Trôi theo mùa hè_4

                                                                   Chương 4
                                                   
                                                  Đời không là mơ
       
T
ại sao  tôi cần một thời gian thật lâu để hiểu biết hết  về con người của ông Barshinskey? Có nhiều lý do, một số rất thực tiễn , chẳng hạn như việc tôi luôn luôn đã vào giuờng ngủ trước khi ông say rượu loạng choạng đi về nhà từ quán ba  Con Chồn. Số khác lại chẳng thực tế tí nào, như chuyện tôi cố tình không muốn biết bất cứ gì có thể phá huỷ cái (hình tượng) vinh quang của ông.
     Có một buổi sáng, Daisy May đến trường với một vết bầm trên mặt. Lần khác lại chính là bà mẹ cô cũng bị bầm như thế. Daisy May là người bạn thân nhất, thế nhưng tôi đã không hỏi có chuyện gì xảy ra, bởi e sợ phải nghe về một cái gì khủng khiếp  làm cho tôi giả bộ như không thấy vết bầm tím đó.
     Có một lần , một tiếng la hét của ai đó trong đêm đánh thức tôi,  tiếng đổ vỡ rồi tiếng người đàn bà gào lên. Tất cả  vọng tới từ căn nhà ‘tổ cú’.  Tôi vùi đầu vào trong gối, cố  tránh nghe tiếng chân bố vội vã đi xuống cầu thang đi ra cửa sau. Chắc chẳng có chuyện gì.
     Tất cả những gì tôi biết là mỗi khi gặp nhau, ông ta đều dành thì giờ cho tôi. Ông có thì giờ  kiệu tôi lên vai và cười, rồi kể cho tôi nghe  những huyền thoại về đất nước của ông. Và ông nhìn tôi , cái nhìn như coi tôi là một con người.  Khi ta còn trẻ và thuộc loại tầm thường, điều đáng kinh ngạc là người khác ít khi nào nhìn  ta như một con người đặc biệt, hay đẹp và hiện hữu.  Thường họ chỉ nhìn để coi  gương mặt bạn có sạch không, dây  giày của bạn có cột gọn ghẽ không. Họ chỉ nhìn  xem bạn có nói  thật không hay để tìm ra khuyết điểm của bạn.. Không có ai thực sự vui mừng khi gặp bạn. Không ai làm cho bạn  cảm thấy rằng  chỉ với sự có mặt của bạn thì chính bạn đã là  con người tuyệt diệu nhất trên đời. Và đó là điều mà ông Barshinskey đã làm cho tôi. Ông ta thật rất lôi cuốn, lại có vẻ bí mật và vĩ đại, và ông ta làm cho tôi cảm thấy tôi là một cô gái ‘cưng’ của thế giới, người  mà ông muốn gặp gỡ.
     Đó là lý do ông ta mang lại nhiều ý nghĩa với tôi, và có lẽ còn hơn thế nữa .Trong con  người ông có sẵn  một hấp lực thay đổi to lớn,  có sức thu hút những tạo vật yếu đuối mảnh mai hơn, đặc biệt là phụ nữ. Điều mà đã làm cho một người hầu gái  bé nhỏ nhút nhát đứng đắn ở tại thị trấn Dover rời bỏ công việc  và gia đình , bạn hữu của mình để đi lấy một người đàn ông ngoại quốc gần như mù chữ và trông kinh khủng như thế, lúc này cũng đang có hiệu quả thần kỳ với tôi. Có một cái gì sống sượng và quê mùa trong con người ông , và khi thấy ông đi chung với cô con gái Galina của ông, nó trở nên quá căng thẳng  đến nỗi tôi không dám nhìn.
     Chính ông ta là người đã nói đến chuyện say  xỉn của mình trước, với một tính cách khoe mẽ và nó là một phần của một câu chuyện hấp dẫn mà, dù phải chấp nhận  nó, đó cũng là một khía cạnh khác nói lên cái biểu hiện lớn lao của người đàn ông, một điều gì khác mang tính mạnh bạo , đầy kích thích và lạ  lùng trong con người ông .
     Tôi biết rõ giờ giấc ông đi và về từ trang trại Hayward và trở nên kinh nghiệm trong cách chờ đợi làm sao để chúng tôi phải  cùng đi  qua cánh rừng nhỏ, nơi  không có những con gấu, chó sói và đại bàng. Bất cứ khi nào tôi hỏi  về đất nước của ông,  tôi sẽ được nghe kể lại về thời thơ ấu của ông ở một miền quê quanh Novgorod,  về những mùa đông lê thê, mù mịt đầy tuyết rơi và sự xuất hiện bất ngờ của những dòng sông khi mùa xuân tới. Mọi thứ ông kể về đất nước Nga đều kỳ ảo, dường như đó là vùng đất huyền bí trong các Chuyện thần tiên của Gimm hay Diễn tiến hành hương trở thành hiện thực. Ông kể cho tôi về những cánh đồng hoa hướng dương bát ngát hàng trăm mẫu, và vào mùa đông, người ta phải di chuyển trên những chiếc xe trượt tuyết do ngựa kéo. Ông bảo rằng trong mỗi căn nhà đều có một lò sưởi thật lớn, và cả gia đình nằm ngủ trên mặt lò sưởi để được sưởi ấm suốt đêm. Dường như không thể tin được rằng có ai đó sẽ rời bỏ một nơi kỳ diệu như ông diễn tả như thế  để đến làm việc trong nông trại Haywards. Vì thế, tôi đã hỏi vì sao ông đến đây.
-     Sao hả? Ha, ‘cưng’ ơi! Bởi định mệnh muốn thế. Bởi ta đây, Nikolai Igorovitch, làm việc trong một  nông trường bất động sản  lớn có tên Boris Morozov, trông coi ngựa, bò,heo, và có một ngày trở thành quản đốc công giống như papa của ’cưng’,  nhỏ hiểu chứ? Có điều nếu đem so sánh với nó, thì cái nông trại Hayward này  chỉ đáng là một cái  sân nuôi bọ chét. Và rồi  vào ngày kế  cận,ta đi lưu vong.
-     Sao  bác phải đi lưu vong?
-     Không , không phải lỗi ở ta. Đó là lão chủ, hay ít ra là con của lão ta. Nó là sinh viên ở Mac Tư Khoa. Có một hôm đám công an đến nhà  tố cáo thằng nhỏ đi làm cách mạng và đã giết người, không phải là một thường dân mà là một nhân vật quan trọng. Bọn họ chưa bắt được thằng nhỏ, nhưng họ nói chắc chắn họ sẽ bắt được và cảnh cáo bọn ta rằng nếu thằng nhỏ có về phải báo cáo ngay. Dĩ nhiên là rồi nó cũng về nhà, và bọn ta thấy vấn đề còn tệ hơn những gì đám công an đã nói. Thằng nhỏ  giống như một kẻ điên, gào thét um sùm, và trên ngực  có một vết dao đâm thật lớn. Bọn ta đem giấu nó, cho ở cùng với ta ở một cái chuồng bò. Đám công an trở lại. Thằng nhỏ giống như một con gấu bị thương quyết ăn thua  với những kẻ muốn bắt nó. Còn ta không thể giữ nó im lặng. Rồi công an mò đến nơi đang trốn, nó thoát ra khỏi tay ta và rồi thật  kinh khủng…thật là khủng khiếp…
     Lần đầu tiên kể từ khi quen biết, ông ta quên sự có mặt của tôi mặc dù là đang nói với tôi. Chúng tôi ngưng trò chuyện. Ông ta đứng đó tay buông thõng xuống, mắt ngửa lên trời  và đăm đăm nhìn về một khoảng cách xa xăm nào đó. Và ông nói, giọng không còn âm vang rung động nữa, thay vào đó là một nỗi buồn da diết:
-     Bọn công an bắt đầu đánh đập thằng nhỏ. Nó chống cự lại và bọn chúng muốn giết nó. Bỗng nhiên một cái gì  đó bùng nổ trong đầu ta. Thật lạ lùng, bởi thằng nhỏ này đâu phải người cùng máu mủ với ta.  Và ta cũng chẳng yêu thích nó. Nhưng cơn phẫn nộ đã bùng lên  trong ta, và khi ta  nhìn lại, hai tên công an đã nằm sóng sượt dưới sàn dở sống dở chết. Thằng con ông chủ lúc này đã câm nín và  bình tĩnh  trở lại. Nó đi tìm cha nó và bảo rằng nó và ta phải bỏ trốn, cả hai người,  vì nó đang bị thương tích không thể đi một mình. Tốt hơn hết  là ta nên đi với nó. Và rồi, - Ông nhún vai lắc đầu. – thế là  ta đi biệt xứ.
-      Thế anh chàng chủ của bác đâu?
-     Thằng nhỏ? – Ông gượng cười. – Ai biết? Bọn ta có tiền, bởi  lão chủ cho con khá nhiều. “Đi đi.”, Lão ấy bảo: “ Trong khi ông đi với nó, tôi sẽ nhờ bạn bè ở St Peterburg lo bào chữa cho ông. Có đủ tiền để sống và chỉ cần ít thời gian thôi, rồi ông sẽ về nhà ngay mà”. Thế là bọn ta đi, lúc đầu tới nước Đức, rồi qua Đan Mạch, một đất nước nhỏ như con thỏ. Rồi bọn ta nhảy lên tàu đi sang Anh Quốc. Khi mình có nhiều tiền, nhỏ phải hiểu là, minh luôn luôn có chỗ để đi. Có một ai đó quen biết chú bác hay   ông nội mình, và họ sẵn sàng chào đón mình tới nhà họ.  Có một căn nhà rất to ở gần bờ biển, và thằng con lão chủ có một lá thư giới thiệu của một người bạn tới người bạn khác. Đó là chuyện thường tình khi ta giàu có. – Ông lại cười.- Và nơi đây, trong căn biệt thự rất to lớn này cũng có bắn súng, nhưng  không phải bắn bọn công an mà là bắn chim, và tiệc tùng suốt ngày đêm. Mọi việc  thật vui vẻ. Bỗng nhiên thằng con lão chủ trở lại điên khùng. Nó muốn ra đi. Nó bắt đầu cãi lộn với gia chủ, lăng nhục một người con gái trẻ.
     Ông Barsinskey tạm ngưng , rồi tư lự nói:
-     Trung thực mà nói, ta không thích thằng con lão chủ  lắm, mặc dù ta đã cứu hắn khỏi bị công an giết. Nó bảo bọn ta rồi sẽ trở về đất Nga , cho dù không an toàn. Ta không chắc điều này có đúng không. Vì thế ta bắt đầu thử dùng ít rượu  để nó giúp ta quyết định. Không biết nó giúp được gì không, tuy nhiên ta rất nhớ quê hương. Ta muốn trở về. Ta không thích nơi này, bởi nơi đây không có tình  yêu giữa người và người. Nhưng tại quê nhà, bọn công an lại đang chờ bắt giữ ta. Rồi ta uống. Suốt ngày đêm ta tiếp tục suy nghĩ. Rồi ta rời căn biệt thự đi về  làng mạc thị trấn nhỏ và tiếp tục uống thêm. Rồi ta cãi lộn, đánh nhau. Có một ngày thức giấc thấy mình nằm dưới một cái mương, người lạnh cóng, và ta vẫn chưa biết quyết định phải làm gì. Rồi ta di chuyển qua làng khác, lại uống nhiều hơn. Lúc đó ta nhiều tiền lắm. Lão chủ  tặng cho ta nhiều bởi ta đang săn sóc cho con trai lão.
    Bỗng nhiên ông lại bước đi. Ông nở một nụ cười và vươn tay ra kéo tôi sát lại bên ông làm ra vẻ ông rất yêu tôi.
-     Cuối cùng, khi đã có quyết định trở về, đó là năm ngày sau đó, ta quay về, thằng con lão chủ đã bỏ đi. Ở căn biệt thự, họ kiếm cho ta một công việc, nhưng nó không được lâu bền. Ta lại đi uống rượu  rồi bỏ đi tới một nông trại. Câu chuyện cứ tiếp diễn như thế…
     Chuyện như thế. Ông Barshinskey thành kẻ lưu vong bởi vì năm ngày đi hoang và bị lỡ tàu. Nhưng vẫn có một điều gì tuyệt vời trong cái con người say xỉn  như vậy. Một người ném cả tương lai và vận mệnh của mình vào ly rượu thì không giống như một kẻ nghiện rượu tầm thường.
     Cuộc sống của ông đã như thế nào kể từ hôm đó? Cô độc trong một đất nước xa kạ, chỉ biết chút ít ngôn ngữ sở tại, không bạn bè, và có lẽ không có cả quyền được có mặt hợp pháp, trôi dạt hết nông trại này đến nông trại khác, uống rượu và đàn hát những điệu nhạc thương nhớ quê hương sầu muộn.
-     Thế bác đã gặp bác gái ở đâu?
-     Hả?  A!  Lúc nào đó khi ta đang làm việc ở một nông trại. Bà ấy  ở trong một biệt thự, trông nhỏ nhắn và gọn gàng. Rồi bà ấy đi theo ta khắp nơi như một con chó  nhỏ dễ thương. – Ông ta nắm tay lại chạm nhẹ vào má tôi. – Bà ấy giống như nhỏ đó, ‘cưng’ à! Làm sao trên thế giới này có người đàn ông nào có thể cưỡng lại một người đàn bà như vậy?
    Điều ông vừa nói nghe thật tuyệt. Hằng đêm sau đó, tôi sống trong giấc mơ  biến tôi thành bà vợ ông ấy, và bà ấy là tôi. Tôi đã không nhìn bà ấy như tình trạng tàn tạ, mệt mỏi lúc này, nhưng tôi thấy bà ấy (hay là chính tôi) được ông ta chọc ghẹo tán tỉnh, được nhấc bổng lên trời, được kéo sát vào lòng , đi sánh đôi trong rừng và ở bên nhau suốt đời.
     Tôi bắt đầu cuộc sống hai mặt, mà theo tôi, nó xảy đến với tất cả mọi người trong lứa tuổi của tôi. Một mặt là kết thân với Daisy May và Ivan, những người bạn mới, lôi kéo họ vào tầm ảnh hưởng của tôi, chỉ dạy họ cách sống trong làng và trở thành  một phần tử của cái khuôn mẫu nhà Willoughbys chúng tôi đã kết tạo. Mặt khác là của riêng tôi và ông Barshinskey, một đời sống hoang tưởng  nơi ngoài hai chúng tôi, không có ai hiện hữu.
     Niên học kết thúc vào tháng Bảy, và Lillian đã cởi bỏ chiếc áo khác đồng phục mãi mãi.  Trong bộ áo mới in hoa( thật ra không hoàn toàn mới, bởi nó được sửa từ áo của mẹ), chị đi đến tiệm cô Clark để học làm thợ may. Ngay lập tức chị trở thành xa cách và thật khó thương  .Chị và mẹ thường ở cả buổi tối trên phòng của mẹ xem xét lại tủ treo quần áo. Tôi có thể lõm bõm nghe những mẩu nói chuyện đứt đoạn từ trên lầu vọng xuống trong khi đang rửa chén:
-     Mẹ coi! Nếu có một áo vét kiểu ngang lưng mới đi kèm với bộ cánh  dài này, mẹ có thể mặc nó với cái váy xanh…
     Nghe những lời ấy, tôi muốn bùng lên  cơn giận dữ. Vào những ngày nghỉ hè, tất cả chúng tôi  được yêu cầu đi tìm việc làm. Edwin đi thẳng đến trạm xe lửa phụ giúp ông Watkins. Đôi khi anh được phép kiểm soát vé. Nhưng thường, theo tôi biết, anh  làm công việc pha trà cho ông, lau chùi phòng vệ sinh, đánh bóng cửa sổ và nghiên cứu lịch trình xe lửa. Ông Watkins trả anh hai Shillings một tuần.
     Tôi được làm mỗi tuần thêm một buổi sáng cho nhà Haywards. Những ngày còn lại thì sẵn sàng cho bất cứ ai cần một cô bé sạch sẽ  đáng tin cậy để phụ  hái trái cây và làm mứt. Mùa hè năm ấy, một năm  được mùa lớn, trái cây chín rục khắp mọi vườn trại, và đến tháng Tám lại thêm một một vụ mùa bội thu thứ hai. Tôi có lẽ đã hái hàng núi  nho đen và nho đỏ, dâu tây và dâu dại các loại. Mọi nhà bếp, kể cả nhà chúng tôi, biến thành cái lò làm mứt. Và thật cám ơn Chúa, có quá nhiều trái cây đến nỗi Daisy May cũng  kiếm được việc.
      Ivan lại là một ngoại lệ buồn thảm và đáng tiếc vào mùa hè  ấy.  Bố tôi đã cố gắng tìm cho anh ta một công việc. Mặc dù người ta thuê anh trong việc gặt hái một ít, nhưng không ai chịu nhận anh làm  toàn thời. Vấn đề là anh trông vẫn như một kẻ ăn xin. Đầu tóc  để quá dài, bù rối và áo quần  rách rưới.  Nếu anh chỉ cần chịu nhận đồ từ thiện của mẹ gửi cho, có lẽ anh đã có được một việc . Nhưng anh ta đã đem trả lại tất cả những thứ mẹ gửi qua cho anh với lời từ chối: “cám ơn, tôi không cần đến chúng”. Trông anh đã tức cười, giọng nói của anh cũng buồn cười nốt. Thế rồi anh ta bắt đầu đi lượm củi về chẻ ra bỏ vào bao đem đi bán quanh làng. Đó lại là lúc sai thời điểm để bán củi  nên anh đã không  kiếm ra tiền. Chỉ mình ông Hayward có lẽ đã nhận anh, bởi ông là người chủ trại duy nhất không để ý tới chuyện  bọn nhà Barshinskeys là dân ngoại quốc, dơ dáy bẩn thỉu, cư xử lạ đời. Nhưng Ivan từ chối không chịu làm ở đó, kể cả công việc gặt hái mùa màng.
     Hàng năm, trong ngày lễ tiệc trong vườn nhà xứ,  tôi được phép đến khu vườn của nhà xứ để hái trái cây làm món tráng miệng cho  buổi tiệc. Bà Lovelace không trả tiền  công , nhưng tôi được tha hồ ăn các loại trái cây ưa thích và quả thật được  nhìn ngắm bên trong khu vườn đã là điều đáng giá. Đó là khu vườn đẹp nhất trong làng, thật bao la và có nhiều thảm cỏ chăm sóc dọn dẹp sạch sẽ và những rừng dâu dại xen lẫn với những bức tượng. Mảnh vườn dành cho nhà bếp cũng rộng lớn, những luống  dâu cùng những hàng cây cherry có lưới bao phủ  để chim không phá trái. Tôi xin phép cho Daisy May cùng vào, và sau khi kiểm tra  vệ sinh mặt và tay, cô được phép vào.
     Ngày hôm đó thật nóng, cửa nhà bếp được để mở. Khi mang vào rổ trái cây đầu tiên, chúng tôi có thể thấy Galina đang cắt bánh và bơ. Đằng sau cô là ông Hope-Browne đang chuẩn bị bê một giỏ  ly chén mang ra ngoài cửa.
-     Giờ đi hái tiếp đi! - người bếp chính của bà Lovelace nói, tay  trao ra cái rổ trống không. -  Ta cần nhiều hơn thế nữa.
     Hai đứa tôi trở lại vưòn nho và biến vào những  lùm cây. Những con ong bay liệng trên không và ánh nắng mặt trời  toả ra mùi nho ngọt đến váng người. Daisy May nói:
-     Bồ có thấy là đám mụn trên mặt ông Hope-Browne lúc này đỡ hơn trước không?
    Tôi đã không để ý tới, nhưng tự hứa là sẽ nhìn mặt ông trước khi rời khu vườn nhà xứ. Tôi bảo:
-     Sau khi xong đám này,  mình sẽ đi sang phía khu trồng dâu dại. Ở đó mình có thể nhìn thấy ông ta đang xếp đặt đồ trên bãi cỏ.
     Ông Hope-Browne lật đật ra vào. sửa chữa mấy cái giá ngựa, xếp đặt  trò chơi thảy vòng. Ông ấy nghe thấy tiếng chúng tôi cười  khúc khích sau những luống dâu và ông tất tả chạy đến.
-    Được lắm! – Ông nói thật tử tế. – Hai cô bé đang  đùa giỡn ở đó, phải không?
    Ông ta không có vẻ  đỏ mặt, và Daisy May nói đúng. Các mụn trên mặt ông trông đã đỡ hơn trước.
-    Dạ! cám ơn ông Hope-Browne.
-     Tốt, tốt. Còn ai đây? Ồ, đúng rồi! cô em gái của Galina đây mà.
     Nói xong ông lại đỏ mặt ghê gớm và quay  trở về lo xếp đặt cái trò chơi thảy vòng.
-    Bà chị tôi đi ra kìa!.  - Daisy May  dửng dưng nói.
     Cô gái bước  ra từ cánh cửa sổ lớn tay ôm một lố khăn trắng trải bàn. Nếu bà chị Lillian của tôi nghĩ giờ chị đã thành người lớn do chị đã ra đời làm việc, thì chị nên ngắm nhìn Galina. Chiếc áo đầm sọc trắng xanh cô đang mặc và cái khăn tạp dề trên người cô mặc  trông chẳng giống cái tạp dề. Cô làm cho nó trông giống như cái dây choàng được cột chặt cho eo cô thon lại. Tay áo cô xăn lên để lộ ra đôi cánh tay tròn lẳng mịn màng, Và dưới cái mũ trắng là bụm tóc trông có vẻ nặng nề đến đỗi  người ta tự hỏi làm sao cần cổ của cô có thể mang nó nổi
-    Trông cô ta thật là…khác hẳn…
-    Tại bởi chị ấy ăn mặc đàng hoàng và sạch sẽ . – Daisy nói.
     Nhưng không phải chỉ có thế. Cô gái còn có điều gì khác nữa, về cái cách thức cô trải khăn bàn ăn ra, cô nghiêng người tràn qua cái giá ngựa kê bàn để một chân của cô giơ cao  lên khỏi mặt đất và  cặp mông tròn trịa nhô  cao lên  trên không. Cô dùng cánh tay của cô vuốt thẳng khăn bàn, rồi ngoái cổ ra sau nhìn ông Hope-Browne qua bờ vai.
     Lúc này, ông không làm một cử chỉ nào để tiếp tục việc xắp xếp   trò chơi. Ông ta đứng như trời trồng, trên tay vẫn còn cầm mấy cái vòng , mắt nhìn sững Galina. Thật lạ thường, gương mặt ông trắng bệch.
-     Đi chỗ khác đi. -  Daisy May nói. -  Đừng ngó. Tớ ghét phải nhìn Galina  giở trò khêu gợi đó với  đàn ông. Mình đi đi nào!
     Nhưng tôi không thể bỏ đi.  Daisy May ngồi thụp xuống bụi dâu dại dường như với một  tiếng nấc nghẹn thoát ra trong cổ họng. Còn tôi đứng đó,   khổ  sở thay cho ông Hope-Browne.  mặt ông trắng toát và  có ý lo sợ, đặt mình vào vị trí của ông với một điều gì đó tôi không hiểu được nhưng làm tôi cũng sợ hãi theo.
     Galina xoay người lại và chậm rãi bước về phía ông.  Và cô bước  đi  giống như đang khiêu vũ. Tôi không nhìn thấy mặt cô, nhưng thấy rõ mặt ông ta, màu sắc thay đổi hàng chục lần, miệng  ông hơi hé ra và   cặp mắt lên xuống theo điệu bộ lắc lư của thân hình cô gái. Rồi cô đứng yên ngay trước mặt ông, sát đến nỗi tôi không biết hai thân mình có chạm nhau không. Ông ta không cử động nhưng tôi nghe có tiếng  ậm ừ của ông phát ra từ trong cổ họng. Đoạn, Galina từ từ giơ tay lên vuốt, bẻ  cong mũ xuống  rồi kéo ngược lại, di động đôi vai như chúng đang bị cứng vì mỏi. Rồi ông Hope-Browne đưa tay lên về phía cô, lại kêu rên một tiếng và quay đầu bỏ chạy. Mấy cái vòng hoopla trên tay ông rơi vung vãi trên cỏ, và ông ta vấp té ngay trước ngưỡng cửa. Galina  chờ một giây lát, rồi cô quay mặt đi trở lại  với mấy cái bàn, trên môi  nở một nụ cười, cái cười của nhà Barshinskeys và cô gái dường như bùng lên với sự kích thích đang bị dồn nén.
     Cô nhìn thấy tôi ngay tức khắc và khi chạy tới gần tôi nụ cười tan biến dần. Tôi nhận ra ngay cô đã mất bình tĩnh , tôi bỗng nhiên cảm nhận điều này qua  khuôn mặt bừng bừng của cô, vì thế tôi quay đi định bỏ chạy. Tuy nhiên, cô  đã bắt được, nắm lấy hai vai lắc tôi thật mạnh:
-     Mày làm gì ở đây, đồ nhóc  con hỗn xược kia? – Cô la lên.
-     Không có gì!
    Cô tiếp tục lắc mạnh tay:
-     Có , mày có. Mày đi do thám. Tao không thể làm cái gì trong làng này mà người ta  để tao yên sao?
-     Tôi chẳng thấy gì hết!
     Cô buông tôi ra  và nhanh chóng quay đi.
-      Tao ghét chỗ này. – Cô giận dữ nói,  đưa tay bẻ gẫy một nhánh dâu dại. mặt mũi buồn rầu. tỏ vẻ bất mãn. Bàn tay cô bị gai đâm trúng và ngón tay bị chảy máu. Cô đăm đăm nhìn  nó như bị mê hoặc.
-     Cái “con mẹ già chuyên xen vào chuyện thiên hạ” của mày  đã nhét tao vào đây và tao ghét chuyện đó.
-     Chị không cần phải ở lại đây. – Tôi gào lên một cách thách thức,  Niềm tự hào của gia đình bị tấn công, con nhà Willoughby phản công lại.  -  Chị có thể trở về với vị trí trước đây của chị, sống như một kẻ lang thang,  đi  trộm cắp và đi ăn xin, ngủ bờ ngủ bụi quanh đống lửa. Nếu chị không thích ở đây, chị không phải ở lại.
     Đột nhiên cô gái yên lặng, mỉm cười một cách chậm rãi và dâm dật, bàn tay ve vuốt chiếc áo đầm trên người.
-  Tạm thời thì thích hợp để tao ở lại. – Cô nhẹ nhàng nói. – Tao học ở đây đưọc ít nhiều điều. Tao sẽ không nghèo túng suốt đời. Khi nào đến lúc tao sẽ ra đi. Tao có thể chịu đựng ở đây cho tới lúc đó. Tao nghĩ tao sẽ làm được.  Đôi khi tao thấy tao không thể nào ngưng khóc, tao ghét nó quá chừng. – Cô ta lại nhìn tôi trừng trừng. -  Ông ta không đối xử với tao như đồ rác rưởi. Ông ta nói chuyện với tao như nói với một con người. Còn tao  cũng đối xử  tốt với ông .
     Thái độ của cô lại thay đổi. Tôi chưa bao giờ  quen thuộc với tốc độ thay đổi từ  trạng thái nóng giận qua một thứ êm đềm như mơ ấy. Bây giờ cô hướng ánh mắt  qua khu vườn rau quả và dịu dàng nói:
-     Tao cũng thích tử tế và dễ thương với mọi người…
     Tôi hoàn toàn không hiểu  ý cô muốn nói gì, nhưng có cảm giác chúng có liên quan tới việc cô đang làm gì đó cho ông Hope-Browne đáng thương.
-     Chị hãy để ông Hope-Browne yên. -  Tôi lên tiếng. – Hãy để ông ta yên. Vậy là đủ.
-     Tại sao? Tao thích ông ta. Mày không thấy mấy cái mụn của ông đã khá hơn sao? Tao cũng giúp đỡ người ta vậy, mày thấy đó…
     Và cô lại cười, làn môi đỏ căng ra một cách khoái lạc để lộ hàm răng trắng đều :
-     Và chính mày cũng không có quyền nói gì cả. Tao biết  thừa  mày luôn luôn chờ đợi bố tao  ở trong khu rừng nhỏ mỗi ngày ra sao.
-    Câm miệng!
     Tôi lấy tay bịt tai lại và bỏ chạy, vẫn còn nghe tiếng cười lớn của cô. Không thể hiểu nổi bất cứ gì cô gái nói, nhưng cô thật là bẩn thỉu và khủng hkiếp.
-     Bồ không sao chứ, Sophie?
-     Để tôi yên! -  Tôi qua mặt Daisy May và chạy ra khỏi khu vườn đi về phía  cánh đồng cỏ nhà Tylers. Mọi sự đã thành bẩn thỉu, và chiều tối hôm đó, tôi không chờ đợi ông Barshingskey ở khu rừng nhỏ.
     Sau đó tôi tránh đường, không thể gặp ông  mà không nghĩ đến hình ảnh Galina đến với  ông Hope-Browne. Tôi không muốn nói về ông và về Galina ở tại nhà xứ. Mỗi khi mẹ bắt đầu nói về đề tài ấy, tôi lảng ra khỏi phòng.
     Mùa hè đối với tôi đã trở nên chua chát, tôi  không còn hứng thú làm những thứ  mà trước đây ưa thích, dù là đọc sách, làm việc  ở nhà Haywards, chơi đùa với  thú vật hay đào xới mảnh vườn nho nhỏ mà bố đã cho riêng tôi để chăm sóc theo ý. Chẳng phải là lỗi của ông Barshinskey. Đó là lỗi của tôi. Còn ông vẫn như thế,  nhưng bây giờ tôi đã có những ý nghĩ về ông không được trong sạch. Tôi cảm thấy tôi phải cố đừng yêu  thích ông nhiều quá.
     Ông ta có giúp tôi, nhưng hiệu quả lại càng làm tôi thêm rối loạn và khổ sở hơn. Lần đầu tiên tôi thấy ông say rượu.
     Sau khi đã thấy ông thực sự tệ hại , tôi nhận ra sau đó rằng  cái lần đầu ấy, ông không quá say. Lúc đó là vào giờ ăn tối ngày thứ Bảy, và vì lý do gì đó, ông đi thẳng tới quán rượu sau khi rời nông trại Hayward.  Luôn luôn  cách uống rượu của ông theo một khuôn mẫu: không uống vào  ban ngày, và hầu như chỉ uống vào các đêm thứ Sáu, thứ Bảy. Chúa Nhật. Nhưng bởi vì tôi đi bộ về nhà trên con đường lớn, lối đi về  xa hơn để tránh gặp ông, bỗng nhiên thấy ông loạng choạng chui ra từ hàng rào rồi đứng nghiêng ngả trước mặt tôi. Có lúc ông té xuống đường mương, nằm đó một lúc. Khi tôi cố vội bước qua, ông gọi tôi bằng tiếng Nga. Vừa gọi ông vừa ra dấu, rồi cười lớn và trỗi dậy đi theo sau tôi. Tôi không sợ. linh cảm ông chưa quá say đến độ hại tôi, nhưng ông tiếp tục la gọi và vẫy tay. Rồi ông nghiêng người qua ói mửa một đống.
     Làm sao tôi đã có thể nghĩ rằng ông tuyệt vời? Làm sao Galina có thể nói ra những lời nói đó. Tôi vắt giò lên cổ mà chạy, vẫn còn nghe tiếng ông la gọi phía sau:
-    “Cưng” à! Quay lại. Nhỏ Sophie à! Đừng sợ…đừng sợ ta…đừng sợ Nikolai này. Quay lại đi ‘cưng’…Quay lại…
-     Có chuyện gì thế, Sophie? Mẹ hỏi.
-     Không có gì.
     Nhưng mẹ tôi biết, và biết rằng lần này không phải vì phiền muộn hay vì tôi  hỗn hào hay cãi lại.  Bà nhìn thẳng vào mắt tôi rồi vội vã bước ra đường. Khi trờ về, môi mẹ bạnh ra với sự ghê tởm:
-     Đồ điên. – Bà lẩm bẩm.-  Không biết mình phải chịu đựng thứ này đến bao lâu nữa?
     Điều đó không đúng. Tôi không muốn mẹ nói động đến ông ta, mặc dù…
-     Hắn đáng bị roi ngựa quất lên người. – Bà rít lên. - Đập cho một trận rồi quăng xuống hồ.
-     Không phải thế!
     Mẹ trừng mắt nhìn tôi:
-    Đừng ăn nói với mẹ kiểu đó chứ, con gái?
     Tôi tự hỏi là rồi mẹ sẽ giảng cho một bài luân lý nghe muốn đầy ắp lỗ tai, nhưng bà đã không làm thế, chỉ lặng lẽ bảo tôi về phòng ngủ, Tôi lên giường nằm, không khóc nhưng cảm thấy  đau  buồn đến chết đi được.
     Đêm đó  mẹ giúp tôi ngủ yên  với một loại kẹo bột  có pha  rượu và bảo  qua  thứ Hai, anh Edwin và tôi đi dọn dẹp cái kho  phía sau nhà có đến ba năm rồi chưa làm.  Mẹ không phải là người nhạy cảm, nhưng bà làm gì cũng  có ý thức.
     Ký ức phai nhạt, sự nhục nhã cũng được chôn kín đôi chút, tôi đã có thể đi ra ngoài gặp gỡ  mọi người  mà không thấy xấu hổ. Tuy nhiên tôi vẫn không thể đối mặt với ông Barshinshey. Bất cứ khi nào thấy ông từ xa, tôi vội vã trốn hay bỏ chạy.
     Rồi có một ngày, khi tôi trên con đường từ nông trại Hayward đi về nhà , ông từ trong hàng rào bước thẳng ra chận ngang trước mắt, không nói gì.  Ông nhìn tôi  thật nghiêm túc, cúi đầu chào , trao cho tôi một bó hoa hồng dại và cúc trắng  được cột lại bằng một cọng cỏ khô. Thấy tôi không chịu nhận, ông  đưa  lại gần hơn và lắc nhẹ nó:
-    Làm ơn. – Ông nói với giọng  thật trầm buồn  hối tiếc, và vì ông quá chân thành, tôi đành phải nhận .
-     Ta không  được gặp cô bé  nữa, sao vậy nhỏ Sophie?
-     Cháu… cháu quá bận.
-     A ha! Ta nghĩ không phải vậy đâu. Ta nghĩ nhỏ  đang giận ta.
-     Ồ, không! Không phải thế. Cháu…bận thiệt mà…
-     Ta nhớ nhỏ lắm, ‘cưng’ à! Rồi ai sẽ lắng nghe chuyện ta kể?
     Rồi ông thu mình ngồi xuống bên cạnh với bàn tay to lớn nắm lấy tay tôi. Gương mặt của ông  sát gần tới mức bộ râu chạm vào má tôi gây nhột nhạt.
-      Sophie nè! Đôi khi  ta thật ngu đần. Ta cứ suy nghĩ vẩn vơ, rồi ta  đi tìm rượu uống. Dường như đó là cách duy nhất để quên suy tư Hôm nay ta rất buồn bởi vì ta nhận ra rằng nhỏ Sophie không còn thích gặp ta nữa, và ta chẳng hiểu tại sao.
-     Cháu rất là… - Ông lấy tay bịt miệng tôi.
-     Ta không muốn biết ‘cưng’ à! Lòng ta tràn đầy nỗi đau vì con tim ta cho ta biết nhỏ không yêu ta.
-     Ô, Không, thưa bác.  Điều đó không đúng.
-     Ha! –  Ông thình lình bật đứng dậy, ôm lấy tôi nhấc bổng lên trời. và nụ cười Barshinskey ấm áp tuyệt vời đã trở lại trên gương mặt ông làm cho ánh mắt ông rực lên những tia nóng bỏng, vui vẻ hạnh phúc. Ông bật ra tiếng cười vang và dùng trán vuốt ve gương mặt tôi. Đoạn ông chui vào hàng rào trở lại. lôi tôi đi theo. Chúng tôi bắt đầu sánh bước trong cánh rừng  của”chúng tôi”.
     Màn ảo thuật lôi cuốn cũ của ông bắt đầu hữu hiệu: sự gần gũi thân mật, sức mạnh của con tim, sự an toàn của tấm thân vĩ đại của ông. Ồ!  Những gì Galina đã nói, hay đôi khi ông say xỉn thì có vấn đề gì chứ? Đây mới là  hiện thực: người bạn đặc biệt của riêng tôi đang mỉm cười với tôi và yêu thích được gặp tôi.
-      Giờ  để ta chỉ cho nhỏ coi cái này.  
     Từ trong một thân cây nghiêng đổ, ông lấy ra một cái hộp nhỏ bằng gỗ có khoét trên nắp hộp một cái lỗ không lớn hơn cái đồng xu.  – “Coi đây…” -  Ông nâng nó lên rất nhẹ nhàng. Từ trong đó, tôi có  thể nhìn thấy thân hình  nhỏ nhắn tròn trịa  với cặp mắt sáng như cườm của một con chim bạc má màu xanh. Con chim đã làm một cái tổ bằng rong rêu vừa khít đáy hộp, và không tỏ ý sợ hãi rời bỏ ổ trứng, chỉ giương cặp mắt nhỏ bé sáng rực về phía chúng tôi. Ông Barshinskey lại đặt cái hộp xuống  thật nhẹ nhàng. Ông hứng chí nói:
-     Năm nào ta cũng làm chuyện này. Đóng một cái hộp nhỏ với cái lỗ tí hon, luôn luôn có những con chim bé xíu đến làm tổ. Có năm là một con hồng tước. Ở quê nhà ta cũng làm thế, kết quả cũng như nhau. Lúc nào, những con chim bé nhỏ cũng đến.
     Tôi không nói gì chỉ nắm chặt tay ông.
-     Bây giờ ta đi làm việc. Ngày mai ta lại chờ nhỏ ở đây trong khu rừng này nhé!
     Và mọi việc đã trở lại gần như cũ. Gần như, chứ không hoàn toàn, bởi có những câu hỏi không có lời giải đã hiện lên trong trí óc tôi. Tại sao ông dành nhiều thì giờ cho tôi mà thực tế ông không màng đến Ivan chút nào, hay tỏ ra  chút thương yêu nào với cô con gái Daisy May, dù chỉ một chút khả dĩ chấp nhận được? Làm sao ông có thể cung cấp chỗ trú ngụ cho một gia đình chim bạc má nhỏ bé nhưng lại để bà vợ ông chui rúc trong  căn nhà ‘ tổ cú’ bỏ hoang? Những câu hỏi rồi lại bị gạt qua một bên  vì tấm chân tình quá đam mê của tôi. Tuy nhiên đã có một sự nứt rạn trong sự tôn thờ đó, nó chỉ nhỏ như sợi tóc nhưng có lẽ không thể nào hàn gắn được.
     Công cuộc biến cải  gia đình Barshinskeys  của mẹ vẫn tiếp diễn, và cái chiến thắng lớn lao trong đời bà  đã đến vào một ngày Chúa Nhật khi Bà Barshinskey và Daisy May bước theo đoàn người gia đình Willoughbys tiến vào sảnh đường hội lễ.
     Daisy đã theo học các lớp  Thánh Kinh buổi chiều với tôi  Thực sự, tôi không thể nào hiểu được có ai muốn  đến học khi họ không cần thiết phải đến. Nhưng Daisy May thường đứng thơ thẩn ở trước cổng nhà cô với  sự biểu lộ mơ ước đó  mỗi khi tôi đi ngang qua  trong bộ áo dài vải mút sơ lin mỏng  và chiếc nón rơm đội trên đầu. Có một ngày Chúa Nhật, tôi nói với cô bé với một giọng không tin tưởng gì:
-     Coi nè Daisy! Bồ không thực sự muốn đến lớp học Thánh Kinh , phải không?
     Khuôn mặt  tròn  trĩnh của cô  trở nên đăm chiêu. Một biểu lộ cô luôn luôn có khi muốn làm một cái gì  vô cùng nhưng không biết làm sao để mở lời hỏi.
-     Tớ chẳng có bộ cánh nào ra hồn để mặc cho ngày Chúa Nhật cả. – Cô nói.
-     Có gì đâu. Không phải ai cũng có. Bồ cứ mặc bộ đồ vải thường ngày là được.
-     Nhưng tớ không có nón để đội.
-     Mẹ tớ sẽ kiếm cho bồ một cái.
     Cô bé đã không đi vào tuần lễ đó vì cái nón cần sửa sang lại chút ít. Nhưng tuần lễ sau đó cô bé đã có đủ thứ  bao gồm cả một đôi găng tay của chị Lillian trông còn khá tốt vì vết mạng vá phía sau khó nhìn thấy. Nhưng cũng chính đôi găng này mà Daisy May làm tôi bối rối.  Cô bé cứ đeo vào lại cởi ra, cẩn thận kéo chúng ra từ đầu ngón tay  rồi từ từ đưa lên cao. Đoạn cô gấp chúng lại để lên đùi, để yên nó chừng một lúc rồi lại lấy ra đeo vào tay.  Thật là một  sự phân tâm làm ông King  cứ đưa mắt chiếu cố về phía cô hoài.
     Khi đến bản Thánh Ca cuối cùng, tôi phản ứng:
-     Làm ơn để đôi bao tay yên đi, Daisy May. Cứ làm như bồ  chưa bao giờ có chúng trong đời í!
      Vừa dứt lời, tôi đã cảm thấy hối hận vô cùng. Sự trầm tĩnh của Daisy May bỗng nhiên tan biến. Cái sự điềm tĩnh đã mang cô trôi dạt đến sảnh đường này với  giấc mơ  vời vợi:  ăn mặc trang trọng với mũ trên đầu, găng đeo  tay và cầm theo cuốn Thánh Kinh bìa đen cũ  thật lớn. Cô đã lắng nghe, quan sát và làm theo mọi người, (cũng xin) cám ơn ông King, đã không mời cô đọc một đoạn sách Thánh, bởi việc đọc sách của cô thật dở. Nói chung, mọi việc không quá tệ, chỉ trừ chuyện đôi găng tay.
     Lúc này  nghị lực của cô  tan rã. Người cô  co cụm  vào đến như còn phân nửa , trông như một cô gái nhỏ tầm thường vô dụng trong bộ đồ cũ của tôi và cái nón , đôi bao tay  sờn rách của Lillian. Ngay khi bản Thánh Ca và bài cầu kinh vừa dứt, cô bay ra khỏi sảnh đường chạy nhanh về nhà.
-     Daisy! Chờ tớ với. Bộ bồ phiền giận sao?
     Ôi , cái đám nhà Barshinskeys này, sao họ dễ khích động và đáng chán đến thế! Vừa khó chịu, vừa kiêu hãnh, lại thất thường kỳ cục. Tuy nhiên tôi thấy mình cũng thật tệ. Vì thế tôi cố chạy thật nhanh và đuổi kịp cô:
-   Tớ xin lỗi, Daisy. Nhưng đâu có gì mà bồ phải  có phản ứng  mạnh thế. Có gì là quan trọng đâu. Chỉ là một buổi học hỏi Thánh Kinh nhàm chán thôi mà.
-    Bồ không hiểu được.
       thể tôi đã không hiểu, nhưng lại nghĩ mình hiểu. Hoá ra, đó là đôi bao tay đầu tiên Daisy May có, và cái gì đầu tiên mà không quan trọng?
-     Daisy! Bồ trông thật xinh với chúng. Tớ nghĩ là mình ghen tỵ với bồ vì bồ có đôi bàn tay đẹp.
     Tôi khá tự hào về điều ấy, tự hào về việc tôi  đã nói thế  và chẳng để ý đến nó bao nhiêu.  Daisy May thực sự có bàn tay dễ thương, không đẹp như của bà ngoại tôi nhưng không thô nhám như của tôi.
-     Không phải vì đôi bao tay. Bồ không hiểu đâu.
-     Tớ không hiểu cái gì , Daisy?-  Tôi hỏi một cách yếu ớt. Cô ngưng lại, , lắp bắp một chút để tìm lời:
-     Bồ không thể hiểu  cái tâm trạng  như thế nào khi mình chẳng thuộc về bất cứ gì. Luôn luôn đứng ở bên lề: bên lề  nhà trường, bên lề buổi học Thánh Kinh, bên lề cả ở bữa ăn, nói chung ở bên ngoài mọi thứ. Tớ chẳng hội nhập dính dáng vào đâu cả.
     Cô bé bắt đầu sụt sùi khóc.  Cô chỉ mới khóc một lần trước đây, khi Brenda Jefford muốn cướp tấm cạc của cô.  Việc cô khóc làm tôi bối rối kinh khủng. Mặc dù tôi thường hiểu tính của cô và cả Ivan khá nhiều. Lần này tôi chịu thua. Tôi chậm rãi nói:
-     Daisy! Cô có nhiều thứ. Không đâu, tớ không nói về buổi học hỏi Thánh Kinh hay những chuyện như vậy, Nhưng bồ có ông bố của bồ.
      Tôi nghĩ về việc ông ta có  tôi và tôi có ông, cô  có quyền gặp gỡ ông mọi nơi mọi lúc, không cần phải như tôi len lén trong khu rừng chờ ông đi vắt sữa trở về.
-     Bồ có ông bố của bồ bất cứ khi nào bồ muốn. Khi ông chơi vĩ cầm ,bồ tha hồ thưởng thức. Được ông kể cho nghe về đất nước Nga và quê hương của ông. Bồ là Daisy May Barshinskey, và bồ khác lạ với bất cứ ai trong làng.
-      Tớ mệt vì  khác lạ  ! – Cô bé gào lên. -  Bồ không hiểu sao? Tớ không muốn là người khác lạ.
-     Nhưng ông bố của bồ…
-     Bố tớ là ai chứ? Ông chẳng là cái quái gì cả.
     Cô lại bỏ chạy. Lần này tôi không cố đuổi theo nữa. Chẳng có gì để nói.  Tôi thích cô, nhưng cô bé không có phần trong cái thế giới bí mật tôi chia sẻ với bố cô. Nếu phải chọn giữa hai người, tôi đành phải chọn ông ta.
     Tôi suy nghĩ thật lâu về việc nên làm gì. Cuối cùng, đã xin bố tôi một mảnh giấy trong bàn viết của ông. Thời buổi ấy, giấy má còn đắt đỏ, chúng tôi không được phép xử dụng thường xuyên, chỉ trừ dịp viết cám ơn sau tiệc sinh nhật và các ngày lễ Giáng Sinh. Tôi đã phải giải thích với bố rằng tôi muốn viết  một lá thư cho Daisy May và vì có điều quan trọng nên  cần phải là một lá thư đàng hoàng. Và tôi đã phải viết bằng chữ in, bởi  việc học của cô tụt lại khá xa tôi e cô gặp  khó  khăn  trong việc đọc chữ viết thường.
      Daisy thương mến!
     Tớ viết thư này để nói rằng bồ có thuộc về một nơi bởi vì bồ là người bạn thân nhất của tớ. Và mẹ của bồ cũng nói với mẹ tớ là bà ấy thật chẳng biết làm gì nếu không có bồ .
   Bố tớ, người đã làm nghề chăm sóc bò sữa từ khi mười hai tuổi cũng nói rằng ông bố của bồ có một lối chăm sóc bò tốt nhất mà ông được biết. Bố tôi nói  ông ấy có thể là người quản đốc của bất cứ nông trại nào như ông đã từng làm ở trên đất nước Nga nếu ông muốn.
     Thân ái chào,
   Sophie Willoughby
   Tôi bỏ lá thư vào một phong bì gọn gàng, dán lại rồi đem qua bỏ vào hộp thư nhà ‘tổ cú’.
     Thật khó khăn để suy nghĩ làm sao  cho Daisy May lấy lại niềm tự tin. Ở trường, gần như môn học nào cô cũng dở. Cô cũng không đặc biệt xinh đẹp. Chẳng có gì  để người khác ghen tỵ hay thán phục. Gia đình cô là một cảnh bi đát ngoại trừ ông bố, và cô dường như lại không coi ông ra gì. Nhưng ít nhất, những điều tôi nói đều là sự thật, và phần hay nhất  là sự kiện ông ta là người thợ nuôi bò sữa giỏi nhất trên đời mà bố tôi đưọc gặp.
    Và thật kỳ lạ . Danh tiếng của ông  bắt đầu được loan truyền quanh mọi nông trại. Ông Hayward, người từng bị chỉ trích là đã thuê mướn một người vô trách nhiệm, bỗng có cớ để ‘lên mặt’. Bố tôi có kể ra nhiều điều, nhưng phần  lớn tôi nghe được khi đi làm việc ở nông trại đó..
     Tất cả các con bò đều yêu thích ông. Điều này rất quan trọng trong một nông trại sản xuất sữa, bằng không, lượng sữa sản xuất sẽ giảm. Ngay cả con Lady Audley tính khí bất thường, thường chỉ có mình bố tôi có thể lại gần nó cũng  khoái được ông Barshinskey vắt sữa cho nó.
     Ông  lại biết chính xác  cách thức nào dứt sữa cho một con bò khi nó gần đến ngày sinh đẻ. Đối với  bò, có một khoảng thời gian sáu tuần lễ rất khó khăn  cho chúng trước khi đẻ con. Người ta phải biết cách ngưng vắt sữa làm sao để chúng cạn sữa  đi để chúng đủ sức và con bê trong bụng mạnh khoẻ. Người ta  ngưng sữa từ từ, có nghĩa là  không làm cạn kiệt mỗi lần vắt, và thỉnh thoảng lại cần bỏ sót một buổi. Tuy nhiên, nếu chừa lại nhiều sữa quá, con bò có thể mắc bệnh viêm vú.  Và điều khó khăn là nhận ra được lằn  biên giới  nhỏ như sợi tóc giữa việc chừa sữa lại sao cho khỏi bị nhiễm bệnh và vắt cạn kiệt nó. Theo lời bố tôi, ông Barshinskey dường như có cảm giác nhạy bén biết chính xác phải làm sao và vào lúc nào. Đôi khi, vào giữa buổi sáng , ông quay trở lại với một con bò  và vắt kiệt sữa nó ra  vì ông linh cảm  có chuyện không hay sắp đến. Và khi có chuyện, giống như con Tansy hôm nào, ông đã có thuốc trị  hầu như ngay trước khi chỗ sưng vì nhiễm bệnh xuất hiện. Và lần nào thuốc trị bệnh cũng công hiệu. Kể từ khi có mặt ông ta ở nông trại, không một con bò nào mắc bệnh cả.
     Có điều lạ là người tài giỏi như ông  lại không là quản đốc công của một nông trại lớn nào. Nếu vậy thì Daisy May đã có cuộc sống tốt hơn trong một căn nhà đàng hoàng với tài sản trong tay.
     Lá thư có lẽ đã làm mọi việc ổn thoả, bởi lần sau hai đứa tôi gặp nhau , cô bé đã trở lại bình thường như những ngày cũ, và dù cô không nhắc nhở gì đến lá thư, tôi đoán nó đã được cất  chung với đôi bao tay và quyển sách hoả xa của Edwin cùng những thứ  giá trị khác  thuộc về riêng của cô.
    Dù sao, Daisy May cũng  đã trở thành một thành viên thường xuyên của  lớp học Thánh Kinh, và mẹ tôi,   hứng chí với dấu hiệu tốt về diễn tiến tôn giáo này, bà bắt đầu chăm chú  hướng bà Barshinskey vào việc  nên “đi đến một nơi nào đó trong ngày của Chúa”. Bà ấy lúc đầu nói bà không còn mặt mũi trở lại hội thánh Thân Hữu của bà vì bà quá xấu hổ. Hơn nữa, chẳng có một phòng hội nào của hội thánh này ở gần làng , nguyện đường gần nhất cũng ở tận Redhill, nơi mà bà không đủ sức đi tới cả về thời gian lẫn tiền vé xe di chuyển. Mẹ tôi lại tiếp tục thuyết giảng về hội đường  của chúng tôi, về việc cần làm gương mẫu cho đàn con. Cuối cùng bà Barshinskey cũng đồng ý rằng, nếu phải chọn giữa Giáo Hội (Anh Giáo) và hội thánh Anh Em,  bà sẽ theo mẹ đi đến hội đường.
     Khi cái ngày Chúa Nhật trọng đại ấy đến,  Mẹ cùng tôi đi qua  nhà để  dẫn dắt bà Barshinskey theo. Tôi nghĩ mẹ biết cái tâm lý yếu đuối của người hàng xóm, bà ta có thể  đào nhiệm vào phút chót nếu không có mẹ động viên. Và bởi mẹ đã đến, chị Lillian và anh Edwin cũng đi theo luôn. Bố thì luôn luôn đến nguyện đường sớm khi đến phiên ông giảng đạo để chuẩn bị  trong lời cầu nguyện thầm lặng.
     Chúng tôi gõ cửa và như thường lệ, không có ai trả lời. Và rồi từ đám cây bên hông nhà, Galina và ông bố bước ra. Tôi thấy mẹ tôi như sững người lại.
-     A! Cả nhà qua chơi. Quý vị qua thăm viếng?
-     Không! - Mẹ lạnh tanh nói . – Tôi đến để đưa  bà nhà và Daisy May đi nghe lời của Chúa. – Bà nhìn chăm chú vào Galina: -  Công việc của cô ở nhà xứ thế nào Galina?
     Galina cúi nhìn xuống đất vẻ khiêm tốn:
-      Dạ được. Cám ơn bà. -   Cô thỏ thẻ  với giọng một đứa trẻ.
     Bất cứ khi nào hai cha con cô đi chung, người ta đều thấy họ trực tiếp đụng chạm vào nhau.  Ông ta đưa tay ra choàng lấy vai đứa con gái, còn cô dựa vào bố với cái đầu ngả  vào ngực ông.
-     Galina yêu quý của tôi! Nó đã có cả buổi chiều hôm nay dành cho papa nó, nhưng nó phải trở lại  và đi đến nhà thờ bây giờ. -  Ông ta  hếch gương mặt lên  trong một  kiểu diễn tả  vừa bất thường vừa ra vẻ chế nhạo. – Nhà thờ!  Ái dà!  Ở cái đất nước này nó cũng lạnh lẽo và nặng nề như bất cứ gì khác. Không như ở đất Nga. Tuy nhiên… -  Ông ta quay qua nhìn mái tóc đen bóng bẩy của cô gái và cười  thật ngọt ngào  đến nỗi tim tôi nhói lên vì ghen tức. – Tuy nhiên, cái nhà thờ này,  đó là cái giá mà nó phải trả cho một cái giường ngủ êm ái và những bộ quần áo đẹp đẽ.
     Cái mũ của mẹ rung lên.
-     Ông Barshinskey, ông phải biết, chúng tôi không thuộc về Giáo Hội (Anh). Nếu Galina  có tâm hồn đi đúng  đường, Chúa  sẽ có cách nói với cô.  Không cần thiết ai cũng thờ phượng trong cùng một cách.
      Mẹ thật gan dạ khi nói như vậy, trong khi  bà thực sự nghĩ rằng phương cách thờ phượng của Anh Giáo không thích hợp tí nào:  chỉ là chuyện đứng lên, ngồi xuống, rồi đọc những bài trong một cuốn kinh sách  được con người viết ra chứ không từ Thiên Chúa. Sự thành công của bà trong việc đưa được Galina vào phục vụ trong nhà xứ quả thực có phần hoen ố bởi sự kiện cô gái đã  trao linh hồn cô vào tay Giáo Hội. Bà Lovelace rất cứng cỏi trong vấn đề này. Nếu một hành vi từ thiện được ban phát cho một cô gái lang thang gây lỗi lầm, linh hồn của cô gái ấy phải thuôc về Giáo Hội  Anh Giáo (của bà) chứ không phải thuộc Hội Thánh Anh Em.
-     Galina chỉ tôn thờ tôi. – Ông Barshinskey nói thật đơn giản. Còn Mẹ và Lillian giật sững người vì lời nói phạm thượng đó.
-    Nhưng  xin mời ! Tôi xin đưa mọi người vào nhà.  -  Nói rồi ông dùng chân đá vào cánh  cửa để mở ra và dẫn chúng tôi vào nhà.
     Daisy May đã sẵn sàng và  đang đứng đợi. Trên đầu là cái mũ của tôi, đôi bao tay của Lillian và cuốn Thánh Kinh trong tay. Cô bé  hơi có dáng điệu kẻ cả. Bởi hôm nay cô không phải người thật mới mẻ. Cô đã từng đến  nguyện đường  trước đó và đã biết ít nhiều. Chỉ bà mẹ của cô là người hoàn toàn mới .  
     Bà mẹ cô ra vẻ luống cuống  và bối rối,  bà đang cố cài thêm kim vào tóc mà nó cứ bung ra ở hai bên. Bà run run nói:
-    Đã gần xong. Chỉ còn đội nón lên nữa.  Nón của mẹ đâu rồi? Daisy, đi lấy nón cho mẹ được không? Như ở trong phòng ngủ thì phải?  Mời ngồi. Ivan , con đứng lên nhường ghế cho Lillian.
     Trong nhà bếp chỉ có ba cái ghế.  Ông Barshinskey ngồi một cái với Galina ở trên đùi ông,  Mẹ tôi ngồi một cái. Ivan , đang ngồi  ăn, cau có đứng lên nhường ghế cho  cô “tiểu thư” Lillian ngồi Khi anh chàng qua mặt Lillian, tôi thấy chị chu mỏ nhăn mũi. Lòng tôi đã xốn sang vì Galina và ông bố của cô, giờ càng thêm rối loạn hơn.  Ivan quả có hơi nặng mùi một chút.  Với sự khuyên nhủ của mẹ, bà Barshinskey và Daisy May đã tự xếp đặt một hệ thống tắm giặt cho họ, nhưng Ivan  đã hoang dại còn cứng đầu không nghe lời. Bà mẹ  lại quá  yếu đuối trong việc chỉ dạy con.  Quần áo anh ta lại không chịu giặt giũ thường, lỗi ở anh chứ không do bà mẹ và đứa em gái. Nhưng thật là một cử chỉ tàn nhẫn ác độc khi khịt mũi với anh ta.. Nếu tôi có thể chịu đựng được, tại sao Lillian lại không chứ? Chị đứng đó  trong bộ đồ toàn màu hồng thẳng nếp. Rồi chị đưa chiếc khăn tay có mùi  nước hoa lên che miệng và ho.
     Tôi vừa tức giận với chị vừa sợ hãi, bởi tôi biết tính nóng giận của Ivan ra sao. Anh  ta có thể cho Lillian một cái tát chẳng hạn hay một câu chửi rủa, hay ít nhất cũng bay ra khỏi nhà làm mọi người bối rối.
    Thật kinh ngạc khi  anh không hề làm những chuyện đó. Một nụ cười mỉm chậm rãi  tỏa ra trên gương mặt của anh, và anh  chăm chú nhìn Lillian. Đoạn anh giơ  một cánh tay áo tả tơi của anh lên che miệng và ho, giống hệt cử chỉ của Lillian. Màu hồng của chiếc áo chị mặc từ từ lan dần lên cổ.
-     Tớ chưa ăn xong bữa. – Anh nói một cách cục cằn thô lỗ, rồi đến  ngồi lên mặt bàn ngay trước mặt chị, miệng còn đang nhai mẩu bánh  mì với bơ. Vừa nhai anh vừa nhìn cô với đôi mắt đảo từ chiếc nón chị đội tới bộ cánh chị đang mặc , tất cả được bao phủ vóì những nụ hồng.  Anh ta nhai bánh mì mà miệng mở to cho thấy thức ăn ở trong. Rõ ràng  anh ta cố ý làm vậy. Bởi tôi biết tất cả mọi người trong nhà Barshinskey , kể cả Galina ,  có cử chỉ khá  thanh lịch trên bàn ăn. Đó là một trong một số  ít thứ mà bà mẹ của họ dường như đã truyền cho họ. Cuối cùng, Lillian cũng không thể chịu đựng nổi:
-     Tôi ra ngoài chờ.
     Chị nói lí nhí, rồi rảo bước nhanh ra khỏi căn bếp chật người,  qua phòng giặt đi tới cửa sau. Ivan quay qua ném cho tôi một nụ cười sáng rỡ, nhưng tôi quá phiền toái và chẳng sung sướng  với cả hai người để trả lời anh..
      Lần đầu tiên tôi thấy cái gia đình này  gây khó chịu cho chúng tôi như thế nào và cỡ bao nhiêu. Mẹ tôi, bà chỉ nổi giận ngoài mặt khi họ không làm đúng như những gì  bà bảo họ làm, nhưng với ông Barshinskey,   sự say sưa,  hành vi  lang thang vất vưởng,  bản tính thiếu trách nhiệm với gia đình, coi thường  cái cốt lõi xâu xa của nữ quyền , những điều này hẳn phải ở trong thâm tâm của mẹ. Tệ hại hơn nữa là bố tôi không  bao giờ lên án ông ta, chỉ có ngợi ca về điểm mạnh của ông ta trong  nghề chăn nuôi bò sữa. Tôi biết  là trong con người mẹ có một phần vui thích  để được nhìn thấy ông ta  bị roi đánh vào người rồi  bị cột vào đuôi một chiếc xe thổ mộ dong quanh  làng như cái hình thức những kẻ ngoại tình bị trừng phạt thời xa xưa.
     Và đối với tôi thì Galina cũng nên chịu chung hậu quả như thế .  Chỉ nhìn thấy cô thôi là tôi đã ghen tức. Lại còn thấy cô đi chung với ông bố thì sự đau khổ quá sức chịu đựng. Làm sao ông ấy luôn luôn  vờ tôi ra khi có cô ấy bên cạnh?
     Bây giờ tôi bắt đầu thấy rằng Ivan có tài gây ra  phiền lụy cho Lillian. Anh ta chẳng phải làm gì. Chỉ mỗi việc có mặt thôi và chị Lillian không thể nào vờ như không thấy. Còn Edwin? Tôi nghĩ  anh có cảm tình với Daisy May, tôi nghiệp cô và muốn tử tế với cô bé. Đối với Ivan, anh  chia sẻ một sự quen biết thất thường và không hứa hẹn. Họ không ghen tỵ nhau và cũng không tỏ ra  đặc biệt ưa thích nhau . Đó là một trong những mối liên hệ thoải mái mà tôi  để ý thấy đàn ông thường hay có. Khi nói chuyện với nhau, ít khi nào họ nói đến cá nhân, thường đại loại như  nhìn thấy một chú chồn chạy qua hay tìm được một ổ ong mật… Đúng vậy, không hề có những liên hệ căng thẳng giữa  hai người con trai.
      Tôi liếc nhìn qua  Edwin, anh đang đứng giữa mấy bậc cấp dẫn vào phòng. Trông anh vừa chán nản vừa không tự nhiên. Tôi đoán  sự bối rối này bắt nguồn từ các hành vi cư xử của Galina và ông bố.  Đối với một đứa con gái, cô ấy quá lớn để còn ngồi trong lòng bố, lại còn thủ thỉ thì thầm những bí mật gì vào tai ông  mà cả hai cùng cười cợt ra vẻ thích thú. Ông còn luôn tay  vuốt ve mái tóc của cô và dùng trán  cọ nhẹ vào má cô như ông đã từng có lần làm với tôi.
-     Tôi cũng ra ngoài chờ. – Edwin nói.
     Daisy May trở lại với cái nón của bà mẹ. Tôi bỗng thấy một làn sóng đầy cảm kích cho cô bé ngó  tầm thường mà can đảm và đáng yêu, chẳng bao giờ làm buồn lòng ai, ngoại trừ có lẽ con nhỏ Brenda Jefford.
-     Chúng ta đã sẵn sàng rồi mẹ! – Cô ngoan ngoãn nói và bà mẹ thoáng rung động để con gái đội nón cho bà. Hai mẹ con trông thật giống nhau, chỉ là Daisy có phần dũng cảm hơn.
     Trong khi đi đến sảnh nguyện đường, tôi nhận thấy rằng bệnh tật đã làm cho bà Barshinskey dường như mập ra. Có lẽ tôi không nên biết về những chuyện như thế và tôi cũng khá lờ mờ về chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi đủ khôn ngoan để nhận ra rằng nếu chẳng may mà người đàn bà đáng thương  này phải nuôi nấng chăm sóc cho một đứa con thơ trong căn nhà ‘tổ cú’ vào mùa đông lạnh, thì hầu hết mọi sự lo lắng và công việc sẽ đổ dồn vào tay cô bé Daisy.
     Nhưng tối nay là một trong những thắng lợi của cô bé. Cô dìu mẹ đi vào nguyện đường, và tự xum xoe như một chú công xoè cánh khi một hay hai cô gái trong cùng lớp học Thánh Kinh mỉm cười gật đầu với cô. Cô đã thuộc về một nơi chốn.
     Bố tôi ngỏ lời đặc biệt chào mừng “ hai người chị em mới” (vào gia đình hội thánh Anh Em). Mặc dù tôi nghĩ bà mẹ có vẻ mặc cảm, đối với Daisy May, rõ ràng cô thấy sung sướng cũng gần như lúc cô nhận được tấm cạc đầu đời. Không còn đùa giỡn với đôi bao tay nữa. Với cô bé, khi có cơ hội, cô học hỏi thật nhanh.
     Buổi gặp gỡ cầu nguyện đêm đó rất dài.  Nhiều người đi lên đọc lời cầu nguyện và chỉ mình ông King cũng đã năm lần làm cho tôi thấy thật là làm khổ cho chúng tôi, vì đây là buổi cầu nguyện thứ ba trong ngày, có lẽ làm khó cho cả Thiên Chúa nữa. Tôi nhìn đồng hồ: Đã tám giờ rưỡi, vẫn còn một số người chưa đến phiên . Tôi có cảm giác ganh tỵ với những người may mắn thuộc Giáo Hội Anh Giáo, Họ khởi sự hành lễ sớm hơn, nhưng không bao giờ lâu quá một tiếng đồng hồ.  Bàn chân tôi bắt đầu tê dại . Cái cổ áo hồ cứng  đã cọ xát làm một vài chỗ trên cổ tôi đau. Tôi đưa tay lên nới rộng nó ra. Mẹ trừng mắt nhìn. Rồi cuối cùng bố cũng đứng lên đọc lời chúc phúc cuối. Tuy nhiên chưa phải là đã xong.
     Sau buổi  cầu nguyện là việc gặp gỡ chuyện trò, cũng tẻ nhạt như buổi lể.  Tối nay, mẹ ở trong trạng thái rạng rỡ siêu việt. Bà Barshinshey tồi tàn và đáng được tha thứ kia chính là một món quà  giải thưởng của mẹ, được dẫn  đến giới thiệu từng nhóm.  Đâu đâu bà cũng được vỗ về, nói năng lịch sự và cho bà những gương mẫu đáng quý mà bà nên noi theo. Tôi nhìn bà và bỗng nhận ra rằng bà chẳng thực sự  để ý đến việc  được bảo trợ dẫn dắt hay cả sự hội nhập như Daisy May thường luôn khắc khoải. Bà là một người đàn bà hoàn toàn suy nhược nay tìm được một người đàn bà khác mạnh mẽ, không bao giờ cạn nguồn năng lực, một người đàn bà  mà từ đó bà có thể nương tựa. Tôi một phần thương xót bà, phần khác lại thấy xấu hổ và có chút khinh rẻ  với cái hoàn cảnh tồi tệ của bà. Chính bà cũng có lỗi để cho gia đình trở nên tệ hại như thế. Đáng lẽ bà phải chiến đấu chống chỏi lại cuộc sống của mình. Đáng lẽ  bà phải có cảm giác  khi phải mặc bộ trang phục bỏ đi của mẹ và để cho những người đàn bà tốt bụng khác dẫn dắt khuyên nhủ. Bà chỉ tỏ ra lúng túng.
-     Mẹ à! Chúng ta không về nhà bây giờ sao?
     Dường như mẹ tôi không nghe tôi nói. Bà đang có một “vòng hoa chiến thắng” đeo trên người, và không ai có quyền cướp nó.
-     Mẹ à! Bộ mẹ không nghĩ  là chúng ta nên về nhà sao? - Lần này bà nghe tôi nói.
-     Chúng ta sẽ về khi mẹ xong việc và thấy hài lòng ,Sophie. - Rồi bà cảm thấy rằng một đứa trẻ bực bội mà cứ bám lấy váy mẹ sẽ làm bà dễ nổi giận, bà nói thêm:
-     Mẹ không cấm con và Edwin về nếu hai đứa muốn. Bố mẹ sẽ về ngay khi xong công việc ở đây.
     Dĩ nhiên, Lillian ở lại với mẹ. Daisy May thì bị khó xử,  do dự trước việc ở lại với  người mẹ  mới được kính trọng hay đi về với Edwin. Cô hết nhìn chúng tôi lại nhìn qua bà mẹ, rồi quyết định ở lại với mẹ. Sau đó tôi mừng vì lựa chọn của cô.
     Edwin và tôi rời sảnh đường và bắt  đầu lang thang xuống hành lang Cobham đi về phía nhà thờ. Cái hành lang này  nghe nói có ma. Hai bên hành lang là các bức tường cao và dưới đất, mỗi bước chân  như có tiếng vang bọng được cho rằng đến từ cái đường hầm trú ẩn nằm phía dưới. Không ai có chứng cớ  nào chứng tỏ nó hiện hữu, nhưng  nghe âm thanh vọng lên như nó có thật.  Chuyện kể rằng mấy trăm năm trước có tay bá tước   Cobham nào đó ác độc đến nỗi  hắn  lo sợ rằng  một trong những nạn nhân của hắn  có ngày sẽ đến tìm hắn trả thù. Vì thế hắn cho xây một  hành lang bí mật từ lâu đài của hắn dẫn tới nhà thờ, hy vọng rằng hắn có thể đến đó để xin tha thứ tội lỗi trước khi bị giết. Nhưng một trong những kẻ thù ghét hắn  khám phá ra cái đường hầm này và bít nó lại, ngay  ở dưới gốc cây thủ tùng, nơi Daisy May và tôi đã giấu áo khoác và giày trong buổi đi học đầu của cô bé. Nắm xương tàn của hắn nghe nói vẫn còn nằm trong đó.
-     Nhìn những con dơi kìa! Edwin nói.
     Tôi không muốn nhìn đám dơi. Tôi chỉ muốn lướt thật nhanh qua đoạn hành lang này trước khi trời  thật tối. Tiếng vang từ những bước chân của hai đứa nghe rõ mồn một.
-     Để anh kể em nghe một câu chuyện mà em chưa biết. – Edwin nói bằng một giọng nói luôn luôn báo trước một mẩu tin tức không vui gì. -  Anh cá là em chưa biết tối nay chính là kỷ niệm cái đêm tên bá tước hung ác Cobham bị săn đuổi trong đường hầm.
-     Em không tin anh…
-     Thật  mà! Tụi anh học những điều về lịch sử  ở các lớp trên mà bọn nhỏ các em chưa biết. – Anh nói với một cử chỉ rất  trang trọng đến nỗi tôi biết chuyện đó phải có thật.
-    Đêm nay là đêm hắn bị ba chàng hiệp sĩ đến từ lâu đài Fosborough đánh đuổi  theo đoạn hành lang này. Và khi hắn nghĩ là đã gần tới được nơi trú ẩn  thì bị chặn lại bởi một bức tường đá, tuyệt đối không thể vượt qua.. Ba chàng hiệp sĩ  đuổi  bắt kịp và hắn đã bị  họ thắt cổ đến chết. Thắt cổ…, thắt cổ…,thắt cổ… - Anh lấy tay vỗ vào mặt tôi và cứ lập đi lập lại chữ thắt cổ.
-     Đừng nói nữa, Edwin. – Tôi la.
-     Rồi em biết họ làm gì tiếp không?
-     Em không muốn biết. – Tôi bịt tai lại và bắt đầu chạy qua hành lang.
-     Họ chặt chân hắn rồi bỏ hắn lại đó. Và rồi họ đi ra bít luôn đường hầm ở phía đầu bên kia. Thắt cổ…, thắt cổ…,gào thét…,thắt cổ…
     Vào lúc đó tôi đã chạy tới cuối hành lang và khi gần tới gốc cây thủy tùng, có vật gì đang lay động, một vật có hình dáng thấp, tựa như một người đã bị  chặt cụt chân. Tôi quay đầu chạy ngược về phía Edwin.
-     Đằng sau gốc cây đó! – Tôi thì thầm. -  Có cái gì khủng khiếp lắm. Như  có một người di chuyển  bằng cặp đùi, ngay gốc cây thuỷ tùng.
-     Đừng có ngu ngốc thế, Soph! -  Edwin trả lời. Nhưng thình lình giọng nói của anh không còn vững chãi như trước. Khi tôi đến sát gần, anh không đẩy tôi ra.
-     Đó là cái…quái gì thế? – Anh hỏi.
-    Nó thật  khổng lồ, thở phì phò thật ghê rợn. Và em chắc là thấy có máu chảy nữa.
     Edwin không đáp lại. Anh bắt đầu quả quyết bước đi dọc theo hành lang.
-     Mày lại tự doạ nạt mình với những trò ma quỷ hiện hình ngu ngốc, Sophie. – Anh nói to.-  Mày không tin những chuyện vô nghĩa thằng anh mày kể cho mày nghe.
     Chúng tôi bước  tới cuối hành lang và anh ngừng lại trong giây lát. Đoạn anh nhảy vào phía sau bụi cây dùng tay đập vào nó lia lịa:
-     Đi ra . Ra ngoài ngay. Dù mi là ai.
     Đối lại là một sự im lặng tuyệt đối, và trở nên bạo dạn hơn, anh  bắt đầu lùng kiếm quanh những cành cây.
-     Có gì đâu. – Anh chọc ghẹo.- Chỉ là một con thỏ hay chồn gì đó thôi.
-    Không , không phải vậy.
     Ngay khi Edwin quay đầu bước đi, có một thứ di động  ngay phía bên kia sân nhà thờ, nơi cánh cổng dẫn ra tới con đường và trạm xe lửa.
-    Đằng kia kìa. – Tôi thì thào, và Edwin nắm tay tôi, chúng tôi rón rén đi vòng qua  khu nhà thờ to lớn, ẩn mình dưới những cột trụ, phóng qua những mộ bia và những thân cây. Edwin  đã tới cánh cổng trưóc tôi, và khi tôi tới nơi, anh đẩy ngược tôi trở lại.
-     Mọi việc ổn rồi, Sophie! Không có gì phải lo lắng. Mình về nhà thôi.
     Anh  có vẻ rất bình tâm, và giọng của anh cũng thay đổi, thành giọng nói người lớn, cố ý ngăn  tôi biết cái anh vừa thấy.
-     Đó là cái gì?
-     Không có. -  Anh bình tĩnh nói. – Không có gì hết. Đi về.
      Anh xoay người  dùng thân mình xô tôi ngược trở lại. Tôi biết là cái mà anh nhìn thấy chẳng phải ma  mãnh hay quái  quỷ gì cả, nhưng cái mà anh nhìn thấy rõ ràng gây cho anh cảm giác khó chịu.
-     Em muốn coi đó là cái gì vậy?
-     Nghe lời tao, Sophie! – Anh cướp lời.-  Sao lúc nào mày cũng hỏi nhiều thứ quá?  Để mọi chuyện yên, hiểu chưa?  Để yên mọi chuyện. -  Anh cất cao tiếng và giọng nói  có vẻ vỡ vụn đi chút ít. Thường thường khi xảy ra như vậy tôi thấy tội nghiệp anh. Thật chẳng vui thích gì khi nghe một giọng nói, dù trầm hay bổng , nhưng  mình không biết phải làm gì với nó, nhưng trong lúc này tôi đang rối loạn và  thấy thiệt thòi.  Đã có mẹ và Lillian hay lên giọng lấn áp tôi, giờ lại thêm Edwin cũng bắt đầu .
-    Em  muốn làm gì mặc kệ em. – Tôi nói một cách bất chấp và rồi vặn người chui qua cánh tay anh chạy bổ ra ngoài đường.
     Vừa  kịp lúc thoáng thấy bóng họ trước khi họ chạy biến mất ở góc cuối đường. Hai người đàn bà, một trong hai  tôi chắc chắn đó là Galina qua  bụm tóc rất to cột sau gáy cô.
-     Chỉ là Galina đi với một người đàn bà khác. – Tôi nói  với Edwin.-  Em không biết tại sao anh phải làm ra vẻ bí mật quan trọng  về chuyện đó…
     Edwin không trả lời.. Tôi hỏi tiếp:
-     Người đàn bà kia là ai? Người ấy không đội nón trên đầu, anh có thấy điều ấy không?
-     Sophie!  Sao không câm  cái miệng lại giùm tao.
-     Sao họ thấy mình lại bỏ chạy?  Anh nghĩ họ đã làm gì để phải bỏ chạy khi chúng ta tới?
-     Câm họng!
-     Ai mà lại không đội nón nhỉ? Người đàn bà ấy mặc một chiếc áo dài đen và…
     Một hình ảnh  chợt thoáng qua trong trí tôi: Galina với búi tóc đồ sộ trên thân hình mảnh mai của cô. Bên cạnh là một  hình dáng khác trong bộ aó dài đen  thuôn đuột và không đội nón. Thốt nhiên, hình ảnh  đó tự giải mã  ra thành một thực tế chấn động.
-     Sao lại… - Tôi thở mạnh.-  Hoá ra chẳng có người đàn bà nào khác.  Đó là ông Hope-Browne  trong bộ áo thầy tu.
     Edwin đứng quay lại đối diện tôi, sự  giận dữ hay bức xúc của anh  đã hoàn toàn bốc hơi.
-     Nhìn đây, Sophie! Anh nghĩ  tốt hơn em không nói chuyện này với bất cứ ai. Tốt nhất là chúng ta giả vờ như không thấy gì.
     Tôi im lặng.  Ý tưởng tội lỗi về cái tôi  thấy vừa rồi vẫn in sâu vào lương tâm của tôi.
-      Em có cảm tình với Daisy May và  cả với ông bố cô ta phải không?. Vậy thì, anh nghĩ tốt hơn đừng nói chuyện này với bất cứ ai.
-     Em cho rằng  họ chỉ là đang đi với nhau  từ nhà thờ về nhà xứ. – Tôi chậm rãi nói.
     Edwin không đáp lại. Có lẽ anh không cần  trả lời. Nhà thờ đã tan từ lâu, có đến hơn một tiếng  rưỡi đồng hồ trước đó. Cho dù  mới tan, thì  cũng không thể chấp nhận việc  ông Hope-Browne sánh bước chung với một người giúp việc gái trong nhà xứ. Và tại sao họ lại bỏ chạy? Vậy chắc chắn là có một hành động xấu xa nào đó đằng sau gốc cây. Thật kỳ cục, kỳ cục và khó chịu.
     Edwin xoay mặt tôi đối diện anh. Trong bóng tối nhạt nhoà, anh trông già hẳn đi.
-     Em còn quá nhỏ để hiểu chuyện, Sophie! – Anh nhẹ nhàng nói.-  Em không biết chuyện nó thực hư như thế nào. Anh thực ra cũng thế.  Nhưng anh biết là  tốt hơn, có lẽ chúng ta đừng  kể cho bất cứ ai nghe.
-   Được rồi.
     Kể ra anh đã sai. Tôi không còn quá nhỏ để hiểu biết. Tuy tôi không hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra, như không hiểu rõ làm sao bà Barshinskey  bỗng nhiên có thể sinh ra một em bé. Nhưng tôi biết cái cảm giác vụng trộm trong người hai kẻ chạy trốn. Tôi biết về  tội lỗi, về sự kích thích và về sợ hãi bị bắt gặp. Cho dù là cái gì cũng thật đáng sợ, đáng sợ hơn cả bóng ma của bạo chúa Cobham với cổ bị thắt và chân bị chặt cụt.
     Chúng tôi trở về nhà, cả hai anh em lòng nặng như chì, như bị áp bức bởi một điều gì đó được  đã đi vào đời sống, rất khó chịu và chưa thể nhận ra. Một điều gì mà  tôi như chưa sẵn sàng đối phó. Còn Edwin?  Tôi nghĩ anh còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn tôi. Bởi từ sau ngày đó anh em tôi  bắt đầu xa cách nhau. Chẳng phải  có gì dữ dội hay chán chường, chỉ là vấn đề anh đã bước qua khỏi lằn ranh giới giữa thời ấu thơ và tuổi trưởng thành. Anh vẫn luôn luôn tử tế với tôi, nhưng kể từ ngày ấy giữa anh em tôi luôn luôn có một hố sâu ngăn cách.

                                      (Xem tiếp chương 5)


    

No comments: