Trôi theo mùa hè_1



                    Trôi theo mùa hè

                                               Description
     Trôi theo mùa hè”, câu chuyện của hai gia đình với căn nguyên hoàn toàn khác biệt: cội nguồn, văn hóa, phong tục; mối liên hệ kỳ lạ giữa 2 lối sống, một gia đình Anh  truyền thống và một là sự pha trộn giữa hai dòng máu Anh - Nga ,  xứ sở lạnh lẽo khổng lồ. Vì sự ngẫu nhiên nào đó, họ bỗng dưng quện lấy nhau, ràng buộc vào nhau từ một mùa hè định mệnh. Những hoạt cảnh vui buồn lẫn lộn của hai gia đình qua biến chuyển của thời gian bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ hai mươi  trải dài  trong suốt và sau cuộc Cách mạng Bôn sê vích tại Nga mang đến những hệ luỵ phức tạp. Câu chuyện cũng kéo dài   qua khoảng không gian bao la: từ một làng quê  nước Anh nhỏ bé  đến những thành phố lớn và thảo nguyên bát ngát của đất nước khổng lồ Nga được làm nền cho những quan hệ của đám con của hai nhà từ thời thơ ấu , và theo năm tháng dẫn đến các câu chuyện tình éo le ngang trái,  vừa bi thảm vừa   hạnh phúc của họ. Nguyên tác tiếng Anh  The Summer of the Barshinskeys” của Dianne Pearson, nữ tác giả người Anh, sinh 1931, hiện đang sinh sống tại London.   . Câu chuyện cho người đọc cảm nhận  sự đau khổ, và sự đổi thay toàn diện bộ mặt thế giới trong thế kỷ 20 do hậu quả của cuộc cách mạng  đầy máu và nước mắt này. Tuy thế, đây đó vẫn  còn   tình  yêu, tình người  để thế giới chúng ta còn tồn tại cho đến hôm nay
                                            Contents
  Tác phẩm gồm  30 chương (30 chapters) chia làm  3 phần (3 parts):
      - Phần 1:  Hồi ký của Sophie  về Mùa hè của Barshinskeys: 9 chương (9 chapters).
     - Phần 2 :  Câu chuyện Edwin và Daisy:  20 chương (20 chapters)
     - Phần kết: Trở lại với  (hồi ký) Sophie : một chương duy nhất (the last chapter)

                                             Phần 1
          Mùa hè của  Barshinskeys
                 Chương 1  
                    Mùa hè  kỳ lạ
 N
gay lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã thấy ông Barshinskey thật quái dị. Lúc ấy ông đang đi qua trang trại của nhà Tylers để tiến vào làng. Cầm một cây đàn vĩ cầm trên tay, miệng ông ca hát vang trời bằng một ngôn ngữ chúng tôi không hiểu gì. Trên đầu ,ông đội một cái mũ dạ đen , có  một vòng hoa dại quấn quanh vành mũ .
     Phía sau lưng, bà vợ đang cặm cụi đẩy  một chiếc xe, trên đó chất đầy một bộ khung giường, một cái rương gỗ nhỏ và hai cái ghế. Sau chót, ba đứa con, hai gái một trai, tay xách nách mang một lô những vật dụng linh tinh trong nhà bếp.
     Mặc dù câu chuyện của họ cũng sẽ là chính câu chuyện của gia đình chúng tôi được trải dài qua nhiều năm tháng, nhưng chính cái mùa hè chói chang của năm 1902 đó đã là cái thời điểm khởi đầu về mối liên hệ kỳ lạ giữa  hai gia đình, khi mà sự háo hức của tuổi trẻ mong  muốn đạt được những ước mơ viễn vông luôn  chiếm ngự trong lòng chúng tôi.
     Tôi không thực sự hiểu điều gì đã đưa gia đình Barshinskeys đến với chúng tôi. Càng lạ hơn nữa, vận mệnh nào đã nối kết chúng tôi với họ. Đó là một gia đình, có nói quá không, chỉ hơn đám hành khất một chút. Còn gia đình chúng tôi, dù không khá giả gì, cũng có thể coi như thành phần trung nông,  tương đối có máu mặt . Họ nghèo nàn, rách rưới,  sống đời  buông thả phóng túng. Chúng tôi có của ăn của để, tươm tất, phong cách lễ nghi chững chạc . Đôi khi tôi cho rằng chính bởi cái mùa hè đặc biệt đó đã tác động cho cả hai gia đình cuốn hút vào nhau. Nhìn lại quá khứ, nhớ về  mọi thứ đã tắm trong ánh nắng chói chang rực rỡ, và không phải chỉ có bọn trẻ chúng tôi nghĩ như thế. Tôi đã thăm hỏi những người lớn tuổi về cái mùa hè năm ấy, và ai ai cũng đồng ý rằng đó là một mùa hè kỳ lạ: những đàn ngỗng trời bay ngang mỗi buổi chiều, mùa dâu dại có thu hoạch cao thập bội và cỏ khô được dự trữ vào kho sớm hơn thường lệ đến hai tuần lễ.. Họ nhớ rõ ràng đến  từng chi tiết năm tháng, bởi đó là năm nhà vua Edward đăng quang, cũng là năm kết thúc cuộc chiến với người Boers. Một năm đặc biệt đến ai cũng  ghi nhớ: trái cây hoa quả  thu hoạch kỷ lục, mật ong đầy tràn, tổ ong đã nhiều mà rượu mạch nha cũng lắm.
     Năm đó tôi mười một tuổi. Điều tôi ghi nhớ nhất lại là những rặng hàng rào choáng ngập một nền hoa trắng trông như một dải lụa dài vô tận, và khi tôi bước dọc theo chúng đến trường học, quả là một điều kỳ diệu quá sức tưởng tượng. Mùa hè ấy đã hoàn toàn thu hút tất cả chúng tôi. Ngày nào cũng có vài hiện tượng lạ, một kỳ thú mới để xem. Nhớ nhất là vào tháng Năm, một đàn chim én có tới hàng ngàn hàng  vạn  con  bay lượn lui tới la hét vang trời.  Chúng lộn nhào,  sà xuống rồi vụt bay lên. Cuối cùng, khi trời tối dần lại biến mất về phía chân trời.
     Trong làng trước giờ chưa hề có cảnh tượng  xôn xao như vậy. Vì thế, truớc bữa ăn tối , ba chị em chúng tôi thường  chạy ra cuối vườn, len lỏi qua những bụi hoa hương mộc, những cây sung xanh lá đến sát hàng rào, nhìn sang phía cánh đồng  của gia đình Tylers để ngắm nhìn đàn chim bay lượn, và thế là, ngay tại đây, chúng tôi đã chứng kiến cảnh gia đình Barshinskeys đang tiến vào làng.
     Anh Edwin và tôi còn thấp bé nên leo lên ngồi trên những cọc hàng rào phía trước, tay ôm chặt những cọc rào. Chi Lillian đứng phía sau. Chị cao ráo, trắng trẻo, bàn  tay phải của chị vươn ra phía trước chống lên một đầu cọc. Phải công nhận chị có đôi bàn tay đẹp. Đã có lần tôi tình cờ nghe mẹ nói với bà King rằng Lillian thừa hưởng  đôi bàn tay đẹp từ bà ngoại Cobham của tôi. Có lẽ Lillian cũng nghe thấy, vì từ hôm đó, tôi nhận thấy chị luôn tìm cách khoe đôi bàn tay của mình khi có dịp. Công bằng mà nói, chúng vừa thon dài vừa mềm mại, lại có những móng tay hồng hồng xinh xắn tròn trịa, bàn tay chị đẹp thật. Còn tôi, trái lại, bàn tay vừa ngắn ngủi vừa cục mịch, móng tay còn bị cắn trụi lủi trông thật thảm hại. Tay tôi giống hệt tay ông nội, tuy tôi không thể trách ông về chuyện hay cắn móng tay. Mỗi khi thấy Lillian đưa đôi bàn tay của chị lên, tôi lại tự hứa sẽ không cắn móng tay nữa, nhưng thật khó chừa vì đã thành tật. Càng khó hơn nữa vào cái mùa hè năm ấy, những giàn hoa trắng, đàn chim én bay lượn trên không càng dễ làm tôi mơ mộng.
     Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi không chú ý tới bày én vì ngay khi tới cuối vườn thì gia đình Barshinskeys đang  tiến  tới. Ông ta trông thật kỳ cục: thân hình to lớn vạm vỡ với bộ râu đen nhánh, rậm rạp và quăn tít, cặp mắt sâu hắm và hơi xếch nằm trên gương mặt sạm nắng. Vừa thấy chúng tôi, cánh tay cầm cây đàn của ông  đưa lên vẫy về phía chúng tôi với một cử chỉ chào đón nhiệt tình nồng ấm mà ai cũng cảm thấy ngay. Hàm râu ông rung rinh và đôi mắt long lanh theo  nụ cười di động. Đầu ông,với gương mặt xạm nắng, xếp nếp lắc lư về phía chúng tôi theo một điệu nhạc như đề nghị chúng tôi hãy tham gia với ông sự kỳ diệu của cuộc sống chung quanh.
    Trái lại, vợ ông trông mệt mỏi phờ phạc, tôi nghĩ có lẽ do đang phải hì hục đẩy chiếc xe tay nặng nhọc đó. Lũ con  thì đi chân đất, trông rách rưới bẩn thỉu như kẻ vô gia cư. Trong tôi, ngay tức khắc đã có sự so sánh đẳng  cấp giữa chúng tôi và họ. Làng này đã có lệ đặc biệt: giày vớ là thước đo sự sang hèn của một gia đình. Nhà có con cái đi giày được coi vào hàng khá giả, trái lại thì không. Đám trẻ trong làng, những đứa không có giày mang, đưá nào cũng trải qua  một kinh nghiệm ,tuy nhỏ nhặt nhưng có phần tủi hổ ,với cô Thurston ,cô giáo già của trường làng, , khi cô bảo họ  ở lại đợi cô sau giờ  tan học. cô ra vẻ như muốn  hỏi han họ  về chuyện học hành, nhưng ngay sau khi mọi người đã ra về hết, cô mở ngay cái tủ  tế bần  và lôi ra quần áo giày dép để bắt chúng mặc thử. Ngày hôm sau, chúng tôi chắc chắn sẽ nhìn thấy đứa trẻ đi chân đất hôm trước vào lớp học đi cà nhắc  trên những đôi giày quá to hay quá nhỏ. Cô Thurston luôn cho họ những đôi vớ thật dầy khi đôi giày quá to, hoặc bảo họ nới lỏng hay đừng cột dây giày nữa khi chúng quá chật.
      Có một lần cô tỏ ra rất giận dữ, đó là khi có đứa dám cắt bỏ đi cái mũi của  một đôi giày quá chật,cô quên béng cái nguyên tắc của cô là không bao giờ nhắc đến đồ cứu tế trong lớp học,để giáo huấn chúng tôi rằng thì là ‘ quần áo giày dép mà đem cắt xén như thế  có nghĩa người khác sẽ không xử dụng được nữa. Từ đó trong tôi nảy sinh một mặc cảm tôi lỗi mỗi khi thấy một đứa trẻ phải mang giày tế bần. Lúc này, nhìn lũ con nhà Barshinskeys chân đất, mặc cảm tội lỗi  ấy vụt trở lại, tôi vội vàng  rút đôi chân mang giày của mình vào phía trong hàng rào để bọn họ không nghĩ rằng tôi đang muốn khoe mình thuộc hàng khá giả .
    Đứa con trai nhìn thấy chúng tôi, nó quay đầu qua, miệng hơi cười mỉm, nụ cười giống  hệt như ông bố, chỉ khác là thiếu sự nồng ấm nhiệt tình. Dù sao, tôi vẫn cảm được một dấu hiệu thân thiện nào đó,  và tôi mỉm cười với nó, cũng không nhiệt tâm lắm. Nó bèn bước ra khỏi đường tiến lại sát hàng rào phía chúng tôi và nói như vừa đủ  để chỉ mình tôi nghe thấy:
-          Ê nhỏ! Tao thấy mày để lòi  cả quần lót ra khi mày tụt xuống khỏi 
hàng rào đó.
Nó cười nham nhở  rồi quay lại  đi theo chiếc xe của mẹ.
-           Ơ hay…
Tôi ngượng chín người. Muốn chửi lại nó một câu thật tồi tệ mà  
lúc đó không kịp nghĩ ra (Lúc đó chỉ   mong nó bê cái lu nước để tôi có cái chửi, nhưng người ôm lu lại là em gái nó, cái cô gái nhỏ  nhất). Vừa giận dữ vừa cảm thấy bị sỉ nhục, tôi càng quê độ  hơn khi nghe tiếng  Lillian cười khúc khích.
-     Thôi  mình đi về nhặt trứng cho mẹ đi.
     Tôi đánh trống lảng, nhưng cả Lillian và Edwin đều không thèm nghe. Tôi lập lại lần nữa, Cả hai vẫn im lặng.
-    Tao nghĩ đây là người vắt sữa mới của ông Hayward. – Edwin nói mắt vẫn theo dõi họ. - Bố bảo hôm nay ông ta đến. Bố nói ông ấy có ba đứa con. Vậy là đám này chứ ai?
     Nghe thế, hai chị em tôi trợn mắt nhìn nhau, kinh ngạc và khiếp đảm.  Trong làng chưa hề có người vắt sữa bò nào giống  như nhà lão này. Ở đây, nghề nuôi bò sữa được  khá nể trọng. Những người làm nghề này phải là những người có tinh thần trách nhiệm. Họ không thể đi vào làng thong dong  như thế, chỉ mang  mỗi cây đàn trong tay, bỏ mặc vợ con lo chuyên chở hết vật dụng đồ đạc cồng kềnh nặng nề không ngó ngàng gì tới.
     Edwin nói một cách thận trọng:
-    Chắc bố không hài lòng lắm đâu.
Bố tôi là viên đốc công kiêm chức quản lý trong  cái nông trại  của ông Hayward. Bố thực sự không hài lòng lắm về việc  thu nhận người vắt sữa mới vào làm việc. Chuyện xảy ra như sau: ông chủ trại Hayward là loại người bạn sẽ cho là giỏi giang, thích nghiên cứu tìm tòi để phát triển nếu bạn được đối xử tốt. Ngược lại bạn sẽ cho ông ta là thành phần  xuẩn động, thích làm những  trò mới lạ viễn vông. Trang trại của ông có một bày bò loại sừng ngắn từng đoạt được rất nhiều giải thưởng trong các hội chợ hàng năm trên tỉnh. Trong hai năm vừa qua, ông đang thí nghiệm một hình thức lai giống mới và  thử nghiệm các phương pháp nuôi dưỡng gia súc khác  để cải tiến nông trại.  Bố tôi lúc đầu không mặn mà , nhưng với bản tính nhẫn nại điềm đạm, dần dà ông thấy rõ  bầy bò ngày càng phát triển, lượng sữa sản xuất gia tăng mạnh. Do đó hai người cùng quyết định sẽ mướn thêm một công nhân vào ngày lễ thánh Michael. Người này sẽ được hai người cùng chọn lựa  kỹ càng  vào ngày lễ hội.
     Đùng một cái, vào giữa tháng Tư, với bản tánh bất nhất hay thay đổi, ông chủ  báo cho bố biết đã gặp một người ở chợ Sevenoaks  coi khá lắm và ông ta đã thu nhận người này vào làm. Bố tôi lại  nghĩ khác, bố không thể nào tin tưởng vào một công nhân tốt lại thất nghiệp ngay giữa vụ mùa, cả về khả năng nghề nghiệp lẫn  phẩm cách. Do đó, với bộ dạng người khách lạ râu ria này, chắc chắn không làm giảm đi những nghi ngờ của ông.
     Tôi nhìn lại cái diễn tiến nho nhỏ vừa xảy ra trên con đường ngang qua cánh đồng đó một lần nữa. Chiếc xe tay người đàn bà đang đẩy có trục trặc, một bánh xe dường như có vấn đề, cứ lăn trệch qua một bên, người đàn bà lại còn phải cố  dùng sức đẩy xe lên khỏi những ổ gà, hay  những vết lằn sâu   bánh xe cũ bị lún còn  để lại trên đường. Đứa con trai  chạy đến giúp mẹ nâng lên rồi cùng phụ đẩy xe với bà. Đột nhiên, tôi cảm thấy buồn phiền hơn. Tôi thấy xấu hổ nhục nhã cho người đàn bà, không phải cho người đàn ông, chả hiểu tại sao.  Tôi cho rằng bà thật sai lầm  khi cho phép người chồng xử dụng mình như một kẻ ở. Nếu là bọn hành khất thì đã không thành vấn đề vì đó là lối sống của họ, những kẻ phiêu bạt vô gia cư vô nghề nghiệp, đàn bà con nít cũng phải làm những công việc nặng nhọc. Đàng này, đây là người thợ nuôi bò  sữa thì khác, đó là sự sỉ nhục cho người vợ. Tôi nhìn bà một lần nữa: rõ ràng không phải là một kẻ ăn xin, bà  trông mệt mỏi lam lũ vậy thôi. Sao như thế được? Đáng lẽ bà phải giữ cho được cái phong cách và niềm tự hào của người đàn bà chứ?.  Tôi quay mặt đi không chịu nổi cái cảnh ấy thêm phút nào nữa.
-     Thôi  về lượm trứng chứ. Sắp trễ giờ ăn tối rồi đó.
     Cả hai vẫn chẳng trả lời, cũng không nhúc nhích. Tôi bỗng thấy Edwin đang chăm chú nhìn vào một trong hai cô con gái, không phải cô bé ôm cái lu mà chính là  cô gái lớn. Cô có một làn nâu sậm như bố . Đầu cô đội một cái rổ đựng những vật dụng nhà bếp linh tinh.
     Khi ấy tôi còn quá nhỏ  để nhận biết được chất quyến rũ đầy nhục dục tính trong con người cô gái này. Sau này, có gặp một đôi người giống vậy và đã biết đến sức lôi cuốn của sự quyến rũ đó. Tôi đã cố gắng tránh tiếp xúc mỗi khi có thể tránh. Nhưng ngay buổi chiều đầu tiên hôm đó, tôi chỉ biết rằng cô hoàn toàn khác hẳn đám con gái trong làng. Cô ta mặc trên người một chiếc robe  dài màu xám, bên ngoài không áo khoác, dưới gấu áo đường chỉ đã bị bung ra, lòng thòng xuống chân  trông lùi xùi, lòi ra đôi bàn chân khẳng khiu với đôi  mắt cá   đen  xạm. Mái tóc nâu thật dầy và bóng bẩy rủ xuống ngang vai với những lọn tóc  uốn quăn như những cái lò xo toả ra ôm lấy khuôn mặt. Đôi mắt nửa đen nửa đỏ có vẻ sâu và xếch như mắt mèo. Con người cô toát lên một vẻ rực rỡ nào đó, một thoáng nhẹ nhàng như lướt đi  trong từng bước chân của cô, một niềm vui ánh lên trên gương mặt làm ta có cảm tưởng cô  sẽ bật ra tiếng cười bất cứ lúc nào.
-   Eddie!  Anh nghĩ gì vậy? – Tôi hỏi Edwin, giọng có vẻ hơi bực khi thấy anh nhìn cô gái chằm chặp. Thật khó ai có thể đoán anh đang nghĩ  gì trong đầu.
-    Nhỏ đó có cái mũi “sư tử” trông tức cười quá. – Anh trả lời.
     Đột nhiên tôi thấy sung sướng. Nhìn kỹ, quả thật mũi cô gái khá to.
Điều đó làm cô gái trông càng giống con mèo hơn,  thêm vào mấy sợi
ria mép nữa là y hệt.
-    Thôi đi làm việc chứ?
     Cả hai vẫn không thèm cử động.  Tôi đành một mình bỏ đi sau khi nhìn kỹ lại lần chót  những khuôn mặt  gia đình Barshinskeys đang khuất dần cùng lúc với đàn chim ém cũng la hét loạn xạ và biến mất vào khung trời đang tối dần.
     Khi còn trẻ ta thường tin rằng khi lớn lên mình sẽ hoàn toàn thay đổi.. Chẳng hạn như tôi đã nghĩ, hiện tại tôi như con nhộng còn nằm trong kén, có ngày nó sẽ trở thành một nàng bướm trắng  nhởn nhơ vẫy cánh, hay may mắn hơn là một  chú chuồn chuồn oai phong lẫm liệt. Điều đó thực ra không đúng, dù đôi khi có thể có một sự biến hoá hay thay đổi mạnh mẽ nào đó. Lúc nhỏ ta ra sao thì lớn lên cũng  sẽ như thế. Đứa trẻ tham lam ích kỷ lớn lên  cũng vẫn là người tham lam ích kỷ, cho dù  với sự khôn ngoan hơn, người ta có thể giấu giếm những tật xấu  trong một lúc nào đó. Tương tự, cái khuôn mẫu về tương lai của chúng ta đã được đặt để sẵn trong con người chúng ta,  chi phối từ bản chất của mỗi cá nhân, từ những cái ta thích cái ta không.  Bây giờ, nhìn lại mùa hè năm ấy, tôi thấy rằng lối sống của chúng tôi, cả hai gia đình tôi và Barshinskeys trong cái năm đặc biệt ấy chính là cái thế giới thu nhỏ của chính chúng tôi những năm tháng sau này.
     Trong lúc lượm trứng, tôi mải suy nghĩ về người đàn ông với vòng hoa dại quanh vành mũ, về người đàn bà  trông yếu đuối bệnh hoạn phải đẩy chiếc xe tay nặng nhọc. Tôi lại nghĩ đến đôi bàn tay thô kệch giống ông nội và thường bị cắn nát móng của mình. Rồi lại nghĩ đến một thế giới khi lớn lên mà những bờ rào phủ đầy hoa trắng và những đàn chim én lượn khắp bầu trời chỉ là trang mở đầu cho hàng loạt những kỳ lạ sắp xảy ra. Thơ thẩn lượm trứng một hồi, tôi chợt nhớ ra mình đã trễ giờ ăn tối, tôi vội quay vào nhà. Lillian và Edwin  đã gọn gàng sạch sẽ ngồi chờ sẵn trong phòng ăn. Mẹ đặc biệt chú ý tới vệ sinh trước mỗi bữa ăn.
-      Sophie! - Mẹ gọi.- đi đâu về muộn vậy? Coi tay chân kìa! Đi   rửa  ráy mau.
-     Con đi nhặt trứng về mà!
-     À! Đáng lẽ con phải làm sớm hơn , còn về tắm rửa chứ?
      Tôi nhìn chòng chọc vào ông anh bà chị gọn gàng tề chỉnh nhưng biếng nhác kia một cách giận dữ. Liếc sơ gương mặt của mẹ lúc đó, tôi hiểu ngay lúc này mà phân bua thì thật ngu xuẩn. Chiều hôm đó trời thật nóng nực, lại trúng vào ngày mẹ phải nướng bánh nên bà rất mệt và dễ quạu, tốt hơn hết là đừng nói gì. Tôi nén cơn giận bước vào phòng rửa ráy tay chân mặt mũi. Trên đường trở lại phòng ăn, dồn hết sự bực tức  trong cú đá mạnh vào cái bao đựng thức ăn cho heo và tưởng tượng đá vào cái đầu của Edwin và cảm thấy hả dạ.
     Bố bắt đầu lời cầu nguyện.
-     Lạy Chúa, chúng con chân thành cảm tạ  Chúa vì những ân sủng Người ban và của ăn mà chúng con sắp được nhận lãnh…
     Mẹ vẫn còn cố giấu sự bực bội qua  tiếng Amen ầm ừ trong miệng rồi đưa tay ra như chụp lấy bình trà. Tôi thường có hai cảm xúc trong những ngày nướng bánh. Bánh mì mới ra lò nóng và giòn. Mùi bánh mới thơm phức làm tôi ngây ngất. Nếu  tôi không vớ  được phần vỏ giòn tan bên ngoài thì phần trong  cũng vẫn còn nóng , bơ không cần trét, cứ nhét nguyên cục vào nó cũng tan ra.
-     Không trét bơ kiểu đó Sophie! - Mẹ la. – Làm như Lillie kìa!
-     Nhưng chị ấy có được phần vỏ  giòn bên ngoài mà!
-     Không được cãi mẹ, nghe chưa ?
     Đó là cảm xúc  của tôi, buồn vui lẫn lộn, trong ngày nướng bánh: Bánh mới thơm ngon, tính mẹ gắt gỏng. Thực tình mà nói, mẹ không ưa nấu nướng. Trước khi lấy chồng, mẹ là quản nội trưởng  của  Nhà Trắng, và mặc dù đánh giá  công việc nội trợ ở một tiêu chuẩn rất cao, bà chẳng có hứng thú khi phải nấu nướng cho cả một gia đình. Mùa hè trời đã nóng lại phải đốt lò trong nhà suốt ngày khi nướng bánh lại càng tệ hơn. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận, dù ghét nấu nướng, mẹ vẫn là một đầu bếp gỉỏi. Dù bánh mì, bánh ngọt hay bích quy, hễ ra khỏi lò là phải vàng đều và giòn tan. Bánh càng ngon càng giòn, mẹ càng dễ quạu.
-     Sophie! Không húp trà sùm sụp như vậy, và ngồi thẳng lưng lên coi. Con gái gì mà ngồi ăn mặt gần chạm mặt bàn thế kia hử?
    Tôi có cảm tưởng như bị trừng phạt, cái cảm giác quen thuộc  trong ngày nướng bánh. Mặc kệ, thấy còn hơi đói, tôi vói tay qua bàn lấy thêm một mẩu bánh. Hôm nay, ngày gia đình Barshinskeys đến, bánh mì thật là ngon.
-     Coi móng tay của con kìa! Sophie, chừng nào  mới chừa được tật cắn nát móng tay vậy? Chắc mẹ phải bôi thuốc lên cho con chừa cái tật xấu ấy mới được.  Muốn lấy bơ  thì nhờ Lillie chuyển qua cho, không có choàng tay qua như  vậy.
     Bầu không khí trong phòng trở nên ngột ngạt.Dưới gầm bàn, Edwin đá nhẹ vào chân tôi. Ngước mắt lên tôi thấy anh đang nháy mắt với tôi. May mẹ không nhìn thấy. Rồi anh vội cướp lời khi thấy mẹ sắp la mắng tôi một câu gì khác nữa.
-     Bố à! Con nghĩ người thợ vắt sữa mới đã đến rồi. Hồi chiều này tụi con  thấy một gia đình dọn đến, họ đi qua cánh đồng nhà Tylers có đẩy theo chiếc xe chở đầy đồ đạc trên đó.
-     Đúng thế con ạ!
-     Rồi họ sống ở đâu bố?
    Bố không trả lời ngay. Ông cắt lấy một mẩu bánh mì, cẩn thận trét bơ lên, rồi nhấp một ngụm trà. Chúng tôi há miệng chờ đợi. Đó là tính cách của bố. Ông luôn có lý do cho sự chậm rãi, khi thì để suy nghĩ chín chắn trước khi trả lời, khi để tạo cho chúng tôi một sự bất ngờ , thích thú hoặc sững sờ . Mẹ nói nhiều, nhưng chúng tôi ít để ý. Bố thì khác, khi ông nói, chúng tôi rất chú tâm từng  lời của bố, dù phải đợi lâu .
-  Họ sẽ ở ngay sát cạnh nhà mình đây. Căn nhà  “tổ cú” đó!
Bỗng dưng một sự yên lặng khác thường tràn ngập bàn ăn. Mẹ đăm đăm nhìn bố. Lillian mở tròn vo  đôi môi hồng trong một tiếng ồ khiếp đảm.
-   Ông Hayward chưa có sẵn nhà trống cho đến sau lễ thánh Michael. - Bố nói thật điềm đạm. – Ông ấy có cho ông ta biết điều đó trước khi mướn . Ông này bảo điều đó không thành vấn đề, miễn là có một chỗ cho gia đình ông trú ngụ.  Ông Hayward đã cho ông biết có một căn với giá  thuê 4 đồng Shilling một tuần hoặc là  chọn cái tổ cú cạnh nhà mình đây hoàn toàn miễn phí. Ông ta không do dự chọn ngay căn nhà “tổ cú”.
     Lại im lặng. Mẹ tôi dường như cảm thấy danh dự của bà bị xúc phạm. Bất cứ ai  vào ở trong căn nhà  bỏ hoang đó  đã quá tệ. Giờ lại sống ngay sát cạnh nhà  thì sự tồi tệ đã tăng gấp hai. Lillian rõ ràng đang hậm hực trong lòng với vẻ ghê tởm. Edwin và tôi lại bực bội vì mất đi một chỗ để chợi trò trốn tìm. Cuối cùng, mẹ cũng phá tan im lặng:
-  Ai có thể sống được trong căn nhà hoang đó chứ? Thế ông ta  và vợ đã coi qua nó chưa?
-  Tôi không biết, mình ơi! - Bố nói tỉnh queo. -  Không ở được thì căn nhà ngoài kia vẫn còn đó, có 4 đồng shilling một tuần có đáng là bao.
     Mẹ hết xoay cái cái nắp ấm trà iại  gõ loong coong  vào bình nước sôi rồi lại  đẩy đưa đĩa bánh ngọt qua lại.
-    Nhà cửa gì chỗ đó! trống trải lạnh lẽo như nhà mồ, phòng ốc không cửa nẻo,  chẳng có riêng tư gì hết. sàn nhà dơ dáy,  bếp núc thì
không, cái bơm để lấy nước dùng lại ở mãi tận cuối vườn xa lắc…
-   Trừ khi mình cho phép họ qua  vườn nhà mình lấy nước, Maud ạ!
-    Để coi xem họ thuộc loại người nào trước đã.
-     Loại ăn xin bất hảo chứ loại gì? – Lillian xen vào. Chị đã hết sửng sốt và bắt đầu nhập cuộc tố khổ. – Lũ con ăn mặc rách rưới, chân tay không giày không dép, đồ đạc cũ kỹ tồi tàn. Tụi con đã thấy rõ hết chiều nay. Đến chiếc xe đẩy tay cũng không có một mảnh vải làm mui.
     Miệng chị nói, tay chị vừa  trét bơ vào bánh với dáng điệu vừa muốn khoe đôi bàn tay đẹp vừa tỏ  ra thanh lịch trang nhã.
 -   Họ không phải là đám ăn mày. – Tôi bỗng cãi lại  thật giận dữ. -  Nhất là bà mẹ. Bà ấy chỉ có vẻ hơi…lam lũ bình dân vậy thôi. -  Tôi không tìm ra từ để diễn tả. Lillian trợn mắt lên:
-   Mày không thấy bà ta đẩy chiếc xe hệt như bọn ăn mày đấy sao?
-   Này, cả hai nghe đây: họ là ai , điều đó không liên quan đến chúng ta. - Mẹ nói. –Là hàng xóm với nhau cũng tốt. Tuy nhiên, trong làng còn thiếu gì người nghèo cần mình giúp đỡ, không cần khuyến khích cho bọn bất lương, cứ chờ chực mình sơ hở là leo qua rào  trộm heo bắt gà ngay…
      Giọng điệu của mẹ rõ ràng có ý bênh vực Lillian , và bà sẽ còn nói tiếp nếu bố không hắng giọng lên tiếng:
-    Này mình, cho tôi xin miếng bánh ngọt.
     Đôi má mẹ chợt bừng đỏ. Bà cắt miếng bánh đưa cho bố.  Cả nhà im lặng suy nghĩ về những người  sẽ sống trong căn nhà “ tổ cú”.  Tôi chẳng thể nào nhớ nổi  có ai đã từng sống trong căn nhà hoang đó. Trước đây  bố kể là khi ông còn nhỏ, có một bà lão nuôi chồn từng sống qua. Sau đó bị bỏ hoang thành chỗ cho loài cú và rắn chuột làm ổ.  Nó được bao quanh bởi  một rừng  những cây  tầm  ma và  những
Cây  táo già cỗi.  Edwin và tôi t hường  tụ  tập chơi ở  đó  trong những
 ngày mưa gió. Đó là một nơi tuyệt diệu để vui đùa trong nhà.
     Nhìn từ bên ngoài, những mảng  mái to lớn, các ống khói và cửa số  cao  thấp nhiều cỡ khác nhau. Mái nhà (có tới chín mái cả thảy) được lợp bằng ngói đỏ phủ đầy rêu. Hầu hết cửa sổ  đã hư hỏng, nhưng cái nào cũng có hình dạng bất thường. Vài cái uốn cong như cửa sổ nhà thờ, cái lại vuông vức với những chấn song. Bên trong nhà cũng kỳ dị như vậy.
       Giống như mẹ đã nói ở trên, giữa các phòng chẳng có cửa nẻo, mỗi phòng mở thẳng  sang phòng kế bên. Lại không có được đến hai phòng  ở cùng một mặt bằng. Căn phòng đầu tiên người ta bước vào có một bậc thang bằng gạch  đi lên dẫn qua một căn phòng nhỏ xíu  có trần thật cao với  hai bộ cửa sổ xếp chồng lên nhau.Kế tiếp là một dãy  bậc cấp đi xuống dẫn đến  một nhà bếp. Lại một bậc nữa đi xuống căn phòng giặt dưới hầm , không có nước, nhưng lại có một cái máng bằng đá xây to tổ bố  dọc theo  một sườn phòng , và rồi cứ lên lên xuống xuống như thế. Nó giống như cái hang thỏ. Một nơi tuyệt cú mèo để  chơi trò ma quái hiện hình hay giết người săn cướp. Bạn không  thể nào biết sẽ có ai nhảy sổ vào bạn từ những ngóc ngách trong nhà hay trên dưới các bậc thang.
-    Tốt lắm. - Bố vừa nói tay vừa  buông khỏi đĩa bánh . - Bữa ăn tuyệt vời ,mình ạ!  Tôi mong  cả làng này ai cũng được ăn ngon như thế này.
     Mẹ không trả lời ông. Bà bắt đầu  thu xếp bát đĩa trên bàn  vang lên những tiếng lách cách, trong khi bố tiếp tục:
-      Tôi cũng ghét  phải nghĩ đến cảnh  tượng một người đàn bà  cùng đám con lên giường ngủ với cái bụng lép kẹp , lại không có ai giúp chỉ cho họ  chỗ lấy nước .
 Mẹ lại khua vang bát đĩa  lớn hơn., khi bố còn đang nói, mắt ông chớp chớp về phía chúng tôi:
-      Gia đình chúng ta được Chúa chúc lành. Và bố không  muốn nghĩ rằng chúng ta  tự đặt mình ở vị thế  cao hơn những kẻ kém may mắn hơn.
     Nói xong, ông đứng dậy khỏi bàn ăn , đội mũ lên đầu  và quay trở lại nông trại. Edwin đi vào phòng giặt rửa xách một xô đồ ăn của heo mang ra  cái lò ngoài vườn để đun sôi. Tôi theo mẹ ra chỗ rửa chén bát và lờ mờ đoán ra việc gì xảy ra sau đó. Mẹ gọi:
-     Sophie! Rửa xong đống chén bát này cho nhanh rồi  thử ghé qua bên đó  chỉ chỗ cho  người đàn bà đó chỗ lấy nước ngay.  Con bảo bà ta tạm thời tối nay qua đây lấy nước mà dùng.  Con có thể hỏi bà ta coi  có giúp được gì không, nhưng không cần xăn xái quá, Hỏi cho có vẻ lịch sự thôi.  À mang theo cái này cho họ, Chờ mẹ bỏ vào một ít đồ.
      Bà vừa nói vừa xếp vào trong cái giỏ đi chợ  một mớ đồ:  một ổ bánh mì, một tá trứng, bơ được bỏ vào trong một cái tách đã sứt quai ( với ý tôi khỏi phải lấy lại ), một hộp mứt trái táo làm từ năm ngoái, ít trà, đường  và một bình sữa tươi.
-    Đừng có ở đó lâu quá. Mẹ biết con có tật la cà quen nết. Mang đồ đến cho họ rồi mang giỏ về.
-     Con đi nữa được không mẹ? – Lillian hỏi với. Mẹ lưỡng lự.  Cho con bé Lillian thanh lịch trang trọng ,sạch sẽ  bước vào căn nhà hoang đó ư, thì cũng tệ gần như chính bà đi vào đó vậy.
-     Đồng ý đi  . Mẹ biết Sophie nó ra sao rồi mà. Thế nào nó chẳng ở suốt buổi tối ở đó , rồi khi về nhà lại quên lấy lại giỏ.  Nó lại không nói thật với mẹ thực sự bọn họ như thế nào.  Rồi nó sẽ bịa ra khối chuyện hoang tưởng nào là  về màu mắt của họ , về những trò ảo thuật  đứng lộn ngược  trên cái đầu của mình thật lâu hay đại loại những  chuyện thêu dệt như thế..
-      Thôi  được.  Cả  hai đứa đi làm việc của mình tối nay  cho  xong
trước đã rồi hãy đi.
    Công việc của tôi là rửa chén bát, và  đổ đầy nước vào nồi niêu ấm tách chuẩn bị cho bữa sáng. Gặp những ngày nướng bánh thì có cả đống đồ để rửa. Lillian  chỉ phải lo may vá. Chị ấy được miễn công việc nặng nhọc vì “có năng khiếu bẩm sinh với kim chỉ”. Chị đã qua tuổi mười bốn  và chuẩn bị  rời trường học vào tháng Bẩy. Sau đó, trong cái ganh tỵ của toàn bạn gái cùng lớp, chị  sẽ được học nghề với cô Clark, bà chủ tiệm may đo uy tín nhất. Mẹ đã tiết kiệm để dành  tiền bán trứng trong nhiều năm cho việc này. Và việc cô Clark nhận Lillian vào học nghề là một thành tựu vĩ đại trong đời mẹ.Có nghĩa trong nhà đã có người thăng tiến trên thế giới.
      Trong một thị trấn bé nhỏ như làng của chúng tôi, đâu có mấy cơ hội để  tiến thân. Nếu bạn là một đưá con gái bình  thường, con đường duy nhất  là đi vào làm việc trong  một  hãng xưởng, không làm mứt thì cũng  làm dưa muối cà, khá hơn thì đi làm dịch vụ. Lillian đã vượt qua được cái số phận tầm thường của hầu hết các thôn nữ  ấy.  Mọi người đều công nhận  chị  có dáng thanh lịch. Cao lớn như mẹ và bà ngoại. Chị  lại luôn quan tâm đến  ngoại hình của mình, ngay cả khi làm những công việc bình thường như đi lấy sữa.
     Chị đã  xong công việc may vá. Khi đến giờ chúng tôi  đã sẵn sàng để đi, chị tháo bỏ cái tạp dề( áo choàng làm việc ở ngoài) ra , rồi cuốn thêm một giải băng cột tóc quanh đầu lên thành như một cái vương miện bằng vải. Bỗng chốc chị thành người lớn: cô Lillian Willoughby, con gái lớn của gia đình, trên đường chính thức viếng thăm.
-     Để tao xách cái giỏ. - Chị nói. -  Mày xách thùng sữa đi.
      Có hai lối đi đến  căn nhà “tổ cú”. Một lối tắt  Edwin và tôi thường dùng là  chui  qua kẽ hở của hàng rào rồi vẹt qua khu vườn  hoang dại rậm rạp.  Một lối xa hơn đi từ cửa sau của căn nhà chúng tôi, băng qua cái sân , rồi bước xuống một lối đi lót gạch bọc qua cửa trước không bao giờ được mở để ra đường, quẹo phải đi dọc theo con đường chừng ba  mươi sải  thì đến cổng của căn nhà “tổ cú”, lại băng qua khu vườn rậm rạp mới tới cửa nhà.
-     Mình sẽ đi đường chính, bởi ta chính thức đi thăm họ mà. – Lllian nói.
     Tôi bước theo sau chị thở hổn hển vì phải kéo lê cái bình sữa  nặng ,làm sao để cho nó không đập vào đầu gối  và sánh ra ngoài. Khi tôi thấy chị xinh xắn quá, tôi đã tính bắt chước cởi bỏ cái tạp dề ra. Nhưng khi lết được tới cổng nhà họ, tôi mừng vì mình đã không làm thế. Cái tạp dề và đôi giày của tôi đã ướt đẫm sữa .
     Chúng tôi gõ lên cái được cho là cửa trước của căn nhà, mặc dù với căn nhà này, chẳng ai biết có đúng hay không, và cũng chẳng ngạc nhiên khi không thấy ai ra tiếp.  Đó cũng là một điểm lạ lùng của căn nhà “tổ cú”: cho dù phòng ốc không cửa nẻo,  âm thanh  cũng bị ngăn cách vì những hành lang ,những bậc cấp . Có vài căn phòng lại chẳng nghe được gì. Cuối cùng, chị em tôi mở đại cửa  bước vào, leo lên  mấy bậc cấp đi qua  căn phòng  có trần cao rồi bước xuống nhà bếp. Tôi gọi nó là nhà bếp vì  có hai hàng kệ  nhô ra từ trong tường, và có một lò sưởi nhỏ “như cái ổ gà”. Chỉ có vậy. Không tủ đựng thức ăn , không chạn bát.
     Người mẹ ở đó, ngồi trên một chiếc ghế, đầu dựa vào tường. Gương mặt bà xám xịt và trán lấm tấm mồ hôi. Đứa con trai ăn nói thô lỗ với tôi hồi chiều đang  hì hục nhóm lửa vào cái lò sưởi bé tí. Cô con gái nhỏ hồi chiều ôm cái lu đang lôi chén bát nồi niêu ra xếp lên kệ. Ông bố và đứa con gái lớn thì không thấy đâu.
     Lillian đưa tay lên che miệng và khẽ ho một tiếng:
-     Dạ xin lỗi! - Chị nói, với một giọng cố ra vẻ ngọt ngào dễ thương. - Chị em cháu ở bên cạnh đây.  Cháu tên là Lillian Willoughby và đây là Sophie, em gái cháu.
     Người mẹ mở bừng đôi mắt. Cả hai đứa con trai và cô gái nhỏ cũng quay mặt lại.
-     Mẹ cháu có gửi sang biếu ít đồ, không biết gia đình bác mới đến có ổn cố không?
    Vừa nói, cặp mắt của Lillian vừa đảo qua khắp nơi,  định giá  phẩm chất  đồ đạc và sự sạch sẽ ngăn nắp của mọi thứ .
-     Mẹ cháu nghĩ chắc bà chưa biết chỗ lấy nước. - Chị nói tiếp. -  Nó ở trên đỉnh đồi. Bà cứ  đi đến cuối vườn rồi leo qua rào là thấy.
-   Nhưng bà có thể qua nhà cháu lấy nước ngay đây thôi. – Tôi nói thật nhanh.
-   Chỉ tối nay thôi.
     Người đàn bà  đứng dậy đưa tay lên  vuốt ngược mái tóc  màu nhạt  ra phía  sau lưng. Mặt bà hơi bừng đỏ và nói bằng một giọng run run :
-   Gia đình cô thật tử tế. Nhưng chúng tôi có thể tự lo…
    Giọng nói của bà, lạ thay, thật nhẹ nhàng kiểu cách.  Bà cũng có âm hưởng vùng Kent như  hầu hết chúng tôi nhưng  bà nói thật…êm dịu, và lối nói giống như mẹ tôi nói . Đó là giọng nói của người con gái miền quê có học thức  và từng làm việc ở trong những gia trang lớn. Thật ngỡ ngàng khi nghe được giọng nói đó xuất phát từ một con người có hình dạng như một kẻ hành khất. Bà  bỏ tay xuống xoa  vào chiếc áo màu nâu bùn đang mặc.
-    Tôi là vợ ông Barshinskey. Còn đây là Ivan. Đó là con bé tên Daisy May.
     Barshinskey! Nghe cái tên thật lạ. Chúng tôi chưa hề nghe thấy có cái tên như thế trong làng. Cái tên Ivan nữa chứ! Cũng chẳng hề có Ivan. Còn tên Daisy và May hả? Nhiều lắm. Nhưng Daisy May Barshinskey, nghe tức cười làm sao!
  Daisy May chộp lấy cái giỏ trên tay Lillian rất nhanh, như ra vẻ sợ chị
  đổi ý.
-      Cho xin lại cái giỏ. – Lllian nói với vẻ hơi tức bực.
     Daisy May bắt đầu lấy đồ trong giỏ ra. Ba mẹ con đều dán chặt mắt vào đó. Có một sự yên lặng tuyệt đối.  Mắt họ  di động theo từng cử chỉ của đôi bàn tay Daisy May. Món đồ cuối cùng lấy ra trong giỏ là ổ bánh mì vẫn còn hơi nóng và mùi vị của men. Bầu không khí bỗng trở nên xao động.
-     Chúa ơi! Mẹ các cô thật là tử tế. -  Bà mẹ cuối cùng lên tiếng. -  Xin gửi lời cám ơn đến bà , thật cảm tạ…thật cảm tạ… -  Giọng bà hơi run rẩy và yếu dần.
     Lillian tiếp lời:
-     Mẹ cháu mới nướng bánh hôm nay.  Thật là khó cắt khi nó  mới ra lò phải không? Ô lạy Chúa!  Cái quai cầm của cái tách này đã bể. Sao mẹ cháu lại vô ý thế nhỉ? Chắc bà ấy không thấy đó. Nếu không thì đã quăng nó đi mất rồi. Nhưng  bơ thì mới được làm ngày hôm qua  và trứng còn tươi nguyên . Chị em cháu mới lượm về hồi chiều nay trước bữa ăn tối.
-     Không phải vậy, chị đâu có lượm trứng. Chỉ mình em làm. – Tôi chen vào.
     Lillian giả vờ không nghe thấy. Nhưng  vầng cổ sau gáy cô thì đỏ bừng. Tôi đặt bình sữa xuống sàn nhà. Chả biết còn lại được bao nhiêu.
-      Bà có định ghé qua bên  nhà cháu lấy nước về dùng không ạ! – Lillian nói thật khả ái.
      Đứa con trai  thôi không nhìn vào ổ bánh nữa  mà quay sang ngó Lillian.  Lúc ấy ,thằng  bé còn thấp hơn Lillian một chút, nhưng cái lối nó nhìn chị làm cho tôi  muốn  tha thứ cho cái tội  đã thô lỗ với tôi  vì cái  quần lót bị hở hồi chiều.. 
 -     Không, cám ơn. Chúng tôi sẽ tự đi tìm vòi nước.  -  Nó đăm đăm 
nhìn  vào Lilian làm chị nhột nhạt đến
đỏ bừng và cuối cùng chị  phải quay qua  phía bà mẹ.
-      Nếu bác có cần chi xin cứ  qua nhà cháu hỏi. Có lẽ mẹ cháu cho mượn  ít đồ cần dùng… -  Đôi mắt chị đảo một lượt qua những chai lọ bát đĩa , và dừng lại ở cái bao  nệm giường  được dồn cỏ  quá nửa . -  Nhà cháu  vẫn còn một số đồ của bà nội để lại  còn trữ trong kho. Cháu tin rằng mẹ cháu  sẽ giúp nếu bà cần  một ít làm giường ngủ.
     Cả một sự bối rối mắc cở chạy rần rật trên lưng, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào cho phải. Tôi đành chỉ muốn rời khỏi đây ngay.
 -     Chúng tôi không cần gì cả, cám ơn.  - Đứa con trai nói. -  Phần đồ đạc  còn lại sẽ được dọn đến sau. Chúng tôi chỉ mới mang một số ít đồ mà chúng tôi có thể mang theo, phải không Daisy?
-     Đúng vậy! .- Họ đứng sát bên nhau, làm nên một rào cản vững chắc giữa chị em tôi và bà mẹ.  Tôi nắm lấy chéo áo của Lillian kéo mạnh  đi về phía những bực cấp.
-     Thôi được. – Lllian lạnh lùng nói. -  Cháu xin phép đi  về. Cháu còn mấy  bài   đàn phải tập. Đi về  nào . Sophie!
     Chị lướt qua mặt tôi và bước lên bậc cấp, đi nhanh ra khỏi căn nhà ngay trước khi tôi kịp rời khỏi căn bếp.  Bước đến bậc cấp trên cùng, tôi ngoái cổ lại, cố  nghĩ ra một điều gì  dễ thương để nói, đại khái một cái gì  cho họ hiểu là chúng tôi cũng chẳng hơn gì họ. Nhưng rồi tôi  đã mong mình đừng nói gì   khi nhìn thấy bà mẹ lúc đó đang cầm  một quả trứng gà trên tay  và trân trọng nó như  là một  đồng tiền vàng :
-    Này Daisy, - Bà thì thầm -  Chúa ơi!  Coi bao nhiêu là thực phẩm này, nào là trứng , bơ và cả sữa nữa…
-     Có khác gì ăn mày. – Lillian nói giận dữ  trong khi chị em tôi  đi qua  khu  vườn hoang trở về.  -    Con nhỏ đó  thật  thô  bỉ.  Còn thằng
nhóc,  mà y có thấy cái cách nó nhìn tao không?  Chân thì không giày
dép, quần áo mặc hở cả mông đít ra ngoài.   
-     Tôi sẽ méc mẹ chị ăn nói dơ dáy.
     Tôi trả lời một cách khó chịu, còn Lillian chỉ lắc nhẹ cái đầu một tí và tiếp tục vội vã bước về. Tôi mặc kệ chị, rồi quay lại nhìn căn nhà ‘tổ cú’  qua ánh chiều tà đang tối dần.   Những cây táo già nua có một ít cành đang trổ bông, nhưng chẳng bao giờ kết trái, chưa bao giờ chúng có trái. Nhưng trông  rất đẹp, và đằng sau chúng là cả một khung trời vĩ đại còn ánh rực lên vào mùa hè năm đó.  Căn nhà ‘tổ cú’ trông huyền bí ra sao, điều này tôi chưa từng nghĩ đến. Người ta có thể tưởng tượng có một nhà ảo thuật sống trong đó. Trời đã chuyển màu từ xậm đỏ sang tím thẫm. Và tôi tự hỏi mình sẽ phải làm gì nếu bất ngờ có một  phù thuỷ  hay một hiệp sĩ rừng xanh bịt mặt xuất hiện từ phía sau ngôi nhà?  Rốt cuộc chẳng có hiệp sĩ, phù thủy cũng không, ngoại trừ Ivan Barshinskey với cái xô đựng nước trên tay. Nó ngưng lại một chút, rồi đi về phía cuối vườn.
-     Cho tớ đi với được không?
-     Không cần, cám ơn. Tao có thể tìm ra nó mà.
Thằng nhóc có nước da hơi vàng và cái mũi tẹt rất buồn cười. Tóc nó màu đen giống  ông bố và cô gái trông như mèo. Cặp mắt cũng hơi xếch.
-     Trời đã tối rồi. Đằng ý có thể không thấy.
     Thằng nhóc  không nói gì. Vì thế tôi cho là nó đồng ý để tôi đi cùng. Hai đứa  chui qua cái lỗ hàng rào và đi tiếp lên đỉnh đồi. Khi tới nơi, trời đã  tối mịt, chúng tôi chỉ  kịp thấy cái vòn phun nước  mờ mờ.
-     Nước phọt ra mạnh lắm, phải coi chừng.  Đằng ý  giữ thùng nước để tớ bơm cho.
   Nó không nói,   giữ cái xô để vào dưới cái vòi và tôi bắt đầu bơm. Không biết vì quá tối hay vì quá bối rối, tôi đẩy cần bơm mạnh quá làm nước phun ra văng ngược lên tung toé khắp người nó. Thằng nhóc buông cái xô nước ra , nhảy ngược trở lại hét vào mặt tôi:
-    Đồ con heo thúi tha! Mày cố ý chơi tao.
     Phản ứng đầu tiên của tôi là sửng sốt vô cùng: làm sao có thể có bất cứ ai, cho dù là loại người chân đất như nó, lại có thể thô bỉ như thế. Nhưng rồi cơn sửng sốt qua mau, và hầu như ngay tức khắc, tôi thấy một sự giận dữ  sâu xa khủng khiếp. Có lẽ chính từ lúc Lillian diễn vai trò  phu nhân đài các  với bà  Barshinskey đã làm tôi  bực bội,  và cái cảm giác khó chịu đó cần phải được giải toả.
-     Một bài học cho mày  dám ăn nói bậy bạ với tao hồi chiều, đồ ăn mày dơ bẩn.
     Mặc dù vòi nước bắn ra tung toé, vẫn còn kha khá nước ở trong xô. Hắn xách nó lên  ném  vào người tôi. Hầu hết dính lên mặt tôi, tràn qua miệng làm tôi bị ho sặc sụa không nói nên lời. Tôi không phải là một người  dạn dĩ. Bất cứ  ai thích dùng bạo lực để hăm doạ người đều biết rõ con bé Sophie Willoughby này là một  kẻ  nhát gan, nhu nhược . Nhưng  đám người  họ Barshinskeys này đã  làm tôi thay đổi. Có một điểm xây xát nào đó trong tâm hồn  làm tôi khổ sở.  Có thể là  vì đó là ngày mẹ phải nướng bánh và cái tật cắn móng tay của tôi.  Có thể vì bà Barshinskey không phải là  ăn mày  mà lại đi đẩy xe tay. Cũng có thể vì Lillian  xinh đẹp, đồng thời lại hay ác ý. Và cũng có thể chẳng phải những thứ trên. Có thể  vì đó là một buổi chiều tháng Năm êm ả và tôi đã  đang mong đợi một điều gì  mà tôi không biết.  Cơn giận dữ nằm sâu trong lòng bỗng trồi lên, như giọt nước làm tràn ly, khi Ivan Barshinskey hắt những giọt nước cuối cùng còn lại trong cái xô nước vào mặt tôi.
-   Đáng đời! – Nó cười nhạo, còn tôi cúi đầu xuống, lao vào tấn công.
     Tôi ghì chặt ngay giữa ngực áo  Ivan, và dù hắn to con hơn, tôi đã vật nó ngã xuống, cả hai    nhào xuống đất, vừa lăn lộn vừa thoi nhau túi bụi. Nếu phải diễn tả  màn  đánh nhau này bằng  từ cho đúng nghĩa. Có lẽ chúng tôi đã tưởng rằng không phải hai đứa đang đánh nhau, mà là mỗi đứa đang  thọi vào một cái bao.
    Sao tôi có thể đấu lại Ivan. Nó đã mười ba, lại thô bạo, cứng cỏi. Tôi chỉ mới mười một, lại  nhỏ con so với số tuổi. Lại còn một cái thiệt thòi nữa là mái tóc dài con gái của tôi thật bất tiện khi đánh nhau. Chẳng cần lâu lắm, tôi đã bị đè xấp mặt xuống đất, đầu gối của Ivan chận ngay lưng, mái tóc kéo ngược đầu tôi lại. Thật là đau khổ  và nó làm mắt tôi linh lợi.  Tôi ghét Ivan thậm tệ, và càng thậm tệ hơn vì tôi không thể cử động.  Tôi cố  cựa quậy và chửi rủa nó là đồ heo chó, đồ giòi bọ, đồ quạ mổ và bất cứ  thứ   gì tôi có thể nghĩ ra được. Còn Ivan thì nắm tóc tôi giật dữ dội  hơn , đầu gối nó cũng ghì mạnh hơn xuống lưng tôi.
-    Chịu thua đi!
-     Không! - Lại một cái giật tóc.
-    Đầu hàng mau.
     Tôi thực sự nghĩ  đành phải nói chịu thua thôi vì lúc này đã đau quá. Nhưng may quá, tôi đựợc cứu thoát. Chưa bao giờ  sung sướng khi nghe thấy tiếng của bố tôi như thế trong lúc này.
-     Coi kìa, Sophie! Bố không biết mẹ con sẽ nói gì khi bà thấy con ở trong tình trạng như vầy. Bố cảm thấy chắc là bà ấy không vui lắm đâu.
     Cái đè trên lưng  bỗng được hoá giải  và tóc tôi cũng đưọc thả ra. Khi tôi xoay người lại và đứng dậy, Ivan Barshinskey đã  bung ra khỏi  và đang đứng trợn trừng nhìn hai bố con tôi.
-     Tối như vầy con còn lên đây làm gì? - Bố nhẹ nhàng hỏi.
-     Con chỉ cho nó chỗ lấy nước.
-   À! Ra thế… - Ông mím chặt môi, gục gặc cái đầu rồi ngửa mặt lên nhìn bầu trời:
-     Cháu là con trai ông thợ nuôi bò sữa, cậu ấm  nhà Barshinskey phải không?
     Ivan không trả lời.  Dưới  bóng tối nhạt nhoà, khuôn mặt nó y như  khuôn mặt con chồn bị mắc bẫy. Tôi vẫn có thể nhìn thấy  cặp tròng trắng của hắn đảo qua đảo lại. Tôi đứng đó với bố và dù biết chắc sẽ bị rắc rối lớn khi về nhà, tôi lại thấy  tội nghiệp hơn cho hắn. Trông Ivan vừa hoang dại vừa khiếp sợ. Quần áo của hắn   đã tơi tả lại cũng sũng ướt như tôi, và hắn sẽ chẳng có một cái giường êm ái với chăn gối ấm áp tối nay. Đằng sau nỗi đau khổ này của tôi vẫn còn có những tiện nghi vật chất, có bố, , có sự nồng ấm, có mọi thứ  thân quen và có thể đoán được, cho dù phải nghe nhiều lời rác rưởi quanh tai cùng những lời trách mắng của mẹ trong những ngày nướng bánh.  Tôi có cảm nhận điều gì sẽ xảy ra đằng sau hắn. Tôi nói với giọng buồn bã:
-     Tụi con bị té ngã bố ạ! Cái bơm  phọt nước ra quá mạnh làm tụi con té.
-     Bố hài lòng nghe con nói thế, Sophie ạ! - Bố nói thật nghiêm trang. -  Nào bây giờ hai đứa cùng giữ cái xô nước cho thật vững để bố bơm nước. Sẽ không có ai bị ướt hay té xuống bùn .
     Không nói gì,  hai đứa tôi mỗi đứa một bên giữ chặt cái xô cho bố bơm nước.  Xong xuôi , ông bước tới gần, xách cái xô đầy nước đi về phiá hàng rào nhà Barshinskeys.
-     Tôi có thể mang nó về được. – Ivan nói một cách bướng bỉnh.
     Không do dự một giây phút nào, bố đưa ngay cái xô nước  cho nó với  câu nói :”tốt lắm”, rồi ông sải bước hút vào bóng đêm.
-     Sophie, đừng  có về quá trễ đó!
     Còn lại hai đứa chúng tôi, im lặng đi ngược về hướng chúng tôi đã đi tới. Khi tới hàng  rào,  tôi xách lấy thùng nước để Ivan chui qua rào mà nước không bị đổ.
 -     Cám ơn .
     Ivan hờ hững nói, và dường như  giọng nói của nó đã phá tan sự im lặng lạnh lẽo đó  và cho nó cơ hôi để thô lỗ thêm, nó tiếp tục:
-     Khi tao thấy bọn mày đứng nhìn gia đình tao một cách ngu ngốc từ mấy cái cọc rào đó, tao đã nghĩ  bọn mày là một đám tự cao tự đại. Mà đúng thế.  Tụi mày cho rằng mình ngon lành hơn người khác phải không? Con nhỏ chị gái của mày thật là con bò ngạo mạn. Còn mày khi leo xuống khỏi cọc rào đã cố khoe ra bộ đồ lót mặc ở trong.
     Thật khó  để nuốt trôi , nhưng tôi đã kìm chế được. Bởi tôi vẫn đang nhớ rõ cảnh tượng  ở chỗ bơm nước  khi nó bị bắt quả tang  và rất khiếp sợ. Nó sợ bố tôi vì ông là người  lớn, ông ở về phía tôi và ông cũng  đại diện cho luật lệ. Tôi biết rằng trong trận chiến này, không ai đứng về phía nó , với cái loại vũ khí: luật lệ, sự nể trọng , mọi thứ  ra vẻ chống lại nó. Tôi cũng hiểu rõ ràng rằng: cái giỏ đồ ăn mẹ biếu, một đàng rất cần thiết, đàng khác làm nó đau lòng. Ngay cả việc tôi tự nguyện dẫn nó đi tìm bơm nước. Kể cả việc bố tôi đã không hăm doạ lại còn giúp đỡ.  Nó đã nợ chúng tôi quá nhiều ờ mọi khía cạnh, và nó ghét điều đó.
   “ Lillian là một con bò cao ngạo” . Tôi thầm thì trong miệng, tự hỏi không biết bầu trời có mở ra và Thượng Đế  có đánh tôi chết vì sự bất trung với gia đình như thế? Tôi thường không thích chị. Nhưng đó chỉ là  những chỉ trích nho nhỏ  tôi đem chia sẻ với ông anh Edwin trong nhà. Đằng này, tôi lại thông đồng với Ivan gọi chị  là một con bò cái  để  hoà giải với thằng bé lạ hoắc này.
      Lillian lớn nhất trong nhà, xinh đẹp nhất. Chị  thừa hưởng phần huyết thống Cobham bên ngoại. Chi gọn gàng, thanh lịch lại có năng khiếu về kim chỉ. Chị chính là đứa  con yêu thích của mẹ. và tôi e rằng chị  bị chứng folie de grandeur (chứng điên cuồng vì sự vĩ đại), Tôi đọc được câu thành ngữ này trong một cuốn sách  ở đầu niên học và đã hỏi bà Thurston ý nghĩa của nó. Sự cắt nghĩa của bà làm tôi thích thú vì  ý tưởng y hệt như câu chữ.  Tôi đã dùng  trong nhiều tuần lễ ở mọi trường hợp, từ Lillian đến  mẹ, bà King, ngay cả vào con Lady Audley, con bò đoạt giải trong đàn bò nhà Hayward. Mọi người  mệt mỏi vì nghe tôi nói, Cuối cùng, bố  cấm không cho dùng câu ấy trong nhà. Nhưng ở đây đang có một đôi tai mới. Lại chẳng có trường hợp nào  xử dụng cái thành ngữ ấy chính xác hơn.
-     ‘Cháo” xin phép phải đi về . -  Ivan cố nhái giọng. – ‘ Cháo’ còn mấy bài ‘đe…àng’ phải ‘tẹp’.
   Tôi không thích thú gì.  Chọc ghẹo  giọng nói thiên hạ đối với tôi là một tội lỗi. Vả lại, chế  nhạo giọng điệu Lillian có khác gì chế nhạo tôi.
-     Ha , ha…tức cười quá hả. – Tôi càu nhàu làm nó thích thú .
     Trước cửa nhà hắn,  Daisy May đang đứng chờ:
-     Làm gì lâu thế. Mẹ đang cần nước nấu  ăn.
      Cô bé bỗng chú ý đến chúng tôi: ướt nhẹp,lấm bùn, tóc tai rối bù, mặt mũi đỏ lên vì giận.
-    Lạy… - Cô bé nhìn chăm chú vào quần áo tôi  nói. -  cô không bị phiền phức với bộ dạng như vầy chứ?
      Cán cân quyền lợi thình lình lại nghiêng về Ivan. Tôi nhìn hắn, rồi nhìn xuống  quần áo mình. Rõ ràng chẳng ai để ý  một chút nào đến hình dạng hắn,  nhưng tôi sẽ bị rắc rối to.  Những vệt sữa  khô đổ loang lổ trên áo đã đủ tệ, nhưng giờ lại còn ướt sũng bùn đất. bết cả lên tóc tai. Kinh khủng hơn, tôi thấy  có gì nhớp nháp và nong nóng chảy nơi mũi. Tôi vội hỏi:
-   Có phải tớ chảy máu mũi không?
 -   ‘ Phải’ .  - Cả hai đồng thanh trả lời tôi nhanh đến mức  tôi biết ngay  máu  sẽ thấm xuống quần áo đang mặc trên người.
    Thế là xong. Tôi phải chấp nhận. Mẹ sẽ biết ngay tôi đã đánh nhau. Đó là điều bà không tha thứ.  Sữa đổ và bùn đất đã đáng bị la, giờ lại còn chảy máu mũi… . Một thoáng thương hại, quan tâm cho Ivan đã biến mất trong nỗi tuyệt vọng của riêng tôi. Bằng cách nào đó, tôi phải  đi qua  khu vườn, chui lỗ rào về tới nhà bếp của nhà  chúng tôi.  Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy khuôn mặt của mẹ  thay đổi từ sững sờ qua giận dữ. Tôi mở bừng mắt ngay và không dám tưởng tượng tiếp . Cơn hốt hoảng nhường chỗ cho một sự tuyệt vọng đến bất cần.
-     Phải chi  tớ đã không đến đây.  – Tôi giả bộ nói.
-   Chờ một chút. -  Daisy  chạy xổ vào trong nhà và xuất hiện mấy phút sau với một cái vại trên tay. – ‘Đổ ít nước vào đây’ – cô ra lệnh cho anh. – ‘Đừng nhiều quá. Mình phải chừa lại để xài nếu cái bơm nước ở xa quá như vậy.
     Ivan đổ vào ít nước và cô bé lôi ra một mảnh giẻ:
-     Rửa mặt đi. – Cô nói. -  Và coi nè! tớ có mang lược ra đây. Bồ   chải đầu lại, rửa mặt mũi xong trông sẽ không tệ lắm. Chỉ giống như  bồ bị trợt té thôi.
     Chưa bao giờ tôi  rửa mặt trong một cái vại, và trong giây phút, bụng tôi quặn đau với cái ý nghĩ chắc gia đình Barshinskeys chẳng hề kỳ cọ lau chùi chum vại như gia đình tôi.
-    Nhanh lên. – Daisy May  hối. -  Máu sắp nhỏ xuống áo choàng của bồ rồi kìa.
    Bà ngoại Cobham chắc phải đội mồ sống dậy khi nhìn thấy tôi nhúng cái nùi giẻ vào vại để lau mặt. Máu từ mũi chảy mạnh hơn và tôi phải lấy giẻ chận nó lại.Mũi ơi, hãy ngưng chảy máu, Tôi cầu nguyện và Daisy May đã nói đúng. Nếu tôi về nhà trông như vừa mới bị trợt té tại chỗ bơm nước thì chắc chỉ bị một cái tát với lời  trách mắng không dứt. Nhưng nếu tôi về nhà với cái mũi đầy máu, tóc tai rối tung, mẹ sẽ không tin đó là một cái trợt té.
     Trong khi tôi quỳ xuống cạnh cái vại  lau chùi máu rỉ, tôi cảm thấy Daisy May đang gỡ mái tóc cho tôi. Cử chỉ của cô nhẹ nhàng, gọn gàng và nhanh nhẹn , hơn cả chị Lillian. Rồi, kinh ngạc hơn nữa, tôi lại thấy có ai khác đang  làm tóc cho tôi ở phía khác, cũng gọn gàng, nhanh nhẹn không kém.
-     Hãy chải phía bên em trước, Daisy. Bên này anh chải sau. – Ivan  bảo em gái.  Như một đội đi cày, hay giống như bố và  ông Hayward khi hai người phải tự tay vắt sữa bốn mươi con bò, anh em họ gỡ bím tóc ra, chải đầu rồi thắt bím trở lại. Daisy May hăng hái hỏi:
-   Hết chảy máu chưa?
-     Chưa!
     Ivan  đẩy tôi nằm xuống đất. Trong một giây tôi nghĩ hắn lại muốn đấm tôi nữa, thực ra hắn cố làm cho máu mũi ngưng chảy. Thằng nhỏ  đè chặt nùi giẻ ướt vào hai lỗi mũi tôi để máu không nhỏ xuống quần áo. Cuối cùng, nó quấn giẻ vào hai ngón tay rồi nhét vào mũi tôi như hai cái nút. Chúng tôi ngồi đó, cả ba đứa, giữa những rặng cây tầm ma được soi sáng dưới ánh trăng bàng bạc, không một âm thanh ngoại trừ tiếng thở phì phò qua miệng của tôi.
-     Tớ phải mang nước vào. – Daisy May nói và biến vào trong  nhà mang theo xô nước và cái vại, bỏ lại Ivan và tôi   với mối liên hệ rời rạc.
     Với hai ngón tay vẫn còn nhét trong mũi tôi, Ivan nhìn một cách hững hờ vào trong bóng tối. Nó lên tiếng, như là một cuộc đàm thoại xa xôi nào đó:
-    Mày không xinh lắm. Nhưng ít  ra không phải là  thứ  bò cái phách lối.
-   Cám ơn!
-  Tao nghĩ đã hết chảy máu rồi.
    Hắn  buông tay khỏi mũi tôi rồi lấy cái giẻ lau miệng cho tôi.  Thật cẩn thận, tôi đứng lên.  Hắn bèn phủi lưng cho tôi, tháo bỏ mấy cọng cỏ còn vương trên mái tóc đã được chải gọn gàng của tôi. Sau này nghĩ lại,  tôi thấy lạ lùng làm  sao với hai đứa trẻ con rách rưới, dơ bẩn, không giày dép và vô kỷ luật như chúng lại có thể lo lắng cho tôi về nhà với một tình trạng tương đối tàm tạm  như thế, dường như chúng  đã từng quan sát học hỏi  những phong tục tập quán của các bộ lạc nhân ái xa lạ biết trọng ân tình, và chúng muốn tỏ ra là  chúng biết thừa luật lệ và có thể thực hành  hữu hiệu  bất cứ lúc nào có cơ hội.
     Khi tôi bước vào khu rửa chén bát trong nhà, như  sấm sét đã nổ ngay lên đầu.  Có một khoảnh khắc mà mẹ chắc chắn rằng tôi đã an toàn  không  sao hết, vì  dù sao bà cũng là người mẹ  tốt , ngay cả với tôi, đứa con  ngỗ nghịch nhất của bà, rồi cơn thịnh nộ của ngày phải nướng bánh  bùng nổ. Tôi đã không bị bạt tai, do  tình trạng nhạy cảm của cái  lỗ mũi  đang ăn trầu’, nhưng bị kéo thẳng cánh đến bồn tắm. Áo choàng ngoài bị xé tan quăng vào  một cái xô. Áo mặc trên người bị kéo lột khỏi đầu một cách  hùng hổ cùng với tiếng hét: ‘ Bố nó, thằng Edwin nữa, hai người chớ  có vào đây. Con nhỏ này dơ bẩn quá. Bố nó  đưa cho tôi  một bình nước lớn coi. Đây là kết quả của cái trò giao thiệp với láng giềng đây. Nhìn con kìa, Sophie! Hãy coi  con lúc này thế nào: bùn đất vào tới cả đồ lót , giày vớ bên trong.’
     Rốt cuộc, mọi thứ trên người  tôi đều được mẹ  cởi ra hết,  cho đến chỉ còn   nịt ngực và xì líp, mẹ mới hoàn toàn hài lòng là mọi thứ ô nhiễm đã được  tháo bỏ. Bố nhẹ nhàng chuyền qua cửa một bình nước nóng.
-   Được. Bây giờ con tự tắm rửa xong rồi lập tức đi vào phòng ngủ.
-  Nhưng Edwin và Lillian vẫn còn đang thức mà mẹ…
     Ố là la!  Tại sao tôi không nhận ra là nên giữ im lặng?  Tôi liền bị ăn đòn. Mẹ đâp cho một hồi không ngừng tay vào bắp  chân, vào vai tôi , một lối trừng phạt  đi ra ngoài hệ thống giáo dục con cái  của bà trong ngày nướng bánh. Như một hậu cảnh khôi hài hoà nhập với  sự la ó liên tục đó là  tiếng kót két phát ra từ cây đàn harmonium mà Lillian đang thực tập. Cuối cùng, khi cơn giận của mẹ đã cạn kiệt, tôi được bỏ lại một mình với bình nước, cái khăn tắm, cục xà bông  khử độc để tắm gội và  tự hối lỗi. Có lúc, cửa mở ra và ai đó ném vào chiếc áo ngủ.
    Cuối cùng, tôi trở vào phòng ăn. Bố đang ngồi đọc Thánh Kinh, và mẹ, với bộ mặt như đưa đám ( hay như một trái mận khô), đau lau chùi các đồ vật bằng bạc. Thường vào giờ này buổi tối, bà đã ngưng làm việc và cùng đọc Thánh Kinh với bố, hoặc ngồi xuống bên lò sưởi thưởng thức một  tách trà. Nhưng hôm nay, dường như tối nay bà muốn khẳng định hơn nữa, để chỉ ra  bằng cách làm  việc rằng mặc cho chúng tôi là gì, gia đình chúng tôi phải ngon lành hơn bất cứ ai.
-    Chúc bố ngủ ngon.
-    Con cũng thế, con gái ạ!
     Tôi ngập ngừng một chúc rồi cũng đến cạnh mẹ: - Chúc mẹ ngủ ngon!
     Bà chìa ra đôi má cứng ngắc và khó chịu cho tôi hôn: - Ngủ ngon, Sophie.
     Tôi biết  là sẽ tốt hơn  nếu tôi cứ lặng lẽ đi về phòng ngủ nhưng tôi không thể,  vì trong đầu tôi đang lo lắng cho những người bạn mới: gia đình Barshinskeys. Cái cách kể lại  chuyện hôm đó của tôi không hoàn toàn là sự thật, nhưng chuyện  Lillian nói cũng thế. Và tôi cứ luôn tự hỏi là chị đã thêu dệt câu chuyện ra sao.
-      Họ rất là cảm tạ về mọi thứ mẹ ạ.  Bà Barshinskey , bà ấy gần như khóc  vì sự biết ơn.
      Mẹ hít  thật mạnh vào trong một lối không tin tưởng, hay chính xác hơn, không chấp nhận .
-     Họ không phải là kẻ bất lương, hay là hành khất. Bà Barshinskey trông  bệnh  hoạn.  Đưá  con gái  nhỏ tên   Daisy May.  Cô bé rất dễ
thương. Dù họ không có nhiều đồ  đáng giá…Thật ra  đồ đạc còn đang
chuyển đến sau.
    Mẹ tôi lại hít  mạnh hơi vào lần nữa, tay bà  xoa mạnh  cái mảnh đồ bằng bạc như nó đại diện cho bọn bất lương hay  mảnh rác bụi  của trần gian..
-      Bà Barshinskey, bà ấy đáng… được kính trọng mẹ à!  Bà ấy ăn nói giống y như mẹ vậy.
     Tôi nhận ra ngay đáng lẽ không nên nói thế. Quả thực, mẹ nín lặng như cái miệng đã biến mất khỏi gương mặt.
-      Bà ấy cũng không tỏ ra xuồng xã. – Tôi vội vã  nói thêm. -  Ý của con là:  mẹ bảo bà ấy  tối nay có thể lấy nước bên nhà mình ,nhưng bà ấy nói không, cám ơn, họ có thể tự  lo không sao cả. Điều đó chứng tỏ bà ấy đáng trọng phải không?
     Và sau khi thấy mẹ không xiêu lòng và có lẽ chẳng thèm nghe , tôi đưa ra con bài tẩy cuối cùng:
-     Bà ấy thực sự đang bệnh nặng lắm mẹ . Khi tụi con vào nhà thấy bà ấy ngồi dựa lưng vào tường mà mồ hôi mồ hám tuôn ra như suối ướt đẫm khuôn mặt.
-     Đừng dùng những chữ đó Sophie!
-    Dạ! Bà ấy toát mồ hôi.
-    Mẹ phải về ngủ đây, con. Chẳng bao lâu nữa cả nhà lại phải thức dậy làm việc rồi.
-    Vậy thì chúc mẹ ngủ ngon.
     Tôi cố nán lại ở lanh quanh cửa , nhưng mẹ không nói gì nữa. Tôi đành lò dò bước lên bậc cấp một cách buồn bã. Lillian và tôi chung một phòng ngủ ở phía sau nhà. Một mình Edwin chiếm hữu căn phòng lớn hơn ở giữa. Điều này nghe không hợp lý, ngoại trừ một điều  là muốn tới phòng chị em tôi phải đi qua phòng Edwin trước., và mẹ thật cương quyết cho cái nguyên tắc ‘ con gái cần sự kín đáo riêng tư’ của bà.
     Tôi đã có một ý nghĩ hơi bần tiện là sẽ làm cái giường ngủ của Edwin tầy huầy như một cái bánh  mứt táo để trả thù  anh ta vì đã không giúp tôi hồi chiều lượm trứng cho mau, nhưng lúc này chẳng còn tâm trạng ấy. Vả lại, làm giường chiếu lộn xộn như cái bánh mứt  xem ra có vẻ trẻ con quá khi tôi  nghĩ về gia đình Barshinskeys cùng với nệm giường của họ chỉ là những bao vải dồn cỏ khô.
     Tôi đọc kinh tối, thêm vào lời nguyện cầu cho nhà Barshinskeys và tất cả những ai đang cần sự săn sóc và bảo vệ. Trong trường hợp mẹ  quyết tâm chống lại  họ thì họ cần Thượng Đế giúp đỡ. Khi Lillian trở về phòng ngủ, tôi giả vờ đã ngủ say. Trong ngày đặc biệt đó, tôi có rất nhiều điểm cần xác định lại với Lillian, chứ không phải chỉ là đưọc giới thiệu với nhà Barshinskeys như  con bé Sophie, đứa em gái út của mình. Chị biết tôi chưa ngủ, và tôi biết chị biết điều đó, nhưng chúng
tôi vẫn nằm im và sau một hồi, tôi cảm nhận phía chị nằm, cái giường
đang rung rinh. Tôi cằn nhằn:
-     Chị dám cười nhạo tôi đó hả?
     Cái giường vẫn tiếp tục rung rung.  Tôi đưa tay qua chạm vào người chị. Lillian nằm cuộn người lại với hai tay ôm lấy ngực và cái gối ướt đẫm . Chị đang khóc. Ngay lập tức . tôi cảm thấy sợ hãi khủng khiếp  chỉ vì  đã ghét bỏ chị nhiều quá.
-     Ơ này! Đừng khóc nữa . Lil. Tôi đâu có méc mẹ  chị ăn nói thô tục đâu.
-     Đừng gọi tao  là Lil. - Chị nức nở.
     Tôi đăm đăm nhìn lên ánh trăng lắng nghe tiếng  chị sụt sùi thực tình không biết làm gì. Chị đã mười bốn tuổi, đã là người lớn. Và tôi đủ  thông minh  về sự tiến triển theo năm tháng của con người để hiểu rằng tôi vẫn còn là một đứa bé. Tôi chưa hề nhìn thấy Lillian khóc trước đó và cũng không biết  có thứ gì có thể làm cho người lớn khóc được. Tôi nghĩ ngợi thật nhiều.  Đã từng khóc khi con thỏ của tôi chết, và còn khóc hơn nữa khi ông nội qua đời, bởi ông là người  ông thân  quý và tôi lại là đứa cháu ông yêu nhất. Tôi khóc  khi ngón tay bị gẫy, kẹp ở cái cửa chuồng gà, lại khóc nữa khi bác sĩ  băng bó chữa trị.  Tôi cũng đã muốn khóc khi  nhìn bà Barshinskeys cầm quả trứng?
-     Tao chỉ muốn làm cho họ thích tao. - Chị nức nở. -  Nhưng cái thằng cà chớn đó, nó nhìn tao như tao là thứ rác rưởi. Không thèm có được một câu cám ơn, dù tao đã cho họ  đủ mọi thứ tốt lành. Họ chẳng biết cám ơn là gì, không một ai trong bọn, không một chút nào,  sau khi tao đã chịu đựng mọi phiền phức.
     Tôi còn quá trẻ để giải thích  cho Lillian hiểu  khó khăn như thế nào để được một lời cám ơn, để diễn tả  việc khổ sở ra sao khi phải nhận lấy giày vớ từ một  thùng đồ tế bần hay  được thí cho cái giường  ngủ từ một nhà kho chứa đồ cũ. Tôi lại nghĩ rằng dù có đủ khôn lớn để giải thích những điều trên  cho Lillian  hiểu thì cũng chẳng làm tình thế tốt hơn.  Con người Lillian có một thứ gì thiếu sót. Chị là loại người, theo tôi hiểu, hoàn toàn thiếu vắng sự cảm thông. Chị không bao giờ cảm nhận được sự suy nghĩ trong đầu người khác.
     Từ  khả năng hạn hẹp của đứa bé mười một tuổi, việc mò tìm ra chữ để  nói về bản năng và cảm giác trên thực tế thật khó,  tôi chỉ có thể vỗ vào vai chị và  an ủi một cách thảm hại:
-     Nín  đi chị. Sáng mai sẽ ổn cả thôi!
     Tiếng thổn thức của chị từ từ tan biến. Và khi ánh trăng  đã khuất qua cửa sổ, chị đã chìm  sâu vào giấc ngủ. Riêng tôi lại vẫn thao thức, và một lúc sau đó, tôi  nhận ra mình đang nghe thấy một âm thanh khá lạ và độc đáo ở đâu đó trong bóng đêm ngoài kia, một cái gì đó khác hơn tiếng cú kêu hay tiếng  những chú chồn già tru lên khi chạy ngang cánh đồng nhà Tyler mỗi đêm. Tôi nằm bất động. Rồi cửa phòng ngủ chợt mở ra, âm thanh lạ  đó nghe lớn hơn. Tiếng  Edwin thì thào bên tai:
-     Sophie, chưa ngủ phải không? Qua cửa sổ của phòng tao coi cái này.
     Cửa sổ của phòng Edwin ngó thẳng ra khu vườn  ngôi nhà ‘tổ cú’ (may mắn thay, phòng của bố mẹ lại ở tít phía trước).  Anh em tôi đứng đó, dán chặt vào cửa sổ, bởi dưới khu vườn rậm rạp  bên đó  đang có một đống lửa lớn, ánh lửa bốc lên ngọn đỏ ngọn vàng, bập bùng biến những gốc cây già thành những hình dáng lạ mắt. Nổi bật lên qua ánh lửa bập bùng là ông Barshinskey trong  chiếc áo choàng đen kỳ cục với chiếc mũ rộng vành. Cây đàn vĩ cầm  tỳ vào cằm của ông, và từ đó phát ra một loại âm nhạc  thật khích động mà tôi chưa từng nghe qua.  Đã từng được thưởng thức vĩ cầm từ trước. ban nhạc  thường chơi các bài như : Gathering Peascod hay Stripping the Willow. Ở lớp học thì hát Thánh Ca hoặc  Linden Lea, Old Meg She Was a Gypsy.  Còn âm nhạc đây khác hẳn. Nó rên rỉ,  não nùng. Nó làm ta muốn giang tay ra gào thét. Rồi bỗng nó thay đổi giai điệu, biến thành tiếng đập dồn dập mạnh mẽ  đến mức tôi tưởng tượng cả thị trấn sẽ thức dậy nhảy múa. Khi anh em tôi đang chứng kiến và lắng nghe, một khuôn mặt  bỗng hiện lên từ phía bên kia đống lửa. Đó chính là cô gái lớn có cái mũi to  trông như con mèo. Cô ta giơ tay lên khỏi đầu và vỗ theo điệu nhạc. Edwin và tôi, bất ngờ cũng dậm chân theo. Âm nhạc trở nên dồn dập hơn, cô gái bắt đầu xoay tròn vòng quanh đống lửa, chiếc váy tả tơi trên người cô bay lượn theo, sát ngọn lửa đến muốn cháy xém. Cuối cùng, cô buông mình xuống nằm ngửa trên mặt đất, tay chân vươn ra trong một tư thế thoả mãn, cử động y như một con thú. Tiếng đàn trở lại giai điệu sầu thương. Edwin tìm bàn tay tôi , những ngón tay của anh em tôi xiết chặt. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng trên cõi đời này, còn nhiều thứ hơn là  chỉ lớn lên, lập gia đình có con cái và được kính trọng trong xã  hội.  Còn có  những thứ vĩ đại và những ước vọng khủng khiếp không xác định được, những giấc mơ không thể thấy hình dạng  mà ta vẫn phải theo đuổi. Tôi thấy mình có lẽ sẽ không bao giờ hài lòng với bất cứ gì trong cuộc sống của tôi nữa.
       Anh  em  tôi đứng đó hàng giờ, hay tôi tưởng thế, cho đến khi ông Barshinskey  buông cây đàn vĩ cầm xuống và ngọn lửa cũng đang lụi tàn. Rồi ông quấn mình vào một cái  chăn, phía bên kia cô gái cũng làm giống vậy, anh  em tôi mới cảm thấy lạnh và mệt.
-     Vào ngủ  chung với tao, Soph! -  Edwin nói khi hai đứa  run lập cập. Và khi bám chặt lấy nhau , tôi  biết là chúng tôi run không chỉ vì lạnh. Hai đứa  đã vừa  nếm trước một liều thuốc cực mạnh: liều thuốc có tên cuộc đời.     
                           (Xem tiếp chương 2)

No comments: