Truyện ngắn: Có một mùa xuân đang tới

Có một mùa xuân đang tới.

MỘT : Huyền thoại một hải đảo

Đầu năm 73, Danh có lệnh thuyên chuyển. Đơn vị mới là một đảo nhỏ xíu nằm ở tận cùng đất nước: Poulo Obi, địa danh là một chấm nhỏ trên hải đồ mà tên tục của nó là Hòn Khoai. Trước khi đến, Danh đã có được một tuần nghỉ phép về thăm nhà, rồi về An Thới, Phú Quốc trình diện bộ tư lệnh vùng bốn , ăn nhờ ở đậu bạn bè ở đó mấy ngày nằm đợi phương tiện di chuyển . Cuối cùng, con tàu chở Danh đến đảo lại là chính con tàu mình vừa rời bỏ. Cũng vui khi bạn bè cũ lại có dịp chúc thượng lộ bình an lần nữa. Ra đón anh vào bờ là một trong những chiến thuyền của đơn vị mới, trông giống như một chiếc ghe cá có mũi cao như cần cổ của loài ngỗng trắng, nên thường được gọi là những con thiên nga. Đứng trên bãi là Kim, một thằng bạn cùng khoá trong quân trường. Thằng Kim này theo ngành cơ khí, trong khi Danh học ngành chỉ huy lái tàu. Hồi đó cứ dài mỏ chê tụi nó cơ khí tối nước, còn mình chỉ huy mới ngon lành, hoá ra có tiếng mà không có miếng. Trong khi nó nhàn hạ làm việc trên bờ, trong văn phòng, da dẻ trắng trẻo, mặt mũi tươi tắn còn hơn gái thành thị thì gương mặt Danh đen kỉn, xám xịt vì gió biển và nắng nóng. Đấy! để xem ai tối nước hơn ai. Nói vậy, có thằng bạn cùng khoá là khỏi bỡ ngỡ, đỡ lo chuyện ma cũ bắt nạt ma mới .
- Hê Danh! khoẻ không mày? Còn nhớ tao ?
- A!Kim phải không? mày ở đây lâu mau rồi?
Kim cười, tới xách phụ một cái sắc cho Danh:
- Thì từ hồi ra trường tới giờ, đi hạm đội 7 mấy tháng rồi về đây. Mừng có mày đến nhập đảo, chuẩn bị những ngày tháng lưu đày.
- Mày nói chi lạ? Cái gì mà lưu đày?
Kim cười bí hiểm : - Từ từ rồi mày thấy.
Rồi nó lên giọng ngâm nga: Quanh năm mì gói cùng tương chao./ Ngủ với chị năm cũng đỡ hao./ Ghiền khói ra sân tàn thuốc lượm./ An côn thay rượu chẳng bớt sầu. Đó, tứ khoái ở Obi là như vậy, mày thấy đã chưa?
. Kim chỉ tay về những dãy nhà:
- Căn cứ này có đến 2 doanh trại. Đây là doanh trại chính, gọi là Bờ Bắc, do người Mỹ mới xây dựng tặng cho đơn vị vài năm nay. Trước đây, chỉ có một doanh trại cũ phía bên kia núi gọi là Bờ Nam. Bên ấy gìờ chỉ còn mỗi phòng vô tuyến truyền tin, vì bên bờ Bắc này bị núi cản rất khó liên lạc truyền tin với nội địa. còn tất cả nhà cửa biến thành khu gia binh cho những binh sĩ có đưa gia đình đến sống chung.
Hòn đảo này nằm giữa sự giao lưu của 2 luồng gió, một từ biển Đông thuộc Thái Bình Dương, một vịnh Hà Tiên ảnh hưởng Ấn độ Dương, nên khi gió mùa Đông Bắc thổi thì bên này biển động, mùa Tây Nam thì bên bờ kia dậy sóng. Chiến thuyền của đơn vị , cứ theo mùa mà về bến núp sóng bờ này hay bờ kia. Trước đây, mọi sinh hoạt của đơn vị trên bờ đều ở cả phía bên kia.. Khi sóng dậy bên đó, thuyền bè phải qua nằm hết bên này. Điều bất tiện là sự liên lạc trên bờ dưói thuyền rất là khó khăn. Chính vì thế, người Mỹ xây cất doanh trại này lên tặng cho đơn vị làm căn cứ chính thức. Họ dùng xe ủi đào sâu vào vách núi để nới rộng thêm vùng thung lũng, rồi đổ đá ra biển làm thành một bức kè chắn sóng. Sau đó họ xây một bến cập phía trong cho thuyền cập và xây cất trên bãi một căn cứ gồm 4 dãy nhà dài xếp thành hình chữ U quanh một cột cờ nằm giữa sân trải đá vụn xoay mặt ra biển. Hai dãy nhà bên tay trái dùng cho sinh hoạt thường ngày của mọi quân nhân từ quan tới lính, nhà nguyện (cầu kinh, tụng niệm) và phòng giải trí. Dãy nhà trước mặt là các văn phòng làm việc. Dãy nhà bên tay phải gồm các nhà máy điện kho tiếp liệu, vũ khí đạn dược và câu lạc bộ. Ngay sát bãi biển là bồn chứa nhiên liệu cho thuyền bè.
Hai người đi lên căn cứ. Một bóng người nhỏ nhắn từ văn phòng tiến gần lại. Kim nói:
- Đây là ông phó (chỉ huy phó) Tấn. À quên nói với mày là ông trưởng (chỉ huy trưởng) đi phép chưa về. Lại trình diện ông phó đi.
Danh chưa kịp đưa tay lên chào thì phó Tấn đã đưa tay ra:
- Danh đó hả? Hai đứa cùng khoá phải không? Khỏi trình tấu gì hết. Tới cái hoang đảo này mà còn hình thức gì nữa! Cho đàn em thoải mái. - Tấn đùa - Chào ông cố nội đủ rồi.
- Ờ đúng - Kim xen vào - , chào ông cố nội đi con! (truyền thống dân tốt nghiệp Nha Trang, hai khoá liền nhau có lể bố con, một khoá sinh đàn anh nhận một đàn em làm con đỡ đầu, Tấn trên Danh tới ba khoá , tức thuộc hàng ông cố nội).
- Thôi, lo kiếm chỗ cho nó ở , luôn tiện giới thiệu sơ cho nó biết về đơn vị. Tao bận chút việc .
Tấn bắt tay rồi trở về phòng trực. Còn lại hai người đi về khu phòng sĩ quan. Kim nói:
- Có mấy phòng trống , mày muốn chọn cái nào? Ở cạnh phòng tao thì đông vui nhưng ồn ào. Muốn tu thiền thì ra cái căn phòng xa xa kia mà ở.
Danh bước vào phòng của Kim., liếc nhìn chung quanh. Giữa vách ván viết lăng nhăng dăm câu thơ vài bài vè, một bàn thờ nhỏ xíu có tấm ảnh 4x6 bán thân của một sĩ quan trong lễ phục mầu trắng, bên dưới là hàng chữ : Tổ Quốc tri ân, hy sinh ngày (không có ngày tháng). Danh giật mình hỏi Kim:
- Anh chàng này mới đi “bán muối” hả? Sao không có ngày tháng năm nào hết trơn? Kim cười:
- Thằng Lập đó, đại niên trưởng trước bọn mình 2 khoá. Nó đang đi công tác ngoài biển chứ chết chóc gì! Buồn quá hết chuyện chơi nên bày trò trù ẻo nhau chơi. Tuị tao chơi trò dĩ độc trị độc Nhờ vậy mà thằng nào cũng mập mạnh có sứt mẻ gì đâu? Mày không nhớ là hiệp định Paris vừa ký xong sắp có hiệu lực? Chuẩn bị ngưng bắn. Hoà bình tới rồi mà chẳng thấy vui vẻ gì, còn mệt nữa.Khi không chúng nó vào ăn nằm chình ình ngay tại giữa Sài Gòn, còn ngang nhiên họp báo chí ngoại quốc tuyện truyền chửi bới mình nữa, vừa nhục vừa tức mà không làm gì chúng được. Tuị uỷ ban kiểm soát đình chiến mà không bảo vệ chúng kỹ thì ló ra mặt ra, dân Sài Gòn có lẽ đã đập chúng te tua.Lúc này ở đây phải thêm công tác đi cắm cờ cắm quạt liên miên. Mình được lệnh đi bảo vệ cắm cờ trên các hải đảo, kể cả những đảo hoang. Ít hôm nữa nó về là tới phiên đứa khác ra thay thế, có lẽ mày không chừng. Chỉ có tao làm tiếp liệu trên bờ là khoẻ. Thắng Lập hiền khô, chọc cho nó chửi mà nó nhất định không tức mới lạ. Cũng tội nghiệp nó, đi lính xông pha trước lằn tên mũi đạn thì chẳng hề hấn gì. Có con bồ ở thành phố yên lành lại lăn đùng ra vì ăn đạn pháo kích của tụi nó. Bây giờ chàng bơ vơ lắm nên muốn ngồi thiền. Phải làm gì đó cho nó quên niềm đau.
Danh mang đồ ra dọn dẹp căn phòng bên cạnh. Kim nấu nước pha cà phê, 2 đứa ngồi nói chuyện tầm phào:
- Uống đỡ cái này, nước gạo rang chứ cà phê gì! Mua của lão Thảnh lấy từ Rạch Giá về . Lão Thảnh là chủ câu lạc bộ ở đây. Nói câu lạc bộ cho sang thực ra nó là cái quán tạp hoá chạp phô bán hầm bà lằng. Đợi nay mai, chuyến ghe chợ về, thằng Quang mới mang cà phê ngoại thơm ngon từ SàiGòn mang xuống.
- Ở đây đi chợ tận Rạch Giá? Danh hỏi.
- Đúng vậy!- Kim nói - một công hai ba chuyện. Trước hết, mình trực thuộc vùng 4 Duyên Hải, chịu trách nhiệm an ninh chống lính Cộng Sản miền Bắc xâm nhập cùng nguồn tiếp tế lương thực, vũ khí của chúng . Đơn vị mình chịu trách nhiệm ngoài biển từ cửa sông Gành Hàơ, qua mũi Cà Mau lên tận cửa sông Ông Đốc. Vùng này vừa biển động, sóng gió nhiều khó đi, vừa là mật khu của tụi nó rất nguy hiểm. Đường đi về thị xã Rạch Giá an toàn hơn, đặc biệt cho nhân viên mình đi và về phép, thực phẩm ở đây cũng tương đối rẻ hơn vùng Cà Mau chó ăn đá gà ăn muối này. Tiện lợi nhất là nằm ngay cạnh trung tâm yểm trợ Rạch Sỏi, nơi sửa chữa , bảo trì cho ghe thuyền cùng nhận đồ tiếp liệu, nhu yếu phẩm cho đơn vị. Một chuyến ghe chợ trung bình đi về mất khoảng tuần lễ. Đôi khi lâu hơn vì trở ngại thời tiết hoặc sự bảo trì sửa chữa ghe thuyền cần thêm thời gian. Những lúc đó ở đây đói dài người. Mới thấm thía câu: mong như mong mẹ về chợ. Chuyến ghe này cũng sắp về trong nay mai. Gần tết rồi phải lo về sớm để chuẩn bị đón xuân chứ. Hôm nào ghe về tới cũng như ngày hội vậy.
Bữa cơm trưa trong phòng ăn của sĩ quan , trên chiếc bàn dài chỉ có 4 người: Tấn, Kim, Thành và Danh. Những vị khác đang công tác ngoài vùng hay còn nghỉ phép. Trên bàn, chỏng chơ một thau cơm, một tô đựng chao dầm ớt và một dĩa rau cải trời, một thứ rau mọc hoang, có lá giống như lá cải, nhưng trên mặt có lớp lông mịn, ăn hơi nhám cổ và không mùi vị. Tấn nói với Danh:
- Sống ở đây, những ngày chờ ghe chợ về ăn uống cực khổ vậy đó. Mới đầu cũng khó chịu, nhưng riết rồi quen. Được cái sống an bình. Sống nhiều chứ ăn thì bao nhiêu.
Kim xen vào:
- Giờ đã thấm câu vè tao đọc hồi sớm chưa? Chờ đó, còn thiếu nhiều thứ nữa, chưa hết đâu.
- Thôi, qua chuyện khác đi - Tấn nói - cứ chuyện ăn uống hoài nuốt không vô. Mày có biết tại sao trong huy hiệu của đơn vị có cái tên Hải Đảo Giáng Tiên không?
Danh lắc đầu. Tấn kể:
- Đây là một đảo có khí hậu trong lành, cây cối tươi mát, khác hẳn với đất liền chỉ cách vài dăm đường toàn vùng nước mặn đồng chua và đầy muỗi mòng đỉa vắt. Rừng núi trên đảo này hiền hoà và có dáng dấp của một cánh rừng thưa trong vùng ôn đới Âu Châu hơn là rừng rậm nhiệt đới. Rừng xào xạc lá khô rơi, bước đi nghe lạo xạo , không có cái cảm giác ẩm ướt nồng nặc mùi nát mục của lá. Ăn uống cực khổ thật, nhưng ở thì sướng tiên. Trong khi miệt Cà Mau này nổi tiếng với nhiều muỗi đến có thể bốc được thì trên đảo này ngủ không cần mùng màn, mùa hè không có một con, mùa mưa thì thỉnh thoảng mới nghe một hai tiếng vo ve. Dòng nước suối ở đây mới tuyệt, vì thế có tên là Suối Tiên. Mọi người trên đảo đều dùng nước suối để ăn uống tắm rửa , không cần đun sôi tẩy trùng mà hằng bao nhiêu năm chẳng ai đau ốm bịnh hoạn gì. Theo truyền thuyết xưa được kể lại, khi chưa có dấu chân người, các tiên nữ trên trời, những lúc rảnh rỗi thường xuống chơi đùa tắm giặt trên dòng suối này nên đã để lại hương thơm và sự dịu mát cho nguồn nước, hay vì dòng nước quá thơm mát đến cả tiên nữ cũng mê mẩn..Kể ra thì cái nào cũng có lý. Sau này, khi có tàu đánh cá khám phá ra nguồn nước ngọt thần tiên này , rồi loan báo cho nhiều người khác đến lấy, làm mất sự bình lặng và thoát tục của đảo. bầy tiên nữ bỏ suối không trở lại nữa, trước khi đi còn cảnh cáo : sẽ có một ngày đảo gặp một tai hoạ. Đơn vị chúng ta lấy tên Hải Đảo Giáng Tiên có lẽ theo truyền thuyết đó. Sau này, ghe thuyền đánh cá đến lấy nước thường hay có sự tranh giành ẩu đả nên thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chính quyền gửi một toán lính bảo an ra trấn giữ an ninh trật tự. Toán lính này thiếu trách nhiệm, bê bối chểnh mảng việc canh gát, nên có một ngày, một bọn đặc công viêt cộng giả dạng dân chài, trà trộn vào đám ghe thuyền ghé vào đảo lấy nước rồi trốn ở lại trên núi, một vài tên gài bán cho lính rượu có trộn thuốc mê. Đêm về chúng tấn công ,đám lính say sưa không canh phòng bố trí , bị chúng dùng giết sạch toàn thể tiểu đội trên dưới mười người. Chính quyền được cấp báo đến tiếp cứu thì quá trễ. Sau khi tiêu diệt bọn đặc công 4, 5 tên chiếm lại đảo, sự canh phòng được giao lại cho lực lượng hải thuyền, sau này sát nhấp vào quân chủng Hải Quân thành đơn vị duyên đoàn chúng ta ngày nay. Cái eo núi, một trong hai nơi xảy ra cuộc thảm sát ấy bây giờ có cái tên là Ngã Ba Đầu Sọ.
- Ghê quá ! Ờ mà sao lại có ngã ba trên đảo? – Danh hỏi. Kim thay Tấn trả lời:
- Cạnh bãi chứa dầu có một con đường tráng nhựa rộng hơn ba thước cho xe chạy lên trên đỉnh núi. Mày thấy đó, đảo này có 2 đơn vị trú đóng: Duyên Đoàn mình đóng đô ở dưới chân, trên đỉnh núi một đơn vị khác là Đài Kiểm Báo (ĐKB)với radar là con mắt thần của mình, nó có nhiệm vụ quan sát toàn vùng biển trách nhiệm,dò tìm, theo dõi và báo cáo các hành động ghe thuyền có tính khả nghi đang xâm nhập hoặc hoạt động cho Cộng Sản. Chúng ta có nhiệm vụ tuần tra ngoài biển. Con đường được làm cho xe chạy, nhưng ít xử dụng vì hai chiếc xe thường hư hỏng , không có đồ thay thế sửa chữa. Đó là con đường chính. Con đường khác là một lối mòn ngay phía sau doanh trại này. Đây là lối tắt leo núi để đi qua khu gia binh phía bờ Nam. Đi lối này phải leo trèo qua những mỏm đá, nhưng được cái mát mẻ và đoạn đường ngắn hơn con đường chính . Hai con đường gặp nhau ngay trên đỉnh dốc của lối mòn qua bờ kia nên đươc gọi là ngã ba, đúng ra phải gọi ngã tư mới phải. Chiều mát, tao sẽ đưa mày qua đó, đến thăm “gia cư cho biết sự tình”. Có một lều bán quán, cà phê chả ra gì, ít ra bên đó còn nghe tiếng đàn bà. Bên này toàn đực rựa.
Bữa ăn trưa qua đi lặng lẽ. Cũng may, cái tủ lạnh cũ còn tốt, ít nhất, mỗi người cũng được ly đá lạnh tráng miệng. Kim quay qua hỏi Tấn:
- Này ông phó, chiều nay mình qua bãi Nam thăm gia đình binh sĩ? Tết nhất đến nơi rồi, cũng nên đi uỷ lạo chúc tết họ chứ?
- Thôi, mày đi được rồi, đưa thằng Danh qua cho nó biết. Tao đang bận. Cái chương trình tổ chức ăn Tết cho đơn vị chưa xong mà đã gần đến ngày rồi. Để tao làm cho xong đêm nay, ngày mai có lẽ ghe chợ và ông Phùng về tới. mình bắt đầu là vừa.
- Thôi được để tớ đi. À, để gọi báo cho Hùng biết.
Kim nói với Danh:
- Hùng là sĩ quan trưởng ngành truyền tin mật mã. Nó phải ở làm việc bên bãi Nam vì đài truyền tin nằm bên đó. Hắn chỉ qua đây chào cờ vào mỗi sáng thứ Hai và vào những ngày có họp . Vì thế Hùng kiêm chức trưởng khu gia binh luôn .Hắn nhậu chì lắm. Điện thoại cho nó trước không chừng có chút lai rai .
Buổi chiều, khi hết giờ làm việc, nắng đã dịu, hai đứa cầm gậy leo núi lên đường qua bãi Nam. Tới ngã ba Đầu Sọ là bằt đầu xuống dốc. Kim chỉ vào dãy nhà bỏ hoang còn tốt nguyên và nói:
- Đây là nơi xảy ra thảm kịch năm nào. Nghe kể ai cũng ghê. Bởi vậy, đám thầu Mỹ cố công cất thêm một dãy nhà thật khang trang mà không đứa nào chịu ở. Có đứa đêm hôm đi từ trên đỉnh núi xuống, về kể lại. Khi đi ngang qua đây , thấy có bóng không đầu, trên tay còn bê cái đầu lâu nên sợ quá ù té chạy. Chuyện thật giả không biết, nhưng nhà cất xong cứ bỏ hoang từ ấy tới nay.
Lối mòn đi xuống bãi khá dốc, nhiều khi phải bám vào hai bên vách đá mà trèo. Con suối Tiên róch rách chảy qua lớn hơn bên bãi Bắc nhiều và nằm ngay giữa trại, có một sân chơi khá rộng có hai sân bóng chuyền được bao quanh bởi những dãy nhà lợp mái tôn vách ván. Một cầu gỗ một nhịp nhỏ nhưng chắc chắn bắc ngang dòng suối, nối kết hai bên bờ thành một doanh trại. Hùng ở ngay căn phòng truyền tin tại dãy nhà nằm kế bờ đá được dùng làm bến. Hắn đưa hai người đi thăm viếng chúc Tết một số gia đình ở phía trong. Hắn bảo lúc này kiếm ra được giọt rượu còn khó hơn lên trời, thôi đi uống cà phê vậy.
Ba người kéo nhau ra cái quán duy nhất có cái tên rất lạ là Ò E hay Tò Te gì đó. Hùng giải thích: chúng nó sống ở đây thì giờ thì nhiều , chẳng biết làm gì ngoài cái chuyện tò te ấy, cái tên quán cũng phải lạ đời để quảng cáo, hấp dẫn đám trai tơ chưa vợ bên bãi Bắc mò qua. Thằng Hưng, trung sĩ, làm chủ quán , vừa là nhân viên ban tâm lý chiến, vừa là hiệu trưởng ,hiệu phó , kiêm thầy giáo duy nhất cho đám con nít học ba lớp trường làng, lại vừa nuôi heo.Giờ hành chánh, Hưng đi dạy học. . Đám trẻ chừng hơn hai chục đủ cỡ đứa gom lại trong một gian nhà, anh ta bao dạy trọn gói. Hết giờ làm việc thì lo chăm sóc nuôi heo cho đon vị ăn Tết, khỏi trực gác. Tiện thể,anh làm hai chuồng, một cho tập thể, cái kia nuôi heo riêng cho gia đình.
Kim xen vào:
- Thằng Hưng cứ qua tao đòi chi phí cho việc chăn nuôi, mà nó nuôi heo riêng và vợ nó mập như cái thùng phi, còn bản thân nó và đàn heo chung thì ốm như que tăm, chẳng hiểu tại sao? Thời ông Lực, chỉ huy trưởng cũ còn ở đây, cha này thuộc loại sĩ quan lực lượng giáo phái cải cách qua nên hành xử cũng rất không giống ai. Mỗi khi lính dưới quyền phạm lỗi, lão có những lối phạt kiểu giang hồ rất tức cười. Một lần Hưng làm gì đó sai trái, lão bắt nó phải cõng vợ chạy mấy vòng sân cờ. Tôị nghiệp thân nó ốm yếu đâu chịu nổi sức nặng cả tạ của mụ vợ. Mới được vài bước đã lăn ra đi không nổi. Năn nỉ lão không tha. Cuối cùng lão bằng lòng cho chị vợ được làm thay, cõng chồng đi cho hết vòng. Cả đơn vị thỉnh thoảng lại được dịp ôm bụng cười.
Cà phê như nước gạo rang, nhưng cũng có nhạc sập sình từ cái máy cát – sét cũ rich,. câu được ít khách chắc cũng nhờ con bé Hương, con gái đầu lòng của Hưng. Nó là đứa con gái lớn nhất trong đám trẻ, đã học hết chữ của bố không còn lớp theo nên ở nhà phụ mẹ bán quán. Năm nay nó đã mười ba , mười bốn, ngực mông bắt đầu nẩy nở, không đẹp lắm, cũng vẫn là bông hoa dại độc nhất của rừng. Mấy cu cậu trai tơ bên bãi Bắc vẫn cứ mò sang, chẳng làm gì được, nhưng cũng ngồi rửa mắt và…nuốt nước miếng.
Trời chạng vạng tối. Kim hối thúc ra về:
- Thôi về, chút xíu nữa tối mịt, leo dốc nguy hiểm .
Khi quay ngược trở lại tới ngã ba Đầu Sọ, trời đã lấp lánh ánh sao.Kim hỏi Danh có thấy sợ không? Danh nghĩ: một mình thì không biết, có hai người đi chung thì không có cảm giác gì. Nhìn lên trên đỉnh núi, ngọn hải đăng đã bắt đầu quay, ánh sáng chiếu tứ phía. Kim vội nói:
- À, còn một chuyện khá lý thú về hải đảo này nữa mày cần biết. Mà chuyện này có thật chứ không phải huyền thoại đâu. Đó là câu chuyện về viên chúa đảo.
Danh ngạc nhiên:
- Chúa đảo nào? Mày không muốn nói đến ông Phùng, ông xếp của mình, người có cấp bậc cao nhất trên đảo hiện nay chứ?
- Không phải ông Phù ng. Thế mới ly kỳ. Đừng nôn nóng. Mai mốt sẽ biết.
Hai người lững thững xuống đồi. Đêm hải đảo tĩnh mịch và bình yên quá. Chỉ nghe tiếng gió lao xao lá rừng. tiếng sóng vỗ chập chùng. Hiệp định Paris về ngưng bắn chuẩn bị có hiệu lực. Mong sao cho cả một giải non sông có được sự an bình giống như khung trời tí teo này. Danh chợt nghĩ: một hòn đảo chỉ có bầy tiên xuống vui chơi tạm thời ,vẫn có được sự an lành, còn đất nước có niềm tự hào của giòng giống tiên rồng, dân tộc lại chưa có được một ngày an vui thái bình?


HAI : Cô độc trên hoang đảo.


Già Bông là một người khá độc đáo. Ở vào lứa tuổi trên bốn mươi, ông là người cao tuổi nhất trên đảo. Không kể đến đám vợ con lính ở trại gia binh, ông là người duy nhất trên đảo không phải là lính, dù lúc nào cũng mặc bộ tray di trên người . Thực ra, ông chính là một công chức trực thuộc một bộ (hay phòng) có trách nhiệm quản lý điều hành ngọn hải đăng trên đỉnh núi.Già Bông còn là người ở trên đảo lâu năm nhất. Có mặt từ những ngày xa xưa với tiểu đội lính bảo an, già Bông may mắn sống sót sau cái ngày bi thảm sát hôm ấy. Ông thoát, vì lúc đó ông đang ở trên đỉnh núi chăm sóc sửa chữa ngọn đèn bi hư. Phần khác, thuở ấy ông chưa biết say sỉn, nên đã không có mặt trong cái bữa nhậu kinh hoàng đó. Mấy tên đặc công Việt Cộng thì có thể không biết hoặc quên sự có mặt của một công chức trên đảo, hoặc là biết, nhưng không đủ người và chưa có thì giờ leo lên tận đỉnh để “hỏi thăm sức khoẻ” anh công chức dân sự độc nhất . Sau này ông kể lại: đêm đó, nghe nhiều tiếng súng nổ dưới chân núi, ông thấy rất lạ , vì trên đảo xưa nay vẫn bình yên, ít khi nào nghe tiếng súng về đêm , chỉ thi thoảng vài ba tiếng súng lẻ tẻ ,thường là vào ban ngày ,của chính ông hoặc một hai người lính đi săn trong rừng,. Do đó ông gọi điện xuống để hỏi tin tức, nhưng máy bị cắt. Biết có biến, ông vào phòng vơ vội bộ máy điện đàm và cây súng cạc bin được phát giữ phòng thân trốn vào rừng và liên lạc ngay về đất liền cầu cứu. Bộ chỉ huy tổng đài nhận được tin báo liền cấp tốc liên lạc với giới chức có thẩm quyền tại tỉnh đem quân đi tiếp cứu. Một trung đội lính được gửi tới đổ bộ lên đảo ngay trong đêm, bao vây phục sẵn xung quanh doanh trại và những nơi quan yếu. Cuộc tấn công bắt đầu khi trời vừa hừng sáng. Toán đặc công còn đang say máu chiến thắng, không ngờ cuộc phản công quá mau lẹ bất ngờ , hai tên bị hạ tại chỗ, mấy tên còn lại giơ tay đầu hàng. Trung đội tiếp cứu thu gom các nạn nhân gồm 8 lính bảo an và 2 tên đặc công CS bị giết đem vào bờ chôn cất, sau đó ở lại canh giữ đảo cho đến ngày có lệnh bàn giao nhiệm vụ cho lực lượng hải quân dồi dào hơn về phương tiện bảo vệ đảo. Già Bộng thì lại quay về ngọn hải đăng của ông. Dưới thân phận một công chức hạng quèn trong một tỉnh lẻ, cuộc đời của ông cùng một số bạn đồng sự thường bị chi phối ảnh hưởng với công việc. Đồng lương không cao lắm, tạm đủ ăn trong cái thời buổi khó khăn gạo châu củi quế, không sang trọng gì, cũng chẳng chết đói. Điều quan trọng hơn cả là cuộc sống gia đình tương đối ổn định, có đồng ra đồng vào. Cuối tháng, chẳng may có thiếu hụt chút đỉnh thì hàng xóm hay bạn bè cũng sẵn sàng cho vay mượn giật gấu vá vai, vì ai cũng biết hết tháng lại có tiền lương, nợ nần sẽ được thanh toán sòng phẳng đâu vào đấy. Ngặt một nỗi, không ai muốn phải đi làm việc ở một nơi xa gia đình, xa vợ con, nhất là nơi đó lại làm một chỗ khỉ ho cò gáy gần như hoang đảo, phương tiện đi về thật khó khăn. Nhóm đồng sự có tất cả 4 người. Lúc đầu, họ chia nhau luân phiên công tác, mỗi người sẽ ra phục vụ trên đảo 3 tháng. Sau đó vì thường có sự chậm trễ trong việc thay thế nhau, nhất là khi thời tiết xấu, biển động hay có bão, hoặc trong những dịp lễ tết, người đang thì hành công vụ trên đảo có khi phải ở lại đến 4,5 tháng, nên thường có sự bất hoà cãi cọ.
Thế rồi, trong một lần già Bông đang ở đảo và hết nhiệm kỳ, người đồng sự phải ra thay thế ông có người thân đau nặng đi nhà thương và cần săn sóc, anh này lên tiếng yêu cầu ông giúp đỡ bằng cách ở lại đảo thêm một kỳ hạn. Bù lại, anh ta đền ông một món tiền . Là một người tốt bụng, lại hay cả nể,già Bông nhận lời. Từ đó, những người còn lại chợt nảy ra ý nghĩ: mỗi người hàng tháng góp tiền lại trả cho già Bông, để ông ở lại làm việc luôn ngoài đẳo. Họ sẽ chỉ ra thay thế ông một năm một lần vào những ngày ông nghỉ phép thường niên.Già Bông suy đi tính lại, ở đây cô độc cũng đã quen , lại thêm có số tiền phụ trội, thêm tiền công tác xa nhà và trợ cấp đắt đỏ, gần như ông lãnh tới hai đầu lương, tha hồ cho” má nó” tiêu pha mua sắm. Thế là ông chấp nhận. Lúc đầu, vợ ông cũng ngại. Đồng tiền làm bà chiều ý, chịu ra đảo sống với ông một thời gian. Sau này, cô liêu , buồn tẻ quá, lại sắp sửa sinh đưá con đầu lòng, bà trờ về không ra nữa. Lâu lâu , bà chỉ theo chuyến ghe thuyền đến thăm ông chừng một, hai tuần. Lúc đầu ông cũng hơi buồn. Riết rồi quen.Nỗi buồn vơi đi, Ông về thành phố ký giấy tờ cho vơ con tháng tháng thay mặt lãnh lương luôn, ông sống hoà đồng với đám lính độc thân trên đảo. Ngày ngày không xuống bãi giăng câu thì cũng miệt mài săn bắn trong rừng. Ông miệt mài lặn lội đến từng hốc đá, từng bụi rậm trên đảo
Ông là người duy nhất nắm được mọi xó xỉnh của hoang đảo như khu vườn của riêng ông, nên bạn bè tặng ông danh hiệu viên chúa đảo. Đềm đêm, ông không quên nhiệm vụ điều hành ngọn hải đăng. Khi cảm thấy cô đơn, nhớ gia đình , nhớ vợ con, ông bắt đầu nhập vào đám lính tập tành tìm quên trong men rượu đắng. Già Bông có tài kiếm mồi. Không có con cá béo thì cũng vài anh kỳ đà,chú ruà biển (con vích),dăm ba xâu dơi quạ hay hàng chục loại mồi lạ lùng khác. Đám lính đi kiếm rượu. Ông đi kiếm mồi. Chiếu chiều rảnh rang, họ tụ tập nhau lại chuẩn bị cho bữa tiệc quên ngày tháng. Thiếu rượu thì tiệc chay, tiệc trà, một sinh hoạt không thể thiếu.Từ những ngày chỉ nhấp một chút men lên môi đả thấy mặt trời đỏ gay, ông trở thành đệ tử của Lưu Linh , men rượu không còn vật ngã được ông. Điều khó khăn bây giờ là làm sao có rượu …
Lập ngưng kể cho Danh nghe về viên chúa đảo để đi pha cà phê vì nước vừa sôi tới:
- Để tao pha ly cà phê uống cho tỉnh người cái coi. “ Giả” ( tiếng lóng thân mật gọi ông già của miền Nam) đánh hơi hay lắm. Nghe có hơi rượu là” giả” bay tới bây giờ.
x x x
Lập mới trở về từ vùng công tác sáng nay khi Thành ra thay thế. Vừa gặp mặt Danh, Lập chặn họng ngay:
- Dân” Tắc Kè con”(2) phải không mậy?
- Ưà! Mà sao chưa nghe giọng nói mà ông biết?
- Biết chứ sao không! Cọng rau muống lòi ra ngoài đít kìa! Không ở ngoải với “bác” mà chui vô đây để bị đầy lên hoang đảo này tội nghiệp vậy?
- Thội xạo hoài đi cha nội ! Nhà nó là loại “ địa chủ phản động”, ở ngoải chắc mất mẹ nó cái chỗ đội nón rồi. - Kim xen vào – Này! Có đồ gì mang về không? Tụi tao ở nhà đang đói khát đủ mọi thứ đây!

- Hổng có gì ráo trọi! Tụi bay ở nhà ráng bịt miệng lại tu đi. Đòi hỏi nhiều quá. - Lập nhìn lên tường thấy bàn thờ minh. - Á à! Tên nào dám tự động làm bàn thờ cho tao đây. Còn khuya mấy em ơi! Số anh hai còn thọ lắm. Dẹp trò giễu dở đó đi. Chân anh hai tụi bay còn lấm lem, chưa có chịu rửa thì làm sao leo lên bàn thờ ngồi được.
Nói rồi, Lập gỡ tấm hình của minh trên bàn thờ xuống, lôi trong túi ra nột gói thuốc Capstan trắng múốt, rút ra một điếu chân lửa, rít một hơi dài rồi thở khói thơm ngát. Kim kêu lên:
- Úi chà chà! Buồn ngủ gặp chiếu manh, đã thiệt! Tao đang cần” nhớ đào không có thuốc, khiến nàng cho leo cây”(3) đây!. Đi lượm “cào cào” (tàn thuốc) thì ể mặt bầu cua quá. Coi nào!
Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu.
Chừ Anh Phải Sống Tiền Anh Nợ.
- Dở! Nghe anh hai đây : Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát
Chờ Anh Phủi Sạch Tội Anh Ngông
- Chưa đạt bằng câu này: Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng
Còn Anh Phần Số Tuổi Anh Nghèo(1)
Nói vậy, nhưng Lập quăng gói thuốc lên mặt bàn, mở túi xách lấy ra một bình nhựa, giơ cao lên nói:
- Tao ghé quán nhỏ Lệ ở cửa Bảy Hạp gom được mấy lít “nước mắt quê hương”. Cái này để dụ ông già chúa đảo xuống núi đây. Để tao lên máy hú”giả” một tiếng.”Giả” thính mũi lắm. Không chừng ở trển ổng đã bắt thấy mùi rồi. Thằng Danh mới về đây cần biết, mai mốt đi công tác có ghé quán con Lệ mua bán ăn nhậu gì cũng phải coi chừng đó. Con nhỏ có khả năng làm trò mỹ nhân kế để lấy tin tức tình báo hay giao liên cho bọn Việt Cộng đó.
- Vậy sao? – Danh hỏi. – Mà con nhỏ ngon lành không?
- Cũng đại khái . Sắc đẹp bình thường không có gì nổi trội. Có điều là dân buôn bán duy nhất trong một vùng dân cư lam lũ, ở trong nhà nên trắng da dài tóc, quần áo có bảnh bao tha thướt hơn,trong khi đàn bà con gái trong vùng toàn ăn mặc áo vải quần thâm , da dẻ mốc thếch vì gió biển nước mặn, sự khác nhau có thế thôi. Trong cái xứ mù, thằng chột làm vua. Coi như nó là hoa khôi trong vùng . Nhưng coi chừng dính vào nó có ngày “tán gia bại sản” .
- Thôi ông ơi! Cứ làm như tôi là cái thằng thấy gái là mắt sáng lên vậy?
- Có mê không ai mà biết! Báo động trước để khỏi làm mất mặt Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, xuất thân từ trường NhaTrang thuỳ dương cát trắng truyền thống. Con Lệ chỉ để ngắm chơi cho vui. Cần giải quyết đã có bà Tư Ấn Độ.
- Sao lại có cả Ấn Độ Chà Và trong vụ này nữa?
- Ai biết! - Lập nói -. “Mẻ”(4) cao lớn, tuổi xồn xồn, nước da đen giòn như tụi Ấn thì gọi đại là bà Tư Ấn Độ. Không mỡ xài đỡ đèn cầy. Mẹ này thì miễn có tiền là OK hết . Trẻ già xấu đẹp gì mụ cũng tiếp. Khách “đi “ xong, một tay “mẻ” chìa ra nhận tiền, tay kia xoa đầu khách hỏi: “ Sướng không con? Mai mốt nhớ ghé thăm má nữa nghen.”
Lập nói một hồi rồi bỏ đi lên phòng hành quân. Kim kể tiếp:
- Tao không đi tuần tiểu, nhưng hàng tháng đi công tác tiếp vận cũng có ghé ngang, có biết mặt con nhỏ. Thực ra, quán của nó chỉ là một cái chòi cất trên mặt nước giô ra ngoài bờ biển , có được ba bốn cái bàn. Quán chỉ bán độc hai món hủ tiếu và mì tôm, thứ tôm nội của ghe cào mới kéo từ dưới biển lên. Hàng chủ yếu là các thứ giải khái bia rượu nước ngọt và cà phê. Con Lệ đâu biết nấu nướng gì. Chủ yếu õng ẹo với đám khách hàng toàn là lính chiến xa nhà tới ngắm nó rửa mắt thôi, cư dân trong vùng đâu có mấy ai vào quán nó.Người ta bảo quán đó nấu ăn rất dở.Họ nói ăn ở nhà còn ngon gấp bội Có điều nó dùng sắc lượn qua lượn lại để moi tiền thiên hạ hay vừa làm kinh tài vừa lấy tin tức cho Việt Cộng thì ai cũng chỉ đoán chừng vậy thôi, không có chứng cớ nên quán nó vẫn mở phây phây.
Danh nhớ lại, không đầy một năm trước, trên sông Cửa Lớn, căn cứ Năm Căn cách đây không xa, một con tàu lớn (HQ 329 – 1973) đã bị chìm vì trúng thuỷ lôi của Việt Cộng trong một đêm mưa gió tầm tã khi đang cặp sát ngay trên bờ một quán gío bán cà phê của một cô bán quán khá xinh mới mở trước đó vài tuần lễ. Cô gái bán quán được coi là nguyên nhân của vụ việc đã biến mất từ lúc nào ngay trong đêm xảy ra vụ nổ .
X X X

. Có bóng người đổ dài đi xuống trên con đường đưa lên núi.Kim lên tiếng : - Chúa đảo đó! Lại bái chào chuá đảo đi. – Quay qua ông, Kim nói: - Đây là Danh, sĩ quan mới thuyên chuyển về đơn vị, ông làm lễ gia nhập đảo cho hắn đi!
Trước mặt Danh là một ông già dáng chừng trên duới ngũ tuần . Ông mặc trên người bộ đồ trận màu ô liu đã cũ. Chiếc áo dài tay được xắn lên dường như hơi rộng so với sức vóc, chiếc quần đã được cắt hay xé đi phần ống phía duới đầu gối, gấu rách te tua. Khuôn mặt ông khắc khổ xạm nắng, khuất dưới mái tóc dài che kín cổ. Trên đầu ông đội một cái mũ rộng vành cũng tả tơi không kém. Vai ông đeo một khẩu súng carbin, trong khi tay trái cầm một xâu chừng chục con dơi quạ. Trông ông có hình ảnh của một người sống trôi dạt trên một hoang đảo hơn là cái uy nghi của một ông chúa. Một Robinson thời đại. Ông xua tay lia lịa:
- Hổng dám! Hổng dám! Tôi là dân ngu khu đen có chức tước như mấy ông đâu mà cứ kêu tôi là chúa này chúa nọ vậy., Tôi chỉ làm thầy tớ chứ có làm chúa ai bao giờ. Có bà vơ tôi bả làm chúa tôi thì có. Mà bả đâu có ở đây! Chào mừng thiếu úy mới tới đảo. Tôi hổng biết, coi còn trẻ quá thì kêu đại ông là thiếu uý, có sai đúng gì thông cảm nghen.
- Không có sao bác à! cứ coi như con cháu trong nhà .
- Úy trời! hổng được! – Ông già chúa đảo nói. – tôi ngó phong sương vậy nhưng tuổi tác chưa cao, chừng hơn bốn chục, kêu chú đã là quá lắm rồi, Bác cháu chi nghe tổn thọ quá.
- A ha ! Cóc mở miệng. - Lập từ xa la lớn – Ông bạn đời, bạn nhậu của tôi hôm nay sao nói năng hoạt bát dữ. Bình thường, cạy miệng ông không nói. Ông thường hay lý luận: nói nhìều bay hết hơi men. Bữa nay ông nói được câu văn dài như vậy là thằng Danh tốt số, là ông có cảm tình với mi rồi. Nói nhỏ cho nghe, ổng có hai cô con gái rượu ngon lành lắm. Mi dám lọt vô mắt xanh của ổng rồi đó nghen. Mà thằng này cũng tài khôn tổ mẹ. Đúng là đồ”Bắc Kỳ con”lém lỉnh. Mới gặp ông đã xưng bác bác cháu cháu nghe ngọt sớt. Để mai mốt đổi qua gọi ba xưng con cho dễ phải hôn? Ma lanh dữ!
Quay qua già Bông chúa đảo, Lập tiếp:
- Có mang mồi xuống phải không ông già? Y da! mấy chú này mập ghê, đủ để thanh toán mấy lít “trắng”. Tính mần gì nhậu đây chúa đảo?
- À! tiện trên đường đi xuống, tôi ghé “cái kho lương thực thiên nhiên” của tôi trong rừng “vớt” nhẹ chục em đem về đưa cay. Thứ này phải biết mần cho kỹ mới nhậu được. Để tôi lột da bỏ đi máy cục xạ trên thân chúng, rồi một nửa đem xào lăn đểlai rai, một nửa đem nấu cháo đậu xanh vừa để giải nhiệt vừa giải rượu luôn. Thời tiết đang nóng nực, có thêm rượu càng nóng dữ, vậy mà làm một tô cháo dơi nấu đâu là mát lạnh thấu trời, đi ngủ phải đội nón.
Kim cướp lời:
- Nè! Ông sống độc thân ở đây mà cần chi nón áo? Đêm đêm nằm mơ có nước bắn máy bay giả tưởng chứ làm gì có mục tiêu? Đã lâu rồi bà xã chưa ra thăm phải không? Tết nhất tới rồi, nay mai ghe chợ về chắc có bả ghé thăm quá!
- Cũng mong vậy. Tôi cũng đang chờ chuyến ghe về có bả đi theo để coi sấp nhỏ lóng rày sống ra sao?
Nói đến đây già Bông có vẻ hơi buồn, ông đang nhớ đến vợ con, hẳn vậy.
- Xời ơi! Chúa đảo gì mà tình cảm thế! Thôi, vui lên đi. Thế nào củng có bả trong chuyến ghe về tới nay mai. Chuẩn bị súng ống là vừa.
- Uý trời! – Ông Bông đỏ mặt , tính ông vẫn thế - tôi già hết xí quách, còn làm ăn được gì nữa đâu mà súng với đạn?
Kim trêu chọc thêm:
- Thôi ông ơi! Chúa đảo gì yếu xìu quá vậy? Ông còn nhai cơm, chưa phải húp cháo mà! Đất có thổ công, sông có hà bá. Chúa đảo phải có cái uy chứ! Có cái uy dũng nào bằng sức mạnh duy trì giống nòi? Đùa chút thôi, cạn chung này cho đẹp cái coi. – Kim đưa cho ông ly rượu mới rót đầy - Nhậu thoải mái đi. Rồi tối nay ngủ lại đây qua đêm chờ sớm mai đón ghe về luôn. Đi chuẩn bị súng ống để mình đi săn một bữa liên hoan đãi bả .
- Đâu được! Cỡ nào tôi cũng phải leo về đỉnh, còn công việc đâu bỏ bê được.
- Không sao đâu! Để tôi gọi điện lên trển nhờ mấy thằng em Đài Kiểm Báo trên đó giúp lo cho ngọn hải đăng. Đằng nào tụi nó cũng phải canh gát mà.
Già Bông nhất quyết từ chối:
- Mấy cậu thấy đó. Bao nhiêu năm làm việc tôi chưa bê trễ. Không có ngọn đèn của tôi, ghe tàu có thể bị lạc lối mà gặp nguy hiểm. Trách nhiệm ấy tôi chịu chứ ai. Thôi để tôi về, mai chuyến ghe về tôi lại xuống, mấy hồi.
- OK! Về thì về, nhưng lúc này còn sớm cứ nhậu thoải mái. Tối , tôi bảo mấy thắng em đưa ông về. Bây gờ làm tô cháo dơi giải nhiệt lấy lại sức uống tiếp.
- Coi thường chúa đảo này quá vậy? – Ông ngửa cổ cạn một hơi ly rượu, khà một tiếng thật mạnh rồi tuyên bố - Chúa đảo sẽ lai rai với mấy em tới chiều tối, rồi sẽ lội bộ về “mình ên”, không cần mấy em đưa về. Cái hoang đảo này là nhà của “goa” , mấy chú vẫn coi “goa” là chúa đảo thì có xó xỉnh nào chúa đảo không rành mà cần người dẫn đường.
Có tiếng la chói lói từ phía phòng hành quân. Danh hỏi Kim có chuyện gì vậy? Kim đi ra .Một hồi quay trở lại cùng Lập nói với giọng vui vẻ:
- Đã liên lạc được với chuyến ghe chợ. Họ đang trên đường về. Có lẽ sẽ tới đảo vào tối nay. Tụi nó mừng quá nên la hét đó.
Ông Bông đứng bật dậy lắp bắp:
- Mấy cậu hhh. ỏỏỏ…iìi… giùm…ttt…ôôô…i coi bà…bà…xxxããã…của tôi có mặt ở trên đó k…h…ô…n…g???
- A ha ha ha ha hah, ông già chúa đảo cà lăm tụi bay ơi! Nói cho ông nghe nhé! Đây là bí mật quân sự không cho ông biết được. Ráng mà chờ thêm vài tiếng nữa, chúa đảo…ơi!

Chú thích:
(1) Các chữ đầu của những câu này ghép lại thành chữ C-A-P-S-T-A-N, một loại thuốc lá thơm rất nổi tiếng của miền Nam VN trước 1975.
(2) Tắc kè = Bắc Kỳ. Lối chọc ghẹo vui của người miền Nam đối với dân miền Bắc di cư 1954.
(3) Nhại lại 2 câu thơ của Hồ Dzếnh: “ Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói buồn bay lên cây”
(4) Mẻ = con mẹ

Ba: Có phải là giấc mơ?


Buổi chiều, chuyến ghe chợ về tới. Doanh trại nhộn nhịp hẳn lên, hải đảo như bừng sức sống. Tiếng người đi lên xuống bãi chuyển hàng cười nói, gọi nhau ơi ới, y như một ngày hội. Người ta hỏi thăm nhau, chuyện trò về đời sống trong đất liền, trong thành phố. Chỉ có mìnhgià Bông là buồn, hơi buồn thôi. Bởi lẽ trong đám người trên ghe chợ từ Rạch Giá trở về không có vợ ông. Bù lại, Lan và Đào , hai đứa con gái rượu của ông lại có mặt. Chắc phải có chuyện. Thường thì mổi khi Tết đến, nếu ông không về được thì bà vợ lại cho các con về ngoại để ra thăm ông. Năm nay bà không đi, ông phải hỏi xấp nhỏ ra sao. Gặp 2 con, ông rất mừng, Chà! Kỳ này coi bộ tụi nó lớn bộn, mà xinh đẹp hẳn ra, làm ông cũng hãnh diện. Bởi vậy, mấy chàng lính trẻ độc thân cứ mò theo tán tỉnh Từ trên tàu, thấy cha đứng trên bãi chờ, Đào gọi ríu rít:
- Chị Lan ơi! Tiá đón mình trên bờ kìa. Tía!, tụi con này tía!
- Ồ! Lan Đào hai con, thế má đâu?
- Má bận không đi được nên bảo tụi con đi thế. Để chút xíu lên bờ con kể tía nghe. Mà sao lóng rày tía giống… Tặc Giăng vậy? Má thấy chắc bả hết hồn luôn.
- Có gì đâu bây. Tía ở đây nhớ má con bây ,buồn buồn để râu tóc phong trần chơi. Với lại, hồi trước bả cũng mê nhân vật Tặc Giăng lắm, đi coi phim về cứ đòi làm Giên của ông chúa rừng xanh ấy mà.
Già Bông ra cầu tầu phụ xách đồ đạc đưa lên bờ. Hai chị em đã được mẹ chuẩn bị cho khá nhiều đồ để ba cha con cùng ăn Tết: thực phẩm , bánh mứt kẹo cho ngày Tết có cả trái cây từ vườn nhà.Bà cũng không quên gửi cho ông mấy lít đế “Gò Công” thượng hạng và một ít rượu nếp than với lời nhắn nhủ riêng: có vui xuân cũng chừng mực thôi, để còn lo lắng chăm sóc cho 2 con gái . Ông sung sướng đưa 2 con lên bờ.
Có con ra thăm và ở lại ăn Tết là ông vui, nhưng trên ngọn hải đăng ở đỉnh núi nơi ông làm việc, chỗ ở quá chật chội, và leo lên leo xuống thật vất vả và bất tiện, ông chưa biết tính sao. Quay qua với Lan và Đào ông hỏi:
- Má khoẻ không? Có chuyện gì vậy?
Lan giải thích:
- Cũng không có gì, tía đừng lo. Ngoai không đươc khoẻ lắm,nên kỳ này má về quê thăm ngoại. Má dặn tụi con ra đây với tía. Rồi chừng nào có chuyến tàu về thì ba cha con cùng về để thăm ngoại luôn. Má có đến sở làm của tía để thông báo cho người tạm thế tía rồi. Có lẽ ít ngày nữa họ sẽ ra thế. Tụi con ra ăn Tết với tía rồi đưa tía về luôn thể.
- Được vậy cũng tốt. Để tía lên kiếm chỗ cho 2 con nghỉ ngơi. Đi tàu có mệt lắm không?
- Mệt nhưng mà cũng vui. Tụi con đi chơi thay đổi không khí.
Ba cha con kéo nhau đi lên. Gặp Lập trên đường đi, ông Bông nhắn hỏi Lập có giúp ba cha con ông một chỗ ở tạm thời được không, chứ e phải leo núi nhiều lần trong ngày, các con gái ông e không kham nổi. Lập bảo ông cứ yên tâm . gì chứ phòng ốc thì đơn vị vẫn có sẵn vài căn bỏ trống . Lập nói để đi trình báo cho chỉ huy trưởng Phùng một tiếng là xong.Anh đi một lát quay trở lại cùng với ông Phùng. Ông bảo:
- Ông Bông muốn ở căn phòng nào cứ dọn vào. Có mấy căn trống kế bên dãy phòng sĩ quan đó – Ông cười hóm hỉnh thêm - Chúa đảo muốn gì mà không được?
- Ông trưởng đùa vậy chết tôi . Lan, Đào 2 đứa con gái tôi chắc thiếu tá đã biết trên tầu? – Quay sang Lan Đào, ông bảo:
- Chào thiếu tá chỉ huy trưởng đi 2 đứa!
- Tía khỏi lo. Tụi con đã chào và trình giấy tờ lên thiếu tá từ trước ở tận Rạch Già lận. Nếu không làm sao được phép đi theo chuyến ghe tới đây được.
- Đúng rồi. Chúng tôi có nói chuyện với nhau rồi. Để tôi coi có ai giúp một tay phụ xắp xếp được không? – Ông quay qua hỏi Lập:
- Ông có rảnh giúp ông Bông một chút được không?
Lập trả lời:
- Giờ này đang phiên trực phòng hành quân nên tôi bận. Có anh Danh mới tới đây ít ngày còn rảnh rỗi, để tôi bảo anh ấy lo cho.
Lập đi vào phòng tìm Danh. Danh nói OK trong khi Lập bảo:
- Tên này thật tốt số! Vừa mới tới đã có cơ hội gần người đẹp. Lại được dịp kiếm điểm với ông già nữa chứ!
Danh trả đũa:
- Vừa thôi đàn anh! Để cho thằng em sống với chứ! Chưa có miếng mà đã có tiếng rồi?
Lập nheo mắt cười khà khà bỏ đi lên phòng làm việc. Danh đưa gia đình ông Bông vào một căn phòng phía sau để ba cha con xắp xếp vật dụng. Ông Bông dặn dò 2 cô gái theo lời chỉ dẫn của Danh, còn ông phải leo lên núi chuẩn bị thắp ngọn đèn hải đăng vì trời sắp tối. Ông bảo vừa đi , về và làm việc, rồi gửi gấm anh em trực máy coi chừng giùm cũng mất khoảng 2 tiếng. Chút xíu nữa lại tiếp tục lai rai, đêm nay hẳn phải vui. Nói rồi ông tất tả đi, dáng nhanh nhẹn hơn mọi ngày, như mới có thêm một liều thuốc bổ. Danh bảo 2 cô:
- 2 em chờ ở đây. Anh đi kiếm thêm ít giường nệm cho ba cha con, có vật dụng cá nhân nào sắp xếp được cứ làm trước. Anh trở lại ngay.
Danh lên phòng tiếp liệu nhờ trưởng phòng Kim cung cấp cho một ít giường nệm chăn mền. Khi trở lại thì Lan Đào đã xếp đặt gần xong. Nhìn Lan, anh nói:
- Cần giúp một tay không nào…Lan? À! Mà Phong , Thanh, Bạch , Hoàng, Xuân, Dạ, Ngọc, Ý…Lan. Em là Lan nào?
- Em là lan ruộng, lan vườn xa phố, nên chỉ đơn giản là Lan thôi.
- Thế sao? Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó , em trở thành một nữ sĩ nào đó thì cần một cái tên thuộc loại lan chứ? Thôi, anh gọi là Li Lan nhé! Li Lan, Li Lan. Hợp với cánh lan rừng, lại có vẻ Tây nữa chứ, chịu không?
- Chị Hai chỉ muốn là…khoai lan(g) thôi – Đào trêu chị.
- Quỉ nè! – Lan gõ nhẹ lên đầu em – anh thích gọi tên gì đó cứ gọi. Với Lan thì tên Lan “mình ên” cũng đủ rồi.
- Thội , hai chị em thu xếp rồi nghỉ ngơi đi! Ngày mai rảnh lên núi chơi để coi lan núi lan vườn, lan nào đẹp hơn cho biết.
Danh chào từ giã hai người trở lên phòng làm việc. Lập ngẩng đầu lên chọc:
- Mới đó mà đã mết dữ ha! Thằng này số hên thiệt tình. Nhưng mà chọn một thôi đó nghen! Đừng có chơi trò hoa thơm đánh cả cụm là chơi gác anh em đó .
- Thì ông cứ nhào vô, ai cấm. – Danh đáp . Lập đáp:
- Thôi để nhường đàn em tụi bay. Tao tu rồi. Lâu nay chỉ làm bạn với rượu với thơ.
Rồi Lập cất tiếng ngâm nga:
“ Mênh mang thơ túi rượu bầu/ Cung đàn nửa nhịp, gịọt sầu nửa ly ./Trầm mình trong cõi vô vi/ An nhiên một kiếp cuồng si một đời…

X X X

Sáng chúa nhật, trời trong vắt không một gợn mây, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Già Bông thức dậy sớm, qua phòng bên ngồi uống cà phê, nghe đài buổi sáng và tán gẫu với đám sĩ quan trẻ. Từ bữa hai cô con gái đến thăm viếng. già coi bộ vui vẻ , nói năng nhiều hơn trước. Bộ dạng con người cũng được chăm chút hơn dưới bộ cánh áo sơ mi sọc ngắn tay và chiếc quần tây sậm mầu, tóc tai hớt tỉa gọn gàng. Hớp một ngụm cà phê hiệu Meilleux Gout thơm ngát mùi bơ , rít một hơi điếu thưốc lá thật dài , già nói:
- Chằ,Cà phê ngon thiệt. Đồ ngoại có khác. Tối qua tôi có nhận được công điện của sở cho về nghỉ phép 2 tuần. Sẽ có người ra tạm thay thế trong ít ngày nữa khi có chuyến tầu. Như vậy qua tết sẽ dẫn đám nhỏ về luôn. Hôm nay trời đẹp. Tiện mình tổ chức đi rừng một buổi, trước là tìm ít mồi về nhậu tất niên, sau là kiếm vài ba lít mật ong nguyên chất mang về làm quà cho má bầy trẻ với ngoại của chúng nó. Thứ mật ong trên rừng này phải nói là tuyệt hảo, trị bá bệnh đó.

Nghe ông đề nghị, cả bọn nhao nhao đòi đi theo:
- Bữa nay Chúa Nhật rảnh, mình lên rừng đi picnic luôn thể?
Già Bông chối phắt:
- Không được, kéo nhau cả đám thế này thì động rừng, thú chạy hết trơn, còn săn bắn gì được. Với lại đi săn thì phải đi cả ngày, trèo non lội suối cực nhọc chứ đâu có thoải mái mà đi chơi được. Hai người cùng đi với tôi là đủ.
Lập lên tiếng:
- Vậy thì để tao với Quang đi. Thằng này mới ở Sài Gòn về, cho nó nếm mùi cực khổ một chút. Còn 2 thằng bay - Lập nheo mắt về phía Danh và Kim - ở nhà có công tác đưa 2 “ công nương” đi dạo mát. Nhớ bảo đảm an toàn không bị sứt mẻ gì hết đó nghen!
Ba người chuẩn bị đồ đi săn . lưong thực nước uống cho bữa trưa rồi lên đường sau khi hứa hẹn một chầu nhậu quên đường về vào buổi tối. Nắng lên cao, Danh và Kim đưa hai cô bé đi dạo chơi thơ thẩn trong rừng. Biển trong xanh, gió thổi vào mát dịu. Bốn người kéo nhau lên mảng đồi phía sau doanh trại. Bước chân đạp lên lớp lá khô nghe lạo xạo. Kim đưa mọi người đến rừng trâm. Anh kể :
- Mùa này trâm đang chin rộ. Mình đi hái ăn chơi. Trâm ở đây có cả nguyên một đồi và có nhiều loại khác nhau. Có loại to và ngọt , rất khó tìm trong đất liền. Hết đồi trâm lại đến đồi nhãn ở trên cao , nhưng là nhãn rừng nên trái nhỏ . Nhãn chin tới vào những ngày hè oi ả, độ khoảng tháng Tư. Bây giờ chỉ có trâm. Hôm nào Lan Đào trở lại đất liền , ra hái một mớ về làm quà , quí lắm đó.
Trong khi Kim đưa Đào đi lùng sục những cây trâm ngon nhất, Lan lại muốn đi thăm giòng suối huyền thoại. Danh đưa nàng đi về phía thung lũng. Giòng suối mùa khô chỉ còn là một lạch nước nhỏ chảy róc rách qua các khe đá. Dù sao, cảnh vật cũng nên thơ. Những hàng cây lá rủ hai bên bờ. Lan đến ngồi trên một tảng đá lớn, tháo giày . buông gót chân trần ngâm vào làn nước mát lạnh. Nàng nhắm mắt lại , rồi mở ra nhìn Danh cười bảo:
- Em không tưởng tượng nổi đây là nơi tắm của các nàng tiên . Anh Danh có tin huyền thoại này không?
Danh đùa:
- Anh có bao giờ ra dòm lén đâu mà biết?
Lan nắm tay đấm nhẹ vào ngực anh:
- Cái anh này, em hỏi thiệt chứ bộ!
- Có chứ! Không những anh tin mà chuyện đó có thật không phải huyền thoại. Ngay hôm nay anh cũng thấy nữa mà.
Lan mở to đôi mắt:
- Thiệt vậy sao? Đâu anh chỉ em coi. – Danh cười :
- À! Hôm nay vì có anh nên chỉ có một nàng tiên đến . Mà nàng ấy không tắm , chỉ ngồi trên bờ đá ngâm chân thôi.
Lan dí ngón tay lên trán Danh:
- Lẻo mép quá! Con trai bắc kỳ có khác. Chắc là nhiều cô chết vì anh lắm phải không?
- Coi vậy mà không phải vậy. Vẫn cứ phải ca bài “Sầu lẻ bóng” dài dài đó Lan ơi! Em ngồi đây, để anh đi tìm ít trái trâm cho Lan. Lên đồi trâm mà không thưởng thức thì uổng lắm .
Nói rồi Danh đi lanh quanh một lúc mang đến cho Lan một nón trâm tím ngắt. Anh đọc thơ:
- Chiều hành quân đi qua những đồi sim tím,
Màu tím hoa sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt.
Ngày trước, nhà thơ Hữu Loan có những đồi hoa sim để đưa ông về những kỷ niệm với người yêu. Ngày nay, anh cũng có cả một đồi trâm để có những kỷ niệm với Lan.
Lan bật cười:
- Tán giỏi lắm! Cho em thử tài anh nghen! Xuất khẩu vài câu như nhà thơ coi được không?
Danh ngước nhìn đôi môi của Lan có vết màu tím của những trái trâm nàng vừa ăn đọc khẽ:
Tím cả một lưng đồi
Tím đến tận bờ môi
Dáng ai bên bờ suối?
Nụ hôn có gọi mời?
Lan ngước mắt nhìn Danh, không nói, Anh đưa tay vuốt nhẹ mái tóc nàng rủ xuống hai bờ vai. Lan nhắm mắt, dáng đợi chờ. Anh cúi xuống đặt nụ hôn nhẹ lên đôi môi mọng tím. Dường như có một mùi hương thoáng vị chua ngọt của trâm. Lan ngả đầu nép sát ngực Danh. Anh ôm nàng trong tay. Thân thể nàng rung động, nóng bỏng trong vòng tay anh. Anh ép sát người nàng, nghe cảm giác bờ ngực mểm mại của nàng đang thổn thức rạo rực trong anh. Anh đưa tay nâng nhẹ gương mặt nàng lên để thấy hai bờ môi cuốn hút vào nhau, đắm đuối, mãnh liệt, cuồng loạn. Một hồi lâu, Lan rời ra, quay đi khuôn mặt bừng đỏ, nàng e thẹn lên tiếng:
- Anh tham quá, mới quen nhau đã hôn tới…hai lần, mà còn làm người ta nghẹt thở
Danh xiết nhẹ đôi bờ vai của Lan, cho nàng tựa đầu lên vai, thì thầm bên tai nàng:
- Lan ơi!Mùa xuân đang đi tới. Có phải mình đang mơ?

Phương Duy
24/09/2007

No comments: