Chuyện 30 tháng Tư


Ngày dài nhất trong đời


Chúng tôi dường như không ngủ suốt đêm. Chiếc maý phát thanh trên kệ cứ được liên tục dò tìm hết đài này qua đài khác, khi quốc nội, lúc quốc ngoại. Tin tức dồn dập bất thường. Cả tháng nay toàn tin xấu. Trên mặt bàn, la liệt những ly cà phê và nước trà, cái đã cạn, cái còn dở dang. Đĩa gạt tàn đầy ắp, tro tàn tràn ra rớt cả lên mặt bàn cũng không thấy ai buồn đi đổ. Đúng là cơn ác mộng. Chúng tôi đang trấn đóng ở một địa điểm tận cùng của miền Nam nước Việt,thiếu thốn những phương tiện truyền thông báo chí truyền hình phổ thông nhất .Những nguồn tin tức thời sự trong giờ sôi lửa bỏng này chỉ bằng mỗi cái đài radio nhỏ bé. Ngày hôm trước, nguồn tin thủ tướng Trần văn Hương bị ép buộc phải trao chính quyền cho Dương văn Minh đã là cả một sự ngỡ ngàng pha chút bàng hoàng. Không ai tin ông già Hương , người mà đức độ có lẽ có thừa nhưng tài cán, nhất là tài lãnh đạo về chính trị hầu như không nhiều lắm,sẽ làm được gì trong tình huống thập tử nhất sinh của đất nước. Dù vậy, vẫn biết chắc một điều: ít ra con người như ông,một nhân sĩ nổi tiếng thanh liêm, biết tự trọng, sẽ không làm thêm điều gì quá tổn hại đến vận mệnh đất nước , thể diện quốc gia. Còn đối với Dương văn Minh, người mà qua thân thế và sự nghiệp cả vế quân sự lẫn chính trị trong suốt những năm tháng qua đã chứng minh ông ta chẳng làm nên trò trống gì, lại đã từng là nhân tố chính tạo nên nhiều biến loạn của đất nước, sự suy thoái của các chính phủ VNCH, chúng tôi biết rằng chuyện tồi tệ nhất cho một miền Nam tự do đang từ từ xảy đến.


Năm ấy, chúng tôi còn rất trẻ. Cái tuổi 24 hoặc 25; tuổi đẹp nhất của người. thanh niên Tuổi trẻ thì non dại, thiếu kinh nghiệm, bốc đồng. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng tuổi trẻ chúng tôi những năm ấy lại đã được tôi luyện qua những gian khổ của chiến tranh, những đau thương mất mát của từng cá nhân, của từng mỗi gia đình và của cả dân tộc để trở nên cứng rắn như sắt thép được tôi luyện qua lò lửa. Và như vậy, dưới vòng xoáy của cơn lốc thời sự , dưới sự thật nghiệt ngã của chiến tranh, chúng tôi khá dày dạn trong nhận thức về những chuyển biến của thời thế, những đổi thay của lịch sử.
Sự thực. tin tức đến từ các đài quốc nội cũng không nhiều. Đang từ những bài hát cổ võ tiến lên, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, chuyển qua những lời thống thiết kêu gọi anh em một nhà, nối vòng tay lớn, chúng tôi biết chính thể VNCH đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Tin quân sự cập nhật đến từ các đài ngoại VOA, BBC lại cho nhiều dữ liệu rõ ràng cấp thiết hơn. Những đài này cho biết đoàn quân xâm nhập miền Bắc đã tiến tới Thủ Đức, Hàng Xanh, Ngã tư Bảy Hiền, những cứ điểm phòng thủ cuối cùng của thành phố Sài Gòn. Đã quá trễ cho một giải pháp chính trị..
Chúng tôi lặng nhìn nhau không nói, đây đó chỉ nghe tiếng thở dài. Chiến cuộc đau thương, tàn bạo và bi thảm quá. Những thế lực đã ký kết và hứa bảo đảm cho cuộc đình chiến và hoà đàm Paris được tôn trọng và thực sự thi hành đâu hết cả? Văn bản chỉ mới ký kết 2 năm. Tại sao người dân miền Nam không được quyền sống và bảo vệ mảnh đất tự do yêu quý của chúng tôi ? Tại sao phía bên kia cứ tha hồ vi phạm những điều khoản quy định trong hiệp định với sự hỗ trợ lớn lao của toàn khối Cộng Sản quốc tế , vượt tuyến đánh phá chúng tôi, trong khi chúng tôi bị cướp mất quyền tự vệ chính đáng? Những tên đồng minh đểu cáng gat bỏ những cam kết hỗ trợ, nhẫn tâm bỏ rơi dân tộc chúng tôi vào thời điểm khó khăn nhất. Tuyệt vọng và cô đơn hơn bao giờ hết.


Đám binh lính trẻ ngày thường thì ba gai, ngổ ngáo và chẳng mấy quan tâm đến những diễn biến chính trị trong nước, lúc này cũng hoang mang lo sợ, không biết làm gì đành bám víu vào cấp lãnh đạo chỉ huy, những người cũng chỉ cùng trang lứa, những trải nghiệm trong cuộc sống có lẽ còn non nớt hơn. Họ tụm lại từng nhóm nghe ngóng tình hình. Bàn luận phân tích loạn xạ. Thỉnh thoảng một hai người vào phòng chúng tôi hỏi các ông thầy nghĩ sao về những diễn tiến đang xảy ra. Không biết gì hơn, thời sự thay đổi từng giờ, phải theo dõi liên tục.Chúng tôi chỉ trả lời được như thế.

.
Những người lính có thói quen gọi chúng tôi là”ông thầy” và xưng ” em”, mặc dù có một số còn hơn tuổi chúng tôi. Một thượng sĩ già có tính đố kỵ đám sĩ quan trẻ, trong công việc thưòng ngày, khi cùng làm việc, ông thường giả vờ la mắng đám lính dưới quyền. Cuối cùng, lúc nào ông cũng liếc xéo qua chúng tôi và thòng một câu đại khái:
- Đù má, đời lính của tụi bay tính ra không bằng số ngày tao mắc bịnh lậu, đừng bày đặt làm trời!
Ông tự hào là người thâm niên, dạn dày kinh nghiệm cả tuổi lính lẫn tuổi đời.Hoặc có thể có cái mặc cảm phải ở dưới quyền mấy thằng sĩ quan trẻ ngốc nghếch chỉ bằng hay hơn đám con ông vài tuổi. Đồ oắt con vắt mũi chưa sạch.Thật ra ông không xấu , có lẽ để giữ uy tín với đám lính và chứng tỏ cái từng trải dày dạn của mình,

ông muốn xì ra vài câu xách mé để vuốt ve lòng tự mãn: “Tụi nít ranh bay coi đấy, Tau có coi tụi bay ra cái củ…cải gì”. Dĩ nhiên chúng tôi hiểu ý ,chỉ cười trừ và mặc kệ ông, chỉ thi hành nhiệm vụ. Sự dày dạn của tuổi đời và những kinh nghiệm quý báu của tuồi lính của ông chúng tôi kính trọng và cần học hỏi. Kính lão đắc thọ. Câu này người Việt ai không biết?Cái mà ông không biết hay không quan tâm tới là trách nhiệm của chúng tôi . Việc ông cùng đám lính làm đúng hay sai, có chu toàn nghĩa vụ hay không, trách nhiệm của ông và của họ dù sao cũng nhẹ nhàng hơn,riêng đám sĩ quan trẻ “vắt mũi chưa sạch” chúng tôi vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm,có khi liên quan đến vấn đề sống chết, không phải chỉ cho riêng cá nhân mình, mà cho cả một tập thể . Lúc này, đã không còn giọng điệu xiên xỏ, ông tiến tới nói với dáng mệt mỏi:
- Tình hình co bộ bi đát quá, mấy ộng tính sao?
Tình hình này, thực sự chả ai còn tính toán được gì nữa. Những khuôn mặt bơ phờ vì nhiều đêm thiếu ngủ đang chờ đợi một tình trạng xấu nhất cho đất nước, cũng là cho chính mình. Ngày hôm qua, Dương văn Minh đã chính thức lên tiếng yêu cầu toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn rời khỏi VN trong 24 giờ. Hôm nay, chắc chắn ông ta sẽ có những quyết định cuối cùng.
Đang loay hoay với cái radio, vì từ sáng sớm đài Sài Gòn đã hoàn toàn im tiếng, không còn nghe được một tín hiệu nào, ông Phùng xô cửa bước vào. Ông hỏi thăm có tin tức mới không vì ông cũng không bắt được đài. Thiếu tá Phùng,, chỉ huy đơn vị , còn rất trẻ, chừng chưa tới ba mươi. mới lập gia đình chừng hơn một năm. Cũng như chúng tôi, gia đình đang ở hậu phương Sàigòn.Mặc dù có một khu gia binh, trừ vài người, đâu mấy ai chịu mang gia đình đến chỗ khỉ ho cò gáy này. Không chợ búa, không trường học,phương tiện giải trí cũng là con số không to tướng. Ông bảo:
- Phải chờ tin tức từ Trung Ương. Mình đã liên lạc với các bộ tư lệnh vùng. Chẳng có quyết định gì rõ ràng cả.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, bất thần có tiếng nhạc vang lên từ đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó ít phút, một tiếng nói vang lên yêu cầu mọi người chuẩn bị nghe diễn từ của tổng thống Dương văn Minh. Im lặng, bất thần, thảng thốt, mọi người biết giờ phút nghiêm trọng đã điểm. Lịch sử sắp sang trang mới.
Mười giờ sáng, bài tuyên bố buông súng đầu hàng của Dương văn Minh vang lên trong máy. Mặc dù đã tiên đoán trước và chấp nhận những điều tồi tệ nhất, nhưng ai nấy cũng bàng hoàng hoảng hốt.THật như vậy dao? Bại trận cũng có nhiều cách, cớ sao lại chọn cách tuyên bố đầu hàng nhục nhã nhất? Như thế còn gì thể diện của một quốc gia, một dân tộc trên trường quốc tế? Có những giọt nước mắt tràn ra trên những gương mặt sạm nắng xưa nay vẫn nổi danh cương nghị. Có người nằm úp mặt xuống gối lặng lẽ khóc, tiếc thương cho một đội quân hùng mạnh, phải tan hàng trong tích tắc chỉ qua một lời tuyên bố của một vị tổng thống nhu nhược.

.
Chờ một lúc lâu cho nỗi bàng hoàng lắng xuống, ông Phùng mời các sĩ quan vào phòng họp khẩn cấp để bàn về những công việc cần làm trong những giờ sắp tới và để trấn an thuộc cấp đang ở tâm trạng thảng thốt hoang mang, rất dễ nổi loạn. Ông vừa mới nhận được hai lệnh từ hai nơi mà ông cho là không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Một lệnh của quân khu 4 từ bộ tư lệnh tại Cần Thơ yêu cầu quân nhân các cấp giữ vững vị trí và tiếp tuc chiến đấu, cho dù đã có lệnh buông súng của Dương văn Minh. Lệnh khác từ một Tư Lệnh vùng tại Năm Căn, cấp thấp hơn nhưng lại là chỉ huy trực tiếp yêu cầu chuẩn bị cho đơn vị di tản. Ông hỏi ý kiến nên thi hành lệnh nào. Sau khi hội ý, chúng tôi đaư đến quyết định, tình hình thay đổi từng giây phút, có lẽ nên sẵn sàng chuẩn bị cả hai mặt

.
Trước tiên, chúng tôi tập họp binh sĩ lại, loan báo cho họ biết những kế hoạch trong phòng họp đã dự tính. Mặc dù Sài Gòn đã mất, nhưng vùng đồng bằng Cửu Long nếu còn giữ lại được, chúng ta sẽ chiến đấu bảo vệ phần đất còn lại, giữ vững lý tưởng tự do. Mặt khác, việc di tản vẫn phải chuẩn bị, vì trên thưc tế, quân khu 4 mới chỉ có lệnh mà không thông báo kế hoạch chiến đấu cụ thể.


Tiếc thay đó là lệnh cuối cùng chúng tôi nhận được từ phía quân khu. Sau đó không nghe gì nữa. (Sau này được biết tư lệnh Quân Khu, tướng Nguyễn Khoa Nam đã tuẫn tiết tại sân cờ, nên kế hoạch tử thủ không thành.)
Buổi chiều, chúng tôi liên tục nhận được lệnh của bộ tư lệnh vùng từ Năm Căn chuẩn bị cho kế hoạch di tản. Kế hoạch dự trù lấy vị trí của đơn vị chúng tôi làm điển tập trung cho cả đại đơn vị từ trong căn cứ Năm Căn di chuyển đến, sau đó sẽ có 2 chiến hạm lớn từ Phú Quốc ghé đón. Ông Phùng e rằng,khi đại đơn vị từ Năm Căn kéo tới, với số người quá đông sẽ gây ra cảnh hỗn loạn mất trật tự. Đặc biệt, đây là một tập hợp nhiều đơn vi khó có sự chỉ huy thống nhất. TRong giai đoạn di tản, chúng ta , đơn vị chủ nhà cần nắm phần chủ động. Kinh nghiệm về sự hỗn loạn đưa đến cướp bóc, hãm hiếp và và cả giết người của cuộc di tản quân khu 1 và 2 trong những ngày tháng trước là một bài học đ1ăt giá. Do đó chúng tôi tập hợp binh sĩ lại một lần nữa để cắt đặt mỗi người một công việc cụ thể, giữ thế chủ động trong tư thế an toàn.
Buổi tối, mọi người tay chân rã rời, tâm hồn căng thẳng, chén cơm không nuốt nổi dù nhà bếp đã cố nấu nướng những món ăn ngon nhất. Có tin đại tá Vân, tư lệnh Năm Căn đích thân dùng 2 duyên tốc đỉnh PCF(Patrol Craft Fast) thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng ra đây để trực tiếp sắp xếp việc di tản. Chúng tôi, đám sĩ quan trẻ quay qua bàn tán : tại sao ông ấy có thể rời đơn vị trong lúc này? Là vị chỉ huy cao cấp nhất, lẽ ra ông ấy cần có mặt với đại đơn vị của ông ở những giờ phút nghiêm trọng cho những quyết định sinh tử của cả ngàn nhân mạng, công việc lo liệu sắp xếp đã có chúng tôi, hay cùng lắm không tin chúng tôi có đủ năng lực, ông có thể gửi một vài người dưới quyền làm trung gian là đủ. Ông bỏ đi, thuộc cấp sẽ nghĩ gì về tư cách chỉ huy của ông?


Hơn cả những suy nghĩ của chúng tôi, Ông Vân đến đơn vị chúng tôi với một đoàn tuỳ tùng gồm vợ con ông và vài người thân cận . Nhìn cách tiếp đón hờ hững, lối cư xử lạnh nhạt và ánh mắt nghi ngại của chúng tôi, có lẽ ông hiểu . Ông phân trần:
- “Qua” biết các em nghĩ gì về “qua”, nhưng các em thông cảm cho hoàn cảnh của “qua”. Mấy em còn trẻ, cấp thấp có rơi vào tay bọn họ chắc cũng không đến nỗi nào. Còn “qua” mà bị tụi nó bắt thì…”


Ông đưa ngón tay cái quét ngang cần cổ. Chúng tôi im lặng không nói gì. Ông nghĩ đơn giản quá. Sinh mạng của mình ông? Chẳng lẽ sinh mạng của ông quý hơn của đồng đội?Trách nhiệm của một cấp lãn đạo chỉ huy ông để đâu? Dù có quá lo lắng cho gia đình vợ con của mình, ông có thể gửi đi trước, riêng ông, nhiệm vụ bắt buộc ông phải ở lại. Cấp chỉ huy phải hoàn thành trách nhiệm vớì đơn vị và thuộc cấp của mình. Lý giải gì ông cũng đã tỏ ra ích kỷ và thiếu trách nhiệm


Có lẽ chúng tôi còn quá trẻ. Có lẽ bản tính còn quá bồng bột nên sự phê phán hành vi của vị Đại tá tư lệnh quá nặng nề chăng? Thiếu tá Phùng, chỉ huy trưởng đơn vị của chúng tôi,dù còn trẻ, dù lãnh đạo ở một cấp thấp hơn, đã chứng tỏ là một sĩ quan chỉ huy chừng mực, chin chắn và đầy trách nhiệm . Ông không nói gì, nhường căn phòng riêng của ông cho gia đình đại tá Vân tạm nghỉ ngơi để qua với chúng tôi . Tiếp tục đốc thúc chuyện phòng thủ và chuẩn bị kế hoạch di tản, ông Phùng bảo:
- Thôi mấy ông cũng nên thông cảm cho đại tá tư lệnh, nhiệm vụ ông ấy nặng nề quá, những lúc như lúc này , tâm trạng ai cũng rối ren,không phải dễ cho những suy tính chín chắn và hành động khôn ngoan đi đôi với nhau. Là con người, có khi nghĩ một đằng mà lại làm một nẻo

.
Ông Phùng vẫn thường gọi chúng tôi bằng từ mấy ông, một cách biểu lộ lòng tôn trọng đám sĩ quan trẻ và tương quan ngang hàng bình đẳng, mặc dù trên nguyên tắc, ông là cấp trên. Đó cũng là một đức tính đáng quý. Ông cho biết : Quân khu 4 đã hoàn toàn bị cắt đứt, lệnh ở lại tiếp tục tử thủ không thể thực hiện. Kế hoạch di tản thì lại không liên lạc được với 2 chiến hạm có nhiệm vụ đến đón. Đại tá Vân bảo đó mới chỉ là kế hoạch, nhưng việc trực tiếp liên lạc với con tàu thì chưa có. Theo dư trù, chiến hạm sẽ đến địa điểm vào giữa khuya. Bây giờ trời đã tối, có nghĩa chỉ còn vài tiếng nữa mà vẫn chưa liên lạc được là kế hoạch hoặc đã bi huỷ bỏ, hoặc chỉ có trong đầu, chưa bao giờ được thực thi. (Sau này theo tin đồn , khi dừng chân tại An Thới, Phú Quốc, dân trong vùng đã ồ ạt chèo ghe thuyền ra leo lên tàu chiếm hết không còn chỗ trống, nên kế hoạch di tản Năm Căn bị huỷ). Vô cùng thất vọng, Đại tá Vân cùng đoàn tuỳ tùng đã rời bỏ đơn vị chúng tôi để quay trở lại đại đơn vị của ông, qua liên lạc vô tuyến, được biết lúc đó đã kéo nhau ra khỏi cửa biển và đang chờ đợi chỉ thị của ông. Chúng tôi có chút buồn về kế hoạch di tản đã không như dự liệu, nhưng cũng một phần mừng cho vị đại tá tư lệnh. Ít ra trước giờ phút tan hàng,việc trở về đơn vị của ông sẽ giữ lại cho ông chút thanh danh và lòng kính trọng của thuộc cấp cho một người chì huy hoàn thành trách nhiệm cuối cùng với đơn vị.


Nhìn lại ông Phùng, viên sĩ quan chỉ huy đơn vị nhỏ bé của mình, chúng tôi nhận thấy dáng ông gầy gò, có phần mảnh mai, nhưng rất quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm. . Trước khi chia tay , ông vẫn lo lắng đến từng người lính của ông, mong sao cho mọi người có phưong tiện tốt nhất để trở về với gia đình. Mặc dù chỉ hơn chúng tôi vài ba tuổi, chúng tôi thực sự kính trọng ông, một cấp chỉ huy đáng khâm phục Hình ảnh ông từ đó đến nay luôn là một hình ảnh đẹp.


Đêm ấy, lại thêm một đêm không ngủ. Chúng tôi ngồi trầm ngâm , trong khói thuốc cà phê, buồn bã kể lại cho nhau những thăng trầm trong những năm tháng cùng sống, cùng ăn, cùng thở, cùng làm việc Nói về quá khứ,.có những lúc vui chơi, có những lần xô xát. Nói về hiện tại, lâm ly bi đát, hụt hẫng chơi vơi. Lại nói đến một tương lai vô định, mịt mù phía trước. Không ai biết rồi cuộc đời rẽ vào khúc rẽ nào, đất nước sẽ ra sao? Chắc chắn là bi thảm. Sống chết chưa hay, nhưng nhục nhã ê chề là điều không tránh khỏi

.
5 giờ sáng được lệnh di tản. Đã qua ngày 01/05. Chúng tôi chia làm 2 ngả, một nửa trực chỉ hướng Bắc đi về phía Vũng Tàu, một nửa rẽ hướng Nam với số người muốn trở về phía Hà Tiên, Rạch Giá. Có duy nhất một người nhất định ở lại.Tôi không nói người ấy là ai. Tôi không biết vì sao người ấy chọn ở lại. Người ấy chỉ nói đã quen sống và không thể rời bỏ nơi đây. Giờ tiễn biệt, trên bờ chỉ có một bàn tay trơ trọi, lẻ loi , giã từ trong bóng đêm Và bây giờ sau hơn ba mươi năm , không biết người ấy ra sao? còn đó hay đã ra đi?
Một ngày đau thương . Ngày dài nhất trong đời.

Phương Duy

Tưởng niệm 32 năm ngày 30 tháng Tư

(Kính tặng HQ thiếu tá PĐP, vị chỉ huy trưởng cuối cùng của Duyên Đoàn 41. Để nhớ về tất cả anh em bạn hữu đã từng chung sống tại Hòn Khoai.)

.
.

No comments: