Chuyện thế giới

VƯỢT QUA NỖI SỢ.

Đầu tháng Năm vừa qua, Pius Ncube, vị tổng giám mục thành Bulawayo đã đến nước Úc trong cuộc vận động quốc tế chống lại chính quyền độc tài tham nhũng của tổng thống Mugabe của đầt nước Zin babwe của ngài. TGM Pius Ncube có đang làm chính trị không? Ngài có đi ra ngoài quan điểm của giáo hội La Mã về một nhà lãnh tụ tôn giáo hay không? Xin mời quý vị cùng đọc bài Vượt Qua Nỗi Sợ (Beyond The Fear) của ký giả Jo Chandler đăng trên The Age ngày thứ Bẩy,12/05/2007, để cùng so sánh và đánh giá với tình trạng của Giáo Hội Công Giáo VN trong lòng dân tộc hiện nay.

x x x

Vào khoảng nửa đêm ngày Chúa Nhật 13.05.2007, chuyến bay có mặt vị TGM Pius Ncube rời Úc , hạ cánh xuống phi trường Harare, đưa ngài trở lại vùng đất quê hương đoạ đày đang ở trong thời kỳ đen tối nhất: đất nước Zimbabwe. Đèn thành phố có lẽ đã tắt. Trong tuần vừa qua, công ty điện quốc doanh đã loan báo : nguồn điện dẫn tới nhà dân chúng sẽ bị cắt tới 20 giờ một ngày. Thay vào đó, điện năng sẽ được cung cấp ưu tiên cho các trang trại đang có nguy cơ sụp đổ. Tuy thế cũng chẳng thấm vào đâu để có thể cung cấp đủ lúa gạo nuôi sống cho một dân số đang bị nạn đói đe doạ trầm trọng trong một nền kinh tế suy sụp.
Zimbabwe đã trở nên một xứ sở nơi mà nạn cướp bóc được đo lường ở trạng thái cực độ. Tuổi thọ trung bình của con người suy giảm đến mức thấp nhất trên thế giới: 34 cho nữ giới , 37 cho phái nam.. Ngưoì chết nhiều đến nỗi giới đào mả chuyên nghiệp không kịp đào huyệt chôn. Vào tháng Ba năm nay, thông tín viên của báo London Guardian tường trình rằng các nhà xác đã bị ứ đọng thây người vì gia đình thân nhân của họ không đủ khả năng chôn cất. Theo công bố chính thức của chính quyền, lạm phát đạt tới mức 2200%. Nhưng theo ý của TGM Ncube, đó vẫn là một sự chống đỡ gian xảo.Thực tế , lạm phát leo lên tới 4000%. Giá chính thức một ổ bánh mì khoảng 900 gr là $Z875 ($US3.30), nhưng giá chợ đen là $Z6000 ($US23.00). Vé xe bus để đi về làm việc đã ngốn hết tiền lương của công nhân. Học phí cho trẻ em tại thành phố Bulayawo vào kỳ một hồi đầu năm là $Z500,000.00 (năm trăm ngàn), đã tăng giá gấp đôi khi học sinh trở lại trường cho kỳ học hai vào đầu tháng này. Ngài nói, vì thế, đến một nửa học sinh tại Zimbabwe, một thời đã hãnh diện có một nền giáo dục tốt, không còn đến trường nữa.
Điểm đen tối nhất trong cái bóng đêm đó lơ lửng ngay trên vận mạng của của vị TGM này. Những lời khẩu chiến của ngài với vị tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã leo thang trong 10 ngày ngài đến các thành phố Sydney, Melbourne, Canberra, cất cao giọng để cảnh báo về những chịu đựng khốn khổ của người dân trên đất nước của ngài, đồng thời thuyết phục nước Úc không mang đội Cricket quồc gia đến thi đấu tại Zimbabwe vào tháng 9 tới. (Ghi chú của người dịch: Cricket là một môn thể thao hơi giống với môn đánh khăng miền Bắc hay đánh trỏng của miền Nam thuở trước nhưng cao cấp và nhiều luật lệ khó hiểu hơn. Đây là môt môn thể thao rất thịnh hành và có tính truyền thống của các quốc gia trong khối Liên Hiệp Anh cũ như: Úc, Anh, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lan Ka, South Africa,Bangladesh…)
Mới đây, hôm thứ Sáu vừa qua,viên tổng thống Mugabe đã cảnh cáo hàng giám mục Công Giáo, trong đó, TGM Ncube là người lên tiếng mạnh mẽ nhất, là họ đang dấn thân vào một lối mòn nguy hiểm khi họ gửi một lá thư chung đến cộng đồng giáo dân vào dịp lễ Phục Sinh vừa qua, buộc tội chính quyền của ông là độc tài, tham nhũng, vô luật pháp và kỳ thị cbủng tộc.. Các vị giám mục cảnh báo rằng: bạo lực cùng với nền kinh tế suy sụp đang đẩy đất nước đến tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Các ngài đã lên án chính quyền đã đàn áp dã man các nhà đối lập chính trị, dng công an mật vụ giam giữ, cầm tù và tra tấn hàng trăm người bất đồng chính kiến trong những tuần qua, trong khi họ chỉ đơn giản đòi lại quyền dân chủ qua một hiến pháp mới, và những cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Các giám mục đã chuyển sang làm chính trị” – Ông Mugabe tuyên bố trên tờ báo quốc doanh Nghị Luận (Herald).- “ Và một khi họ chọn làm chính trị, chúng ta sẽ không coi họ là những người lãnh đạo tâm linh nữa.”
TGM Ncube mạnh mẽ bác bỏ những lời tố cáo đó. Đồng thời. ngài tiếp tục chỉ trích nhà lãnh đạo đất nước Zimbabwe trong 27 năm qua.. Ngài nói:
Tôi là một người tranh đấu cho nhân quyền, không phải là người làm chính trị. Hai sự việc hoàn toàn khác biệt.”
Chứng tỏ cho cái giá trị tinh thần trong cuộc vận động của ngài. Ncube đã dung các câu, đoạn trong thánh kinh để dẫn chứng cho việc dấn thân hoạt động nhân quyền.. Ngài nói:
Hãy nhìn vào Bản Tuyên Ngôn Nazareth trong Phúc Âm của Thánh Luke, hay Bài Giảng Trên Núi của Thánh Matthew: Chúng ta phải bảo vệ người nghèo khó và kẻ bị thiệt thòi. Đức Kitô đã dạy chúng ta phải yêu thương kính trọng láng giềng, những kẻ ở quanh ta. Chúa đã giảng dạy về công lý. Hoà bình và lòng thương xót. Hãy thật thà, khiêm tốn. Hãy nâng đỡ con người, săn sóc người già yếu tật nguyền, kẻ goá, trẻ mồ côi và những kẻ khốn cùng.
Khi chúng tôi nói với tổng thống Mugabe (bản thân ông là một tín đồ Công Giáo), chúng tôi muốn nói: Có lẽ bây giờ ông đã quên điều này: thay vì là người đi giải phóng, ông lại là kẻ đàn áp. Hãy ngưng bàn tay đẫm máu của ông lại và trở về với nhiệm vụ giải phóng con người.”
Trong lời nói, vị TGM đã lựa chọn từ ngữ thật cẩn trọng và nói bằng một giọng nhẹ nhàng, chậm rãi, từ tốn không hơn một tiếng thì thầm. Mới thoáng nghe tưởng chừng như đó là những lời thuyết giảng mệt mỏi chán ngán với một thông điệp sáo mòn không ai muốn lắng nghe. Chú tâm kỹ lại, đây là những ngôn từ đầy uy lực, sôi nổi và khiêu khích: “Mugabe là một tên sát nhân, kẻ dối trá. Chúng tôi đòi ông ta ngưng lừa dối, ngưng giết người.Và phải khuyến khích giúp đỡ nhân dân.”
Đây là những lời lẽ can đảm và nghĩa khí. Ân Xá Quốc Tế cùng các tổ chức trợ giúp nhân đạo khác rất lo ngại cho sự an toàn của vị TGM ngay cả trước khi Ncube có những lời công bố tiếp tục đứng tuyên xưng trên bục giảng.: “Mặc cho hằng hà sa số những sách nhiễu. Họ lái xe đi theo dõi bạn, bôi đen bạn, gán cho bạn có hành động của ma quỷ, thêu dệt những chuyện vô luân để nói xấu xỉ nhục bạn.”
Đảng Zanu_PF cầm quyền của Mugabe đã dán cho TGM Ncube cái nhãn hiệu là một tên điên khùng và lừa bịp kinh niên, tên phản động và tay sai của đế quóc, kẻ chỉ mong muốn phục vụ cho lợi ích của bọn ngoại quốc Anh , Mỹ khi khuấy động đòi thay đổi chế độ tại Zimbabwe.
Ncube nói ngài không thể nín lặng. Khi được hỏi sao ngài dám lên tiếng dù biết chắc vận mạng sẽ gặp khó khăn. Ngài ngưng lại để trầm tư bên cạnh cái khung cảnh xa hoa nhung lụa của sảnh đường đại khách sạn Windsor, nơi được xử dụng cho cuộc phỏng vấn này Sự giàu có lộng lẫy của nó thật tương phản đến đáng xấu hổ so với những câu chuyện ngài kể đang xảy ra trên đất nước ngài:
“Dường như có cái gì vỡ vụn trong bạn. Dường như bạn đang bị thách đố bởi chính những tiềm thức thâm sâu trong con người cá nhân của bạn. Như có ai đang đánh đập người mẹ của bạn ngay trước mắt. Bạn không thể khoanh tay thản nhiên đứng nhìn. Một sự náo động nổi lên trong lòng bạn, xui khiến bạn không thể nói không, cho dù bạn phải trả giá bằng cái chết.”
Là con trai của một trại chủ., lớn lên ở vùng phía Tây Zimbabwe, Ncube hào hứng kể lại hai sự kiện từng làm cõi lòng ngài tan nát. Năm 1983,khi còn là linh muc, ngài đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng trong khu vực: Mugabe ra lịnh tàn sát tới 20,000 người dân vô tội. Đây thực sự là một tội ác diệt chủng đã đánh động lương tâm khiến ngài nhất quyết cùng vị giám mục thời đó, một nhà truyền giáo Thuỵ Sĩ,bước chân vào hoạt động nhân quyền. Sự kiện thứ hai xảy ra vào năm 2000, khi Mugabe dùng bạo lực để chiếm hữu trên 4000 nông trại của người da trắng. Việc này làm kiêt quệ nền kinh tế quốc gia. Ngài suy nghĩ rằng cần phải lên tiếng chống lại những tội ác ghê tởm này. Ngài nói:
Im lặng, Tức là tôi đồng loã với tội ác để chỉ mưu cầu lợi ích ích kỷ của cá nhân tôi, điều tôi không thể. Cuộc đấu tranh của tôi có giá trị của nó. Bạn không thể câm lặng trước những bất công quá to lớn như vậy. Nếu chúng tôi có được một đảng chính trị đối lập tốt, có lẽ giáo hội không cần thiết phải lên tiếng. Nếu chúng tôi có được một nền báo chí truyền thông tự do, có lẽ Giáo Hội không cần lên tiếng. Tiếc rằng, tổng thống Mugabe đã kiểm soát tất cả các báo chí, truyền thanh và truyền hình. Vì vậy, chúng tôi phải lên tiếng thay cho người nghèo khổ và những người thấp cổ bé miệng, những người bị thiệt thòi trong xã hội. Bảo vệ những kẻ cô thế chống lại kẻ có quyền hành là nhiệm vụ của chúng tôi. Ai là kẻ cô thế? Họ là những người nghèo khổ, yếu đuối, đói khát. Ai là kẻ có quyền hành? Đó là những người đang dùng địa vị của mình để tham nhũng, há hiếp bóc lột nhân dân, thay đổi mọi thứ trên đời cho hợp với quyền lợi của họ.
Ncube là một người cao ốm, có khuôn mặt buồn thảm. Áo quần mặc có vẻ cũ kỹ và hơi ngắn, hai ống quần như đập vào bắp chân khi bước đi. Những bước chân nhanh nhẹn không như những lời nói chậm rãi , ngài choàng vội cây Thánh Giá bằng bạc khá lớn vào cổ khi người chụp hình tới. Trong tiến trình chụp ảnh, vị TGM có vẻ như phải chịu đựng và không thấy thoải mái trên chiếc ghế bành.
Con đường dẫn đến vai trò nhà hoại động và bảo vệ nhân quyền của Ncube bắt đầu từ những ngày ngài mới 13, còn ở ghế nhà trường St Patrick tại Bulawayo, thành phố lớn thứ 2 của Zimbabwe. Được các nữ tu truyền giáo người Đức dòng Dominican giáo dục, cậu bé Ncube mau chóng cảm nhận được về niềm tin tôn giáo của họ. Vào tuổi 15, cậu bé quyết định gia nhập đao Công Giáo, nhận phép rửa và lấy tên thánh Pius. Người cha của cậu vẫn giữ niềm tin tôn giáo truyền thống châu Phi và chỉ chuyển đổi qua Công Giáo vào năm năm cuối đời của ông.. Mẹ cậu, một tín hữu theo giáo phái Tin Lành Memonite, sau này cũng theo con trai trở lại Công Giáo. Lòng nhiệt tâm của cậu bé Ncube trong lãnh vực nhân quyền đã thăng hoa khi cậu theo học tại đại chủng viện, nơi mà môn học triết lý công bằng xã hội đã ảnh hưởng đến cậu thật xâu xa. Vị TGM Desmon Tutu của Nam Phi và giám mục bị ám sát Oscar Romeo của châu Mỹ Latin đã là những thần tượng của Ncube.
Niềm tin của ngài bị thách đố mỗi ngày, không những chỉ vì sự sợ hãi mà còn vì sự giận dữ vào nỗi bất công.
“Thấy cảnh bất công, nếu bạn còn là con người, bạn giận dữ. Nhưng bạn phải biết biến đổi sự giận dữ đó thành những hoạt động cho quyền làm người.”
Để trấn áp nỗi sợ và tự dằn tâm củng cố chính mình, ngài thức dậy mỗi ngày thật sớm vào 5 giờ sáng, tĩnh tâm , đọc sách và dành một hay hai giờ cho sự cầu nguyện.
Sợ hãi hiện đang là một yếu tố tật nguyền tại Zimbabwe. Chính quyền làm cho nhân dân hãi sợ đến nỗi hoặc là tìm cách trốn ra nước ngoài, hoặc ở lại thì phải biết câm miệng, không nói gì hết. "
Cuộc khủng hoảng trên quê hương của ngài đang gặm nhấm dần cả linh hồn và thể xác cũa nhân dân. Vấn đề không chỉ là sự đói khát. Nó còn là vấn đề của bệnh tật. Căn bệnh Aids (sida) chết người đang tha hồ tung hoành trên hai thập niên mà chẳng ai ngó ngàng kiểm soát. Nó còn là vấn đề của những bất công trong xã hội, vấn đề của những đàn áp thô bạo. Vị TGM Ncube nói ở Zimbabwe không còn niềm vui, ngay cả trong những dịp hội hè lễ lạc thường mang lại cho người dân một chút thảnh thơi như ngày cưới, ngày sinh… Đã thế, chúng trở thành những gánh nặng vị nạn lạm phát phi mã.
Chỉ mới đây thôi, Ncube kể, ngài gặp một đám đông đàn bà chừng năm sáu chục người tập trung lại. Họ van nài ngài đặt tay lên đầu họ để xoa bớt nỗi đau.. Ngài hỏi họ đau đớn như thế nào. Họ trả lời là tim họ bất an, họ mất ngủ, áp huyết tăng cao nguy biến. Người dân đã tuyệt vọng và phái nữ là những người phải chịu đựng đau khổ nhiều nhất.
Trong gia đình, phụ nữ luôn luôn là người cung cấp mọi thứ cho con cái từ thực phẩm, áo quần đến chi phí giáo dục. đàn ộng đã bỏ trốn hết. Họ trốn ra nước ngoài và không bao giờ trở lại. Đàn bà bị bỏ lại với đàn con và sự vật lộn với cuộc sống. Chính những khó khăn này đã giết chết họ trước khi họ bước vào tuổi trung niên.
Tham nhũng trở nên cuồng bạo không thể nào kiềm chế, thâm sâu vào các cơ sở chính quyền từ trên thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở.. Tất cả được khởi động từ lòng tham vô đáy, qua việc làm nghèo đi tầng lớp trung lưu. Xâm phạm đến cả những phần tối thiểu nhất cho giới cùng đinh để có thể tồn tại. Làm sao họ sống? Ncube chỉ tay về phiá những muỗng nĩa, ly tách bằng bạc chung quanh phòng, làm điệu bộ quơ tay dấu vào trong áo. Đây là cách sống để tồn tại tại Zimbabwe.
Bên cạnh những cơ hội chôm chỉa bằng đủ mọi mánh khoé đem ra chợ trời bán để sống qua ngày, sự tồn tại còn dựa vào của bố thí của các thân nhân ngoại quốc gửi tiền về cứu sống cho gia đình, hoặc qua các chương trình thực phẩm thế giới cùng một lô những tổ chức nhân đạo khác. Ngay cả những tổ chức này cũng đang bị trấn áp. Cho dù nhìn thấy rõ sự suy sụp của đất nước này cả về kinh tế và xã hội, họ cũng phải biết im lặng. Nếu các tổ chức quá ồn ào, họ sẽ bị cấm cửa không cho hoạt động.
Ngay cả khi những tin tức xấu về Zimbabwe lọt ra được thế giới, chúng cũng không vang vọng sâu xa. Thế giới đã mệt mỏi cho cuộc khủng hoảng quá lâu (hơn 8 năm rồi) này. Việc lộng giả thành chân và thời gian lê thê đã bào mòn những giá trị của tin tức. Chúng dễ dàng bị qua mặt bởi những tin nóng bỏng khác từ Iraq, Afganistan và Darfur.
Trong chuyến thăm viếng ngắn ngày và không chính thức đến nước Úc do Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc yểm trợ này, thông điệp của TGM Ncube không chỉ chú tâm đến tình hình tại Zimbabwe mà thôi, ngài còn muốn nhắn gửi đến từng người dân Úc trong việc yểm trợ tinh thần cho nhân dân Zimbabwe. Có nên đưa đội tuyển cricket Úc đến Zinbabwe thi đấu không? Câu trả lời từ Ncube là dứt khoát KHÔNG.
Chuyến đi thi đấu sẽ được Mugabe dùng làm phương tiện tuyên truyền.Có nghĩa là ông ta quan trọng ra sao, chính quyền của ông ta quan trọng ra sao, và đất nước Zimbabwe cần tới ông ta ra sao. Người Úc đến đó lúc này sẽ cho ta một sự phấn khởi, một phần thưởng lớn. Ông ta hiện đang bị cô lập ngay trong chính đảng của ông. Nhưng ông vẫn cố bám víu lấy quyền lực. Đội tuyển thủ cricket Úc khi đến Zimbabwe sẽ chỉ được thăm viếng những nơi chốn chính quyền đã chuẩn bị trước để phô trương những cái phồn vinh giả tạo,và che chắn những xấu xa nghèo khổ. Tiền của sẽ tiêu phí cho những buổi thăm viếng tiếp tân mà đất nước không đủ khả năng chi trả. Họ sẽ không nhìn thấy được ‘sân sau’ của đất nước này, nơi toàn rác rưởi và u sầu.”
Chính quyền liên bang Úc không ủng hộ chuyến thi đấu của đội tuyển nhà và sẵn sàng giúp đỡ trong việc chi trả hàng triệu đô la bồi thường thiệt hại cho tổ chức thi đấu của Zimbabwe nếu đội tuyển bằng lòng theo ý chính quyền. Trong trường hợp đội tuyển Úc vẫn cứ đi thi đấu, chế độ độc tài tham nhũng Mugabe sẽ nói: Ừ, cứ cho là có một số chính trị gia chỉ trích chính quyền Zimbabwe. Thế nhưng hãy coi kìa, đội tuyển vô địch thế giới về môn cricket vẫn vui vẻ tới đây. Vậy không phải là chuyện tuyệt vời sao? Chỉ một vài người chứ đâu phải toàn thế giới giận dữ với Zimbabwe?
Thủ tướng Úc John Howard tuyên bố ông cố gắng để chuyến đi khó có cơ hội thực hiện. Trong khi đó,Peter Young, phát ngôn nhân của hội Cricket Úc nói với báo chí rằng huỷ bỏ chuyến đi có thể có rắc rối về quan hệ với cricket thế giới. Một số quôc gia như Ấn Độ, Nam Phi chống đối lại sự tẩy chay này..
Đây là cuộc tranh luận mà TGM Ncube mong muốn nó còn tiếp diển để lôi kéo sự chú ý đến vận mạng của 11 triệu người dân Zimbabwe khốn khổ. Đồng thời, mặc cho những lời lẽ đe doạ của Mugabe, TGM Ncube vẫn tiếp tục bước lên toà giảng để diễn giải cho những lý cớ của ngài cho một cuộc cách mạng bất bạo động, cấp thiết kêu gọi nhân dân tìm được năng lực và lòng dũng cảm cho một cuộc xuống đường vĩ đại như cuộc biểu tình xuống đường của Ukraine trước đây, hay cuộc cách mạng năm 1986 ở Philippinnes đã lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos.
Ncube không nhắm tới việc trả đũa. Ngài cho đó là công việc của thượng đế, qua sự kết thúc công cuộc vận động tại Úc bằng một trích đoạn thánh kinh sách Amos 6, câu 4-7:
Khốn cho những kẻ sống trên giàu sang nhung lụa, ăn thịt chiên non nhất bầy, thit bê béo nhất chuồng, miệng hát những lời ca vô hồn từ âm thanh của cây thụ cầm và, giống như David, đòi tự tạo ra nhạc khí cho riêng mình, uống rượu ngon nhất trong bình và xức lên người loại dầu thơm nhất mà không biết đau lòng trước sự tan nát của nhà Joseph. Bởi thế, họ sẽ là những kẻ bị lưu đày trước hết, và sự xa hoa huy hoàng họ có rồi cũng sẽ tiêu tan.”

x x x

(Tin cập nhật: Chính quyền Úc đã chính thức huỷ bỏ chuyến thi đấu cricket của đội tuyển Úc châu tại Zimbabwe để tạo áp lực lên chính quyền Mugabe. Hàng giáo phẩm Zimbabwe đã đang làm đúng nghĩa vu. Còn hàng giáo phẩm Việt Nam đang ở hoàn cảnh tương tự, có lẽ còn tồi tệ hơn thì …trong hơn ba mươi năm qua vẫn im lặng. Đến bao giờ thì các linh mục,giám mục VN đến thăm các quốc gia Mỹ, Âu Châu, Úc không chỉ để vận động xin tiền của cộng đồng công giáo VN hải ngoại, mà còn vận động với các chính quyền sở tại cho những hoạt động nhân quyền và cứu giúp dân nghèo ởVN? Xin để các độc giả cùng suy nghĩ .)
Tóm tắt tiểu sử của TGM Pius Ncube:
Sinh ngày: 01.01.1047 tại Mtsabezi, Gwanda. Cha là Amos Ncube.
• Giáo dục: theo học tại trường St Patrick tại thành phố Bulawayo do các nữ tu truyền giáo Đức quốc sáng lập. Gia nhập đại chủng viện Chishawasha tại thủ đô Harare. Sau đó đi tu nghiệp tại đại học Lateran, thành phố Rome, Italy.
• 1973 thụ phong linh mục, thành phố Bulawayo.
• 1986-1990: linh mục chánh xứ St Patrick.
• 1990-1995: Chánh xứ nhà thờ chánh toà St Mary.
• 1995-1998: Linh mục trưởng của giáo phận Bulawayo
• 1998 cho đến nay: Tổng Giám Mục giáo phận Bulawayo
• Các giải thưởng đã nhận: Giải Nhân Quyền 2003 của tổ chức Nhân Quyền Số Một, giải Nhân Đạo Quốc Tế Robert Bums 2006.
From: Beyond The Fear of Jo Chandler, The Age writer.
Phương Duy lược dịch

Australia, 26/05/2007