Ngu ngơ đời tỵ nạn

Ngu ngơ đời tỵ nạn.



Bước ra khỏi phi trường Tulamarine, V. cảm thấy lòng rộn ràng . Buổi chiều tháng chin ở Melbourne, trời lất phất mưa bay.Hơn 4 tiếng đông hồ bay trên mây như đã làm tan sức nóng hừng hực của thành phố Darwin phía Bắc. Trời lộng gió. Những hạt mưa bụi chưa đủ thấm ướt mái tóc dài đã lâu chưa cắt, nhưng đủ để V. se lạnh vì cái áo khoác mặc ngoài quá mỏng. Mấy hôm trước, thằng Shane người Hoà Lan đã cảnh cáo mà không nghe. Nó bảo: “ Tao ở dưới lên, thời tiết thay đổi như chong chóng, đi đâu củng phải mang theo áo khoác ngoài, không thì có lúc lạnh cóng”. Biết thế mà cứ lờ đi. Giờ hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Còn đang lớ ngớ thì có anh chàng lái tắc xi, râu ria rậm rạp xán đến:
- Về đâu? Hắn hỏi.
- Tới Trung tâm Cầu Đông (Eastbridge Centre), biết không?
- Lên xe đi! Mấy cái chỗ tạm cư cho người mới đến đó ai mà không biết.
Hắn nói rồi tiện tay cầm cái túi xách của V. đang để dưới đất mang lại xe. V. líu ríu đi theo . Lái xe ra khỏi phi trường , hắn bắt đầu gợi chuyện:
- Nhìn cái bộ dạng là tao biết mày mới tới đây lần đầu.Mắt tài xế tắc xi nhìn là trúng phóc. Ở đâu tới vậy?
- Darwin. Ở phía Bắc. Mày tới đó chưa?
- Chưa, nhưng có nghe nói tới, hồi năm 71 hay 72 gì đó bị bão tàn phá tan hoang rồi mà!cái thành phố có chừng 20 ngàn dân, nhỏ như muỗi mắt
- Đúng vậy, nhưng bây giờ xây cất lại rồi, nhỏ nhưng khang trang sạch sẽ. Trên đó nắng như đổ lửa. Tao là V. Còn mày tên gì?
- Tên tao là Samuratha…À, mà tên tao dài khó đọc lắm, cứ gọi tao là Sam. Tao ở…(hắn nói tên một nước Đông Âu hoặc Trung Á nào đó), qua đây hơn mười năm rồi. Còn mày chắc là di dân Việt Nam?
- Ừa! mà sao mày biết?
- Thì cũng đoán thế! Lúc này người Việt chúng mày qua đây thường xuyên, có tuần đến 2 chuyến. Cứ thấy một khuôn mặt Á đông , đoán là Viêt Nam thì mười phần cũng trúng đến 6,7. Mày có gia đình hay bà con gì ở đây không?
- Không, nhưng có bạn.
- Đi thăm viếng hay tới ở luôn?
- Chưa biết! Chắc ở luôn. Tao tính nhờ bạn giúp đỡ kiếm công việc ở đây.
- OK! vậy cũng được. Rồi họ sẽ giúp đỡ mày. Phố lớn thiếu gì việc. Thấy thành phố này ra sao?
- To đùng. Đường xá lại rộng rãi. Mà sao cây cối gì nhiều quá! Ở xa trông như khu rừng. Đi đến gần mới thấy nhà cửa ẩn mình dưới những hàng cây.
- Mày nhìn vào đuôi bảng số của những chiếc xe chạy trước mặt kìa! Có thấy gì không? Dưới bảng số là hàng chữ “ Victoria garden State” đó! Tiểu bang này luôn luôn tự hào là một tiểu bang cây xanh mà. Ở đây lâu rồi mày sẽ thấy. Đây là một trong vài thành phố có nhiều vườn cây và công viên nhất thế giới. Lúc này đang là đầu xuân. Mày có thấy hoa nở khắp mọi nơi không?
- Ưa! hết xảy. Nhất là những cây anh đào trồng dọc hai bên đường. Có điều lạnh.
- Vậy là khá lắm rồi. Mày mà tới vào dịp tháng 7, giữa mùa đông trời còn buốt nữa,tay chân cứ cóng lại. Riết rồi quen, một hai năm nữa , mày cũng sẽ như tao, ra đường mùa này khỏi cần áo lạnh
V. chợt nghĩ, bao nhiêu năm rồi, từ nhỏ tới lớn ,khi còn ở trong nước, khi đến đảo Bidong bắt dầu cuộc đời lưu vong tị nạn. luôn ở trong các vùng khí hậu nhiệt đới, nóng cháy da người. Thảng hoặc đôi khi, mơ tưởng được đến một phương trời xa lạ, nơi có bầu khí mát lạnh như thịt da của người con gái trong lớp lụa mềm.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… (Nguyên Sa)
Lụa Hà Đông mềm mại ra sao để người con trai Nguyên Sa chuyển được cái nắng Sài Gòn thành cái mát lạnh con tim thì V. không rành, nhưng tưởng tượng cái may mắn của chiếc áo được ôm lấy da thịt của người con gái để trở thành mát lạnh, V. bỗng thấy thèm và nổi ghen với chiếc áo.
Mới hôm qua còn ở trên Darwin, cái thành phố mà sức nóng nung người đâu có thua gì Việt Nam hay Mã Lai, có khi còn hơn . Một ngày tắm ít nhất 2 lần, thế mà chưa ra khỏi phòng tắm, da dẻ đã bắt đầu rịn mồ hôi. Thành phố đã nhỏ, người Việt lại quá ít, già trẻ lớn bé tất cả cộng lại chỉ độ 200 người, hơn một phần ba cũng chỉ mới đến tạm cư và còn đang tạm trú ở Tamarind Centre (Trung Tâm Cây Me). Việc tìm kiếm công ăn việc làm hết sức khó khăn.Trước đây có nhiều người đến rồi đi. Đất không lành nên chim không đậu? Vì thế, dù mới chỉ ở chưa đầy ba tháng, V. đã quyết định bỏ đi. Nhờ liên lạc với Công, người bạn cùng khoá trong đời quân ngũ, cùng phục vụ một đơn vị những ngày tháng cuối cùng ở Hòn Khoai (Poulau Obi), cùng ở chung tổ trong trại tù cải tạo mấy năm trời , nói trắng ra là cùng chia ngọt xẻ bùi trong mọi tình huống, V, đã có thể quyết định dễ dàng nhanh chóng. Gia đình Công đang định cư ở Melbourne.
Trong thư, Công cho biết đừng lo lắng về cái khoản ăn ở, hắn đã có một căn hộ 3 phòng ngủ, chia chung với một gia đình khác trong cái trung tâm định cư người mới đến là Eastbridge này. Hai gia đình chỉ xử dụng 2 phòng lớn, còn dư một phòng nhỏ cho V, . Quản lý trung tâm cho phép tạm ở trong khoảng 6 tháng, trước khi phải dọn đi nhường chỗ cho những gia đình tới sau. Việc làm chưa có thì tạm thời nhận trợ cấp thất nghiệp, có thể đi làm pham (farm) kiếm thêm chút cháo . Hắn không quên gửi kèm theo một cái cheque thêm để làm lộ phí.
V. đã từ giã Darwin như thế. Dù thời gian sống ở đây không dài, số người Việt ít ỏi nên tình đồng hương cũng có chút gắn bó. Đêm hôm trước ngày ra đi , cả trung tâm Tamarind, ngoài anh chàng manager và bà nurse người Úc, còn lại toàn dân Việt mít ướt, một buổi tiệc nho nhỏ tiễn biệt người đi cũng được tổ chức. Bà y tá xin lỗi bận viêc không thể đến đã chúc Good trip từ chiều. Lão manager nói sẽ xuống “lỳ vài lam”(làm vài ly) chia vui (farewell party mà chia vui mới lạ).
Tiệc cũng không có gì. Cả trung tâm chừng hơn 50 người, nhờ ngay lão manager điện cho nhà thầu thực phẩm mang đến cho một ít rau, thịt và trái cây ngoài tiêu chuẩn, tiền tính thêm vào sổ trong tuần. V. nhờ Nhơn mua cho vài thùng bia và ít chai nước ngọt cho đàn bà con nít. Thế là xong. Nhơn , thuộc khoá 23 Nha Trang, đàn em của V. trong quân trường, người cao lớn, đẹp trai và rất nghệ sĩ. Ở quân trường Nha Trang, Nhơn là một tay đàn trong ban nhạc của khoá. Gia đình Nhơn đã định cư ở Darwin mấy năm trước, có việc làm và tương đối ổn định. Nhưng ở Darwin quá buồn, nên buổi tối sau gìờ làm việc và cuối tuần, hầu như Nhơn lúc nào cũng có mặt ở trung tâm. Nhờ có Nhơn với chiếc xe mà V. và một số người ở trung tâm có cơ hội thăm viếng vài khu du lịch hiếm hoi của cái lãnh thổ Bắc Úc khô cằn này . Đêm nay, Nhơn, với cây đàn guitar, là tay nhạc công chính, thêm một cây của anh chàng Tiến đen nữa, đủ để tạo thành ban nhạc đột xuất cho một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn bỏ túi.
Ở một nơi nhỏ và buồn như Darwin này, chẳng có gì giải trí, ngoại trừ cái sòng bài Casino không hợp với túi rỗng những người tỵ nạn còn chân ướt chân ráo,có một cái cớ để làm một đêm văn nghệ nhỏ xíu cũng thành khá vui nhộn, nhất là sau khi đã cạn vài ly đầy, rót đầy dăm ly cạn. Ngay cả anh chàng Manager cũng góp vui bằng một bài hát gì đó, dường như là Mary has a little lamb thì phải. Đám nhỏ vỗ tay hưởng ứng thật xôm. Cuối cùng, như một lời từ giã, V, đã gửi lại cho đồng hương chút tình nồng qua bài nhạc Nhìn những mùa thu đi. (TCS)
Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng,
Và lá rụng ngoài song,nghe tên mình vào quên lãng,
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…
Bài hát trữ tình được làm nổi thêm với phần phụ hoạ song ca 2 bè của Thích ở những đoạn phiên khúc. Khổng Hữu Thích, một đàn em khác của V. cùng khoá với Nhơn , cũng đang ước muốn bay về trời Nam mà còn ngần ngại. Hắn mong V. đi trước như một đầu cầu cho anh em tìm nơi an cư lạc nghiệp nên rất xăn xái trong bữa tiệc chia tay . Những nốt nhạc cuối cùng lả lơi, chậm lại, đứt quãng , để từ từ chấm dứt.
…Đến thu này…thì mộng…nhạt…pha…a…a…i…
Tiếng đàn chưa dứt, tiếng vỗ tay chưa ngưng thì đã có tiếng nói:
- Hôm nay chỉ tiễn V. đi thôi,riêng Thu đâu có đi đâu mà bắt người ta nhìn Thu đi, và bắt Thu phải sầu lên trong nắng?
Đó là Thu, người con gái trẻ mới đến Úc cùng một chuyến bay với V.mà Nhơn đang đeo đuổi. Thu rất thích văn nghệ, có lẽ do đó 2 người mới dễ dàng quen biết, V. cười và nói với Nhơn và Thu:
- Biết rồi, khỏi phải nói. Thu đi đâu có được. Thu phải ở lại để có người còn có chỗ để , (V. cất cao giọng hát) “cứ mỗi lần (Nhơn) sang Thu, Darwin chiều qua rất ngắn” chứ! Thôi. chúc 2 người ở lại vui vẻ, mạnh khoẻ, tươi trẻ, tình lên ngôi cao không có… mẻ.
- Này, V. cũng liệu cái thân mình, ngữ anh cũng không vừa gì đâu. Ai biết được là anh cũng đang tung cánh chim tìm về tổ ấm ở cái phương trời xa lạ nào ấy chứ, phải không nào?
Lão manager Úc quay qua hỏi :
- Mày về Melbourne tại khu vực nào vậy? Tao là dân sinh quán ở đó nên biết khá rành.
- À, để coi, cái tên như là Nunawading thì phải. - V. chợt nhớ đến cái địa chỉ trong thư Công gửi.

- Nunawading, đúng rồi. Tao có biết. Nó nắm ở phía đông thành phố, cũng gần nơi tao sinh sống trước đây. Vùng tao ở là Lilydale, cách nhau khoảng chừng 20 phút lái xe.Chỗ đó có một trung tâm định cư di dân lớn,không nhỏ như cái trung tâm Tamarind này đâu. Có cần tao giới thiệu không? Mà khỏi, không cần, nói tên tao ra là họ biết. Có gì điện thoại cho tao. Hôm nay vui lắm, tao uống đủ rồi. Chúc mày sáng mai lên đường bình an. Bây giờ tao từ giã. Chào tạm biệt.(Dĩ nhiên là nó nói tiếng Ăng lê, V. hiểu láng thoáng vậy thôi).
.
Hắn bắt tay V. rồi đi về phòng. 12 giờ đêm, cuộc vui cũng tàn.Vài người còn dặn với:
- Anh V. xuống dưới đó nhớ gửi lên cho tụi này một mớ bánh tráng nghen. Lâu quá không có thức ăn Việt Nam ăn thèm dễ sợ.
Cả thành phố chỉ có một tiệm bán thực phẩm Á Châu nhỏ như bàn tay với ít món Tàu. Thức ăn Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.Lâu lâu lại phải nhờ một số người quen từ Sydney hay Melbourne gửi lên, kể cả báo chí. Đồ Việt Nam quý như vàng.
Nhơn đứng dậy bảo:
- Tao cũng đi về, cố chợp mắt lấy vài tiếng. Sáng mai máy bay cất cánh 9 giờ phải không? Nhớ chuẩn bị xong xuôi cho sớm,. Khoảng 8 giờ tao đến đón ra phi trường.
- Đừng có lo, có mẹ gì đâu. Vài bộ đồ cũ của hội từ thiện cho nhét vào cái giỏ là xong. Thôi vế nghỉ đi, cám ơn mày nhiều.

x x
x

Mới đó mà giờ này thành phố Darwin đã xa tít mấy ngàn cây số. Chiếc Tăc xi chạy khá lâu vẫn chưa thấy tới. V. nóng ruột hỏi:
- Gần tới chưa Sam?
- Cũng sắp tới rồi. Mày tưởng gần lắm hả? Từ phía Bắc thành phố chạy qua phía Đông, nhanh lắm củng hết cả tiếng. May cho mày giờ này không phải giờ cao điểm, nếu không thì phải mất đến 2 giờ. À, mà mày làm gì ở bên nhà?
- Tao à? Hồi trước đi lính. Rồi bọn Mỹ lật lọng bỏ rơi.Sau đó đám CS thắng trận lùa cất vào hộp.
- À há? Tao cũng nghe báo chí nói nước mày chiến tranh dữ lắm. - Hắn tròn mắt ngạc nhiên- Nói gì khó hiểu quá? Cất vào hộp nghĩa là gì? Đi tù hả? Tội gì?
- Chẳng tội gì cả. Chiến tranh. Tuị tao thua, thế là vào hộp.
- Bị bắt làm tù binh?
- Đại khái như thế, nhưng còn khổ hơn nhiều. Bọn họ gọi tao là tù cải tạo.
- Nghĩa là sao? Có gì khác?
- Tao không biết rõ. Có rõ tao cũng không thể cắt nghĩa cho mày. Tiếng Anh của tao còn gà mờ lắm. Đại khái nó bắt tụi tao làm việc quá sức , cho ăn uống đói khát. Còn gì nữa nhỉ? À,cái khác là: mày là tù nhưng nó không trực tiếp tra tấn mày, nó bắt bạn bè của mày và cả chính mày phải tra tấn cái thân thể mày, đầu óc của mày. Vì thế nó gọi là cải tạo, là tẩy não. Ban ngày lao động chết bỏ. Đêm đêm tổ chức học tập đấu tranh. Brainwashing, muốn bể óc.
- Rắc rối quá nhỉ? Thôi bỏ chuyện đó đi, nghe nhức cả đầu. À, này có bằng lái xe chưa? Ở đây bằng lái xe cần thiết lắm.Chưa có thì lo học kiếm bắng gấp. Cái xe là cái chân. Có xe là có việc. Nó là cái cần câu cơm, hiểu chưa? Mày thấy luật lệ giao thông bên này ra sao? Có vấn đề gì không?
- Tao chưa lái xe hơi bao giờ cả, Ở Việt Nam, tao chỉ lái xe hai bánh thôi. Xứ tao nghèo, ít người có xe hơi lắm. Còn luật lệ thì có hơi bỡ ngỡ. Luật giao thông nước tao xe chạy bên tay phải, ngược với bên này
- Đừng có lo, lái xe dễ ẹc. Ở đây, mười tám tuổi hầu như ai cũng có bằng lái xe cả. Rồi mày sẽ thấy, Thôi tới rồi đấy!
Hắn dừng xe trước khu rộng lớn gồm nhiều dãy nhà 2 tầng có mầu nâu xám, trông giống như những dãy chung cư. Nghe nói đây là khu chung cư xây cất cho lực sĩ vận động viên của các quôc gia trên thế giới đến tham dự Thế Vận Hội Olympic 1956. V. lôi chiêc xách tay bước xuống xe. Tên tài xế tắc xi bảo:
- Hết hai mươi lăm đồng. Chúc mày may mắn. - V. hơi nhăn mặt:
- Uý trời, hết mẹ nó trợ cấp một tuần của tao sau chi phí ăn ở rồi.
- Đường xa lắc, mày thấy không? Đáng lẽ mày phải cho tiền tip thêm Thôi tao thông cảm, biết mày mới đến, không có tiền, tặng lại mày 5 đồng. Trả tao hai chục thôi. Nói chuyện với mày cũng vui.
- Đuà tí thôi, tao trả đủ mà.
- Không, tao lấy mày hai chục thôi. Khi trước tao tới đây có người giúp, bây giờ tao cũng phải giúp lại chứ! Đừng ngại, giúp mày tao vẫn thấy vui như thường. Thôi tao đi.
Hắn lái xe bỏ đi, nhìn bộ râu và gương mặt, hắn có vẻ hung tợn. Vậy mà tôt ghê.

X X

X

Mới 4 giờ chiều. Trung Tâm Cầu Đông ngó đồ sộ vậy mà vắng vẻ lạ. Một tốp thanh niên nam nữ người Việt bước ra , họ liếc mắt nhìn về phía V. có vẻ lạ lùng, dường như hơi e ngại. Có lẽ phong cách và diện mạo của V. hơi khác thường. Mái tóc dài bù rối, gương mặt sạm đen vì ánh mặt trời nhiệt đới còn hằn nguyên nét cháy nắng, có lẽ đượm thêm mùi khen khét, bộ dạng còm cõi của người ốm đói giống như một tên nghiện xì ke, hậu quả của gần năm năm tù tội và sau đó là hơn 2 năm bương chải lê lết kiếm ăn ở thành phố Sài Gòn, thời gian mà sinh lực của cả nước ở giai đoạn kiệt quệ nhất.
Tuy ngại ngùng, có người vẫn lên tiếng:
- Anh kiếm ai?
- Tôi tìm người tên Công. Ở đây có phải là trung tâm Cầu Đông không?
- Phải rồi, mà có tới mấy người tên Công . Anh muốn hỏi Công nào?
- Anh Công cựu sĩ quan Hải quân VNCH, nói giọng Quảng Trị, có bà vợ người bắc di cư tên Oanh.
- OK, Thế thì biết, anh là gì của họ?
- Tôi là bạn thân ở Darwin mới xuống.
- Vậy sao?. Anh đi lên khu…, phòng…
- Tôi có địa chỉ đây, nhưng không biết khu đó là khu nào?
- Khu đó là khu dành cho những người có gia đình. - Người thanh niên chỉ tay về một dãy nhà - . Còn phía này là các dãy của những người còn độc thân. Dãy này cho nam, Dãy bên kia cho nữ, Chia vậy thôi, còn đêm đêm họ vẫn đi lộn chuồng hà rầm. Xứ tự do mà. Cứ đến gần từng khu sẽ có tấm bảng lớn ghi tên khu phiá trước. Anh làm farm trên đó hay sao mà đen như củ súng vậy?
- Không làm gì cả. Trên đó có pham phiếc gì đâu? Cà nhỏng tối ngày ngoài nắng . Bởi vậy.Giống mấy A bồ quá phải không? Ở trển dân A bồ (Aborigins:thổ dân Úc) sống đông lắm. Đi lền khên ngoài đường. Tối ngày say xỉn. Lãnh trợ cấp ra được bao nhiêu là đem mua rượu uống hết, rồi tìm đến hội cứu tế The salvation Army ăn cơm chùa. Nhà cửa chính phủ cấp cho ở thì đem đập phá để thành dân vô gia cư, khỏi phải trả chi phí. Cám ơn mấy anh chị.
Họ kéo nhau đi. V, thong thả bước lên dãy nhà họ vừa chỉ. Đúng như họ nói, trước cửa dãy nhà là tên của khu. V. bước về cầu thang đi lên lầu. Một hành lang dài chạy phía trước thật vắng lặng làm tăng vẻ cô tịch, mặc dù đang có hàng trăm người cư ngụ. Mọi cửa phòng đều đóng kín. Thỉnh thoảng nghe có tiếng nhạc từ một máy cát xét phát ra nghe văng vẳng hay tiếng nước chảy rào rào trong phòng tắm.. Tới đúng địa chỉ đã ghi, V. gõ cửa. Công bước ra với vẻ mặt vui tươi:
- Hello, V.! tới rồi hả? Tao đang lo mày có biết đường tìm đến đây không? Đi đường ra sao??
- OK! mọi sự bình an. Đường đi ở cửa miệng. Hồi xưa chưa làm phân bón cho cây rừng, làm mồi cho cá mập thì nhằm nhò gì ba con đường lẻ tẻ. Có lạc vào mê lộ bát quái tao cũng tìm ra. Bà xã đâu?
- Đi dạo quanh đâu đó. Chắc về tới bây giờ. May lo tắm rửa rồi nghỉ ngơi. Bữa ăn tối từ 6 đến 8 giờ tại nhà ăn tập thể. Sau đó bọn mình có một màn lai rai. Tao đã gọi cho Đỗ văn Thắng khóa mình biết, còn có Khang, Tân và Thành. Khang thuộc khoá 24, còn Tân và Thành 25. Toàn anh em Nha Trang cả (xuất thân từ quân trường Hài Quân Nha Trang). Mình gặp nhau kể chuyện nước chuyện đời, chuyện trên trời duới biển nghe để mà …chơi, để mà…uồng, để làm ấm lòng những người ẩn sĩ…lưu vong, hay để mà láng thoáng bảo nhau: Hỡi thằng chiến binh một thời dũng cảm, Mày lang thang đất lạ đến bao giờ?(Cao Tần)- Được rồi, cho tao đi vào toa lét rũ bớt cái bụi đường. Nghỉ ngơi không cần thiết vì từ lâu nay có xuôi ngược vất vả gì . Tao tin mình còn đủ sức hầu tiếp bạn bè.
Buổi tối, những câu chuyện quanh bàn nhậu với những gợi nhớ vui buồn của kỷ niệm xa xưa, một thời đã xa, một thời đã mất, một đời chiến đấu, một đời ngục tù, những chuyến đi thất bại, lần vượt thoát thành công,dăm ba cuộc tình lẻ, vài nụ hôn ngượng ngùng. Tất cả đã cùng trở lại như một khúc phim, cùng tan biến như một giấc mơ. Có kiêu hùng, có tủi nhục.Mới vang tiềng cười. Đã đầy nước mắt. Bia rượu trên bàn cũng tràn theo. Ai cũng công nhận dù sao mọi người đã có một quãng đời đáng yêu và đáng sống. Cảm khái vời sự chào đón nồng nàn của những người bạn mới gặp lại và mới quen , V. đọc góp một bài thơ :
Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn,
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai.
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn ,
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai.
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận ,
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng ,
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất ,
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không .
Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn ,
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn.
Nay đất khách kéo đời rất nản ,
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non...
Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động ,
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời ,
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy,
Và cờ bay trên đất nước xanh tươi>
Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối ,
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào ?
Tta muốn đến leo lên làm đuốc mới ,
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao ...
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh ,
Ta tiếc gì năm chục ký xương da,
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển ,
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...
Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc,
Thấy chiến trường la liệt xác anh em .
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục ,
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm .
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi,
Những hào hùng uất hận gối lên nhau.
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới ,
"Ta làm chi cho hết nửa đời sau?"
Cao Tần (03/1977)
Trời đã khuya, tiệc tàn. Bạn bè đứng dậy chia tay.Hẹn ngày mai, chân trời mới, cuộc sống mới. Công đi lấy chăn gối cho V. và nói: - Đêm nay lạnh quá! nếu thấy chưa đủ ấm thì để tao đi kiếm thêm mền. V. bảo: - Đừng quá quan tâm, tao có thể tự lo liệu.
Công bước ra khỏi phòng, đóng cửa. Còn lại một mình, đêm Melbourne tháng chin sương xuống thật nhiều, không gian tĩnh mịch, thời gian lắng đọng. Nỗi cô đơn trở nên quá lớn. V. nhớ đến Th., giờ này cô ấy đang làm gì nhỉ? Có phải đang âm thầm nhỏ lệ vì sự cách chia bất ngờ và nỗi cô đơn vắng lạnh? Hay vì nỗi vất vả của kiếp sống bôn ba, mà còn phải gò lưng trên chiếc máy may cũ rich?Phải chồng chất lên đôi vai gánh nặng buồn phiền ở một chợ trời nào đó? Hay cũng nằm thao thức xót xa cho thân phận lạc loài lẻ bóng. Đêm cuồi giã từ , hai người đã không nói với nhau một lời. V. cứ tưởng như những lần đi trước, chỉ là một hình thức thăm dò đường đất. Ai ngờ định mệnh, một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất mát nhau rồi, một lần đi là nước mắt chia phôi.( bài hát Vĩnh biệt Sài Gòn, tác giả không nhớ) Ngày ấy, cả 2 người đã phải cùng lao động cật lực, mà những khó khăn của gia đình cứ không vơi. Bây giờ chỉ còn mình Th. , không biết nàng xoay xở ra sao? Còn thằng Huy và bé Phương nữa. Huy đã lên sáu, coi bộ ngoan ngoãn và học hành cũng được nhưng cặp mắt nó buồn quá. Đời nó sau này chắc khổ? Bé Phương thời ấy đang lẫm chẫm tập đi . Lúc này thế nào? Con bé lúc mới sanh thật xinh xắn. Đôi mắt tròn xoe như búp bê làm hàng xóm ai cũng thích, đưa nhau bế chuyền khắp xóm. Đang tập đi đứng ngon lành thì bị một trận đau khá nặng. Gặp ngay lúc kinh tế gia đình suy sụp trầm trọng, không đủ tiền thuốc thang và thiếu dinh dưỡng nên mất sức , không gượng lại được. Bây giờ nó tròn 18 tháng tuổi. Đi đứng đã vững vàng? Ai sẽ lo lắng cho chúng trong những ngày này. Sao mình thiếu trách nhiệm quá. Cái giá lạnh và mối ưu tư trong đầu làm cho V. cứ trăn trở không sao ngủ được.
Đời lưu vong tỵ nạn, ôi sao buồn!
Phòng đâu đó vang vọng một lời ca:
Ở bên nhà em không còn đứng chờ đợi anh, đợi anh về hôn lên làn tóc nàng màu nhung,
Ở bên nhà em đi lao động, ở bên này. anh ra biển rộng… nhớ thương em.( Ở bên nhà, nhạc Phạm Duy?)


Phương Duy
Melbourne, một chiều gợi nhớ.

No comments: