Chí phèo thời đại (chương 16)

Chương 16 - Đạo đức chí phèo

Ở vị trí cao nhất làng, Chí Mô vẫn có nỗi buồn canh cánh. Tài sản tiền bạc, uy quyền danh tiếng không còn là mối bận tâm như những ngày khố rách áo ôm phải đi làm tôi cho người rồi kết bè kết đảng cướp giựt. Tay chân bộ hạ , em út nàng hầu vô số kể nhưng gã vẫn cô đơn.. Đôi khi nghĩ vẩn vơ, gã cũng mơ có một mái ấm gia đình như bao kẻ khác, như ước mơ của Chí Phèo, bố gã, muốn có lại cái lương thiện để sống chung với Thị Nở cũng không thành. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Bừng tỉnh , gã nhớ lại mình không là một người bình thường. Con người như gã phải là một cái gì to lớn, vĩ đại. Một vĩ nhân thì không thể sống tầm thường như một người thường. Khổ một nỗi, gã thừa tự tất cả các nét đẹp tổng hợp của Chí Phèo và Thị Nở : đầu dơi tai chuột, gương mặt cô hồn, mắt lộ hung quang, cái mồm chè bè không che giấu nổi hàm răng cải mả đóng bựa có tầng vì khói thuốc, sẵn sàng nhe ra chửi đổng bất cứ lúc nào. Hình ảnh một ông lý vĩ đại như gã thế thì thảm hại quá. Gã đã cố gắng chau chuốt bộ râu cá chốt ở dưới cằm mong tạo ra một chút vẻ uy nghi lẫm liệt trên gương mặt nhưng không ăn thua. Trông vào gương càng lộ vẻ gian ác và lố bịch. Được thể cho dân làng Vũ Đại, những người căm ghét lén gọi gã là già ó đâm, già dịch, là tên Chí Phèo lộn giống.Bọn trẻ con đặt vè hát vang :
Hàm râu dê gã Chí Mô
Lam nham y hệt cái... đồ gian manh.
Chí Mô thấy cần phải chỉnh trang cái ngoại hình của gã cho tươm tất, thanh lịch hơn. Lũ tay chân cũng đồng ý :
- Đại ca cần có một bộ mặt trang trọng để các ông lý này chánh kia nể phục. Thời buổi bây giờ đi
chỉnh trang lại khuôn mặt đâu khó khăn gì. Bỏ ra chút tiền cho mấy tay dao kéo, cắt chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu là xong, da mặt thì đem căng như da trống vừa bớt nhăn nheo vừa bớt dầy và trơ là khắc đẹp.
Quả nhiên, sau vụ chỉnh hình, Chí Mô trông hiền lành tươi trẻ hẳn ra . Gưong mặt ba góc Chí Phèo
thuở trước biến dạng thành một khuôn mặt đầy đặn hiền từ, đôi mắt cú vọ giờ cũng mở lớn, long lanh dưới chòm râu bạc. Gã tươi cười sung sướng. Xuân tình trong lòng cũng rạo rực theo nét trẻ trung của dáng người.
Có một bộ mặt hiền hậu trẻ trung chưa đủ, gã muồn thiên hạ quên đi đau thương tang tóc gã đã gây ra cho dân làng, mà chỉ nhớ đến gã như một người nhân từ , hoà đồng với mọi người một cách rất bình dân giáo dục. Như chúng ta đã biết, Chí Mô từ lâu cho đàn em dựng lên giữa sân đình một cái chòi cao bằng tre nứa cỏ tranh, ý nói cho dân làng hay, mặc dù ngồi ở vị trí cao sang nhất làng, gã không màng nhà cao cửa rộng, mà vẫn muốn chia sẻ lối sống giản dị đơn sơ với dân. Thực ra, trong thâm tâm gã, cái mục đích thứ hai của chòi là còn quan trọng hơn. Ở trên cao nơi đó, gã tha hồ nhìn ngắm thật kín đáo cảnh thiên thai dưới trần :gái làng chiều chiều ra bờ sông tắm rửa sau một ngày làm lụng vất vả mà không ai biết, để có thể bị mang tiếng lão già vô đạo đức,trừ một số các cháu ngoan của gã đêm đêm được vinh dự đến hầu hạ chăn gối cho gã.
Khi những gái làng tuần tự ra đi. Bến sông cũng vắng dần khách . Chiều chiều, Chí Mô chỉ còn thấy đám trẻ ranh ra sông bơi lội. Gã có vẻ buồn. Một hôm, gã bỗng nảy ra ý định ra sông chơi. Chỉ dạo chơi thôi, vì giống như gã bố Chí Phèo, gã yêu rượu chứ không yêu nước. Một năm chỉ tắm gội qua quýt dăm ba lần khi cần thiết.
- Thế ra bờ sông làm chó gì ? – Nhìn lũ trẻ cả trai lẫn gái nô đùa dưới sông,gã nói thầm trong bụng., một ý nghĩ chợt lóe lên - Sẵn có bọn trẻ, sao mình không ra đó tắm cho bọn chúng ? Thầy u chúng đi làm đồng về nhìn thấy cái cảnh ông lý trong làng ra chăm sóc tắm rửa cho con cái họ chắc là cảm động đến chảy nước mắt. Đắc nhân tâm. A ha, thật là đắc nhân tâm. Có lối tuyên truyền nào hữu hiệu hơn ? Một vở kịch thu phục lòng người dễ dàng , chẳng tốn kém gì.
Cho rằng đó là ý hay, gã đi thực hiện ngay. Rồi cứ chiều đến, Chí Mô tập họp vài đứa bé trong làng dẫn ra bờ sông. Gã sai phái đàn em khiêng đến một cái lu đặt trên bờ, rồi từ từ xách nước xuống sông đổ đầy lu tắm cho đám trẻ.
Có người đi ngang qua thấy vậy tức cười hỏi :
- Cụ Lý à, cụ làm gì thế ?
Chí Mô bảo :
- Thấy dân làng vất vả, bận rộn luôn, ta thương quá nên ra đây tắm rửa cho các cháu,. Giúp bố mẹ
chúng một tay,
Người ấy lại cười lờn hơn mà rằng :
- Vui thật. Cứ như là chuyện dã tràng xe cát biển Đông ý.Thế sao cụ lý không dắt chúng thẳng xuống
sông mà tắm vừa tiện lợi vừa đỡ mất công xách nước ?
- Úi dào ! Làm thế thì còn nói gì nữa ! Bày vẽ ra thế này mới có công lao khó nhọc chứ ! Các cháu
được ta dẫn đi, đưa nó xuống sông rủi có đứa nào xẩy chân thì ăn sao nói sao với cha mẹ chúng.
- Khúc sông này nước chỉ ngang tới rốn, nước chảy lờ đờ. Có gì nguy mà ông lý phải lo.
- Đó là việc của ta. Người là kẻ qua đường xen vào làm chi ? Thôi đi đi. chớ bận tâm.
Nghe vậy, người ấy cười khẩy bỏ đi.
Trong số những đứa trẻ Chí Mô tắm rửa cho ngày ấy có Hợi, con gái của cái Tý. Sau này khi lớn lên,
dù nghèo khổ lam lũ, Hợi vẫn thừa hưởng được cái nhan sắc của mẹ làm Chí Mô ngơ ngẩn.
Trong những ngày Chí Mô còn đánh đấm với lý Cường để cướp làng Vũ Đại, cái Tý đang ở nhà
nghị Quế, người đã mua nó từ tay chị Dậu. Thời buổi loạn lạc, nhà nghị Quế cũng bị cướp , lão bị giết, vợ con thất lạc, nhà cửa tan nát. Tý may mắn chui vào trốn trong hố xí thoát nạn. Nó tìm về nhà thì không còn ai. Bố đau nặng chết trong tù. Mẹ sơ tán mất biệt. Thằng Dần em nó cũng lưu lạc theo đám người chạy loạn không biết về đâu. Còn mỗi cái Tỉu còn quá bé dại còn ở lại với bà lão láng giềng. Nó qua nhận lại em. Hai chị em lại dắt díu nhau đi tìm mẹ.
Nhiều tháng trời, qua hết làng này đến làng khác cũng không thấy mẹ đâu .Một lần trôi nổi trên mạn ngược, hai chị em gặp một tên cướp chờ thời trong một hang núi. Hắn lân la làm quen rồi dụ dỗ Tý vào hang , nhận làm bác cháu, nuôi nấng cơm nước , đồng thời dạy bảo cho dăm ba chữ nghĩa. Tưởng hắn tử tế, chưa vội mừng, một đêm mưa gió bác đè ngửa cháu ra, mặc cho cháu chỉ mới mười mấy tuổi. Khi giọt máu của hắn tượng hình trong bụng cái Tý thi hắn đã liên lạc tập hợp được đồng bọn kéo đi mất tăm. Cái Tý và em lại trở thành kẻ bơ vơ vất vưởng. Cuối cùng quá đói khát, chúng đến làng Vũ Đại bước chân mệt lả, chui vào ngay cái lều hoang đổ nát Chí Phèo bỏ lại khi xưa sống qua ngày dưới sự thương hại đùm bọc của dân làng Vũ Đại. Mảnh đất ở tận cuối làng, từ ngày Chí Phèo chết đi ,không ai đoái hoài tới, mọc um tùm một thứ cỏ đuôi chó. Cái Tý với hai bàn tay bé nhỏ ,nhưng có ý chí và sức mạnh của mẹ ,đã cố lần hồi gây dựng nuôi em.
Tháng ngày qua đi, bụng nó lớn dần. Dân làng có hỏi, nó chỉ khóc , nói bị một lão già hiếp đáp. Vũ Đại bấy giờ đã dưới tay Chí Mô cai quản. Lệ phạt vạ chửa hoang không còn. Người ta cũng cảm thông cho một đứa bé côi cút không may mắn nên cố giúp đỡ cơm cháo qua ngày cho đến khi Tý sanh nở. Lại một bé gái chào đời. Dường như giòng họ chị Dậu thịnh về âm, ba thế hệ toàn là gái. Có phải thế mà đời nào cũng khổ, cũng toàn cảnh trái ngang. Cái Tý đặt tên cho đứa bé là Hợi, cái đĩ Hợi. Tý nghĩ : « Mẹ mình tên Dậu, cả đời từ sáng tinh mơ đến tối mịt, bươi móc bương chải như một mụ gà mái mà nhà chẳng khi nào đủ ăn. Còn mình là Tý suốt đời cứ khổ sở chui rúc , sợ hãi mọi thứ mà thân thế cũng chẳng ra gì. Thật là cái tên nó vận vào hạn. Nay mình đặt tên con là Hợi, mong cho đời nó được nhàn nhã , đủng đỉnh ăn no lại nằm như đám lợn cho đời nó bớt khổ, nó đỡ oán mình ».Hợi được nuôi dưỡng trong tình thuơng của mẹ Tý, lớn lên thành cô thiếu nữ mượt mà óng ả, thứ tươi mát tràn đầy sức sống , thứ sinh lực tràn trề mà chị Dậu, bà ngoại của nó một thời đã có, đã làm chết mê chết mệt những lão Hách, quan phủ, quan tuần…Đứa con gái nhà quê như lúa trổ đòng đòng không qua khỏi con mắt của Chí Mô.
Gã ngày ngày không thiếu người hầu hạ,nhưng về già nhìn thấy con bé Hợi , gã không khỏi hứng tình
muốn chiếm trọn con bé làm của riêng..Hợi được vời vào căn chòi cao của gã. Con bé không dám trái lệnh, nhưng còn lo ngại vì Tý, người mẹ còm cõi không người chăm sóc. Chí Mô lại không muốn thấy có một người đàn bà còm cõi quê mùa có mặt bên cạnh những cuộc vui của mình. Gã bèn cho tên Hoàn, một tay sai đắc lực thân cận nhất lo chỗ ăn chỗ ở cho hai mẹ con ở bên ngoài. Chính tên tay sai này có nhiệm vụ đưa đón Hợi vào khi gã cần đến. Xinh tươi, căng mộng, đam mê , ngây thơ, đơn giản của cô gái càng làm Chí Mô thêm khoái cảm. Chả thế một thời gian sau đã có kết quả. Hợi có triệu chứng mang bầu. Me Tý của Hợi lo lắng hỏi con :
- Con vào hầu Chí Mô cũng đã lâu lâu rồi. Có thấy gã đá động chi đến việc cưới cheo không ?
- Không u ạ ! Chẳng thấy lão nói năng gì tới.
- Thế con phải kiếm cách nào nhắc nhở lão chứ ! Cố gắng có cho được cái lễ chính thức. Không lẻ
nhà mình cứ chịu cái nhục chửa hoang hết đời này sang đời khác ?
- Khoan đã u ạ ! Để tìm cơ hội. Lão thấy gái tơ thì tít mắt lại. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, lão khó
đăm đăm. Nguyên việc hầu hạ chiều chuộng lão cũng đủ chết mệt. Trước mắt lão con đâu dám mở miệng.
- Nhưng bây giờ mày ễnh bụng ra với lão rồi. Phải tính đi chứ !
- Hay là thế này. Đợi đến khi con đẻ xong, mẹ tròn con vuông. Có con nối dõi, lúc ấy con ôm con đến
năn nỉ xin cho được danh chánh ngôn thuận. Lão chắc nghĩ đến đứa con của lão mà đồng ý.
- Ừ thế cũng được, mẹ con mày hãnh diện mà u cũng được mát mặt. Bõ công tao đẻ ra mày. Có thế
chứ. Khi u sanh con ra chỉ những mong con có được một nơi chỗ gửi thân êm ấm.Chắc đã đến lúc mày chỉ việc nằm mà ăn.
Đẻ được một thằng cu, Hợi khấp khởi mừng thầm. Chí Mô có con giai chắc vui lắm. Mẹ Tý cũng vui.
Mấy đời ra toàn thị hến khổ ơi là khổ. Bây giờ nó đẻ con giai chắc vận hạn đã qua. Đầy tháng, gọn ghẽ
sạch sẽ, Chí Mô bảo tên Hoàn đưa mẹ con Hợi vào cho gã xem măt thằng con. Chả biết có giống gã đươc bao nhiêu, tuy nhiên, thằng bé có vẻ sáng sủa khiến Chí Mô hài lòng. Dù vậy, cái gã đang háo hức cần hơn là Hợi, mẹ nó. Gái một con trông mòn con mắt. Chí Mô đang thèm thuồng một đêm tuyệt vời với Hợi. Để cho gã hoàn toàn thoả mãn cơn thèm khát xong, Hợi bắt đầu thủ thỉ tâm sự với gã, xin cho hai mẹ con được tuyên bố minh bạch chính thức là thân nhân ruột thịt của gã..
Chí Mô hơi nhăn mặt sau khi nghe lời đề nghị. Trầm mgâm một lúc, gã tỉnh táo trả lời :
- Đề nghị của em hay lắm. Tuy nhiên, đây là việc hệ trọng, không những cho ta mà cho cả làng Vũ Đại. Ta phải bàn qua với mấy chú em bên hội đồng. Yên chí về đi. Em muốn vậy thì chắc chắn xong.
Hợi tin tưởng bồng con ra về. Chí Mô gọi tên Hoàn đến bảo:
- Cái quân láo lếu ! Nó tưởng được ta ưa thích và đẻ cho ta một đứa con là đòi gì được nấy phải
không? Thật là đồ ngu. Không biết thân phận nó chỉ là một món đồ chơi, một thứ qua đường. Còn đứa con nó đẻ ra chắc gì đã là con ta. Có khi là con của ngươi cũng không chừng , phải không ?
- Ấy ! Đại ca nói vậy chết đàn em ! Đàn em đâu dám mạo phạm thế !
- Không sao ! Đó là ta nói vậy. Có thật cũng chả sao. Xá gì một con đàn bà mà ta phải hy sinh đứa
hầu cận trung thành sống chệt với ta . Bây giờ ta giao cho ngươi một việc. Ta không muốn thấy mặt nó nữa. Ngươi muốn làm gì thì làm cho khuất mắt ta. Nhớ kín đáo không để ai biết.
Được lời như mở tấm lòng, tên Hoàn xưa nay có nhiệm vụ đặc biệt chăm sóc Hợi. Cận kề đứa con gái xuân tình phơi phới, sự thèm khát điên cuồng bấy lâu chợt bùng phát mãnh liệt. Về đến chỗ trú ngụ của mẹ con Hợi, tên tay sai cô hồn không nói một lời, đè vật cô gái xuống giường. Hợi bất chợt la lên :
- Ơ cái anh vệ này ! Sao bậy bạ thế ! ta sắp là vợ của Chí Mô, là bà chủ của ngươi. Mi muốn chết
hay sống mà dám hỗn hào với vợ con ông lý ?
Hào hển dưới tia mắt đầy dục vọng, tên Hoàn tiện tay xé tan bộ đồ trên thân thể Hợi và với giọng gầm gừ hiểm ác :
- Hừ ! bà chủ. Mày có là bà trời thì dêm nay cũng không thoát khỏi tay tao. Cho mày biết, được phục
vụ trai trẻ như tao không sung sướng bằng vạn lần lão già dơ dáy đó à !
Trong cơn say máu lồng lộn, hắn đã dập hoa vùiì liễu tơi bời một cách dã man để thoả mãn cơn cuồng
loạn. Khi buông tay ra thì đôi mắt người con gái đã trợn ngược. Hợi đã tắt thở. Bà mẹ Tý ở nhà dưới, thức giấc giữa đêm vì tiếng vật lộn, tiếng người ú ớ, quờ quạng châm được ngọn đèn đi lên nhà trên thì mọi việc đã muộn. . Tên Hoàn đã hoàn toàn mất nhân tính. Hắn chờ Tý bước vào phòng, chưa kịp la lên, hai bàn tay hộ pháp của hắn đã xiết chặt cổ người đàn bà bé nhỏ còm cõi. Trong khoảnh khắc người mẹ chỉ còn là cái xác không hồn.. Tên Hoàn xoa tay vào nhau nhè nhẹ. Hắn lẩm bẩm:
- Vậy là hoàn thành ý nguyện của lão rồi đó Chí Mô . Thật nhanh nhẹn kín đáo phải không?
Đêm đó có chiếc xe bò cọc cạch chở hai xác người bó trong manh chiếu đi vội vã về phía cánh đồng
mả hoang. Tên Hoàn bỏ ngay vào chỗ đã từng chôn cất Chí Phèo đã được cải táng về đình, nay là cái lỗ trống rồi lấp huyệt lại. Chí Mô có lẽ cũng không ngờ cái huyệt của bố gã, cũng chính là nơi Thị Nở , mẹ gã chon cuống nhau của gã để cúng Chí Phèo lại là nơi vùi lấp thân thể người đàn bà gã từng yêu thương ôm ấp hằng đêm một thời.
Xong xuôi, tên Hoàn trở về báo cáo. Chí Mô hất hàm hỏi:
- Công việc thế nào? Đã xong chưa?
- Báo cáo anh! - tên Hoàn trả lời – Hoàn thành tốt đẹp, nhanh nhẹn, gọn gàng ,chính xác..
- Chú kể ta nghe!
- Dạ, đàn em lợi dụng đêm tối đột nhập bất ngờ.- Hắn gãi đầu gãi tai, giấu diếm chuyện cưỡng hiếp-
Con bé chống cự chút đỉnh, nhưng đàn em thanh toán gọn. Bà mẹ nó lò mò lên , đàn em cũng cho đi tàu suốt để bảo đảm bí mật tuyệt đối. Sau đó được đưa ra cánh đồng mả lấp phi tang ngay.
- Còn đứa bé đâu rồi?
- Vẫn còn đang giữ tại nhà. Nó có liên hệ máu huyết với anh , đàn em không dám tự quyết, định
chờ thỉnh ý đại ca đây.
- Được! Chú hành xử khá đấy! Hổ dữ còn chưa nỡ ăn thịt con , huống chi con người như ta. Chú
đem giao nó cho vợ chồng lão Kèo, quản gia của ta. Bảo lão có lệnh ta nhờ lão chăm sóc đứa bé. Tính nết vợ chồng lão hiền lành, không hay tò mò tọc mạch, có thể tin cậy được.

Chuyện tưởng ngoài hai kẻ âm mưu không ai biết , không ngờ trời cao có mắt. Bà vợ lão Kèo lúc đó
đang loay hoay pha trà cho Chí Mô ở dưới bếp. Khi bưng nước lên tới gần trước cửa, bà khựng lại suýt đánh rơi khay trà vì nghe lọt câu chuyện khủng khiếp. Rụng rời tay chân, bà tất tả quay trở lại bếp ngồi thẫn thờ khóc thương cho Hợi, người con gái mà chỉ mấy hôm trước , cũng tại nơi này, bà còn thấy ở nơi cô một sức sống mãnh liệt. . Mãi cho tới khi nghe tiếng gọi của Chí Mô trách mắng bà chậm trễ lười biếng trong công việc. Đã tới giờ trà thuốc của gã vẫn chưa thấy bà mang lên. Bà phải lau khô mặt mũi, bưng khay trà lên và làm bộ tươi cười, xin lỗi đã chậm trễ vì đang bận cắt tiết con gà mái tơ nấu cháo để tối nay cụ lý tẩm bổ.
Tối đến, khi về nhà, bà vợ kể hết cho lão Kèo cái kế hoạch dã man của Chí Mô và tên Hoàn cận vệ. Hai vợ chồng sợ hãi xanh mặt. Họ hiểu rằng nếu chẳng may Chí Mô truy ra họ đã biết được cái hành vi đê tiện tồi bại của gã thì cái mạng của họ sẽ thập phần nguy hiểm. Lão bảo vợ: Thôi hãy chôn chặt nó tận đáy lòng. Và đừng bao giờ nhắc tới.Khi gã cho người đưa đứa bé tới thì vui vẻ nhận về chăm nom nuôi nấng. Ngoài mặt. hai vợ chồng làm ra vẻ tự nhiên như không biết gì , lại còn cố công ra sức tán tụng tuyên dương gã trước mắt người khác rằng gã là một hiền nhân, một kẻ từ bi , độ lượng , có tư cách và rất đạo đức. Thét rồi gã tưởng gã đạo đức thật Đàn em gã lai đi thêm một bước cao hơn, đi khua mõ đánh trống khắp làng xưng tụng gã là một thánh sống , ra lệnh cho dân làng phải tôn thờ.Lại cho thằng mõ đi rao truyền ra rả suốt ngày: Sống, học tập và làm việc theo gương đức Chí. Dù vậy, như người thợ cạo trong truyện ông vua tai lừa, lão Kèo có bí mật trong lòng không thể thố lộ cùng ai, tâm trạng trở nên bứt rứt.Lão viết một tâm thư kể kể hết tình tiết câu chuyện , đem cất giấu một nơi kín đáo và chỉ cho người nhà biết trước khi lão nhắm mắt lìa đời.
Chuyện cứ như là có sự sắp đặt . Năm xưa , khi Thị Nở sanh ra Chí Mô , mụ cô già của thị đã phải đem gã đi gửi nuôi lánh nạn. Mấy mươi năm sau, Chí Mô lại đem chính đứa con máu mủ của gã đi nuôi gửi.. Chí Phèo giết Bá Kiến đòi lương thiện. Chí Mô cho người giết ý trung nhân để giữ uy tín. Cuộc đời rõ ràng là một cái vòng lẩn quẩn. Mãi về sau khi chuyện giềt người tình ém nhẹm đã lộ ra ánh sáng, người ta chép miệng bảo nhau: “Đúng là đời điên đảo.Đạo đức thời nay nó thế: đạo đức Chí Phèo”.

No comments: