Suy tư mùa Phục Sinh.

Đồng hành với Chúa trên đường khổ nạn.

Niên lịch phụng vụ của giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng chia ra nhiều mùa như các lịch khác nhưng không theo thời tiết Xuân Hạ Thu Đông, mà thể hiện xúc cảm tâm linh của giáo hội theo từng thời kỳ của hành trình cứu thế của Đức Kitô: mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh.

Mùa Vọng, truớc lễ Giáng Sinh, diễn tả thời gian mong đợi một đấng cứu thế đến cứu con người trong một thế gian tội lỗi.

Mùa Giáng Sinh, niềm vui nhân loại chào mừng đấng cứu thế giáng trần, một nối kết giữa Thiên Chúa và con người, khởi đầu cho một công trình cứu chuộc thế giới khỏi hoạ diệt vong.

Mùa Chay, sự ăn năn sám hối chuẩn bị cho biến cố quan trọng nhất của giáo hội: tưởng niệm sự khổ nạn của Chúa, chuẩn bị tâm hồn trước khi đón mừng lễ phục Sinh.

Mùa Phục Sinh: Hoàn tất công trình cứu chuộc qua cái chết đau thương và chiến thắng huy hoàng với sự sống lại trong vinh quang của Chúa Kitô.

Chúng ta đang ở trong mùa Chay, nên bài viết chỉ xin đề cập đến mùa này. Mùa Chay bắt đầu từ ngày thứ Tư lễ tro ngay sau khi mùa Giáng Sinh chấm dứt và kéo dàì trong khoảng 40 ngày, kết thúc bằng lễ vọng Phục Sinh để mở đầu cho mùa Phục Sinh mới. Trọng tâm của mùa Chay là tuần cuối cùng trước lễ Phục Sinh, chặng chót của con đường khổ nạn, thường được gọi là tuần Thánh hay tuần Thương Khó.

Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật lễ lá (Palm Sunday, nghi tbức thánh lễ kỷ niệm sự việc vào thành Jerusalem trong vinh quang. Đức Kitô ngồi trên lưng lừa đi vào thành, đám đông tay cầm cành lá ô liu, cởi áo ngoài lót đường cho Chúa đi và đón tiếp tung hô Ngài như một vị vua. Để rồi chỉ ít lâu sau, cũng chính đám đông kết án tử hình Ngài nhục nhã như một tên tội phạm.

Tuần thánh lên cao điểm vào ngày thứ Năm. Trong ngày này có lễ Thánh Thể, thánh lễ kỷ niệm bữa tiệc ăn mừng lễ Vượt Qua (Passover, một lễ trọng của dân Do Thái kỷ niệm biến cố vượt thoát qua Biển Đỏ từ Ai Cập để trở về Đất Hứa) cuối cùng Chúa Jesus tham dự cùng các tông đồ, được gọi là bữa tiệc ly, theo truyền thống, thường ăn bánh không men và rau đắng. Giữa buổi tiệc, Chúa cầm lấy bánh và rượu, bẻ ra trao cho các môn đệ với lời tuyên bố đó là chính máu thịt của Ngài, là của ăn cho sự sống đời đời, được coi là sự thiết lập mầu nhiệm Thánh Thể. Sau đó là lời tiên đoán Ngài sẽ bị một trong các tông đồ phản bội,bị bắt bớ gia hình và máu sẽ đổ ra cho công cuộc cứu chuộc. Buổi tiệc còn nổi tiếng với hành động Chúa quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ truớc khi vào bàn tiệc, dạy họ phải biết khiêm tốn làm những điều hèn mọn cho nhau. Nghi thức này vẫn được tiếp tục lập lại trong ngày này hàng năm. Nhiều nơi vẫn gọi ngày lễ thứ Năm này là lễ Rửa Chân.

Ngoài ra, còn một số biến cố phụ thuộc khác, sự phản bội, ghen ghét, bán Chúa và giả hình. Hoạ sĩ tài danh Leonardo Da Vinci vào thế kỷ XV đã diễn tả bữa tiệc ly qua tác phẩm nổi tiếng "The Last Supper" mà mới cách đây vài năm, nhà văn Dan Brown đã tạo nên những tranh luận sôi nổi qua tác phẫm gây sốc "Da Vinci Code" của ông xuất bản năm 2003 và đạo diễn Ron Howard quay thành phim còn chấn động hơn với các tài tử Tom Hanks, Audrey Tautou.

Đó là chuyện bên lề. Trở lại với Thứ Sáu tuần thánh (Good Friday), ngày Chúa chịu nạn. Tột cùng của sự thống khổ. Chúa bị quân lính mang gươm giáo đến bắt bớ khi đang cấu nguyện trong vườn Gethsemane, bị lôi ra toà, sỉ nhục, kết án tử. vác thánh giá lên đồi, chịu đóng đinh vào thập giá và trút hơi thở cuối cùng,xác được tang trong mồ đá. Ba ngày sau ,mặc cho lính canh giữ trước mồ, Ngài sống lại và lên trời, chiến thắng sự chết trong vinh quang.

Ở quê nhà, vào ngày thứ Sáu tuần Thánh, giáo dân suốt ngày đi chặng đường thánh giá, chầu lượt và ngắm mười lăm sự thương khó. Ở nơi đây, một giáo xứ Úc nơi người viết sinh sống trên hai mươi năm, chặng đường thánh giá đồng hành với Chúa cũng được tổ chức mỗi năm, hình thức có khác đi một chút.

Con đường đồng hành với Chúa không diễn ra ở bên trong hay chung quanh xứ đạo mà là một đoạn đường ngoài phố khoảng trên dưới một dặm Anh, khởi đi từ ngôi nhà thờ của hội thánh Tin Lành Hiệp Nhất (Uniting Church) và kết thúc ở tại trước sân nhà thờ giáo hội Công giáo La Mã (Roman Catholic). Đặc biệt, cả hai giáo hội kể trên cùng với giáo hội Anh Giáo tại khu vực địa phương cùng hợp lực tổ chức bước đi chung dưới một cây Thánh Giá, cùng đọc và hát những lời suy niệm chung trong tinh thần hiệp nhất với Chúa và cùng với nhau. Mười bốn chặng đường thương khó nhắc lại đầy đủ những giờ phút nghiệt ngã cuối cùng của Chúa: sự lo lắng, bị phản bội, chối bỏ, bắt bớ giam cầm, đánh đập sỉ nhục, bị lên án, bị vác cây thập giá nặng nề, dập vùi ngã gục, niềm sót thương, sự tha thứ, và cái chết nhục nhã trước khi sống lại trong vinh quang.

Nhìn sự khổ hình qua khía cạnh xã hội, xa thật xa, bên kia bờ biển rộng cũng có một nhóm người đang tuần hành với con đường khổ nạn của Chúa. Không như ở đây với một đám đông chỉ chừng dăm bẩy trăm người tập trung bước theo thánh giá trên một đoạn đường ngắn, đám đông bên đó thật đông và con đường khổ nạn thì thật dài, lâu lắm rồi chưa thấy chặng cuối. Đám đông đó là cả dân tộc Việt Nam đang đồng hành với Chúa trên con đường khổ nạn của Ngài, dù có đến trên 90 phần trăm chưa nhận biết Ngài là Chúa. Họ đã cùng bước theo Ngài với cây thập giá đè nặng trên vai, không phải chỉ trong ngày thứ Sáu thánh này, không chỉ trong từng mỗi mùa Chay 40 ngày mà đã trên 60 năm. Vâng, thưa Chuá, hơn sáu mươi năm.

Giống như Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ,,nhân dân VN đã được vinh danh một cách giả dối rằng chính họ là những chủ nhân thực sự của đất nước. Và cứ ngày ngày, những chủ nhân vẫn đều đều phải rửa ráy và hôn lên những bàn chân dơ bẩn của những tên vỗ ngực xưng là đầy tớ và miệng lưỡi lại nhân danh nhân dân ép buộc chủ nhân phục vụ mình.

Giống như Ngài bị bắt giải ra toà án, nhiều người Việt Nam đang bị bắt bớ giam cầm, lăng mạ sỉ nhục, đánh đập tra khảo hàng ngày, bị khép tội và xét xử với những tội danh bịa đặt vu vơ không hề có trong một xã hội văn minh, để rồi bị kết những bản án vô lý bất công.

Giống như Ngài bị phản bội, họ đã bị phản bội vì những lời đường mật lừa dối về lòng yêu nước, về tính ưu việt của chế độ, những chiếc bánh vẽ, những thiên đường ảo. Thực tế là những trò bán nước giấu mặt, sự áp đặt một thể chế độc tài toàn trị, bánh vẽ trở thành độc dược, thiên đường ảo biến thành một thứ địa ngục thật: địa ngục trần gian.

Giống như Ngài bị chối bỏ, dân tộc VN bị chối bỏ những quyền căn bản nhất mà hầu hết các dân tộc đang được hưởng, quyền được làm người theo đúng nghĩa tự do, bình đẳng và công lý. Đã thế, còn bị thế giới cố tình quay lưng ngoảnh mặt.

Giống như Ngài bị tra tấn bóc lột trần truồng, nhân dân VN cũng đang bị trấn áp bóc lột mọi nơi mọi chỗ. Họ không những bị cướp bóc hết mọi của cải vật chất mà còn bị bóc lột hết mọi giá trị tinh thần từ đời sống tâm linh đến luân lý đạo đức, tư tưởng đến văn hoá, từ suy nghĩ đến hành động đều phài đi trên chỉ một con đường, chỉ hướng về một chiều duy nhất. Không những thế, họ còn bị bóc lột cả lương tâm và giá trị con người trở thành những món hàng trần truồng đúng theo nghĩa đen trước mắt bọn đàn ông dã thú dâm dật nước ngoài, những con vật bị bóc lột sức lao động đến những giọt mồ hôi cuối cùng.

Giống như Ngài phải đội mũ gai, phải vác thập giá, nhân dân VN cũng đang phải đội những vòng gai “phản động” trên đầu với hàng trăm ,ngàn cánh gai ác độc đâm thấu buốt tim. Họ đang bị bịt mắt, bịt tai, bịt miệng để không thấy mình đang phải vác cây thập giá nặng nề, cây thập giá đỏ loét đã từng thấm máu hàng triệu người vô tội. Cây thập giá đỏ ấy, dù nay đã được che đậy bằng một lớp màu xanh tư bản để giấu bớt sự ghê rợn khủng khiếp, vẫn còn cố móc thêm vào cái đuôi XHCN như sợi dây thòng lọng luôn móc vào cổ người dân ngõ hầu họ không thể xa rời thập giá, không thể nào thoát ra khỏi ách thống trị bạo tàn của một nhóm người tham quyền cố vị.

Giống như Ngài nhiều lần ngã xuống trên con đường khổ nạn, dân tộc VN đã biết bao lần ngã gục. Những lần ngã gục chan hoà máu và nước mắt dưới chân bởi những chiến dịch toàn mang những mỹ từ, thực chất là những biến động kinh hoành: cải cách ruộng đất 1954- 1955, tổng công kích Mậu Thân 1968, tổng nổi dậy mùa Xuân 1975, tập trung cải tạo “nguỵ quân nguỵ quyền” VNCH, tiêu diệt tư sản, cải tạo công thương miền Nam, vùng kinh tế mới… Khi giật mình quay lại nhìn thì đó là những chính sách diệt chủng đã tiêu hao nhiều sinh mạng, đất nước lâm vào cảnh tang tóc đau thương. Sự sai lầm lớn lao của thời bao cấp đã đẩy đất nước xuống vực thẳm. Tiếp theo là chính sách đổi mới giả hiệu nửa vời để cho đám đấy tớ của nhân dân giữ chặt quyền lực, tạo cơ hội cho bè đảng của chúng tha hồ tham nhũng vơ vét tài sản, công sức của đất nước và người dân cho đầy túi tham của bọn họ. Những sai lầm nghiêm trọng cũa đám lãnh đạo đang làm nghiêng ngả sức lực VN. Sự suy thoái nền kinh tế, lạm phát cao... làm cho đất nước có nguy cơ sụp đổ trong tương lai.

Giống như Ngài chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, dân tộc VN đã đang chịu đóng đinh dưới đủ mọi hình thức. Từ mớ luật rừng mù mờ khó hiểu tha hồ cho giới thống trị lợi dụng, giải thích và áp dụng tuỳ tiện đến các nghị định nghị quyết quái đản kiểu đảng cử dân bầu, đi lề bên phải, quy hoạch, giải toả, xung công, tự hiến. Từ phương cách cho quân đội công an chính qui sử dụng vũ khí đàn áp thẳng tay đến các phương pháp cô lập cách ly, thẩm vấn hăm doạ , bắt nguội đến những trò hèn hạ đểu giả hơn: giả dạng lưu manh, thuê mướn côn đồ để gây hấn, hành hung, thậm chí tiêu diệt người vô tội để buộc họ phải chịu hoàn toàn khuất phục.

Tất cả chúng đều là những mũi đinh nhọn đâm xoáy nhức nhối vào cơ thể tan nát rã rời của dân tộc ta. Cùng với những mũi đinh đau đớn này, quyền làm người của dân tộc VN đang cùng hấp hối với Chúa trên thập giá. Ngài xuống thế để làm người và chết đi để cứu chuộc loài người, thế mà người dân VN cho đến nay vẫn chưa được làm một con người đích thực. Tự do, công lý, bình đẳng tạo ra hạnh phúc, là lẽ sống của con người. Khi lẽ sống bị cướp đoạt, đời người có thể coi như đã chết.

Giống như Ngài, dù bị hành hình vẫn tha thứ cho kẻ đã gia hại mình vì chúng không biết tội ác chúng làm, dân tộc VN sẵn sàng thứ tha cho những kẻ đã đày đoạ trấn áp họ trong nhiều thập niên, nếu họ biết ăn năn hối cải, quay lưng với những tội ác họ đã gây ra. Thứ tha nhưng không quên lãng. Dân tôc VN đòi công lý phải được thực thi, đòi sự thật phải được phơi bày. Nhân dân VN mong muốm một cuộc sống bình thường, không cần sự xót thương. Hãy xót thương cho chính các ngươi và than khóc trên đầu con cháu các ngươi (khi lịch sử phê phán) như lời Chúa nói.

Bằng cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã chấm dứt hành trình làm người, kết thúc con đường khổ nạn, hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại. Rồi Ngài đã sống lại trong vinh quang, sự sống lại là một bằng chứng hiển nhiên về nước Trời và sự sống đời sau cho những ai tin vào Chúa. Con người đã đồng hành với Chuá trên đoạn đường ngắn nhân ngày kỷ niệm Chúa tử nạn. Họ ra về trong thương cảm ngậm ngùi, nhưng họ sẽ hân hoan lớn tiếng hát mừng ca khúc khải hoàn Allelluia trong đêm Phục Sinh.

Riêng dân tộc VN cùng vác thập giá, cùng đồng hành với Chúa trên con đường khổ nạn, nhưng con đường đau thương, sự khổ nhục ấy đã kéo dài qua nhiều năm tháng vẫn còn như bất tận. Tư do, hạnh phúc, công lý và bình an của người dân VN vẫn lặng im trong mồ chưa sống lại. Bóng tối vẫn bao phủ mịt mùng, chưa có một tia hy vọng chiếu rọi lên đất nước khốn khổ này.

Lời nguyện cuối mùa chay: Lạy Chúa là đấng toàn năng hằng hữu, từ bi nhân ái, công minh và chính trực, hẳn khi mặc xác thế trần cứu chuộc muôn dân,Ngài đã ước muốn giải thoát cái thế giới sa đoạ tội lỗi này, hoán cải thành một thế giới bình an, hạnh phúc, thánh thiện. Xin vì công nghiệp Chúa, hãy cứu giúp dân tộc VN, một dân tộc đã cùng vác thập giá bước theo Ngài, qua khỏi hành trình đau thương nguy khốn , quá dài này. Xin cho cuộc tử nạn trong công trình cứu chuộc của Ngài mang theo những lăng mạ nhục hình, oan trái bất công, những mưu toan lừa đảo mà họ đang phải gánh chịu để dân tộc VN được chia sẻ sự sống lại với Ngài, một sự sống có đủ chất “người”, để họ thấy được tương lai, được hoà nhập với mọi dân tôc trên thế giới đồng hành trên con đường Phục Sinh: con đường của sự toàn thiện, chân lý, hoà bình, tự do, ấm no và hạnh phúc. Amen!

Australia, mùa Phục Sinh 2008
Phương Duy

No comments: