Hồi ký của một thằng hèn (15)

Chương 15

CUỘC ĐỜI TỦI NHỤC CỦA TÊN BỒI BÚT

Đã hèn lại hèn thêm là như vậy! Tôi trở thành một trong những tên bồi bút bất đắc dĩ đắc lực nhất!
Bi hài kịch tiếp tục kéo dài như sau:
Từ một đơn vị chính quy, tôi rơi vào môi trường không điều lệnh, không điểm danh, không kèn báo thức, báo ngủ, không đứng nghiêm chào cờ...chào! Tất cả đều giải quyết 100% du kích! Vừa họp vừa sòng sọc cái điếu cày. Sinh hoạt y như không phải quân đội! Tuy tôi rất vui được làm việc với các tên tuổi lớn như Thanh Tịnh, các diễn viên thực tài như Minh Trâm, Nguyễn Thị Tần, Vĩnh Cường, Phùng Quán, Đình Quang, Nguyễn Phiên, Xuân Bình... nhưng trong vẫn băn khoăn bứt rứt về những gì đang diễn ra tại đoàn văn công Bộ Tư Lệnh Liên Khu IV: kịch là Trúng Tủ, múa là Ương Ca, Bà Chu Cho Trứng, hát là Thắm Thiết Tình Việt-Trung-Xô...và đặc biệt bài Túng phang hồng, thài dzòang xâng ([1]) ca ngợi Mao Trạch Đông, hát bằng tiếng Tàu hẳn hoi! Rõ ràng cách mạng trong giai đoạn mới này không có chỗ cho thứ âm nhạc tiểu tư sản của tôi nữa.
Cuối cùng, tôi chỉ biết “Thôi thì làm gì…cũng được!”
Đơn ca, lĩnh xướng đã có Vĩnh Cường, Đình Quang, dàn nhạc đã có thầy Quảng (ông là frère ([2]) bỏ nhà thờ đi theo cách mạng), đoàn trưởng đã có Duy Đức, một nhân vật biết chiều trên, chiều cả dưới và cũng có đôi chút năng khiếu âm nhạc, vào Đảng trước tôi một năm nên được giữ chức đoàn trưởng phụ trách chính trị. Vợ tôi trở thành diễn viên múa, còn tôi thì lúc đóng kịch, lúc múa, lúc hát, lúc đơn ca, lúc đánh đàn, đủ trò. Biểu diễn khỏi cần sân khấu, treo hai cái đĩa đèn dầu lạc có ba bốn cái bấc lên một sợi dây thép chăng ngang hai cái cột. Thế là bắt đầu!
Tôi vừa buồn vừa ngán thứ văn nghệ lạ lùng này. Nhưng biết làm sao khi mà mỗi lần sinh hoạt chi bộ, các ông Tính, Hoạt ở phòng chính trị đều nhắc: “Phải nhớ, chúng ta là văn nghệ phục vụ nông dân mặc áo lính trong Liên Khu là chính. Chúng ta không có các đơn vị chính qui, không có các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực mà chỉ là những đơn vị dân quân du kích và một số đại đội tập trung ở các tỉnh đội thôi! Do đó, đừng nghĩ đến cái gì “nghệ thuật nghệ thiếc” ghê gớm lắm! Dễ hiểu, dễ nghe, bè bối lủng củng, nông dân chẳng hiểu gì đâu... Chú ý: đây không phải trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn!”
Chết tôi rồi! Xin về làm lính chiến thì kể từ khi được cái chức danh “nhạc sĩ” đã chẳng còn máu “oong đơ” nữa! Làm nhạc sĩ thì ở đây người ta không “xực” được “tiếng tơ lòng” của tôi. Hơn thế, phục vụ công nông binh lại là “nông binh khu IV” thì ai cũng biết là những người nghèo nhất nước, quanh năm khoai khô, mắm nhút.([3])
Dù sao nỗi buồn chán về sự nghiệp, về tương lai của tôi cũng “có chỗ mà quên”, có nơi mà chia xẻ là Hương Mai của tôi, từ nay luôn ở bên tôi như...một “cô láng giềng” vừa hiền, vừa tốt bụng. “Cô láng giềng”, bởi tuy là vợ tôi nhưng vợ chồng không được ở chung vì tập tục người dân xứ này không cho người lạ được “sinh hoạt” trong nhà họ!
Lấy cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó làm thuốc an thần, tôi cố gắng hòa nhập với số anh chị em mà tôi thừa biết họ chỉ...tạm thời chịu cúi đầu làm quấy quá cho xong những việc trước mắt theo cấp trên yêu cầu. Còn trong cái đầu và con tim họ, trời biết họ đang tính toán gì? Thực tế đã trả lời: đa số bằng cách này, cách khác chuồn lẹ khỏi cái tổ chức đặc xệt nông dân tính này. Có người về sau trở thành giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú...như Thanh Tịnh, Cao Xuân Hạo, Đình Quang... Có người chẳng còn bao giờ được nhắc tới như Nguyễn Phiên, Nguyễn Đãi, Minh Trâm, Vĩnh Cường... Đặc biệt Phùng Quán trở thành “cái gai” cho Đảng đến hết cuộc đời.
Với tôi, những năm tháng ở Liên Khu IV kéo dài tới 1960 dù trải hàng vạn biến cố mà không có cách nào thoát nổi, vì cái danh “đảng viên” cứ như cái vòng kim cô xiết chặt tôi vào hết bi kịch này đến bi kịch khác...
Một ngày kia, “cuộc cách mạng long trời lở đất” có tên Cải Cách Ruộng Đất nổ ra! Nó được mang từ bên Tàu sang, nổ súng vào toàn dân Việt Nam, tạo một vết nhơ trong lịch sử dân tộc, thay đổi toàn bộ nhận thức, tình cảm của tôi về cái đảng mà tôi đã chẳng may rơi vào đó.
Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ chủ chốt từ tham mưu trưởng đến tỉnh đội trưởng, thậm chí cả tư lệnh trưởng đều phải nhận “tội” trước các đoàn ủy, đội ủy cải cách ruộng đất. Hàng loạt chi bộ đảng Lao Động đều biến thành Quốc Dân Đảng (?!), thậm chí thành tổ chức phản động? Không ít người bị đánh gãy chân, què tay và vất xác trôi sông hoặc tự tử. Lý lịch được mang ra phê phán. Có người vì muốn thoát chết đành gọi bố mình là “thằng Việt gian” chỉ vì thời Tây, bố đã làm công chức cho Pháp.
Ở ngoài dân chúng thì sao? Một cảnh tượng ghê rợn bao trùm khắp làng xóm nơi chúng tôi đóng quân. Người ta bắt “kẻ thù giai cấp” — 99% là bị vu oan — quỳ cả tiếng đồng hồ, hai tay trói giật cánh khuỷu để các ông bà nông dân xỉa xói vào mặt kể tội. Điều ngược đời là ai có nhiều công nuôi cán bộ, đóng góp tiền bạc, thóc gạo cho bộ đội đều bị gán cho tội...“mua chuộc cán bộ”! Con phải đấu cha, vợ phải đấu chồng, thậm chí quan hệ riêng tư trong gia đình, vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu, con ở, cũng thành trọng tội mà kẻ bị xử bị đem bắn ngay trong đêm...
Những gì tôi chứng kiến trong “cuộc cách mạng long trời lở đất này” có viết hàng nghìn trang cũng không thể hết. Đó là một cuộc cách mạng vô lý, vô luân, vô đạo đức, tàn bạo nhất được các đoàn chuyên gia giết người, diệt chủng Mao-ít đưa sang Việt Nam để huỷ diệt dân tộc ta. Cũng cần phải nói thêm sở dĩ những người làm văn nghệ ít bị chết — theo nghĩa đen — trong đợt cải cách ruộng đất này là nhờ hai lẽ sau:
— 1/ Hầu hết chúng tôi đều không thuộc cơ sở nông thôn nào. Người thì sinh hoạt ở các tổ chức phi nông nghiệp, người thì ở tổ chức tuyên huấn văn hóa cấp tỉnh, cấp khu hoặc trung ương. Một số sinh hoạt không thuộc Nhà Nước thì làm nghề tự do như dạy học, dạy nhạc, thậm chí bán phở, mở cửa hàng ăn... nên có muốn “đôn” lên địa chủ cường hào, kẻ thù giai cấp cũng khó. Tuy vậy, một số do gia đình ở địa phương bị quy là địa chủ cũng bị dẫn độ về để tố khổ bố mẹ, ông bà mình. Một số kẻ “siêu hèn” đã phải kể “tội” bố mẹ để thoát chết. Vài tên sau này thành tay sai đắc lực, và với tôi, đến chết tôi không bao giờ muốn nhìn mặt. Một số, do được đánh giá là “chưa thực sự cải tạo tư tưởng” thì về đến đơn vị mất tuốt tuồn tuột từ Đảng đến chức vụ luôn. Một số khá hơn được cho xuống đơn vị làm lính cho đến khi bỏ xác nơi chiến trường.
— 2/ Loại thứ hai, trong đó có tôi, được “trên” huy động đi tuyên truyền, cổ võ cho phong trào đấu tranh quần chúng trong Cải Cách Ruộng Đất, trở thành cán bộ của Cải Cách Ruộng Đất. Thế là...thoát! Một cuộc vận động sáng tác lớn từ trung ương tới địa phương được tổ chức, khuyến khích văn nghệ sĩ “lập công dâng đảng”. Tất cả, để tránh tai bay vạ gió, để tồn tại, gần như ai cũng cúi đầu dấn thân vào con đường hèn hạ: góp sức quảng cáo cho cuộc diệt chủng ghê gớm, bẩn thỉu nhất trong lịch sử.
Tôi rất lạ vì cho tới nay vẫn còn một số văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ thống kê các sáng tác trong thời kỳ diệt chủng này vào thành tựu của đời mình! Riêng tôi, kỷ niệm 70 tuổi, nhân người ta đưa tôi lên tivi, tôi đã công khai tuyên bố: “Tôi không có nhiều tác phẩm thật sự là tác phẩm! Nhiều lắm chỉ là 20 đến 25 chứ không dám 500, 1000 như các nhạc sĩ khác...” Hành động ấy còn xa mới sánh được với họa sĩ Dương Bích Liên: Sau khi tuyên bố ra đảng, ông đã đốt hết tác phẩm của minh, rồi đóng cửa... tự tử!
Trở lại với những ngày đầy máu và nước mắt của cuộc “đấu tranh long trời lở đất” những năm 1953-1954, tôi, một nhạc sĩ đảng viên, dù thấy tận mắt các tội ác gớm ghiếc mà Đảng của tôi gây ra, nhưng vì...Hèn, Quá Hèn, Sợ, Quá Sợ nên không còn đường nào khác, đành nhắn mắt lao vào cuộc tàn sát…bằng âm nhạc!
Qua hai, ba đợt đi cải cách, qua thực tế thâm nhập đời sống nông dân, tôi đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc cướp của giết người không gớm tay đó! Vậy mà tôi vẫn cố nặn ra nhiều bài được Đảng đánh giá là “Tốt! tốt! tốt!... ”
Có khó gì đâu, ca khúc là thứ mà ai cũng làm được nếu muốn! Nó chỉ là lời nói lồng giai điệu, tiết tấu! Cộng sản chỉ không chấp nhận...trái tim và tâm hồn rung động. Vậy thì xếp cái tâm hồn lại. “Nôm na chửi cha mách qué” là hợp với Đảng, với quần chúng nông dân! Và...có ngay! Còn hơn cả mong đợi của Đảng ở một anh “nhạc sĩ tiểu tư sản cả gia đình theo địch”, tôi vào hẳn vai kịch bằng cách tự nhận mình là nông dân trong lúc sáng tác! Nó thể hiện ở mọi “tác phẩm” tung ra thời kỳ này đều nhân xưng ở ngôi thứ nhất! Ví dụ ở bài Chúng Ta Không Muốn Đói đoạt giải nhì không có giải nhất: “Từ ngàn vạn đời xưa rồi cha ông chúng ta nghèo đói...”, hoặc “Ba chúng ta cùng rời đồng lúa xanh”...“Anh với tôi cùng khổ đau, nghèo đói”... và hàng loạt nhạc cảnh, hợp xướng “đứng hẳn về phía nông dân vạch mặt địa chủ, vạch mặt nhà thờ lừa dối giáo dân” ở Tiếng Chuông Tội Ác, Nông Dân Biết Ơn Bác...Cứ thế, qua mấy đợt cải cách, hàng loạt tác phẩm của tôi và các văn nghệ sĩ đại hèn” được tung ra! Đủ kiểu nói dối, đủ kiểu đề cao giai cấp nông dân, đủ kiểu vạch “tội ác kẻ thù giai cấp”. May mắn hơn các ngành văn học nghệ thuật khác, cánh làm nhạc chúng tôi đều hiểu “Lời hát gió bay” nên cứ hét lên những điệu Hò Dân Cày” (Văn Chung) mà chẳng lo gì vì thời ấy chưa có ghi âm, ghi hình, chưa có phương tiện truyền thông hiện đại như ngày nay, ngoài mấy bản in li-tô trên giấy bản mỏng tanh mà in xong thì làm giấy vệ sinh cũng không... đắt!
Chỉ khổ mấy bác nhà văn, sách in ra cả đống để ca ngợi công lao Đảng, Bác, ca ngợi giai cấp nông dân vạch tội tưởng tượng cha chú mình, ngày nay đã nằm trong thư viện cả bên Mỹ lẫn Việt Nam, các bác làm thế nào để hủy chúng bây giờ? Các bác nghĩ gì khi tới những năm đầu thế kỷ 21 này, người ta vẫn trích các “tác phẩm tội ác” đó vào chương trình giảng dạy con em các bác?
Giới nhạc sĩ đảng viên chúng tôi biết rằng chỉ làm cái “loa tuyên truyền” nhất thời cho Đảng, ồn ào và kịp thời nhất. Sau đó, tất cả đều rơi tõm vào không trung, “khẩu thiệt vô bằng” nên tha hồ... nói láo! Chính tôi đã là một cái loa khá đắc lực, một cái loa không biết ngượng, nhưng may thay, thứ gọi là “tác phẩm” của tôi được đề cao, được tặng giải thưởng, huân, huy chương, tôi đã biết thân, biết phận tự xóa bỏ đi, không để lại dấu vết gì. Vả lại, chính các cơ quan quyền lực cao nhất về văn hóa tư tưởng của Đảng sau này cũng chẳng hãnh diện gì khi nghe những lời ngợi ca các tội ác diệt chủng của các bậc tiền bối của họ!
Tiếc thay và cũng đáng khinh thay, mấy tên “nhạc sĩ” nô bộc suốt đời cho Đảng, tới nay, nhờ nắm được các “đầu ra” của âm nhạc như phát thanh, tivi vẫn không ngừng cho phát ra...không khí những “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, những “Đảng đã cho tôi mùa xuân”, “Đảng là lẽ sống của tôi”... thậm chí đến năm 2006 này, họ vẫn tiếp tục kiếm chác bằng những cuộc vận động sáng tác ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ!
Bọn chó chết này, tôi mong các thế hệ mai sau gạt bỏ chúng khỏi lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Chúng là ai? Giấy trắng mực đen, băng đĩa, băng hình đang còn đó. Không “lời hát gió bay” được nữa! Làm thân bồi bút đến tận đầu thế kỷ 21, khi cả thế giới cộng sản đã sụp đổ, khi những cái tên Mác, Lê đã bị đập nát từ lý luận đến tượng đài từ gần 20 năm qua, bọn chúng đâu còn có đầu óc, có trái tim?
Không ít người trong các giới văn, thơ, họa, trong đó có tôi, đã tìm đến sự im lặng, chịu khổ, chịu đói để được viết những gì mình cảm, mình nghĩ. Đặc biệt giới nhạc chuyên nghiệp (không kể bọn “thợ lời có âm thanh”) đều cố viết những gì là âm nhạc đích thực để thỏa mãn chính bản thân mình mà chẳng lo ai bắt bỏ tù cả.
Chỉ thương cho lũ con cháu đang bị đầu độc bởi mấy thằng cha “bồi bút thời kỳ đồ đểu” (thơ Lê Phú Khải). Nhưng biết làm sao đây khi đất nước chưa có một cuộc cách mạng thật sự để đập nát cái hệ thống cai trị độc đảng, độc tài, phản nước, hại dân của cái Đảng nhiều tội ác nhất trong mọi thời đại lịch sử. Tôi cũng may mắn khi về cuối đời, không phải đứng vào hàng ngũ tôi tớ đắc lực cho cái tập đoàn lưu manh cộng sản “Mười – Anh – Mạnh”.
Sự thật thì việc “đào thoát” khỏi Đảng Cộng Sản của tôi không đơn giản chút nào. Không để họ khai trừ, không nộp đơn xin ra Đảng, không tuyên bố ly khai — hành động chỉ có từ những năm đầu thế kỷ 21 — nhưng tôi vẫn chuồn được khỏi cái tổ chức mà tôi khinh bỉ, ghê tởm... một cách êm nhẹ mà không bị theo dõi, trả thù, thậm chí bị thủ tiêu là cả một quá trình gian nan, vất vả, nguy hiểm. Tôi sẽ “xưng tội” với vợ con, bạn bè, người thân trong chương cuối của cuốn hồi ký này.
Nó mang tên... Bi Hài Kịch Vào Đảng... Ra Đảng.

________________________________________
([1]) Lời Việt: Đông phương hồng, mặt trời lên.
([2]) Thầy. (Tiếng Pháp).
([3]) Mít xanh băm nhỏ như một thứ dưa ở miền Bắc, rất nặng mùi.

No comments: