Về một Giáng Sinh xưa

Về một Giáng Sinh xưa

Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Ở tuổi mười bảy, thằng tôi, đen đủi, còm nhom, miệng thày lay, tay hậu đậu. Bạn bè chọc ghẹo thêm: cái thằng tay triêu, đập niêu không vỡ, đánh vợ không đau. Thằng tôi nhỏ con, xấu xí, đi đứng ật ưỡng như con lật đật. Vậy mà vẫn có cái uy, dĩ nhiên là ở nhà, với hai đứa em.

Nhỏ Út là gái, ngoan ngoãn hiền lành, không có gì để nói. Có uy với thằng em trai kế, nhỏ hơn hai tuổi, to con, tốt mã, theo ngôn ngữ thời nay thì là có ngoại hình đẹp, mới là chuyện kỳ cục. Ra đường, nó chơi trò đàn anh với đám trẻ cùng lứa, lại đánh bạn với những thằng hơn cả tuổi anh nó. Về nhà, lại xếp re với cái thằng tôi yếu nhớt. Của đáng tội, cũng có một lần, nó dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay chống lại tôi. Số là hôm đó chú mèo nhà đi săn ở khu vườn hoang nhà ông Bảo bên cạnh, rình bắt được một con chim cút mập ú, nó tha về cho lũ con nó tập săn mồi. Thấy con chim quá hấp dẫn, tôi thu hồi chiến lợi phẩm, mang vào bếp làm thịt rồi đem rôti thơm phức, định bụng chờ cả ba anh em đi học về sẽ chia nhau thưởng thức. Không ngờ, trong lúc tôi bận việc chi đó, thằng em bất ngờ về nhà, nhìn chú chim quay ròn quá đã, đem ra đánh chén một mình. Khi trở vào nhà, thấy con chim đã chỉ còn bộ xương, nhìn lại thằng em, bộ mặt của nó, rạng rỡ thấy phát ghét, tôi giận dữ chửi rủa và cho nó mấy đấm. Không nói năng gì, nó lẳng lặng đạp cho tôi một đạp, rồi co giò phóng mất dạng, không kịp quay đầu ngó lại. Tối mịt, tôi phải dẫn mẹ đi gọi nó về, tôi biết nó trốn ở đâu, hứa tha tội, nó mới dám về. Coi, thằng anh “xi cà que” mà cũng oai dữ?

Nói vậy thôi, trong xóm thằng tôi cũng có đôi chút nể nang. Xóm quê những năm sau thời đệ nhất Cộng Hoà thật tiêu điều xơ xác. Công việc làm ăn khó kiếm cộng thêm tình trạng an ninh về đêm bất ổn làm nhiều gia đình tương đối khá giả sợ hãi. Họ di chuyển về thành phố, hoặc đến những vùng tương đối an ninh hơn, nhất là đám thanh niên trai trẻ. Ban ngày, những mái tranh xơ xác ẩn nhẫn trong đời sống nghèo nàn, đơn sơ bình dị dưới mưa nắng gió bão. Ban đêm là sinh hoạt của những alô tuyên truyền, những hoạt động đào đường đắp mô, phá hoại đời sống bình thường của người dân quê. Lâu lâu có vụ hai bên đụng độ, để rồi sáng ra thấy một thây người co quắp ở một góc đường nào đó, nhìn kỹ lại thì hoá ra thằng Tửng, thằng Đực…, những đứa mà chỉ mới năm rồi hay vài tháng trước tôi còn nô đùa khi gặp chúng đi chăn trâu chăn bò ngoài cánh đồng trống. Đám thanh niên trai tráng không nhập ngũ thì cũng bỏ về thành, tránh cái cảnh đêm đêm bị lùa vô bưng. Xóm quê còn lại toàn người già, phụ nữ và con nít, trở nên hoang tàn kiệt quệ, dường như mất hết sinh khí. Còn lại đám thiếu niên choai choai chúng tôi ở cái xóm công giáo di cư này, chưa bị lùa vào bưng, có thể vì tối đến, nhà nhà cổng đóng then cài, ai gọi cửa cũng nhất định không mở. Cũng có thể còn được nương tay vì họ còn bận rộn công tác ở những xóm địa phương khác có hiệu quả hơn, vì đám bắc kỳ di cư nổi tiếng phản động, ngoan cố và bất trị, vì không thể tin tưởng, vì đang ở giai đoạn tuyên truyền chưa cần biện pháp mạnh hay vì những lý do gì khác. Nói chung, cả xóm, trừ một vài người bị kết án “có nợ máu với nhân dân” và đã bị giết, chưa ai bị lôi kéo, bắt bớ vào bưng cả.

Năm ấy tôi học đệ nhị, sau này gọi là lớp 11, chuẩn bị thi tú tài phần 1. Không chăm cũng chẳng giỏi, được cái học đều và nhanh, bài vở chỉ liếc sơ qua đêm trước vài lần là đủ trả bài vào sáng hôm sau nên đâm ra ỷ y làm biếng. Vả lại mới đầu năm học, còn khối thời gian. Bởi vậy, đi học về, cùng mấy thằng bạn không phải lo thi cử lang thang, cà phê cà pháo, văn nghệ văn gừng. Cuối tuần lại kéo nhau lên sân nhà thờ đánh volley. Chúng tôi thích đá banh, nhưng không đủ người, đành chơi banh chuyền vậy.Lấy nhà thờ làm ranh giới chia ra hai khu vực đông, tây để đấu với nhau. Để thêm phần hào hứng, giải thưởng cho mỗi trận đấu thường là một chầu gì đó: ăn sáng, nhậu nhẹt hay cà phê buổi tối, tuỳ theo túi tiền từng lúc mà bên thua trận phải bao. Đôi lần, cha H., người cai quản xóm đạo, có thì giờ rảnh rỗi cũng tham gia trận đấu, cho khỏe người, như ông nói.. Một hôm ông bảo:

– Các cậu cứ lông bông lêu bêu suốt ngày như thế này, không có việc gì làm cả sao?

Một thằng trả lời:
– Thì cha biết đấy, trong xóm nghèo này thì có việc gì đâu mà làm. Mỗi nhà có tí vườn, làm ít ngày là đâu đã vào đấy cả. Ở đây buồn muốn chết. Tụi con không lang thang đi chơi thì ở nhà nằm ngủ suốt ngày à.

– Ờ! – Cha H. nói – Các cậu rảnh rỗi thì hãy làm một cái gì cho làng xóm sinh động lên coi!
– Biết làm cái gì bây giờ?
– Thì thay vì la cà ngoài quán, tụ tập nhau ăn tục nói phét, đàn địch ca hát ỏm tỏi. Các cậu thử dung tài trí của mình, khuấy động nổi đình nổi đám cho đồng bào xóm này lên tinh thần, cha hứa hỗ trợ tối đa.

Đang lúc rảnh rang, được lời như mở tấm lòng, lại có mục đích cho cuộc tụ tập vui chơi, chúng tôi đồng ý lên một chương trình văn nghệ tạp lục vào dịp lễ Giáng Sinh 3 tháng sau đó.

Ngặt một nỗi, loe hoe hơn chục đứa, có phấn khởi, coi như được dịp lân la tán gái tự do(ở quê thời này, chuyện tán tỉnh còn khó khăn lắm), nhưng không tài nghệ, không tiền bạc trong tay thì làm được gì? Chúng tôi họp nhau bàn cãi loạn cào cào. Rốt cuộc chúng phán: anh em thằng “Còm” (biệt danh của tôi) có máu văn nghệ, biết đánh guitar, vậy làm trưởng ban tổ chức văn nghệ là hợp lý. Tôi mê đờn địch nên mua về một vây, học lóm thiên hạ chớ biết mẹ gì mà làm trưởng ban, nên dẫy nẩy không chịu. Chúng nó mặc xác, cứ lên báo cáo với cha H., ông cũng đồng tình:

– Ừ, nó coi dáng bộ đàng hoàng, cha đồng ý.

Thế mới chết cái thằng tôi. Thôi, không mỡ xài đỡ đèn cầy. Tôi phải vận dụng hết tài năng và sự khôn khéo ra lãnh đạo một đám choai choai, ương như ổi, phá như giặc.

Trước hết phải gây quỹ. Trong đám, đứa còn đi học, đứa khác lang bang không nghề ngỗng. Tất cả vẫn ngửa tay xin tiền cha mẹ thì tài chánh ở đâu để làm văn nghệ? Tôi nảy ra ý kiến làm sổ xố. Như vậy, chương trinh văn nghệ tạp lục sẽ có hai đêm: đêm đầu là đêm quay sổ xố với văn nghệ tự phát, đêm sau, vọng Giáng Sinh mới là đêm văn nghệ chính. Như thế càng vui, càng được ủng hộ. Nói chung, đời sống xóm quê trong nhiều năm trời vô cùng tẻ nhạt và lo lắng. Nay được sống lại cảnh thanh bình mở hội của mấy năm về trước, ai cũng rộn rã, tuy xóm quê chỉ toàn người già, đàn bà và trẻ nít. Chúng tôi cho in mười ngàn vé với giá một đồng một vé. Thời ấy, với giá ba đến năm đồng một tô phở hoặc một bữa cơm bình dân thì mười ngàn cũng là một món tiền khá to. Dự đoán xử dụng 50 phần trăm cho các giải trúng, ngân quỹ cũng còn năm ngàn. Chí ít, nếu chỉ bán được khoảng 80% vé, chúng tôi cũng có ba ngàn chi tiêu cho mục văn nghệ, vậy cũng tạm đủ. Chúng tôi dự trù làm cuộc vui chung cho cả mấy xóm chung quanh. Bất ngờ cha H. không chấp nhận, chỉ cho phép phổ biến vé trong xóm đạo. Thế là chúng tôi thất bại. Đám dân trong xóm, dù rất ham vui, nhưng chỉ muốn coi “chùa”, moi được đồng bạc của họ, cho dù với hy vọng có thể may mắn trúng được một món gì đó là điều thiên nan vạn giải. Rốt cuộc chúng tôi lại phải kêu gọi sự giúp đỡ của chính gia đình mình trong việc mua số. Cố gắng hết sức cũng chỉ tiêu thụ được ba ngàn vé. Giải thưởng đã mua không thể hồi lại. Chưa gì, chúng tôi đã lỗ hai ngàn. Một kinh nghiệm thật đắng cay. Lên phàn nàn với cha H. vì lệnh cấm phổ biến ngoài xóm quái ác của ông. Cuối cùng, cha H. đền bù cho chúng tôi với chiếc đồng hồ Seiko trị giá ba ngàn của giải độc đắc. Còn lại được một ngàn, chúng tôi đành tự xoay xở thêm: mỗi đứa trong bọn phải đóng góp năm chục trong vòng ba tháng. Một bài họccần thuộc:phải tìm kiếm bảo trợ trước khi dấn thân vào bất cứ chuyện gì.

Xong chuyện tài chánh, đến phần văn nghệ. Dàn dựng sân khấu, đèn điện sẽ được xử dụng từ vật liệu của hội trường nhà xứ. Phần trang trí, phông màn, tất cả cùng làm chung. Tuấn ‘cậu”, Vinh “khoèo”, 2 người đang là nhân viên uỷ ban hành chánh xã, sẽ phụ trách phần âm thanh, lo mượn về và điều khiển. Nội dung văn nghệ mới là điều quan trọng. Xóm nghèo, không có nhạc cụ, cũng phải có đủ ca vũ kịch. Nhân sự không có, chúng tôi rủ đám con gái cùng hợp tác. Chúng nó thích lắm, nhưng đứa nào cũng le lưỡi lắc đầu, thuở ấy xóm quê còn rất phong kiến: nam nữ cứ phải là “thụ thụ bất thân”. Mời tập hát chung vài bài hợp ca vẫn cứ từ chối, chỉ một hai đứa mạnh dạn nhận một vài tiết mục đơn ca. Khó khăn vậy mà sau đó cũng có mấy cặp nên duyên.

Không gạ gẫm được các em đứng chung hàng ngũ, tôi tìm cách khác. Đó là mấy cô thành lập một đội múa nhi đồng, nhờ các cô tập dợt. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua coi bài hát và việc luyện tập tiến triển tới đâu. Đây cũng là cách vừa có cơ hội giao tiếp, vừa có điểm, có cảm tình lại vừa vuốt ve lòng tự hào của các cô. Gái quê coi vậy mà muốn gần gũi là khó thấu trời chứ không phải chuyện chơi.

Còn lại mười mấy mống con trai phải làm đủ mọi việc. Để có thể tập trung tất cả trong thời gian dài, chúng tôi chỉ có thời gian về đêm. Thế nhưng, tập trung một chỗ vào ban đêm ở trong xóm hết sức nguy hiểm. Bóng đêm là bạn của các” đồng chí”. Các”ngài” có thể về bất thần và hốt trọn ổ. May mắn có một căn phòng của nhà xứ nằm trong khuôn viên rất rộng lớn của nhà thờ, khuôn viên này được bao bọc bởi một hàng rào tre gai dầy dặc, những cánh cổng cao khi được khoá kỹ không thể xâm nhập. Căn phòng rất kín đáo, la hét lớn tiếng, bên ngoài khuôn viên cũng không nghe thấy. Đó là nơi cha H. dành cho chúng tôi tâp dợt văn nghệ: hài kịch, bi kịch, nhạc cảnh, hợp xướng, đơn ca và tiếp theo là các màn trình diễn thời trang mua vui (đàn ông), cà phê, mì gói, tiếu lâm thời đại…

Ba tháng rồi cũng qua đi, ngày diễn tới gần. Tính chất đùa cợt của chúng tôi cũng giảm cường độ để trở nên nghiêm túc hơn. Do đó, tât cả đều làm việc thật hăng say với đầy thiện chí. Bọn con gái, sau một thời kỳ tiếp xúc đã bớt bẽn lẽn và tham gia tích cực hơn. Không có việc gì làm cũng về nhà kiếm ít trái chanh, ít đường ít đá cục cho các anh giải khát hay tặng các anh gói thuốc hút giải lao (hút thuốc mà giải lao? Lao nặng thì có). Cánh con trai chúng tôi được các em chăm sóc chu đáo, bèn hăng say mà làm chết bỏ luôn.

Đêm sổ xố thật vui, người xem đứng chật công viên nhà thờ. Số dân ở ngoài xóm đông hơn dân trong xóm gấp bội. Lâu lắm rồi không có những cuộc vui như vầy, kể từ khi có đoàn cải lương về hát bị đặt chất nổ, vài người banh xác, không đoàn nào dám về hát nữa. Họ trách chúng tôi không bán vé số cho họ để họ cùng vui. Nhưng biết làm sao với lệnh cấm của cha H., ông e ngại bị mang tiếng lợi dụng tôn giáo để làm tiền. Chúng tôi chia ra thật nhiều giải trúng, để đêm vui được kéo dài, xen kẽ vào là những màn trình diễn đơn ca của các ca sĩ vườn, dưới tiếng đàn đệm thay nhau của anh em tôi. Người hát một nơi, đàn đi một ngả, chẳng biết ai sai. Dứt tiếng vẫn có những tiếng vỗ tay xen với tiếng huýt sáo ầm ĩ. Một đêm vui tốt đẹp.

Hôm sau, đêm vọng Giáng Sinh mới là đêm chính. Khán giả vẫn đông như đêm trước. đêm nay có phần trang trọng hơn. Có diễn văn khai mạc, có giới thiệu chương trình. Trong trình diễn hợp ca “Sáng Rừng”, nhìn 2 anh em tôi đứng ở hai đầu đệm đàn, có giọng con gái từ dưới vọng lên: “Anh em thằng ‘Còm’ hôm nay lãng tử hết chỗ chê” làm tôi sung sướng, mũi nở đến muốn tét. Những tiếng cười như phá trong phần hài kịch, vài chiếc khăn tay chấm mắt trong phần bi kịch cũng làm cánh con trai chúng tôi nức lòng, mặc dù toàn kịch sĩ a ma tơ, âm thanh lại không được tốt lắm. Phần múa của các nhi đồng trong “Tiếng Dân Chài” do các cô đạo diễn, hơì luộm thuộm trong trang phục, do thiếu hụt về tài chánh. Các em múa khá thuần thục, tuy chưa hoàn chỉnh với tiếng ca của chúng tôi vì thiếu tập dợt chung. Nói chung, theo tiêu chuẩn một xóm quê nghèo nàn lạc hậu miệt vườn, với những tay mơ tổ chức lần đầu, chúng tôi đã không làm văn nghệ. Chúng tôi chỉ mang đến ít tiếng cười đã tắt từ lâu, ít gíó mát đã quên thổi trên những làn da khô héo. Có lẽ chúng tôi đã mang lại cho xóm quê một ít sinh khí nếu không có chuyện bất ngờ xảy ra.

Bấy giờ, trời đã khá khuya, văn nghệ cũng sắp tàn. Những người già, trẻ nhỏ mệt mỏi đã trở vể nhà nghỉ ngơi một chút trước giờ thánh lễ nửa đêm, chỉ còn lại đám trẻ ham vui. Lời ca tiếng nhạc cũng từ từ lắng xuống. Bỗng nhiên có những bóng người lố nhố xuất hiện, mình giắt đầy lá cây và tay lăm le khẩu súng. Từ xa trong bóng tối, chúng tôi cứ tưởng là những người lính nghĩa quân trong công tác tuần tiễu. Khi họ tiến tới gần, có ánh đèn mới thấy họ lạ hoắc, trên đầu một số cũng đội những chiếc nón thật lạ, sau này mới biết đó là nón cối. Chúng tôi hoảng sợ thì một người có súng ngắn, vai lủng lẳng một chiếc cặp như học sinh, có vẻ là chỉ huy đến nói:

– Yêu cầu các anh đứng yên. Sẽ không có chuyện gì cả. Chúng tôi là đoàn quân giài phóng miền Nam muốn nói chuyện với đồng bào ở xóm này. Vậy một người trong các anh đi kéo chuông để tập trung đồng bào lên đây ngay bây giờ.

Một đứa trong chúng tôi lên tiếng:
– Dạ, chưa tới giờ, cha xứ không cho kéo chuông.
– Cứ đi kéo đi! – Anh ta ra lệnh – anh em chúng tôi đã kiểm soát hết vùng này rồi.
– Dạ không được! Cha chưa cho phép.

Biết không thể nài ép, tên cán bộ dịu giọng:
– Thôi được! đưa tôi vào gặp anh “cha” của các anh coi.!
Hắn bảo một đứa trong bọn chúng tôi dẫn đường, rồi cả bọn kéo nhau đi về phía nhà xứ.
Tôi quay nhìn vào phía trong hội trường, nơi làm hậu trường sân khấu, Tuấn “cậu” và Vinh “khoèo” 2 thằng mặt trắng bệch như hai tờ giấy. Chúng nó đang làm việc tại uỷ ban xã và có lẽ đang nhớ tới cái chết cũa ông Bảo, phó chủ tịch xã cách nay chưa đầy hai năm. Bọn họ mà biết được chúng là ai thì đêm nay là đêm cuối đời của hai đứa. Tuấn lẳng lặng mở cửa chui vào cái kho chật ních đồ đạc bàn ghế của hội trường, leo trốn trên trần nhà. Mấy đứa còn lại chúng tôi cũng mặt xanh như tàu lá, chỉ là đám dân quèn, chắc họ không giết hại, nhưng bắt vào bưng cũng dám lắm chứ. Thừa lúc nhà thờ kéo chuông, thiên hạ kẻ đến người đi, chúng tôi bảo nhau tuần tự từng đứa giả bộ tiến vào nhà thờ, rồi tự động tìm những nơi kín đáo tối tăm nhất, gác đàn, lầu chuông… kiếm một nơi ẩn núp

Rồi giọng của tên cán bộ oang oang trên bục giảng của thánh đường. Tôi chẳng còn tâm trí đâu để nghe hắn nói những gì. Năm ấy, lần đầu tiên, nhạc Giáng Sinh không thánh thót mà nghe như nghẹn ngào hốt hoảng. Năm ấy trên bục giảng không có lời nguyện cầu bình an mà có súng có đạn, có lời chửi rủa Mỹ nguỵ tay sai. Bên hang đá Chúa, các thiên thần, các mục đồng, các nhà thông thái và cả Chúa Hài Nhi bị vây bủa từ những người về từ bên kía cánh rừng. Họ không đến từ ánh sao lạ trên trời để nhận biết Chúa. Họ đến để mang tới một vì sao riêng của họ, vì sao có sắc vàng trên một nền đỏ của sắt máu hận thù. Họ muốn vì sao ấy sẽ thay thế các vì sao khác để bao trùm ngự trị trên khắp nước Việt Nam, trên khắp toàn cầu.

Tôi nằm trên gác chuông nhà thờ suy nghĩ thật lâu. Thánh lễ nửa đêm đã tan tự lúc nào. Có lẽ người đi dự lễ đã ra về khá bồn chồn lặng lẽ. Không biết có xẩy ra chuyện gì? Phải chăng sự ồn ào náo động của 2 đêm văn nghệ vườn chúng tôi làm đã là cơ hội để cho đám người ở phía bên kia giựt lấy toà giảng ngay trong đêm Chúa giáng trần? Thiện chí của chúng tôi, thay vì đem lại một chút sinh khí cho xóm quê, vô tình lại gieo rắc nỗi lo sợ lớn lao hơn?

Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó là những ngày Mậu Thân ngút lửa. Ôi! Một Giáng Sinh không an bình. Phải chăng đó là điềm báo trước?

Phương Duy
Giáng Sinh 2007