Đếm những mảnh đời






Đếm những mảnh đời.

Từ những mảnh giấy vô hồn…
Đảng và nhà nước CSVN đang ở trong những ngày vui mừng phấn khởi.. Cánh cửa của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (WTO) đã rộng mở. VN có cơ hôi bước vào và được chào đón trong tư thế của hội viên thứ 150. Sự vui mừng được thể hiện rõ qua uỷ ban đàm phán , với sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống truyền thông báo chí nhà nước và một phần của Quốc Hội CSVN. Hôm nay, Quốc Hội đang họp khoá, trong tư thế chuẩn bị cho sự gia nhập WTO. Cứ theo nhận định khách quan, quốc hội CSVN quả có chút tiến bộ.Lúc này, các đại biểu cũng bắt chước thiên hạ thế giới với dăm ba câu chất vấn bộ sở nhà nước, cho dù rốt cuộc cũng chỉ nhận được những câu phát biểu trả lời chung chung bù trớt, không đâu vào đâu. Dù sao, có còn hơn không, các đại biểu quốc hội tuy đa số đã cùng đảng và nhà nước rất lấy làm hãnh diện và hồ hởi phấn khởi trong cái vụ từ từ , thong thả, khệnh khạng (mà lòng như lửa đốt) bước vào ngưỡng cửa (chính) WTO, vẫn có một số ( nhỏ nhoi, lạc hậu, không đáng kể) có tâm trạng nghi ngờ, ngại ngùng, băn khoăn, dè dặt. Trong bài Lạc quan nhưng khó khăn tiềm ẩn (báo Tuổi Trẻ 22/10/06), tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, đại biểu tỉnh Bình Định rất lạc quan với con số dự báo tăng trưởng kinh tế 8.2% của VN ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2006-2010. Ông này còn phấn khởi tới mức đem dẫn chứng một luận đoán có tính giả thuyết của một tổ chức đánh giá quốc tế (Goldman Sachs JBWere) mà ông gọi là một cơ quan tài chính lớn tại Mỹ nói rằng: đến năm 2025, VN có thể đứng thứ 17 thế giới về tiềm lực kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Cần Thơ Lê văn Tâm lại băn khoăn rằng: tăng trưởng 8.2% theo báo cáo thì cao và vượt kế hoạch, nhưng trên thực tế, các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp chiếm không dưới 80% dân số đất nước lại không đạt kế hoạch đề ra là 3.8% (chỉ đạt 3.4-3.5%), như vậy là không vững chắc, hay nói cho thiệt đúng phải gọi là phát triển một cách khập khiễng.
Đại biểu Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh còn đi vào chi tiết hơn: . Ông phân tích: tổng thu ngân sách xấp xỉ 16 tỉ USD, trong đó thu nội địa khoảng 8 tỉ USD, từ dầu thô khoảng 4,2 tỉ USD, thu xuất nhập khẩu 2,6 tỉ USD và thu viện trợ khoảng 1,6 tỉ USD. Trong khi đó, nợ trong dân hiện nay qua bán trái phiếu và một số loại khác khoảng 22 tỉ USD, nợ nước ngoài gần 20 tỉ USD... và ông dí dỏm : “Một bức tranh kinh tế như thế mà cho rằng năm 2025 VN sẽ đứng thứ 16-17 của kinh tế thế giới thì tôi rất nghi ngờ, gắng sống thêm 19 năm nữa xem coi”.

Đến những mảnh đời tơi tả.
Những vui mừng, băn khoăn, dí dỏm của các đại biểu trên đây chẳng qua chỉ là những bức tranh kinh tế của VN vẽ trên giấy. Để tìm xem sự phát triển khập khiễng của kinh tế VN trong thực tế ra sao, có lẽ chúng ta nên đi tìm đến những mảnh đời thiên hình vạn trạng đang vỡ vụn hàng trăm mảnh của người dân lao động VN để xem cái thực trạng của nó bi hài đến mức độ nào.
Mảnh đời có lương có lậu.
Mảnh đời nhân viên công chức. Vợ chồng Đức và Thơm, cả 2 đều lá cán bộ công nhân viên nhà nước. Đức có 12 năm thâm niên qua ba cơ quan từ tỉnh lẻ lên trung ương, Thơm, giáo viên cấp 2. Lương của Đức 1.1 triêu mỗi tháng chỉ đủ cho mình anh trong 20 ngày, lương của Thơm cũng khoảng ấy. Cả 2 cộng lại cũng chỉ đủ chi 1/3 đời sống gia đình có 2 con, 2/3 còn lại không thể trông vào đồng lương. Một nhà nghiên cứu kinh tế, cũng là một công chức hưởng lưong nhà nước 30 năm nói chưa bao giò đồng lương của công chức VN đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống. Thời bao cấp, ai cũng bám vào nó như một nỗi tủi hổ, ngoài ra không có cách nào khác (Thực ra có một ít cách , nhưng quá nhỏ bé và nhục nhã vì là sự tranh giành cái ăn cái mặc mà nhà nghiên cứu này không nỡ nhắc đến). Nhưng lúc này, công chức đã có nhiều “bầu sữa” khác và dần dà nhà nước cũng chấp nhận những nguồn thu không chính thức này của họ.
Cái”bầu sữa” không chính thức này được gọi là bổng lộc hay diễn nôm gọi là…lậu. Theo bài báo Muôn đời…lương lậu ( Tuổi Trẻ 22/10/06) thì: Bài học đầu tiên làm công chức của Đức là: đi họp bây giờ ai cũng có “tiêu chuẩn” nôm na gọi là phong bì. Tiêu chuẩn của phong bì dầy hay mỏng tùy thuộc vào cơ quan tổ chức, khách mời và sự kiện họp. Phong bì là một khoản thu nhập không thể thiếu của công chức. Nó đã thành truyền thống của mọi cơ quan nhà nước. Báo kể chuyện vợ ông cựu bộ trưởng kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá mang bản khai sinh gốc của con gái ra phường để nhờ chứng thực bản sao mà chị làm văn thư ở phường cũng làm khó dễ (vì không kèm phong bì) đến nỗi phải nhờ tới bộ trưởng tư pháp can thiệp mới xong. Đó chỉ là một chị văn thư quèn tại phường với một gia đình từng là bộ trưởng còn thế, còn người dân bình thường (mà không có lậu) thì làm sao?
Đối với người dân thường, ngay một bà già bán nước ở vỉa hè cũng phải biết “hợp tác” để đóng …lậu cho mấy anh cảnh sát giao thông trật tự. Chỉ một anh dân phòng cũng kiếm được hằng triệu tiền “lộc” mỗi tháng. Không những chỉ cán bộ công nhân viên ở trong mọi cơ quan chính quyền bộ sở các cấp mới coi bổng lộc như một quy định theo tiêu chuẩn: cơ quan càng có quyền lực , ảnh hưởng lớn đến xã hội thì phong bì bồi dưỡng càng dày, màu mỡ hầu như bắt buộc phải có trong mọi ngành nghề trực thuộc nhà nước. Đưa vợ đến bệnh viện sanh con cũng phải đổi sẵn các loại tiền lớn nhỏ để chi trải cho những cửa phải qua, từ chị hộ lý, bà lao công quét rác đến anh trông xe. Bác sĩ không nhận phong bì, nhưng chìa tấm danh thiếp của họ ra. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải đến phòng khám tư của “ngài bác sĩ” có ghi địa chỉ trong danh thiếp. Ấy là nói về đám cán bộ công nhân viên quèn, còn với các ông lớn thì hãy xem báo Lao Động số 301 ngày 01/11/2006, bài “Năng lượng phong bì” tường thuật về ông giám đốc kho bạc tỉnh Hà Tây chỉ trong 1 năm có tới 9 lần gửi tiết kiệm lên tới số 1.4 tỉ bạc VN, ông còn minh hoạ cuộc đời “vô sản “ của ông bằng sự lãng trí đánh rơi 22 chiếc phong bì đựng tiền có ghi tên người đưa và có bút phê của ông rất rõ ràng. Đúng là các ông lớn CSVN bây giờ đã hoàn toàn hạnh phúc ở trong thiên đường cộng sản.
Những mảnh đời có lương không lậu,
Trong khi đó , anh N. X. Hà, làm chuyên viên một bộ, có bằng cấp đại học, lưong 600,000/tháng. Anh than thở: thuê nhà hết 500,000, tiền xăng 100,000, điện nước 50,000, như vậy không còn gì để ăn, nhà nước không muốn tôi chết đói, nhưng trả lương chết đói, bắt buộc tôi phải tìm kẽ hở để moi ngân sách hoặc ăn của đút.
Cán bộ, công nhân viên nhà nước còn có ngân sách để moi, nhân dân để xách nhiễu đòi đút lót. Công nhân làm việc ở các hãng xưởng tư nhân và nước ngoài, ngoài đồng lương cố định, không còn chỗ để moi, đành phải làm việc cật lực, tăng ca chết bỏ. Trong “Đồng lương đói” của Người Lao Động 15/01/2006: Minh, 1 công nhân của 1 công ty nuớc ngoài ở Biên Hoà, cầm 600,000 đồng lưong mà miệng méo xệch: “Bạn em bảo mày đi làm cho ngoại quốc gì mà không bằng tao đi bán vé số! “Còn Phượng, 1 công nhân may thì chua chát:” Có lãnh đạo hay giám đốc nào thử cầm 600,000 đồng thuê nhà sống trong thành phố này một tháng xem sao? “ Không bổng lộc nên túng thiếu, càng túng thiếu càng lăn lưng bám vào việc để rồi vẫn túng thiếu.
“Tụi em nhiều lúc đói đến hoa mắt, nhưng cứ nghĩ đến cảnh nghèo khó của cha mẹ, em út ở quê lại không dám cầm tiền đến chợ”. Hòa kể lúc mới lên thành phố cô nặng 47kg, nhưng bây giờ cân cả giày dép mới tròn nổi 40kg. Bạn bè cô ai cũng sụt ký với đủ thứ bệnh tật ho hen triền miên.
“Biết sức mình càng ngày càng cạn kiệt dần, nhưng phải cắn răng thôi anh à. Than với công ty cũng chết, mà không đi làm cũng chết”. Hòa tâm sự nhiều bạn bè của cô khi báo bệnh với công ty đã được “lặng lẽ” cho về quê nghỉ việc vĩnh viễn mà không được trả bất cứ một chế độ (bồi thường) nào. Ngồi nhìn những cô công nhân tiều tụy sau giờ tăng ca đến gần nửa đêm cúi mặt lùa cơm với rau muống luộc chấm muối xả ớt, không ai dám nói ra nhưng có thể thấy trước được viễn cảnh của họ. Những số phận đó chỉ là một phần trong hàng vạn công nhân đang vắt kiệt sức lực để tồn tại với đồng lương chết đói giữa thời buổi giá cả leo thang từng ngày như hiện nay.
Nhiều chủ doanh nghiệp tổ chức tăng ca liên tục hằng tháng trời nhưng lại nghĩ ra đủ cách để không phải trả tiền phụ trội . Các cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp nghĩ ra một “tuyệt chiêu” để ép công nhân tăng ca. Đó là đặt ra khoản tiền chuyên cần. Theo thỏa thuận trên hợp đồng lao động, Công nhân bảo đảm đủ 26 ngày công/tháng sẽ được hưởng khoản tiền chuyên cần (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/người/tháng). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã tự “phá lệ” bằng cách ép buộc công nhân phải làm đủ 30 ngày công/tháng thì mới được hưởng trọn khoản này.
Báo Lao động số 271 ngày 02/10/2006, trong “Thu nhập thấp, đời sống khó khăn” có chú ý tới ngành chế biến thuỷ sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Là vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long thu hút hàng chục ngàn công nhân lao động vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.
Tạo ra việc làm cho lao động - đa số từ các vùng nông thôn - song, với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và một số nguyên nhân khác, hiện đời sống của không ít công nhân ngành chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, chưa có chỗ ở ổn định. Tình trạng ở các xí nghiệp khác trực thuộc Công ty thuỷ sản xuất khẩu Kiên Giang cũng dẫn tới đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn gay gắt. Để có việc làm cho họ, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu An Hoà phải làm gia công cho một số công ty tư nhân. Thu nhập của công nhân bình quân chỉ 600.000 đồng/tháng. Tương tự, từ đầu năm tới nay doanh thu của đơn vị và thu nhập của công nhân ở xí nghiệp chế biến thủy sản Kiên Giang giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Đối với trẻ em, những mảnh đời có lưong không lậu còn tồi tệ hơn nhiều. Phóng sự của Tuổi Trẻ 26/10/2006: Bán sức, bán cả tuổi thơ với 2 bài : bài 1: Những đứa trẻ lầm than. Bài 2: Nhọc nhằn manh áo bát cơm. Có những em nhỏ đang ngày đêm mòn mỏi trên khắp nẻo đường TP.HCM để ăn xin với khoản tiền công được trả 300.000 đồng/tháng. Đằng sau những tấm thân còm cõi của các em là những kẻ “chăn người” bất lương.
Đêm về, tiếng cười nói ngả nghiêng, ánh đèn hắt sáng từng bàn nhậu khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc. Đôi chân cậu bé còi như hai ống xương lê bước trên đường. Em giơ chiếc nón bẩn xin ăn. Bề ngoài cậu bé không hơn đứa trẻ 7 tuổi dù em cho biết mình đã 12. Ai hỏi chuyện, cậu cũng lí nhí: “Em tên Quang, 12 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Vào đây xin ăn với mẹ và bà”. Quang cũng như hàng trăm trẻ em khác đang được một số đầu nậu “chăn dắt” ăn xin đưa vào Sài Gòn, tất cả đều có câu trả lời thuộc nằm lòng, đều nói một nội dung na ná.
Các em nhỏ đi xin ăn cho biết mỗi ngày phải kiếm được trên 50.000 đồng, có ngày gặp may thì 100.000-200.000 đồng. Trung bình một tháng các em xin được khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khách có cho 1.000 đồng hay tới 100.000 đồng các em cũng không vui vì tất cả đều bị chủ “chăn dắt” thu trọn. Hằng ngày các em phải dậy để đi ăn xin từ sáng sớm đến nửa đêm nên em nào cũng ốm o gầy mòn và thiếu ngủ trầm trọng.
Có những em khác không đi xin ăn , lại bị bóc lột thậm tệ trong nghề may gia công. Một bà mẹ nghèo từ Yên Bái lặn lội vào Sài Gòn để đón đứa con 13 tuổi về. Khó khăn lắm, cậu bé mới mượn được điện thoại gọi cho mẹ để kêu cứu. Lang thang ở thành phố xa lạ nhiều ngày bà mẹ mới tìm được con. Nghỉ việc giữa chừng, công sá mấy tháng trời bị phủi sạch, cậu bé chẳng được trả một đồng lương. Trong khi đó túi bà mẹ cũng hết sạch tiền. Không có tiền mua vé, hai mẹ con chỉ biết dắt nhau ra ga Sài Gòn ngồi khóc. Câu nói nằm lòng của giới chủ với gia đình các em: “Chúng tôi đưa cháu vào Sài Gòn học nghề may, các cháu có được cái nghề, còn được nuôi ăn ở đàng hoàng”. Cha mẹ các em vì quá khó khăn mà phải nhắm mắt cho con đi kiếm sống. Nhưng họ không hình dung được rằng con mình phải vất vả đến nhường nào.
Thủ đoạn của các ông chủ, bà chủ là trả lương mỗi năm một lần. Thường các em được trả lương 4-5 triệu đồng một năm. Em nào làm chưa đủ năm, nghỉ ngang thì mất trắng. Vì vậy, dù bị ngược đãi, đánh đập hoặc làm việc quá sức, không em nào dám nghỉ việc hay đi tố cáo. Đất Sài Gòn không có người thân, nghỉ làm lấy tiền đâu về quê, liên lạc với gia đình rất khó khăn.Bên đống vải vóc và quần áo may xong chất như núi, một cậu bé khoảng 11-12 tuổi đang thoăn thoắt may như một cái máy. Cậu bé này làm ở công đoạn ráp đồ thun. Cậu bé nói chuyện mà tay vẫn làm việc một cách thuần thục, mắt không rời máy. Các em cho biết mình làm việc từ 7 giờ sáng đến 1 giờ đêm mỗi ngày, tiền công khoảng 5 triệu đồng một/năm. Nếu hàng nhiều có thể làm đến 3 giờ sáng. Tất cả các em đều “tự khai” là cháu của chủ cơ sở. Chủ cơ sở cho biết nuôi khoảng 16 đứa... cháu và con, tuổi 10-16. Chỉ có điều quê của các “cháu” thì mỗi đứa một phương, em này ở Bắc Ninh, em nọ ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa...Nghe giờ giấc làm việc của các em, nhiều người không khỏi giật mình. Bé Hợp, 11 tuổi, quê Bắc Ninh, thật thà kể: “Em ăn tối bữa cuối là sau 1 giờ sáng. Sau đó đi ngủ đến 6 giờ sáng thì dậy và ăn uống rồi làm việc tới nửa đêm. Ăn mì tôm hai bữa sáng và khuya, trưa chiều mới được ăn cơm”. Tuổi thơ thế giới , tuổi của vui chơi, học hành. Tuổi thơ các em VN, tuổi của nhọc nhằn, manh áo, bát cơm.
Những mảnh đời lao nô không lương không lậu
Tuy vậy, những mảnh đời lưong lậu trên còn có cái nhét vào miệng. Những kẻ trấn lột họ vẫn còn là những đồng hương cùng một tiếng nói còn chút tình người. Có những mảnh đời khác đang bị lừa gạt thành kẻ lưu vong , bị biến thành thân nô lệ từ thể xác tới tinh thần và vật chất , lại còn bị lũ ngoại bang đối xử không hơn một con vật. Chị Lê Thị N., quê Nam Định, làm công việc chăm sóc một cụ già 82 tuổi và 3 đứa trẻ trong một gia đình có tổng cộng 9 người ở Đài Loan. Chị kể, chị phải thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật, mỗi ngày chỉ chợp mắt được khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không làm chủ vui lòng. Bà chủ thường xuyên chửi: "Mày gọi điện bảo công ty mày đưa mày về nước đi". Kiệt sức và bị đối xử thậm tệ, nên ngày mùng 3 Tết Bính Tuất chị bỏ trốn, 4 tháng sau thì bị bắt. Khốn khổ nhất là trường hợp của Phạm Thị Đ. Gặp chúng tôi, Đ. rưng rức khóc và khẩn cầu chúng tôi giúp cô một công việc... bất khả thi: "Các anh chị giúp đưa chúng em về Việt Nam. Ở đây nhục nhã lắm!".
Đ. sinh năm 1981, là chị cả của ba chị em một gia đình nông dân nghèo ở huyện Nương Tài - Bắc Ninh. Tháng 4/2003, Đ. được một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội đưa sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Theo hợp đồng, mức lương tối thiểu của Đ. không dưới 15.840 Đài tệ (NT$) - mức lương tối thiểu của một lao động nước ngoài làm việc tại đây, tương đương hơn 7 triệu đồng VN. Nhưng cô bảo, thực tế không phải vậy: tháng đầu chủ chỉ trả 650 NT$, tháng kế tiếp được hơn 1.000 NT$. Đ. phản ứng thì "bị chủ chửi mắng, dùng tay cào vào cổ, 2 lần dùng thìa múc canh đánh vào đầu và đe dọa đuổi việc", Đ. nói. Sợ quá, Đ. bỏ việc đến Đài Trung... làm chui. Nhưng cuộc sống chui nhủi, luôn phải lánh mặt đồng hương, không biết bị bắt lúc nào không thể cứ kéo dài mãi, nên ngày 16/2/2006, Đ. ra đầu thú để mong có cơ hội trở về VN vì hộ chiếu đã bị chủ giữ. (Trích “những đồng hương giấu mặt” báo Thanh Niên 21/10/2006)
Trong “Đường về không thong thả” ngày 31/10/2006 , tờ SàiGòn Giải Phóng đưa lên một phóng sự: chỉ riêng tỉnh Thanh Hoá có tới trên 4000 phụ nữ VN bị bán sang Trung Quôc làm vợ hoặc mại dâm. Trong số chỉ 2300 có thư phản hồi (về cho gia đình), còn 1700 bặt vô âm tín. Mảng đời của chị Nguyễn thị Thường là một điển hình: chị Nguyễn Thị Thường (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) vừa khóc sướt mướt, vừa kể: “Em nghe Trần Thanh Đoàn (cùng xã) hứa đưa lên Bắc Thái làm công nhân hái chè với mức lương cao nên gửi lại con cho bố đẻ rồi khăn gói lên trên ấy”.
Chưa bao giờ ra khỏi cổng làng nên khi tên Đoàn dẫn chị Thường qua Trung Quốc rồi nhận mấy ngàn nhân dân tệ từ tay mụ đàn bà béo trùng trục, chị Thường mới biết mình bị lừa. Hơn một tháng bị giam trong căn phòng 4m2, một nông dân ở tỉnh Quảng Tây (TQ) đã mua chị Thường về làm “vợ”.
Tiếng là lấy chồng nhưng ngay ngày đón dâu, Thường đã bị o ép và kinh tởm nhất là ngay cả cha chồng, em chồng cũng nhìn chị bằng cặp mắt thèm muốn.
Từ địa ngục trở về, chị Thường thất thần mô tả cảnh làm “vợ”: “Em như con vật để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của ba cha con nhà chúng thôi các bác ạ. Đứa con gái thứ nhất, em cũng không biết cha nó là ai trong số 3 tên nông dân dâm loạn nọ. Đau đớn nhất là khi em mang thai bé gái thứ hai, những người tàn ác đó đang tâm bóp mũi cho đến khi cháu tắt thở bởi không đáp ứng được mong muốn có đứa con trai để nối dõi. Em chết ngất mấy lần, tự tử mấy lần mà không chết được!”.
Xã Ngư Lộc không riêng gì nạn nhân Nguyễn Thị Thường mà có tới 127 chị em bị lừa bán ra nước ngoài. Đau xót nhất là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Th. ở thôn Chiến Thắng. Vợ ông Th. cùng ba đứa con gái bị lừa bán qua Trung Quốc đã hai năm nay, đến giờ vẫn chưa có tin tức. Ông Th. hàng ngày thẫn thờ như người điên, suốt ngày khóc gọi tên người thân. Số người có thư hồi âm thì số phận cũng không khá hơn: Do ràng buộc tình mẫu tử nên chị em chỉ có thể về VN thăm họ hàng ít buổi rồi lại dứt áo ra đi vì “nhớ con ở bên ấy”.
Số chị em bị ngược đãi, xâm hại nhân phẩm, khi “vượt ngục” trở về nước lại gặp không ít khó khăn, gia đình bố mẹ chồng con ruồng rẫy, cán bộ quan chức hành chính khó dễ hộ khẩu, một số bơ vơ lạc loài, rất khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai, chưa kể dư luận xã hội đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng bao dung, sẻ chia với những cảnh đời không may mắn. Nhiều trường hợp khi về nước không có nơi nương tựa, thiếu tư liệu sản xuất, không đủ tư cách pháp nhân để vay vốn hoặc xin đất làm nhà, thậm chí không đăng ký được khai sinh cho “những đứa con lạc loài”. Thật là về cũng dở mà ở cũng thua.
Những mảnh đời chùm gửi thuê bao.
Trở lại với những mảnh đời trong nước, những mảnh đời đang sống kiếp tầm gửi , làm gái bao, bồ nhí cho các quan chức của đảng và nhà nước lắm tiền và đầy thế lực, cùng các đại gia phất lên nhờ móc ngoặc với đám quan chức trên , đồng thời làm giàu nhanh chóng qua sự bóc lột tàn tệ tài sản nhà đất và sức lao động còm cõi của người dân nghèo khổ..

Có một ngoại hình dễ coi, tiếng thời thượng trong nước gọi là các em” chân dài”, phải mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà, mang tiếng hát và cả tấm thân mình để mua vui cho đời, cho người. Người ở đây là những quan lớn túi đầy đô la, miệng hà ra lửa. T.T. là một trong những kiếp cầm ca sống tầm gửi bên một ông S., chủ đại gia một cơ sở sản xuất ở Bình Chánh, Sài Gòn. Không biết ca hát nhưng theo yêu cầu của ông S., cô vẫn gượng bước lên sân khấu. T. cố lắm cũng chỉ vừa xuống hết câu vọng cổ… rồi nín bặt. Thấy vậy, ca sĩ Y.N liền “cứu bồ” bằng cách cả hai cùng song ca bài vọng cổ “Lá trầu xanh”. “Đại gia” S. vẻ phật ý. Ông lên sân khấu tặng hoa, nhưng riêng T. T là tờ bạc 10.000đ cuộn tròn xỏ qua chiếc lá bàng ( ý muốn chửi là đồ xỏ lá?) .
Bị mất mặt với mấy chiến hữu từ Vũng Tàu mới đến, ông đâm bực: “Con nhỏ này bữa nay dám giở trò với tao. Tính tiền đi chỗ khác…”. 26 tuổi, T. T đã có thâm niên hơn 10 năm phục vụ ở quán nhậu, rồi tiếp thị bia… ở các quán từ quận 6, 11, Tân Bình, Bình Chánh… T chỉ sang hai cô gái phục vụ bàn bên cạnh: Tr. là em ruột, P. là bạn. Mới chút vui, giọng T. chợt buồn: “Cũng cay đắng trăm bề chứ có khá hơn gì đâu chị”. T kể, nhiều ông khách vào quán là đòi tiếp viên ngồi bên cạnh, rót bia, gắp mồi, lau mặt lại còn… “khám” khắp người. “Cũng như lúc nãy, không biết hát cũng phải hát đại. Mà ổng đã vừa lòng đâu”, giọng T. ấm ức.
Đó là mảnh đời của T. trong “ Phận gái nghèo và đời thuê bao” ( Sài Gòn Giải Phóng 10/10/2006).
Những mảnh đời bám víu vỉa hè sinh sống
Đây là những mảnh đời lộ thiên, mảnh của cuộc đời muôn mặt, kiếm sống trên các vỉa hè của các thành phố thị xã. Buôn gánh bán bưng, bán vé số dạo, thuốc lá lẻ, trà đá , giải khát có, phu khuân vác gồng gánh có, và có cả moi rác kiếm ăn.
Mảnh đời bám đường bám chợ.
Trước hết nói về cửu vạn, tiếng lóng miền Bắc để chỉ những người làm nghề phu khuân vác. Chúng ta thường được nghe nói nhiều về cửu vạn trên những con đường buôn lậu băng qua biên giới với lối sống giang hồ rất gian nan nguy hiểm. Ở đây chỉ xin đề cập đến những cửu vạn bình thường đang hành nghề một cách lưong thiện ngay trên phố thị. Những cửu vạn qua bài phóng sự “ Nữ cửu vạn” trên báo Thanh Niên ngày 29/12/2005. Tại một góc của khu chợ Đồng Xuân tấp nập người, chị Đinh thị Thái, 1 trong số cả trăm nữ cửu vạn của thành phố Hà Nội đang chuẩn bị cho một ngày làm việc: Đòn gánh và dây thừng trên tay,sẵn sàng trong việc khiêng vác, gánh hàng thuê cho khách đi mua sắm hay bốc rỡ hàng hoá cho các chủ sạp bán . Chị Thái khoảng 30, khăn len ngang trán, nón cũ trên đầu, cố lần từng bước một xuống cầu thang từ lầu ba để ra cổng chợ với một bao bố to tướng trên vai khiến chị phải oằn lưng khom xuống, thỉnh thoảng có người qua lại va phải làm chị liêu xiêu lảo đảo. Cuối cùng, bao tải hàng cũng đến được đích, vừa đưa tay nhận mấy nghìn đồng bạc vừa thở hào hển. Quê chị mãi ở Hà Tây, nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con, những lúc nhà nông không có việc, chị phải cắp đòn lên Hà Nội gánh thuê để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và học phí cho con. Mỗi chuyến hàng chỉ kiếm được từ 500 đồng đến nhiều nhất là 5000. Chị bảo, tuy ít và vất vả nhưng vẫn phải làm, ở quê thì chẳng biết làm gì kiếm ra được mỗi ngày vài chục ngàn . Công việc cực nhọc, tiền làm ra ít, nhưng phải tiết kiệm đến mức tối đa vì còn phải gửi về quê nuôi con. Ngoài nỗi vất vả mưu sinh, họ còn phải chịu nhiều điều tiếng, đôi khi bị đối xử thô bạo. Chuyện các nữ cửu vạn bị chửi, bị sờ soạng, bị bạo hành, xua đuổi bởi những chủ hàng diễn ra như cơm bữa, vì có một số người có tính ăn cắp vặt hay lấy đồ của khách. Cuộc đời bốc vác không những chỉ chồng chất những vất vả của đời sống mà còn ấm ức vì những đối xử bất công.


Mới 35 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Liên (Đông Anh, Hà Nội) đã hằn sâu nét khắc khổ của một người có tuổi. Đôi mắt tối sẫm lộ ra sau vành khăn bịt kín khiến dáng vẻ chị càng tiều tuỵ. Ngồi bên đống quang gióng cũ kỹ chưa có người mở hàng, chị buồn bã kể: "Ở quê, đất vào quy hoạch hết, ít ruộng lắm, xong mỗi vụ không đủ tiền chi tiêu, nộp học hành cho con nên xuống đây kiếm kế sinh nhai. Cực nhọc một chút nhưng một ngày cũng kiếm được dăm bảy chục nghìn cho con ngày hai bữa và đến trường...".



Với dân làm nghề gánh thuê, được gọi đi làm là hạnh phúc lắm rồi, kể chi mệt nhọc. Nên 1.001 việc, từ gánh hàng (thường là đất đá), chở cát, xi măng..., thậm chí đập nhà, họ đều nhận làm,
bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm. "12h đêm hay 1h sáng họ cần mình vẫn làm.


Mảnh đời ôm bến xe, hít bụi đường.
Nguyễn thị Xuân Đào, 28 tuổi đời, 10 tuổi bám đường, nhà ở ngay ngã ba Cát Lái, , bán giải khát, thuốc lá lẻ, kẹo bọc, khẩu trang, găng tay che kín mặt, ngồi chịu trận nắng gió từ 4 giờ sáng đến 9 – 10 giờ đêm. Đến khi nhà nước giải toả mở đường, nhà bị mất phải bồng con đi thuê chỗ ở. Chồng bỏ theo vợ bé, để lại dăm món nợ, nên từ người sở hữu 2 chiếc xe dream và chút ít vòng vàng trở thành trắng tay. Đào không còn cách nào khác ngoài việc xách giỏ về lại ngay chỗ nhà ở của mình bị giải toả để buôn bán qua ngày. Khi trước, Đào ở Cần Thơ, vì muốn trốn cuộc sống mần ruộng, quanh năm chân không dầm nước , nên quyết lên thành phố lập nghiệp để chân được đi dép. Từng làm công nhân ở khu chế xuất Liên Trung, tăng ca liên tục mà lương chưa đầy triệu bạc, không đủ nuôi con,phải bỏ hãng xưởng. Đào bây giờ buôn bán lặt vặt, thu nhập chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu vì vừa phải thuê nhà(hơn 100,000/tháng), vừa phải thuê người trông con(300,000/tháng). Chị than: không săm sửa gì cho riêng mình, chỉ dám bỏ tiền mua bông băng cho những ngày thấy tháng. Giá mà không có “khoản ấy” thì cũng chẳng cần gì. Phải để tiền nuôi con.
Phạm thị Hoa cư ngụ tại quận 9 có khá hơn. Chị có đươc một chiếc xe nước ngọt đầy bụi băm ngay ngã tư Thủ Đức, xe không có được cái dù để che mưa nắng, cái nắng nhiệt đới cháy da người. Vậy mà chị cũng rất buồn: bán ở đây khổ lắm, tới bữa không nhờ được người phụ coi hàng thì phải nhịn ăn, mót tiểu cũng phải nhịn . Khổ nhất vẫn là nơm nớp lo sợ sự xuất hiện của công an giao thông. Mấy tháng hè, thằng con được nghỉ học phải theo mẹ ra xa lộ làm” cảnh giới “cho mẹ. Lúc nào nó cũng “chơi” cái áo màu xanh đọt chuối để mẹ dễ nhận thấy từ xa. Đang bán hàng mà thấy nó hớt hải chạy tới túm lấy mấy cái ghế nhựa quăng bừa ra tứ phía để xoá hiện trường, nguời mẹ vội lật đật đẩy xe đi “ Mấy ổng tới đó!”. Chị thều thào. Tội nghiệp cho chị, kiếm được bát cơm vất vả giữa trời thiêu đốt mà phải lấm lét như người ăn trộm. Có lẽ chị đang trộm lấy những vất vả trong cuộc sống và tương lai của mẹ con chị?
Mảnh đời dạo nát phố phường.
Ngay bên vệ đường, dưới chân cầu Sài Gòn, bà cụ Nguyễn thị Phước, 67 tuổi, quê ở Thanh Hoá, bày biện 1 cái thùng xốp trên đó có mốt mớ vé số, bên cạnh là đứa cháu gái 4 tuổi ngồi đu đưa trên cái võng cũ mèm. Thân già một mình phải nuôi 2 đứa cháu mồ côi: con bé Quỳnh 4 tuổi và thằng Tuyên, anh họ của nó 12 tuổi. Bà bám tàu vào Nam kiến ăn đề lại một mình thằng Tuyên ở quê đi học. Tiền bà gửi về cho nó tháng đực tháng cái, lúc được trăm nghìn,lúc chỉ hai ba chục. Vậy mà thằng bé vẫn học được., sống được. Hè đến, nghỉ học, nó nhảy tàu vào Nam giúp bà buôn bán. Ế ẩm thì ba bà cháu dắt díu nhau đi bán dạo dài đường. Bà cụ đã già chỉ đi dạo quanh quẩn gần đó. Thằng Tuyên khoe đi bán dọc theo xa lộ Hà Nội đến tận Suối Tiên, nó bảo cố để dành tiền hết hè lại về quê đi học, không ở đây lâu.. Bà cụ bảo: “ tôi nghèo . phải lấy chịu vé, bán được đồng lời thì trả. Có khi cháu nó bị bọn xấu lưà đổi vé cũ, có hôm lại đánh rơi tiền. Làm mất thì mấy bà cháu nhịn ăn”., Ba bà cháu lam lũ đang tìm cuộc sống trên những đôi chân khẳng khiu , đi rạc cẳbg, dẫm nát đường để tìm hột cơm.”.
Mảnh đời bới rác mưu sinh.
Có những mả Lại có những mảnh đời kiếm sống bằng chuyện đi mót lại những đồ phế thải của xã hội, đó là những người mót rác. Báo Lao Động trong số 295 ngày 26/10/2006 có bài phóng sự “một ngày đi mót rác” tường thuật có hàng trăm người đang từng ngày phải bám vào bãi rác Nam Sơn , thuôc Sóc Sơn , Hà Nội để tìm miếng cơm manh áo. Đó là câu chuyện bên suối Cầu Lai của những mảnh đời ngập rác. Mặc dù thành phố đã ra quyết định đóng cửa bãi bắt đầu từ ngày 20.9 nhưng có lẽ vì chưa giải quyết công ăn việc làm cho người dân nên quyết định đó vẫn chưa có hiệu lực. Vì thế hàng đêm, hàng trăm người vẫn túc trực để được vào "mót" nốt những phần của cải mà người ta đã ném đi. Với nhiều người, vào bãi rác còn là tìm kiếm một vận may,họ kể về nhiều trường hợp lượm được cả tiền triệu bằng một sự hăm hở như thể cứ "đi bãi" rồi thế nào cũng số đỏ., gặp may.
3 giờ bãi rác mới mở cửa nhưng từ đêm, đủ cả đàn ông đàn bà, mà rất đông trong số đó là những thanh niên độ tuổi 20 từ mọi ngả đổ về ngồi chật cứng cả đường. Các vụ mùa bây giờ chỉ vài ngày đã hết việc, nên dường như cả năm họ quần quật trên bãi rác.Có đến 800 người như thế, có cả dân tứ tán từ nơi khác tới nhưng phần lớn vẫn là nông dân ở quanh vùng, đa số thuộc xã Bắc Sơn. Moi người hành trang hầu như giống nhau:cào sắt và bao tải trên tay, chân đi ủng, trên trán đội một cây đèn trùm đươc thắp sáng bằng một bình ắc qui đeo ngang hông. Mùi rác nồng nặc bốc lên xộc vào mủi vào miệng làm muốn ói. Họ có thể mót được đủ thứ: Từ những cọng rau, những vỏ hộp nhựa, chai lọ, túi bóng, quần áo hỏng đến những thanh gỗ sẽ được dùng làm củi. Ngay cả xác những con chó, con mèo bị người ta quăng đi, dân đi bãi cũng lượm về làm "đồ nhậu" (!?). Những thân hình còng queo và gầy rộc cứ nhấp nhổm lên xuống, tì sát cả mặt xuống để bổ lưỡi cào vào đống rác lớn rồi moi móc ra các thứ đồ tận thu.. Thật là khắc nghiệt vì phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, những tấm thân cứ mòn dần đi mới có được miếng ăn ở nơi dơ dáy nhất của xã hội... Thật khó có thể tưởng tượng , qua sự lao lực của họ, đến sáng hôm sau, những đống rác lớn như nóc nhà rồi sẽ được san phẳng. Duy chỉ có những bao tải là mọc lên thuôn dài như cây nấm, lèn chặt, có những cái nặng đến 60-70kg. Chúng sẽ được bán lấy tiền ngay và cũng được chi tiêu ngay cho mọi khoản sinh hoạt gia đình.

Theo tính toán của anh Ngô Văn Sỹ, một người "có nghề" đúng 7 năm ở thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn thì thu nhập của những người "đi bãi" như vợ chồng anh trung bình mỗi ngày cũng phải được 50.000 đồng/người, tính chung cho cả bãi mỗi ngày vẫn còn chắt chiu được cho những người dân nghèo số tiền không hề nhỏ: ẹ nhất là 50 triệu đồng. "Nếu đóng cửa bãi thì mỗi ngày sẽ chôn phí 50 triệu, trong khi vợ chồng tôi sẽ thất nghiệp vì cả nhà 4 miệng ăn mà chỉ có hơn 1 sào ruộng"

Và…những mảnh đời đang bị bỏ quên .
Họ là những kẻ tật nguyền, những người bị đối xử bất công vì quá khứ và sự mất khả năng lao động của họ: Thương phế Binh VNCH. Những con người và dữ kiện trích từ “Sài Gòn lẩm cẩm thiên hạ sự”số 167 – 169 ngày 06/8/2006 của nhà văn miền Nam Văn Quang:
- Anh Nguyễn Đức Thắng, trước đây thuộc Tiểu đoàn 33, Liên đoàn 92 Biệt Động Quân. Bị thương cụt cả hai chân, ngày 28-3-1975 tại Dầu Dây, Long Khánh. Hiện nay anh ở 57/32, Phường 5, Quận 8- TP. Sài Gòn. Vợ chồng con cái anh cũng chẳng có nhà, dù chỉ là một mái lá đơn sơ cũng là nhà anh ở thuê. Vợ anh đi bán khóm trước vài cái cổng trường, kiếm tiền nuôi con đi học. Khi nào gặp bảo vệ hoặc mấy thầy cảnh sát đuổi thì ôm thúng khóm chạy.
- Anh Lư Bửng thuộc ĐĐ 22, TĐ 2, SĐ Dù. Bị thương ngày 20-7- 1972 tại Đồi trọc 81, Quảng Trị. Cụt 2/3 chân phải, bể bánh chè chân trái.Trường hợp của anh rất bi đát, vì sau một thời gian đi vùng kinh tế mới, vợ anh bị mù cả hai mắt. Chúng tôi gặp cả hai anh chị đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, mang theo chiếc xe lăn phía sau. Trong cơn hoạn nạn, người ta phải cố hết sức sáng tạo ra cách sinh tồn để người què cả hai chân vẫn tập luyện để có thể leo được lên chiếc xe gắn máy. Đúng là một cảnh khá ly kỳ, anh chồng cụt đèo cô vợ mù, lang thang kiếm sống. Chị vợ hỏi chồng: đây là đâu. Anh chồng diễn tả gọn gàng: mình đang ở sân nhà thờ, còn đây là ông bạn cũ của anh. Chị vợ gật gật, chẳng biết chị hình dung ra cái khung cảnh ấy như thế nào. Chị cười, khuôn mặt rạng rỡ, nhưng đôi mắt trắng dã thì bất động. Tôi hỏi thăm, chị thuộc lòng địa chỉ của mình: Chúng em ở số 171/5, Khu phố 6, Phường …, Quận …, TP. Sài Gòn.
- Anh Trịnh Văn Thanh, thuộc ĐĐ 9 Trinh sát, Trung đoàn 9 Sư Đoàn 25 BB. Bị thương ngày 19-1-1974 tại Bến Cát- Binh Dương, cụt cả hai chân. Mỗi lần đi đứng đều phải nhờ người bế ẵm. Tuy vậy, nhìn vẻ bề ngoài, anh còn bảnh bao lắm. Hỏi về gia đình, anh cho biết bố mẹ mất sớm và đến nay vẫn chưa có vợ con gì. Anh mỉm cười, cam chịu với số phận: Nghèo và cụt, ai thèm lấy hả anh?. Câu hỏi buồn, tự nó cũng là câu trả lời. Hiện nay anh sống nhờ nhà bà cô họ ở số 1/5 đường…, Phường …, Quận…. TP. Sài Gòn.
- Anh Nguyễn Phương, trước đây anh mang cấp Thiếu Úy, phục vụ tại Phòng 7- Nha Kỹ Thuật. Anh bị thương ngày 20-2-1975 tại An Lỗ - Huế. Hai chân và 5 ngón tay trái bị cưa cụt. Ngày nào khỏe mạnh, anh đi bán vé số, nhưng từ ngày vé số lên giá, rất ế khách, cả gia đình phải trông nhờ vào người vợ bán bánh canh di động ngoài lề đường. Chỉ có 2 đứa con được đi học, còn đứa lớn ở nhà gồng gánh giúp mẹ. Hiện nay anh ở số A 27/4 Đường …, Phường…, Quận…, TP. Sài Gòn.
- Anh Ngô Văn Nhường, không còn một thứ giấy tờ gì, nhưng hầu hết anh em Thương binh ở đây đều biết. Anh là quân nhân thuộc TĐ 3, TQLC, bị thương ngày 28-1-1973 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Cụt cả hai chân. Tôi hỏi hiện nay anh ở đâu, anh lắc đầu: Ngày đi lang thang, tối về ngủ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, làm gì có địa chỉ.

Vậy muốn tìm gặp anh, phải làm sao? Anh lại lắc: Em cũng không biết nữa. Chỉ có anh em thương phế binh với nhau, chịu khó đi quanh quanh mấy cái vùng Bình Hưng Hòa mới gặp em thôi. Tôi nhờ Hàm Anh đưa tặng anh 2 triệu, anh mân mê chiếc bì thư và kể: chưa ai cho em nhiều như thế, cách đây 2 năm, em chỉ được Hội đoàn Nhảy Dù ở Canada tặng cho 50 đô la là em mừng lắm rồi. Tôi băn khoăn hỏi: Nếu gửi quà cho anh, thì gửi thế nào? Anh suy nghĩ một lát rồi nói: hay là anh cứ gửi anh Phúc cho em là được rồi. Anh ấy sẽ nhờ người đi tìm em thì thế nào cũng ra.
- Anh Phan Đức Du ngồi lặng lẽ với đôi mắt mù hoàn toàn, mái tóc bạc hơi cúi xuống bên đầu chiếc gậy tre. Trước đây anh thuộc ĐĐ 81, TĐ 8 Nhảy dù. Bị thương tháng 2 năm 1972 tại Bình Long - An Lộc. Hiện nay anh đang sống trong túp nhà tranh tại số 2/B, Ấp …, xã …, Huyện …, TP. Sài Gòn. Đôi khi anh cũng nhận được sự trợ giúp mà theo anh biết đó là tổng hội TQLC ở Mỹ. Tôi cũng cho anh biết số tiền này là cũng do một người bạn đồng ngũ của anh, trước kia ở binh chủng TQLC, nay ở tòa soạn báo Houston, được bà con, anh em ở bên đó gửi về tặng anh.
- Riêng anh Phạm Văn Bé bị liệt, không thể đi được, tôi phải nhờ anh Bảo đưa đến 2 triệu làm quà tặng. Trước đây, anh thuộc ĐĐ 4, TĐ 4 -TQLC bị thương ở cột sống, nên bị liệt cả hai chân. Anh lại đang bị lở loét rất nặng, tạm trú tại số nhà 923/13 Đường …, Khu phố …, Phương …- TP. Sài Gòn.
- Những cuộc đời giữa hoang đảo

Bạn có thể hình dung ra giữa thế kỷ này có một người suốt từ hơn 30 năm nay sống giữa “hoang đảo”, mà cái “hoang đảo” ấy lại nằm sát bên thành phố Sài Gòn? Anh sống biệt lập trên một dẻo đất giữa dòng sông Sài Gòn. Tuần trước, khi tôi nói chuyện qua điện thoại với một trong số ba “người lính nhảy dù lâm nạn”, anh Phúc, người thương binh bị cụt cả hai chân, cao giọng xác định:
- Phải nói là anh ấy bị cô lập hoàn toàn với cái thế giới được gọi là văn minh này mới đúng.
- Cô lập nghĩa là thế nào? Ai cô lập anh ấy?
- Không ai cả. Anh ấy… tự cô lập mình. Mà không cô lập cũng không được. Sau ngày 30-4-75, bỏ bộ quân phục, trở về thành phố với hai bàn tay trắng. Không nhà, không một mảnh đất cắm dùi. Trú ngụ trên hè phố cũng bị đuổi, dựng cái chòi trên bất cứ một mảnh đất nào cũng là đất có chủ, không của xã ấp thì cũng của ông Ba ông Tư. Cứ dăm bữa, nửa tháng lại bị đuổi đi chỗ khác. Lang thang bên bờ sông, lối đi trên đường đến Thủ Đức, nhìn thấy một dẻo đất giữa sông, anh cho rằng miếng đất ấy không có chủ. Thế là anh nhờ thuyền chở ra, và “cắm dùi” ngay trên dẻo đất ấy. Ngày một, ngày hai, may quá, chẳng ai đả động gì đến anh.
- Và anh cứ ở đó cho đến nay?
- Vâng, ba mươi năm nay, cứ như một chàng Rô-bin-sơn giữa rừng thẳm. Từ cái chòi lá lụp xụp, anh tha từng miếng tôn, từng thanh gỗ, từng mảnh vải, từng cái lu… dựng nên một ngôi nhà.
Thì ra cuộc đời có những chuyện tưởng rằng ly kỳ, nhưng thực ra lại rất giản dị, rất dễ hiểu. Không có đất làm nhà, không nơi trú ngụ thì kiếm một miếng đất vô chủ, một miếng đất không ai thèm ở hoặc nghĩ rằng không thể nào ở được. Làm cái chòi ở tạm. Thế rồi, ở được thì ở luôn. Mà dù có muốn thay đổi cũng không thay đổi được. Lo kiếm sống còn chưa xong thì thay đổi làm sao? Hơn ba mươi năm rồi, cuộc sống vẫn thế, chẳng có cơ hội nào cho anh ngóc đầu dậy được. Vẫn cứ là anh chàng sống giữa hoang đảo với cái gia đình nghèo khó cơ cực của mình.
Đó là anh chàng Tarzan thực thụ Lê Văn Đẹp sống “hiên ngang” giữa dòng sông Sài Gòn. Trước kia anh phục vụ tại Đại đội 83- TĐ 8 Nhảy Dù. Bị thương tại mặt trận Phong Điền - Thừa Thiên ngày 23-4-1974.
Bây giờ sống với cái dẻo đất “trời cho” giữa sông, anh không có địa chỉ mà chỉ có một địa chỉ đi nhờ ở số 16, Đường …, Khu phố…- Phường … Quận…. TP. Sài Gòn. Tất nhiên anh cũng chẳng hề có hộ khẩu, chẳng có Chứng minh nhân dân và cũng chẳng thuộc khu phố nào. Một địa danh… vô danh, một con người… vô danh không địa chỉ, thế nên cũng chẳng ai quản lý anh. Anh sống “vô tư” như con cá, con tôm, giữa sông. Cứ “thản nhiên” đi về cái “túp lều lý tưởng của anh”. Nhưng anh khoe với tôi:
- Trong người em bây giờ chỉ còn mỗi cái “Thẻ Căn Cước Quân Nhân” cũ thôi anh ạ. Nó đen nhẻm rồi, nhưng không bao giờ em bỏ nó. Cái “thẻ lính” này quý lắm. Anh chìa cái thẻ ra và tôi chỉ còn thấy nó đen đỏ lốm đốm, như có mùi mồ hôi và màu máu. Nó lại khác hẳn với khuôn mặt anh lúc đó, đang nở một nụ cười hơi… có vẻ gì như “ngô ngố”, ngây thơ, song đầy tự hào, kiêu hãnh. Kiêu hãnh đến có thể cho là kiêu ngạo. Dù có thế cũng chẳng sao. Niềm kiêu hãnh ngấm ngầm ấy, tôi thấy nó có giá trị hơn là những pho tượng bằng đồng hay có bằng vàng đi chăng nữa. Tôi nhớ đến bức tượng người lính đã bị đánh sập ở Nghĩa trang quân đội hơn 30 năm trước. Nhưng không ai đánh sập được bức tượng trong nụ cười người lính này! Đó mới là điều vô giá còn lại mãi mãi
-
Và những mảnh đời không khác gì trên hoang đảo
Anh chàng đang nhâm nhi ly trà đá dưới cành me non. Mới chỉ nhìn thoáng qua, thấy anh còn có vẻ điển trai khiến nhiều “kiều nữ” có thể “bắt mắt”. Nhưng khi anh vén cao chiếc quần jean cũ mới thấy hai chân cụt của anh không đều. Một chân cụt quá đầu gối, một chân cụt ngang xương ống chân phía dưới. Anh là Huỳnh Văn Sang, thuộc ĐĐ 82, TĐ 8 Nhảy dù, bị thương tại Đồi 1062, Quảng Nam, Đà Nẵng ngày 15-9-1974. Một vết thương ở tay phải, hai vết thương ở chân đều trầm trọng.

Hiện nay anh chỉ đi sửa điện loanh quanh trong xóm gần đó. Một thứ công việc vặt không bao giờ là thường xuyên. Ai có việc gì thì gọi. Anh lê đến ngồi cặm cụi sửa, chủ cho bao nhiêu biết bằng ấy, không thể đòi hỏi vì nó không có giá. Anh cũng là dân “ngụ cư giữa sông”, ra ở tuốt ngoài cù lao. Nhờ vậy có “bạn chài” nào vớt được ít tôm cá, vợ anh đến xin mang đi bán rồi về trả lại “vốn”. Cuộc sống bữa đực bữa cái, nhà cửa tuyềnh toàng, chỉ vừa đủ che nắng, chứ khó mà trú được với những cơn mưa lớn. Gió thổi bung thì đành… mặc áo ni lông trong nhà.

Cái địa chỉ của anh, nếu là người lạ thì cũng khó kiếm ra: 41/92 Cù Lao Nguyễn Kiệu, Phường …, Quận …. TP. Sài Gòn.
* Anh Phạm Ngọc Sơn. Trước đây anh mang cấp chuẩn úy của TĐ 11 Nhảy Dù. Bị thương tại mặt trận QK1 ngày 30-11-1974. bàn tay bị co quắp lại nhưng vẫn phải cố gắng đứng trước cổng bệnh viện Từ Dũ chạy xe ôm. Tuổi ngày càng cao, anh yếu rồi song vẫn cứ phải bám lấy công việc bởi đó là cách duy nhất của anh kiếm sống.

* Người bạn có vẻ “trẻ” nhất ngồi trầm ngâm bên chiếc ghế đá công viên với lon nước ngọt là anh Tân Lưu Thanh, số quân 77/112.739, trước thuộc ĐĐ2, TĐ5 Hắc Long của Thủy quân lục chiến. Bị thương ngày 13-3-1975 tại Cầu Sắt, Củ Bi, An Lỗ, Huế. Ngày 30-4-75 anh còn nằm trong bệnh viện Lê Hữu Sanh, Sóng Thần, Thủ Đức. Nhưng ngay chiều hôm đó, anh đã buộc phải rời khỏi bệnh viện trong khi vết cưa chân vẫn còn chảy máu.

Anh về sống lê lết với gia đình, nương nhờ họ hàng. Anh đã phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, kể cả việc phải bán máu khi cùng quẫn. 32 năm, cuộc đời đen tối cứ chụp lấy anh. Nay thì anh “sức tàn lực kiệt” rồi, anh nói với tôi:

- Em nói thật bữa đói bữa no anh ạ. Bệnh tật triền miên. Có lẽ vì bán máu quá nhiều chăng, em cũng không biết nữa. Nhưng nếu còn có thể bán được thì em cũng bán chứ nhất định không làm điều gì xấu.

Hiện nay anh ở số … đường …, F6, Q… TP. Sài Gòn.

* Anh bạn ngồi gần đó là Phạm Văn Sỏi, một con mắt bị “múc” mất sau khi trúng đạn tại mặt trận Campuchia. Khi đó anh Sỏi hành quân cùng ĐĐ 92, TĐ 9 Nhảy Dù. Hiện nay anh ở 230/7 Đường …, P.., Quận …, TP. Sài Gòn. Anh chìa cho tôi xem một số giấy gần nhất của bệnh viện vừa khám bệnh cho anh. Đủ thứ bệnh và đủ thứ thuốc phải mua. Anh lắc đầu:

- Cầm toa thuốc làm… tài liệu thôi, chứ tiền đâu mà mua. Ở nhà em còn một sấp nữa. Đây chỉ là những toa thuốc gần đây nhất. Vợ em đi làm thợ hồ, con cũng làm thợ… vác gạch, người ta sai đâu làm đó. Miễn sao có được bữa cơm cho cả nhà. Trong hoàn cảnh ấy, em đâu có dám đưa toa thuốc này cho vợ con.
Và còn nhiều nhiều những mảnh đời nữa không thể kể ra hết vì quá dài..Ai đã nói rằng đất nước mình đang thay da đổi thịt? Và cuộc sống người dân nay đã khá hơn?
Những mảnh đời Việt Nam ôi những mảnh đời tang thương… đếm từ Cà Mau dài đến Nam Quan . Ôi đếm hoài, đếm mãi không bao giờ hết…

Phương Duy
Australia, 04/11/2006

Đề tài liên quan:
- Những nghịch cảnh giữa Sài Gòn">,Đinh Tĩnh Cương & Lệ Lan.



.

No comments: