Chí phèo thời đại (chương 13)

Chương 13 – Hội chợ "Đắp Tô"


Bạch công tử ngày càng giàu tiền lắm bạc. Gã đi khắp nơi, quen biết nhiều, giao thiệp rộng. Được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ khắp chân trời góc bể, gã rất thích thú. Tuy thế, gã là người hay tính toán hơn thiệt. Gã nghĩ thầm trong bụng:,giá mà mình có thể coi những gì mình thích, có những gì mình muốn , thưởng thức những món trân quí nhất trên đời bất cứ lúc nào mà không phải đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm như lúc này thì thật khóai biết bao. Được thế sẽ đỡ tốn kém thì giờ và hao tổn tiền bạc.
Từ đó, gã ngày đêm tập trung suy tưởng. Một ngày nọ, gã bỗng nảy ra một ý nghĩ: có cách nào để quy tụ mọi thứ vào một nơi một chỗ, chỉ cần cất công một lần đi đến đó là mình có thể có hết mọi thứ mình muốn. Tập trung lại. Tại sao không? Mời mọi người đến họp, lập ra một hội chợ, không, phải quy mô hơn, giống như một lễ hội. Ai có gì hay ho mang đến , vừa giới thiệu, vừa quảng cáo rồi đem bán hàng kiếm lời, lại vừa thưởng thức đồ hàng của thiên hạ. Ý tưởng hay và thực tiễn đấy chứ! Gã có tiền có của trong tay , tại sao không thử thực hiện nhỉ ?.
Nghĩ là làm. Gã cho thuộc hạ thân tín thảo thiệp gửi đến tất cả những tay đại gia có máu mặt trong vùng mời đến dự tiệc sinh nhật của thằng Lai,đứa cháu đích tôn mới ra đời. Đứa cháu này là kết quả mối tình giữa thằng con của gã cùng đứa con "rượu" của Lý Cường, người năm xưa từng bị bọn Chí Mô đánh bật ra khỏi làng Vũ Đại. Đứa cháu mang hai dòng máu Bắc Nam trong người thật lạ. Vừa bập bẹ tiéng người đã mê mệt giấy xanh (Thương biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con bảo khoái đô na).Đứa con dâu ngoan ngoãn hiền lành, chiều chồng con hết mực nhưng rất khôn khéo sâu sắc trong việc tề gia. Gã thật ưng ý. Lúc này gã có thể yên tâm chuyện gia đình để đi chu du thiên hạ, làm những điều theo ý thích..
Bữa tiệc sinh nhật thực ra chỉ là cái cớ. Sau những màn chúc mừng rôm rả một hồi. Bạch công tử đứng lên nâng cốc mời tất cả cùng cạn ly chúc nhau sức khoẻ, gã đi thẳng vào vấn đề:
- Kính thưa quý thân hào nhân sĩ, quý đại gia quý tộc . Bạch mỗ trước hết xin cám ơn quý vị đã nhận lời mời đến tham dự bữa tiệc nhỏ mọn hôm nay để chúc lành cho gia đình Bạch mỗ. Trước hết xin quý vị cùng nâng ly chúc lành cho thằng cháu đích tôn của Bạch mỗ. Nhân dịp này, xin phép quý vị cho tôi được bày tỏ vài ý kiến. Chúng ta ai cũng thấy, trong bữa tiệc nhỏ mọn này, mọi người đã được thưởng thức một số sơn hào hải vị do chính quý khách từ nhiều nơi mang đến. Thật là tuyệt vời. Tôi cứ mong muốn rằng, không phải chờ mãi một cơ hội nào đó khi chúng ta đến tận nơi, hoặc có một dịp hãn hữu như buổi tiệc này, chúng ta mới thưởng thức được đồ ngon vật lạ, tận mắt chứng kiến những trân châu kỳ bí..Hiện tôi có dự định thành lập một hội hay một tổ chức, trong đó, mỗi thành viên trong hội sẽ tự mang đến giới thiệu với tất cả chúng ta những đặc sản của từng địa phương, chúng ta vừa được thưởng thức, vừa học hỏi lẫn nhau, lại không phải tốn nhiều công của trong việc vận tải chuyên chở cũng như trong việc quảng bá . Quý vị nghĩ sao về việc chúng ta đồng thành lập một cái gì, một lễ hội chẳng hạn…
Gã chưa dứt lời, mọi người ồn ào cả lên, bàn tán thật xôn xao. Sau một hồi tranh cãi sôi nổi,mọi người đều đồng ý đây là ý tưởng tuyệt vời.Nhưng mọi tập hợp cần có những quy chế, những thể lệ riêng. Do đó nhu cầu trước tiên là phải thành lập một hội. Việc còn lại là tìm nơi chỗ và điều lệ cho hội.
Hội thành hình với cái tên : Hội "Đắp Tô". Dĩ nhiên, Bạch công tử người có sáng kiến được bầu làm hội trưởng đầu tiên với nhiệm kỳ ba năm.. Gã hào phóng bỏ ra một khoảnh đất lớn làm khu lễ hội Mỗi hội viên khác đóng góp kinh phí tuỳ theo mức độ giàu có và khoảng diện tích cần thiết cho mình.
Điều lệ thì thật tự do thông thoáng. Các hội viên chính thức hoàn toàn trao đổi, quảng bá và mua bán tự do hàng hoá vật dụng của mình trong khu hội chợ, ngoài một lệ phí tượng trưng, không phải chịu thuế má và hàng năm được quyền bỏ phiếu duyệt xét việc tham gia của những hội viên mới theo đúng thể lệ của hội.
Song song là một qui chế mà mọi hội viên phải chấp hành, Nội quy gồm bốn không, ba phải.
Bốn không:
- Không ăn cắp .Không lừa bịp .Không giả mạo. Không bạo lực.
Ba phải:
- Phải thành khẩn .Phải công bằng. Phải lịch sự.
Khu hội chợ đã thành lập xong/ Mọi người được quyền mang vào trưng bày , quảng cáo hàng hoá
mang tính đặc sản của mình trên nguyên tắc tự do, bình đẳng và tôn trọng người khác.
Bạch công tử là một siêu đại điền chủ có những cánh đồng cò bay mỏi cánh, những đồi thảo nguyên chó chạy cong đuôi. Mặt hàng chủ yếu của gã gổm các nông phẩm đủ loại từ những thực phẩm từ đại trà đến hiếm quý cho con người, thức ăn cho gia súc đến cả những loại cây kỹ nghệ như các loại bông vải, các cây làm dầu ăn , dầu chạy máy. Bên cạnh đó, gã quảng cáo thêm những máy móc trang bị hiện đại và những kỹ thuật tân tiến đi song hành với cái trang trại quá rộng lớn của gã. Những đàn gia súc vĩ đại đưọc chăm sóc nuôi dưỡng trên những đồng cỏ bao la mang đến cho gã danh hiệu người sản xuất thịt tươi nhiều nhất, ngon nhất.
Là người thực dụng, gã đem ngay nhũng tấm da bò sáng tạo thành những chiếc áo khoác ngoài vừa hoa mỹ vừa bền rất nổi tiếng. Nhưng cái nổi tiếng hơn cả là việc gã biết xử dụng những tấm vải buồm cũ của thiên hạ vứt đi, đem tái chế thànhnhững cái quần lao động cho đám thuộc hạ chăn bò của gã. Cái quần hay ho ở chỗ càng cũ đi, trông càng phong trần, càng đẹp, càng lộ tỏ cái tính chất phóng khoáng hào hùng của con người giữa trời đất bao la, thiên nhiên hy thú. Đem vào hội chợ, chiếc quần bò cũ kỹ của Bạch công tử bỗng trở thành một cái mốt, một hiện tượng thời trang .
Anh em nhà lão Hách,sau cú tan tác vì trận thua gã Bạch thứ hai, lúc đầu chúng hận gã tận xương tuỷ. Sau một thời gian, nhà Hách thấy hận thù gã chẳng ăn cái giải gì, càng thêm lao tâm tổn lực., sản nghiệp càng xác xơ. Anh em lão nhìn ra chung quanh, các xóm làng khác, đại gia khác giao thiệp thân mật cởi mở với gã Bạch đều ăn nên làm ra, ngay đám anh em con cháu nhà lý Cường bị đánh đuổi tan hoang cửa nhà, bỏ chạy chẳng mang theo được cái gì ra hồn, chỉ còn mỗi trên răng dưới…củ cải, vậy mà một khi nương nhờ nhà gã Bạch một thời cũng dần trở nên khấm khá. Anh em nhà Hách thấy mình giận gã Bạch thật vô lý, lại lỗ lã nặng nề. Ai bảo đấu tranh không lượng sức., bèn bảo nhau đổi giận làm vui, tới xin cầu thân với kẻ thù xưa. Gã Bạch vốn khoáng đạt,mỉm cười độ lượng, muốn đánh bạn gã luôn sẵn sàng.Thêm bạn bớt thù vốn là tiêu chí của gã. Gã còn thông cảm yêu cầu những người khác châm chước giảm nhẹ lệ phí cho anh em nhà Hách. Nhờ vậy, anh em họ cũng trở thành hội viên.
Người anh lớn nhà Hách nguyên là một tay thợ săn giỏi, võ nghệ cung kiếm đầy mình. Hắn liền mở một võ trường trong hội chợ để biểu diễn tài nghệ, thu hút khách hàng,lại có ý mở trường thu nhận học viên kiếm ăn , truyền bá kỹ năng gia truyền họ Hách. Người em kế làm ngay một gian hàng kế bên chuyên về các loại vũ khí, từ giáo mác gươm đao tới cung kiếm tên nỏ đủ loại đã được nghiên cứu kỹ cho hợp tầm thước và nhu cầu của từng người. Đứa em khác chuyên sản xuất những bộ lông thú rừng tuyệt mỹ cho sự trang trí nhà cửa, đặc biệt là những tấm da gấu, một đặc sản của nhà Hách. Thằng em út nổi trội nhất. Hắn dựng lên một trại nuôi gấu ngay trong hội chợ, đồng thời tuyên truyền ầm ĩ về công dụng của mật gấu , mà theo hắn là một thần dược chữa bách bệnh. Hắn sẵn sàng cung cấp mật gấu tươi tốt nhất lấy ngay từ gấu sống đang nuôi trong trại của hắn. Một dịch vụ làm ăn mà một số người vỗ tay tán thưởng, số khác lại rùng mình ghê sợ, lên án hắn đối xử quá tàn nhẫn với thú vật.
Lão Phớt , một đại gia khác chuyên về các đồ thuỷ sản. Lão xuất thân từ một làng chuyên nghiệp đi biển, ít người biết tên thật của lão là gì, họ gọi là lão Phớt vì gương mặt lạnh như nước đá và những cử chỉ lịch sự nhưng không có vẻ thân thiện của lão. Lão dửng dưng đến nỗi sét đánh mang tai không làm lão giật mình. Người ta bảo trời đánh cũng tránh lão Phớt. Ngoài những món hải sản đặc thù , lão còn có nghề đóng ghe thuyền và trước đây từng có những đội thương thuyền mạnh mẽ nhận chuyên chở hàng hoá đi khắp nơi Lão hãnh diện về đội thương thuyền vô cùng, đã từng tuyên bố: đội thương thuyền của lão là chủ nhân ông trên biển cả..
Bên cạnh lão Phớt có lão Phăng, tay trồng trọt nổi tiếng. Lão Phăng có những vườn nho bát ngát đủ lọai. Từ nho trắng, nho xanh nho vàng nho tím đến loại nho lớn nho nhỏ. Sau này lão nghiên cứu tạo thêm ra nhiều loại nho không hột. Dĩ nhiên, từ người chuyên trồng nho, lão cũng trở nên cao thủ trong nghề làm rượu. Rượu nho lão Phăng một thời được coi là ngự tửu. Để giữ tiếng, lão Phăng sản xuất rất hạn chế nên giá rất cao, thường chỉ được dùng trong giới thượng lưu quý tộc hoặc trong những bữa đại tiệc lớn lao quan trọng. Lão Phằng còn tự hào là người có giọng nói ngọt mềm, ăn nói lưu loát, sinh ra lớn lên trong một xóm làng chuộng văn chương thi phú.Uống rượu mgâm thơ là thú tiêu khiển lão Phăng cho là tao nhã nhất. Vì vậy, bên những chai rượu đắt tiền , lão Phăng còn đem trình làng những thi phẩm, tác phẩm văn chương một thời lẫy lừng của dòng họ lão, quê hương lão.
Lão Giáp, một tay lùn mã tấu với thân hình bề ngang bằng bề dài, đầu đuôi chỉ đo được thước rưỡi, nhưng lão lại kiêu hãnh về cái đầu bự của mình. Sinh sống trong một xứ người dân làng ở rải rác trên các cồn đất trên sông, nghề chài của lão cũng thuộc hàng có trọng lượng dù chưa bằng lảo Phớt. Ngoài những thuỷ sản , dân làng của lão không có nhiều đất đai canh tác. Đa số họ tâp trung kiện toàn những công việc tiêu thủ công. Nhờ có quyết tâm cao, sự siêng năng cần mẫn và nhất là biết sử dụng cái đầu bự để nghiên cứu học hỏi thêm, họ đã hoàn thành được những linh kiện tốt vào bậc nhất, nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu. Mặt hàng linh kiện của nhà lão Giáp đi sâu vào mọi ngành nghề, đặc biệt giúp cải thiện lối ăn chơi thưởng ngoạn cho giới có tiền của một cách hưởng thụ thoải mái tối đa, nhờ đó hàng lão Giáp thu hút khách hàng mãnh liệt.
Bên làng Gièm có đại gia họ Đốp, một tay lão luyện về âm nhạc. Gã Đốp nổi danh với nhiều tấu khúc bất hủ. Đến với hội chợ, gã thành lập một gian hàng khổng lồ về đủ các loại khí nhạc cụ cùng một hệ thống âm thanh hiện đại đi kèm với một nền kỹ nghệ tân tiến hiện đại về ghi ân thu âm. Để thu hút khách hàng, gã thiết kế thêm một đại sân khấu cho sự trình tấu hoà nhạc và trình diễn nhạc kịch, những màn múa ba lê đẹp mắt, có trang phục và không trang phục.
Bên kia làng Gièm, nhà Ý Tử Liên lại là một danh hoạ. Gia đình Ý Tử Liên sở trường về mọi hình thức hội hoạ , từ vẽ tranh nước, tranh dầu, tranh phấn , tranh chì , tranh màu, tranh bột đến đủ mọi trường phái, cảnh vật, sinh vật , tĩnh vật, động vật, chân dung , hiện thực, hay trừu tượng, ấn tượng, minh hoạ, lập thể. Bất cứ thể loại nào lão Ý Tử Liên cũng giữ giải quán quân. Nhưng nổi bật nhất của lão là về tranh loã thể. Lão nổi bật về loại tranh này không hẳn vì tài năng mà vì những câu chuyện thêu dệt xung quanh từng tác phẩm. Người ta kể rằng, mỗi tác phẩm là một huyền thoại về những cuộc tình của gã với người mẫu. Điều đó đúng hay sai, khi được hỏi, gã chỉ mỉm cười mà không trả lời. Có một điều, gã cho biết, người mà gã yêu thích nhất không phải người làm mẫu cho bức tranh đắt giá nhất và được gã ưng ý nhất, nhưng lại là bức tranh "bèo"nhất, và theo gã là dở nhất. Hỏi tại sao có chuyện tréo cẳng ngỗng như vậy, gã đáp ngay, vì mê "người mẫu" nên thời gian của hai người ở trên gường nhiều hơn trên giá vẽ, đồng thời cái "xuân tình" ấy lúc nào cũng hút hết tâm trí của gã, chả còn bao nhiều cho bức tranh. Kể ra, gã nói có lý, hay để tạo thêm huyền thoại mà cuối cùng, mặc cho những nhà bình phẩm chê bai, thiên hạ cứ tranh nhau mua, đẩy giá lên vù vù.
Trong khi đó, lão Hạp làng Ly lại thiện nghệ trong ngành tạc tượng. Lão cho ra đời đủ mọi loại tác phẩm điêu khắc, từ thạch cao mềm tới gỗ đá cứng,từ những bức tượng điêu khắc tinh xảo thật nhỏ bé cỡ hạt gạo đến những tác phẩm hùng vĩ khắc trên núi đá. Nghề nghiệp điêu khắc của lão và làng Ly bắt nguồn từ truyền thống ưa chuộng thi phú của làng. Nhửng áng thơ bất hủ này lại được gợi hứng từ một kho tàng chuyện thần thoại vô cùng phong phú . Và đây mới là cái bất hủ của làng Ly, của lão Hạp. Người ta tìm đến gian hàng của lão không chỉ để chiêm ngưỡng những tuyệt khắc sống động và có hồn, mỗi tác phẩm như gửi gấm một cổ tích. Người ta còn đến để được nghe thưởng thức những vần thơ trác tuyệt, và để nghe kể về huyền thoại nửa tiên nửa tục của tổ tiên họ, về sự thất bại của một người đã tưởng như bất tử và về những cuộc tình yêu đương được nối kết bằng những mũi tên. Thật kỳ thú.
Ngoài ra còn có những gã râu rậm, đầu đội khăn trắng cưỡi những con vất có bướu trên lưng đến hội chợ. Bọn người này đều được gọi chung một tên là những lão Rệp ở làng Ba. Họ mang theo những tấm vải dệt rất dầy và rất đẹp kèm theo những câu chuyện kỳ lạ của những tấm "vải dầy biết bay" này. Lại còn lão Chà xứ Nị với hàng tơ lụa bóng bẩy mềm mại được các phụ nữ quý phái rất mến chuộng cùng với đủ loại các hương liệu cần dùng cho mọi lãnh vực, từ những hương phấn thơm tho dịu dàng bên cạnh các đồ trang sức lộng lẫy quý giá để tăng thêm sắc đẹp phụ nữ đến những bảo vật trang trí nội thất , ngay cả đến các huơng liệu gia vị cần thiết cho các món ăn uống cao sang.
Đối diện hàng lão Chà có tay buôn tên Hà xứ Lan. Xứ này không hổ danh với cái tên Lan của nó, chuyên nghiệp về đủ mọi giống hoa hiếm quý nhất trên đời. Tay buôn làng Hà nói rằng làng gã có đến hàng ngàn giống lan khác nhau mà giống nào cũng tuyệt đẹp. Có thể nói làng Lan của gã có những tay phù thuỷ trồng hoa. Không kể cái loại hoa thường như lan hồng tu líp mà mỗi năm làng gã tạo thêm nhiều giống mới, gã còn gây giống lắp ghép để có những loại quý: những chậu hoa có mỗi bông một màu, hoặc trong một bông mỗi cánh là một màu và cả những chậu mỗi bông là một loài hoa khác nhauv.v.v
Sát gian hàng của gã, ông già Mạc làng Đan cũng không chịu thua kém, nhưng ông già Mạc này thích dê , ông chuyên nuôi dê lấy sữa và làm kem, phó mát. Kem của ông thì khỏi nói. Còn sữa thì ông quảng cáo, tuy sản xuất từ dê, nhưng dê của ông thuộc loại dê núi được nuôi dưỡng bằng cỏ linh chi trên đồi cao, kết hợp với nước dòng suối phát sinh từ linh khí trời đất nên hoàn toàn tinh khiết và bảo đảm, sữa dê của ông thơm ngon hơn sữa trinh nữ. Không biết ông lấy sữa của trinh nữ từ nguồn nào ra để so sánh với sữa dê của ông. Phó mát của ông thì trái lại, ông bảo càng mốc meo, có dậy mùi càng ngon, vì đó là loại được ủ lâu ngày. Phải công nhận, ăn phó mát của ông ., càng nặng mùi càng béo ngậy.
Không kể nhửng tay đại lão gia trên, bọn cắc ké sống trong các xóm ổ chuột quanh làng Vũ Đại thời trước Chí Mô cũng nhờ hơi hớm hội chợ mà ngày càng ăn nên làm ra. Những tay như gã Mã ,gã Sình, gã Đài gã Sâm hồi đó nghèo rớt mồng tơi. Lâu lâu chai mặt đi vào Vũ Đại ghé nhà Bá Kiến chìa tay xin ăn, dân làng Vũ Đại không thèm để ý, nay bọn chúng qua mặt dân Vũ Đại cái vù, đứa nào cũng mặt mày trân tráo hớn hở, ngựa xe như nước, áo quần như nêm, nhìn dân làng Vũ Đại bằng nửa con mắt. Như gã Sình còn lên mặt thầy đời, mở miệng ra là muốn dạy dỗ chỉ bảo Chí Mô làm gã con hoang Chí Phèo tức khí muốn ói máu.

No comments: