Trôi theo mùa hè_ 3

                                                                        Chương 3                                    

                           Nhiệm vụ khó khăn

 S
áng hôm sau,  dù là ngày dọn dẹp lau chùi nhà cửa, mẹ vẫn bắt tay vào việc. Cái nồi nấu nước cũ được đưa qua nhà Barshinskeys, hai tấm trải giường cũ nhưng đã được sửa lại đẹp đẽ, chiếc ghế dựa của bà ngoại để lại, hai cái giường xếp dùng đi chơi cắm trại và hai tấm chăn nâu, một bao khoai tây, một cây bắp cải bự  bố mới cắt từ ngoài vườn rau vào.
      Khi Daisy May và tôi trở về nhà từ trường học vào giờ ăn  trưa, bà mẹ cô bé  đã  bước ra khỏi giường, gọn gàng trong bộ đồ mùa hè của mẹ và đang xếp chén đĩa lên bàn ăn  mà tôi nhận ra chúng từ ở trong nhà kho của chúng tôi.  Chùi rửa sạch sẽ, lại được che chắn với một mảnh màn cũ, nó mang lại cho cái bếp của căn nhà ‘tổ cú’ một quang cảnh lạ mắt: trông tương tự như (nhà bếp) của gia đình chúng tôi.
     Đôi khi tôi nghĩ có  lẽ vì sự nhàm chán làm mẹ hay nóng giận, chứ không hẳn chỉ vì vất vả trong công việc. Chán nản về sự nặng nhọc  làm cho người  mụ ra hơn là ham thích. Chắc chắn trong ngày thứ Hai đó, dù phải làm thêm biết bao công việc, mẹ lại thấy vui vẻ và phấn khích, đầy những  toan tính trong đầu  bà để  giúp sắp xếp  lại cuộc sống cho  gia đình Barshinskeys.
     Bà Barshinskey là người dễ xúc cảm, bị chinh phục nhanh chóng với lòng biết ơn , bà trở nên một bản sao nhạt nhoà lợt lạt của chính mẹ tôi, cả với những việc nhỏ nhặt như thay giường nệm vào những ngày thứ Sáu. Có điều nó chỉ hữu hiệu khi có mẹ ở đó chống chỏi đốc thúc  bà.
     Cuộc chiến đấu kế tiếp của mẹ  là Galina. Ở đây, nhiệm vụ của mẹ khó khăn phức tạp hơn nhiều, bởi dễ dàng có thể nhận ra  là trong làng chẳng có ai muốn thuê  mướn cô ta .
     Tin về gia đình Barshinskeys nhanh chóng truyền thổi khắp thị trấn, lúc đầu trong đám dân giả, rồi cũng đến tai các gia đình quý tộc.  Mọi việc  ra vẻ tốt đẹp cho ông Hayward trong việc chấp nhận hên xui may rủi với (việc thuê mướn)người thợ nuôi bò sữa mới . Đó là chuyện của riêng ông. Nhưng ai  muốn có một cô gái như Galina vào làm việc trong nhà họ? Lại càng  phiền phức hơn với sự kiện là chính cô gái cũng chẳng có ý muốn đi làm việc. Mẹ tôi đã gọi cô sang nhà và mặt đối mặt cho cô  một ‘buổi lên lớp‘ về cách sống  . Cô gái ngồi  trên bàn ăn trong nhà tôi, đôi mắt mèo cúi đầu xuống nhìn áo quần và tự tạo cho mình một dáng điệu trông vừa có vẻ đoan trang lại vừa xấc láo.
-    Tôi sẽ đi gặp bà Hayward để  hỏi xin việc cho cô. - Mẹ lạnh lùng nói. -  Đó là điều tốt nhất   tôi còn có thể giúp trong lúc này. Dĩ nhiên  làm ở đây không  bằng những nơi danh giá khác, nhưng  không ai chịu cho cô một công việc.  Dù sao bà Hayward cũng là một tín đồ rất ngoan đạo, bà sẽ trả công cô xứng đáng nếu cô làm việc chăm chỉ và  biết giữ mồm giữ miệng.
     Cô gái đỏ mặt lên và bỗng nhiên trông có vẻ sợ hãi.
-     Tôi không hợp với đàn bà. Họ không ưa tôi.  – Cô gái nói. Giọng nói cô nghe thật lạ tai. Cả Ivan và Daisy May có giọng nói gần giống như chúng tôi, nhưng giọng nói của Galina là một pha trộn giữa giọng miền Kent    ông bố của cô. Và cũng chỉ có cô là đứa duy nhất trong ba đứa con nói tiếng Nga với bố. Khi ông bố nói với Ivan và Daisy May bằng tiếng nước ông, chúng rõ ràng hiểu, nhưng lại trả lời bằng tiếng Anh. Riêng Galina  đối đáp bằng tiếng Nga, đôi khi họ nói với nhau thật lâu, ngay cả trước mặt những người khác. Mẹ bảo điều đó thật thô lỗ bất lịch sự.
-   Này, cô gái,  tôi e rằng cô sẽ phải vui vẻ mà hoà hợp với đàn bà vì chính họ là người coi sóc mọi việc trong nhà. Nếu cô muốn có một việc làm cô phải nghe lời họ.
-    Tôi không nghĩ là tôi cần một công việc.
   Mẹ ráng kiềm chế  nhưng khuôn mặt đã có sắc giận.
-   Vậy thì cô nghĩ cô sẽ làm gì? Tiếp tục sống nhờ bố nhờ mẹ? Thứ con gái  một đống như cô đáng lẽ phải kiếm chút tiền phụ giúp vào gia đình, chứ ai lại lang thang lêu lổng  suốt ngày như loại dân phiêu bạt giang hồ thế!
     Gương mặt Galina vụt trắng bệch ra, rồi đổi sang đỏ rực. Cô gái ngước lên nhìn mẹ với đôi mắt bừng lên sự giận dữ.
-    Không được gọi tôi  là “thứ này đống nọ”. – Cô nhổ toẹt xuống đất và xô ghế đứng dậy bước ra khỏi bàn. Tuy nhiên, cô đã không đoán trước được mẹ tôi cũng là một người rất nóng giận, và hơn nữa , bà lại đã có nhiều kinh nghiệm biết cách dùng nó làm ưu thế của bà. Mẹ xô cô ngược trở lại ghế khá mạnh tay.
-      chỉ được phép đứng lên khi nào tôi đã nói xong,  chưa xong thì ngồi yên. Mẹ cô đã nhờ tôi  làm bất cứ gì mà tôi có thể làm cho cô. Và tôi sẽ làm  được điều đó.
-    Hai bố con tôi , chúng tôi có thể tự lo được. -  Cô gái buồn bã trở lại, cơn giận dữ tới thật nhanh, cũng tan biến nhanh. -  Chúng tôi  không muốn ai can thiệp vào. Chúng tôi tự lo được rồi.
-   Được thôi, nếu đó là cái cô muốn. Nhưng cho cô biết, tôi sẽ không  gửi thực phẩm sang cho cô nữa. Cô có thể ra rừng hái dâu dại mà  ăn trừ bữa như bọn ăn xin. Và đừng có qua nhà xin xà bông để gội đầu. Và rồi cô sẽ thối tha như họ, trông giống như họ. Nếu cô muốn ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu, với tôi được thôi. Nhưng đừng xen vào  chung chạ với những người khác. Đi vào rừng mà sống như  một thứ điên khùng nếu cô muốn. Nhưng  tôi sẽ không để cho cô trà trộn vào những con người đứng đắn trong xã hội.
    Cảm giác nghi ngại và không an toàn thoáng qua gương mặt cô gái. Một phần trong cô muốn gạt bỏ sự giúp đỡ của mẹ qua một bên, phần khác cô còn quá trẻ và không chắc có thể tự  sinh sống với khả năng của mình không. Chắc là không thể nào với những người như mẹ tôi ở chung quanh. Và cái hình ảnh mà mẹ vừa vẽ ra: một kẻ lang thang không nhà ,dơ dáy thúi tha không phải là cái cô muốn. Tính   ngạo mạn  của cô bị khuất phục. Thật là kinh ngạc khi thấy cô rơi lệ và sụm một đống xuống bàn. Trong  giây lát, tôi tưởng cô giả bộ, nhưng  không, những giọt nước mắt thực sự lăn từ từ xuống má rơi xuống mặt bàn. Mẹ có vẻ bất nhẫn.  Bà nhìn đăm đăm một hồi, rõ ràng bà cũng đã nghĩ như tôi rằng cô gái đang đóng kịch, và rồi bà lên tiếng bằng một giọng bớt cay nghiệt hơn:
-     Nghe đây, khóc chẳng ích lợi gì.  Sự lựa chọn thuộc về cô. Hoặc là cứ tự tiện ra đi và vào sống hoang dại trong rừng như bố cô, hoặc bắt đầu tự chỉnh đốn mình và đi kiếm việc.
-     Nếu  đi làm, tôi cần một bộ đồ mới. Không thể đi ra ngoài ăn mặc thế này.
-     Cô sẽ được lo liệu cho đầy đủ, bất cứ cô đi đâu làm gì. - Mẹ đáp lại thật gãy gọn.
-     Nếu tôi đi làm ở nhà Hayward, tôi có phải ngủ lại không?
     Mẹ do dự một lúc:
-     Không, tại nhà Hayward có lẽ không đâu. Tôi cho là họ sẽ để cô đi về mỗi ngày.
     Bỗng dưng Galina quay mặt đi. Cô đưa tay lên vuốt mái tóc dầy bóng bẩy.  Một cử chỉ tự mơn trớn một cách không thích thú gì mấy. Nó phô ra cánh tay trần với làn da lợt màu kem, đồng thời cô nghiêng đầu qua để đôi mắt cô, vẫn còn ngấn lệ, trông càng xếch hơn và những vết ẩn dưới gò má  trở nên rõ ràng hơn.
-     Tôi thích được ở lại,- Cô mơ màng. - được ngủ ngon, trên một cái giường  lót đầy lông chim  êm ái và chăn gối  mềm mại để ắp ủ vuốt ve  cho  cái tấm thân này.
     Mẹ đỏ mặt lên. Cách ăn nói của Galina thật vô đạo đức.
-     Cô không có sự chọn lựa. Nếu tôi có thể đưa cô vào làm trong nhà Hayward, chính họ sẽ quyết định cô sẽ được ngủ lại hay phải về nhà.
-     Vậy được, tôi chấp nhận.
     Lại một sự thay đổi thật mau lẹ. Cô gái bỗng nở nụ cười, thật ngắn gọn và dịu dàng.  Cô liếc nhìn lên mẹ dưới cặp lông mi dài bóng rồi hơi trề môi ra một chút:
-     Cám ơn bà Willoughby. – Cô gái nói với một giọng như mèo kêu. -  Tôi biết những gì bà đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn biết ơn.
     Cô lại nở một nụ cười ấm áp, ra vẻ ăn năn, nhưng mẹ rõ ràng không tin. Cả hai người họ có chung mỗi đặc điểm đó.
     Cuối cùng thì bà Hayward  vẫn không nhận cô gái vào làm:
-      Tôi rất tiếc thưa bà Willoughby! Tôi sẵn sàng giúp kẻ đáng thương nếu như tôi có thể. Ý tôi muốn nói về bà mẹ  cô ta kìa. Còn với cô gái thì, xin lỗi phải nói  tiếng không. Tôi không thể , vì còn có Peter ở trong nhà. Thằng con tôi đã mười sáu tuổi và tôi không muốn có bất cứ phiền phức nào với một đứa con gái  có lý lịch như vậy.
-     Bà ấy là một hội viên của  Quaker (một giáo phái tôn giáo), thưa bà Hayward. Bà ấy ở trong hội Thân Hữu tại Dover.
      Bà Hayward lắc đầu một  cách ý  thức:
-     Chúng tôi không nói về bà mẹ , chắc bà biết rõ.  Hoặc nếu nói về cô con gái nhỏ trong nhà thì lại khác. Trường hợp nếu họ vẫn còn ở quanh đây  cho tới khi con bé rời trường. tôi chắc con bé sẽ rất tốt trong nghề làm  sữa. Nhưng với cô con gái lớn thì không được.  Cô ta  chính là một  tai hoạ.
     Nhà Tylers cũng nói không, các nhà Borers, Sitfords và cả chị em cô gái già  không chồng Tunes cũng lắc đầu.  Xem ra có vẻ vị trí của cô sẽ là: không nhà máy làm mứt thì cũng công xưởng muối chua. Nhưng mẹ  đã tự nhận lấy trách nhiệm đấu tranh cho cuộc ‘thánh chiến’  của bà này. Và như thế, đẩy Galina vào lao động trong nhà máy, vào lúc này, có khác nào bà đẩy một trong chúng tôi, đám con của chính bà vào đó?
     Cuối cùng, bà nói bà sẽ nói chuyện với ông Hope-Browne khi nào ông  tới:
-     Giáo hội Anh giáo vẫn luôn luôn bảo rằng họ sẵn sàng giúp đỡ người anh  em nghèo khổ. Vậy bây giờ là lúc để họ thực hiện điều họ nói.
      Chúng tôi có một mối liên lạc quen biết không đằm thắm lắm với giáo hội Anh Giáo ở trong thị trấn.  Giáo phái Anh Em chúng tôi cần họ  bởi chúng tôi phải tổ chức lễ cưới trong nhà thờ của họ và chôn cất người thân qua đời  cũng tại nghĩa trang của họ. Phải làm đơn qua họ để xin cứu trợ và một số việc khác  cần được tổ chức trong sảnh đường nằm trong quyền hạn của  cha xứ. Giáo hội Anh Giáo là giáo hội chính  thức.  Nhà vua nằm trong giáo hội Anh giáo và hầu hết những gia đình thượng lưu, bác sĩ , cha xứ và cả các  trường học,.
     Nhưng họ  cũng cần đến chúng tôi, bởi hầu hết tầng lớp lao động thuộc giáo phái Anh Em. Bố tôi là một  thuyết giảng viên. Mẹ có chân  trong ban xã hội  của hội đồng mục vụ giáo phái Anh Em. Vì vậy, khi nào có một cậu trai đáng tin  tưởng cần được huấn luyện thành người  phụ tá vườn cây hay một cô gái nết na nào cần nơi sinh sống, thường thường họ đến với chúng tôi.  Một cô gái được giới thiệu bởi gia đình Willoughbys hầu như chắc chắn là người thành thật, chăm chỉ  và hiểu rõ ‘thân thế’ của mình.
     Ông Hope- Browne, vị phụ tá cha xứ, thường là người  được cử liên lạc với chúng tôi. Cha xứ thường ít khi hạ cố đến với chúng tôi. Do đó, mỗi khi cần dùng sảnh đường cho đám cưới, đám tang, chúng tôi được chỉ dẫn đến gặp ông Hope- Brown. Ông ta thường đến trường học  ba buổi trong một tuần để chủ trì các giờ cầu nguyện, và  vào các dịp lễ Giáng Sinh  và Phục Sinh, ông và mẹ  sẽ có những  cuộc đối thoại lâu để quyết định xem nên cho những ai  nhận lãnh  những phần quà tặng Fortescue, từ một quỹ từ thiện được thành lập bởi vị  dân biểu Simon Fortescue năm 1856 để giúp người nghèo trong giáo xứ bất kể nguồn gốc tôn giáo, điều kiện xã hội hay giới tính.
     Tôi luôn luôn cảm thấy tội nghiệp cho ông Hope-Browne, và hầu như ai cũng thế. Ông còn trẻ và có tính mắc cở. Đặc biệt là  ông có  khuôn mặt đầy mụn trông   ghê gớm đến nỗi từ trước và sau này, tôi chưa từng  thấy ai như vậy. Càng tệ hơn với  mái tóc bạch kim và làn da trắng của ông . Từng đốm đỏ, từng mụt nhọt bóng lên đủ loại màu sắc từ hồng lạt đến tím xẫm. Và khi ông đỏ mặt, cái đỏ mặt  cũng thật ghê, bởi nó làm thay đổi màu sắc những  mụn nhọt trên gương mặt ông.
     Có một cái dễ thương đó là giọng nói của ông. Ông có một giọng nói tenor trầm tuyệt vời, không giống chúng tôi cũng chẳng giống ông cha xứ hay ông Fawcett. Hai người này phát âm không hoàn hảo (Họ nói ‘dà’ thay vì ‘ và’ , ‘ Trúa’ thay vì ‘ Chúa’). Còn ông Hope-Browne ăn nói thật chỉnh, đúng như ngữ pháp. Anh Peter Hayward  bảo tôi là  được nghe ông hát trong một buổi hoà tấu mới tuyệt vời. Khi đó người nghe sẽ quên hết cái gương mặt đầy mụn của ông.
     Tôi được sai đến nhà xứ với lời nhắn hỏi khi nào thích hợp cho mẹ có thể đến gặp ông Hope-Browne. Chiều hôm sau , tôi đã thấy ông đang dựa chiếc xe đạp vào  nhà kho vào đúng giờ ăn trưa. Đây cũng là một đặc điểm thú vị về ông: Mặc dù lúc nào mẹ cũng kính cẩn nói ông  có thể kêu bà đến nhà xứ gặp, nhưng ông cứ  đạp xe đạp đến tận nhà chúng tôi, luôn luôn vào bữa ăn trưa. Rồi ông  ngỏ lời xin lỗi và đỏ mặt vì đến không đúng lúc. Cuối cùng là ông ngồi vào bàn để chất đầy vào bụng  nào là bánh mì, bơ , rau cải, cá hồi, cà chua và đủ thứ bánh ngọt mẹ mang ra mời.
     KIểu cách đàm thoại của họ luôn luôn cùng một phương thức.  Mẹ thăm hỏi  về bà Lovelace, bà vợ của ông cha xứ. Mẹ  cảm thấy bà có lý do thăm hỏi  vì bà đã từng phục dịch  ăn tối cho bà Lovelace trong những ngày còn phục vụ tại Nhà Trắng. Rồi ông Hope-Browne sẽ thăm hỏi về  công việc  sản xuất sữa ở trang trại Hayward thế nào, còn bố thì hỏi sức khoẻ của ông cha xứ ra sao…Đoạn họ bàn về những người nghèo đã đưọc lãnh nhận những thùng đồ cứu tế Fortescue, về nhà vua và về bất cứ gì khác có vẻ tốt lành và chẳng có chủ đề gì cả.
     Mới đây, tôi nhận thấy có một sự thay đổi trong bầu khí chung quanh khi ông Hope-Brown ghé qua nhà, nguyên do từ chính chị Lillian. Chị không trực tiếp tham gia buổi nói chuyện, bởi là trẻ con , chúng tôi  phải im lặng lắng nghe (người lớn nói chuyện) và chỉ được trả lời ngắn gọn: cám ơn, xin vui lòng… Tuy nhiên, chị đã cố ý biểu lộ sự hiện diện của mình bằng những cách khác, dường như để loan báo rằng chị đang chuẩn bị đi vào thế giới của người lớn.
     Vào cái buổi trưa đặc biệt này, chị chuyền tay  qua ông khách  một đĩa bánh ngọt với câu:
-     Mời ông ăn thử một một miếng bánh, ông Hope-Browne. Bánh hôm nay thật ngon.
     Tôi chờ cho mẹ ngăn cô lại, vì thường chỉ có mẹ lo việc  mời ăn bánh, nhưng  rồi đã không xảy ra chuyện gì. Mẹ lại còn dịu dàng mỉm cười  với chị. Ông Hope-Browne thì đỏ mặt và lấy một miếng bánh. Chị Lillian đặt đĩa bánh xuống bàn  với một thoáng rung động trên đôi mi.
      Tôi không thể tin vào mắt mình. Không lẽ Lillian phải lòng ông này? Một sự phẫn nộ bùng lên trong tôi. Sao chị  đựoc quyền chọn lựa bánh trong khi tôi phải chờ được phép? Sao chị dám rung động với một người thuộc giáo hội Anh Giáo trong khi chúng tôi thuộc giáo phái Anh Em?  Tôi nhìn chị rồi lại nhìn ông Hope-Browne. Ông ta dường như không để ý tới cái chớp mắt rung động ấy vì ông còn đang  thật bận rộn với miếng bánh ngọt thơm ngon, nhưng Lillian cố nặn ra một nụ cười với ông  như một con thỏ ngu đần. Chắc chị không thực tình thích ông ta phải không? Tôi nhìn chăm chú vào gương mặt ông Hope-Browne và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu phải cưới bộ mặt kinh khủng đó làm chồng.  Và tôi nghĩ đó chính là cái ý nghĩa của lời thề trung thành  “ Trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ, khi tốt lành  cũng như khi tệ hại…”  ở tại nghi thức  hôn nhân. Ông ta bỗng  linh cảm tôi đang nhìn ông, bèn ngước nhìn lên và trở nên lúng túng với những lời lẽ lắp bắp cho đến cuối bữa ăn. Tôi nghĩ ông hiểu vì sao tôi nhìn ông.
-    ,Ông Hope –Browne! Dĩ nhiên  là ông đã có nghe nói về một gia đình nghèo khổ vừa mới dọn tới căn nhà kế bên tôi đây?
       Ông ta gật đầu,  vẫn chưa có tự tin để thốt ra lờii.
-     Tôi đã tận tâm hết sức, thưa ông , và tôi sẽ thành thật với ông.  Tôi đã làm hết sức mình để giúp những kẻ đáng thương đó. Điều chắc chắn là điều kiện sinh hoạt  tồi tệ của họ không phải do lỗi của người đàn bà. Tôi đã làm những gì có thể, và bây giờ, tôi e rằng tôi phải kêu gọi những người khác phụ giúp một tay.
     Mẹ nói với giọng điệu rất oai phong và hoàn toàn đúng đắn ấy làm  tôi thật bực mình vì điều bà vừa nói hàm ý rằng:   điều kiện sinh hoạt
tồi tệ của họ là do lỗi của ông Barshinskey.
-     Vâng tôi hiểu. – Ông Hope-Browne nói.
-     Đó  là về vấn đề cô gái…- Mẹ nói, rồi bà bỗng nhìn quanh bàn và thấy chúng tôi. – Edwin! đứng lên đi cho heo ăn đi. Và nếu ông đã dùng xong bữa, thưa ông Hope-Browne,  xin để cho các cháu dẹp bàn và rửa chén…
     Chúng tôi phân tán ra đi làm phận sự của mình, và dù cửa phòng đã đóng, tôi vẫn nghe được tiếng còn tiếng mất vẳng ra: “ con nhỏ khó dạy…,kỷ luật…,truyền thống gia đình ngoan đạo… “.Tôi cũng thỉnh thoảng nghe thấy giọng nói du dương của ông Hope-Browne đại khái: : không dám hứa…, tình thế rất khó khăn…, việc do chính bà Lovelace giải quyết…”. Rồi  những tiếng ho, tiếng ghế  xê dịch trên sàn.  Cuối cùng, ông Hope-Browne bước ra kẹp cái cặp của ông  vào cái yên xe và  ra về.
-     Tội nghiệp anh chàng! - Mẹ nói thế khi bước vào nhà bếp, và tuy bà chẳng bao giờ nói điều gì làm ông ta đáng tội nghiệp, chị em tôi dư hiểu bà  muốn nói gì.(Có lẽ với bà nhắc đến cái mặt mụn của ông thì quả là thô tục?).
     Ngày hôm sau, bà Lovelace gửi qua một lời nhắn. Thế là Galina được nhận vào làm trong nhà xứ. Việc đầu tiên là cô gái được gọi sang nhà  và lôi vào phòng tắm rửa, cửa được khóa trái với một bình nước nóng  cùng mấy lời chỉ dạy tắm rửa cho sạch sẽ.
     Tôi tưởng Galina sẽ giận dữ. Cô là loại người không thích  những mệnh lệnh mà chúng phản ảnh con người của cô không hoàn thiện như cô tưởng. Nhưng lần này dường như cô không để ý tới. Nhìn vào chiếc khăn tắm trắng tinh, cục xà bông tẩy trùng và đồ lót sạch sẽ mà mẹ đã chuẩn bị sẵn , cô hỏi một cách sảng khoái:
-     Tôi có thể gội đầu luôn chứ?
-     Không kịp khô đâu. Nếu muốn, cô có thể làm ướt phiá trước một chút.
     Sau chừng nửa tiếng, Galina trở ra ngoài với gương mặt sạch sẽ , tóc tai vấn gọn gàng giống như Lillian và phảng phất mùi  xà bông.
-    Xà bông  này làm mặt tôi hôi quá!
-    Khi nào cô làm ra tiền, cô có thể tự sắm xà bông  thơm riêng. - Mẹ vừa nói vừa tròng  chiếc áo cũ lên đầu cô kéo xuống cổ, rồi xoay người cô khá mạnh  để cột dây  lại sau lưng. Galina  vuốt ve những hàng li xếp lớp phẳng phiu trên chiếc váy đang mặc  với nụ cười nhà họ Barshinskeys quyến rũ  tỏa đầy trên gương mặt.
-     Khi  có tiền, tôi sẽ sắm một bô đồ  bằng satin có viền lông thú. Bố tôi kể rằng ở nước tôi  ai cũng có áo lông thú kể cả người nghèo. Tôi sẽ mua một cái áo choàng bằng nhung có may liền một cái mũ lông, và sẽ đi giày chứ không đi ủng .
   Cô khinh khỉnh nhìn xuống  đôi chân đi ủng của mình. Mặc dù làm đầu tóc kiểu Lillian và ăn mặc đồ của chị, tôi vẫn thấy cô chẳng giống chị một chút nào. Mẹ lại xoay người cô thật mạnh lần nữa và chăm chú nhìn vào bộ đồ :
-    Chật quá! – Bà nghiêm trang nói. –  Không còn thì giờ  để làm gì khác nữa. Nhưng không sao, bà Lovelace biết tình trạng này mà. Khi bà ấy nhận cô vào nhà xứ, bà sẽ kiếm cho cô quần áo lao động. Đừng trì vai cô xuống  thì chiếc áo dài sẽ không làm căng chiếc áo cánh bên ngoài quá.
     Bà ấn mạnh cái mũ lên đầu cô, gài vào đó một cây kim,  cố kéo giãn  chiếc áo đầm Galina mặc về phía trước, mong làm cho nó lớn hơn rồi bà lướt như bay qua cửa với cô gái đi theo. Đôi chân đi ủng thật vụng về, cái áo đầm thì quá ngắn, quá chật, thế nhưng trông cô gái lại đáng chú ý hơn cả Lillian.
     Khi họ trở về một giờ sau đó,  mẹ cười   đắc thắng.
-    Bà ấy chịu nhận cô ta rồi,   giúp việc  linh tinh trong nhà và nhà bếp Lương mười hai bảng một năm  bao ăn ở. – Quay qua Galina , bà nói tiếp.-  Nên nhớ một phần tiền công sẽ được gửi về nhà cho bà mẹ đáng thương của cô. Cô sẽ được phát đồng phục miễn phí. Nên chỉ cần vừa đủ tiền  để sắm giày vớ. Và nhớ phải  nghe lời bà Lovelace và học cách cư xử khi cô ở đó. Bà ấy là một  tín đồ rất ngoan đạo.
-     Tôi không ưa bà ấy.
     Tồi có thể cảm thông với Galina điều này, Tôi cũng không thích bà ta. Về công việc  trong nhà  và nhà bếp, tôi biết nó như thế nào. Trong nhà xứ đã có một người nấu bếp chính và một người đàn bà  hàng ngày đến lo việc giặt giũ. Công việc chỉ có thế, nhưng nhà có đến mười bốn phòng.
     Sáng hôm sau khi cô bắt đầu  đi làm, tôi lại thấy vui. Bây giờ, tôi có thể có ông bố của cô cho riêng mình.



                                      (Xem tiếp chương 4)






No comments: