Trôi theo mùa hè_7

               

                                                              Chương 7                                                                        

                         Hai nỗi đau đến cùng

C
ái ranh giới giữa người khá giả  và kẻ thật nghèo mới mỏng manh làm sao. Cho tới thời gian đó, gia đình Willoughbys chúng tôi ,có kẻ ganh ghét, có người thán phục, có  được tiếng là những vị ân nhân  nho nhỏ của người nghèo. Nhưng tai nạn xảy đến cho bố đã  mang lại một sự thay đổi  về những may mắn của chúng tôi đến nỗi, mặc dù không xuống dốc tới mức bần cùng quá như gia đình Barshinskey, những ngày  tài chánh sung túc dư dả đã qua.

     Điều ấy không làm tôi bận tâm lắm, bởi tôi không có trách nhiệm trong việc điều chỉnh tình trạng tài chánh gia đình . Cứ theo ý tôi lúc đó thì bên cạnh sự kiện là bố đã thoát chết ,mọi sự  đều nhạt nhoà, trở thành không quan trọng .
     Bố đau nặng, thật nặng  trong nhiều ngày. Đôi khi ông tỉnh táo, nhưng hầu hết thời gian, bố chìm sâu trong giấc ngủ im lìm bất động. Bác sĩ phải đến chăm sóc mỗi ngày là điều mà chúng tôi run sợ. Nhưng đến cuối tuần, thời gian tỉnh táo của ông dường như  đã nhiều hơn.
     Chính cái vết thương trên đầu  ông đã gây thiệt hại nặng nhất. Trong một thời gian, mắt cá chân và mấy xương sườn bị gãy đã lành lặn, nhưng con bò chết tiệt của ông Hayward đã làm thương tổn  cái đầu của bố nguy hại đến mức thị lực  bên mắt phải của ông  đã  kém đi rất nhiều. Dù thế ông vẫn có thể làm việc.  Không có gì sai trái với người thợ nuôi bò một mắt. Thế nhưng vào khoảng ba tháng sau tai nạn, bố bắt đầu có những cơn nhức đầu rất tệ, những cơn nhức đầu dữ dội đến khiến bố phải lăn đùng ra, không thể nhìn thấy gì, không thể đứng dậy mà không  ói mửa, không thể bước đi mà không có gì giữ thăng bằng. Cứ mỗi lần cơn đau đầu xảy ra, bố lại phải nằm nghỉ mất ba bốn ngày. Đối với một người thợ vắt sữa, việc vắng mặt lâu như vậy mà không báo trước, coi như vô dụng.
     Ông Hayward khá tử tế.  Như đã hứa, ông phụ giúp chi trả  một nửa số tiền chi phí  cho bác sĩ. Và trong khi bố còn nằm dưỡng thương trên giường, ông vẫn tiếp tục mang đủ sữa đến cho gia đình và  thỉnh thoảng có biếu tặng mẹ một số tiền.  Tuy nhiên, lòng tử tế của ông không thể bù đắp vào sự mất mát số lương bổng đều đặn của bố.
     Có một số tiền nhỏ đến hàng tuần từ  quỹ tương trợ Oddfellows mà bố đã đóng nhiều năm trước, thêm một ít tiền từ sổ tiết kiêm trong ngân hàng của gia đình.  Việc học dương cầm phải chấm dứt, và tôi chẳng mảy may hối tiếc. Edwin, vừa tiếp tục công việc  mùa hè ở trạm xe lửa, vừa phải làm hết các công việc của bố trong sân nhà, chẻ củi, chăm sóc heo gà và tưới bón rau trái trong khu vườn.
     Ngoài hai buổi sáng làm việc tại nông trại Hayward, tôi được mẹ tìm thêm một công việc mùa hè khác, và tôi nghe số phận của mình  với con tim héo hon. Người đàn bà lo việc giặt giũ trong nhà xứ  vắng mặt một thời gian. Con gái của bà ở Edenbridge đang đau yếu. Và  người bếp chính của bà Lovelace nói rằng bà ta có thể kiêm nhiệm luôn công việc giặt giũ nếu có thêm một đôi tay  phụ trong nhà bếp. Đôi tay trẻ trung và không kinh nghiệm này, dĩ nhiên là công trả rẻ rề chính là đôi tay của tôi. Bốn bữa trong một tuần, tôi phải “biến mình thành con  người hữu dụng” trong căn bếp và khu giặt giũ của nhà xứ.
     Tôi chẳng thà làm bất cứ gì khác hơn việc đó.  Bởi tôi không thích bà Lovelace, không ưa bà đầu bếp của bà và nhất là không ưa Galina, người  sẽ có uy quyền  trên tôi. Tôi chuẩn bị chống đối cãi lại, nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt bị khích động của mẹ , rồi lại nghĩ đến bố đang nằm trên giường bệnh trên lầu, tôi đành quyết định thử  chấp chận cái số mệnh đáng thương của mình với sự kiên trì. Bố đã thoát tay tử thần. Tôi thay bố kiếm  thêm chút tiền. Còn có bất cứ vấn đề gì chia cắt điều đó được chứ? Vả lại, công việc chỉ  trong vài tuần lễ thôi.
     Có một việc mà trong cái giai đoạn khó khăn cấp thiết này, mẹ đã quyết định  rằng không gì có thể cản trở việc học nghề của chị Lillian. Chị được trả công rất ít, chỉ có ba shillings một tuần và vẫn về nhà ăn ở. Nếu chị đi làm dịch vụ ắt hẳn đã giúp đỡ gia đình bội phần. Tuy nhiên mẹ đã nhất quyết không gì có thể làm hỏng đến cơ may của chị. Dĩ nhiên, mặc dù tôi bực tức về cái quyết định ấy, đâm ra ghét Lillian và ganh tỵ với sự đối xử phân biệt của mẹ, thực tế  vẫn bắt buộc tôi phải thú nhận rằng việc không phí phạm món tiền mà mẹ đã chắt chiu dành dụm là một việc làm  hợp lý.
     Do đó vào những buổi sáng thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu, tôi phải  trình diện  với bà Puddingoyle ngay trước cửa bếp  nhà xứ vào đúng  7:30.  Ở đó công việc là rửa chén bát nồi chảo, lặt rau, phụ giúp lau chùi những nồi đồng to tướng và kỳ cọ  sàn bếp và nhà giặt. Tôi chỉ được phép quanh quẩn ở hai nơi này, ngoài ra không được đến những nơi khác trong nhà xứ.
     Bà đầu bếp cứ làm điệu bộ cho rằng bà là một người vui vẻ, rộng rãi, nhưng thật ra bà không phải vậy. Bà có giọng cười như vỡ chợ, nhưng trong khi bà cười  và mở miệng ra gọi “ con gái ngoan”, mắt bà  vẫn đảo thật đê tiện quanh mọi công việc  mà bạn làm và thúc mạnh cùi chỏ vào sườn bạn vì bạn đã không làm mau hơn.
-     Coi nè, ‘con gái ngoan’, giờ vẫn chưa  xâu đám đậu này xong nữa? – Bà ta rống lên, như  đó là điều tức cười nhất trên đời, và trong khi miệng nói, tay bà nắm vai tôi lắc mạnh.
     Khi bà Lovelace đi vào nhà bếp  để ra chỉ thị hàng ngày, bà đầu bếp thay đổi  ngay thái độ từ  một người giả bộ vui tính ồn ào sang một người hiền đức và trung thành:
-     Dạ thưa phu nhân không phải lo lắng  cho bữa ăn tối của cha xứ ạ!  Tôi biết lúc này ngài  hơi kém ăn. Và  tất cả chúng tôi cũng  thấy phu nhân, các công việc trong nhà, đã  phải làm việc nhiều và  tự quan tâm đến sự chăm sóc  cho cha xứ, cho vị phụ tá  trẻ và cả giáo xứ. Dạ hôm nay có một con vịt béo lắm được nhà Tylers mang đến, tôi sẽ ướp nó với  nước sốt trái mơ ăn kèm với rau tươi. Chắc là hai ngài sẽ ngon miệng…
     Bà Lovelace sẽ làm bộ thở dài , rồi  lại đưa tay lên trán, đồng thời    đưa ra những chỉ thị trong ngày một cách ra vẻ mệt mỏi. Hai người  họ cứ như  đang diễn vai trò trong một vở kịch. Tôi thấy dường như họ chẳng ưa thích nhau lắm, có điều họ thấy thích hợp để có người  nói vuốt ve nhau. Bà Lovelace ưa thích được ca tụng là một người can đảm, thánh thiện, sẵn sàng sống một cuộc đời thi ơn cho người khác. Còn bà Puddingoyle thích được coi là  người thuộc về nhà xứ hơn là chỉ là một người đầu bếp. Có lần tôi đã nghe bà  khoe với một người bà con xa đến thăm rằng bà là người quản gia giỏi của nhà xứ, và với mớ kinh nghiệm ấy , bà có thể  lên Luân Đôn bất cứ lúc nào để kiếm một công việc khá hơn.
     Thực ra, theo lối suy nghĩ của tôi, bà không thể nào làm được điều đó. Bà là hạng người cẩu thả và  lãng phí. Tôi biết cách mẹ tôi quản lý trong nhà, nó không giống lề lối làm ăn của bà đầu bếp này. Những bộ xương gà vịt còn đầy thịt bị ném vào thùng rác thay vì nấu lên để làm thức ăn cho gia súc. Bột và đường không được đậy điệm  hay bao phủ  kỹ càng, đem  cất ở những nơi ẩm ướt để mốc lên và chuột bọ chui vào gậm nhấm. Lần đầu tiên khi chùi cọ sàn bếp, tôi thấy rằng  phía dưới bồn rửa và xung quanh các lò đã không được lau chùi trong nhiều năm. Chúng đóng cáu  với dầu mỡ đông cứng trộn lẫn với bụi bặm. Bỗng nhiên tôi khám phá ra mình có cá tính giống mẹ hơn tôi tưởng: sự  khó chịu và bực bội với kẻ nào trước đó đã làm công việc quá bê bối làm tôi  đã kỳ cọ nó như nhà bếp của chính mình. Kể ra có hai thứ bà đầu bếp làm gìỏi là nấu nướng và ủi đồ. Nhìn thấy bà ủi những nếp xếp cuốn tròn thấy thích thú như bà đang làm ảo thuật. Và khi bà ủi quần áo, bà không la lối, hay cười lớn hay nhéo tôi. Bà trở nên khá bình thường và thỉnh thoảng còn cho phép tôi tập ủi. Chỉ lúc đó là lúc tôi thấy yêu thích bà.
       Thật lạ lùng khì nhìn cách  bà và Galina cư xử với nhau. Giống hệt như  cách thức trình diễn với bà Lovelace, chỉ khác là lúc này, Galina đóng vai trò kẻ tâng bốc, và bà đầu bếp giả vờ tin rằng Galina  là cô gái dễ thương hiền hậu biết  suy nghĩ đến thế giới của bà.
     Tôi còn nhớ đến việc Galina đã không muốn đến làm việc ở nhà xứ, và tôi đã cảm thấy tội nghiệp cho cô phải đi làm ra sao. Tôi cũng nhớ cô ta nói  mình khổ sở như thế nào. Tôi cho rằng cái lối nhớp nhúa  cô đối lại với bà Puddingoyle này chỉ là  phương cách để tồn tại của cô.
     Bất cứ khi nào bà đầu bếp làm một trò giễu dở không đáng tức cười, Galina  đều cười rống lên như trẻ nhỏ, rồi cô đưa tay lên che miệng một cách bối rối, đầu nghiêng qua một bên, ra vẻ cô  thực sự yêu mến và ngưỡng mộ bà ta nhưng quá xấu hổ không nói nên lời. Vào cuối tháng,  sau khi lãnh lương, cô đi ra phố và trở về với một thỏi sô cô la:
-    Đây là quà cho bà, thưa bà Puddingoyle! – Cô nói. – Vì bà quá tốt và đã giúp đỡ  cháu  trong lúc cháu chưa rành việc.
     Lúc đó tôi đang  lau chùi đống xoong chảo sau bữa điểm tâm. Tôi thấy thật bực bội vì cái trò đạo đức giả ấy  được hoàn toàn tin tưởng. Gương mặt của bà đầu bếp, cho dù mập thù lù vẫn thường khó đăm đăm,  tự nhiên  dịu lại và ngạc nhiên một cách chân thật:
-    Ồ! Cám ơn cô. – Bà nói, và Galina quay qua tôi buồn bã nói:
-   Chị cũng muốn mua một cái gì cho em, Sophie à! Nhưng , em cũng rõ cảnh nhà chị  ra sao rồi. Chị chỉ tiêu riêng cho mình vài xu vào những món đồ cần thiết, còn tất cả tiền lương phải mang về cho mẹ.
     Đó là lời nói láo. Daisy May đã cho tôi biết sự khó khăn như thế nào để buộc cô chị đóng góp đồng tiền của cô đều đặn vào ngân quỹ gia đình. Nếu  nhà gặp được cô ngay lúc lãnh lương, điều đó không  thành vấn đề. Cô sẵn sàng đóng góp  ngay.  Nhưng thường thì cô ra khỏi nhà xứ là đi thẳng ra phố chợ để mua sắm văng mạng, những giải băng ríp bông, hoa nhân tạo, khăn quàng, nước hoa rẻ tiền cùng đủ thứ lặt vặt cô ưa thích  cho đến khi tiêu sạch.  Nhưng dù tin hay không, cách  đối xử của cô rất hữu hiệu với bà đầu bếp.
-     Cô hãy tiết kiệm  tiền. con gái à! Sẽ có ngày cô cần tới.  Còn Sophie, ta chắc rằng nếu nó muốn ăn kẹo sô cô la, nó có thể tự mua lấy được rồi.
      Và sau đó, khi cái bàn ủi được mang ra:
-     Galina yêu quý! Hãy mang đồ của cô đây ta ủi cho.
     Có rất nhiều lời giễu cợt và trêu chọc giữa hai người về ông Hope-Browne, về những mụn nhọt và việc đỏ mặt của ông, cả về những quần áo lót của ông, những thứ thuộc loại hảo hạng, tốt hơn của vị cha xứ.
-     Đó là vì gia đình của ông ta rất giàu có. – Bà đầu bếp nói với một  giọng  như không thể chịu đựng được và biết nhiều điều quan trọng. – Ông ta là đứa con trai út của một  ‘vị quý tộc’ (được phong tước hiệp sĩ) ở tận duới Hampshire. Ta đã thấy những bức thư của bà mẹ ông viết. Chúng có huy hiệu quý tộc ngoài bao thư. Và quần áo của ông đều có thêu tên tắt của ông. kể cả chiếc áo lụa  sang trọng  ở trong tủ  chỉ mặc khi có vị giám mục đến.
     Tôi không nghĩ đó  là chuyện hay ho khi tán gẫu với nhau về  đồ lót của ông Hope-Browne. Mẹ có thể nói đến một cách chung chung, nhưng hai người đàn bà này khi nhắc đến lại bật lên cười chát chúa và thêu dệt đủ thứ chuyện giễu cợt. Họ cũng cười nhạo luôn  việc ông Hope-Browne thường viện cớ để vào  khu nhà bếp. Khi ở đó, ông thường đăm đăm nhìn Galina và  thỉnh thoảng lại đỏ mặt. Tôi rất ghét cái cảnh tượng đó. Riêng Galina bằng cách nào đó đã có thể đóng một lúc hai vai trò. Cô có thể lả lơi cười nói với ông Hope-Browne, cố nhìn thẳng vào mắt ông một lúc khá lâu tỏ lòng kính trọng. Đàng khác, cô quay qua làm  dấu hiệu nhăn mặt  nhíu mày với bà đầu bếp, mời gọi bà tham dự vào trò đùa giỡn, và bằng một cách khôn ngoan, không bao giờ để ông Hope-Browne nhìn thấy cái nhíu mày đó, cũng như để bà đầu bếp thấy được  cái nhìn đắm đuối của cô với ông Hope-Browne.
     Mỗi khi nghĩ đến hai bộ dạng chạy trốn khỏi sân nhà thờ là tôi muốn ói. Một giờ chiều, hết giờ làm việc, tôi  rời nhà bếp cố chạy nhanh về nhà trên con đường đầy không khí trong lành tươi mát. Ông ta và Galina, hai người đó làm tôi cảm thấy dơ dáy và nghẹt thở.
     Có những lúc tôi vô cùng muốn  cho một ai trong nhà biết về  chuyện lăng nhăng đó. Ngay cả nếu như đã có thể nhắc đến những chỗ bẩn thỉu dưới cái bồn rửa trong nhà bếp cũng làm tôi bớt đi sự đè nén, nhưng tôi không muốn mẹ nghĩ rằng tôi hay phàn nàn, và dù sao, tôi cũng chưa bao giờ thố lộ tâm sự với mẹ và giờ chưa phải là lúc nên bắt đầu. Bố đã trở nên khá hơn một chút và đã được phép xuống dưới nhà vào buổi chiều.  Với một chân còn mạnh khoẻ, ông vịn tay vào lan can bước lần xuống. Đoạn ông ngồi đó, đôi mắt nhắm lại, dáng người xanh xao. Dù tôi muốn nói chuyện với ông cũng không thể. Tuy nhiên được ngồi gần và  chốc chốc lại nắm lấy tay ông cũng tạm đủ. Lúc này, chúng tôi vẫn chưa biết về chứng nhức đầu và mọi người trong nhà nghĩ rằng khi chân , xương sườn ông lành lặn trở lại, và khi ông đã quen với tầm nhìn bị hạn chế, bố có lẽ sẽ trở lại công việc quản đốc ở nông trại Hayward.
     Vào tháng Chín,, ngay trước khi niên học mới bắt đầu, đoàn Du  Ca Giảng Đạo đến và dựng lều trên mảnh đất ngay bên cạnh quán rượu Con Chồn. Họ chọn chỗ đó một phần vì ông cha xứ  không chấp nhận cái  đạo binh loan truyền phúc âm này và vì thế không cho họ tới gần sảnh đường nhà xứ, phần khác vì chính họ muốn lôi kéo một số ma men từ trong quán rượu  đi ra. Họ đã từng lôi cuốn được không ít linh hồn trở về với Chúa trong những hối hận đầu tiên, ăn năn  vì ghiền rượu.
     Mọi người trong làng đều  ưa thích đoàn Du Ca  Giảng Đạo. Có người nói họ chỉ hơi khá hơn những người chơi nhạc dạo một chút, nhưng khi họ trình diễn dưới  một biểu ngữ  Phúc Âm thì cả những người hệ phái Anh Em chúng tôi cũng được phép  đi nghe. Tôi thì nghĩ họ rất lôi cuốn và thường đi xem họ khi mẹ cho phép.
     Họ trình diễn những bài thánh ca phấn đấu thật dễ thương, có hai cây phong cầm hoà nhạc đi kèm, với  những giảng viên mặc áo choàng màu đen  với lớp lót đỏ phía trong. Năm nay đoàn có năm người: ba nam và hai nữ và lãnh đạo đoàn là người mới: ông Jones.
     Bà đầu bếp, người tham dự đêm đầu tiên đã kể cho chúng tôi nghe trong căn nhà bếp vào sáng hôm sau. Bà nhiệt tình ca ngợi:
-     Một con người tuyệt vời, đầy ắp Thánh Linh. Ông ta cao lớn, và ta  thích mẫu người cao lớn  như ông với đôi vai vững chắc và giọng nói mạnh mẽ đến mức ngồi ở  mãi cuối lều vẫn nghe rõ mồn một.
-     Có ai được xá tội không? – Tôi hỏi.
-     Không, đêm đầu không có ai. Ông ta đã không thực sự  cố sức vào  việc xá tội trong đêm đầu. Toàn là các bài Thánh ca hay  và hai bản đơn ca, sau đó là lễ cầu nguyện cho chuyện  sẽ xảy đến trong hai tuần lễ tới…- Bà lập lại lời ông:- “  Những kẻ ăn mày và tội lỗi,  những tay ma men, bọn đĩ điếm trong làng sẽ  có mặt ở đây quỳ gối  cầu xin được tha thứ…”
     Và rồi, giọng nói của bà rung lên  trong sự đồng cảm:
-     Đoạn ông ta vung tay lên, màu đỏ trong lớp lót của áo choàng ánh lên thật đẹp mắt: “  Và tôi bảo quý vị, thưa anh chị em, những kẻ tội lỗi đáng thương và biết xám hối, khi  quý vị quỳ gối xuống, tôi sẽ ở bên quý vị, quỳ gối cùng quý vị, phù trợ quý vị  bằng sức mạnh của tôi,  chia sẻ  những thầm kín của quý vị  và mang đến cho quý vị niềm an ủi…” Ồ! thật là đáng yêu. Nhưng mà ta không thể được  tham dự nữa cho tới ngày thứ Tư.  – Bà  buồn bã chấm dứt.
-     Tôi muốn đi dự. – Galina bỗng  nói và trong một giây phút, hai người đàn bà chăm chú nhìn nhau một cách trìu mến.
-     Chúng ta phải thật cẩn thận. -  Bà đầu bếp nói. – “Họ”, - Bà chỉ tay lên trần nhà. - Họ không muốn bất cứ ai trong cái nhà xứ này đi dự đâu. Bà ấy nói bọn họ (Du Ca Giảng Đạo) là loại tầm thường thô lỗ. Còn ông (cha xứ) bảo bọn họ là những kẻ báng bổ lại đạo. Nhưng nếu chúng ta hàng đêm thay phiên nhau tham dự, họ sẽ không biết. Chúng ta sẽ bao che  cho nhau.
     Galina nở một nụ cười nhẹ nhàng, cô thì thầm:
-     Tôi nghĩ chắc là thích thú lắm.
     Tôi đã cùng mẹ, Lillian và ông bà King đi xem vào đêm kế tiếp. Bố ở nhà được trao cho Edwin nhiệm vụ chăm sóc. Tôi không nghĩ là bố hoàn toàn  chấp nhận đoàn Giảng Đạo lắm, nhưng mẹ thì yêu thích họ  và bỗng dưng bà có vẻ như lấy lại được tinh thần ngày cũ của bà  với ý tưởng một đêm  đi ra ngoài khuây khoả.
     Bà đầu bếp nói khá đúng. Ông Jones là một anh chàng điển trai và rất khác với người cầm đầu đoàn cũ năm trước. Ông có một mái tóc quăn màu bạch kim trên một gương mặt rất mạnh mẽ với một giọng nói gần giống như của ông Hope-Browne. Ông ta tự hát một số bài ca, những bản u buồn trước, về những kẻ quay lưng lại với Thượng Đế. Rồi dần dần  âm điệu trở nên  phấn chấn, vui vẻ hơn trong sự chiến đấu cứu vớt các linh hồn. Hai người nữ trong đoàn che phủ mái tóc của họ với  lớp mũ màu tím, đến nửa buổi trình diễn, họ đi vòng quanh lớp thính giả với bao quyên tiền trên tay. Cả hai đều rất đẹp.
     Ngay sau phần quyên góp, tôi thấy Galina chui vào lều. Cô nhìn quanh, rồi đến ngồi trên băng ghế cạnh tôi. Thật chẳng hiểu tại sao bởi cô ta thường chẳng lý gì đến tôi một cách thông thường. Có lẽ  cô muốn có người bảo cô biết phải làm gì.
      Có tiếng náo động xôn xao nho nhỏ. Rồi tiếng phong cầm nổi lên như ra dấu”có chúng tôi đây ”. Tiếng đàn hạ thấp xuống một  âm vang nhè nhẹ phía sau, hai người phụ nữ bắt đầu ư ử  tiếng hát trong cổ, thày giảng  Jones bước lên cái bục gỗ giơ cao hai cánh tay lên không.
-     Thưa quý vị tốt lành! - giọng ông rung rinh. -  Với những người ngoan đạo, những người bước theo lối hẹp của Chúa Jesus, một con đường khó đi, con đường rải rác những  đá sỏi, những luồng gió đắng cay, những cuồng phong phẫn nộ của lũ quỷ dữ luôn ở trong trí óc. Ai… - Ông ta hạ thấp giọng và cánh tay xuống.- Ai sẽ sẵn sàng chọn lối đi này? Ai có thể trần truồng khi bọn chúng khoe khoang với quần áo bằng vàng ? Ai sẽ ngồi ở bàn ăn nghèo nàn khi ma quỷ mời gọi đến bàn tiệc của chúng với cao lương mỹ vị và đồ uống là thứ rượu vang đỏ hảo hạng? Ai sẽ chọn im lặng đồng hành với Chúa  khi họ có thể vui chơi thoả thích với sa tăng?
     Ông ta lại giơ tay lên chỉ về phía chúng tôi:
-    Ai? Tôi xin hỏi. Và câu trả lời là, không nhiều lắm. -  Giọng ông trở nên lớn hơn, và tôi nhận thấy đã có những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Chúng tôi ngồi gần ngay hàng ghế đầu, bởi mẹ  luôn luôn muốn  biết ai là những kẻ bước  lên để được tha thứ.
-    Trong căn lều này đầy kẻ tội lỗi. – Ông nói lớn. – Quý vị có thể không nghĩ mình là kẻ có tội, nhưng hãy tự soát lại tâm hồn. Tôi  nhìn lại mình. – Ông tự ngó bản thân. – Tôi thấy mình nhiều tội lỗi hơn những việc làm  đúng đắn. Tôi thấy chúng ở trong tim. – Ông đấm ngực. -  Tất cả những kẻ tội lỗi ở đây trong đêm nay. Tôi biết các người là ai. Tôi có thể kêu tên các người. Tôi có thể đi vào giữa các người và đánh động tâm hồn các người  và các người  sẽ biết rằng tội lỗi các người  đã bị phát hiện. Trong căn lều này, thưa anh chị em, có kẻ trộm cắp, có kẻ điêu ngoa,  có người say sưa nghiện ngập và cả đĩ điếm ma cô. Có những  con tim lấp đầy những mong chờ hung ác của quỷ dữ và những mong ngóng này sẽ huỷ diệt các người.
     Ông la thật lớn và tiếng phong cầm cũng dập theo hết cỡ. Hai người nữ  vừa ư ử hát theo điệu nhạc cứng cỏi chát chúa vừa lắc lư thân mình từ bên này qua bên kia. Tôi có thưởng thức họ, nhưng không cùng một mức độ ngưỡng mộ hoàn toàn không tỳ vết như những năm trước, bởi tôi không thể không có ý nghĩ so sánh rằng âm nhạc của họ không hay bằng tiếng vĩ cầm của ông Barshinskey.
-     Hãy bước tới, xin mời anh chị em, hãy dũng cảm bước tới với tôi. Hãy để tôi nắm lấy tay quý vị đưa đến cùng Chúa Jesus. Hãy để tôi chỉ lối. Hãy cho phép tôi  nắm lấy tâm hồn, ý nghĩ tội lỗi của quý vị bằng hai bàn tay này và nói với quý vị rằng: Đức Jesus yêu thương quý vị.
     Cánh tay ông giữ nguyên vị thế đưa về phía chúng tôi, lớp áo lót đỏ phía trong mờ nhạt dần trong ánh  đèn dầu. Âm nhạc lúc này tiến lên độ cao vút. Hai thành viên nam khác bước tới ngang hàng với hai người nữ.
     Có một làn sóng ồn ào lớn nổi lên trong đám đông, một loại xúc động xôn xao toả ra khắp căn lều như một luồng gió thổi trên cánh đồng. Tôi nghe có tiếng giật nẩy mình nho nhỏ  bên cạnh và quay  qua nhìn thấy Galina hơi rung động trên ghế. Đầu cô bật ngược lại và môi cô hé mở, trông giống như lúc cô đang nhảy múa.
-     Hãy bước tới! – Ông Jones nói giọng như hét.- Tiến tới để được cứu rỗi. Hãy tiến lên bục và tôi sẽ phụ giúp các người.
     Ông Kelly là người đầu tiên bưóc ra.  Năm nào cũng thế. Ông mê uống rượu và đánh đập vợ con, và luôn luôn được xoá tội ngon lành. Ông công khai thú nhận tội lỗi, khóc lóc và hạ gối trước bục. Một trong hai người nữ bước tới quỳ gối bên cạnh.
-   Một người có tội? Chỉ có một người tội lỗi? Hãy dũng cảm lên! Chỉ một bước ngắn để đến với Chúa Jesus. Hãy đứng dậy và tiến tới. Với vài bước chân nhỏ bé  và rồi cánh tay Người sẽ  bao quanh quý vị.
     Bà Jetson bước tới, mặc dù tôi không thể diễn tả  bà thuộc loại tội lỗi nào và  đành chìm theo đôi đầu gối nhỏ bé đáng kính trọng của bà.  Một trong hai người nam trao cây đàn phong cầm cho người nữ còn lại và đến quỳ với bà.
     Âm nhạc và  chất giọng hùng hồn của ông Jones đã lôi cuốn người ta  tiến lên. Một số người có vẻ xấu hổ, số khác rất khích động. Cuối cùng, ông rời bỏ bục gỗ và bắt đầu lên xuống dọc theo lối đi khích lệ mọi người tiến tới quỳ trước mặt ông. Tôi thấy có sự lay động ở bên cạnh và quay qua nhìn. Galina, đờ đẫn như bị thôi miên, đã đứng lên. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ hãi.
-     Vâng! Hãy bước tới, hỡi người chị em! Hãy đến với cánh tay ta, tới cánh tay của Chúa. Hãy bước tới thú nhận tội lỗi của mình.
     Ông ta ngưng bước và chăm chú nhìn Galina. Cô đang thở thật nặng nhọc và cái nút áo phía trên bật tung ra. Cô đưa tay về phía ông nhưng không thể chạm vào ông vì  có khoảng cách chúng tôi ngồi ở giữa.
-     Ngồi xuống, Galina! – Tôi nắm áo cô kéo mạnh. - Ngồi xuống. Đừng cho mọi người biết. Làm ơn đừng cho ai biết !
      Điều gì tôi không muốn cô nói cho mọi người biết? Tôi cũng không rành. Tuy nhiên  cái ký ức về hai bóng người trốn chạy ở sân nhà thờ,  về cái lối cô tiến gần tới ông Hope-Browne với hai tay  vươn lên trên đầu làm tôi run rẩy. Galina  thật khác biệt với  chúng tôi và những bí mật của cô  toàn là thứ nguy hiểm. Cô ta quay lại nhìn tôi như là tôi không có ở đó,
-     Đừng nói. – Tôi thì thầm. - Nếu không  cô sẽ mất việc ở trong nhà xứ.
      Tôi nắm tay cô chặt đến nỗi cô khó mà di chuyển, và rồi từ từ mắt cô tập trung trở lại và khi nhìn thấy tôi, má cô đã  nhạt  màu.
-     Ngồi xuống. – Tôi rít lên, và  thật là như trút đi một gánh nặng, cô làm theo lời tôi. Ông thầy giảng đạo vẫn đăm đăm nhìn cô và tôi nghĩ là ông ta  sẽ mời gọi nữa, khích lệ cô tiến tới hoặc  sẽ la lối tôi dám can thiệp vào,nhưng sau một lúc ngưng lại, ông bỏ qua.
     Tôi không còn chú ý nhiều lắm về phần sau đó của buổi tối hôm ấy. Những người được xóa tội bỏ thêm ít tiền vào giỏ quyên góp, và khi chúng tôi nối đuôi ra về, hai người thành viên nữ đứng ngay tại cửa ra vào căn lều với cái giỏ trên tay để hy vọng có  còn ai đó cộng tác thêm. Tôi chỉ muốn trở về nhà ngay để kể cho Edwin nghe, nhưng không biết vì sao khi tới nhà tôi không thể nhắc đến nữa vì thấy quá xấu hổ.
     Sáng hôm sau ở trong nhà xứ, bà đầu bếp  muốn nghe kể mọi chuyện về đêm hôm trước, nhưng Galina không nói gì nhiều. Có đôi ba lần cô   mỉm cười một mình và nói rằng cô muốn đi dự nữa,
-     Được thôi. Nhưng tối nay là đến lượt  ta đó Galina à! Chúng ta đã đồng ý là thay phiên nhau mỗi đêm mà.
-    Phải, dĩ nhiên rồi bà Puddingoyle ạ! – Cô gái cười thật ngọt ngào. -  Tôi sẽ chờ đến lượt tôi tối mai,
     Đoàn Du Ca Giảng Đạo  ở đó đến hai tuần lễ và nó đã trở thành  hai tuần lễ liên tục căng thẳng và lo âu cho tôi. Tôi lo sợ điều Galina có thể làm. Vì thế  tôi đã phải nói dối, dỗ dành và thuyết phục mẹ cho phép tôi đi mỗi đêm có Galina đi tham dự. Mọi sự vui thích về đoàn Du Ca Giảng Đạo nay đã tiêu tan. Tôi đã phải tự sắp xếp  để luôn ngồi bên cô,  Đôi khi có nghĩa là tôi phải xô đẩy chen lấn những dãy người khi không còn chỗ trống. Có lúc cô cũng  bình thường, sự nhiệt tình và khích động không lôi cuốn cô. Nhưng sang đầu tuần lễ thứ hai, sự việc gần như muốn quay trở lại. Tôi nhận thấy cô bắt đầu muốn đứng lên. Tôi trở nên hoảng hốt và chỉ còn biết  nghĩ đến làm mỗi một việc, là đá thật mạnh vào ống chân của cô.  Galina chớp mắt và cau mặt. Nhờ đó tôi đã phá vỡ  được cơn mê sảng của cô.
     Tôi bắt đầu ghét cái căn lều đó với những dãy ghế  xếp chật hẹp cùng với đám người tụ họp đông đến chảy mỡ. Tôi ghét âm nhạc của nó, ghét cái thứ ánh sáng chập chờn từ những ngọn lửa làm cho mọi thứ  trông dường như đang có sự hiện diện của loài quỷ sa tăng. Trên hết, tôi ghét ông Jones. Hằng đêm, dường như ông ta nói chuyện trực tiếp với Galina. Bọn say sưa, láo lừa, trộm cắp ngày càng được miêu tả ít đi trong bài thuyết giảng của ông. Trái lại, đĩ điếm ma cô được nhắc đến nhiều hơn. Ông nói về ma quỷ nguỵ trang trong  cái đẹp và về  sự đồi trụy của tuổi trẻ. Ông ta  đăm đăm nhìn cô  với đôi mắt nhíu lại và cô cũng nhìn thẳng vào mắt ông. Khi tuần lễ từ từ trôi qua, cô dường như không còn mê mẩn như bị thôi miên. Cô  nhìn ông Jones như đã nhìn ông Hope-Browne. Có một đêm, cô đến dự với mái tóc buông thả xuống vai. Nó được cột lại ở phía sau, nhưng  chùm tóc xoăn đen dầy bóng  xõa quanh vai cô càng làm cặp mắt ông Jones nhỏ hẹp hơn.
     Ngày cuối tuần đã đến, Chỉ còn một đêm chót. Thêm một đêm nữa  là chúng tôi sẽ an toàn. Tôi không thể nào nuốt trôi miếng cơm, lúc nào cũng như người ốm nặng. Phải chi có thể  thố lộ với một ai đó.
     Vào bữa cơm chiều, tôi bắt đầu màn năn nỉ thường lệ với mẹ cho tôi đi tham dự. Nhưng lần này, vì lý do nào đó, bà từ chối quyết liệt. Tôi càng van nài, càng viện cớ và cả nói dối nữa,(Tôi phịa ra rằng hôm nay Ivan Barshinskey đã chịu đi và anh ta là người cần được xá tội), rồi năn nỉ khóc lóc, nhưng mẹ càng cứng cỏì không chịu thua.
-     Mẹ  bắt đầu cho rằng bố con nghĩ  thật đúng về đám người giảng đạo này. – Bà mệt mỏi nói. -  Từ khi họ đến đây, con càng trở nên khó bảo hơn. Mẹ đã có quá nhiều việc phải làm vì sự đau yếu của bố rồi, không muốn có con gây phiền phức nữa.
-     Nhưng con phải đi.
-   Không, con không được đi. Mẹ không muốn nghe việc này nữa. Trái lại,  con về phòng ngủ ngay sau bữa ăn.
     Tôi muốn bật khóc, nhưng bố nhìn tôi mỉm cười và tôi biết là không được làm gì  cho bố buồn khổ khi ông đang đau yếu.
     Tôi cảm thấy  bụng quặn đau vì lo lắng. Đêm cuối cùng của cuộc lễ chiêu hồn thường tồi tệ nhất, ca hát la ó vang lừng, và mọi người  cùng khóc và  cùng quỳ xuống. Khổ nỗi không ai có thể cho tôi tin tưởng, không ai  có thể cho tôi nhờ cậy và  tôi cũng chẳng biết nhờ cậy họ làm cái gì. Làm sao có thể nói là tôi không muốn Galina được cứu rỗi? Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng sẽ có điều ghê gớm xảy ra nếu cô được xá tội? Tôi nghĩ về ông Hope-Browne với lối cư xử dịu dàng, với gương mặt đầy mụn, sự thiếu tự tin và ngay cả với những đồ lót sang trọng của ông. Ông có còn trẻ không? Khi so sánh với Ivan hay Edwin, ông ra vẻ một người trẻ tuổi yếu nhớt. Nhưng tôi không muốn có gì bất hạnh xảy đến với ông.
     Tôi  làm xong nhiệm vụ rửa chén rồi bước ra sân.
-   Con đi đâu vậy, Sophie?
-   Con đi cho Ivan hay là không thể đưa anh ta đi dự  buổi ca giảng tối nay được.
-     Đừng đi lâu quá.
     Ra đến ngoài đường, tôi chạy nhanh đến khu nhà thờ. Không có nhiều thì giờ  nếu mẹ nghĩ là tôi chỉ qua bên hàng xóm. Đến nhà xứ, tôi lại gặp một tình huống khó xử, không biết đi thẳng tới cửa bếp hay gõ cửa trước. Nếu tôi đi thẳng đến nhà bếp, nơi tôi làm, có thể bà đầu bếp hay Galina sẽ ở đó, và họ sẽ muốn biết vì sao tôi tới. Nếu tôi gõ cửa trước, một trong hai người đàn bà vẫn ra mở cửa, nhưng họ sẽ nghĩ là  tôi được mẹ sai tới. Tôi nuốt nước bọt và gõ vào cửa nhà xứ. Bà đầu bếp bước ra.
-    Lạy Chúa ! con nhỏ  này làm gì ở đây, Sophie?
-     Cháu muốn gặp ông Hope-Browne.
-    Có chuyện gì?
-     Bố cháu bảo cháu cần gặp ông ấy.
     Bà ta do dự, đoạn mở hé cửa :
-   Được rồi, vào đi, nhưng đứng ở trên tấm lót chân đó. Ta không muốn cô đi lung tung vào cái sàn mới lau sạch. Chờ ở đó.
     Bà ta bỏ đi qua một trong những cánh cửa  ra khỏi phòng khách và tôi nghe tiếng bà nói với ai đó. Lát sau bà trở lại với ông Hope-Browne.
-     Đây nè, Sophie! Giờ cô cho ông Hope-Browne biết bố cô cần gì?
     Hai người đứng chờ. Cuối cùng tôi tiết lộ:
-     Đây là chuyện riêng.
     Miệng bà đầu bếp như cứng lại. Tôi biết là mình sẽ khổ sở với bà trong bếp vào ngày thứ Hai tới.
-     Xin lỗi ông Hope-Browne. – Bà nói. -  Lối hành xử của  con bé Sophie này chẳng khá hơn tí nào như ông mong muốn. Để tôi đuổi nó đi.
     Ông ta đỏ mặt:
-    Em không thể cho ta biết em cần gì sao Sophie?- Ông nhẹ nhàng hỏi. Tôi lắc đầu, thầm giận ông ta  sao đần độn và chẳng giúp được gì trong khi tôi đang làm vì lợi ích của ông.
-     Chúng tôi ra ngoài một chút, bà Puddingoyle! – Ông nói. – Tôi sẽ đưa con bé ra cổng.
     Bà ta làm một tiếng thở khì giận dữ, nhưng chẳng làm được gì tôi lúc này.  Những lo âu ,hoảng hốt quặn lên trong bụng tôi bây giờ  là vì căn lều giảng đạo đó.
-     Có chuyện gì Sophie? Bố em lại đau nặng?
-    Dạ không.
     Lúc này tôi lại không biết nói làm sao với ông ta. Tôi không bối rối hay sợ ông như trước mặt cha xứ, nhưng làm sao tôi có thể làm tan vỡ một ảo tưởng, đánh đổ một cái bề ngoài êm ái, đáng nể trọng mà nó là  cái sinh hoạt của làng để bảo ông ta rằng không bao lâu nữa ông thầy Giảng Jones sẽ  biết hết mọi việc xảy ra. Cuối cùng tôi nói như hụt hơi:
-    Đó là chuyện Galina.
     Suốt bao năm tháng quen biết đến ông Hope-Browne, ông thường xuyên sống trong trạng thái bối rối, sắc mặt thay đổi theo cá tính ngượng ngùng xấu hổ  của ông. Nhưng bây giờ khi tôi nhắc đến tên cô, mặt ông không đổi sắc. Ước gì nó như trước. Gương mặt ông dường như… rơi đâu mất, dường như ông không còn đang đứng ở đó nữa. Tôi muốn  quay đi, nhưng  sự trống vắng kinh khủng trên gương mặt ông giữ tôi lại.
-   Cô ấy sẽ đến với đám thầy giảng tối nay. – Tôi nói thật mau. -  Trong hai tuần vừa qua cô ấy đã đến đó nhiều lần và đã hai lần suýt  ra thú tội. Cái ông thầy giảng tên Jones đó, ông ta muốn cô được cứu rỗi.  Ông ta  tìm cách thôi miên  cô ấy mỗi đêm, cố lôi kéo cô bước ra và cho ông ta biết mọi chuyện, chỉ mình em có thể chặn cô lại. Và tối nay cô ấy sẽ đến dự. Cô ấy thích ông ta, em biết điều đó. Hai người họ ưa thích nhau. Nhưng tối nay em không thể tới dự. Phải có ai đó đi để cản cô ấy lại. Đôi khi, khi người ra thú tội, họ đứng lên nói những điều rất ghê gớm. Ở đó thật khủng khiếp, thưa ông Hope-Browne. Mọi người  trở nên điên loạn như lên cơn sốt.
     Cơn đau quặn trong bụng trở nên tệ hại, và trong tôi còn nổi lên một mong ước mãnh liệt muốn khóc cho ông Hope-Browne. Dù ông đã làm gì tôi cũng không trách cứ. Ông chỉ là một người trẻ tuổi, dịu dàng, mắc cở và cô đơn .
-    Giờ tôi phải về, thưa ông !
     Ông đứng đó với khuôn mặt giống như một tên hề vô duyên, nhìn  mà không thấy gì.
-     Tôi về đây. -   Ông quay đầu đi ngược trở về nhà xứ.
-    Thưa ông Hope-Browne,  Ông tính làm gì?
     Ông vào nhà đóng cửa lại. Còn tôi chạy về nhà trong lòng còn lo lắng hơn trước.
     Vừa về tới cửa, mẹ thoáng nhìn tôi và hỏi ngay có chuyện gì vậy.
-     Con cảm thấy không khoẻ.
-     Đi lêu lổng quá sức mà. -  Bà nạp liền. -  Và nếu tôi cứ để cô tự do thì tối nay cô lại nhảy cỡn lên bay ra chỗ cái lều’chết tiệt’ đó  chứ gì?  Đi lên phòng ngay giùm tôi.  Lại chào bố một tiếng  và đừng lải nhải một tiếng nào với tôi nữa.
     Tôi lại gần chúc bố ngủ ngon. Trông ông thật mệt mỏi và bệnh hoạn. Ước gì tôi có thể được nói chuyện với bố. Có lẽ chỉ mình ông là người biết nên làm gì. Nếu ông khoẻ mạnh thì đã không đến nỗi có tình trạng  này. Ông sẽ biết làm sao để ngăn cản Galina đi đến những buổi xưng tội công khai ấy và có lẽ cũng đã ngăn được  cái bí mật liên quan đến ông Hope- Browne nữa.
-    Cũng không còm sớm đâu , con gái ạ! – Ông thì thầm. - Bố cũng chuẩn bị đi ngủ đây.
     Thật là một mùa hè  tuyệt vời. Nhưng từ ngày  bố bị thương vì con bò, mọi thứ trở nên tồi tệ. Tôi đi về phòng, muốn khóc mà không thể khóc. Không thể  xua đuổi  ký ức về ông Hope-Browne. Ông ấy sẽ làm gì? Liệu ông có làm gì không? Tại sao ông không trả lời tôi hay ít ra cũng tỏ ra hiểu ý tôi? Việc cảnh báo có lợi gì khi ông không để ý tới?
     Trời đã tối. Cuối cùng tôi mở cửa sổ phòng ngủ và leo ra ngoài. Đây là cái tội nặng lắm và mẹ chắc chắn sẽ không tha thứ. Nhưng sự thứ tha của mẹ, cũng như  sự giận dữ của bà đầu bếp, lúc này  với tôi dường như không quan trọng bằng những chuyện khác.
     Cái kho chứa than dựng sát ngay sau nhà, tôi trượt người lướt trên mái của nó rồi nín thở nhảy xuống. Tôi nghe tiếng kêu của me: “Cái gì thế?”, nhưng tôi bật dậy băng nhanh qua khu vườn chui vào bụi rậm đi vô cánh đồng Tylers trước khi để bà nhìn thấy.  Lối này đi vào thị trấn xa hơn, do đó khi tôi tới được căn lều giảng đạo thì buổi lễ  xám hối đã bắt đầu, Hai cây phong cầm đang chơi phần nhạc đệm và tiếng ông Jones lúc hát lúc la.  Tôi chui vào đám đông đang đứng phía sau lều. Đêm cuối cùng luôn luôn có một đám người thật đông. Tôi cố len vào đến lối đi ở giữa để tìm Galina, nhưng trong cơn hoảng loạn và dưới ánh sáng bập bùng, không thấy cô đâu.
     Ông thầy giảng Jones đang  rên rỉ hát  bằng một giọng  thật sướt mướt và nhiều người trong đám tụ họp ở trong lều lắc lư tới lui theo nhạc. Ông ta trông thật lẫm liệt, mồ hôi trên trán ông đổ ra như suối. Khi ông đưa tay lên, tôi có thể  thấy bộ đồ xám ông mặc phần dưới nách hoen ướt vết mồ hôi thật lớn .
-     Anh chị em!  Đừng cảm thấy xấu hổ ngại ngùng trong tư tưởng. Bọn ma quỷ đã đem sự thèm muốn khao khát  nhét vào trong tim óc ta, thân thể ta. Chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng.
     Tôi đã nhìn thấy Galina. Cô ngồi ngay sát lối đi, gần phía trước, nơi ông ta có thể nắm giữ được cô. Tôi vội vã chen lại gần và cố xô lấn để ngồi cạnh cô. Bỗng nhiên, ông Jones, ông ta xuất hiện trước mặt. nhìn tôi như muốn nghiền nát tôi ra.
-    Cô gái trẻ này, - Ông nói to, tay đặt lên đầu Galina, -  Cô gái dịu dàng này đã đến đây nhiều lần, và tôi đã thấy cô đấu tranh với tội lỗi. Cái tạo vật trẻ trung xinh đẹp này đang ở trên ngưỡng cửa bước vào thân phận người đàn bà, trong tâm hồn cô giờ đầy rẫy những lừa lọc, ham muốn và dối trá.
-     Ra khỏi đây, Galina! Ra khỏi đây đi! – Tôi hối thúc cô.
     Tôi cố chen vào đứng giữa họ, nhưng ông ta  xô mạnh tôi ra về phía lối đi rồi mang thân mình chặn ngang giữa Galina và tôi.
-    Xinh đẹp quá! Càng xinh đẹp càng ẩn giấu nhiều tội ác. Nhưng Chúa rất nhân từ. Chúa biết hết và Người thấu hiểu. Hãy đến với Người… qua tôi.  Hãy tự đặt mình trong lòng Người, chia sẻ những tư tưởng tội lỗi với Người. Hãy để Người lấy đi những ham muốn thấp hèn.
     Galina đứng dậy. Và thật kinh khủng, tôi thấy ông ta  giang tay ra lùa Galina vào trong lòng chiếc áo choàng đỏ của ông. Chắc phải có ai phản đối chứ! Phải có ai đó nói hành vi như thế là sai trái. Nhưng không ai nói hay làm gì hết. Mọi người vẫn ca hát và lắc lư. Cả thị trấn đã điên loạn hết. Chỉ khi nhìn lại, tôi  mới thấy đó không phải là cả thị trấn, và dần dần tôi đã nhận ra rằng  qua suốt hai tuần lễ, những người đàng hoàng tử tế đáng kính trọng đã không còn đến đây. Ông thày giảng Jones đã  đưa vào những buổi lễ xám hối  một lố  trò kỳ quái nào đó, một cái gì chẳng hay ho mà còn bẩn thỉu. Do đó, những người đàng hoàng, những người  có thể ngăn cản nó,  không còn đến đây nữa. Tôi nhìn đám đông và thấy hầu như toàn đàn ông, những người từ quán rượu, những người chẳng thuộc  Anh Giáo, chẳng phải Hệ phái Anh Em. Họ chẳng đạo nghĩa gì. Còn đám đàn bà, ngoại trừ một số rất nhỏ, còn lại  là những người quái dị: cô Durang điên khùng sống một mình ở một nông trại đổ nát không bao giờ tắm rửa, đám đàn bà giặt thuê sống  bừa bãi dọc theo đường rầy, mấy đứa con gái làm trong  xưởng làm dưa, mứt. Gương mặt họ bây giờ trở nên bừng bừng đầy vẻ tham lam thèm khát.
     Cái bộ dạng khoác áo choàng to lớn đi lên phía trên bục, và rồi ông ta đi xuống, bỏ lại Galina đứng một mình, với cặp mắt đen nhánh và sáng rực, cái đầu quay lại và lắc lư theo điệu nhạc.
-     Hãy nhìn, anh chị em! Hãy nhìn cô gái trẻ này. Tôi sẽ cướp lấy cô ta từ tay ma quỷ. Tôi sẽ vắt  sạch tội lỗi ra khỏi thân mình cô. Tôi sẽ xé nát những tư tưởng ham muốn khỏi tâm hồn cô. Tôi sẽ làm cho cô đứng trước mắt anh chị, tâm hồn khép kín lại, dục vọng tiêu tan, trở thành một  bình nước trong sạch, hoàn thiện trước mặt Chúa..
     Ông ta đưa tay lên về phía cô, rồi từ từ hạ xuống chỉ cách cô một vài ly. Rồi ông leo lên đứng trên bục gỗ ngay sát phía sau lưng cô, thân hình chạm vào người cô và vòng tay ôm lấy eo của cô.
-     Hỡi con gái của Eva, đứa con của dòng dõi Ezebel, cô có phạm tội không?
    Galina mỉm cười gật đầu.
-      Cô có sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi chứ?  Hãy thú nhận những tư tưởng dâm dật của cô để đến với Chúa.
     Galina làm y hệt như tôi đã thấy trước đó. Cô đưa tay lên giữ mái tóc và ưỡn  người  ra phía trước. Đoạn cô bắt đầu tháo gỡ từng cây kim cài tóc Có tiếng ồn ào phát ra trong cổ họng nổi lên quanh tôi khi mái tóc cô buông rơi xuống bờ vai. Ông ta, cái ông Jones ghê gớm đó,  ông tới kéo tóc xuống, bàn tay vuốt ve chúng và rồi nâng lên  quanh cô  trải lên người cô như nó là cái áo choàng.
-     Hãy tinh khiết.- Giọng ông khàn đục.-  Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tinh khiết…
     Tôi cố chen ra khỏi lều, nhưng  cái đống người đã bị mê mẩn tâm thần chặn mất lối. Tôi cúi xuống sàn và tìm cách bò  qua những  cặp giò, nhưng chúng di chuyển lên xuống loạn xạ, Có người dẫm cả lên tay tôi
-   Cho tôi ra! Cho tôi ra ngoài! – Tay chân tôi đấm đá lung tung, nhưng lại bị  đẩy lên phía trưóc.
-    Câm miệng!
      Tôi cố không nhìn lên trên bục, nhưng vẫn  thoáng thấy: Galina, với nụ cười đờ đẫn như đang bị thôi miên trên mặt, đã  đưa tay lên cổ và đang  từ từ bật tung hàng nút bộ áo cánh mặc  bên ngoài. Và khi tôi nghĩ  là cái đầu tôi sắp sửa nổ tung, thì như một tiếng vang vọng lại nỗi sợ hãi của riêng mình, tôi nghe một tiếng gào thét khủng khiếp, rồi có một  làn sóng chuyển động trong đám đông, ông Hope-Browne từ trong đó bỗng ào ra, la lối gầm thét và chạy lên tới bục gỗ.
-     Đồ đĩ! – Ông hét lên và rồi đổ sụp xuống khóc lóc ầm ĩ, chát chúa và đau khổ  đến nỗi âm nhạc bị đập tan và sự náo loạn bên trong lều bỗng  ngưng lại. Căn lều tự nhiên yên lặng. Tiếng hát cũng ngừng lại, không còn âm thanh nào khác ngoại trừ tiếng nức nở của ông.  Còn ông Jones, thần tượng bỗng tuột dốc thảm hại đến mức ông biến thành một gã trần tục mình mẩy đầy mồ hôi trong chiếc áo choàng tồi tàn, khom lưng trên người ông Hope-Browne với một cử chỉ lúng túng thừa thãi.
-   Này người anh em, anh điên rồi! – Ông ta quờ quạng một cách vụng về. Ông Hope-Browne  sụt sùi đứng lên, và khi nhìn thấy ông Jones ở phía trên, ông ta đấm mạnh vào bụng ông này. Hope-Browne không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, tuy nhiên có lẽ ông ta đã đánh trúng vào một sợi thần kinh nào đó trên nguời ông Jones làm ông này gập đôi người lại và đưa tay ôm lấy bụng nhăn nhó. Đoạn ông Hope-Browne đứng thẳng người lên, cố mở miệng ra nói với gương mặt chất chứa đầy nỗi đau khổ. Và khi thấy rằng không thể nào mở miệng nói được, ông  khuỵu xuống sàn, rồi lại đứng dậy đi loạng choạng ra lối đi, vừa lấy tay che mắt vừa tiếp tục phát ra những tiếng  sụt sùi. Đám đông ở phía sau giãn ra chừa lối cho ông đi qua, và rồi một sự ngượng ngùng, lúng túng, xấu hổ lan ra khắp đám đông. Họ đâm ra lén lút, tránh nhìn nhau rồi bắt đầu  dạt ra.
     Ông thày giảng đạo và Galina chụm vào  nhau thành một đống lù lù run rẩy đằng sau bục gỗ. Cảnh tượng rất kỳ quái:  căn lều đột nhiên trống trơn, không một giọng nói, không tiếng gọi nhau, không âm nhạc, chỉ nghe tiếng chân người lết đi vội vã, và mọi người biến đi trong sự lo âu chẳng ai dám nhìn ai.
     Tôi cố đi về nhà, nhưng bước ra đến con đường, tôi bắt đầu thấy phát bệnh. Tôi nằm vật xuống đất và có cảm tưởng có một vật trắng  toát khổng lồ đè nặng trong đầu. Tôi đứng dậy, nhưng lại thấy đau nữa. Cơn đau âm ỉ ở  trong bụng  suốt hai tuần qua bắt đầu quặn lên mạnh mẽ đến mức tôi nghĩ  mình không thể bước đi được.
-     Chỉ là cơn mộng dữ, thế thôi, chỉ là  cơn ác mộng. Không phải là sự thật xảy ra.. – Tôi thầm rên rỉ  và cố gắng  bước đi một chút, cố lết hết đoạn đường, có khi phải quỳ xuống bò qua những bậc cấp và khi đau quá thì nằm lăn ra cho cơn đau lắng xuống.
     Sau một hồi khá lâu, tôi bắt đầu thấy lạnh, nhưng cơn đau đã tê cứng lại thành  sự nhức nhối. Tôi lại cố lết thêm một chút nữa. Tiến gần được tới đầu cánh đồng nhà Tylers, cơn đau lại trở lại, nhưng tôi biết đã không còn xa nhà và chẳng còn mấy chốc nữa sẽ có mẹ, có giường nệm êm ấm và thoát ra khỏi cơn mộng khủng khiếp này.
     Có tiếng kêu lẻng kẻng , tiếng xào xạc và rồi tiếng của cái bơm nước lên xuống.-
-     Ivan! – Tôi thì thào.- Ivan, phải anh đó không?
     Từ trong bóng tối, anh ta bối rối xuất hiện với thùng nước trên tay.
-     Ivan, tôi đang muốn bệnh. Anh có thể giúp đưa tôi về nhà không?
     Thật yên tâm vì có anh lúc này. Ngay cả  cái mùi hôi làm Lillian khó chịu của anh cũng tốt, bởi nó gợi tôi nhớ lại những chuyện đơn giản, chuyện hai đứa tôi đánh nhau ở cái bơm nước, chuyện tôi đến trường với Daisy May, chuyện bình thường hàng ngày mà chúng tôi cùng chia sẻ.
-  Tao không thể cõng mày về, Soph! Mày nặng lắm. Muốn tao về  gọi mẹ mày chứ?
-   Cứ giúp tôi bước đi là đủ. Nào đỡ tôi đứng dậy.
     Anh ta kéo tôi đứng dây. Hai đứa nghiêng ngả bước đi. Mỗi lần tôi nghĩ mình sắp xỉu, anh ta lại cổ võ:
-    Ráng lên chút nữa, Sophie! Không còn xa đâu.
     Cuối cùng., anh chui qua hàng rào rồi kéo tôi qua theo. Edwin đang ở trong vườn. Cả nhà đang đi tìm tôi, Edwinnói. Nhưng khi thấy tôi đau bệnh, anh chạy qua một bên xốc tôi lên, hai người dìu tôi vào nhà.  Không ai la mắng. Cái vật trơn tru màu trắng lại trở lại đè xuống trong đầu tôi, gần như làm tôi kiệt sức, nhưng tôi đã về đến nhà, trên giường nệm êm ấm của tôi, và có Lillian, khó chịu và cau có nhưng thật an toàn để cho tôi có thể chống cự lại.  Với chị Lillian bên cạnh, tôi có  thể vượt qua lũ quỷ ám vào buổi tối vừa qua, xua đuổi chúng đi và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
     Tôi không bị phạt, cũng không phải đi tham dự buổi lễ Chúa Nhật hôm sau. Tôi được phép nằm lại trên gường, và trong một tình huống bất ngờ, mẹ đi lên phòng và bảo tôi rằng có lẽ  mọi chuyện đã  là một bài học cho tôi. Đoạn bà đưa cho tôi một số khăn cũ được xếp gọn gàng sạch sẽ và giải thích cho tôi hiểu về  chuyện kinh nguyệt của người phụ nữ.
-     Con có thể ở trên giường nghỉ ngơi, chỉ một hôm nay thôi. – Bà nói. -  Nhưng đừng làm cho mình trở nên vô giá trị.  Tất cả chúng ta phải chấp nhận và làm việc  cho dù cảm thấy không khoẻ lắm. Mọi người đều giống nhau. – Bà ngưng lại và nhìn xuống gương mặt tôi. - Mẹ sẽ lấy cho con vài viên thuốc Aspirin, uống thuốc rồi sẽ ngủ ngon và  ngày mai phải sẵn sàng đi vào nhà xứ làm việc. Với tình trạng của bố, mẹ không có khả năng chăm sóc hai người bệnh một lúc trong nhà. Vậy ráng bình phục càng nhanh càng tốt.
-     Ồ Mẹ! Con hứa, con sẽ khỏi ngay.
     Thật dễ chịu ở trên giường, ấm áp với cái chăn đắp kéo che lên đến tận cằm. Tôi ngủ thật nhiều và đọc lại những cuốn sách ưa thích của tôi. Rồi Edwin mang vào cho tôi một cuốn sách về xe lửa của anh.
-     Ivan có ghé qua. – Anh nói. - Hắn hỏi thăm em có khoẻ lại chưa?
-    Vậy sao? Tốt thế!
     Anh do dự với cuốn sách trên tay một lúc, rồi không nhìn tôi mà hỏi:
-     Chuyện gì đêm qua vậy, Sophie? Em đã đi đâu? Có chuyện gì xảy đến với em? Mẹ thật là lo!
      Bên ngoài ,bầu trời cuối tháng Chín trong và xanh thật đáng yêu. Tôi có thể nhìn thấy hàng cây trong khu rừng  trên ngọn đang bắt đầu đổi  sang màu vàng. Cái vật trắng toát lại bắt đầu đè nặng lên đầu tôi.
-   Em bị đau bụng. – Tôi nói và thấy anh đỏ mặt, trông ngượng ngùng và không có vẻ tự nhiên.
-    Em đi ra cái lều đó phải không? – Anh hỏi.
-    Em không ưa đám  ca giảng đó. Em không bao giờ đi nữa.
     Cơn đau lớn hơn nhưng phẳng lặng hơn. Chính cái vật trắng khổng lồ đó muốn nuốt chửng tôi. Còn tôi, mỗi lần tôi muốn leo ra khỏi nó, tôi lại rơi vào bên  phía bằng phẳng trơn tru  . Bầu trời bên ngoài thật đẹp, nhưng tôi lại bắt đầu khóc.
-    Ồ! Sophie! Anh chỉ hỏi thôi. Anh xin lỗi. Coi nè!  Anh sẽ mang qua một cuốn khác, một cuốn thật lớn có hình màu, nhưng em nhớ không làm quăn góc trang giấy đó.
-    Em hứa.
     Cơn đau giảm dần, và khi anh mang sách qua, nó gần như tan biến.
     Vào buổi chiều, tôi nghe có tiếng của bà King ở dưới lầu. Giọng bà nói oang oang và có vẻ rất khích động. Lâu lâu, tôi lại nghe tiếng mẹ nói gì đó. Rồi cửa sau mở ra và đóng lại. Mặc dù tôi biết có  thêm một người khác cùng trò chuyện nhưng không thể nghe đoán đưọc đó là ai.
     Tôi thức dậy ăn tối. Vì là ngày Chúa Nhật, tôi lại đang bệnh nên được đặc biệt ưu tiên tắm rửa ngay trong phòng. Lillian mang nước lên cho tôi với gương mặt trông hơi tức tối.
-     Cô thấy khoẻ chưa? - Chị hỏi với giọng ganh ghét
-    Đỡ rồi, cám ơn. -  Tôi nói với giọng hơi run nhưng  quả thực cơn đau đã tan và cái vật trắng ám ảnh đè trên đầu đã hoàn toàn biến mất.
     Chị ngưng một chút rồi hỏi với một giọng tò mò:
-  Em có nghĩ là đủ khoẻ để mai vào nhà xứ làm việc đưọc không?
-   Ồ được chứ!  Mẹ đã dạy em biết hết về…chị biết đó. Mẹ bảo là không phải lo lắng quá. Cứ như bình thường và đừng để ý đến  là xong .
-     Thôi được! -  Chị bước ra cửa sổ và táy máy với bức màn cửa. -  Chị nghĩ là em nên biết. - Chị quay qua nhìn tôi , một cái nhìn lạ lùng và tinh quái. -  Mẹ bảo là sẽ không có hỏi em về việc xảy ra đêm qua. Dù là chuyện gì, mẹ bảo, thì em đã bị trừng phạt.  Đó là tất cả em cần biết về cái chu kỳ kinh nguyệt. Đó là sự trừng phạt muôn đời cho đàn bà về tội nguyên thủy.
-     Tội nguyên thủy gì?
-     Tội  trong vườn địa đàng. Và cả những gì em làm đêm qua, cả việc  không vâng lời mẹ trốn ra căn lều  cũng có phần trong đó. Nhưng dù sao bố mẹ nói sẽ không hỏi chuyện ấy nữa.
     Chị chờ đợi trong sự tò mò, nhưng tôi chỉ dùng khăn vỗ nước trong bồn vào mặt  và không trả lời.
-     Nhưng nếu mai em vào nhà xứ đi  làm, em nên biết.
-     Biết cái gì?
-     Ông Hope-Browne đang bệnh rất nặng.
     Cái vật trắng ám ảnh không  trở lại nhưng hai chân tôi bỗng trở nên  yếu ớt, tôi ngồi xuống mép giường.
-     Có chuyện gì với ông?
-   Tao không biết. - Chị thoái thác. - Chỉ biết ông ốm nặng lắm. Người ta phải mời bác sĩ đến và  phải gửi điện tín về cho cha mẹ ông ở Hampshire.
-  Vậy không biết nhà xứ có cần em tới làm không? Nếu chuyện xảy ra thế, chắc họ không muốn em đến .
    Tôi không muốn đi làm. Chẳng phải lỗi tại tôi mà ông ta ốm nặng, nhưng bố mẹ có lẽ nghĩ là lỗi ở tôi.
-     Chuyện gì làm ông ta ốm?
-     Chị không biết. - Chị nói nhưng tôi biết chị đang nói dối. -  Nhưng chắc chắn họ cần em ở đó. Họ bận rộn hơn với việc ông Hope-Browne ốm. Bà Puddingoyle đã  đặc biệt gửi tin nhắn em ngày mai  đến làm.
-   Em biết rồi.  Chị Lillian nè! Cái đám Du Ca Giảng Đạo đã dọn đi chưa?
-     Khi chị trở về từ lớp học Thánh Kinh thấy họ đang hạ lều xuống.
-     Nhưng họ đã đi chưa?
-     Chưa!
      Chị bước qua đứng ngay đầu giường và nói hơi giận dỗi:
-   Nhưng chị nghĩ nếu em biết chuyện gì tốt cho mình thì em đã  tránh xa bọn họ. Đó là nơi gây ra mọi phiền phức phải không?
-     Em sẽ tránh xa bọn họ. Giờ em chỉ muốn bọn họ đi khỏi đây, vậy thôi!
     Tôi cảm thấy như chị đang sắp hỏi tôi mọi chuyện, nhưng cửa phòng dưới lầu mở ra và có tiếng mẹ gọi xuống ăn cơm. Khi tôi bước vào nhà bếp, bầu không khí thật lạ. Có mặt bà King ở đó, mọi người  cố ra vẻ như bình thường và không nói về việc trốn nhà của tôi hay chuyện ốm đau của ông Hope-Browne. Một đôi lần trong bữa ăn căng thẳng đó, tôi cảm thấy một gánh nặng tội lỗi đè trên người tôi, và mỗi khi điều này xảy ra cơn đau ở đầu và bụng trở lại. Tôi không hoàn toàn hiểu rõ lỗi của tôi như thế nào, nhưng tôi ước gì mình đã không nói với ông Hope-Browne về Galina  đi đến lều xám hối. Tôi cố nghĩ thử chuyện gì  sẽ đến nếu tôi đã không làm gì, không đến báo  với ông Hope-Browne, không đi đến chỗ ghê tởm  đó.
-     Con bé nó đang sắp xỉu rồi kìa, bà Willoughby!
     Mẹ đến kéo đầu tôi xuống giữa hai đầu gối tôi và sau một lúc những hình ảnh lờ mờ  trong trí tôi tan biến.
-    Sophie đi lên phòng ngủ đi!
     Tôi bỗng nhiên sợ phải đi lên phòng.  Chuyện xảy ra đêm qua bây giờ lờ mờ trong trí óc: những cái bóng mờ nhạt chập chờn  dưới ánh lửa  bập bùng trong lều, ông Hope-Browne  nức nở khóc lóc và ai đó đạp lên tay tôi. Tôi không muốn lên lầu, không muốn ở lại một mình.
-     Để cho nó ngồi lại với tôi, mình à! - Bố nói. -  Khi cả nhà đi dự lễ, hai bố con tôi sẽ ngồi yên với nhau. - Có vài chuyện không hay lắm phải không Sophie?
    Buổi tối hôm đó là một trong những tối ấm cúng nhất trong thời  thơ ấu của tôi. Quả thực tôi nghĩ đó là đêm cuối cùng của cái thời thơ ấu ấy của tôi. Mẹ và Edwin đã kéo ghế salông lại để nó ở ngay trước mặt lò sưởi cho bố và tôi cùng ngồi. Khi trời đã tối, bố con tôi không đốt đèn mà lại cùng ngồi nhìn căn phòng mờ ảo chập chờn trong ánh lửa than trong lò. Lần đầu tiên kể từ hôm xảy ra tai nạn, bố có vẻ khá hơn. Khuôn mặt của bố đã hồng hào hơn, và mặc dù chân ông vẫn phải duỗi thẳng trên ghế, những nẹp bó chỗ gãy đã được tháo bỏ và tôi thấy mắt cá chân ông đã mạnh mẽ hơn. Ông kể tôi nghe những chuyện cổ mà tôi yêu thích, không phải những chuyện trong Thánh Kinh, mà là chuyện ông nội tôi có thể vác những bao khoai tây nặng cả trăm ký khi ông còn trẻ, và ông bà nội đã có với nhau đến mười một đứa con mà không đứa nào chết yểu ra sao, và có một người đã di dân qua Australia , không bao giờ nghe nói đến nữa.
-    Bố có nghĩ là chú ấy đã có cả núi tài sản không bố?
-   Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, con gái ạ! Nếu có một ngày chú ấy về lại đây trên một chiếc xe ngựa và cái nón trên đầu bằng loại lụa sang trọng, và rồi  mang cả nhà chúng ta đi qua đó để lập ra những nông trại nuôi trừu.
-   Bố ơi! Khi con lớn lên, con sẽ làm việc thật siêng năng. Con sẽ là quản gia cho một gia  đình thật giàu có và rồi bố đến ở với con và con chăm sóc cho bố.
-  Bố mong đến ngày đó. – Ông điềm tĩnh nói. – Còn mấy đứa khác thì sao?
 -   Dạ! Con hy vọng Edwin lúc đó sẽ làm trưởng ga xe lửa, và chúng ta sẽ có thể có những chuyến đi xe lửa  vui vẻ đến những nơi chốn tuyệt vời như Luân Đôn hay qua xứ Wales hoàn toàn miễn phí. Chị Lillian sẽ làm chủ tiệm may của chị , và dĩ nhiên mẹ  sẽ muốn ở với chị và cả nhà mình ai cũng hạnh phúc.
-   Ừ! Bố cũng mong thế. – Ông nghiêm trang nói. – Nhưng  chúng ta cũng nên ở chung với nhau lâu hơn một chút chứ. Cả nhà chúng ta phải không?
     Ở đó, một mình với bố, tôi không nghĩ đến ai khác. Mẹ thực ra không tệ lắm. Và nếu chị Lillian là đứa ưa thích của bà, thì cũng công bằng thôi, bởi ở đây, tôi  có bố, chỉ hai bố con. Tôi đi làm một bình ca cao và hai bố con ngồi nhìn ánh lửa, uống ly ca cao nóng hổi thơm lừng, lắng nghe tiếng cú kêu bên ngoài và xa xa tiếng chồn sủa. Sau một buổi tối êm đềm như thế này, tôi có thể chịu đựng bất cứ chuyện gì.
 
                                                 (Xem tiếp chương 8)


No comments: