Trôi theo mùa hè_6

                          
                            
                           
                                                       Chương 6                                   

                                 Tai nạn  nghề nghiệp


M
ột  ngày thứ Bảy tháng Tám, khi  đang làm việc tại nông trại Hayward, tôi nghe tiếng  gào thét khủng khiếp của bố vang lại từ phía chuồng bò. Bà Hayward và tôi nhìn nhau, đoạn tôi buông thùng nước xuống , cắm cổ chạy  thật nhanh tới. Xưa nay bố chưa bao giờ gào thét cả.
     Cái chuồng bò  ở ngay phía bên kia sân .  Muốn nhìn thấy bên trong nó, phải trèo lên đứng trên những cái thùng lớn dựng sát tường. Tôi  đã leo lên trên đó trước cả khi nghĩ cách làm sao leo lên được và trèo qua tường trước khi bà Hayward có thể kéo tôi xuống.
     Bố tôi nằm ở trong cái máng đựng nước hoàn toàn bất động. Con bò đực với cái lưng gù tổ bố đứng trên người ông. Nó cào cấu mặt đất một hồi rồi đạp nát cái gàu nước mà bố chắc đã đánh rơi.
-     Bố ơi! Bố…!
     Tôi phóng đại xuống  và nhảy ngay tới cửa chuồng, nhưng bố, giống  như  những người thợ nuôi bò lão luyện, đã cài then cửa bên trong để không cho  con bò lẻn thoát  ra ngoài trước khi buộc nó vào cột.
-     Bố cháu đang ở trong đó! – Tôi gào lên với ông Hayward. Sân chuồng lúc này đầy người:  ông Hayward, Peter, ông Barshinskey, cậu con trai phụ vắt sữa. Mọi người  mặt không  đỏ bừng cũng trắng bệch.
-     Mang bố tôi ra ! Hãy mang bố ra!
-     Tránh lối ra Sophie. -  Bà Hayward  nói thật sắc bén  và cố kéo tôi  ra xa cánh cửa.-  Để đó cho đám đàn ông. Họ sẽ đưa ông ra.
-      Phải phá  cửa. Peter, đi lấy cái rìu. Mau đổ thêm đồ ăn cho nó , đồng thời  cố chuyển hướng nó ra chỗ khác.
     Dường như cả  một mùa hè đằng đẵng  đã đi qua trước khi Peter trở lại với cái rìu. Tôi nghĩ mình sẽ khóc nhưng tôi  đã không khóc. Nếu bố còn tỉnh táo, bố sẽ nghe thấy và ông sẽ buồn lòng nghe thấy tôi khóc. Tôi không muốn ông buồn về bất cứ chuyện gì. Tôi hứa sẽ không làm ông buồn nếu  Chúa và ông Hayward tìm được cách mang bố ra khỏi trong đó.
     Ông Barshinskey giật lấy cái rìu từ tay Peter chặt mạnh  một cú vào chỗ cài then cửa. Đoạn ông và Peter xông vào. Peter cầm cái thuổng và ông Barshinskey với cái rìu trên tay.
-     Đừng làm hại con bò. – Ông Hayward la lên. - Đừng làm hại nó  quá mức cần thiết. Bỏ cái rìu qua một bên .
     Tôi có lẽ đã đập cái búa đó lên đầu con bò, đó là điều có lẽ tôi đã làm: giết con bò, giết luôn cả ông Hayward.
    Con bò rống lên. Ông Barshinskey  bắt đầu nói với con bò bằng  thứ ngôn ngữ riêng của ông, không phải những lời êm dịu thường ngày, mà như những tiếng chửi thề. Tôi nghe cả ông và Peter cùng la lên, rồi ông Hayward bước vào với trên tay thêm một cái thuổng và sợi dây trên tay, đoạn có nhiều tiếng đổ vỡ và tiếng cái gàu bị đập phá  lần nữa. Tôi có lẽ đã nhảy vào, vâng, đúng thế, nhưng bà Hayward đã một tay nắm lấy bím tóc tôi, tay kia khoá chặt hai cổ tay tôi lại. Từ phía sau, láng thoáng tôi nghe bà ấy nói:
-     Này, ngưng lại đi, Sophie! Ngưng lại!
     Rồi tôi nghe tiếng ông Hayward nói :” Bắt được nó rồi” và con bò cuối cùng rống lên  khi họ xỏ được sợi dây qua  mũi nó và cột nó lại.
     Tôi nghe thấy tiếng bố rên rỉ, và mặc dù thật kinh hoàng nhưng cũng thật tuyệt, bởi ông đã không chết. Vì vậy giờ tôi có thể khóc.
     Ông Barshinskey bước ra ẵm bố trên tay. Chân bố lòng thòng lủng
lẳng, gương mặt đầy máu. Ông bất động trở lại.
-     Mình phải làm gì bây giờ?
-     Tốt hơn hãy tháo cánh cửa xuống cho ông ta nằm lên trên rồi khiêng về nhà. Peter, con đi lên phố mời bác sĩ  xuống ngay nhà  Willoughbys càng sớm càng tốt. Sophie, chạy về nhà báo cho mẹ cháu biết.
-     Không! Cháu không thể  rời bỏ bố cháu được.
     Ông Hayward có vẻ giận dữ. Nhưng với cái lắc đầu cảnh báo   của bà vợ, ông quay đi.
-     Để tôi đi. – Bà Hayward nói. -  Tiện tay giúp bà ấy  chuẩn bị sẵn sàng cho bác sĩ.
     Họ  tháo xong cánh cửa. Bố đưọc khiêng đặt nằm trên đó. Ông Hayward và ông Barshinskey mỗi người một đầu bắt đầu khiêng đi qua sân. Tôi chạy lúp xúp theo, cứ vài giây lại nắm tay bố, nhưng ộng không cử động. Cánh cửa đã nặng lại thêm thân hình bố to lớn, cuối cùng, cậu con trai phải phụ một tay với ông Hayward, khiêng đi một cách cực nhọc. Mọi người đổ mồ hôi nhễ nhại, cho dù không phải khiêng nặng, bởi đó là một ngày nóng như thiêu,và ngột ngạt khó thở. Có lẽ đó là lý do làm cho con bò nổi điên.
      Khi về tới nhà, ông Barshinskey lại bế bố tôi lên và đưa ông lên lầu. Vào lúc này chân tay của bố thả rơi đong đưa lòng thòng . Nhìn cảnh tượng ấy  tôi thấy chóng mặt. Lên tới phòng, ông đặt bố lên giường.
-     Tốt nhất đừng đụng tới ông cho đến  khi bác sĩ đến. – Bà Hayward nói. Bây giờ  bà mới đưa ra lời khuyên này đã quá trễ. Bố đã bị kéo đẩy khắp nơi.
     Đám đàn ông đi xuống dưới nhà. Ba người đàn bà chúng tôi còn túc trực quanh giường. Mặt mẹ tôi trắng bệch ra như tờ giấy trắng. Bà sắc cạnh nhìn tôi, dường như đó là lỗi tại tôi, nhưng  rồi tôi nhận  ra rằng  bà nhìn mà  không thấy tôi. Mãi khi bà thực sự nhìn ra tôi, bà bảo tôi đi xuống dưới nhà.
-     Không!
-    Nó nhìn thấy ông nhà trước. – Bà Hayward nhẹ nhàng nói.-  Chúng tôi đang  cùng làm việc  ở khu chế sữa thì nghe tiếng ông ấy la lên. Sophie nó  chạy leo lên tường trước khi tôi kịp cản nó. Và nó thấy ông nhà ở trong chuồng.
     Mẹ tôi trở lại trạng thái thường ngày, bà nở một nụ cười nhẹ.  Tôi cảm thấy bà muốn tỏ ra tử tế  nhưng không có thời giờ cho tôi.
-    Thôi được, con có thể ở lại đến khi bác sĩ tới.
     Tôi đứng cạnh giường nắm tay bố. Những viễn ảnh rùng rợn mở ra trước mắt tôi và cái lớn lao nhất là sự cô đơn. Mẹ và Lillian hai người có nhau. Edwin có đời sống riêng của anh, và ngay cả anh, vì là đứa con trai duy nhất, vẫn có chỗ trong gia đình và chỗ trong tim mẹ. Còn tôi thì không. Nếu có gì không hay xảy đến cho bố, tôi là kẻ hoàn toàn cô độc.
-     Có lẽ tôi nên  đi pha vài ly trà  chứ thưa bà Willoughby?
-     Dạ! bà thật tử tế.-  Mẹ lịch sự trả lời và bà Hayward đi xuống bếp. Ngay cả lúc này, ngồi yên lặng cạnh nhau bên người đàn ông là chủ chốt, là cột trụ, cả về vật chất và tinh thần của đời sống gia đình chúng tôi, hai mẹ con tôi vẫn xa cách. Tôi vẫn không thuộc về mẹ. Bà  có cảm giác tôi không phải là con. Tôi bắt đầu run sợ nhưng bà không để ý tới. Đó không là một cú sốc, mà đó là một  nhận thức  thấy mình không được yêu thương bởì một người đáng lý phải yêu thương mình. Mẹ không ghét bỏ tôi. Bà vẫn làm tròn trách nhiệm gia đình đối với tôi, nhưng bà không dành tình yêu cho tôi.
     Họ đã báo cho Lillian tin để quay về từ nhà cô Clark và tôi nghe tiếng chân chị vội vã lên lầu. Khi chị đặt chân vào phòng, gương mặt mẹ sụm xuống và bà bắt đầu khóc. Lillian cũng thế. Hai người khóc nhẹ nhàng,  chỉ vài giọt nước mắt rơi trên má, và rồi Lillian vòng tay ôm mẹ nói:
-     Để con đi lấy cho mẹ một tách trà. Bà Hayward mới pha xong.
     Mẹ  cười một cách yếu ớt và nói:
-     Ô! Lillian! Chúng ta phải làm gì bây giờ…? - Rồi bỗng nhiên bà  cứng cáp trở lại. -  Chúng ta phải chuẩn bị nước nôi sẵn sàng cho bác sĩ, và một ít vải cũ.
-     Bà Hayward đã  lo sẵn sàng nước nóng rồi mẹ à!
-     Mình có thể lau rửa mặt mũi cho ông ấy một chút chắc không sao. Chắc không làm ông  tổn thương hơn  trước khi bác sĩ đến đâu.
     Bà trở lại con người của bà, xông xáo,  chủ đạo mọi thứ. Bà lau chùi mặt cho bố, làm cho tôi một ly trà nóng có đường rồi sai chị Lillian qua nhà bà King mượn thêm một bình nước nóng để đắp quanh người bố giữ nhiệt cho ông. Dù hôm ấy là một ngày nóng chảy mỡ, thân thể bố lại lạnh như nước đá.
     Khi bác sĩ tới, ngoại trừ mẹ, chúng tôi được mời đi xuống dưới nhà. Họ ở trên đó thật lâu.
     Ông Barshinskey và Peter đã trở về nông trại, bỏ lại vợ chồng ông Hayward. Lillian và tôi ngồi nhìn nhau trong một bầu không khí căng thẳng và bối rối.  Bỗng Lillian nhớ tới vai trò con gái chủ nhà:
-      Xin mời ông bà và trong phòng khách.
-     Không đâu, xin cám ơn cô. Chúng tôi không đủ tươm tất để vào phòng khách. Ông nhà tôi còn đang mặc đồ làm việc ngoài nông trại và tôi không nghĩ rằng mẹ cô sẽ cám ơn khi chúng tôi ngồi lên bộ sa lông  với  áo quần đầy bụi đất.
     Lillian chợt đỏ mặt.
-     Chúng tôi ở lại chờ coi bác sĩ phán đoán thế nào rồi chúng tôi về. Tôi vẫn còn nhiều công việc  trong trại.
             Edwin bước vào, có cậu   con trai   làm ở trạm xe lửa của  ông
Watkins đi kèm.
-     Bố ra sao?
-     Bác sĩ còn ở trên đó.
-     Em không sao chứ, Sophie?
-     Dạ, không sao.
     Im lặng một lúc khá lâu. Đoạn ông Hayward nói với Edwin:
-     Cháu nhớ cho mẹ cháu biết là  bác bảo bà đừng lo lắng gì về  chi phí  bác sĩ. Bác sẽ lo việc đó.
-     Dạ ông thật tử tế.
     Đó là một điều tốt và tôi gần như tha thứ cho ông về việc ông bảo đừng làm hại con bò. Cuối cùng, họ cũng đi xuống khỏi lầu và vào phòng khách. Tôi nghe tiếng ông bác sĩ  nói ầm ầm từ xa, rồi cửa trước mở ra và đóng lại. Ông  bác sĩ đã về. Mẹ tôi bước qua nhà bếp. Mắt bà trông xanh và sáng:
-     Bố con bị động não, một mắt cá chân bị bể và mấy cái xương sườn bị gãy. Ngày mai. Bác sĩ sẽ trở lại coi cái đầu của ông thế nào.
     Thật là nghiêm trọng. Khi bác sĩ phải đến thăm vào ngày Chúa Nhật,  chúng tôi biết là thương tích thực sự nghiêm trọng.
-      Bây giờ, chúng ta phải giữ yên tĩnh cho ông.
     Mọi người đứng yên một lúc.  Đoạn ông Hayward lên tiếng bằng một giọng  ôn hoà nhỏ nhẹ:
-     Vậy lúc này chúng tôi có thể làm được gì không thưa bà Willoughby?
-     Xin cám ơn lòng tử tế của ông, chúng tôi có thể tự lo được .
    Người ta có thể giúp đỡ chúng tôi. Nhưng người ta đây  với nghĩa ở trong cùng một tầng lớp của chúng tôi.   Nhà Haywards  hiện là  người chủ,  và người làm công   (như chúng tôi) không nên đòi hỏi quá đáng với họ, e rằng họ sẽ mất kiên nhẫn. Chúng ta cảm thấy   dễ dàng hơn khi tìm sự giúp đỡ từ những người  ngang tầm  chúng ta.
-    Như vầy, chúng ta cùng nhau lo liệu. – Ông Hayward nói.-  Ngày mai sẽ bàn chuyện ấy. Tôi cũng vừa mới bảo cậu trai nhà này rằng tôi sẽ giúp một tay về khoản chi phí bác sĩ.
-    Dạ ông thật tốt bụng, thưa ông Hayward. - Mẹ nói  không lấy gì hào hứng và rồi họ ra về.
    Đó là ngày thứ Bảy, nhưng chúng tôi đã không  tắm gội vệ sinh  toàn diện như thường lệ, chỉ rửa ráy qua loa ở cái bồn rửa mặt, cũng không chùi rửa sân và nhà tắm. Mọi sự êm ắng và khác lạ làm chúng tôi nhận ra tình trạng thương tật của bố nặng nề ra sao. Vào buổi tối, tôi lấy đoạn  sách Thánh ra,  rồi nhận ra rằng  bố không có mặt ở đó nghe tôi đọc, và đó là lúc đau khổ phiền muộn  quất vào người tôi. Lần này không còn là sự ích kỷ. Tôi nghĩ về đủ mọi thứ đáng lẽ tôi nên làm cho bố, và mọi thứ bố đã làm cho chúng tôi. Những việc như  phải thức giấc  mỗi ngày vào bốn giờ sáng , đốt lò lên  để cho phòng ấm áp trước khi chúng tôi đi xuống. Hoặc bố  chẳng bao giờ lấy thức ăn hai lần trong một bữa để đám con  luôn luôn có đầy đủ. Ông không bao giờ la mắng hay đánh đập chúng tôi., chỉ có mặt ở đó, im lặng, hoà nhã, tử tế. Ông không kể chuyện cho chúng tôi nghe, trừ những chuyện trong Thánh Kinh. Ông không biết chơi đàn vĩ cầm hoặc thu hút đám đông như  anh chàng Pied Piper; nhưng ông là bố tôi và lúc này ông đang đau nặng và tôi biết, tôi không thể có bố dưới một con người khác. Một cảm giác phản bội lại bố tràn ngập vào trí óc tôi trong một  thoáng giây, làm quên đi  nỗi lo lắng không biết ông có bề nào hay không.
     Căn phòng thật thinh lặng, chỉ nghe tiếng tich tắc của  đồng hồ và thỉnh thoảng tiếng cót  két trên lầu vọng xuống. Mẹ đang ở bên cạnh bố. Lillian  ở bên mẹ. Edwin đi đóng cửa chuồng gà, một việc mà bố thường làm., chứng tỏ cả Edwin cũng đang có những suy nghĩ lo âu riêng của anh.
     Tất cả những ý tưởng này  vụt qua trong trí. Tôi thấy Edwin đứng bên chuồng gà, bèn tự hỏi không biết bố có bao giờ ra đóng cửa nó nữa không. Tôi thấy mẹ và chi Lillian ở trên lầu và gương mặt của bố trên gối. Bỗng nhiên, một  cơn gào thét vang lên  trong đầu tôi và tôi biết tôi phải chạy ra ngoài  nếu tôi không gào thét được. Chúng tôi  đã giữ được sự  bình tĩnh ,  không la khóc ầm ỹ và cũng không nói  cho nhau nghe  về những điều mình sợ hãi.
     Tiếng la hét trong đầu  mà phải cố giữ yên đã  dẫn tôi ra khỏi nhà bếp, băng qua sân. Tôi bắt đầu chạy và chạy mãi,  cuối cùng thấy mình ở trên cánh đồng nhà Tylers. Nơi đây tôi có thể lăn ra nằm trong một góc rào mà khóc, chắc rằng  sẽ không ai  nhìn  hoặc nghe thấy tôi.
-    Đến đây nào, “cưng nhỏ”, Chuyện gì vậy?
     Ông  Barshinskey ngồi xuống đất bên cạnh tôi và kéo tôi vào lòng, cánh tay ôm vòng lấy tôi và  chòm râu  xõa trên đầu tôi. Ông ôm tôi thật chặt  và bắt đầu đong đưa lui tới một cách nhẹ nhàng. Tôi không còn muốn ông trở thành bố tôi nữa, nhưng tôi bám lấy ông  vì ông đang mang lại cho tôi sự ấm áp và niềm thông cảm giữa con người với nhau.  Tiếp xúc với con người ông cũng là để  xua đuổi đi  cái cảnh tượng ghê gớm của tử thần.
-     Nhỏ không được khóc, nhỏ cưng ạ! Bố của nhỏ  đang  đau nặng, đúng vậy, nhưng ông thật to lớn, mạnh mẽ và ta không nghĩ là Thượng Đế  bắt ông lần này phải chết.
     Tôi không thể trả lời, và thật khôn khéo, ông không nói gì thêm nữa, chỉ tiếp tục ôm  và đong đưa tôi qua lại, đồng thời trong cổ họng ông  phát ra tiếng ru à ơi dịu dàng . Sự níu kéo  gian díu về phía ông Barshinskey bắt đầu khuấy lại trong tôi, nhưng lúc này  nó bị  lấn lướt  bởi hình ảnh thân thể  bèo nhèo bất động của bố trong chuồng bò.
-       Cháu yêu bố cháu hơn bác. –  Tôi vừa khóc vừa thố lộ.  Và trong
thoáng giây, ông ngừng ru tôi.
-    Đương nhiên là thế “cưng” ạ!
-     Cháu tưởng không yêu bố nhiều,nhưng thật ra nhiều lắm.
-     Đúng!
     Ông buông một tiếng thở dài nhè nhẹ, đặt tôi xuống cỏ bên cạnh ông và  choàng tay qua vai tôi.
-     Sophie! – Ông buồn rầu nói. -  Khi cháu lớn lên cháu sẽ hiểu rằng người ta có thể yêu nhiều người  bằng nhiều cách. Cháu không cần phải nói: “ Cháu yêu người này, bởi thế cháu không yêu những người khác”.
-     Nhưng bởi cháu đã muốn bác trở thành bố cháu. – Tôi nức nở. – Cho nên giờ Chúa trừng phạt cháu.
-     Úi chà! – Ông phản bác. -  Ai dám nghĩ rằng Chúa sẽ lắng nghe một đứa  trẻ nít như cháu?  Chúa cai trị muôn loài, đâu có phí thì giờ  để tạo ra  ba cái trò lẻ tẻ này để trừng phạt cháu chứ? Không phải thế!
-     Nhưng bởi cháu phản bội bố cháu. Cháu đi yêu quý bác nhiều hơn bố.
-    Không, Sophie à! Cháu chỉ yêu thích những việc mà ta có thể làm nhưng bố cháu không thể.  Bởi ta…khác biệt với bố cháu, và cháu yêu thích điều này.  Ta mà là bố cháu thì ta sẽ  là một ông bố rất tệ, “nhỏ cưng” à!. – Ông ngưng một chút và nói với chính mình.- Ta chẳng bao giờ là một người cha tốt.
     Và rồi  một  sự mơ hồ  giữa cái xúc cảm lẫn lộn với sự trung thành làm cho tôi trả lời ông:
-    Ồ!  Có chứ. Bác là người cha tốt.
     Trong bóng tối tôi nghe ông chép miệng:
-     Hà! Có lẽ ta có một chút. Đối với Galina, thì ta tốt, ta là người cha mà    coi trên mọi người cha.  Đúng thế,  đổi lại nếu Galina  có một
người cha như cha cháu, nó chắc sẽ  rất buồn.
-     Không, cô ấy không nên buồn.
     Sự đau khổ làm tôi khóc, và ông lại chặc lưỡi :
-     Cháu phải ngừng suy nghĩ, “nhỏ cưng” ạ!. Chỉ nên nhớ rằng, nếu Thượng Đế nhân lành, Người sẽ cho bố cháu mạnh khoẻ trở lại, và rồi cháu có thể yêu ông vì ông là bố cháu, và yêu thích ta vì ta biết chơi đàn vĩ cầm. Vậy thì bây giờ. – Ông vỗ vai tôi. -  đi về nhà và nhớ rằng bất cứ khi nào cháu buồn rầu hay cô đơn, người bạn già Nikolai Barshinskey này sẽ có mặt để an ủi giúp đỡ.
     Ông đứng dậy và chìa tay ra cho tôi nắm lấy. Sự tiếp xúc luôn luôn cho tôi một cảm giác an toàn, ấm áp , được bảo vệ. Tôi biết là ông không thể làm mọi việc trở nên đúng đắn, nhưng bỗng nhiên tôi không còn thấy quá  cô đơn  nữa.
     Đêm đó không ai trong nhà chúng tôi ngủ được bao nhiêu. Trước khi lên giường, tôi  xin phép được vào thăm bố, Edwin và tôi hai đứa đi vào đứng ở bên giường. Đầu của ông quấn chặt băng và gương mặt ông mang một màu xanh tái nhìn thật kinh hoàng. Suốt đêm, hình ảnh đó  chập chờn trong đầu óc tôi, và tôi có thể nghe thấy tiếng Edwin húng hắng ho  trong phòng bên kia. Tôi muốn qua đó với anh. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, như vậy sẽ bỏ lại Lillian một mình, và chị cũng chẳng ngủ nghê gì.  Trời vừa rạng sáng, chị  đã tốc mềm chui ra khỏi giường , lấy áo choàng ngủ khoác lên người.
-     Chị đi đâu vậy?
-     Đi coi mẹ ra sao rồi.
-     Chị hỏi  xin  mẹ cho em vào thăm bố.
     Lillian không trả lời. Chị bò  ngang qua phòng Edwin và rồi tôi nghe tiếng thì thầm ở phòng ngủ phía trước. Mẹ suốt đêm ngồi trên cái ghế dựa cạnh đầu giường. Tiếng thì thào cứ tiếp tục mãi. Cuối cùng, không chịu đựng nổi, tôi vội vã băng qua phòng Edwin, không thèm giữ thật yên lặng, đi vào phòng bố.
     Mẹ và Lillian đang chúi đầu  xuống giường, cái dáng đứng của họ làm tôi  sợ hãi điếng hồn:
-     Chuyện gì xảy ra cho bố vậy?
     Hai người quay lại, nhưng gương mặt của họ không như tôi tưởng tượng. Tôi lao mình tới . Bố tôi nằm đó và mắt ông đã mở. Một con mắt thì bị tím bầm nhưng con mắt kia  vẫn bình thường như cũ.
-     Bố. – Ông cố hé một nụ cười nho nhỏ.
-     Bố đỡ rồi chứ? – Ông nhắm mắt lại, nhưng nụ cười vẫn còn thoáng trên môi. Và bố vẫn đang thở.
-     Mẹ! Rồi bố sẽ bình phục chứ?
-     Đi về phòng ngủ đi con. – Bà  mệt mỏi trả lời.
-     Nhưng bố có khoẻ lại không?
-     Chúng ta phải để cho bố nghỉ ngơi. Như vậy hy vọng bố sẽ khoẻ lại.
     Tôi úp mặt vào bàn tay bố đang thò ra ngoài tấm mền  và trong tim lấp đầy hy vọng, hơn bất cứ gì.  Nỗi kinh hoàng trong đêm đã giảm bớt một ít. Bàn tay bố  cuối cùng đã ấm lại, và tôi còn nghe  được một chút mạch đập yếu ớt  trong đó.
-    Tay bố đã hồng hào ấm áp rồi mẹ! – Tôi thì thầm. - Vậy là dấu hiệu tốt phải không mẹ?
    Mẹ không trả lời, nhưng  bà thẫn thờ vỗ nhẹ vai tôi.
-     Con có thể ngồi với bố được không mẹ? Con sẽ giữ thật yên lặng, không di chuyển cũng không làm ồn.
-     Không được, con gái. Lillian ở với mẹ được rồi. Mẹ muốn con về phòng ngủ của con thật ngoan, chờ bác sĩ đến coi sao đã…
      Với âm giọng đó của mẹ, tôi biết mình không nên  cãi, vì vậy tôi trở về phòng ghi nhớ lấy hình ảnh bàn tay ấm áp của bố và nụ cười trên khuôn mặt ông.
   
                                                        (Xem tiếp chương 7)

    

No comments: