viết có hỏi sao không dùng hệ thống bưu điện, vừa nhanh chóng, vừa rẻ tiền, không tốn thì giờ? Câu trả lời là người Việt không chấp nhận thiệp mời qua bưu điện, cho rằng gửi như thế không trang trọng. Có thực như thế không? Hay đây chỉ là một hình thức bảo thủ, hành hạ người khác chỉ để vuốt vai cái tự ái nhỏ mọn của mình: được thiên hạ nể trọng? Kể ra thì rất nhiều, nhưng nói chung, vấn đề bảo thủ còn rất nặng nề trong đầu óc của mỗi người VN chúng ta: trong mỗi người VN có một ông quan. Điều này là 1 lực cản không nhỏ trong sự đoàn kết để đấu tranh cho dân chủ tại quê nhà. Chuyện giới tuyến bên này bên kia, màu cờ sắc áo, bất đồng nhưng không phản đảng, quên hận thù không quên quá khứ , đã đang làm cho phong trào dân chủ (không viết hoa) trong và ngoài nước ít nhiều bị phân hoá, không lớn mạnh được, dù chúng ta có cả 85 triệu người trong ngoài, vẫn bị một thiểu số chỉ vài trăm, thậm chí vài chục người lòng lang dạ thú, đàn áp khống chế bằng đủ mọi phương tiện. Nếu cho rằng dân chủ là sự tiến bộ, thì để có tiến bộ, phải có sự thay đổi một cách liên tục. Khi chúng ta cứ khư giữ cho mình những cái cũ dưới vỏ bọc truyền thống, thì chính con người chúng ta chưa có dân chủ. Chưa có con người dân chủ thì không thể có xã hội dân chủ. Xã hội chưa dân chủ đồng nghiã với độc đoán bảo thủ, đồng nghĩa với độc tài cộng sản. Điều này lý giải tại sao Lien Xô và các nước Đông Âu đã giải thể CS trên 16 năm nay, chỉ còn Cuba và 3 nước Á châu, những nước còn đang gìn giữ luân lý bảo thủ Nho Giáo, chế độ CS độc tài toàn trị vẫn còn tồn tại chưa sụp đổ.
Đến đây, người viết thấy có tin tức vào ngày hôm qua, trên 1200 công nhân VN tại Trảng Bàng, Tây Ninh đang đình công để đòi hỏi những quyền lợi thiết thực của họ. Xin có 1 đề nghị với các nhà tranh đấu cho dân chủ trong và ngoài nước, taị sao chúng ta không nhân cơ hội này đến với họ, ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của họ, đồng thời mang đến cho họ những thông tin quý báu về dân chủ, về tình hình lao động ở nước ngoài, hơn là chỉ chú trọng vào những lý luận đấu tranh xuông. Hoa dân chủ sẽ nở mạnh mẽ và mau chóng trong vùng đất màu mỡ công nhân này, khi họ thấy rằng, giới trí thức thực sự chăm lo đến quyền lợi và đời sống của cá nhân và gia đình họ. Một hành động thiết thực đáng quý hơn những lời hứa hẹn không thực tế. Thay vì ngồi đó mà bươi móc đời sống cá nhân để bôi lọ nhau, hãy tự đổi mới mình, rồi hoà mình vào quần chúng để chứng minh cho họ biết thế nào là dân chủ, và làm thế nào để đòi được dân chủ.

Phương Duy
Australia 29/12/2005

Các bài liên quan:
- Bàn về dân chủ,tác giả Nguyễn Thành Công
- Độc quyền chân lý là thủ tiêu chân lý,tác giả Trần Mạnh Hảo
- Dân chủ đa nguyên,tác giả Nguyễn Thái Nhiên

No comments: