Thông Điệp mùa Giáng Sinh

Thông Điệp mùa Giáng Sinh,

Lại một mùa Giáng Sinh. Khắp nơi trên địa cầu, , thiên hạ nô nức chuẩn bị đón mừng ngày lễ lớn, một ngày lễ quốc tế. Quả thực, không riêng gì người Thiên Chúa Giáo, mọi người thuộc các tôn giáo khác, kể cả những người vô thần, đều hoan hỉ đón chào. Dù không có cùng chung tôn giáo và niềm tin, ít ra đây cũng là một dịp để con người chúng ta nghỉ xả hơi, vui chơi sau một năm dài làm việc mệt mỏi, một thời gian để thăm viếng và bù khú với bạn bè thân hữu, đưa gia đình đi giải trí hay đi thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng nên nhân cơ hội này nhìn lại đời mình, nhìn lại đời sống xã hội qua một biến cố lịch sử của một tôn giáo đã trở nên một biểu trưng quốc tế trong ý nghĩa của những thông điệp mà ngày lễ Giáng Sinh hằng năm muốn nhắn gửi cho nhân loại.. Thông điệp Giáng Sinh có rất nhiều. Trong tầm hiểu biết hạn hẹp nhỏ nhoi, người viết chỉ xin bàn đến một vài thông điệp tiêu biểu bên lề tôn giáo, trong phạm vi xã hội.
Thông điệp của yêu thương và chia sẻ.
Tình yêu là nền tảng của Thiên Chúa Giáo tóm gọn trong 2 từ kính Chúa và yêu người. Từ Thiên Chúa Giáo ở đây để gọi chung những người có niềm tin vào đức Jesus Christ là Đấng Cứu Thế, bao gồm các tôn giáo lớn như Công Giáo La Mã, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Nga, Anh Giáo và các hệ phái Tin Lành …chứ không chỉ có nghĩa giáo hội Công Giáo La Mã (thuộc Vatican) như rất nhiều người Việt thường lầm lẫn . Người có niềm tin vào Thiên Chúa Giáo được răn dạy kính mến Thiên Chúa và thương yêu đồng loại như yêu chính mình. Căn nguyên của sự yêu thương này phát xuất từ chính nguồn yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thiên Chúa, hay gọi một tên khác: Thượng Đế, theo kinh thánh, là Đấng Quyền Năng đã tạo dựng nên vũ trụ trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Trong thời cổ đại, con người có khuynh hướng thờ đa thần. Các chuyện thần thoại cổ La Mã, Hy Lạp và của tất cả các dân tộc trên thế giới, kể cả Việt Nam đã chứng tỏ sự thờ kính đa thần đó. Chỉ vài ngàn năm trước. khi nền văn minh thế giới tiến đến trình độ cao hơn, những kẻ hữu thần mới hướng đến một quan niệm độc thần: chỉ thờ phượng duy nhất một Thượng Đế: đấng Toàn Năng (The Almighty). Đó là nguồn gốc của ba tôn giáo lớn của nhân loại: Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Theo phần Cựu Ước của Thánh Kinh ,thế giới loài người đã vi phạm quá nhiều tội lỗi và phản bội lại những giao ước với Thượng Đế nên có nguy cơ bị trừng phạt và bi huỷ diệt. Để giảm bớt cơn thịnh nộ của Thượng Đế, con người cần một công ơn cứu chuộc, một việc sức người không làm nổi. Vì tình yêu thương bao la của Thượng Đế đối với con người , một đấng Cứu Thế ( The Saviour) được chính Thượng Đế hứa ban cho để cứu chuộc nhân loại. Do Thái Giáo cho đến nay vẫn còn đang trông chờ Đấng Cứu Thế ấy xuất hiện. Hồi Giáo thì người viết không rõ, vì theo tầm kiến thức hạn hẹp của mình, người viết chỉ hiểu rằng, đối với người theo Hồi Giáo, Đức Mohammed , dù là vị tiên tri lớn nhất, vẫn chỉ là một sứ giả (God’s Messenger), không phải đấng Cứu Thế (Messiah)(Xin lỗi nếu có sự sai sót ở đây). Riêng Thiên Chúa Giáo coi đức Jesus Christ chính là đấng Cứu Thế .
Đức Jesus Christ, thường được diễn tả là con trai đôc nhất của Thiên Chúa,là một trong ba ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi (The Trinity). Ba ngôi (Cha, Con, Thánh Linh) trong một bản thể(Thiên Chúa). Đây có lẽ là một lối diễn tả theo nhân cách , mà có một số người vô thần thường vin vào để xuyên tạc niềm tin vào Đấng Cứu Thế Jesus Christ của Thiên Chúa Giáo theo cách hiểu tầm thường của họ.. Như trên đã nói, Thiên Chúa là đấng Toàn Năng tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình. Vật hữu hình ai cũng biết và nhìn thấy. Vật vô hình như trí tuệ,cảm xúc, lời nói, âm thanh, linh hồn, thiên thần, ma quỉ… và những thứ chúng ta thường gọi chung là các khái niệm trừu tượng. Là Đấng tạo nên muôn vật,,Thiên Chúa ở trên muôn vật. Có nghĩa, Ngài ở trên cả sự vô hình và hữu hình. Nói cách khác, Ngài có thể là vô hình ,hoặc hữu hình, hoặc vừa vô hình vừa hữu hình hay không ở trong cả hai hình thức đó.Vậy thì có gì mà Thiên Chúa không làm được? Như vậy đâu có khó khăn gì trong việc Ngài xuống thế dưới hình ảnh con trai của Ngài (biểu tượng con người), lại cũng cũng chính là hiện thân của Ngài (biểu tượng thần thánh)? Khi Ngài hứa ban cho nhân loại Đức Jesus Christ, một đấng Cứu Thế, một trong ba ngôi Thiên Chúa, ba ngôi trong cùng một bản thể Thiên Chúa, Đức Jesus Christ chính là Thiên Chúa mặc xác người. Tin hay không,hiểu theo nghĩa nào thì việc hoá thân mình hay gừi con trai mình xuống cứu chuộc nhân loại cũng nói lên niềm yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, Lễ Giáng Sinh hàng năm được cử hành không chỉ nhằm mục đích kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus. Đó là dịp chúng ta nhớ lại cái thông điệp tình yêu của Thiên Chúa, khởi đầu bằng việc Chúa giáng trần, hoà mình trong kiếp sống của con người, thông điệp mà Ngài mong muốn con người lấy làm gương mẫu và thực hành: chính ta(hay con ta) vì yêu thương các con mà đã xuống thế làm người , gánh lấy tội lỗi muôn dân thế nào, thì các con cũng phải yêu thương tha nhân như yêu chính bản thân mình. Và trong suốt hành trình rao giảng của Chúa Jesus, Ngài luôn nhắc nhở”: Các con hãy yêu thương nhau như Cha ta ở trên trời đã yêu thương các con” . Từ yêu thương đi đến chia sẻ. Khi Thiên Chúa mặc lấy áo xác phàm của con người, tức là Ngài đã chia sẻ những bất hạnh, khổ đau, yếu đuồi bần cùng của con người. Trong tinh thần ấy, thông điệp của Ngài trong mùa Giáng Sinh cũng là sự nhường cơm sẻ áo, chia sớt nỗi đau cho những người kém may mắn hơn như lời của Chúa Jesus khi ngài chỉ vào những người hành khất và nói với đám đông:” KHi các con làm phúc cho một trong những anh em hèn hạ này của ta dù việc ấy nhỏ bé đến đâu thì cũng vẫn là các con đã làm cho chính ta, và cha ta ở trên trời cũng không bỏ qua việc ấy.” Ngài cũng đã phán dạy: “Hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Hãy tìm và thăm viếng kẻ đau ốm và kẻ tù đày. Hãy chôn cất người chết.” Sự yêu thương và chia sẻ này có cùng ý niệm , hoàn toàn phù hợp với thuyết từ bi của Phật Giáo mà chúng ta thường nghe qua câu:
Dù xây chin bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Thông Điệp của đơn sơ và nghèo hèn.
Thời còn nhỏ trong một làng quê Việt Nam, lễ Giáng Sinh, đối với người viết, là hang đá, máng cỏ, Chúa Hài Đồng,Thánh Giuse và mẹ Maria, các thiên thần, các mục tử, những con vật bò lừa hiền lành và những vì sao, trong đó có 1 vì sao có đuôi dài sáng nhất. Miền quê nghèo nàn thuở ấy, ánh sáng đèn điện kinh thành chưa chiếu tới. Đêm đêm ngoài trời thường vẫn tù mù dưới ánh trăng, ánh đom đóm lập loè, trong nhà ánh đèn dầu leo lét. Giáng Sinh không có quà tặng, không cả một thiệp chúc (lúc đó vẫn còn là một xa xỉ phẩm). Giáng Sinh , với đứa bé quê,là lễ nửa đêm,là những bài thánh ca quen thuộc: Đêm thánh vô cùng, Cao cung lên…, là nồi cháo gà thơm ngát mùi hành của mẹ sau buồi lễ. Có một truyền thống của làng quê là nhà nhà treo một đèn ngôi sao trước cửa, trong ánh nến lung linh. Cảm giác hài lòng và háo hức vào thời đó là khoảng thời gian trước ngày lễ, đi tìm vật liệu để làm hang đá Giáng Sinh. Trong nhà nhỏ hẹp chật chôi thì tìm chỗ ngoài mảnh sân trước. Vật liệu thì rất đơn giản: một ít giấy bao xi măng xin ở những người thợ hồ xây cất,mớ lọ nghẹ (bồ hóng) lấy từ trong bếp hoặc than chì moi từ các cục pin hoà với nước làm sơn, ít vôi trắng lấy từ bình vôi của mẹ. Giấy bồi quét than đen, đem phơi khô rồi vẩy vôi trắng lên uốn thành những hòn đá giả để “xây” hang đá. Tiền ăn sáng mẹ cho để đi học, phải để dành cả tháng mới mua đưọc bộ tượng Giáng Sinh và ít đồ trang trí. Mỗi năm sau mùa lễ, các đồ mua sắm được cho vào tủ cất đi dành cho năm tới. Tiền quà tiết kiệm được năm sau lại để mua đèn màu, mua Pin cho hang đá thêm phần rực rỡ. Đó là cái vui thời niên thiếu. Sau này khi lớn lên, định cư ở một nước theo Thiên Chúa Giáo như nước Úc, người viết nhận thấy sự xa hoa lộng lẫy của mùa Giáng Sinh thường chỉ gặp ở các cơ sở thương mại, các cửa kính gian hàng với mục đích lôi kéo hấp dẫn khách hàng và của các nhà cửa tư nhân trang hoàng có tính cách phô trương sự giàu có và năng khiếu nghê thuật . Các cơ sở tôn giáo như các nhà thờ , tu viện , sự trang trí cho lễ Giáng Sinh rất khiêm tốn , thường chỉ là một cây thông nhỏ ở một góc hay một bức tượng Chúa Hài Đồng nằm trên cỏ đặt dưới chân bàn thờ giữa thánh đường.Người ta chú tâm đến những ý nghiã tôn giáo của mùa lễ nhiều hơn. Mười năm trước, trong một dịp về thăm VN vào dịp Giáng Sinh, người viết được một người thân đưa đi thưởng ngoạn những công trình hoành tráng về việc trang hoàng Giáng Sinh , không những phía trong, mà cả bên ngoài một khu vực,cơ sở cực kỳ to lớn của các nhà thờ tại VN. Gặp ai cũng thấy có vẻ mặt sung sướng , hãnh diện với sự hoành tráng đó:” Tốn kém hàng chục triệu đó anh!”. Đó là lời người thân cứ mở miệng khoe. Cho đến khi ngưòi viết hỏi tại sao lại lãng phí nhiều tiền của như thế trong khi biết bao người còn đói khổ trong xóm đạo không có miếng ăn, thì anh có vẻ không vui. Người viết có đem ý kiến hỏi thẳng một vị linh mục quen biết thì ông trả lời: cái kiểu người Việt mình nó vậy, phải chấp nhận thôi.
Ôi! phải chấp nhận một điều không bình thường: Ý nghĩa nào của ngày lễ Giáng Sinh qua sự lộng lẫy hoang phí đó?Thiên Chúa đã chẳng từng sinh ra trong một cái hang được dùng làm chuồng bò hay sao? Có lẽ chúng ta đã quên đi cái thông điệp về sự đơn sơ nghèo hèn mà mùa Giáng Sinh muốn nhắn gửi. Hình ảnh một gia đình nghèo nàn, người vợ bụng mang dạ chửa đến gần ngày sinh, phải di chuyển trên một quãng đường dài từ làng quê Nazareth, xứ Judea, trở về thành phồ Bethlehem, xứ Galié là một hình ảnh đáng thương tội nghiệp. Năm ấy, hoàng đế La Mã muốn thi hành việc kiểm tra dân số nên bắt buộc mọi người phải trở về đắng ký tại nơi sinh quán. Hành trình ấy, bây giờ chỉ mất vài giờ, trong thời đại mà sự vận chuyển chính là đi bộ , lừa ngựa hay lạc đà là các phương tiện chuyên chở lạc hậu, là một vất vả cực nhọc, có lẽ mất đến một hai hôm. Khi đến nơi lại không tìm được chỗ trọ, phải trú ẩn trong một hang đá hôi hám tối tăm. thường đươc dùng làm chỗ trú ẩn cho gia súc trong lúc mưa gió. Chính nơi này, Đấng Cứu Thế được sinh ra. Ngài không chọn nơi lâu đài vương giả , Ngài không tìm nơi chăn ấm nệm êm. Nhưng Ngài đã chọn nơi nghèo nàn hèn hạ nhất: sinh ra trong một chuồng bò, không mảnh vải che thân, không giường không nôi, cô đơn lạnh lẽo.
Hình ảnh một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ là thông điệp của sự đơn sơ nghèo hèn. Trẻ thơ mang biểu hiệu của sự ngây thơ chân thật. Đó là Thông Điệp Chúa Hài Đồng nắm trong máng cỏ nhằm gửi tới xã hội loài người, một xã hội đang biến hoá thành một xã hội đầygiả dối, xa hoa, lừa lọc Con người đạp lên nhau để nổi danh và làm giàu bất chính. Khi quảng bá thông điệp của sự đơn sơ nghèo hèn,không có nghĩa rằng Thiên Chúa không muốn cho con người có một đời sống ấm no hạnh phúc. Khi tạo dựng ra của cải vật chất, Ngài mong muốn con người xử dụng chúng theo tài sức để nâng cao đời sống cho xã hội, bản thân và tha nhân một cách tương đối đồng đều không qua chuyện bóc lột hay đàn áp. Nhưng thông thường, sự giàu có hay đạt được nhờ sự bóc lột . đàn áp hay gian xảo, không bằng hình thức này củng hình thức khác, trực tiếp hay gián tiếp. Thí dụ :hình thức các đại công ty đấu tư vào các nước nghèo nàn lạc hậu như VN, Ấn Độ… tưởng như tạo công ăn việc làm cho dân lao động nghèo khổ, nhưng thực chất là tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn bằng sự khai thác lực lượng lao động rẻ như bèo,vắt cạn kiệt sức lực của người công nhân, một hình thức bóc lột người nghèo hợp pháp có phần đạo đức giả. Có lẽ vì ý thức được sự bất công này, chúng ta thấy ngay cả những người giàu nhất, có thể tự hãnh diện vì đã thành đạt bằng chính tài năng thiên phú và sự khôn ngoan của mình như nhà tỷ phú Bill Gates cũng đã để ra phần lớn di sản họ làm ra được cho các chương trình nhân đạo của thế giới thưà kế chứ không phải cho con cái họ. Phải chăng họ đả nhận thức được thông điệp về sự đơn sơ nghèo hèn của lể Giáng Sinh?
Thông Điệp của sự chân thật và hy sinh.
Một số người trên diễn đàn báo chí thường chê trách giáo hội Thiên Chúa Giáo về việc thường gọi tín đồ là những con chiên. Họ cho đó là một điều vô lý và ngu ngốc khi đem con người so sánh với hàng súc vật. Thật ra, những người này không hiểu ý nghĩa của biểu tượng. Con rồng là biểu tượng của các vua chúa, họ cho đó là một con vật linh thiêng kỳ bí, một biểu tượng của uy quyền. Những nhân vật anh hùng thường tự ví (hay được người đời ví )như sư tử , đó là biểu tượng của sự uy dũng, lòng can đảm . Các hội đoàn đoàn thể, đặc biệt về phương diện thể thao, thường dùng các con vật đủ loại từ gia súc như chó mèo đến các độc vật như rắn rết mãng xà làm biểu tượng. Chắc chắn họ không tự hạ mình như những con vật đó, mà chỉ lấy một nét đặc sắc nào đó làm biểu trưng. Ngay cả quốc gia cũng có những biểu tượng như vậy: Nước Pháp với con gà trống uy nghi, nước Mỹ với cánh đại bàng, nước Úc với Kangaroo cẳng dài, Việt Nam với biểu tượng con rồng cháu tiên… Do đó, tín đồ Thiên Chúa Giáo gọi mình là con chiên không có vấn đề hạ thấp nhân phẩm. Thực ra, danh từ con chiên có nguồn gốc lịch sử của nó. Khi Thiên Chúa Giáo chưa xuất hiện, xã hội loài người còn ở chế độ đa thần, đời sống còn ở trong dạng du canh và du mục. Dù có sự mưa thuận gió hoà, ăn nên làm ra, hay khí hậu thất thường mùa màng thất bát, con người hàng năm cũng phài làm lễ tế trời đất.Mong cho đươc yên ổn làm ăn, xin thần thánh bớt cơn giận dữ khi mưa nắng thất thường, khí hậu khắc nghiệt. Vật tế thần phải là những hoa quả đầu mùa thơm ngon nhất, hoặc những con vật to béo nhất. Trong chế độ du mục của người Do Thái, người ta thường chọn một con chiên hay một co dê làm vật tế. Theo niềm tin thời đó, của lễ được chấp nhận là một của lễ toàn thiêu, có nghĩa là có ánh lửa( tia sáng?) từ trời xuống thiêu đốt toàn của lễ. Bằng không, của lể coi như bị từ chối. Khi thánh thần từ chồi của lễ, đó là tai hoạ bắt đầu. Theo kinh thánh, Đức Jesus tự gọi mình là con chiên Thiên Chúa, tự nguyện lấy chính thân xác mình thay cho con chiên để làm của lễ hy sinh . Môt sự ra đời của con Thiên Chúa, hay sự hóa thân của chính ngài đã trở thành một của lễ hoàn thiện hơn bất cứ một của lễ nào. Và đây là thông điệp của sự hy sinh trong muà lễ Giáng Sinh.
Con chiên còn là biểu tượng của sự ngây thơ, hiền lành, sống theo bầy, đoàn dưới sự che chở của người mục tử. Thiên Chúa,qua Đức Jesus và các đai diện kế truyền là hàng giáo phẩm, coi mình như người mục tử, có trách nhiệm hướng dẫn đoàn chiên đến những đồng cỏ non, những dòng suối mát;, bảo vệ đoàn chiên an lành trước sự rình mò hung dữ của bầy sói hung tàn. Nếu cần thì phải hy sinh, như đức Jesus đã làm gương hy sinh tính mạng mình để cứu chuộc nhân loại. Thông điệp Ngài muốn nhắn gửi đến chúng ta là hãy sống ngây thơ, , chân thật như chú chiên hiền lành và khi cần, biết hy sinh một phần nhỏ hạnh phúc, cuộc sống cá nhân mình cho đồng loại. Nói về tình yêu, thì không có tình yêu nào cao cả hơn tình của người hy sinh chính mạng sống mình cho người mình yêu. Sự việc một Đấng Tối Cao hy sinh giáng trần trong một trạng thái nghèo hèn là một thông điệp về một khởi đầu cho sư hy sinh vô bờ bến mà con người cần học hỏi.
Thông Điệp của an bình và hoan lạc.
Trong gia đình có người chào đời, đó là một niềm vui. Trẻ sơ sinh là nguồn sống mới, niềm hy vọng mới. Trẻ thơ có 1 gương mặt thiên thần , biểu lộ của sự ngây thơ và an bình. Mùa Giáng Sinh là mùa của bình an và hạnh phúc được thể hiện qua tiếng hát của thiên thần. Tiếng hát ấy. trải qua trên 2000 năm, còn vang vọng mãi cho tới hôm nay, lan tràn đến mọi ngõ ngách của địa cầu, từ rừng sâu lên tới núi cao:
Gloria in excelcis Deo,.
Et in terra pax hominibus.”
Lời hát vinh danh Thiên Chúa và cấu chúc bình an cho con người, ngày nay ở trên môi của hầu như mọi người trên thế giới trong mùa Giáng Sinh. Thiên Chúa muốn con người bình an và hạnh phúc. Thế nhưng, con người vẫn đau khổ, xã hội vẫn lọan lạc vì con người vẫn đối xử với nhau trong gian dối, hận thù, vì con người vẫn hẹp hòi ích kỷ. Họ còn nhân danh Thượng Đế đễ chém. giết, tiêu diệt nhau. Có lẽ trong mùa Giáng Sinh, con người nên bình tâm suy nghĩ, trở về với tâm hồn ngây thơ chân thật để mong có đươc sự an bình của trẻ thơ. Không phải ngẫu nhiên mà các xứ Tây Phương, thường là các quốc gia đa số người dân là tín đồ Thiên Chúa Giáo, xã hội có được sự công bằng, an bình và rộng mở hơn những phần đất khác của thế giới. Sự thấm nhuần về ảnh hưởng các tín điều của Thiên Chuá Giáo vào đời sống mang đến nhiều kết quả :từ lòng yêu thương và biết hy sinh quyền lợi ích kỷ cá nhân, nó dẫn đưa con người đến tư tưởng vị tha. Chúng ta thường thấy ở các xã hội này xuất phát những tổ chức hội đoàn từ thiện uy tín nhất: Đạo Quân Cứu Tế của giáo hội Anh Giáo, hội từ thiện Caritas, hội giúp đỡ người nghèo thánh Vinh Sơn Phao lồ và còn nhiều tổ chức tư nhân có mục đích đấu tranh đòi hỏi tự do nhân quyền cho thế giới, như hội Quốc Tế Nhân Quyền, hội Y sĩ không biên giới, hội bảo vệ trẻ em…Người Việt Nam trên đường vượt biển những năm 70s – 80s không thể nào quên những phong trào yểm trợ cho người tỵ nạn Đông Dương của Phương Tây với những chiến dịch vớt người trên biển Đông ,là những bằng chứng cụ thể cho tinh thần vị tha có được từ đạo lý của THiên Chúa Giáo khởi nguồn từ một thông điệp Giáng Sinh. Sẽ có người lên tiếng hỏi: thế giới vẫn còn nhiều hận thù, chém. giết, loạn lạc. Vậy thì thông điệp Giáng Sinh về niềm hoan lạc và sự an bình đang ở đâu?Câu trả lời ở chính trong mỗi con người của chúng ta. Thiên Chúa cho ta sự sống. Ngài cũng ban cho ta quyên tư do lựa chọn lối sống riêng. Chuẩn bị cho cuộc sống bằng sự cộng tác với Thiên Chúa qua sự đi theo những hướng dẫn của Ngài, qua sự tôn trọng, hoà đồng và yêu thương với tha nhân để có được sự an bình, hoan lạc của riêng mình, hay không muốn cộng tác, đó là quyền của mỗi người. KHông có sự cộng tác của con người chúng ta, Thiên Chúa không thể làm gì hơn trong việc biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn.
Thông điệp của Chúa Giáng Sinh mong là suy tư của những tấm lòng ngay thẳng, chân thật với ưóc vọng đưọc sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa, chia sẻ tình yêu này với tha nhân cả về tinh thần và vật chất để cả thế gìới này, mỗi một con người trong thế giới này ,cảm nhận được sự an bình, niềm hạnh phúc riêng trong cuộc sống, xã hội loài người trở nên vườn địa đàng, một nơi đáng sống, cho dù bạn có là người tin vào Thiên Chúa hay không.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Phương Duy
Mùa Giáng Sinh 2006

No comments: