Trở về từ lòng đất

Trở về từ lòng đất

Lời mở đầu: Từ cuối tháng Tư qua những ngày đầu tháng Năm vừa qua, cả nước Úc nín thở theo dõi diến tiến cuộc giải cứu hai người thợ mỏ bi kẹt dưới một mỏ vàng nằm sâu gần 1000 mét dưới lòng đất của tiểu bang Tasmania, Australia. Đây là một hòn đảo khá lớn nằm ở phía cực Nam của nước Úc, có cái tên gọi thân thương là The Apple Island ,tên gọi theo hình dạng giống như trái táo của nó hơn là nơi trồng nhiều táo. Sau khi cuộc giải cứu hoàn thành, nhiều báo chí truyền thông đã đua nhau đòi mua độc quyền câu chuyện của 2 người. Đài truyền hình số 9 Úc châu đã trả cho 2 anh tới 2,6 triệu Úc kim (khoảng 2 triệu USD) để đưa câu chuyện này lên màn ảnh của đài. Tuần qua, đài đã cho trình chiếu chương trình này với đề tài The Great Escape dài khoảng 2 giờ. Đây là phần phỏng vấn trực tiếp 2 nạn nhân vừa được cứu thoát và những người liên hệ đến công cuộc giải cứu đó.Hiện tại, 2 người đã đến New York, USA để xuất hiện trong chương trình Good Morning America và có thể cả Oprah Show. Người viết nhân cơ hội này, xin cố ghi lại một số điểm chính yếu, và mong muốn chia sẻ với độc giả, đồng bào trong nước, nhất là thành phần công nhân, nhân dân lao động về đời sống của một xã hội mở như xã hội Úc châu., nơi nhân dân cũng là những nông dân, công nhân như ở VN và các đất nước khác, nhưng mỗi sinh mạng con người ở đây đều được trân trọng, bảo vệ, và khi lâm nạn được tất cả mọi người, từ bạn bè đồng sự, chủ tư bản đến chính quyền các cấp và hầu như cả xã hội chú tâm cứu thoát tận tình bằng mọi giá. So sánh với đất nước VN thân yêu của chúng ta, khi mà sinh mạng con người bao năm bị rẻ rúng, không những trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh, mà tệ hơn nữa, ngay trong hơn ba mươi năm hoà bình, thân phận của người dân thường VN vẫn cứ là con sâu cái kiến. Từ những kẻ mệnh danh cầm quyền đến những tên tư bản ngoại nhân đối xử tồi tệ và vô trách nhiệm với người dân lao động nghèo khổ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Điển hình qua cơn bão Chanchu gần đây nhất, những cơ quan điều hành tắc trách trong nhiệm vụ, gây nên cái chết oan nghiệt đáng lẽ không có cho hàng trăm người dân lành vô tội. Bài viết dựa theo cấu trúc của chương trình phỏng vấn của nữ ký giả Tracey Grimshaw, đôi khi có thể có sự trùng lắp và sai sót, người viết xin quí vị thứ lỗi.
Brant Webb và Todd Russell với Tracy Grimshaw in Beaconsfield

Nguồn/Ảnh: bordermail.com.au/NINE NETWORK
Ngày của định mệnh.

Thứ Ba, ngày 25/04/2006 là một ngày lễ nghỉ ỏ Australia, một ngày nghỉ truyền thống của nước Úc. Đây là ngày lễ ANZAC. Hàng năm, vào ngày này, người dân Úc thừơng cử hành các nghi lễ (gọi là lễ hừng đông) ở khắp các thành phố và thị xã lớn trong nước, tại các lễ đài chiến sĩ để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn các chiến sĩ Úc và Tân Tây Lan đã hy sinh trên chiến trường hoặc nằm xuống vì bât cứ lý do gì trong mọi cuộc chiến (kể cả cuộc chiến VN trước đây), sau đó là sự vinh danh các cựu chiến binh cò sống với những cuộc diễu hành gồm chính họ và gia đình trên đường phố. Vì là ngày lễ, nên các cơ quan và công xưởng đều đóng cửa, chỉ trừ các nơi cần thiết như bệnh viện, trạm cảnh sát… vì nhu cầu thường trực . Tuy thế, vẫn có những cơ xưởng, vì sự cấp thiết vẫn mở cửa làm việc. Theo luật lao động nưóc Úc, dù công hay tư sở, nếu có yêu cầu công nhân làm việc trong ngày lễ nghỉ, chủ nhân hoặc chính quyền phải trả lương gấp từ 2,5 đến 3 lần lưong trả cho một ngày bình thường. Mỏ vàng ở thị trấn Baconfield là một trong những cơ xưởng đã có công nhân của họ làm việc trong ngày ANZAC.

Buổi sáng hôm đó, có 17 công nhân đã bước vào thang máy của hầm mỏ, đi xuống làm việc dưới lòng đất. Một cơn điạ chấn xảy ra trong lòng mỏ vào khoảng trưa .Buổi chiều, 3 người trong số họ đã không trở lên lại mặt đất: Larry Knight, 42 tuổi, một người cha có ba con, gần như suốt đời làm công nhân hầm mỏ cả đời. Todd Russell, 35, củng có ba dứa con và Brant Webb,39. Todd và Brant cùng có 6 năm thâm niên thợ mỏ, biết mặt nhưng không quen nhau lắm trước đó. Ba người làm việc chung, cách bề mặt 925 mét dưới lòng đất. Công việc của họ vẫn là công việc thường ngày.

Tracey: Ngày hôm đó, các anh có cái cảm giác gì khác lạ báo trước không? Chẳng hạn như có linh tính về một tai hoạ sắp xảy đến cho 2 anh?

Todd và Brant cùng trả lời: Không, vẫn bình thường, không thấy gì hết!

Tracey: Có nghĩa là công việc như mọi ngày?Hai anh đứng làm việc trong cái lồng sắt, còn Larry ở bên ngoài chuyển đồ vào cho các anh?

Todd: Thì cũng bình thường như công việc của bất cứ hầm mỏ nào khác. Lúc nào cũng nghe thấy và nói về một chuyện đuà hay một tin đồn gì đó.

Tracey: Rồi chuyện gì xảy ra?

Todd: -Lúc đó tôi đang thử (sửa chữa) mấy cái đường dây (điện?). Một lúc, tôi nói với Brant: “gần xong rồi,hãy nghỉ tay một chút uống nước hút thuốc”. Tôi xoay người vói tay lấy bình nước đặt trong cái rổ trên cao, còn Brant bước dang ra một chút hút thuốc. Tất cả tôi còn nhớ được là thình lình nghe một tiếng (đất) vỡ nứt thật mãnh liệt, tiếp theo là một cơn “bão đá đổ” dữ dội đến nỗi nó đẩy tôi lăn sâu hơn vào trong lồng như một trái banh .Sau đó là đất đá đổ đầy lên người tôi. Áng chừng đến khoảng ¾ tấn đá đất đã ập vào người tôi.

Todd bị đất đá đè lên người, không cử động được, nhưng đầu óc anh vẫn tỉnh táo. Hầm tối đen như mực. Anh lên tiếng gọi Larry nhiều lần, nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Anh nhớ lại là Brant đang làm việc cạnh mình, anh vội la lớn: “Brant, an toàn chứ?Có sao không?" Cũng không nghe gì hết, Todd độ chừng Brant đã bất tỉnh ở đâu đó. Anh gọi thêm 2,3 lần nữa thì nghe tiếng Brant: “ Yes, Brant đây! Bạn làm sao? Chân tôi không di chuyển được, lại tê đi như bị kim châm ấy”. Todd cũng cho Brant biết cả 2 chân cũng bị y hệt, còn bị đá đè lên nữa, anh liên tục bảo Brant tìm cách lôi anh ra khỏi đống đá.

Có lẽ lúc đầu vì sợ điếng người, Brant không nghe thấy tiếng bạn gọi. Bây giờ đã hoàn hồn một chút, anh tìm được cây đèn pin, bật lên rọi về phía Todd. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt: Todd , chỉ cách anh chưa tới nửa thước, bị chôn sống gần như hoàn toàn trong một đống đât đá, chỉ có đầu và vai là còn ở ngoài, 2 bàn tay nhờ vói lên cao nên không bị chôn cùng với thân mình,nhưng cũng chỉ di động được một khoảng trống rất nhỏ, từ vai này qua vai kia mà thôi. Có lẽ đất đá đổ ngay trên đầu của Todd. Riêng Brant, anh đã rời xa hơn một tí, vì thế, đất đá chỉ đổ xuống che lấp nửa thân hình phía dưới, nửa người trên của anh còn xoay trở tự do.

Todd biết rằng anh đang chịu sức đá đè rất nặng. Anh cảm thấy khó thở.. Anh tìm cách di chuyển một số đá gần nhất quanh mình để có chỗ trống rướn người lên từ từ.Rất tiếc, càng cố gắng, anh càng thấy cử động trở nên khó khăn hơn, vì càng lay động thân mình, đất đá càng nén chặt hơn. Lúc đó, chân trái của anh đã tê dại đi không còn cảm giác, càng cựa quậy, anh càng thấy khó thở hơn trước. Có lúc anh đã đi đến tình trạng thở hắt ra như sắp thở làn hơi cuối. Anh gịuc Brant tìm cách nào giúp anh.

Tracey: Thực sự lúc đó anh nghĩ là mình thở hơi cuối cùng?

Todd: Vâng, Sức đè lên ngực tôi cứ mỗi lúc mỗi thêm nặng đến mức nó đẩy chất lỏng trong người tôi lên làm tôi muốn ói. Tôi bảo Brant tìm cách nào lôi tôi ra khỏi đống đá mau, không thì tính mạng tôi sẽ bị nguy. Vào đúng lúc này, tôi nhớ lại tôi đã từng được huấn luyện mấy khoá về câp cứu. Trong các trường hợp tai nạn như vầy,nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời trong thời hạn khoảng 4 tiếng đồng hồ, nếu không, một số hoá chất trong người sẽ bị biến đổi thành chất độc giết chết nạn nhân. Bình tĩnh lại, tôi may mắn nhìn thấy cái rổ đựng đồ dùng ngay bên cạnh, tuy đã rách vẫn còn dùng được.Tôi dùng tay lượm từng cục đá, chuyền qua bàn tay kia bỏ vào rổ để giảm bớt sức đè trên ngực.

Brant: Todd đang bị nguy, tôi biết. Tôi nói với anh là tôi cũng đang bị chôn vùi, chỉ từ hông trở lên là không bị đè, tôi phải tự giải thoát trước, rồi mới cứu được anh. Tôi bắt đầu moi đất đá quanh người ra. Tôi moi trong túi áo ra được một con dao bấm nhỏ, nhờ nó tôi có thể cắt được những dây đai an toàn đeo quanh ngươi (theo đúng luật an toàn lao động Úc), lúc này đang bị vướng vào đống đá. Không có con dao. chắc chúng tôi không thoát được. Khi lần xuống tới đôi giầy, tôi không dám rút ra khỏi đống đá, vì sợ nó sẽ tạo một lỗ hổng, từ đó đất đá lại tuôn xuống, chúng tôi sẽ bị chôn vùi. Tôi đưa lưỡi dao vào bên trong giầy, từ từ cắt ra cho nó rộng để rút chân ra.

Cùng lúc, Todd ở bên cạnh càng thở dốc và liên tục ói mửa. Trong trí óc anh hiện lên hình ảnh vợ con thân thương, nhờ đó giúp anh thêm sức phấn đấu. Anh tự nhủ trong đầu: “Mình sẽ không chết ở đây. Trong đời, mình đã trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng chưa lần nào cuộc chiến đấu sinh tử như lần này"

Tracey: Các anh có lên tiếng cầu cứu gì không?

Todd và Brant: Có chứ, chúng tôi la lớn nhiều lần: “Cứu chúng tôi, cứu chúng tôi, chúng tôi vẫn còn sống, có ai nghe thấy chúng tôi không…?

Cái lồng sắt cứu mạng.

Todd và Brant ở trong một tình huống không thể nào tệ hơn. Nhờ chiếc lồng sắt đã che chở và là chỗ trú ẩn cực kỳ chật hẹp cho 2 người trong suốt thời gian lâm nạn. Cái lồng có chiều dài khoảng 2 mét, bề rộng 1,2 mét, chiều cao vừa đủ người ngồi đưa 2 tay quá khỏi đầu 2 hay 30 cm, trên nóc và 3 phía xung quanh được che bằng một tấm lưới sắt. Nhờ tấm lưới sắt này, hàng ngàn tấn đất đá đã không chôn vùi họ. Nhiều người cứ tưởng, với kích thước như thế, họ có thể nằm duỗi ra, và cái lồng bị một tảng đá lớn đè . Sự thực , khoãng trống cho họ chật hẹp hơn nhiều, vì đất đá đổ xuống là những viên đá to nhỏ, một số đã đổ vào trong lồng như lời họ diễn tả.

Tracey: Các anh muốn nói là tấm lưới sắt đã cứu mạng các anh?

Brant: Không, đúng ra là cứu Todd. Đất đá lúc đó đổ thẳng vể phía anh ấy. Tôi chỉ bị đá đè sơ sài thôi. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi bây giờ là khi moi đất đá trên mình rồi bỏ chúng đi đâu?

Tracey: Anh bỏ ở đâu?

Brant: Xếp chúng vào một góc trong lồng, đâu còn chỗ nào khác. Sau khi tự giải thoát tôi quay sang Todd giúp anh di chuyển đống đá trện người anh…

Todd:-Brant giúp tôi thoát khỏi đống đá. Tôi nhận thấy chân trái tôi lúc này hoàn toàn mất cảm giác. Như tôi nói lúc nãy, công việc giải cứu khỏi đá đè cần làm trong phạm vi 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã làm mất khoảng 4 giờ 15 phút…

Tracey: Anh ra khỏi đống đá, và chân trái anh bị tê liệt?

Todd: Vâng, để di chuyển, tôi dùng 2 tay kéo nó đặt lên chân kia. rồi chống tay mà lết. Phải một thời gian lâu mới có thể cử động dễ dàng hơn.

Brant ngồi nhìn lên trên mái lồng, tấm lưới sắt che chở chĩu xuống. Một số đất đá như sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Rất nguy. Todd thì đang “bất khiển dụng” . Brant nói với Todd để anh chui ra những kẽ đá tìm đường thoát thân. . Hầm mỏ có rất nhiều tầng. Nếu họ có thể tìm ra đuợc một khe hở nào dù nhỏ, ăn thông với tầng trên để liên lạc thì 2 người có hy vong được cứu thoát Trong ba ngày liên tiếp, Brant lách qua những khe hở của đống đá sụp, bò tới được hơn 5 mét trong hầm nhưng không tìm thấy lối ra. Lúc này, mình mẩy anh ướt nhẹp bùn đất. Anh run rẩy vì lạnh. Todd đã kêu anh tới gần, 2 người phải ôm nhau để truyền hơi ấm cho anh.

Dự tính cắt bỏ chân.

Cái lồng sắt cứu mạng 2 người thực tế tệ hại hơn nhiều so với cái chúng ta tưởng tượng. Trên các sơ đồ phác hoạ trên báo chí, truyền hình, người ta cho rằng, với kích thước đó, 2 anh có đủ chỗ trống bò tới bò lui.Sự thực khoảng không gian rất chật hẹp.2 người ngồi cách nhau khoảng nửa thước, đưa tay lên khỏi đầu, chưa duỗi thẳng đã đụng trần, xung quanh đất đá ngổn ngang. Họ phải cố xếp gọn để lấy thêm chỗ. Đáng lo hơn, sau cơn địa chấn đầu làm đất lở, những cơn chấn động khác nhỏ hơn vẫn tiếp tục làm đất đá đổ xuống thêm.. Với vị thế không thoải mái, cộng thêm bị đất đá đè lên trong một thòi gian khá lâu làm chân bị tê liệt. Todd đã nghĩ đến việc, nếu cần phải cắt bỏ chân để cứu mạng, anh vẫn vui vẻ sẵn sàng. May mắn , với những cố gắng thoa bóp và liên tục tập cử động, máu huyết lưu thông bình thường, chân anh co giãn khá hơn. Có một kẽ nứt trong lòng đất rỉ ra từng giọt nước , tuy không sạch sẽ lắm, cũng tạm đủ cho cả 2. Họ dùng 2 cái nón an toàn thay nhau hứng nước. Để giữ tinh thần, họ luôn phải động viên nhau. Brant di chuyển dễ dàng hơn Todd, nhưng dễ xúc động hơn. Vì thế, Todd cứ phải động viên.

Anh bảo Brant phải cố thật bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề trong tình huống cực kỳ khó khăn hiện tại, nếu không thì chỉ đáng là 2 đứa con nít. Brant tìm được trong túi một thanh muesi bar,một loại kẹo làm bằng trái cây và các loại hạt, khoảng 80 – 100 gram công nhân thường ăn trong giờ nghỉ giải lao(theo luật lao động Australia, sau mỗi 2 giờ lao động, công nhân mọi ngành nghề phải có 10 phút nghỉ giải lao). Todd bảo anh cứ để dành đó cho ngày kế. Sau 24 tiếng, anh lại nói: “thôi, tớ chưa đói, ráng thêm 24 giờ nữa đi”. Cuối cùng, Brant cũng bẻ đôi, chia cho Todd một nửa. Anh e rằng, có lúc không kìm nổi cơn đói , ăn hết cả phần của bạn chăng? Todd cầm lấy nhưng chỉ cắn lấy một chút nhỏ như hạt đậu, đoạn cất bỏ vào túi, không thể biết mình sẽ ở trong cái “nhà mồ sống” này bao lâu.

Tracey: Các anh có tự hỏi về số phận của Larry ra sao không?

Todd: Chúng tôi cho rằng Larry đã thoát nạn. Hai chúng tôi tự an ủi nhau, chúng ta đang ở trong cơn thử thách lớn. Điều quan trọng hơn hết là lúc này, chúng ta vẫn đang còn sống.

Đếm từng giây đến với tử thần.

Tin rằng người bạn đồng sự Larry đã thoát nạn và có lẽ đã cấp báo cho việc tiếp cứu, tinh thần 2 người còn phấn khởi thêm khi họ cho rằng chính tai mình đã nghe được những tiếng động dường như là hành động tiếp cứu ấy.

Todd: Chúng tôi nghe như văng vẳng có tiếng máy móc đang được khiển động từ đâu đó. Chúng tôi cố la thật lớn, ngay cả dùng các vật dụng có được gõ vào đá để tạo âm thanh, cầu mong người ta nghe được tiếng động và biết chúng tôi còn sống. Nhưng có lẽ không ai nghe thấy, sau một thời gian thì tiếng máy ngưng, chúng tôi không nghe gì nữa.

Tracey: Các anh có hiểu tại sao, trong một khu vực tương đối nhỏ bé như vậy, người ta lại phải mất nhiều ngày mới tìm ra các anh vẫn còn sống?

Todd: Không, thành thực mà nói, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về những biến cố ở trên mặt đất.

Sau khi tìm được xác của Larry, đã qua ngày thứ tư kể từ khi biến cố xảy ra, toán tiếp cứu bắt đầu dùng chất nổ để phá đá. Ba ngày kế tiếp là những giờ phút căng thẳng kinh hoàng cho 2 nạn nhân. Họ có thể bị tan xác bất cứ lúc nào cùng với những tiếng nổ đó. Theo Todd, người ta đang cố khám phá những gì xảy ra cho 2 anh trong tình huống sau tai nạn. Brant thì cho rằng, có lẽ sau khi tìm thấy xác của Larry, người ta đã đầu hàng và tin rằng không ai có thể sống sót qua cái biến cố kinh hoàng ấy. Nhưng Todd lại có ý khác. Anh không đồng ý với Brant ở điểm này. Theo anh, họ phải dùng chất nổ chẳng qua không có cách nào khác khả dĩ nhanh chóng dễ dàng hơn. Sồng hay chết, họ vẫn phải tìm kiếm 2 anh vì đó là trách nhiệm. Brant bảo rằng 2 anh không thể đọc được ý nghĩ của họ. Tuy nhiên, quả thực là kinh hoàng khi nghe thấy tiếng nổ đầu tiên nghe rất gần. Tiếng nổ cư liên tục đều đặn. Mỗi lần sau tiếng nổ, đất đá bên ngoài lồng lại đổ xuống nhiều hơn.Nhiều đến mức 2 người không còn hy vọng có thể bươi ra tìm lối thoát. Trong những ngày 4,5,6 ấy, hai người chỉ còn nhắm mắt đợi chờ chuyện tệ hại nhất xảy đến. Họ người ngồi thu mình vào trong một góc, mỗi tiếng nổ lại làm cái lồng sắt rung chuyển . Đất đá lại rơi xuống Họ ngồi đếm từng giây phút cận kề hơn với cái chết. Cứ sau mỗi tiếng nổ, họ lại đưa tay ra xiết chặt, chúc mừng nhau vừa vượt qua được thử thách, chưa nộp mạng cho thần chết. Họ đã cho nổ cả thảy 8 lần, mỗi lúc nghe gần hơn, họ đếm từng giây phút khoảng cách giữa 2 lần nổ. Hai người cho rằng họ đang đếm những giây phút cuối đời. Todd tìm thấy trong người còn một cây bút. Sau mỗi lần tiếng nổ vừa tan, anh lại viết lên người chính xác ngày giờ ở ngay lúc đó. Nếu chẳng may 2 người đều thiệt mạng, anh muốn cho mọi người khi tìm thấy thân thể anh, họ sẽ biết rõ cho đến thời điểm nào 2 người vẫn còn sống.

Todd: Thật khó cho tôi khi kể lại chuyện này. Hai ngày đầu tiên, niềm hy vọng sống sót hết sức mong manh. Tưởng nhớ đến vợ và ba đứa con, cha mẹ và thân thuộc, tôi đã viết những lời trăn trối cho họ trên cánh tay của tôi. Sau đó, mồ hôi và bùn đất làm nhoà đi hết. Sau này, tôi viết lên bộ đồ overall (bộ quần áo bảo hộ lao động)

Tracey: Các anh nghĩ là họ có thể vô tình sát hại các anh trong lúc tìm kiếm các anh chăng?

Brant: Không, tôi nghĩ họ rất thận trọng trong việc tìm kiếm, nhưng không dám chắc mình còn sống được khi họ tìm ra không?

Tracey: Anh có thể cho biết anh đã viết gì cho gia đình?

Todd :Tôi viết cho vợ tôi về những gì đã và đang xảy ra, về nỗi khó khăn của sự chống chỏi với cơn thử thách quá cam go, về tình yêu của tôi cho cô ấy và các con tôi. Tôi viết cho con trai tôi, hy vọng nó đạt được ước mơ trở thành cầu thủ football xuất xắc, thằng bé mê football (môn đá bóng bầu dục Úc) lắm…Nói đến đây, anh sụt sùi vì cảm động.

Họ an ủi hỗ trợ nhau để giết thì giờ bằng cách kể cho nhau nghe đủ mọi thứ trên đời, chẳng hạn như thường làm gì vào cuối tuần và những ngày nghỉ. Todd thường có thú đi săn, Brant lại thích đi câu. Món ăn nào mỗi người ưa thích . Loại âm nhạc nào họ hay nghe, chuyện gia đình con cái tính nết ra sao, kể cả chuyện bông đùa giỡn cợt. Brant hút thuốc lá, vì thế , anh đã dùng cái vỏ không làm giấy viết nhửng tâm tình của anh cho gia đình. Anh đã mang theo được khi lên trên mặt đất. Bây giờ, đối với Rachel vợ anh, nó là món kỷ niệm vô giá nhất. Todd nhắn gửi cho con trai rằng anh chúc con thăng tiến trong ước vọng đá banh. Dù không còn có mặt trên đời, anh từ trên cao vẫn luôn ngó xuống chăm sóc cho nó. Anh cầu chúc Carolyn, vợ anh và gia đình thật an lành, chấp nhận định mệnh phũ phàng của anh, mong mỏi họ được nhiều điều tốt đẹp.. Carolyn còn trẻ, nàng sẽ bước đi bước nữa . Anh chúc nàng nhiều hạnh phúc. Chúc cho người đến sau anh may mắn hơn. Anh cũng mong anh ta sẽ chăm sóc các con của anh thật chu đáo.

Theo 2 người, viết những mảng chữ nhắn gửi lại cho gia đình, người thân yêu là phần gay go nhất của cơn thử thách. Nhắc tới gia đình, nước mắt cả 2 lúc nào cũng muốn trào ra. Thế rồi, cũng chính họ lại phải tự an ủi nhau. Không thể biết ai là người sẽ còn sống sót , vì thế, họ cũng dặn dò nhau những chuyện không thể viết ra hết.

Còn gia đình của họ trên mặt đất có cảm giác ra sao? Rachel Webb lo lắng đến không thể làm được việc gì. Khu vực hầm mỏ, ngoại trừ nhân viên và các toán tiếp cứu, không ai được phép vào . Rachel chỉ còn cách thẫn thờ chờ đợi tin tức cập nhật trên TV . Carolyn Russell có vẻ bình tĩnh hơn. Cô không nhớ cảm tưởng những ngày đầu vô vọng ra sao. Tuy nhiên, cô luôn luôn tin tưởng Todd vẫn an toàn đâu đó. Cô luôn luôn tự trấn an: “Todd ơi! cố lên. Đừng bao giờ đầu hàng số phận”.

Todd: Nhớ dến gia đình, hàng trăm ngàn ý tưởng lướt qua trong trí. Chẳng hạn như, tôi yêu Carolyn lắm. Nhưng rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng khác, các con tôi sẽ sống với họ. Không biết rồi họ nuôi dạy các con tôi có tận tâm đầy đủ không? Còn ba mẹ tôi nữa. Ông bà sẽ xoay xở ra sao khi không có tôi? Họ đã quen có tôi đỡ đần một tay những công việc nặng nhọc, hay sửa chữa món đồ này vật dụng kia. Chú chó săn của tôi nữa! Chắc nó nhớ tôi lắm. Điều tệ hại nhất là tôi đã chết đâu? Chỉ đang bị kẹt dưới lòng đất này thôi.

Brant:Tôi là người lạc quan. Ít khi nào tôi hối tiếc những việc đã đi qua trong đời .Thường tôi chỉ nhìn về phía trước, hiếm khi quay mặt lại. Thế mà, trong cơn hoạn nạn này, tôi đã nghĩ ngơi nhiều về dĩ vãng . Cô ấy ở nhà, có thể đang nghĩ dến món tiền bảo hiểm nhân mạng, nghĩ dến trò chơi trượt nước và đi câu cá. Chúng tôi vẫn mê thích những trò tiêu khiển này. Cơn hoạn nạn làm tôi thấy mình quá xui xẻo, thua thiệt.

Mười bốn ngày ngồi bó mình trong cái lồng chật hẹp cũng làm Todd suy tưởng nhiều về quá khứ. Nếu sống sót trở về, có nhiều thứ cần thay đổi lại trong cuộc sống. Trước đây anh thiên về lối sống cá nhân vị kỷ, làm theo ý mình, sống cho mình trước, gia đình đến sau. Nay phải nghĩ lại. Gia đình phải là ưu tiên một. Đừng cho đó là tầm thường, mất đi mới thấy thấm thía..

Chúa ơi! Họ vẫn còn sống. Đúng là phép lạ!


Đã 6 ngày trôi qua. 2 người nghĩ cái chết chắc cũng không còn lâu nữa. Để quên đi thời gian và gia đình, họ bảo nhau nên làm một điều gì đó. 2 người đồng ý chọn một ca khúc của Kenny Rogers và họ đồng thanh hát lớn. Bất ngờ, Todd ngưng hát, anh đặt ngón tay trỏ lên môi: “Im lặng,! im lặng!Hãy lắng nghe coi!” Lần đầu tiên trong 6 ngày, có tiếng ngưỜi nói , không phải giọng nói của họ. Đó là một tiếng la khá rõ: “Im đi! mấy cha nội nào trong đó vậy. Im đi chứ!”. Có lẽ họ tưởng những người cùng trong toán đi tìm người. Hai người mừng rỡ vô cùng. Như vậy là người ta đã tỉm ra họ. Bước đầu tiên của sự sống lại cho họ, cũng là bước thành công thứ nhất của toán giải cứu. Không còn lo lắng sinh mạng tan theo tiếng nổ.

Tin nóng đưa lên mặt đất lan đi thật nhanh. Tất cả mọi người trong thị trấn túa ra đường hân hoan. Họ ôm nhau mừng rỡ, la lớn cho nhau nghe: “ Họ còn sống! Họ còn sống. Ôi! đúng là một phép lạ!” Khắp nước Úc, tin tức được báo chí đưa lên trang nhất. Chương trình TV cập nhật diễn biến từng giờ và trở thành tin quan trọng nhất vào giờ tin buổi tối trong nhiều ngày. Không cần phải nói, niềm vui lớn nhất thuộc về Carolyn, Rachel cùng gia đình.

Kế hoạch nào cho sự giải cứu?

Cho tới lúc này, không ai biết rằng, để cứu 2 nạn nhân, người ta còn rất nhiều gian truân, còn phải mất nhiều thời gian. Hơn thế, có những quyết định thập phần khó khăn, chỉ cần một sai lầm cực nhỏ là công việc tiếp cứu, vừa đi được nửa đường khá ngoạn mục, trở thành công dã tràng, nếu chẳng may có gì sơ xẩy. Todd cho hay: ngay trong ngày hôm đó, khi đã có sự liên lạc giữa 2 bên, anh yêu cầu họ tắt đèn . Còn anh sẽ bật đèn của mình lên, nhờ đó họ nhận diện được chỗ của 2 người qua một ánh sáng rất nhỏ xuyên qua kẽ đá. Một trong những người tiếp cứu đặt ngón tay lên cái lỗ sáng, Todd vươn tay lên. Anh nghĩ mình đã chạm vào một vật mềm mà anh quả quyết là đã chạm vào cái bao tay của người bên kia. Như vậy. họ dù không thấy nhau, cũng chỉ cách nhau một khoảng bằng chiều dài của cánh tay.Thế nhưng làm cách nào đưa 2 người ra khỏi căn nhà tù ấy không đơn giản chút nào.

Tracey: Gần như vậy mà họ không đào thẳng xuống để cứu các anh ra ngay, có biết tại sao không?

Todd:-Như chị thấy, trên đầu chúng tôi chỉ có một tấm lưới sắt mỏng manh bảo vệ. Nó lại đang chịu hàng trăm ngàn tấn đất đá đè lên. Muốn đào lôi chúng tôi lên thì phải cắt tấm lưới. Nhưng nếu cắt tấm lưới đó ra thì hàng ngàn tấn đất đá đa phần sẽ đè 2 người chúng tôi bẹp dí. Như thế sự phó mặc cho may rủi quá lớn.Vì vậy, phải tìm phương pháp an toàn hơn.

Tracey: Người ta có cho các anh biết kế hoạch như thế nào không?

Brant: Có, họ có 2 kế hoạch gọi là A và B. Kế hoạch B, như Todd đã nói, nhanh chóng nhưng quá nguy hiểm, không thể bảo đảm tính mạng của chúng tôi. Có thể họ thành công, có thể thất bại. Khi lôi được chúng tôi ra, có khi chỉ còn là 2 xác chết. Kế hoạch A là đào một đường hầm từ xa ở duới chân của chúng tôi. Nó bảo đảm an toàn hơn, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian. Họ có hội ý chúng tôi về chuyện đó. Todd có bảo với họ rằng: "haỹ làm điều gì các bạn thấy an toàn nhất. Chúng tô icó thể chịu đựng nổi. Chúng tôi đã nhịn đói được 6 ngày rồi;chúng tôi còn có thể nhịn thêm 6 ngày nữa”.

Những ưu tư của ban quản trị.

Giới chủ nhân tư bản, không phải chỉ biết kiếm lợi nhuận như nhiều người lầm tưởng. Họ giao trọng trách cho ban quản trị điều hành công ty, những người có trách nhiệm rất lớn không chỉ với công việc và tài sản của công ty, mà vấn đề an toàn cho công nhân viên trong lao động là ưu tiên hàng đầu. Gặp một tình huống nguy hiểm đến sinh mạng công nhân, mọi công việc ngưng lại để tập trung giải quyết vấn đề.. Khi được hỏi tại sao công cuộc giải cứu 2 công nhân bị kẹt dưới lòng đất quá chậm chạp và khó khăn như vậy, Ông giám đốc quản trị hầm mỏ Matthew Gill cho biết:

“Trong môi trường làm việc tương đối chất hẹp của một hầm mỏ, ở một độ sâu 925 mét dưới lòng đất, khả năng sử dụng nhân lực và máy mòc thiết bị cũng bị hạn chế, cộng với điều kiện phải thi hành nghiêm chỉnh mật độ an toàn tuyệt đối cho cả nạn nhân và nhân viên giải cứu, dẫn đến sự việc quá trình giải cứu mất nhiều thời gian..Sau khi tìm thấy họ còn sống và sức khoẻ tương đối tốt, có nghĩa là sinh mạng chưa nguy hiểm đến độ phải chạy đua với thời gian, bất kể may rủi thì quyết định về phương án giải cứu an toàn cũng trở nên dễ hơn.Tất cả các bộ phận trong hầm mỏ đều đóng cửa để hoàn toàn tập trung vào kế hoạch giải cứu 24/24 . Đội giải cứu trong lúc này đang khoan một lỗ có chiều dài 14,5 mét, đường kính 90 mm để tiếp tế thực phẩm và những thứ cần thiết cho nạn nhân.. Họ dã được tiếp tế nước, sustagen (một loại bột dinh dưỡng như sữa bột pha vào nước để sử dụng), mền điện. Tất cả mọi thứ được chuyển lần lượt qua cái lỗ thông đó. Chúng tôi có chuyển cả máy hình vào bên trong để chúng ta ở trên thấy được một ít thật chính xác bên trong. Một Ipod cũng được gửi vào cho các nạn nhân có thể tiếp xúc với gia đình và thế giới ở trên qua các điện văn.”

Tracey: Vai trò của các nạn nhân trong công việc giải cứu ra sao, thưa ông?

M. Gill:-Vâng, phải nói là rất quan yếu.Chúng tôi biết được phạm vi họ đang ở, tình huống nào họ đang gặp, trạng thái nào về thể chất và tinh thần họ đang có để có thể quyết định cách tiếp cứu hoàn hảo nhất, phản ứng kịp thời khi cần thiết và giảm độ rủi ro đến mức tối thiểu.Chúng tôi biết họ còn sức lực và tinh thần phấn đấu cao. Chính tôi có nói chuyện trực tiếp với họ, Cũng chính họ yêu cầu tìm phương án an toàn nhất. Thời gian là điểm họ có thể chịu đựng. Đồng thời, sự kết luận về tình trạng thể chất và tâm thần của nạn nhân về mặt y học của ban cứu thương xác nhận là tốt. Vì vậy, đã có sự dễ dàng cho chúng tôi đi đến quyết định chọn phương án an toàn tối đa, chấp nhận việc thời gian phải kéo dài.

Chính ông thật sự kinh ngạc trước sức chịu đựng và tinh thần vững mạnh cảa 2 người. Cận kề với cái chết từng giây từng phút, họ vẫn có đưọc sự thản nhiên, vẫn có thể kể chuyện bông đùa.Phân tích nét mặt và dáng điệu của họ trên màn hình,rõ ràng đó là bản chất trung thực của họ chứ không phải giả vờ hay đóng kịch. 2 nạn nhân cũng nói rằng, nhờ có camera được gửi xuống, nó gíup đỡ toán giải cứu khá đắc lực. Chẳng hạn, nhờ đó họ có thể định rõ đúng vị trí 2 người đang ngồi, và để điều chỉnh đường hầm đúng hướng. Thế còn Ipod, họ đã gửi được thư nhắn với gia đình.

Todd viết: “Carolyn yêu! Đây không phải là cách tốt nhất khi anh viết thư này cho em: phải chiến đấu thật cam go trong một tình huống hết sức khó khăn cho sự sống còn của anh và để giữ vững tinh thần. Tin anh đi. Không lâu nữa đâu, anh sẽ về với em mãi mãi. Anh không mong đợi lâu hơn để thấy lại em. Dưới này không có nhiều chỗ để viết . Anh nóng lòng trở về căn phòng của chúng ta. Yêu em nhiều và cố vững tinh thần. Hôn em.”

Với hy vọng là nguồn sinh lực, 2 người đã chia sẻ với nhau tất cả mọi vật nhận được từ bên trên, kể cả những riêng tư nhất về thư từ của vợ con, gia đình.

Người bạn xấu số và truyền thông.

Họ biết được tin về sự bất hạnh của người bạn đồng sự Larry Knights khá nuộn màng. Ngay khi liên lạc được với bên ngoài, 2 người đã hỏi thăm tin tức về Larry ngay. Nhưng để tránh những xúc động quá đáng, có hại cho họ về cả thể chất và tâm thần, các toán giải cứu được lệnh không loan tin, chờ công cuộc giải cứu xong sẽ rõ. Cuối cùng, 2 nguời nói thẳng với ban giám đốc của công ty rằng họ đã là những người trưởng thành, họ đủ sức để chịu đưng mọi thứ dù phũ phàng đến đâu cũng vậy, yêu cầu của họ là biết được sự thật. Đó là vào ngày thứ tám ở dưới lòng đất. Khi được thông báo Larry đã ra đi, họ thương cảm cho số phận của Larry,còn xót xa hơn nữa cho gia đình người quả phụ. Tinh thần của họ cũng chùng xuống với chính thân phận mình. Không biết có qua khỏi cơn ngặt nghèo này?


Tracey: 2 anh nghĩ có thể vượt qua nhựng thử thách y hệt như vậy, trong trường hợp phải trải qua biến cố này một mình, không có bạn bên cạnh?

Todd: Cũng rất có thể, nhưng chắc chắn tình thế sẽ khó khăn gấp bội. Vì thế, ngay từ ngày đầu xảy ra biến cố, chúng tôi đã tin rằng: số mệnh của 2 chúng tôi như đã gắn chặt với nhau từ nay đến cuối đời.

Tracey: Có rất nhiều người thắc mắc muốn nhờ tôi hỏi 2 anh, 14 ngày ở dưới đó, 2 anh có đi cầu không?

Todd và Brant (cười): Không , chật chội quá, chỗ đâu mà làm chuyện đó! Vả lại, trong suốt thời gian, chúng tôi không ăn thực phẩm cứng nên trong bụng cũng chả có gì. Có lúc Todd nói đùa: “nếu tớ mắc quá thì cậu nắm giùm cái bao nhé?”. Tôi lắc đầu: ”no way, man, thôi ráng nhịn đi!"

Tracey: 2 anh có được thông tin về truyền thông, báo chí nói về sự cố này không?

Todd: Không, chúng tôi không được cho biết gì. Có lúc, tôi vỗ vai Brant và bảo: “Này, cậu có nghĩ là mình đang là chủ đề trên trang nhất của tờ báo The Examiner(báo địa phương) không?” Chúng tôi tin là có. Ban giám đốc có yêu cầu toán giải cứu không chuyển báo chí vào cho chúng tôi. Chính tôi đã hỏi thẳng ông giám đốc, xin gưỉ vào một hai tờ báo. Ông ấy hỏi lại tôi muốn tìm gì trong báo, tôi có đùa rằng để tìm việc làm. Ông bảo tôi đã có việc rồi còn tìm chi nữa?

Thực tế, hầu như trong suốt thời gian đó, các nhật báo lớn và các đài truyền thanh, truyền hình, dù của tư nhân hay nhà nước trên toàn quốc, tin về biến cố luôn luôn ở hàng đầu, tít lớn. Một đề tài sôi nổi ở tất cả các văn phòng, công xưởng, bệnh viện, trường học. Mọi người đều chú tâm mong đến chung cuộc dể coi kết quả việc giải cứu ra sao. Các ký giả, phóng viên đều túc trực bên ngoài thang máy của trụ sở hầm mỏ. Có một chuyện đáng tiếc: trong khi các nạn nhân của bi kịch dưới lòng đất sâu còn sống, khoảng ngày thứ 12, ông J. Carleton, môt ký giả lão thành nổi tiếng của đài truyền hình số 9 Úc châu lại đột quỵ khi đang làm công việc phỏng vấn công nhân ở bên trong trụ sở hầm mỏ. Ông đã qua đời trên đường đi đến bệnh viện. Người bị nạn sống sót, người an toàn ở trên lại qua đời. Đúng là một bi hài.

Đến đích rồi vẫn gặp trở ngại.

Vào ngày thứ 12, công cuộc giải cứu đã dến giai đoạn cuối. Họ đã đào một đường hầm cách dưới cái lồng nạn nhân ngồi chừng 1 mét. Đường hầm dài 16 mét, rộng 1 mét, cao cùng khoảng. Đến đoạn cuối cùng là đoạn phải đào thẳng ngược lên thì gặp trở ngại. Để giữ tuyệt đối an toàn cho người ngồi ở trên, họ phải đục bằng tay, nhưng đá lại quá cứng. Người ta đào mất nửa ngày mà không kết quả. Trong khi đó, theo kế hoạch, việc giải cứu sẽ hoàn thành trong ngày. Mọi người ở trên nóng lòng chờ đợi. Báo cáo trở ngại được chuyển lên trên. Người ta yêu cầu mang một mẫu nhỏ đá lên phân chất. Đây là một loại đá (người viết quên tên) cứng hơn bê tông đến cả chục lần. Darren Flanagan, một trong số người thợ mỏ của toán giải cứu đào những thước đá cuối cùng cho biết: “Tảng đá cứng đến mức độ không thể nào dùng búa và đục, chúng tôi thử khoan điện cũng không xong, Mất rất nhiều thì giờ mà công việc không tiến triển. Vì thế, sau khi bàn luận, chúng tôi phải xử dụng những gói thuốc nổ cực nhỏ để phá đá.”


Họ có chuyển một điện thoại di động vào cho Todd liên lạc thẳng với người ở dưới đường hầm đề điều chỉnh đúng thời điểm cho nổ. Họ muốn công việc thật chắc chăn, Khi nào đã gần tiến tới chỗ của 2 người thì ngưng ngay lại. May mắn, lớp đá cứng chỉ dày khoảng 30 cm, phần còn lại đá đã mềm hơn. Cuối cùng, họ đào được bằng tay. Cái lỗ đầu tiên soi thủng lớp đá chỉ bằng cỡ nút chai, ngay phiá ngoài lồng cách chừng nửa thước, một vị trí lý tưởng đúng với ý muốn của toán giải cứu. Todd và Brant reo lên mừng rỡ. Ôi đời sao quá đẹp. Cái lỗ cứ từ từ rộng ra, họ có thể thò tay xuống bắt tay người bạn đang đào phía dưới. Đó là ngày thứ 14.

Họ lên tới rồi!

Chậm mất gần 2 ngày so với dự tính,họ được lôi ra khỏi đường hầm khoảng 5 giờ sáng. Trong 1 phòng làm việc dưới hầm, toán cứu thương chuẩn bị các dụng cụ cần thiết và khám sức khoẻ sơ khởi. Mỗi người mất khoảng 10 ký lô nhưng tương đối mạnh khoẻ, không kể các vết cắt vết bầm. Họ mang xe lăn đến cho 2 anh. Ai cũng nghĩ, sau một thời gian ngồi bó gối quá lâu, không ai có thể đi đứng được. Nhưng moị người đã lầm. những nạn nhân kể rằng, gần 2 tuần lễ ở trong chốn rất chật ấy, họ vẫn xoa bóp tay chân và thực hàng các động tác co duỗi. Vì vậy, vừa ra khỏi đường hầm cứu cấp, họ vẫn bước đi được, tuy có hơi khó khăn. Todd nói với viên bác sĩ: " Lên tới mặt đất, tôi sẽ tự đi bộ ra ,bằng cách này hay cách khác.” Bác sĩ bảo:”Tôi mới là người cho anh biết anh sẽ đi ra như thế nào. Tôi nghĩ anh nên ngồi vào xe lăn.” Todd đáp ngay: “Này bác sĩ,tôi đã nói là tôi bước ra bằng đôi chân của tôi, dù ông đồng ý hay không. Chúng tôi cũng phải có ý kiến riêng chứ! Chúng tôi đã bước đi được ở đây. vậy chúng tôi có thể tự bước ra khỏi thang máy được”

Chung quanh cửa thang máy, đám đông người và 2 xe cứu thương đang chờ đợi những người dũng cảm. Họ đã chờ đợi gần 2 ngày nay. Lúc đó là 6 giờ sáng,có tiếng la lớn: “Họ đã lên tới kìa”. Tiếng reo hò vang dậy, cửa thang máy mở ra, 2 người trong đồng phục lao động, hệt như lúc họ đi vào 14 ngày trước, bước ra khỏi thang, tiến đến tháo bỏ tấm card làm việc (tấm card cá nhân cho biết ai còn đang làm việc dưới hầm mỏ tại thời điểm đó) lần cuối rồi bước ra ngoài,2 tay dang rộng trong tư thế chiến thắng (chữ V). Họ tiến thẳng vào vòng tay thân thiết, sung sướng của vợ con, gia đình trước ống kính cuả gìới truyền thông báo chí, niềm hoan lạc của bè bạn và của mọi người. 14 ngày dưới mộ đất đen. 14 ngày chỉ ngồi và bò. Cuối cùng họ đã chiến thắng. Họ đã ra khỏi ngôi nhà tù những tưởng đã chôn sống họ. Nỗi ám ảnh không dễ gì xóa trong tâm tưởng, nhưng nó sẽ phai nhạt. Điều quan trọng là được sống. Thật tuyệt vời khi gặp lại mọi thứ thân quen, nghe lại tiếng nói của những người thân yêu nhất trên đời, ôm xiết họ trong tay, tiếp nhận những bàn tay chúc mừng của bạn bè , lối xóm, trươc khi leo lên 2 chiếc xe cứu thương đưa 2 người vào bệnh viện khám nghiệm toàn bộ.

Gia đình Larry đã rời lại tang lễ, để 2 người bạn từ dưới lòng đất trở về có thể tham dự. Todd đã có thể rời bệnh viện 2 giờ sau đó để về nhà. chuẩn bị đi đám tang của Larry. Quần áo bây giờ quá rộng. Anh cần một bộ đồ mới cho tang lễ.Anh tiếp xúc, nói chuyện nhiều với Jackie (bà quả phụ) để an ủi bà và gia đình:” Bất cứ khi nào gia đình chị cần đến, cứ gọi đến ngay,tôi sẽ luôn có mặt.” Để cảm tạ và biết ơn tấm thịnh tình của người dân thị xã, nơi người ta gần như biết nhau, Todd và Brant đã đi nói chuyện trong các buổi sinh hoạt xã hội, đặc biệt với các em học sinh nhỏ, kể cho họ về những kinh nghiệm trong cuộc chiến gian lao với tử thần của mình, đồng thời quyết định lấy một phần những lợi tức có đuợc trong tương lai thành lập một quĩ tương trợ cho các việc xã hội trong thị xã.

Và…the happy ending.

Todd Russell (trước) and Brant Webb (sau) sau hai tuần cam go
Nguồn/Ảnh: smh.com.au/Ian Waldie/Getty Images
Hậu quả sau cơn thử thách không dễ gì tan biến. Thể chất của họ vẫn còn những cơn đau lưng, cột sống và chân tay. Những ngón chân của Todd lúc này vẫn còn tê dại. Tinh thần thì cơn thử thách vẫn còn ám ảnh, thường trở về trong giấc ngủ làm đôi lúc anh tự hỏi mình đang sống thực hay mơ. Dù sao , sống sót trở về cũng là một điều kỳ diệu, một happy ending, không những cho họ, gia đình họ, mà cho cả mọi người dân xứ Úc. Sự kỳ diệu không chỉ ở sự sống sót trở về của họ. Nó biểu hiện mạnh mẽ nhất trong sự dũng cảm đối diện với thử thách của 2 anh. Nó sáng chói thêm qua những nỗ lực vượt bực và không mệt mỏi trong sự tìm kiếm, giải cứu 2 anh của bạn đồng sự, nhân viên giới chức công ty cũng như sư quan tâm đặc biệt của tất cả mọi người trong thị trấn Baconfield, người dân xứ Úc. Nó nói lên được sự cao cả của tình nhân loại. Chẳng thế mà người ta đã trả hàng triệu đô la cho câu chuyện của họ. Và người ta sẽ còn tiếp tục trả nhiều triệu nữa. Chẳng thế mà 2 anh, những công nhân thật bình thường, được mời tới quôc hội liên bang Úc để tường thuật cho Thủ Tướng, Chính Phủ, dân biểu nghị sĩ Úc cả 2 phía cầm quyên và đối lập về sự vượt qua cơn thử thách đó. Bài học 2 người đã học được qua chuyện này, và họ muốn chia sẻ với mọi người là: Đời sống rất đẹp. Sinh mạng con người, dù sang hèn cũng rất quý giá. Xin đừng coi thường mạng sống con người. Đối với họ, kể từ sau cơn hoạn nạn, mỗi ngày sống thêm coi như một phần thưởng, một “bonus” Thượng Đế ban thêm.

Tracey: 2 anh có đổ lỗi cho công ty về tai nạn đó không? Và 2 anh nghĩ hầm mỏ có nên tiếp tục khai thác nữa không?

Todd: Không, thật sự, bất cứ chúng ta làm việc gì, ở đâu, tai nạn cũng có thể xảy đến cho tất cả mọi người, nói chi đến một cơn địa chấn, một thiên tai. Chúng ta chỉ cố gắng để sự thiệt hại giảm ở mức tối thiểu. Mọi thương tật về thể xác hay tâm lý vẫn có thể chữa lành chắc chắn là cần thời gian. Và sự kiên nhẫn.Về câu hỏi sau của chị, tôi nghĩ là nên tiếp tục khai thác nữa chứ. Còn nhiều vàng dưới ấy lắm mà! Vả lại, thị trấn này sống được là nhờ nó mà! Đóng cửa thì có thành thị trấn ma.

Tracey: 2 anh học được gì ở nhau?

Todd: Những điểm mạnh

Brant: Cả những điểm yếu.

Tracey: Có lời nhăn gửi nào cho mọi người?

Todd: Những gì bạn đang có trong tay: cuộc sống, tình yêu, gia đình, hạnh phúc quý giá lắm các bạn ơi! Đừng coi thường nó. Vì khi bạn mất, không bao giờ lấy lại.

(Phỏng theo The Great Escape, Tracey Grimshaw thực hiện)

Australia, 03/06/2006
Phương Duy

No comments: