Công nhân VN sau các cuộc đình công.

Bắt đầu từ những ngày cuối cùng của năm 2005, các Cuộc đình công của công nhân VN làm việc cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài 100%, đã trở thành các cuộc biểu tình để đòi hỏi các quyền lợi của họ, cơ bản là đòi tăng lương tối thiểu. Sự kiện đình công liên tiếp, nhanh chóng và hàng loạt như vậy đã làm nhà nước CSVN lo sợ. Do đó thủ tướng CSVN Phan văn Khải đã ký ngay quyết định tăng 40% lương căn bản cho công nhân trong một cố gắng giải quyết vấn đề. Tưởng là đã xoa dịu tình hình, nhưng ngay lúc đó, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các công ty thuộc Đài Loan, nơi đứng đầu trong việc đầu tư vào VN với số vốn gần 7 tỷ đô la Mỹ, lên tiếng đe doạ đòi rút khỏi VN vì cho rằng chi phí sản xuất tăng quá cao không còn lợi nhuận. Đồng thời, chính phủ Đài Loan cũng gặp gỡ giới lãnh đạo VN để yêu cầu bảo vệ sự an toàn và ổn định cho các doanh nghiệp của họ. Hơn thế, họ còn muốn nhà cầm quyền VN hứa bảo đảm không cho phép chuyện đình công tương tự xảy ra trong tương lai nữa. Trong khi đó, lại có nguồn tin cho biết, công an VN đã bắt giữ khoảng trên 100 công nhân mà họ cho là những tay đầu sỏ, có ý đồ xấu, cầm càn xúi giục đình công. Chuyện những người này đang bị bắt giữ, báo chí và truyền thông trong nước, không thấy nhắc nhở tới (có thể có một vài tờ báo nói đến mà người viết không biết), không ai biết họ đang bị giam nơi đâu, bị xét án hay không, khi nào được tha về để trở lại với công việc thường ngày?

Bao nhiêu năm nay, dưới chế độ XHCN, chuyện đình công dường như không có ở VN, hay có cũng chỉ dưới hình thức rất nhỏ, vài ba chục, vài ba trăm người, không cần đến công an hay cán bộ nhà nước đụng tay, ban quản trị doanh nghiệp chỉ cần đuổi cổ vài ba tên cầm đầu là xong. Điển hình vụ công an tỉnh Phú Thọ từng bắt giữ một cựu công nhân của công ty đồ gỗ Hàn Quốc vì tội đe dọa tống tiền viên phó giám đốc công ty, người thanh niên này đã bị đuổi việc khi anh ta từ chối đi làm trong ngày lễ nghỉ 02/9/05 - ngày quốc khánh của CHXHCNVN. Tức giận vì bị sa thải bất công làm anh phạm pháp.

Sự đình công quá lớn lao và đồng loạt, trên 40.000 người, trong nhiều thành phố tỉnh lỵ, chứng tỏ sự bức xúc của công nhân đã dâng lên quá cao như sóng trào, tức nước vỡ bờ. Lý do: hơn 6 năm qua, bao lần lạm phát gia tăng, vật giá ngày càng đắt đỏ, mà đồng lương chết đói cứ ỳ một chỗ, kéo theo mọi chế độ tiền thưởng, bảo hiểm, ngay cả chế độ ăn uống cũng tồi tệ, lại còn cảnh áp bức bóc lột như ở lại tăng ca quá mức, không trả thêm lương phụ trội, đi toilet bị trừ tiền, có khi còn hành hạ, đánh đập công nhân , bắt quỳ ngoài sân giữa trưa nắng, cắt phần ăn trưa v.v… Trong khi đó, tổ chức công đoàn, mang danh nghĩa đại diện cho công nhân, không hề có một phản ứng hay hành động gì để gọi là bênh vực gíúp đỡ. Thực ra, đại diện cho công đoàn tại các hãng xưởng cũng là công nhân, nên lo sợ công việc bị ảnh hưởng. Tệ hơn, một số còn về phe với ban quản trị, ỷ thế đàn áp đồng nghiệp để tăng công,lấy điểm. Công đoàn, nghiệp đoàn ở trên thì cao quá không với tới, có tới thì với tình trạng tham nhũng, hối lộ, quà cáp của đám chủ nhân cũng làm nó trở nên vô hiệu hoá. Nếu như có được một nhân viên trong nghiệp đoàn vô tư trong sạch, thì hệ thống luật rừng cũng biến nó trở thành trò”con kiến mà kiện củ khoai”, mất hết bằng chứng và thời gian tính cho vụ việc. Hậu quả, công đoàn tại VN hoàn toàn thờ ơ, không thật sự làm được vai trò bảo vệ quyền lợi thiết thực của công nhân. Chính vì thế, công nhân không có lựa chọn nào khác, ngoài việc tự phát kêu gọi nhau đồng loạt đình công khắp nơi trên các tỉnh thành phía Nam.

Ai có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động? Không chỉ Công đoàn mà cả các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật trong nước phải có trách nhiệm bảo vệ các quyền lợi của người lao động, đặc biệt giới công nhân, đối đầu lại chủ trương lợi nhuận trên hết của giới tư bản chủ nhân. Chúng ta thử nhìn khái quát về chức năng và nhiệm vụ của từng cơ chế trên:

Cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá, không quốc gia nào muốn phát triển mà có thể đứng riêng, không chịu hội nhập vào thế giới. Khi đã hội nhập, phải chấp nhận luật chơi chung mà tính cạnh tranh là điều bắt buộc. Để có thể cạnh tranh với các nước khác, nhà nước cần có sách lược tăng trưởng về kinh tế một cách khôn ngoan: tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực để có thể phát triển về mọi mặt, trong đó yếu tố nhân lực là nguồn lực vô tận và quan trọng nhất. VN trong giai đoạn hiện tại, nền kinh tế công nghiệp đang chập chững ở độ sản xuất gia công, việc kêu gọi phát triển đầu tư nội tại không đủ cung ứng, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài là thiết yếu. Muốn thu hút nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài, thị trường lao động phải hấp dẫn, nghiã là cần có tính cạnh tranh, làm sao để giới tư bản đầu tư nhìn thấy ngay lợi nhuận. Thị trường lao động VN đang rất hút vì khối nhân lực vừa đông vừa rẻ, công nhân học việc nhanh và rất siêng năng. Không thể vì nhu cầu hội nhập và phát triển mà cơ quan quản lý nhà nước bán rẻ sức lao động của nhân dân mình vô tội vạ. Cơ quan quản lý nhà nước, khi ký kết các giao kèo với các doanh nhân vào đầu tư khai thác, ngoài luật đầu tư, cần có thêm các điều kiện cơ bản kèm theo như:

- Nâng cấp, chuyển giao các kỹ thuật công nghiệp cả về phương tiện sản xuất (máy móc, kỹ năng) lẫn phương cách làm việc (quản trị, điều hành) theo từng mỗi giai đoạn, từng khoảng thời gian.

- Có kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho mỗi công nhân, tuỳ theo khả năng,trình độ kiến thức từng người..

- Bảo đảm an sinh, không những cho công nhân và gia đình họ, mà cho toàn thể nhân dân trong vùng, không gây nguy hại cho môi trường chung quanh (xả rác, chất độc hại vào đất đai, sông suối), không làm ô nhiễm không gian (nhả bụi khói mịt mù, nhất là những nơi có đông dân cư sinh sống) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Một trong các nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước là có kế hoạch tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Ngoài sự giữ vững công việc sẵn có của các công nhân đương thời, nhà nước còn phải trù tính đến sự gia tăng hàng năm của lực lượng lao động. Dưới trách nhiệm nặng nề này, nhà nước dễ bị đám doanh nhân nước ngoài khuynh đảo. Trong việc giải quyết nạn thất nghiệp, không nên để bị họ eo sách hoặc lôi cuốn mà hy sinh, áp chế các quyền lợi của đất nước và nhân dân.

Trong nhiều năm qua, dựa vào cáo gọi là lề lối làm việc linh động kiểu Á Đông, thực tế là sự tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc, cơ quan nhà nước đã để cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường lao động VN,các đon vị hành chánh cấp thấp, để lôi kéo đầu tư về điạ phưong của mình hầu hưởng lợi, đã cạnh tranh bất chính với nhau bằng cách dìm giá lao động, dành quyền tuyển lựa nhân công để mặc tình ra giá mua bán hay bắt chẹt chia phần lương bổng. Trò hối lộ qua các hình thức quà cáp của doanh nhân cho các cơ quan quản lý nhà nước là sự thông đồng đôi bên cùng có lợi, chỉ có giới công nhân chịu thiệt thòi. Hãy làm 1 con tính đơn giản: với đồng lương tối thiểu 600.000 đồngVN/tháng, không tính phụ cấp, không tính tăng ca phụ trội, lương tổng cộng của 1 công nhân trong 6 năm qua là 43 triệu đồng VN (600.000 X 72 tháng = 43.200.000 đồng VN), nhà nước vừa ký quyết định tăng 40% lương tối thiểu cho công nhân, có nghĩa là doanh nhân đã ăn gian 40% lương tăng của công nhân trong 6 năm (trung bình 6.5% một năm). Tiền quỵt nợ 1 công nhân là 17 triệu VN (40% của 43 triệu = 17 triệu). Thống kê cho thấy hiện có khoảng một triệu công nhân VN đang làm việc trong các công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài. Như vậy, tiền doanh nghiệp nước ngoài đã quỵt trên một triệu công nhân VN trong 6 năm qua là 17 ngàn tỷ đồng VN (17 triệu X 1 triệu nhân công = 17 ngàn tỷ). Đổi ra đô la Mỹ theo hối suất hôm nay: 1 USD = 15.900 đồng VN, lượng tiền tương đương 1 tỷ 100 triệu đô la. Tới đây, chúng ta có thể đoán được bao nhiêu vào túi cơ quan nhà nước, còn bao nhiêu doanh nhân hưởng lợi.

Luật lao động.

Bàn về lãnh vực pháp luật trong kinh tế, chúng ta có cả rừng luật mà ngay những nhà kinh tế giỏi giang nhất cũng không tài nào nắm bắt hết, thường thì các đại công ty có nguyên cả ê kíp hàng chục, có khi hàng trăm luật gia để tham khảo, cố vấn cho họ. Ở đây, chỉ xin nêu lên một vài khía cạnh căn bản nhất của luật lao động một cách khái quát, không phải theo kiến thức của một luật gia, mà chỉ theo sự hiểu biết hạn hẹp thô thiển, thực tế trong cuộc sống, dù đơn giản nhưng thiết yếu để người lao động ý thức được hầu tự bảo vệ mình hoặc đòi hỏi được bảo vệ.

Nói đến luật lao động, trước hết phải nói đến quan hệ lao tư, còn gọi là quan hệ chủ thợ. Xưa nay, quan hệ này luôn luôn xung khắc. Theo Marx, chính sự xung khắc này đưa đến sự đấu tranh giai cấp, từ đó nảy sinh chủ nghĩa Cộng Sản. Tuy xung khắc nhưng chủ thợ vẫn phải dựa vào nhau để sống. Luật lao động được làm ra để phần nào hoá giải những xung khắc này. Giới chủ nhân muốn nhân công làm việc nhiều hơn, lãnh lương ít hơn để trong sản xuất bớt chi phí, hưởng lợi nhiều hơn, cuối cùng đi đến sự bóc lột sức lao động. Trái lại, công nhân muốn làm ít đi, lãnh lương nhiều hơn, rốt cuộc, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, giới chủ nhân thua lỗ, cuối cùng doanh nghiệp rút chạy hoặc sụp đổ, chủ mất nhà máy, công nhân mất việc. Luật lao động mang sự dung hoà đến cả 2 phía: quyền lợi và trách nhiệm cho cả 2 bên để cùng bớt đi sự bóc lột sức lao động, giảm thiểu những lãng phí gây nguy hại cho doanh nghiệp. Luật lao động căn bản:

- Hợp đồng làm việc: 2 bên chủ thợ ký hợp đồng về hình thái làm việc: toàn thời, bán thời, vĩnh viễn, tạm thời, hoặc các giao kèo thời hạn dài ngắn khác nhau (tháng, năm…), đồng thời chấp nhận điều kiện làm việc theo tiêu chuẩn, chính sách của từng chuyên nghề, từng doanh nghiệp.

- Điều kiện làm việc: Luật lao động quy định chung về các điều kiện làm việc tối thiểu mà mọi doanh nghiệp phải cung ứng cho công nhân.

1. Lương bổng và phụ cấp: ấn định lương tối thiểu cho từng độ tuổi lao động, các phụ cấp nghề nghiệp, tỷ lệ phụ trội tăng ca, phụ cấp đau ốm, hộ sản, thường niên, ngày lễ tết, lương hưu…mà người lao động phải được hưởng đầy đủ.

2. Thời hạn làm việc theo tiêu chuẩn: thí dụ 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/ tuần. Sau đó là giờ tăng ca (trả phụ trội), thứ Bảy, Chủ Nhật là ngày nghỉ cuối tuần, nếu phải đi làm sẽ tính vào giờ tăng ca. Những ngày lễ Tết nghỉ có lương, số ngày nghỉ bệnh có lương, số ngày nghỉ thường niên có lương.

3. An toàn lao động: các dụng cụ an toàn (quần áo, mũ nón, mặt nạ khẩu trang, giầy dép và các dụng cụ cần thiết cho lao động) phải được cung cấp để tránh tai nạn, độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ hay sinh mạng của công nhân. Các phương pháp làm việc an toàn: tốc độ máy móc không quá sức người, dễ gây nguy hiểm. Có một khoảng cách nghỉ ngơi cho công nhân (thí dụ 10 phút nghỉ sau mỗi 2 giờ làm việc) để tránh sự quá mệt nhọc dễ gây tai nạn.

4. Chế độ bảo hiểm: các bảo hiểm tối thiểu cho công nhân trong trường hợp gặp nạn, mất sức lao động, thương tật, về hưu, hay mất mạng sống trong công việc, kể cả sự mất việc

5. Cơ hội bình đẳng: tất cả công nhân, tuỳ năng lực, trình độ chuyên môn, tay nghề, thâm niên, phải có cơ hội để thăng tiến trong nghề nghiệp và lợi tức, không chấp nhận phe cánh hay quen biết. Trong cách đối xử, mọi người từ công nhân đến ban quản trị phải được đối xử như nhau, giữa con người với con người, không chấp nhận sự hành hạ bằng bất cứ hình thức nào trong lao động. Nhân viên phạm lỗi bị xử phạt theo quy chế đã được ấn định trong chính sách làm việc. Không bị kỳ thị về tuổi tác, phái tính,sắc tộc, tôn giáo,thành phần xã hội,tình trạng gia đình.

Qua một số luật lao động rất sơ lược trên, chúng ta cũng thấy rõ luôn luôn có sự tranh chấp giữa chủ và thợ. Điều đáng quan tâm là, không phải lúc nào các bất đồng này cũng có thể giải quyết một cách êm đẹp. Khi sự mâu thuẫn quá sâu sắc thường dẫn đến sự đình công, vũ khí cuối cùng của giới công nhân. Trong sự đình công, cả 2 phía chủ thợ đều bị thiệt hại. Để giảm bớt thiệt hại của cả 2 bên, luật lao động quy định những luật lệ để sự đình công có được yếu tố hợp pháp hay không, chẳng hạn trước khi đình công cần có sự trao đổi của đại diện 2 bên để giải quyết vấn đề trước, sau đó để đình công cần có sự biểu quyết đồng ý của đa số (trên 50%) công nhân, thông báo thời hạn ngày, giờ cuộc đình công khởi sự cho đại diện chủ nhân. Trong lúc đình công, đại diện chủ thợ vẫn phải tiếp xúc để giải quyết sự mâu thuẫn. Tốt nhất, cần có 1 uỷ ban độc lập để hoà giải, gồm những chuyên gia độc lập rành rẽ về luật. Uỷ ban sẽ nghe 2 bên trình bày đối chất, rồi phân xử đúng theo luật lao động.

Cho đến nay, mặc dù hệ thống pháp luật VN có luật lao động, dường như bộ luật này không được phổ biến sâu rộng, người lao động VN không mấy ai biết được những điều cơ bản về quyền lợi và nhiệm vụ của mình. Hậu quả là đã phải chịu đàn áp bóc lột cả sức lao động lẫn mọi quyền lợi về tinh thần cũng như vật chất trong nhiều năm liền. Đến khi quá uất ức dẫn đến đình công , từ đình công đi đến biểu tình. Trong biểu tình, đôi khi chỉ vì một chuyện đôi co bé nhỏ mà gây nên những xô xát, hoặc dẫn đến bạo động (như đã xảy ra trong những ngày qua). Không có một ban hoà giải để 2 bên giải quyết những tồn tại từ nhiều năm qua, người công nhân thấp cổ bé miệng chỉ biết trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước ở trên trông xuống. Tuy nhà nước có hứa giải quyết cho tăng lương, những xung đột bất công khác vẫn còn tồn đọng, chưa ai biết rối những diễn tiến bất ngờ sẽ đi về đâu.

Công Đoàn.

Công đoàn là đoàn thể thoát thai từ công nhân. Công đoàn đại diện công nhân để đấu tranh bảo vệ các quyền lợi cho đoàn viên của mình. Mặc dù đã có cơ quan nhà nước và bộ luật lao động, không phải lúc nào các chính sách và luật lệ cũng được thi hành đúng mức; đồng thời, theo quy luật tiến hoá và phát triển, cái tốt đẹp hôm nay, chưa chắc là cái hoàn thiện cho ngày mai; công đoàn có nhiệm vụ theo dõi bảo vệ những quyền lợi sẵn có, xem xét cho nó được thi hành đầy đủ, nghiên cứu để đề xuất cải thiện, thay đổi những luật không còn hợp thời và tìm tòi ra những khó khăn mới của công nhân nảy sinh qua sự tiến triển của quan hệ lao tư, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật thay đổi cực nhanh hiện nay, đòi thêm quyền lợi mới. Cụ thể, công việc của công đoàn là tham khảo hàng năm, giá trị đồng lương của công nhân có tương xứng với giá trị lao động của họ không? Tình trạng lạm phát, tỷ giá chi dùng, tỷ lệ hối xuất mỗi năm mỗi tăng ảnh hưởng ra sao? Công đoàn cần có những hội họp thảo luận với công nhân thường xuyên để cùng góp ý thương lượng những yêu cầu, đòi hỏi của mình tới ban quản trị doanh nghiệp. Không những thế, công đoàn còn phải giúp đỡ, tranh đấu cho mỗi cá nhân của đoàn viên công nhân khi những người này gặp khó khăn trở ngại riêng, chẳng hạn bị một viên giám đốc, đốc công ức hiếp tàn nhẫn, đối xử quá bất công, có hành vi xách nhiễu hoặc bị sa thải vô cớ.

Thế nhưng công đoàn ở VN đã không có cách tiếp cận như vậy. Trong khi các cơ quan nhà nước viện dẫn lý do giữ tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư để làm ngơ cho tư bản ngoại quốc bóc lột nhân dân lao động, đám công đoàn VN lại cũng theo đóm ăn tàn, về hùa với những ông …Trời con đó, quay lại ức chế các đoàn viên của mình, những người hàng tháng cứ phải đóng góp một phần đồng lương ít ỏi để trả lương cho họ, không đếm xỉa gì tới những nhu cầu tối thiểu của công nhân. Chung qui cũng do sự lạm dụng quyền hành, phe phẩy móc ngoặc, rồi kết bè kết đảng của thiểu số để đưa người thân bạn bè, tay chân vào những vị trí then chốt để lũng đoạn cả tập thể. Sau những biến động của các cuộc biểu tình qui mô vừa qua, có thể nói bắt đầu làm rung chuyển chế độ CS độc tài, chúng ta hy vọng rằng, giới công nhân đã thấy rõ ai là người đại diện chân thật của họ. Những tên lưu manh đểu giả đã thì lộ mặt, những người được bầu vào trong công đoàn sắp tới phải là những gương mặt sáng giá, thực sự chăm lo đến quyền lợi của công nhân.

Vai trò của DCSVN.

Có một điều trớ trêu, ĐCSVN luôn luôn tự nhận là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngay từ khi mới thành lập. Thuở ấy, VN là đất nước có nền kinh tế 90% nông nghiệp, nền công nghiệp chưa có gì ngoại trừ một ít thủ công nghệ,dường như chưa có giới công nhân, đảng đã coi mình là đại diện cho nó, dù giai cấp này chưa thành hình. ĐCSVN đã ma mãnh chơi trò liên hiệp công nông, nhưng vẫn cho công nhân làm giai cấp lãnh đạo để theo đúng đường lối chủ nghĩa Mác Lê. Đến khi chiếm được chính quyền trong tay rồi, lãnh đạo đất nước đi theo trào lưu tiến hoá của thế giới mới thấy muôn vàn khó khăn. Hơn 50 năm áp đặt xây dựng Tổ Quốc theo mô hình XHCN, 30 năm làm kinh tế kiểu bao cấp CS chỉ mang đến đói nghèo tụt hậu. Tỉnh chút cơn mê, mời gọi đám tư bản nước ngoài vào đầu tư trong nước, quay đầu đi ngược với ý thức hệ CS, nhưng lập lờ đánh lận con đen bằng cái đuôi định huớng XHCN quái gở. Những năm vừa qua, vì sợ mất đi tính cạnh tranh trong sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nên cố bảo vệ môi trường đầu tư bằng mọi giá, hy sinh các nhu cầu căn bản của người dân lao động để làm vui lòng đám tư bản nước ngoài mà trên lý thuyết của đảng vẫn hô hoán là kẻ thù đang giẫy chết, những tên ăn bám, những con đỉa nhiều vòi đang hút máu mủ nhân dân thì quả là bất nhân, đại bất nhân. Khi thấy sự cố biểu tình lan nhanh và có chiều hướng không kiểm soát được nữa, đảng đành cho ông Thủ Tướng ký sắc lệnh tăng lương khẩn cấp lên tới 40%, một việc hy hữu chưa bao giờ có trong lịch sử CSVN. Sự tăng lương đột ngột và quá cao này chắc chắn đang gây một hệ lụy mà chúng ta có thể chờ xem: Giới đầu tư bất mãn, chính quyền các nước đòi can thiệp, giá sinh hoạt trong nước xáo trộn và nghe đâu, công nhân một số công ty có vốn đầu tư trong nước cũng đang rục rịch… theo bước . Có điều chúng ta có thể nhìn ra được, là rõ ràng 2 triệu đảng viên đảng CSVN không nằm trong thành phần công nhân này, hay nếu có chỉ là một số rất nhỏ nằm trong ban quản trị doanh nghiệp, ban lãnh đạo công đoàn. Có lẽ do quá trình phấn đấu để vào đảng khó khăn vất vả, không lý tưởng mà mục đích chỉ là tiến thân, hưởng lợi, nên khi thành đảng viên, ít ra cũng phải tìm được những vị trí tốt, ngồi mát ăn bát vàng như các cơ quan nhà nước , hay tệ nhất cũng ở trong 1 công ty quốc doanh mà làm thì ít, báo cáo thành tích thì nhiều, lỗ lã cũng chẳng phải lo. Không có đảng viên trong đám công nhân này thì đảng đâu cần bận tâm, đối với nhân dân lao động, đảng cần lãnh đạo, không cần phục vụ. Sự nhượng bộ trong việc chấp nhận nâng lương chỉ là hành động tạm thời nhằm giảm sức ép. Những biện pháp trừng trị sau này ra sao chưa ai lường trước được. Đừng quên rằng, đảng thường lui một bước để tiến lên hai bước. Chuyện bắt giữ hơn 100 công nhân chứng tỏ điều đó. Khi tình hình lắng dịu, đảng sẽ đưa những người này ra đấu tố, xét xử, khép vào những tội như đình công không xin phép, biểu tình bất hợp pháp, hoặc có thể nặng hơn như phá rối trị an, phá hoại sản xuất, đập phá tài sản nhà nước, chống đối chế độ…

Kết luận.

Để tránh những hậu quả không hay đó, giới công nhân VN cần đoàn kết chặt chẽ với nhau. Khi chấp nhận sát cánh bên nhau qua các cuộc đình công biểu tình, các bạn đã bước vào con đường đấu tranh trong hoà bình cho chính bản thân mình không thể quay đầu lại. Những quyền lợi mà các bạn gặt hái được còn rất nhỏ nhoi và không chắc chắn. Các bạn cần mạnh dạn hơn nữa, nhất là trong việc bầu ra những đai diện thực sự cho mình, làm cho công đoàn trở về vị trí đúng nghĩa của nó. Không phải chỉ có đồng lương, mà nhiều thứ khác còn cần yếu hơn như quyền đòi được đối xử công bằng trong công việc, không bị đàn áp đánh đập hay bất cứ hình phạt có hại cho tinh thần và thể lực, quyền bảo hộ an toàn lao động ở mức cao nhất, quyền không bị sa thải bất công, hay nếu bị sa thải phải có sự bồi thường chính đángv.v… Tốt hơn hết, từng công đoàn nên phổ biến luật lao động đến từng công nhân. Áp dụng chính những luật lệ cũa CS để tranh đấu bảo vệ cho mình một cách hợp pháp. Đừng quá lo đến những lời đe doạ rút chạy của giới chủ nhân. Họ sẽ không bỏ chạy. Cho dù họ có rút chạy cũng có hàng trăm công ty khác sẵn sàng chiếm chỗ. Nếu như công ăn việc làm bị ảnh hưởng trong vài tháng, cũng đừng lo sợ, vì sự đấu tranh này sẽ có lợi trong dài hạn. Châm ngôn là: người siêng năng đừng sợ không có việc, chỉ sợ bạn có đủ siêng năng hay không. Một điều rất quan trọng: xin đừng quên các bạn hữu, những người vì tranh đấu cho các bạn mà đang bị bắt bớ giam giữ. Hãy tranh đấu đòi thả họ và cho họ trở lại công việc cũ. Thành quả các bạn có được hôm nay, công đầu là của các anh em không may mắn đó.

Cuối cùng, xin có lời với các nhà đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước: Có lẽ trong lúc này, quý vị không thể công khai tiếp xúc với anh chị em công nhân để ủng hộ và hỗ trợ họ, vì như thế giới lãnh đạo CSVN sẽ chụp ngay cơ hội để đổ hết tội lỗi gây rối, phá hoại trật tự an ninh, chống đối chế độ lên đầu quý vị và anh em công nhân. Họ sẽ có cớ để bắt bớ, đàn áp thẳng tay. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể âm thầm tiếp tay bằng cách kín đáo loan truyền những tin tức nóng này đến mọi người dân, đặc biệt là nhân dân lao động miền Bắc (Theo tin tức báo chí từ những ngày qua, các cuộc đình công chỉ xảy ra từ tỉnh Quảng Nam trở vào, có nghĩa chỉ có ở miền Nam). Tìm cách phổ biến sâu rộng về luật lệ lao động tại VN cho càng nhiều người biết được càng tốt. Lập danh sách tên tuổi những công nhân đang bị bắt giữ chuyển ra ngoài tìm cách vận động giúp đỡ họ. Quý vị tại hải ngoại có thể gửi về VN các tài liệu về quyền lợi căn bản của công nhân các nước mình đang sinh sống để người trong nước có được sự so sánh đối chiếu, rút tỉa những kinh nghiệm. Dùng sự quen biết và ảnh hưởng của mình với các cơ quan trong nước. các chính quyền , các tổ chức có uy tín trên thế giới yêu cầu, đòi nhà cầm quyền VN trả tự do ngay cho những người bị bắt giữ. Chúng ta đang có một cơ hội rất thuận tiện để thâm nhập vào hàng ngũ nhân dân lao động, tìm hiểu những nhu cầu và nguyện vọng của họ cũng như giúp họ nâng cao trình độ nhận thức. Đấu tranh cho quyền lợi thiết thực của đại đa số nhân dân lao động chính là nền tảng của đấu tranh cho dân chủ.
Phương Duy
Australia, 14/01/2006

Các bài liên quan:
- Công nhân VN, cuộc đọ sức bắt đầu,tác giả Phương Duy
- Tác động của đình công,tác giả Binh Nhì
- Thư gửi N.Đ.Mạnh:yêu cầu 8 điểm của công nhân VN,tác giả Nguyễn Tấn Hoành.
- Đình công - quyền lợi cho ai?tác giả Trần Giao Thuỷ.

No comments: