Những vấn đề Việt Nam


Việt Nam nhìn qua biến động Miến Điện

Những biến động trong tháng 9 vừa qua tại Miến Điện được thế giới mệnh danh là cuộc cách mạng áo cà sa. Sự đàn áp thô bạo của đám tướng lãnh quân phiệt lên đoàn người biểu tình trên đường phố do các vị sư sãi khởi xướng đã bị khắp nơi lên án nặng nề.

Các nhà sư xuống đường biểu tình trong một tư thế bất bạo động: vừa đi vừa cầu kinh cho hoà bình. Đám lãnh đạo quân phiệt không kiềm chế nỗi lo sợ về một cuộc cách mạng đã ra lệnh cho quân đội thẳng tay đàn áp những nhà tu hành không tấc sắt trong tay.

Có ít nhất mười ba người chết, trong đó có một ký giả Nhật Bản và trên một ngàn người bị bắt giữ theo thống kê chính thức của nhà nước Miến Điện. Nhưng tin ngoài luồng cho biết có đến hơn hai trăm người chết, trên ba ngàn bị bắt giữ, đa số là các nhà sư.

Thế giới lên tiếng.

Liên Hiệp Quốc cử đại diện qua quan sát gặp gỡ rồi làm phúc trình báo cáo. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc muốn ra nghị quyết chế tài bọn quân phiệt độc tài thì bị đám Nga Xô, Trung Quốc phá hoại.

Rốt cuộc, dưới sức ép lo sợ bị thế giới tẩy chay Thế Vận Hội vào năm tới, Trung Quốc phải lên tiếng yêu cầu đám quân phiệt tự chế và không còn cản trở việc Hội đồng Bảo an đưa ra một bản tuyên cáo với những lời lẽ đã được làm nhẹ đi.

Tình hình Miến Điện hiện nay nói chung có vẻ lắng dịu, nhưng như thế không có nghĩa là đã ổn định.

Các thể chế độc tài, dù quân phiệt hay cộng sản, đều giống nhau ở chỗ độc ác, xảo trá và mị dân. Iraq thời Saddam Hussein, Cuba, Bắc Hàn, Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam hay Lybia, Cambodia, Zimbabwe đều không khác biệt.

Khi cảm thấy quyền lực có thể bị lung lay, họ sử dụng ngay đến bạo lực để đàn áp thẳng tay, sẵn sàng gây tang thương đổ máu cho những nạn nhân chỉ vì họ xuống đường biểu tình trong ôn hoà trật tự để mong mỏi đánh thức lương tri của những kẻ cầm quyền.

Đến khi bị thế giới lên án gắt gao và có những biện pháp chế tài để trừng phạt thì họ tìm mọi cách bưng bít thông tin, cắt đứt mạng lưới Internet nối với toàn cầu để những tiếng nói, hình ảnh về sự kiện áp chế không lọt ra ngoài, đồng thời giả bộ hoà hoãn, cho phép đại diện thế giới đến quan sát gặp gỡ những nơi, những người họ có thể kiềm chế được. Thực chất đây chỉ là cách mua thời gian để hạ hoả những dư luận không tốt ở bên ngoài về họ (cứt trâu để lâu hoá bùn). Cùng lúc, họ sai thuôc hạ thân tín lùng sục bắt bớ những nhân vật mà bọn chúng coi là những mầm mống phản loạn, những người lãnh đạo tổ chức biểu tình cố ý gây nguy hại cho sự nắm giữ quyền lực, tất nhiên để bảo vệ các đặc quyền đặc lợi của bọn chúng.

Đó là điều đám tướng lãnh quân phiệt Miến Điện đang làm và họ hy vọng sẽ đạt thành quả như ý muốn. Thế nhưng việc họ có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời thoả đáng.

Bài viết này muốn bàn đến hai khía cạnh: một là những biện pháp chế tài của quốc tế, đặc biệt là sự cấm vận của Hoa Kỳ và khối Liên Âu đối với Miến Điện có thực sự hiệu quả không. Hai là những biến động tại Miến Điện có ảnh hưởng gì tới tình hình Việt Nam.

Các biện pháp chế tài của quốc tế.

Biện pháp cấm vận của thế giới đối với các thể chế độc tài cũng như ủng hộ khủng bố có vẻ không hữu hiệu.

Các biện pháp chế tài luôn luôn cần sự chấp thuận của đa số các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là sự ủng hộ hoàn toàn của 5 hội viên thường trực, nghĩa là không có phiếu trống hoặc phiếu trắng. Một việc thường khó thực hiện vì 5 thành viên này lại gồm 2 phe đối nghịch nhau và ngay cả trong cùng một phe vẫn có sự tranh cãi khi có sự xung đột về phương thức hành động, về quyền lợi của từng quốc gia bị ảnh hưởng.

Do sự khuynh đảo của những quốc gia này mà đôi khi Liên Hiệp Quốc trở thành một tổ chức có danh mà không có uy. Sự lên tiếng của Liên Hiệp Quốc dường như lúc nào cũng quá yếu vá quá muộn, lại không có những biện pháp chế tài có tính cưỡng bức tất cả mọi thành viên của tổ chức phải thi hành, hoặc nếu có thì cũng quá lỏng lẻo và nhiều sơ hở để các thành viên có cơ hội luồn lách.

Thí dụ việc cấm vận đối với Iraq thời Saddam đã là một cơ hội tốt cho chính quyền tàn độc này tha hồ làm giàu nhờ tham nhũng, hối lộ qua việc xuất cảng dầu thô và nhập cảng lương thực thực phẩm. Điển hình là vụ án hối lộ chính quyền độc tài Saddam Hussein lên tới hàng trăm triệu đô la của tổ hợp công ty xuất nhập lúa mì AWB hàng đầu của Úc qua trung gian một công ty khác ở Trung Đông đã đang làm hoen ố hình ảnh nươc Úc, một đồng minh thân cận và sát cánh nhất với Hoa Kỳ trong cuộc chiến Iraq hiện nay.

Rồi những biện pháp chế tài đối với Cuba, Bắc Hàn, Miến Điện đã chẳng làm suy yếu nhà cầm quyền sở tại hay ít nhất buộc họ thay đổi chính sách mà chỉ thấy những biện pháp trừng phạt ấy lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến đa số nhân dân , làm cho cuộc sống của họ sẵn nghèo đói lại cơ cực hơn.

Câu hỏi được đặt ra là: Cấm vận, một trong những biện pháp chế tài đối với các thể chế côn đồ có cần được cứu xét lại không? Có nên vì một thiểu số lãnh đạo bất xứng mà trừng phạt cả một quốc gia hay không?

Có lập luận cho rằng vì sự trừng phạt làm cho người dân khốn khổ cùng cực. họ sẽ không chịu nổi mà vùng lên nổi dậy lật đổ chế độ bạo tàn. Lập luận này không vững trong những thể chế độc tài đảng trị, khi người dân bị kiềm chế gắt gao rất khó để tập họp quần chúng tạo thành sức mạnh. Ngay cả khi người dân đã quy tụ thành những đám đông lớn có thể có ảnh hưởng thì cũng dễ dàng bị đàn áp giải tán bằng bạo lực và những chiêu thức chính trị khác: cấm tụ tập, giới nghiệm, thiết quân luật, mua chuộc, đe doạ…

Sự tham lam của một số quốc gia vì quyền lợi về kinh tế đã công khai hoặc lén lút chống lại các biện pháp chế tài, tiếp tục giao thương với các thể chế bị trừng phạt làm cho việc cấm vận bị vô hiệu hoá.

Trong trường hợp Miến Điện, sự cấm vận của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu trước đây mang đến hệ quả là 90% nền ngoại thương của Miến trực thuộc vào các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Thái Lan. Những quốc gia này lại đang cần những tài nguyên của Miến như dầu mỏ và đá quí cho sư phát triển kinh tế nên bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt Trung Quốc đang cần rất nhiều nguồn nhiên liệu để tiếp tế cho nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Hiện nay Trung Quốc vì áp lực kinh tế và ngoại giao của thế giới đã phải dịu giọng hơn khi lên tiếng yêu cầu lãnh đạo quân phiệt Miến Điện giảm thiểu đàn áp và ngồi lại đối thoại với phe đối lập. Nền kinh tế Trung Quốc cần sự cung cấp nguyên vật liệu, kỹ thuật, vốn đầu tư và nhất là thị trường tiêu thụ trên toàn thế giới để tạo ra công ăn việc làm cho khối dân khổng lồ trên 1 tỷ người và bán ra các thành phẩm.

Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 sắp tới cũng là lý do để Trung Quốc khuyên nhủ Miến Điện phải hoà hoãn với người dân của họ vì Bắc Kinh muốn thế giới biết đến với một bộ mặt trong sáng hơn là những vụ đàn áp sinh viên biểu tình, vụ đàn áp Pháp Luân Công, xâm lăng Tây Tạng. Bắc Kinh không muốn một Thế Vận Hội 2008 bị tẩy chay.

Họ muốn vươn lên thành một siêu cường mới dưới con mắt toàn cầu sau cái thành công của Thế Vận Hội kỳ này. Đó là cơ hội cho họ phô trương điều mà họ gọi là những thành quả vượt bực của một chế độ độc đảng. Đằng sau ấy có lẽ là một kế hoạch dạy dỗ cho đàn em những phương cách lừa bịp dư luận thế giới, giả bộ hoà dịu để có thời gian triệt hạ hết mọi mầm mống, phần tử đối kháng.

Từ Miến Điện đến Việt Nam.

Miến Điện và Việt Nam cùng thuộc khối Đông Nam Á, cũng là hai thành viên có thể chế độc tài nhất trong khối. Nhân dân của hai quốc gia đều đa số theo Phật giáo, mặc dù hơi có sự khác biệt: tại Miến, Phật giáo được xem gần như quốc giáo, còn tại Việt Nam thì không. Vì vậy việc dấn thân tranh đấu của Phật giáo ở hai nước cũng có sự khác biệt.

Tại Miến Điện, các nhà sư mặc áo cà sa xuống đường biểu tình, đi thành từng đoàn trong trật tự giữa lòng đường và lớn tiếng niệm kinh cầu nguyện cho hoà bình, ở vòng ngoài nhửng bàn tay nối tiếp nắm lấy nhau của sinh viên học sinh và quần chúng để che chở bảo vệ các nhà tu.

Bên ngoài cuộc biểu tình mang rõ màu sắc tôn giáo nhưng bên trong hàm ý một mục tiêu chính trị (hay xã hội? cái nào đúng hơn, chúng ta có thể bàn cãi khi có dịp thuận tiện). Các nhà sư Miến Điện không đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng bản thân họ hoặc cho tôn giáo. Cuộc biểu tình dấy lên khởi đầu do việc nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện tăng giá xăng dầu quá mức, rồi từ từ biến thành công cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ tự do. Các vị sư đã đại diện nhân dân nghèo khổ để đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng. Nhân dân Miến điện cùng toàn thể thế giới không lên án các ngài là vượt quá giới hạn tôn giáo, là hoạt động chính trị.

Trong khi đó tại Việt Nam các hoạt động của một số tu sĩ như Hòa thượng Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý với cùng mục đích lại bị một số người đồng đạo chỉ trích nặng nề là những kẻ cơ hội chính trị.

Người Á đông thường có truyền thống kính trọng nhà tu hành. Sự kính trọng ở Miến còn cao hơn khi tất cả những người trẻ bắt buộc phải vào chùa tu tập một thời gian trước khi vào đời. Có lẽ đó là lý do Phật giáo Miến Điện là một khối thuần nhất với những tu viện có hàng ngàn tu sĩ. Chế độ quân phiệt độc tài mặc dù rất tàn ác với nhân dân nhưng vẫn có sự kính nể các nhà sư và cũng không có một áp chế nào về phương diện tôn giáo. Nhờ vậy, việc tổ chức biểu tình của giới tăng sĩ tại Miến Điện tỏ ra dễ dàng thuận tiện.

Việt Nam với vấn đề tôn giáo hết sức phức tạp. Sự phức tạp này bắt nguồn từ những chế độ phong kiến và thực dân trong quá khứ đã gây ra nhiều phản cảm và tranh chấp.

Những nỗ lực vận động để giảm bớt đố kỵ xung đột hầu nối kết các tôn giáo trong thời hiện đại đã có kết quả tương đối mà chúng ta có thể thấy qua các hội đồng liên tôn.

Nhưng những hoạt động của các tổ chức này rất hạn chế, hầu như chỉ tóm gọn trong lãnh vực thuần tuý tôn giáo hoà đồng, trong các buổi lễ lạc, văn hoá mà chưa nhắm tới các mục tiêu xã hội, chính trị quan trọng hơn. Các tôn giáo dường như vẫn còn đứng cạnh nhau trong tư thế xa lạ, bằng mặt mà chưa bằng lòng.

Điều này có thể nhìn thấy qua sự kiện dù đã có những liên kết đối thoại, nhưng những hoạt động đấu tranh vẫn có tính cách riêng lẻ từng tôn giáo như của nhóm tinh thần Nguyễn Kim Điền Công giáo , nhóm các mục sư Tin Lành, nhóm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Hoà Thượng Quảng Độ. Những nhóm tôn giáo đều có chung một mục tiêu mà không có sự hợp tác để tạo thêm sức mạnh và bảo vệ lẫn nhau.

Đáng ngại hơn, có sự phân hoá trầm trọng trong từng nội bộ của mỗi tôn giáo chủ yếu do ý đồ của đám lãnh đạo Hà Nội vì không thể tiêu diệt nên xâm nhập gây chia rẽ để phá hoại. Việc thành lập các giáo hội quốc doanh do ban tôn giáo chỉ đạo nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc làm cho các tôn giáo bị suy yếu, tín đồ hoang mang, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo phải chịu phục tòng duới sự sai khiến của nhà cầm quyền để yên thân tu tập hay hưởng chút đặc ân của chế độ là một thực tế hiển nhiên.

Đau lòng mà nói mưu đồ phá hoại tôn giáo của cộng sản Việt Nam đã khá thành công. Niềm tin và sự kính trọng của người dân Việt Nam vào các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam đang ngày càng sút giảm. Làm sao hô hào quần chúng hoà nhập vào những vấn đề làm cho đời sống xã hội trở nên tốt hơn theo như tôn chỉ của đạo giáo khi chính mình không dám xả thân? Như thế, một tập họp quần chúng dưới sự chủ đạo của tôn giáo tại Việt Nam giống như biến động Miến Điện vừa qua rất khó xảy ra.

Mặt khác, bên cạnh khối tu sĩ đồng nhất của Miến Điện có một gương mặt nổi bật, một biểu tượng mang tầm ảnh hưởng quốc tế về phương diện đấu tranh cho dân chủ và hoà bình: bà Aung San Suu Kyi, một khuôn mặt mà hiện tại Việt Nam chưa có.

Đằng sau khuôn mặt hiền hoà và vóc dáng mảnh mai ấy là một sức mạnh của khối đoàn kết khổng lồ tầng lớp nhân dân lao động Miến, cộng thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận thế giới. Bà là nhân vật mà một cuộc đấu tranh chính trị không thể thiếu, người mà các nhà lãnh đạo tôn giáo, vì giới hạn của tôn giáo, không thể thay thế được. Đơn giản, Việt Nam đang thiếu vắng một khuôn mặt tầm cỡ Aung San Suu Kyi.

Kể ra, hoà thượng Quảng Độ, linh mục Lý cũng đã có thể là những khuôn mặt biểu tượng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam. Tuy nhiên, chiếc áo nhà tu đã làm giới hạn tầm hoạt động của các ngài để bước qua lãnh vực cao xa hơn như thành lập đảng phái chính trị hay trở thành linh hồn của một cuộc cách mạng như bà Aung San Suu Kyi.

Không phải Việt Nam không có những khuôn mặt lớn về phương diện đấu tranh, có nhiều là đằng khác nữa. Tiếc thay, việc có quá nhiều lại đưa đến vấn đề. Tuy có chung một mục tiêu nhưng mỗi khuôn mặt lại có những đường lối riêng, lý luận riêng, khuynh hướng khác biệt đến đôi khi thành đối chọi.

Những nhóm khác biệt tất nhiên có sự hậu thuẫn quần chúng khác biệt đưa đến hậu quả của việc hoạt động rời rạc, lẻ tẻ, không phát huy được sức mạnh quần chúng nhân dân thành một lực lượng tổng thể, do đó cũng không tạo được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Những trí thức lãnh đạo này có một điểm chung là trong hoạt động thường chú trọng đến lý luận mà thiếu quan tâm đến thực trạng.

Tình hình Việt Nam trong quá khứ đáng lẽ đã tạo được sức thu hút quần chúng mãnh liệt với những cuôc khiếu kiện rất kiên trì của dân oan khắp nước để đòi lại ruộng đất, công nhân lũ lượt đình công đòi tăng lương, đòi cải thiện công ăn việc làm. Tuy nhiên, những người lãnh đạo đấu tranh đã không nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh tiếng nói của họ, phong trào của họ lên một mức độ cao hơn.

Trong khi người dân xuống đường chống lại những bất công của xã hội thì những người mệnh danh là nhà đấu tranh lại chỉ bàn những chuyện đâu đâu. Hết đối thoại đến hoà hợp hoà giải, hết thời cơ đến hiểm hoạ… Họ đưa ra những luận điểm từ ý nghĩa của dân chủ xem ai đúng ai sai đến các sách lược hành động: tiệm tiến từ từ, thúc đẩy đột biến cách nào khả thi, đòi hỏi lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải thực thi dân chủ là điều cấp thiết hay cứ để gia nhập vào dòng kinh tế toàn cầu rồi chính trị phải từ từ biến đổi theo luật chơi chung… Đủ mọi hình thái lập luận mà người dân bình thường không thể (và không muốn) hiểu.


Có người còn đi xa hơn với những tranh luận ngộ nghĩnh kiểu “Muốn phê phán Marx thì phải đọc Marx” hoặc “sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx”. Họ cho rằng dân trí Việt Nam thấp, cần được họ là những học giả triết gia hướng dẫn giáo dục. Họ đâu biết người dân hèn cần gì Marx mà họ cần cơm ăm áo mặc, cần một mái che trên đầu, cần công lý để được đối xử bình đẳng, được có cơ hội thăng tiến.

Lý thuyết cao đẹp mà khi áp dụng lại không khả thi, lại toàn tác hại đến đời sống thực tế, làm con người mất nhân phẩm, giá trị thua hàng súc vật thì lý luận hay ho để làm gì? Tại sao không dành kiến thức cho nhữnh hành động cụ thể hơn là tập trung vào những lý luận trừu tượng, xa vời, không thực tế?

Sự tàn độc tráo trở của cộng sản Việt Nam so với đám quân phiệt Miến còn cao hơn. Tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc trấn áp nhân dân trong quá trình hơn 50 năm cầm quyền, cộng thêm những bài học rút tỉa từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Tây Tạng, Miến Điện và ngay cả từ các nước Tây Phương và miền Nam Việt Nam trước đây, do đó thủ đoạn đàn áp của họ rất tinh vi, xảo quyệt. Bởi thế, Việt Nam bao trùm trong một nỗi sợ hãi không dễ thoát ra.

Tuy nhiên, để thúc đẩy cho một tiến trình thay đổi tốt đẹp và mau chóng hơn cho xã hội Việt Nam, mỗi người phải tự trấn tĩnh mình, nén bớt sự sợ hãi, chấp nhận một phần gian khổ. Sự đấu tranh với bạo lực dù trong tinh thần ôn hoà bất bạo động vẫn đòi hỏi kiên quyết và cần một số hy sinh nào đó.

Các lãnh đạo phong trào trước hết cần là một tấm gương của sự hy sinh và tinh thần không sợ hãi, sau đó cần giao lưu với nhau để liên kết và phối hợp tổ chức. Cần tiếp xúc với nhân dân, nhất là những khi có cơ hội họ tập họp đông người để lắng nghe, thông cảm, giải thích và tạo niềm tin, tạo sức mạnh quần chúng.

Riêng quần chúng cũng cần tự tìm đến nhau để khích lệ nhau hoá giải hoặc ít nhất giảm bớt nỗi sợ trong lòng, gây thêm hưng phấn, có cái nhìn thiện cảm về những nhà đấu tranh, những lãnh đạo phong trào vì những mục tiêu cao đẹp cho xã hội của họ chứ không phải với những ánh mắt nghi ngờ về một ý đồ chính trị nào đó.

Mục đích của chính trị dù ở thời đại nào, chế độ nào cũng là để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, một xã hội ấm no và công bằng hơn, con người hạnh phúc và đáng sống hơn. Chỉ có những kẻ cơ hội, những con người lợi dụng chính trị để trục lợi cho cá nhân, cho gia đình, đảng phái hoặc tôn giáo của mình, gây thiệt hại cho người khác, cho xã hội mới là những kẻ xấu xa bỉ ổi.

Mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, cần hoà mình vào những hoạt động trong xã hội mà mình có thể tham gia, không nên đứng ngoài một cách bàn quang với lối biện luận thiếu trách nhiệm rằng tôi muốn yên thân, không muốn dính vào chính trị hoặc quá nhỏ nhoi cho một vấn đề quá to lớn. Chúng ta nên dự phần vào tương lai của chính mình.

Bên cạnh các biểu tượng đang có là Hoà thượng Quảng Độ, Linh mục Lý mang tính cách hỗ trợ tinh thần, công cuộc đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam đang cần một khuôn mặt dân chủ không mang màu sắc tôn giáo có đủ uy tín và bản lãnh để đương đầu với nhà cầù quyền Việt Nam.

Một ước mơ.

Tình hình Miến Điện trong những ngày qua dưới áp lực quốc tế đang biến đổi thật nhanh. Bọn họ bị buộc phải thả bà Aung San Suu Kyi đang bị quản chế tại gia, cử đại diện đến đối thoại với bà và còn phải đưa cả hình ảnh cuộc đối thoại với bà lên kênh truyền hình quốc gia. Đây là điều mà nhà cầm quyền không bao giờ muốn.

Kết quả này là một bước khởi đầu rất tích cực tuy còn nhỏ nhoi, chưa có hiệu quả tức thời. Một tia sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm không chỉ cho riêng nhân dân Miến Điện mà cho cả nhân dân Viêt Nam và có lẽ toàn vùng Đông Nam Á.

Tôi ước mơ vào một ngày thật gần, với làn sóng dân chủ đang thẳng tiến về phía đông, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay vì đóng vai trò độc thoại trên mạng, diễn tuồng hài cho mọi người với câu nói suông “yêu nhất sự trung thực ghét nhất sự giả dối” như ông đã làm mấy tháng trước đây sẽ ngồi xuống đối thoại thẳng thắn với (chẳng hạn) Nguyễn Đan Quế hay Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình để cùng thảo luận với nhau dân chủ là gì, hay lộ trình nào cho dân tộc Việt Nam trong tương lai.

Hoặc có thể là Nguyễn Minh Triết hăng hái tranh cãi công khai với (thí dụ) Nguyễn Văn Đài hay Đỗ Nam Hải, Lê Thị Công Nhân về đề tài thế nào là chính quyền của dân, do dân và vì dân, hơn là thấy ông chủ tịch ở trong nước thì khoá miệng dân, đi ra ngoài thì khoa môi múa mỏ “sống trên đời là để yêu thương nhau”, về đến nhà lại tuyên bố với đám quân đội vũ trang rằng bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát.

Và những tranh luận đối thoại này sẽ được trình chiếu trên màn hình cả nước để ai ai cũng nhìn thấy đất nước bắt đầu thực sự đổi thay.

Được như thế, khối người Việt hải ngoại chắc sẽ sẵn lòng tích cực hỗ trợ công trình xây dựng và phát triển đất nước trên mọi phương diện. Khỏi có những cảnh xuống đường biểu tình mỗi khi có những phái đoàn trong nước viếng thăm để rồi bị gán cho là chống cộng cực đoan, chống phá đất nước, nguyền rủa quê hương, chất chứa hận thù.

Các nhà lãnh đạo dân chủ và quần chúng trong nước hãy cùng suy nghĩ về những điều trên. Cơ hội dường như đang tới, xin đừng bỏ lỡ. Tương lai của dân tộc, của chính quí vị đang ở trong tầm tay quý vị.
Phương Duy
(11/2007)

No comments: