Huấn thị Đỗ Mười

Huấn thị của “NGƯỜI”.


Không có gì QUỶ hơn ĐỘC TAÌ,TỰ DIỆT,VÔ PHÚC.”
(Ranh) ngôn cụ Đỗ.

Việt Nam, từ xưa tới nay, theo ĐCSVN, là 1 đất nước có nhiều huyền thoại. Chuyện cha rồng Lạc Long lấy mẹ tiên Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, tạo nên dòng giống Bách Việt đã là huyền thoại của thuở dựng nước. Chuyện An Dương Vương với chiếc nỏ thần Kim Quy, hay chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân đã trở thành huyền sử giữ nước. Thời cận đại lại có những huyền thoại trong chiến tranh như Phan Đình Giót, Lê văn Tám…Bom đạn dứt thì những xác chết khô như Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc lại được lôi ra đánh bóng làm huyền thoại. Thế nhưng. cái huyền thoại mà người CSVN trân quý và cho là vĩ đại nhất vẫn là huyền thoại Hồ Chí Minh. Gần đây, dường như , ở VN, người ta cũng đang hình thành thêm một cái huyền thoại vĩ đại mới.
Vừa qua, ngay khi ông TBT đương kim Hồ Cẩm Đào của đảng CSTQ anh em vĩ đại mới dời bước chân khỏi VN, ông cựu TBT Đỗ Mười của ĐCSVN bèn đưa ngay lên trang mặt của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của DCSVN, một bài về định hướng XHCN kiểu… Đỗ Mười.
Trước đây, ông cựu TBT ít khi viết lách. Việc này đã có các đàn em Nguyễn Phú Trọng, Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm, các trưởng ban văn hoá tư tưởng và lý luận chủ nghĩa Mác Lê đảm trách. Kỳ này, chính ông cựu TBT tự làm, ký tên Đỗ Mười với đầy đủ chức vụ rất rõ ràng minh bạch. Có thể cả nứơc đang được chuẩn bị học tập để quán triệt chủ trương đường lối của nó, có khi cả năm hay nhiều năm cũng không chừng.
Bài viết có thể nói khá dài, người viết đã thử in ra giấy, khổ loại A4 với kiểu chữ nhỏ nhất cũng hết tới 7 trang. Ông Bùi Tín, trong 1 bài viết mới đây, khi liên quan tới bài này, nói là ông đếm được cụ cựu TBTđã 52 lần nhắc đến từ XHCN, và hơn 10 lần nêu tên Mác. Trong một bài báo khác, ông Ngô Nhân Dụng còn cẩn thận hơn, đếm được đúng 6803 chữ kể cả tên và chức vụ. Nhà báo Ngô Nhân Dụng nhận định rằng bài lý luận của Đỗ Mười đã dài lại rỗng,tốn giấy mực tốn thì giờ, chỉ để biện minh cho cái kinh tế quôc doanh lỗi thời và ăn hại, cùng một số lý luận loanh quanh để mắng mỏ “bọn xét lại”, đồng thời bào chữa cho cái đổi mới nửa vời, có định hướng của ĐCSVN, hay của chính ông. Người viết không có ý định đi sâu vào chi tiết của bài viết, đơn giản là chưa đủ khả năng, có nhiều đoạn , thú thực đã cố đọc 3,4 lần mà vẫn không hiểu, chỉ muồn nhìn đến một khía cạnh khác của nó. Nhưng trước hết, xin được tạm khái quát những ý chính, theo kiến thức thô thiển của mình, để các bạn đọc dễ theo dõi, vì có thể 1 số bạn chưa đọc nó, hoặc có bạn đang đọc mà vì quá dài nên bỏ nửa chừng.
Ngay đầu bài , Đỗ Mười đã đi thẳng vào chủ đề: đổi mới. Theo ông định nghĩa: đổi mới là 1 sư nghiệp cách mạng vẻ vang, là thành tựu, là bước trưởng thành và phát triển, là lẽ sống còn của quá trình xây dựng XHCN của đảng và nhân dân ta. Định nghĩa như ông thì trước đổi mới, sự nghiệp cách mạng không vẻ vang, nước nhà không thành tựu phát triển, đảng và nhân dân ta không tồn tại?
Sau đó ông khẳng định : đổi mới nhưng phải quán triệt những nguyên tắc cơ bản, mà nguyên tắc hang đầu là giũ vững mục tiêu, lý tưởng xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Phần tiếp theo, ông nhìn thẳng sự thật: tình hình ngày nay nghiêm trọng, người dao động, phai lạt lý tưởng càch mạng không phải là ít, không ít có nghĩa là nhiều. Ông nhận định nhiều đảng viên dao động nghi ngờ chủ nghĩa xã hội do có nhiều nguyên nhân, vì nông cạn ,sơ sài trong nhận thức, mơ hồ về sự tạm thoái trào của chủ nghĩa xã hội và sự sụp đổ của Liền Xô( chỉ có ông biết nhận thức đúng ). diễn biến tình hình thế giới thay đổi quá nhanh, các thế lực thù địch đánh phá dữ dội bằng sự tác động tư tưởng, lý luận và bằng cả đô la.
Rồi ông đổ lỗi cho sư tan vỡ của Liên Xô là do sự rối loạn về tư tưởng và tổ chức, trực tiếp là do thực thi một đường lối cải tổ sai lầm, cộng thêm sự phá hoại của các thế lực thù địch cũng bằng các thủ đoạn chính trị,tinh thần, tư tưởng, lý luận cùng các tổ chức và sức mạnh tài chính. (Lại cũng: thành công là bởi đảng ta, đổ vỡ là tại tà ma địch thù.) Cũng theo ông, cho dù đã tan rã, mô hình XHCN Liên Xô, nhìn tổng thể và trong quá trình 70 năm,vẫn có những thành tựu vĩ đại, những ưu việt nổi trội: xóa bỏ đói nghèo, thu hẹp khoảng cách thu nhập và đời sống nhân dân, nâng cao thể lực?,trí tuệ và văn hóa của nhân dân; đặc biệt, tạo nên đối trọng đối với chủ nghĩa tư bản thế gìới, làm cho các nước tư bản phát triển nhất phải tiếp thu 1 số mặt của xã hội Sô Viết ( mặt gì ông không nói?) để tự điều chỉnh nhằm kéo dài sự sống.( Ý ông muốn nói nếu không nó đã dẫy chết đùng như Các Mác đã tiên đoán?)
Từ kinh nghiệm 70 năm Liên Xô đó, ông Mười đề ra cương lĩnh xây dựng đất nước của đảng và nhân dân: kiên định lập trường xã hội XHCN, đất nước còn cần nhiều năm trong thời kỳ quá độ để phát triển dần dà từng bứơc một, để làm cho bộ mặt của chủ nghĩa xã hội từ từ bộc lộ cho đến khi đầy đủ ( Vậy là VN đặt tên nước CHXHCNVN cho vui vậy thôi , chứ theo ông Mười làm gì đã có XHCN ở VN?)
Đến đây, ông cựu tổng mới bàn về chuyện chính: định hướng XHCN trong kinh tế thị trường. Ông lý luận : chủ nghĩa xã hội kế thừa chủ nghĩa tư bản nhưng phát triển cao hơn. Cao hơn ở chỗ, tuy cũng dùng chủ nghĩa tư bản để phát triển, song lại lấy nhân dân lao động làm chủ và chế độ công hữu làm chủ yếu. Nhân dân làm chủ qua nhà nước, và dưới sự lãnh đạo của đảng? Ở đây, cần ghi nhận một tư tưởng độc đáo của ông: ba quyền lập pháp,hành pháp, tư pháp không phải là đối lập mà là sự phân công (của đảng?). Thêm một đặc điểm nữa là sự phân công đó về hình thức và cơ chế cụ thể còn phải tìm tòi, tổng kết và thử nghiệm để làm sang tỏ nhiều hơn nữa?
Nói về đổi mới thì ông cựu tổng đòi khắc phục tình trạng nôn nóng xây dựng chế độ công hữu (chính ông là người trước đây nôn nóng qua các vụ cãi tạo lao động, cải tạo công thương nghiệp, thành phần kinh tế mới, chắc khi viết đoạn này ông quên béng). Không nôn nóng nhưng không từ bỏ;chế độ công hữu vẫn là quan trọng bậc nhất. Công hữu vẫn là chủ đạo trong đổi mới, cho dù có công nhận các kinh tế đa thành phần, nói đon giản là chấp nhận tư hữu, kẻ thù chính của chủ nghĩa xã hội. Biện minh cho sự chấp nhận này, ông cựu tổng phải lôi ông thánh HCM vào cuộc, Để giải thích cho việc cho bọn tư bản bóc lột nước ngoài vào đầu tư, ông gọi đây là các thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Nó vừa là thành tựu của thực tiễn, của lý luận trong công cuộc tiến hành đổi mới , vừa là sự sáng tạo của đảng và đặc biệt của cá nhân ông. Đồi mới trong kinh tế tuy đa dạng nhưng không độc lập, các thành phần kinh tế, bình đẳng trong pháp luật, nhưng không cào bằng;kinh tế quốc danh phải luôn luôn ưu tiên và chủ đạo, các thành phần kinh tế tư nhân khác, được chấp nhận nhưng phát triển theo luật pháp CHXHCNVN. (Còn kinh tế quôc doanh thì không phải theo?) Nói gọn, kinh tế quốc dân định hướng XHCN (học thuyết Đỗ Mười): bao gồm kinh tế nhà nước chủ đạo. kiểm soát các thành phần kinh tế khác.
Cuối cùng, ông cựu tổng cố gắng liên hệ cái nền kinh tế định hướng XHCN của ông với sự gia nhập vào WTO. Ông cho rằng nhập cuộc thì phải chấp nhận luật chơi, nhưnh vẫn phải bảo vệ những lợi ích căn bản, trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, mà tự chủ lớn nhất của ta là “định hướng XHCN” ? Thật tình người viết không hiểu ông nói gì ở đây, có lẽ cái tổ chức WTO cũng lùng bùng luôn, nên đến giờ VN vẫn chưa gia nhập vào được, để đến nỗi ông PTT Vũ Khoan phải giận hờn: không vào đuợc WTO không phải lỗi ở ta.
Kết luận cho bài viết, ông cựu tổng quyết định rằng: Theo thực tiễn của thế giới hơn 100 năm qua, công nghiệp nặng quyết định nền kinh tế đôc lập tự chủ trong mọi tình huống, kể cả quốc phòng, mà đường lối đôc lập tự chủ về chính trị gắn liền với đường lối phát triển khoa học, công nghiệp hoá , hiện đại hoá nước nhà. Ông quyết tâm phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.( Ý ông muốn phấn đấu để đến năm 2020 nước ta mới có độc lập tự chủ?). Ông còn bảo đảm để không bao giờ chệch hướng trong xây dựng đảng ( dù qua bao nhiêu đại hội rồi không có lần nào không chỉ chệch mà còn sai hướng)., để cho đảng xứng đáng là đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng của Hồ Chí Minh (không phải đảng của nhân dân , hay của giai cấp công nhân).
Trên đây chỉ là 1 ít tóm lược của bài viết mà đã thấy lê thê, người viết không đủ tư cách và cũng không có ý nhận định về nội dung hay quan điểm. Một số người cho rằng, với trình độ học thức của ông cựu tổng, đọc qua chưa chắa đã hiểu, “sức mấy” mà ông viết được một bài lý luận. dù là lý luận kiểu “vòng tròn” như thế, lại một tay đàn em bồi bút nào đó,bợ đỡ viết thay cho ông ký tên thôi. Người khác lại nghĩ rằng :ba cái chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, có gì lạ đâu mà đọc cho mất thì giờ. Xin thưa là người viết đang thử đi tìm cái thâm ý của ông Mười, khi ông nhất quyết đưa nó ra trước công luận, trên mặt báo dưới tên ông.
Hiện nay, trong nước , đảng CSVN đang có nhiều phong trào. Để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân và niềm tin vào đảng thì có phong trào xuất bản nhật ký của những ‘liệt sĩ”. “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” hay “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc là những thí dụ cụ thể. Đó chỉ là những phong trào cấp thấp. Ở thựợng tầng kiến trúc đã có những nhật ký Đoàn Duy Thành với “Làm người khó…”. Vừa qua, ông cựu TT Võ Văn Kiệt, một người mà chức cố vấn cũng cao như ông Mười, nhưng có lẽ vai vế và quyền uy trong đảng không bằng ông, cũng đã có tới 7 bài phê bình đóng góp ý kiến với đảng, thực ra là để góp ý phê bình ông. Thế thì ông cựu TBT không thể thua ông Kiệt được. Ít nhất ông phải viết được một bài, hay dở không thành vấn đề, khôn g ai đọc cũng không sao, không dài bằng thì cũng phải thật dài.. Lại nữa , người ta cứ bảo ông là tay võ biền (Trường Chinh trong nhật ký Đoàn Duy Thành), ông phải đưa lên báo lên đài, để nhân dân biết ông cũng là tay lý luận, một lý thuyết gia của đảng , không phải là kẻ “ chỉ có phá” như Phạm Văn Đồng (cũng trong nhật kỳ Đoàn Duy Thành) từng chỉ trích. Như thế, một công đôi việc, viết một bài nghị luận, vừa phản bác cái đám “mơ hồ” về cái thuyết “định hướng XHCN” của ông gồm ông V.V.Kiệt và đàn em như Lê Đăng Doanh, Lê Đình Diệu, Trần Văn Hà…,vừa dằn mặt đám “phản động” của cái gọi là “phong trào đòi tự do, dân chủ cho VN” của Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế…, vừa chứng tỏ là có bản lãnh chính trị kiên cường, lý luận vững chắc, gột rửa được tiếng “oan” là ông võ biền, ông chỉ có phá, tệ hơn nữa , ông mắc bệnh tâm thần.
Khi Ông TBT Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm VN, thực tế là để can thiệp trực tiếp vào việc sắp xếp nhân sự nội bộ của đảng CSVN, ông Mười muốn chứng tỏ sự trung thành tuyệt đối, chỗ dựa duy nhất của riêng ông và của đảng CSVN vào đảng CS đàn anh vĩ đại. Qua bài viết, ông ngầm bảo đảm những cam kết của ông, thay mặt cho toàn đảng toàn dân VN, ngõ hầu ông đương kim TBT họ Hồ an tâm. Đồng thời ông muốn phô trương cái thành tích “cách mạng lão thành “ của ông, cho cả 2 đảng CS Trung Quốc và Việt Nam, cho nhân dân 2 nước vế cái uy quyền tột đỉnh: một thái thượng hoàng, cũng như thái thượng hoàng Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc. Nếu khi còn sống, họ Đặng đã có cái lý thuyết “mèo trắng mèo đen”, thì ông Mười VN cũng phải tạo ra được một thuyết; giả dụ thuyết Đỗ Mười: đổi mới phải có đuôi (định hướng XHCN). Các “ vĩ nhân” như Các ,Mác, Lênin, họ Mao , họ Hồ, ai cũng có vài chân lý. Ông Mười muốn trở thành “ vĩ nhân” cũng phải tìm ra vài chân lý. Chẳng hạn cái chân lý : Nước VN là một ( chư hầu của Trung Quốc, dân tộc VN là một (đám nô lệ của hoàng triều Trung Quốc), thác (Bản Giốc) có thể mất, vịnh (Cam Ranh) có thể cầm (cố hoặc cho thuê), nhưng chân tướng ấy (cụ Mười) không bao giờ thay đổi (cắt đất nhượng biển để bám lấy quyền hành).
Cái quan trọng nhất mà ông Mười nhắm đến, qua bài viết được đưa lên công luận, là cái mục tiêu tiến lên chữ “NGƯỜI”; một chữ phải được viết hoa và in nét đậm. Chữ “NGƯỜI” không còn cái ý nghĩa là con người nữa, nó mang ý nghĩa của sự linh thiêng, một lên ngôi thần thánh. Hồ Chí Minh đã được tôn vinh như vậy ( trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của bác, cả đoàn quân tiến theo “ NGƯỜI” như thác đổ) . HCM dù đã chết nhưng vẫn còn sống mãi vì đã thành “NGƯỜI”. Ông Mười năm nay cũng đã già, chuyện đi theo chân Mác, Lê, HCM không biết ngày giờ nào, danh vọng, quyền uy dã có quá thừa, có lẽ hơn cả HCM thuở xưa, để thành “NGƯỜI” bất tử đang là vấn đề ám ảnh trong đầu. Ông Hồ ngày xưa có sự nghiệp cách mạng vĩ đại, sự nghiệp của ông Mười cũng không thua. Cách mạng VN đã đi theo con đường XHCN dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin, có tư tưởng HCM hướng dẫn, hiện có thêm thuyết đổi mới với kinh tế thị trường định hướng XHCN chỉ đạocủa ông Mười. Các ông ấy đã thành “NGƯỜI”, thì ông Mười cũng phải thành “NGƯỜI”. Nhìn lại, mấy ông kia ai cũng có xuất bản sách báo của riêng mình, còn ông chưa có , phải lo làm gấp, bài viết “dài mà rỗng “ này là một mở đầu của nhà lý luận vĩ đại Đỗ Mười. Một” mặt trời mới” đang ló dạng ở VN? Để được như vậy, ông Mười còn phải viết nhiều, xuất bản nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, bắt chước ông Hồ, ông chịu khó viết vài cuốn sách tự truyện kiểu:” Vừa thiến heo vừa cứu nước” hay “ những mẩu chuyện về sự mới nôn nóng, đã quên béng” của nhà cách mạng vĩ đại Đỗ Mười..
Hồ Chí Minh đã là một huyền thoại che phủ hết bầu trời lịch sử VN. Dường như đang có một huyền thoại khác muốn che phủ cái huyền thoại HCM đó.
Dĩ nhiên , người viết đang nói về huyền thoại , cái huyền thoại “ NGƯỜI” không phải “con người” : nguời viết đang nói với…người có đuôi (vĩ nhân) họ Đỗ.
Phương Duy
Australia , 12/11/2005

No comments: