Đối thoại với Nguyễn Gia Kiểng 2

Lan man về những xét lại bắt buộc

Xin đi thẳng vào những nhận định xét lại bắt buộc của ông Nguyễn Gia Kiểng:
1/-
Khí thế đấu tranh trong nước đang tàn lụi, hải ngoại chỉ biểu lộ một sự bất lực.
Nhận định sau những cuộc đàn áp dữ dội trong vài tháng qua, công cuôc đấu tranh trong nườc đang tàn lụi vì một số người vào tù, một số phải đào thoát và một số bỏ cuôc,theo tôi, là một nhận định thiếu khách quan. Nó chỉ đúng nếu cho rằng vào tù làxong chuyện. Bắt bớ, giam cầm, tù tội, số người tham gia vào các tổ chức đấu tranh không giảm. CSVN đã bắt bớ bỏ tù hàng triệu người dân VN, hàng triệu người khác đã phải đào thoát trong mấy chục năm qua, sự đấu tranh phản kháng, khi ẩn khi hiện, thời điểm nào cũng tồn tại, còn lan rộng từ miền Nam ra đến cả miền Bắc, từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác, từ giới tri thưc, lãnh đạo qua đến thành phần nhân dân lao động.
Như thế, sự đấu tranh không những không tàn đi mà còn mạnh hơn , Cá nhân những người được coi là lãnh đạo công cuộc đấu tranh bị bắt bớ giam cầm, chưa hề có ai tỏ dấu đầu hàng. Trái lại , dù ở trong cái nhà tù nhỏ hay ra ngoài nhà tù lớn, tất cả đều kiên định lập trường đấu tranh cho dân chủ của họ. Nhà tù, trong ý niệm tích cực, là một nơi rèn luyện bản thân , giữ vững tư cách của người lãnh đạo. Như lời của LM Lý tử trong tù vừa gửi ra:cha Lý cho rằng thời gian trong tù của cha có lẽ lại tốt hơn ,làm việc nhiều hơn nếu như lúc này cha đang ở Xóm Củi,cha nói chắc chẳng làm được gì.
Lịch sử thế giới cũng đã chứng minh những nhà lãnh đạo lớn Mandela, Wales, Gandhi… đều có những quá trình tù tội lâu năm, một hy sinh lớn lao cần phải có cho sự tôi luyện ý chí và củng cố tinh thần trước những thử thách cam go của công cuộc. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Những khó khăn gian khổ ấy cũng là những phương tiện sàng lọc những người yếu đuối, không bền tâm, thiếu tài năng và loại bỏ những kẻ cơ hội. Đám quần chúng thì có cơ may phân biệt đá vàng. Hoàng Minh Chính, Nguyễn văn Lý đã từng vào tù ra khám nhiều lần, lửa đấu tranh trong lòng vẫn ngùn ngụt. Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, PhạM Hồng Sơn…bước ra khỏi song sắt vẫn cất cao tiếng nói , bước đấu tranh đâu có chùn bước.

Nói về bên ngoài, có thực khối hải ngoại chỉ biệu lộ một sự phẫn nộ bất lực không? Giữ cho một khối người trải rộng khắp nơi trên thế giới biểu lộ được sự phẫn nộ đã là một điều đáng ghi nhận. Không có một phương tiện chính trị, ngoại giao nào để có thể ảnh hưởng lên quốc tế, nhưng đã thúc đẩy các cơ quan, chính quyền các nước lên tiếng biểu lộ những phẫn nộ cùng với mình , không phải là một thành công sao? Cho dù có đánh giá những lên tiếng quốc tế đó còn quá yếu và chưa đúng mức? Sự phẫn nộ lại càng chứng tỏ phong trào đấu tranh cho dân chủ Việt Nam không tàn lụi đi mà mạnh mẽ hơn, một điểm mà ông NGK đã tự mâu thuẫn. Người Việt hải ngoại đang làm cho thế giới thấy rõ CSVN đang lừa bịp họ, người Việt trong nước vững tâm hơn trong việc xuống đường biểu tình chống đối đòi hỏi công bằng xã hội vì biết bên cạnh họ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ bên ngoài, như vậy là phẫn nộ bất lực?
2/- Dự án thống nhất của ông Hoàng Minh Chính tự nó tiêu tan dù không bị đàn áp.
. Chuyến đi của ông HMC vào năm 2005 với mục đích chữa bệnh, có thể có mục tiêu liên kết chính đảng của ông và một số nhân sự, tổ chức ngoài nước, không phải là đại diện cho tất cả mọi khuynh hướng trong và ngoài. Mục tiêu thành công hay thất bại, vẫn còn là một ẩn số, chỉ chính ông HMC và một số tổ chức như của bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi có thể trả lời. Một điều chắc chắn, không có sự liên hệ mật thiết gìãu chuyến đi này với Khối 8406, vì sau khi tuyên ngôn nhân qiuyền của khối 8406 ra đời, nhóm này đã cho phổ biến một bản tuyên ngôn riêng chỉ mấy ngày sau đó Vì thế, dự án thống nhất này chỉ là một sự suy đoán của ông NGK không có cơ sở và bằng chứng.
Khối 8406, như tên gọi của nó, là tập hợp của nhiều cá nhân , tổ chức với khuynh hướng khác nhau nhưng có chung một mục tiêu đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Vì vậy, không thể đòi hỏi khối này có sự kết hợp chặt chẽ và có kỷ cương như một tổ chứcNgày 08/04/2006,Khối đã ra bản tuyên ngôn. Mọi cá nhân , tổ chức đã ký tên trong đó có thể hoạt động theo cách riêng của mình trong tinh thần của bản tuyên ngôn và cùng một mục tiêu dân chủ và nhân quyền. Nếu khối chỉ dừng lại ở bản tuyên ngôn, thì hoạt động của khối coi như không hữu hiệu hay chỉ có giá trị hình thức. Chính các cá nhân, các tổ chức trong khối cần dựa vào bản tuyên ngôn, dựa vào vị trí và khả năng của từng người từng tổ chức để hành động thực hiện hay đòi hỏi phía bên kia phải đáp ứng những điều khoản của tuyên ngôn cho nhu cầu đòi hỏi của nhân dân. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy mỗi người có một phương cách hành xử đấu tranh khác nhau, trong nước khác ngoài nước, tu sĩ khác người thường, trong đảng khác ngoài đảng. Điều quan trọng là mọi hành động đều nằm trong phạm vi và phù hợp với tinh thần của bản tuyên ngôn.
3/-LM Nguyễn Văn Lý, Ls Nguyễn văn Đài cùng những nhà dân chủ trong nước khác là nạn nhân của cách đối lập tại hải ngoại.
Xin nói rõ ngay đây là không có đối lập với nhà cầm quyên CSVN tại hải ngoại. Khối người Việt hải ngoại có muốn làm đối lập thì cho đến lúc này, CSVN vẫn không chấp nhận. Người Việt hải ngoại đang xây dựng và phát huy công cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho người Việt trong nước, những quyền mà họ đã đang được hưởng từ những quốc gia định cư.
Việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước phải tận dụng mọi cơ hội và thường là không đầy đủ, không có chuyện vận dụng quá mức sức anh em trong nước như nhận định của ông NGK. Các nhân sự mà ông cho là nạn nhân của người Việt hải ngoại , trong cái tạm gọi là thành phần lãnh đạo đối kháng trong nước, hần như tất cả là những người trí thức, có tầm hiểu biết trong ngoài khá rộng rãi. Họ dư biết những khó khăn, họ chấp nhận hy sinh gian khổ, họ sẵn sàng chờ đợi những bắt bớ giam cầm. Ho không phải là loại ngây thơ bị hải ngoại xúi dại như ông nhận định. Những lời tuyên bố của họ( cha Lý. Ls Đài, ls Công Nhân, nhà văn TKT Thuỷ) trước khi họ vào tù là những bằng chứng hiển nhiên. Cho rằng họ nhẹ dạ nghe lời hải ngoại để dấn thân vào tù tội là một sự mạ lỵ nặng nề khả năng hiểu biết của họ và chối bỏ sự hy sinh cao quý của họ.
Hơn thế nữa, những hy sinh cao cả này đang đạt được những thành quả to lớn cả trong và ngoài nước. Đó là tiếng sét đánh động lương tâm con người trong và ngoài nước trước bạo lực CS, mở mắt dư luận thế giới đang đui mù khỏi sự giả trá lừa bịp, trấn an nỗi sợ của nhân dân, để họ tự đứng lên tranh đâú giành lại quyền lợi của mình.
Ông NGK có lối nhận định quái đản :kết tội nạn nhân thay vì tội phạm, giồng như một giáo sĩ Hồi Giáo tại Úc vài tháng trước đây lên án những nạn nhân bị hiếp dâm tại Úc là ăn mặc hở hang để khiêu khích bọn hiếp dâm như đưa thịt vào miệng mèo. Các nhà dân chủ trong nuớc thi đua xô bố, khiêu khích cốt gây tiếng vang để vào tù, Không biết ông đã có kinh nghiệm ngòi tù, nhất là tù trong một chế độ CS như thế nào chưa để có thể viết rằng những người tranh đấu vào tù cố lấy tiếng?

4/- Phải biết trước bị đàn áp và phải có phương án để khai thác sự đàn áp. Tưởng rằng đảng CSVN sẽ không dám đàn áp thẳng tay vì sợ phản ứng của thế giới.
Dỉ nhiên là người Việt Nam, ai cũng có thưà kinh nghiệm về CSVN, miền Bắcệ hơn 60 năm và miền Nam hơn 32 năm qua. Ai cũng biết , một người có tư tưởng đầu óc phản kháng lại độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN, dù là bất bạo động, trưiớc sau gì cũng bị đàn áp. Đảng CSVN không cho phép bất cứ ai, kể cả đảng viên của đảng CS, được quyền phê phán thách thức độc quyền lãnh đạo này. Do đó, đặt vấn đề như vậy thất là thừa thãi. Các nhà dân chủ trong nước họ biết và họ chấp nhận cái giá bị đàn áo đó. Còn phương án để khai thác ư? Thế thì tấm hình 'bịt miệng' trong phiên toà xử cha Lý cùng những hình ảnh,cùng băng đoạn thu hình ghi âm các phiên toà xử những nhà đấu tranh khác” Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân, Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Thế Truyền, những tấm hình ghi cảnh dân oan khiếu kiện và sự đàn áp dã man của công an đang được phổ biến rộng rãi cùng khắp thế giới , không phải là sự khai thác hữu hiệu, triệt để và khôn ngoan về sự bạo hàng của CSVN thì là gì? Nhà cầm quyền CSVN đâu còn có thể dung ngôn từ bịp bợm giả dối để bao che cho những tội ác của họ được nữa. Cũng nên nói thêm rằng, những bản án xét xử từ 3 đến 8 năm tù của nhà cầm quyền CSVN dành cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước vừa qua, so với những cái án chung thân, tử hình dành cho Mai Văn Hạnh, Trần văn Bá và rất nhiều chiến sĩ tự do dân chủ vô danh khác ở thời điểm mười, mười lăm năm về trước, , chúng ta cũng thấy đảng CSVN ít nhiều đã có sự chùn tay đàn áp, không chỉ vì sợ phản ứng của thế giới, mà lo ngại luôn sức bật của người dân, già néo đứt dây, như chúng ta thường nghe.
Phản ứng của thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ có chừng mực, đó là lẽ đương nhiên . Theo cách nhìn có chiều hướng dân tộc, đây là vấn nạn của nhân dân Việt Nam, thì người dân Việt phải là thành phần tự nhận lấy trách nhiệm chính giải quyết vấn đề. Người ngoài cuộc chỉ góp công sức yểm trợ. Chúng ta không bảo họ làm thay chúng ta. Do đó không thể áp lực họ cắt đứt mọi quan hệ bình thường hay từ bỏ những ích lợi cho dất nước của họ. Điều chúng ta cần làm là hướng dẫn họ đi sát với thực tế, để cho mối quan hệ có lưu thế cho cả hai bên, quyền lợi thu được phải nằm trong nguyên tắc dân chủ nhân quyền, không nên trở thành phương tiện cho bọn độc tài chuyên chế gây nguy hại đến người dân bình thường.
Theo tầm nhìn bao quát nhân loại, đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho người dân thấp cổ bé miệng là nghĩa vụ chung của mọi người, nhất là những người đang được hưởng đầy đủ những quyền này. Trong cái tinh thần tương thân tương ái này, chúng ta kêu gọi thế giới cùng nhập cuộc , tạo áp lực họ có thể có, chẳng hạn những quan hệ có điều kiện với nhà cầm quyền CSVN để thúc đẩy công cuộc thay đổi dân chủ hoá Việt Nam mau chóng hơn.
5/- Có thể lật đổ nhà cầm quyền CSVN không?
Bằng vũ lực và các phương tiện chiến tranh, có thể nói là không. Không một quốc gia nào trong thời đại hiện nay sẽ giúp ta làm chuyện ấy. Lật đổ một chính quyền cũng có nhiều phương cách không cần tới vũ lực. Các quốc gia Đông Âu thời thập niên 90 và một số khác trong một vài năm vừa qua đã làm được chuyện đó:những cuộc cách mạng nhung. Ở Việt Nam, điều này cũng có thể xảy ra. Giả thuyết một ngày nào đó, tập thể Quân Đội Nhân Dân VN bỗng nhận ra họ không thể là một công cụ cho nhà cầm quyền CSVN để đàn áp chính nhân dân VN , lại hèn hạ làm tay sai, bán đất nhượng biển cho CS Trung Quốc , thay vì phục vụ đảng CSVN, họ trở về phục vụ đất nước, dân tộc , đứng lên giải thể đảng viên CS
,hay buộc họ.ra khỏi hàng ngũ quân đội, nhận trách nhiệm bao vây áp lực đảng CSVN trả lại quyền lãnh đạo về tay nhân dân.
Một viễn cảnh khác: những cảnh biểu tình khiếu kiện của nhân dân cứ ngày một lan rộng đến một mức nhà cầm quyền không thể đàn áp nổi, mọi sinh hoạt của quốc gia bị ngưng trệ và chúng ta có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra. Một sự thực đau lòng là trong khi khí thế quần chúng trong nước đang lên, họ đang cần những người lãnh đạo để tổ chức hoá và kết hợp chặt chẽ, cần những bộ óc trí thức để suy luận, phân tích, phán đoán tình thế chính xác để đưa ra những hướng dẫn đấu tranh khôn khéo và cu thể thì giới trí thức lại trùm chăn, thờ ơ . Ai cũng biết thành phần trí thức thường ở trong tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh, những người trẻ tuổi , năng động và có nhiều nhiệt huyết, chính họ là linh hồn của mọi phong trào, mọi cuộc cách mạng. Thế nhưng xem ra , ở Việt Nam hiện tại,thành phần này biến đâu mất cả. Trung Quốc còn có một vụ Thiên An Môn mà giới trí thức còn ngửng cao đầu.

Nhưng tại sao lại đặt vấn đề lật đổ ở đây. Mục đích của công cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ đa nguyên cho Việt Nam nằm trong ý nghĩa của những chữ tự do, dân chủ và nhân quyền. Các nhà đấu tranh, nhân dân trong và ngoài nước đang đòi hỏi những quyền căn bản đó, dù có phải lật đổ nhà cầm quyền đương thời hay không. Những tiếng nói lên tiếng đấu tranh , những cuộc đình công xuống đường khiếu kiện trong nước, những cuộc biều tình ngoài nước chống sự đàn áp dã man người dân của nhà cầm quyền CS trong nước , yêu cầu xoá bỏ bất công, những thông tin thế giới và nhận thức dân chủ loan truyền về trong nước có nên bị kết án là những hành động , phương tiện nhằm lật đổ nhà cầm quyền CS không? Cứ cho đó là những “diễn biến hoà bình của các thế lực phản động nước ngoài nhằm lật đổ nhà nước CHXHCNVN” cần phải loại bỏ, cần đi đến kịch bản hoà hợp hoà giải, thì hãy nhìn thẳng vào thực tế.Người dân vừa qua đã phải đi bầu Quốc Hội, những đại diện của dân với sự đắc cử thường trên 90% số phiếu, nhưng khi họ đến văn phòng để kêu oan kéo dài cả tháng , không có được một đại biểu ra tiếp thì giải pháp hoà hợp hoà giải sẽ được thưc hiện với ai, ở đâu và ra sao? Chưa có được cái tự do ngôn luận tối thiểu, tai bị che, mắt bi bưng, miệng bị bịt, tay bị còng, chân bị xiềng, bụng bi bỏ đói, đít không cho ỉa thì đối thoại, hoà hợp hoà giải chỉ là chuyện mộng du.
6/- Sự tranh chấp trong các phe phái nội bộ CSVN kể như đã chấm dứt.
Không ai thực sự biết rõ tình trạng phe phái nội bộ CSVN thực hư ra sao. Từ những lối phân chia thủ cựu/cấp tiến, phe Bắc/ phe Nam hoặc phe thân Trung Quốc/ phe thân Mỹ…Tất cả chỉ là sự suy đoán. Sự suy đoán này cũng không có mấy chính xác khi thực tế xảy ra cứ chồng chéo lên nhau ngược với những suy đoán. Việc ông cựu TBT Lê Khả Phiêu được cho là do phe cánh Đỗ Mười/Lê Đức Anh bảo thủ đưa lên, rồi cũng chính 2 ông này hạ ông Phiêu xuống là một ví dụ. Việc Nguyễn Tấn Dũng được coi là thành phần phe đổi mới nhưng khi làm thủ tướng , dù đang làm ra vẻ cải cách hành chính, trẻ trung hoá chính quyền theo lối dân chủ Tây Phương, vẫn cứ phải qua bái kiến, nhận sự chỉ đạo của Bắc Kinh là một thí dụ khác. Một điều chắc chắn là dù có nhiều tranh chấp phe phái, dù có phải tiêu diệt tàn sát lẫn nhau, bọn cầm quyền CSVN củng đồng tình và hợp lực với nhau ở một điểm là nhất quyết không để cho bất cứ ai đụng chạm đến quyền lãnh đạo độc tài đảng trị của họ, kể cả đó là những đảng viên CS trung kiên cao cấp nhất của họ. Vì vậy, việc CSVN đoàn kết hay chia rẽ, sự tranh chấp phe phài vẫn còn hay đã chấm dứt không phải là chỗ dựa chính cho công cuộc đấu tranh dân chủ cũa nhân dân VN. Có điều đó thì càng tốt , phong trào đấu tranh có thêm một chút lợi thế khai thác. Không có điều đó thì con đường đấu tranh cho dân chủ vẫn cứ phải đi. Riêng về nhận định” tình trạng ổn vững nội bộ của đảng CSVN chưa chắc là điều xấu cho tiến trình dân chủ, nó có thể là tốt” của ông NGK, thì quá sức hiểu biết của tôi, xin miễn bàn.
7/- Khẩn cấp từ bỏ ngôn ngữ giả dối quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ.
Trước hết, hoàn toàn phản đối cách dung từ “ngôn ngữ giả dối “ trong câu viết đó. Lý do: cho dù xét lại này của ông Kiểng có đúng chăng nữa, thì cái chủ trương quốc nội là lực lượng chủ lực, hải ngoại là thành phần yểm trợ cùng lắm là sai lầm, ông NGK phát biểu đó là ngôn ngữ giả dối , có nghĩa ông buộc tội chúng tôi, những người có quan niệm đó lừa gạt quần chúng trong nước. Đây là một lời kết tội nặng nề không thể bỏ qua ,bởi vì khi chúng ta tranh đấu cho lẽ phải, công bình và sự thật thì không thể giả dối. Không ai phán xét một sai lầm vế phương cách hành động của môt đồng minh cùng chí hướng với mình bằng lời tuyên án mạnh bạo có tính cách thoá mạ như thế. Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng khi có nhận định xét lại này, ông NGK đã đứng trên quan điểm của (những?) người, tổ chức có ước vọng lãnh đạo chính trị, ông dựa vào những diễn biến lịch sử thế gìới của những năm trước thời chiến tranh lạnh và ông quên đi phần lịch sử của những năm hậu hiện đại, nhất là trong vài năm vừa qua với những cuôc cách mạng Cam, Hoa Hồng, Hoa Cẩm Chướng.
Điểm khác biệt quan trọng là chúng tôi đặt chủ trương theo quan niệm quần chúng đa số( 80 triệu trong nước + 3 triệu ở hải ngoại). Với chủ trương này thì bất cứ phong trào, hay cuộc cách mạng nào nếu muốn thành công phải phát xuất từ trong nước và thành phần trong nước phải là chủ lực, hải ngoại có làm gì cũng chỉ là thành phần hỗ trợ. Tổ Chức Hải ngoại muốn lãnh đạo phong trào, công khai hay bí mật, hãy cử nhân sự trở về trong nước trực tiếp chỉ huy, không thể hô hào từ xa. Như trên đã nói, đây là một chủ trương, có thể đúng đắn hay sai lầm, không nên đặt vấn đề chân thật hay giả dối. Cũng cần nói thêm, vì chỉ là quan niệm của quần chúng nên chỉ có thể là tiếng nói của lương tâm, chưa có thể có giải pháp cho đất nước. Những giải pháp, những chiến lược cho đất nườc để dành cho những thành phần lãnh đạo. Còn sự đấu tranh cho dân chủ VN là sự đấu tranh chung, dành cho tất cả mọi người có tấm lòng với đất nước. Không nên vì sự khác biệt trong hình thức đấu tranh mà lên tiếng khinh bỉ những hình thức đấu tranh bộc phát này là “một cuộc lên đồng, một sự gây ảo tưởng mạnh,” và lên án một chế độ là: “tuy không bạo ngược như chế độ cộng sản nhưng cũng không phải là một chế độ tốt(xấu chỗ nào không thấy nói tới, ít nhất nó không bạo ngược đã là một điều quá tốt),một chế độ không có ý chí(?
Không hiểu ý ông) và chưa bao giờ có một nhân sự chính trị đúng nghĩa (như thế nào là một nhân sự chính trị đúng nghĩa? một nhân vật làm thí dụ điển hình?).
Xin chấm dứt luận bàn về một chế độ đã qua ở đây, vì ông NGK cũng như tôi, có lẽ tuổi đời, kinh nghiệm và những dữ kiện trong thực tế và trong nghiên cứu chưa đầy đủ cho sự phê phán của chúng ta.

8/- Khối người thoát ra được nước ngoài là một khối người rã hàng, đầy cắm thù và tuyệt vọng, đấu tranh chỉ cốt để biểu lộ và trút bớt hận thù.
Một nhận định xét lại mang tính mạ lỵ hàng triệu người khắp nơi trên thế giới không cơ sở, không bằng chứng và giống hết luận điệu của nhà cầm quyền CSVN nói về khối người Việt nước ngoài. Trước tiên, thống kê nào cho ông thấy khối người Việt hải ngoại là một khối người rã hàng, đầy căm thù và tuyệt vọng?
Người Việt hải ngoại là một tập hợp rất nhiều thành phần: có những người có mặt từ trước những ngày cuối tháng Tư - Bẩy Lăm, một số lớn đã di tản trong những ngày ấy, số lớn khác , bao gồm cả những người từ miền Bắc không thuộc chế độ cũ) ra đi bằng vượt biển, một số , đa số từ miền Bắc, chọn ở lại sau sự kiện Đông Âu, một số sau này định cư qua các chương trình xuất khẩu lao động. Nói chung là đủ mọi thành phần trong cái khối người thoát ra nước ngoài. Như vậy đây là một nhận định sai lầm. Họ có căm thù và tuyệt vọng không? Con người chỉ tuyệt vọng khi đi đến chỗ cùng đường. Thực tế hiện nay, đại đa số người Việt tại hải ngoại dù ở đâu trên thế giới đều có một đời sống tương đối tự do, sung túc và hạnh phúc đầy đủ hơn đa số người Việt trong nước, sư thật này là hiển nhiên ai cũng công nhận, vậy làm sao họ có tình trạng tuyệt vọng?
Còn căm thù. Nếu nói căm thù Cộng Sản vì bại trận thì chỉ là một số nhỏ. Tuy vậy, họ cũng có lý do để căm thù, khi mà cửa nát nhà tan, tài sản bị cướp bóc, gia đình ly tán hay đã tan hoang, cuộc sống không còn ý nghĩa. Ai có thể thấu hiểu nỗi mất mát đớn đau của họ, trong khi những kẻ tàn nhẫn gây nên đau khổ ấy vẫn nhhơn nhơn sống trên những thứ mà chúng cướp đoạt được, lại luôn miệng thoá mạ họ là những kẻ phản bột tổ quốc, loài cặn bã của xã hội.

Dù sao, thời gian cũng đã xóa bớt nỗi đau, họ chỉ là một số. Đa số không căm thù vị bại trận. Họ chưa một lần bại trận. Nếu có sự căm thù, đó là căm thù sự phi nhân tàn bạo, sự gỉa trá lừa bịp, sự độc tài toàn trị của đảng CSVN lên đất nước VN hiện tại chứ không vì một chế độ cũ. Các công cuộc đấu tranh mà họ tham gia hoàn toàn có tính cách tự nguyện, vì lòng thiết tha với đất nước, vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào chứ không phải để biểu lộ hận thù, trút bớt hận thù.
Đôi khi trong một thời điểm nhất định, dưới khí thế của những cuộc xuống đường biểu tình, một vài lời quá khích của một vài cá nhân không kiềm chế được không phải là quan điểm của đám đông, cũng không biểu lộ hoàn toàn cái tâm của những cá nhân trong nhất thời ấy.
Nói chung, khối người Việt hải ngoại, như ông nhận định, có một đời sống ổn định, có đầu đủ tự do, dân chủ và nhân quyền. Không ai bắt buộc họ phải đấu tranh. Họ tự nguyện đấu tranh không cho họ mà cho nhân dân trong nước. Vì thế khi cho rằng họ đấu tranh chỉ cốt để biểu lộ hận thù đã không những phủ nhận giá trị lòng yêu nước thương đồng bào của họ mà còn gán ghép thoá mạ sự tham gia đấu tranh của họ vào một hành vi có mục đích đê tiện nhỏ nhen.

Tôi biết ông NGK là người có tấm lòng với đất nước, và việc ông phê phán nhằm mục đích xét lại các phương thức đấu tranh có vẻ như bế tắc hiện nay để cải thiện và hướng dẫn công cuộc đấu tranh đến một hướng đi mới, thúc đẩy tập hợp đoàn kết quần chúng, kiện toàn tổ chức để có thể thúc đẩy một giải pháp khả thi cho đất nước hơn.
Tôi cũng biết, qua các bài viết, ông NGK có nhiều tham vọng, và tham vọng lãnh đạo chính trị là một trong những ước mơ lớn của ông. Thế nhưng , để là một nhà lãnh đạo chính trị có tầm vóc, chưa nói đến tài ba lỗi lạc., dù trong tinh thần phê phán hay tự phê, dù những lời phê phán đúng sai, có cần những lời lẽ quá mạnh đến gần như thoá mạ đó hay không? Nhất là những lời lẽ được đưa ra công khai trên báo, mạng cho một cuộc tranh luận. Một lời chỉ trích quá nặng cho một tập thể quá lớn, trong khi ý của ông chỉ muốn đặt vấn đề xét lại cho một số nhân vật, tổ chức mà ông nghĩ là thành phần lãnh đạo, chịu trách nhiệm cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam. Quần chúng sẽ nghĩ gì khi nghe một nhà lãnh đạo có những lời hiệu triệu với những lời lẽ trong bài “Thời điểm của môt xét lại bắt buộc" của ông.
Ngay cả những nhóm người “ làm nhiệm vụ lãnh đạo” cũng đả phải góp ý “nhăn mặt” trong nhiều bài nhận định gần đây cả trong và ngoài nước.
Làm lãnh đạo không chỉ có tài, mà phải có đức. Một trong các đức ấy là lên tiếng phê phán sao để người bị phê phán cảm nhận được cái sai lầm của họ, nhưng ho vẫn thấy được cái dụng tâm sửa chữa và khuyến khích họ làm tốt hơn, đồng thời họ vẫn mến phục, chứ không phải để họ cảm thấy bị lăng nhục thoá mạ đến oán ghét và đi đến chống đối. Chưa kể, người lãnh đạo phải hiểu mình cũng sai lầm, biết nhận thức và sửa chữa những sai lầm đó.
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi sẽ ủng hộ ông NGK và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hết mình, khi ông và tổ chức THDCĐN có một giải pháp khả dĩ thúc đẩy mau chóng các quyền tự do căn bản nhất cho nhân dân VN. Bước đầu, chỉ cần nhắm đến mục tiêu ba Tự Do căn bản thôi, thưa ông: Tự do sinh sống,tự do ngôn luận, tự do tôn giáo.
Phương Duy Australia.
10 Aug 2007
Các bài liên quan:
_ Thời điểm của một xét lại bắt buộc, Nguyễn Gia Kiểng
- Qua bài'thời điểm của một xét lại bắt buộc của NGK,Nguyễn Văn Hiệp
- Vài lời với ông Giang, ông Kiểng,Hoàng Tiến

No comments: