Trôi theo mùa hè_11


                                                          Chương 11

                       Bất hạnh, trái ngang

      Mất một quãng thời gian trước khi bà Fawcett mới nhận ra là, quả thực bà không ưa con nhỏ Daisy May chút nào.
     Có lúc bà  đã thấy mình khá nhân hậu với cô. Khi ấy, con bé là một đứa trẻ mồ côi, một đứa con trong một gia đình  có cha mẹ tệ bạc, không có ai đoái hoài đến, ngoại trừ bà Willoughby, người thực ra cũng không quen biết cô bé lâu hơn bất cứ ai trong làng, và chính bà  Fawcett là người đã hành xử như một tín hữu ngoan đạo. Chính bà đã cung cấp cho con bé có nơi ăn chốn ở, và một tương lai.
     Khoảng một hay hai năm đầu, ít khi bà gặp cô bé. Khi bước chân đến Nhà Trắng, Daisy May được cho một chỗ ở trong một gác xếp nhỏ ngay sát dưới mái và được giao phó cho bà Bramble, người đầu bếp trong nhà cai quản. Cô bé  được dạy phải giữ phòng ngủ cho ngăn nắp,  thân thể, áo quần sạch sẽ và phải phụ giúp bà Bramble trong  việc bếp  núc sau giờ học. Bà Fawcettt có cung cấp cho cô một bộ đồ nỉ cho mùa đông và một bộ đồ vải cho mùa hè. Hai áo khoác đến trường  được cấp phát  từ  thùng đồ từ thiện của nhà xứ cùng với giày vớ và quần áo lót. Về quần áo mặc đi tham dự lễ  ngày Chúa Nhật, bà Willoughby đã cho cô. Như vậy đã tiết kiệm được khoản  này.
     Daisy May  tỏ ra trầm lặng và ngoan ngoãn. Bà đầu bếp không có gì phiền trách cả.  Cô là một cô gái nhỏ nhưng làm việc rất siêng năng. Nói chung, bà Fawcett ít khi nào nhìn thấy cô, bởi cô  luôn lặng lẽ  lên xuống  giữa cái mái nhà và  nhà bếp  với cử động nhút nhát như chuột. Bà Fawcett đã  từng nghiệm  ra rằng những người có  tính nhút nhát như thế thường đi đôi với các cư xử  tốt đẹp mà không đòi hỏi nhiều tiện ích riêng cho cá nhân họ.
     Vào một thời điểm nào đó, bà không chắc lắm, Daisy May đã hoàn toàn vĩnh biệt nhà trường và bà gặp cô khá thường xuyên hơn. Bà  có thấy cô mỗi buổi sáng ở nhà bếp  khi bà đi vào trao đổi ý kiến  với bà bếp về các bữa ăn trong ngày.
      Lần đầu tiên sự có mặt của con bé thực sự đập vào mắt bà Fawcett khi bà đầu bếp để  dầu mỡ sôi trào xuống lò và Daisy May  đang quỳ dưới sàn, tay áo xắn lên  để lau chùi bên trong bếp lò. Bà  Fawcett đang dặn dò bà đầu bếp nên làm gì với phần  sườn trừu còn dư lại. Bà mơ hồ  chú ý  thấy sao con bé này làm công việc dơ dáy thế mà áo quần nó  vẫn sạch bong. Đầu tóc cô bóng bẩy. Làn da trắng hồng  mịn màng càng tươi mát hơn  dưới cử chỉ điềm tĩnh trên nét mặt của cô, điều ít khi thấy ở một ngươì còn trẻ trung như thế. Quần áo và tạp dề trên người không một vết dơ, mặc dù  công việc  dơ dáy đang làm, một ít nước dơ hay dầu mỡ có dính vào cũng  được thông cảm.
     Khi bà mới bước vào bếp, cô đứng dậy cúi đầu chào lễ phép, rồi quỳ xuống tiếp tục công việc. Bà Fawcett không thể phiền trách, nhưng có điều gì đó từ trong cái ngăn nắp, gọn gàng ấy chọc tức bà.  Không mạnh mẽ lắm, nhưng đủ để trước khi bà rời  nhà bếp, bà nói:
-      Daisy May! Ta mong cô  không ở đó mà dềnh dàng. Nên nhớ là cô ở đây phụ giúp bà bếp cho hữu hiệu.
     Daisy May lại  cúi đầu và nói:
-    Thưa bà vâng ạ!  - Rồi cô lại cúi xuống tiếp tục kỳ cọ lau chùi. Bà Fawcett  rời bếp  và bỗng thấy tóc tai mình không được gọn ghẽ như thường lệ.
     Vài tuần lễ sau đó, bà lại chạm trán khi cô rời nhà sau bữa ăn trưa  trong một buổi chiều ngày Chúa Nhật được nghỉ làm để thăm viếng gia đình Willoughbys. Một lần nữa, trông cô hoàn toàn tươi trẻ. Tóc cô bóng loáng như vừa mới gội.  Cái ren cô gắn thêm vào chiếc áo ngày Chúa Nhật làm nổi bật khuôn mặt nghiêm trang và sáng rỡ.  Cô đội trên đầu cái mũ mầu xanh đậm, tay cầm cuốn Thánh Kinh. Bọn người làm việc trong nhà  luôn luôn đi về bằng cái cổng  nhà bếp, băng ngang qua khu vườn trồng rau để ra đường và vì thế không bao giờ gặp những người đang ở trong nhà. Nhưng hôm ấy bà Fawcett đi kiểm soát những luống dâu của bà . Thấy cô bé đi ra bà chận lại.
-      Daisy May!
-    Dạ, thưa  bà! – Cô quay lại và bước dọc theo lối đi xuống những luống dâu.  Đã gọi cô lại rồi, nhưng bà chưa  nghĩ ra nên nói gì.
-     Cô đã làm xong nhiệm vụ chưa?
-     Thưa bà đã xong.
-     Chén đĩa bữa trưa đã rửa  chưa và  trà nước cho buổi điểm tâm chiều đã chuẩn bị sẵn sàng chứ?
-     Dạ đã xong hết.
      Bỗng nhiên bà  bắt gặp một mùi thơm thoang thoảng  mà bà không chắc đó có phải mùi hương từ những luống dâu của bà hay không.
-    Lại gần  đây coi!
     Daisy lết tới gần.
-     Cô có xức dầu thơm phải không?
-     Dạ có dùng một chút nước  hoa nhẹ, thưa bà!  Đó là quà Giáng Sinh của ông bà Willoughbys cho cháu. -  Một ít sắc hồng ửng lên  trên cổ. -  Cháu chỉ dùng một chút vào Chúa Nhật thôi thưa bà!
      Cái đỏ bừng trên mặt cô làm bà hả dạ một cách vô lý: Hài lòng vì đã làm cho cô bối rối.
-     Ta không chấp nhận người làm trong nhà  xài dầu thơm, Daisy May nghe rõ chứ?
-     Dạ thưa bà!
-     Nhưng do bởi người  thân  cô cho, ta không muốn nói gì. Nhớ  tắm gội cho sạch mùi trước khi lên giường tối nay.
-     Dạ thưa bà. - Mặt  cô càng đỏ hơn.
-     Cô có thể đi được rồi.
     Bà nhìn theo cô bước đi giữa những hàng đậu. Một đứa con gái nhỏ nhắn, dường như trong mấy năm qua, cô bé chẳng cao lớn lên được bao nhiêu, nhưng với bờ vai thẳng băng, với bước đi gọn gàng, bà Fawcett thấy trong người nổi lên một làn sóng tức bực vì đã  để cho cô ở lại trong hệ phái Anh Em. Đáng lẽ bà phải quyết tâm buộc cô  trực thuộc vào giáo hội  Anh Giáo như những  người hầu khác. Việc nhượng bộ cho cô có những buổi chiều  Chúa Nhật với gia đình Willoughbys rõ ràng  cho con bé có phần tự do nào đó làm bà cực kỳ phẫn nộ.
      Sự việc xem ra thật tầm thường nhỏ bé, nhưng bà thấy nó cứ  tiếp tục làm bà bứt rứt, cứ ám ảnh trong đầu vào những lúc không bận rộn với trạng thái  rõ ràng là  không thoải mái. Nó trở nên không hợp lý đến nỗi cứ mỗi khi  thấy cô rời nhà để đến với gia đình Willoughbys vào mỗi Chúa Nhật cách tuần là bà thấy bực bội nguyên ngày hôm đó.
     Đôi khi bà cũng tự hỏi sao bà  đã không chỉ việc đưa ra một mệnh lệnh buộc con bé phải tham dự vào ban Thánh Ca như những đầy tớ khác?  Nhưng là một người tự hào là một tín đồ ngoan đạo luôn coi trọng lời hứa.  Trước những ngày nhận Daisy May vào nhà, bà đã long trọng hứa với bà Willoughby rằng cứ mỗi Chúa Nhật cách tuần, con bé thuộc về gia đình Willoughbys và giáo hội Anh Em.
     Bà đã có cơ hội đặt lại vấn đề khi bà Willoughby xin gặp bà để bàn về việc cho Sophie vào làm việc trong Nhà Trắng.
     Bà Willoughby vào phòng khách riêng của bà  mang theo một đứa con gái mười bốn tuổi  tóc tai luộm thuộm  bó thành một búi ở trên cổ. Bà mời bà Willoughby ngồi, con bé đứng trên một chân, trông hơi bực bội sốt  ruột.
     -     Vậy đây là con gái út của bà . – Bà Fawcett lấy giọng khả ái nói.- Không biết bà đã rời việc   nhà này bao lâu rồi nhỉ?
-     Mười chín năm thưa bà!
-     Gia đình mạnh khoẻ cả chứ?
-     Ồ vâng thưa bà! Ông nhà tôi  thì cũng đại khái  tàm tạm, từ sau cái tai nạn hôm ấy như bà cũng đã biết. Thằng con trai tôi   đi làm  cho hoả xa  ở Ba Cầu. Còn Lillian đứa con gái lớn đã học nghề gần xong với cô Clark.
-     Bây giờ bà muốn Sophie đến đây học việc?
-     Nếu  có chỗ trống thưa bà! Tôi có nghe là Meg Lenkins đã thôi việc, nên nghĩ là bà có thể có chỗ trống cho Sophie. – Ngưng lại một chút, rồi bà nói tiếp,-  Tôi hy vọng nó đưọc làm ở trên nhà, không phải trong  nhà bếp.
-     Ừ…Được…Để tôi coi. Có thể  tìm một chỗ cho cô . Con bé còn trẻ , cần phải được huấn luyện..
-     Công việc trong nhà nó khá rành rẽ, thưa bà! Tôi biết điều ấy. Con nhỏ biết cách làm  việc sao cho đúng.
-    Tôi biết. -  Bà Fawcett cắn chặt làn môi mỏng nhìn Sophie đăm đăm. Con bé có khuôn mặt khá sáng sủa, thông minh, không  xinh đẹp nhưng thông minh. Nó khá sạch sẽ,nhưng hơi luộm thuộm. Một bên vớ hơi nhăn nhúm và tóc tai cần lưu ý.
-     Con bé có đồng phục để làm việc chưa?
-   Dạ  có rồi thưa bà! Con chị nó đã may vá đầy đủ  cho nó. Cô gái lớn của tôi, Lillian đó, nó đang học nghề…
-   À! Tôi biết, bà đã nói rồi. Được, tôi  nghĩ  chúng tôi sẽ nhận nó vào làm thử trong sáu tháng,  Dĩ nhiên là phải ngủ  lại.
-    Dạ dĩ nhiên.
-     Tôi sẽ trả lương khởi đầu với giá mười lăm bảng một năm. Sau đó tuỳ khả năng của nó.
-     Cám ơn bà. – Bà quay sang Sophie và ra dấu cho cô bé. Cô cúi đầu và nói lời cám ơn với bà Fawcett. Bà  gửi lại cô một nụ cười thân thiện. Con nhỏ đúng là mẫu người  giúp việc trong nhà bà ưa thích: mạnh khoẻ, sạch sẽ,  có xuất thân  hoàn hảo, và chắc chắn cần mài dũa ở nhiều khía cạnh. Điều gì chứ chuyện gọt dũa cho nên người, bà là số một.
-   Nhân tiện có bà đây, bà Willoughby à! Tôi muốn đưa vấn đề  con bé  nhà Bashinskeys ra nói.
     Bà Willoughby hơi có vẻ rối trí:
-    Cô bé làm bà hài lòng chứ thưa bà ? Cô bé tính tình tốt lắm mà, trầm lặng, sạch sẽ ngăn nắp cư xử khéo léo đến nỗi tôi không thể hình dung  làm sao nó có thể gây phiền toái.
-     Không có chuyện gì cả, ngoại trừ đôi khi trong  một vài hành vi. Con bé không đủ…lễ độ như  tôi mong muốn.  Mặc dù rất thông cảm  với bà về ngày Chúa Nhật nghỉ việc của nó, tôi vẫn cảm thấy là tốt hơn nó phải đi nhà thờ chung với những người giúp việc khác.
     Bà Willoughby không nói gì. Bà ta nói tiếp:
-     Một vấn đề là, mỗi chiều Chúa Nhật ở đây đều có lớp học Thánh Kinh cho  các cô gái.  Những ngày Chúa Nhật ở lại nhà, dĩ nhiên  Daisy May phải tham dự. Điều đáng tiếc là mỗi chiều Chúa Nhật nghỉ làm, nó lại không có mặt ở lớp.
-     Nhưng nó cũng  có dự lớp Thánh Kinh  ở sảnh đường chúng tôi mà.
-     Đúng vậy! Và đây là điều tôi đang muốn nói đến. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu ta để cho nó  thực thi công việc thờ phượng ở một nơì thôi.
     Gương mặt của bà Willoughby biểu lộ một  sự lịch sự   nhưng thật cương quyết. Bà Fawcett nhận ra ngay cái biểu lộ ấy. Bà đã từng thấy trên gương mặt của những nguời Phản Thệ trong làng.
-     Việc này, tôi phải về bàn lại với chồng tôi. – Bà nói  với giọng hững hờ. Họ luôn luôn nói thế.  Những người đàn bà ở trong giáo phái này , họ đều cứng cỏi và quả quyết như bất cứ người đàn ông nào, nhưng khi cần họ cho biết về một quyết định nào đó, họ luôn luôn giả vờ như những kẻ mềm yếu phải chờ thẩm quyền  của phái nam. Bà Fawcett cảm thấy tức tối.
-     Tôi thực sự không thấy ông  nhà bà có liên quan gì tới chuyện này. Đây là nhà của Daisy May . Nó ở dưới quyền chăm sóc của tôi với đầy đủ sự cho phép của cha xứ và của hội đồng giáo xứ. Gia đình tôi có trách nhiệm cả về vật chất và tinh thần của nó.
     Bà Willoughby ngồi thật ngay ngắn trên ghế:
-    Đúng như vậy thưa bà! Tuy nhiên, bà cũng nên biết , khi mẹ con bé qua đời, bà ấy đã tin tưởng giao phó cho tôi trách nhiệm nhìn thấy nó nên người. Chúng tôi không có khả năng nuôi dưỡng, nhưng chúng tôi luôn luôn muốn  làm mọi điều đúng đắn cho nó.  Và tôi không nghĩ rằng, việc thay ngựa giữa giòng như bà muốn, xin lỗi bà tôi phải nói thẳng, là  việc làm đúng đắn.
     Bà Fawcett thấy nóng mũi:
-   Đương nhiên, lẽ ra  ngay từ đầu tôi không nên nhượng bộ. Lẽ ra  tôi phải bắt nó vào nhà thờ ngay từ ngày thứ nhất đến ở đây.
-    Và đương nhiên, - Bà Willoughby cướp lời như là không nghe thấy bà Fawcett nói. -  Mẹ của Daisy là một tín đồ của Quaker thì tôi nghĩ việc lựa chọn hình thức thờ phượng  của nó phải theo hướng niềm tin của mẹ nó hơn là của nhà thờ (Anh Giáo).
     Có một sự im lặng  lạnh lùng trong phòng  khi  đối thoại của hai người đàn bà đi đến chỗ bế tắc. Bà Fawcett không muốn dùng vị trí quyền hạn của mình để gây sức ép, còn bà Willoughby cũng không  sẵn sàng chịu  áp lực, ngay cả với sự kiện là con gái bà vừa mới được  nhận vào làm. Đôi mắt của Sophie cứ đảo qua đảo lại từ bên này sang bên kia, sự chú tâm của cô vào cuộc đấu dâng cao và cô mong mẹ cô sẽ thắng.
-     Riêng tôi. – Bà Willoughby điềm tĩnh nói. -  Tôi nghĩ là tình trạng hiện tại  đã quá  sòng phẳng. Con bé dự lớp của bà một tuần, dự lớp của  chúng tôi một tuần. Khi  nó đủ khôn lớn, nó sẽ tự chọn cho mình nơi nào nó muốn.
      Lại một hồi im lặng khi bà Fawcett chờ  bà Willoughby nhượng bộ một cách vô ích. Nhưng bà biết bà kia sẽ không bao giờ nhượng bộ và bà bỗng nhiên  nhận ra mình thật ngu ngốc khi cứ tiếp tục  cuộc  đấu tranh cho linh hồn của một đứa đầy tớ tầm thường không quan trọng. Ba năm trước bà đã  có lời hứa với bà Willoughby. Bây giờ bà  vi phạm lời hứa ấy thì chính bà sẽ bị mất mặt.
-    Đành chiều ý bà thôi, bà Willoughby! – Bà ta lạnh lùng nói, và đứng dậy ra dấu buổi phỏng vấn đã kết thúc
-   Ồ! Chúng ta chưa thảo luận về ngày nghỉ của Sophie. – Bà Willoughby nói trên đường ra cửa.
-      Cách mỗi Chúa Nhật, và thêm một buổi tối cũng cách mỗi tuần. Tôi cũng mong cô bé trở lại trước chín giờ tối trong những ngày nghỉ. – Bà đã tính trong đầu là sẽ  cho Sophie mỗi tuần nghỉ một buổi, nhưng thái độ của bà mẹ cô đáng bị trừng phạt.
-     Vậy cũng được. Bà muốn khi nào cháu nó khởi sự làm việc?
-     Bà có thể mang đồ đạc của nó  tới vào chiều thứ Bảy.
     Bà thấy hài lòng khi nhìn gương mặt của Sophie xụ xuống đầy vẻ chán nản. Bà thấy sắp đặt cho cô ta như vậy thật tuyệt. Dù gì, chính mẹ nó là người  đã gây ra sự phiền hà đáng tiếc đó.
    Cũng thật lạ, chỉ sau vài ngày, bà không còn thấy mối ác cảm với bọn nhà Willoughbys nữa. Mọi sự phẫn nộ về việc này đều trút lên đầu con bé Daisy May. Dẫu sao mọi sai trái cũng tại nó.
     Thêm một cái giường sắt nữa được đưa lên căn gác xếp trên mái. Sophie đến vào chiều thứ Bảy, có bố đi theo mang rương cho cô. Ông bước vào nhà bếp, đưa nó lên bốn dãy cầu thang. Khi trở lại, ông chào bà bếp, nháy mắt với Sophie và ra về. Sophie đứng nhìn với sự thất vọng. Cô bắt đầu vào làm việc sau Daisy May ba năm.
     Dù cảm thấy chán nản với vị thế mới, cô bé nhanh chóng nhận ra, so với Daisy May, cô chẳng có gì đáng phàn nàn. Daisy May có thời gian kinh nghiệm trong công việc. Điều này đáng lý phải được thể hiện ở một vài lối đối xử nhỏ nhặt nhưng rất rõ ràng:  được lấy cơm trước trong bữa ăn, được phép lâu lâu đi ra khỏi nhà trong  phút chốc dù không phải ngày nghỉ. Nhưng  ngày càng trở nên rõ ràng là Daisy May chẳng có những ân huệ ấy. Vẫn là một đứa trẻ mồ côi sống nhờ lòng thương hại,  chờ để mọi người sai vặt vào bất cứ  công việc gì họ làm không kịp. Sophie, lúc đầu còn ngạc nhiên, mau chóng  thành bực bội cho Daisy May, và cuối cùng  bùng lên cơn thịnh nộ khi khám phá ra cô bé không hề được trả  tiền công.
-     Làm sao bà ta có thể. -  Cô bé rít lên giận dữ. -  Sao bà ta thuê mướn cô làm mà không trả một cắc bạc nào?  Tớ sẽ nói với mẹ và với bố. Thế nào ông cũng phải làm gì đó cho việc này. Sao bà ta dám làm thế! Trong khi tớ đã được trả mười lăm bảng một năm  mà còn chưa được huấn nghệ để làm một công việc  nào.
-     Sophie! Mong bồ đừng nói  cho ai biết chuyện này. – Daisy May cương quyết nói. -  Tớ đã tính toán theo ý tớ. Bà ta đã cho ăn ở miễn phí trong hai năm khi tớ còn đi học. Tớ sẽ làm không công cho bà ấy thêm hai năm nữa để trả nợ. Sau đó tớ sẽ xin bà  trả lương.
-   Như vậy đâu có công bình. – Sophie la lên. -    khi bồ còn đi học, bồ cũng đã làm bao việc cho bà ấy. Vả lại, bà ấy cho bồ gì nào ngoài một ít thức ăn thừa và  vài  mảnh tạp dề để làm việc? Ý của tớ là rồi bồ làm sao sống?  Tiền đâu cô bỏ nhà thờ mỗi Chúa Nhật và mua sắm những đồ cần yếu cho con gái?
-     Bà Bramble sẽ cho bà Fawcett biết  khi  nào tớ cần  vớ mới hay cần sửa chữa giày dép. Bà ấy cũng bỏ ít đồ đạc  tớ cần vào hộp làm quà Giáng Sinh cho tớ. Ngoài ra tớ cũng làm hết mọi việc giặt giũ và may vá cho bà Bramble và bà trả tớ ít tiền đủ cho tiền  cúng nhà thờ và có dư lại một chút để tiết kiệm.
-    Thật là! Tớ sẽ bảo mẹ. Bà sẽ  đưa  bồ ra khỏi đây tìm cho bồ  chỗ khác.  Như thế này là không được. Không đúng tí nào cả!
-    Làm ơn đừng cho ai biết đi Sophie! – Daisy May  nói bằng một giọng  thật quả quyết. -  Tớ đã  suy nghĩ nhiều về điều tớ sẽ làm. Tớ không muốn bỏ chỗ này. Đây là chỗ tốt nhất trong làng để học việc. Mẹ bồ biết điều đó mà. Vì vậy bà mới đưa bồ vào đây làm.  Đồ ăn ở đây cũng rất khá. Hãy coi  những gì mấy người làm  được ăn ở Borer hay ở nhà xứ mà coi.
-     Bồ có thể có thiếu gì chỗ tốt như thế này ở nơi khác Daisy! Có lẽ làng này không có, nhưng trên phía Edenbridge kìa, thiếu gì  những nhà giàu ở đó.
-     Nhưng tớ không muốn bỏ làng này mà đi. -  Có sự  thiết tha tuyệt vọng trong giọng nói của cô bé. Từ kinh nghiệm đã qua, cô biết sự thành tâm và cương quyết của Sophie, một khi đã đi vào đầu thì khó mà ngăn cản nổi. - Tớ yêu cái làng này và không bao giờ muốn rời xa nó.
    Sophie trố mắt kinh ngạc:
-     Ở lại đây suốt đời? Không đi đâu  hay không làm gì khác  hứng thú hơn. Ồ tớ chỉ mong có cơ hội. Phải chi tớ là con trai, tớ sẽ  ra làm ở sở hoả xa giống như anh Edwin. Thử nghĩ đến những nơi chốn khắp nơi anh sẽ đi.
-     Tớ đã đi đủ rồi. – Daisy May vắn tắt nói. -  Cái tớ muốn trong suốt quãng đời còn lại là ở yên một nơi, có một mái nhà xinh xắn trên đầu với một mảnh vườn và các bạn bè họp mặt trong các ngày lễ Chúa Nhật, một con chó , một con mèo, ít đồ sứ và mọi người biết tớ là ai khi tớ đi vào tiệm mua sắm. Và khi   chết, tớ mong được chôn trong nghĩa trang nhà thờ bên cạnh mẹ tớ. – Cô nhìn Sophie mỉm cười trong khi cô này ra vẻ bối rối và hơi có sắc giận. - Bồ chẳng bao giờ thực sự hiểu được, Sophie à! Bởi vì bồ đã có tất cả những cái tớ mơ ước muốn có. Bồ luôn luôn có nên bồ không thấy chúng có nghĩa lý gì. Nhưng  đó là vì sao tớ muốn ở lại đây, trong căn nhà này, mặc dù tớ biết bà Fawcett không ưa tớ. Nếu tớ  ở đây, tớ đã có một vị trí trong làng này và sẽ có ngày người trong làng quên đi chuyện của bố tớ và – cô nuốt nước miếng một cách khó khăn. – và của Galina.  Tớ sẽ thành Daisy May Barshinskey của  nhà Fawcett.
     Cô thật quyết liệt. Không có lời khuyên bảo nào của Sophie có thể lay chuyển được cô.  Hầu như mọi nơi mọi việc, cô đều làm theo ý của Sophie, nhưng khi đã quyết định chuyện gì, cô không  chịu khuất phục.
     Làm việc không lương thêm  hai năm như ý cô nói, và rồi một buổi sáng, cô xin được nói chuyện với bà Fawcett khi bà sắp rời nhà bếp.
-     À, chuyện gì thế, Daisy May. Ta nghĩ là bất cứ chuyện gì thì cô cũng có thể nói trước mặt bà Bramble được mà.
-     Dạ thưa bà, là chuyện riêng.
-    Vô lý!  Làm gì có chuyện gì của cô mà nó là riêng tư ở đây được? Chuyện cô muốn là gi vậy? Ta không có cả buổi sáng để tán gẫu trong bếp đâu.
-     Xin vui lòng thưa bà! Tôi đã mười lăm tuổi rồi.
-     Điều đó ta biết mà Daisy!
-     Bà rất là tử tế cho phép tôi ăn ở đây trong  thời gian hai năm tôi còn đi học. Khi rời trường , tôi đã mười ba và đã làm việc toàn thời cho tới giờ là hai năm  và tôi xin phép được hỏi: thưa bà,  đã đến lúc bà cứu xét đến việc trả lương cho tôi chưa ạ?
    Gương mặt của bà Fawcett từ từ đỏ bừng lên. Bà ném những tia nhìn giận dữ về phía bà Bramble khi bà này ra vẻ hứng thú với câu chuyện, nhưng thấu hiểu cái nhìn giận dữ ấy, bà  biến nhanh vào trong phòng giặt giũ.
-     Ta không hiểu cô lắm Daisy May! Ta cứ nghĩ đây là  nhà của cô.
-    Ồ không thưa bà! – Daisy May lễ phép trả lời. – Bà đã rất tốt cho phép tôi vào ở khi tôi  không có chỗ để đi, nhưng đây không phải nhà tôi. Nhà là nơi chúng ta sống chung với những người thân thuộc phải không ạ?
-     Tôi không được biết là cô còn bất cứ người thân nào để sống với.      
     Bà Fawcett lạnh lùng nói và cảm thấy hài lòng  thấy cô ngập ngừng do dự.
-     Đúng vậy thưa bà! Nhưng đồng thời tôi cũng tự hỏi  xin bà có thể coi lại vấn đề trả lương cho tôi giống như những người giúp việc khác.
-     Ta sẽ coi lại vấn đề. – Bà Fawcett  lấy lại oai phong nói khi bước ra cửa. Trước khi bỏ đi bà còn nghe tiếng cám ơn lễ phép của cô bé. Bà chắc sẽ còn thoả mãn vô cùng nếu bà đã nhìn thấy, sau khi bà rời khỏi phòng, Daisy May dựa lưng vào bàn  để giữ thăng bằng cho đôi chân đang run bần bật. Bà không ưa con nhỏ, nhưng thật tình mà nói, vấn đề lương lậu của nó bà quên khuấy đi mất. Khi bà cho nó một nơi chỗ trú ngụ, bà không nghĩ gì về nó nữa. Dù là một người đàn bà tâm địa  hẹp hòi, bà không phải là người hà tiện. Bà tức giận ở chỗ phải để cho con bé chỉ ra cái sai sót của một chủ nhân như bà.  Không chịu được cái việc bà phải chờ Daisy May yêu cầu   bà trả lương cho cô, bà gọi bà đầu bếp đến.
-     Bà bếp này, bà có thấy con Daisy May được việc không?
-     Rất được, thưa bà!  Cô ấy tuy nhỏ bé nhưng  chịu khó và có khả năng. Cô ta sẽ thành một đầu bếp giỏi. Tôi dạy cô thật dễ thưa bà. Thật vui thích khi huấn luyện một người ham học hỏi như cô.
-     Vậy à! Thế thì…bà có thể cho con nhỏ hay tôi sẽ trả nó mười ba bảng một năm. Nhưng dĩ nhiên từ giờ trở đi, nó phải tự sắm sửa quần áo và giày vớ.
-     Tôi sẽ nói thưa bà. Và tôi nghĩ là bà sẽ thấy đồng tiền bỏ ra không lãng phí chút nào…
     Bà Fawcett  đã trút được ít oán giận vào ngày Chúa Nhật kế tiếp khi Daisy May tham dự lớp Thánh Kinh của bà. Trong bài cầu nguyện, bà đã đọc một lời cầu đặc biệt  tới Thiên Chúa cho một  đứa trẻ hiện có mặt có được lòng biết ơn, khiêm tốn với những gì nó   được từ những  người thi ân quảng đại cho nó.  Một cái liếc thoáng qua gương mặt của Daisy sau tiếng  Amen làm cho bà thấy mát ruột.
     Trong những năm kế tiếp, Daisy May không bao giờ theo kịp lương bổng của Sophie, nhưng cô chẳng phiền hà gì, và bằng cách nào đó, cô luôn luôn có nhiều tiền hơn bạn. Sophie thường hay mua bán những thứ vô ích hoang phí, chẳng hạn như đặt cọc mua một bộ từ điển bách khoa, nhưng chẳng bao giờ có tiền cho  việc trả góp. Cô hay tiêu tiền vào đủ loại hàng mà  mẹ cô gọi là  thứ rác nhà :  chiếc khăn choàng cổ bằng lụa cũ trông tưởng như từ  Trung Quốc, cái chuông Ấn Độ hình con voi bằng đồng, con cá sấu màu ngà  nói là được làm bằng ngà voi thật. Sophie chẳng bao giờ có thể chống cự lại những gì mới lạ, và căn buồng ngủ sát mái của hai đứa, thỉnh thoảng  ngổn ngang như một chợ trời  (phải vội vã dẹp bỏ vào thùng khi bà Fawcett lên kiểm phòng). Cô không thể hiểu, làm sao Daisy May lãnh lương ít hơn lại có nhiều tiền hơn.
-     Bộ không bao giờ bồ đi mua đồ dùng như sách vở, quần áo sao Daisy? Bồ không thấy chán cứ phải may vá  hay sửa lại đồ người ta thải  ra?
-     Sẽ có ngày  mình tiêu hết. Tớ đang để dành, nhưng rồi bồ  thấy, sẽ có một ngày tớ đi ra ngoài và tiêu thả cửa.
-    Khi nào  mới tới, Daisy?
-    Chưa biết, nhưng tớ sẽ biết khi nào.  Có lẽ có ngày Ivan sẽ trở về và chúng tớ sẽ có nhà riêng. Tớ sẽ mua  màn cửa , chăn nệm. đồ sứ … Mọi vật  thật mới, thật đẹp.
-    Ồ Daisy! – Sophie mơ mộng. -  Bồ không mơ ước được như Edwin hay Ivan sao? Họ có cuộc sống kỳ thú biết bao. Không như bọn mình, chẳng có gì kỳ lạ   xảy ra cho bọn mình cả.
-    Tớ nghĩ   đời sống là một kỳ thú. – Daisy nói. – Chính đời sống đã rất kỳ thú rồi.
     Sophie nhìn  bạn với sự kinh khiếp.
-    Đâu thể nghĩ vậy Daisy!  Sao bồ có thể nghĩ như thế? Bồ có bao giờ gặp chuyện lý thú chưa?
      Đó là một ngày Chúa Nhật được nghỉ .Họ thay đồ  để chuẩn bị về nhà. Daisy  buông cái lược xuống bàn ngó ra ngoài cửa sổ.
-     Hôm nay tớ làm bánh phồng, và bà Fawcett nói với bà Bramble  là nó ngon lắm. Bà  ấy tưởng bà bếp làm. Và mùa xuân đang đến. Thật thích thú khi mùa xuân đến. Và, - Cô nhìn Sophie ra vẻ cảnh giác.- hôm nay là ngày nghỉ của Edwin, chúng ta sẽ gặp anh.
-     Đúng vậy. Tớ nghĩ anh Edwin  về cũng là một việc đáng mong đợi.
     Đứa anh trai cao lớn đẹp trai của họ được mong ngóng  với  sự say mê những thứ  anh kể mà chỉ có thể biết khi sống ở Luân Đôn. Về với gia đình, anh thường tóm lược đời sống  thành phố, về sự tinh tế. Và khi không có mặt bố mẹ  ở bên cạnh,  anh luôn luôn  có những giai thoại   kỳ bí ở trong đó: những hí viện,  đại khách sạn, công thự  và đủ thứ loại  vừa hung hiểm và  vừa  đáng khát vọng.
     Thường thường anh đứng chờ họ bên ngoài cửa bếp, nhưng  hôm nay, cả hai sa sầm nét mặt khi không nhìn thấy anh.
-      Hy vọng anh còn đang nói chuyện với bố ở nhà. – Sophie nói và hai đứa tất tả  trở về, rẽ vào lối đi tắt băng qua cánh đồng. Cả hai đứa bỗng thấy nóng lòng, có thể vì những tia nắng  hiếm hoi mùa đông, hoặc có thể vì  đang nói với nhau về thái độ khích động hơn bình thường của Edwin lần về nhà trước. Khi họ  về tới nhà, Lillian đã sẵn sàng  cho buổi học Thánh Kinh và đang đội mũ ở phòng khách. Căn nhà vắng lặng.
-     Mọi người đâu cả rồi. – Sophie xẵng giọng.
-     Bố mẹ đang nghỉ  trên lầu.
-     Anh Edwin đâu?
-     Không về. Nó  có nhắn. Nó phải làm thêm.
      Phải mất một hồi hai đứa mới lấy lại bình tĩnh. Thật là ngu ngốc, Edwin đâu phải có mặt mỗi cuối tuần. Và ngày nghỉ  là ngày nghỉ, phải lấy nó để vui chơi chứ! Có lẽ vì họ mong đợi anh quá, và bây   giờ  ngày Chúa Nhật nghỉ  chỉ có bố mẹ và Lillian thành ra hơi nhàm.  Không sao. Đành chờ lần tới…
     Nhưng một tháng trôi qua, dù có làm thêm bao nhiêu phiên phụ trội thì cũng phải có ngày nghỉ chứ! Edwin vẫn không thấy về.

     Lúc đầu khá  thưa thớt. Anh gặp Galina và ông Rautenberg  tuần một lần. Cái  viếng thăm tuần một lần đó  như một ngọn hải đăng  dẫn đường cho những ngày tiếp theo, kéo theo  từng giờ đưa anh vào trong  quỹ đạo của họ.  Suốt cả tuần anh nghĩ đến hình ảnh cô, nét mặt cô  thế nào khi cô  nghiêng nghiêng, đôi mắt cô khi vàng rực khi đen lánh, đăm đăm nhìn anh làm anh mất hồn, không thể nào quay mặt đi chỗ khác.  Cô lại có  lối tiếp xúc va chạm thân mật đến bất cần, vui cười  vì vài câu đùa bỡn của anh và cứ mở miệng ra với tiếng “ôi anh Edwin yêu quí”,vuốt nhẹ bàn tay êm ái  của cô lên vai lên cổ anh  làm  cho bầu máu nóng trong người như chảy mạnh hơn. Mọi thứ liên quan đến cô đều xinh đẹp. kích thích và ấm áp. Đôi khi cô có vẻ ngây thơ như một đứa trẻ:  đi dạo dọc theo bờ sông ăn hạt dẻ rang nóng hổi cũng làm cô say mê như khi ngồi ăn tối trong  quán cà phê Hoàng Gia sang trọng. Edwin chưa bao giờ dạo chơi với họ, nhưng  khi mới nói là sẽ đi là cô đã vỗ tay ra vẻ rất sung sướng rồi.
     Anh cố đóng góp phần của mình vào những cuộc vui chơi đó,  tuôn ra những mớ tiền tiết kiệm vào những chai rượu sâm banh quá khả năng của anh, trả tiền tắc xi và thỉnh thoảng  cho những vé thượng hạng trong rạp hát. Anh  đi mua một bộ đồ dạ hội cũ ở đường Petticoat đem về sửa lại cho vừa vặn. Có thể thấy nó không  hoàn toàn giống y như những  bộ đồ người ta đang mặc chung quanh, nhưng anh vẫn phải mua. Nó  cho anh cái cảm giác không phải là người ngoài, nhưng  là một phần tử trong một thế giới ảo tưởng tuyệt vời  mà anh biết  sẽ chỉ  có trong một thời  gian ngắn ngủi.
     Anh gắng hết sức mình,  cố giữ niềm kiêu hãnh và sự tự trọng. Nhưng  như thế, anh vẫn dư biết những buổi tối thân thiết vui vẻ của họ  hầu hết do ông Rautenberg bao biện chi trả. Có đôi lần họ đến dự những buổi tiệc do  đám bạn  nghệ sĩ của Galina khoản đãi và họ không phải chi. Vậy là được. Anh thấy mình bình đẳng với họ. Còn hầu hết những lần khác, ông Rautenberg đã  chi đủ mọi thứ từ chỗ ngồi riêng trong rạp, các bữa ăn, trò vui chơi giải trí và cả tiền tắc xi cho những chuyến đi dài.
     Ngày thứ Bảy ờ tại phòng Galina hôm đó  đã tạo thành một khuôn mẫu  cho những buổi  tối vui chơi sau này.  Edwin  mang đến một chai sâm banh  với giá năm bảng Anh, một món tiền lớn so với số lương hàng tuần, và một bó hoa. Ông Rautenberg  mang đến trứng cá caviar, cá hồi xông khói,  thịt heo hộp, nho, bia lạnh và mấy chai sâm banh. Ông ra vẻ trân trọng anh, nhất quyết đòi mở chai sâm banh của anh trước tiên và khen    rất ngon, dù khi mua anh chẳng kinh nghiệm gì, hoàn toàn nhờ cậy vào người bán rượu. Dù sao cũng  phải chấp nhận sự kiện là bữa ăn tối do ông Rautenberg cung cấp. Galina có mời thêm một người bạn nghệ sĩ, một cô gái tóc vàng chuyên hát  những bài ca hài hước mà Edwin không nhớ  cả tên cô.
     Buổi tiệc cuối  đã đến vào tháng Hai. Từ hôm gặp lại đến giờ đã sáu tuần lễ, sáu tuần sống trong một cuộc sống vui nhộn, ảo tưởng khó tin mà Edwin chắc là sẽ kết thúc khi ông Rautenbergt  trở lại Nga. Làm sao anh có thể  chi trả  hào phóng  cho những  lần gặp gỡ  đi ra ngoài vui chơi đáng nhớ của họ như thế?
     Vào  đêm gặp gỡ cuối cùng, ông Rautenberg cho biết ông sẽ  mang đến  cho họ một  ngạc nhiên.  Ngạc nhiên  này đến khi chiếc tắc xi thay vì  đi đến nhà hàng ở Long Acre, hay ở Pagani, đã đi vào những con đường nhỏ xíu như mê lộ ở công viên Leicester. Edwin chẳng xa lạ gì với khu phố Soho  này, nơi làm anh thích thú với cư dân thuộc loại tứ xứ và những  tiệm ăn ngoại quốc đủ loại. Thường thường  anh bỏ ra một vài giờ vào những buổi tối thứ Bảy  đi lang thang trong khu chợ đêm,  nhìn những khuôn mặt  sậm màu hớn hở  dưới ánh đèn dầu bập bùng  trong sạp. Anh đã mua rượu sâm banh ở đây  cùng mua ăn thử một mớ thức ăn tầm thường hơn . Nhưng anh chưa bao giờ bước vào một  quán cà phê hay tiệm ăn ở đây chỉ vì cái cảm giác  ngại ngùng cho rằng mình là một người ngoài  không nên can dự vào  nhà riêng của họ.
     Nhưng giờ ông Rautenberg lại dẫn họ tới một cánh cửa màu xanh vắng lặng và không khoa trương, từ trong đó bay ra một mùi lạ. Họ được đưa vào một căn phòng nhỏ không quá mười hai bàn, trên tường dán giấy đỏ sậm    viền nổi chung quanh.  Một tấm màn  sang trọng màu mận đỏ  buông rũ từ trên trần  xuống giữa phòng, đằng sau đó là cây đàn dương cầm và một khoảng trống.
-     Tốt lắm. Ông Rautenberg nói. – Chúng ta sẽ có   một bữa ăn hoàn toàn đặc sản Nga ở đây, nơi duy nhất ở Luân Đôn  bán thực phẩm Nga đáng thưởng thức. Sau đó chúng ta sẽ khiêu vũ.
     Edwin cảm thấy một niềm hạnh phúc  vô vàn tràn ngập tâm hồn anh. Đó là đêm cuối cùng của họ  và anh biết  sẽ là  một đêm hoàn hảo nhất. Anh không biết khiêu vũ, nhưng không thành vấn đề. Có mặt  ở đây trong cái thế gìới đầy ánh sáng, âm thanh và màu sắc cùng với hai con người, vì lý do nào đó không giải thích được,  đã quyết định  lôi kéo anh vào cuộc sống của họ.
     Ông Rautenberg  gọi thức ăn bằng tiếng Nga. Galna vỗ tay cười và nói:
-    Ông  ấy nói gì em hiểu hết.  Giống như hồi trước em nói chuyện với bố vậy. - Rồi cô nghiêng đầu qua phía ông Rautenberg. – Khi nào ông đưa em đến St Peterburg, ông Heikki, em hiểu hết mọi thứ, em có thể nói chuyện  với mọi người.
     Họ uống sâm banh và vốt ka, ăn  một bữa mà Edwin không biết là các món gì. Trong lúc buổi tiệc diễn tiến, Edwin cố tự an ủi  với ý nghĩ rằng đây không phải là lần gặp nhau cuối cùng. Anh vẫn có thể  đi xem cô trình diễn trên sân khấu, sau đó có thể gặp cô trong khoảnh khắc ở phòng trang điểm của cô và  có lẽ sau khi ông Rautenberg trở lại. Nhưng không,  với niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng, anh không thể tiếp tục  cứ  luôn luôn là khách, là kẻ  đi gọi tắc xi, là người nói lời cám ơn, là người ngưỡng mộ và luôn có cảm giác bước vào thế giới nhung lụa.
-     Sao thẫn thờ quá vậy, anh bạn trẻ? Chắc tại thức ăn. Thực phẩm Nga có lẽ hơi nặng bụng cho dân Anh phải không?
-    Ồ không thưa ông! Thức ăn rất ngon. Tuyệt hảo nữa.
-     Nếu vậy thì chuyện gì?
-     Bởi đây là đêm cuối.
-   Tạm thời thì thế!  Nhưng anh vẫn còn gặp  cô bé Galina của ta không phải sao? Và rồi khi ta trở về, mình lại mở hội, lại vui chơi  tiệc tùng.
     Edwin cười nhưng không nói gì. Anh không biết làm sao để giải thích  sự khó khăn mù mờ giữa tiền bạc và niềm tự hào.
     Một người đàn ông mảnh khảnh nước da trắng bệch  mặc chiếc áo đen ngồi vào bên cây đàn và bắt đầu chơi nhạc. Ngay tức thì, Galina muốn ra nhảy. Cô và ông Rautenberg ôm nhau  quay tròn nhè nhẹ  trên sàn, một cặp không xứng đôi tí nào. Ông Rautenberg di động  với  cử chỉ vụng về   rất nhiệt tâm,  mồ hôi vã ra trên trán. Galina, trái lại lướt đi và cuốn hút nhẹ nhàng như  dạo chơi. Khi quay lại bàn, cô nhìn vào Edwin thật mong đợi.
-     Tôi không biết nhảy. – Anh thì thầm. – Cô lại phải nhảy với ông Rautenberg thôi.
-    Cứ thử đi!
-     Tôi không thể mà!
-     Anh phải nhảy. Em sẽ dạy anh. Ra đi nào.
     Cô kéo tay anh, và bỗng nhiên cái kéo tay làm anh nổi giận. Cô vừa hư đốn, lại vừa xinh đẹp. Nếu cô không hư, anh có thể tiếp tục gặp cô. Nếu không vì ông Rautenberg đã cho họ mọi thứ, thật  rộng rãi, tử tế thì anh đã mời cô đến những nơi chỗ giải trí đơn sơ hơn. Nếu ông ta đã không quá tốt, anh có thể phản bội ông,  sẽ cố cướp lấy người đàn bà  trụy lạc và khó nắm giữ được này từ tay ông.  Anh nhận ra mình muốn khóc,  thấy mình bỗng hoang mang, phiền lụy, mờ mịt về việc vì sao anh không thể làm điều đó. Đêm cuối cùng bỗng trở nên buồn bã đau đớn, buồn vì một lần nữa, anh thấy mình lại trở về với trạng thái  dằn vặt khổ sở thời thơ ấu.
-     Đứng lên nào, anh Edwin! Anh phải nhảy với em một bản.
-     Hãy để tôi yên. – Anh giật cánh tay mình ra khỏi tay Galina một cách thô bạo. Ánh mắt cô bùng lên cơn giận, và rồi, trong sự kinh ngạc của anh, thấm đầy nước mắt.
-      Tôi thật xin lỗi… Tôi không cố ý… Tôi không biết nhảy và không muốn… Cô phải hiểu cho. Tôi thật sự không có ý…Tôi xin lỗi Galina, xin lỗi…
-     Coi nè. – Ông Rautenberg xen vào, nhìn chăm chăm từng người một. – Coi đây, có người mong được nhảy với em. Và không có chi thưa ông. Tôi không có gì phản đối ông mời người bạn trẻ của tôi một bản.
     Một người đàn ông  cao ốm tuổi trung niên từ bàn bên cạnh bước qua  cúi chào Galina và ông Rautenberg. Galina cười, chớp mắt và nhìn Edwin.
-     Đi đi. – Anh nhỏ nhẹ. -  Cứ ra nhảy cho vui đi.
     Cô đi ra sàn với người khách lạ và hai người đàn ông còn lại im lặng  nhìn ngắm cô. Ông Rautenberg rút ra một điếu xì gà trong hộp và  bắt đầu cắt đầu điếu thuốc.
-     Anh phải chăm sóc Galina cho tới khi tôi trở lại. – Ông nói và Edwin nhắm mắt lại trong vài giây.
-    Không thể được.
-    Sao thế?  Bởi anh không có tiền chi trả  cho những thứ này?
-     Đó chỉ là một phần.
-     Tôi không cần biết phần còn lại.  Có mà điên nếu  anh nghĩ rằng tôi không biết gì. – Ông đã cắt xong điếu thuốc và mất khá lâu châm lửa. Rồi ông nhìn vào đầu điếu thuốc cháy đỏ rực.
-     Tôi không biết anh sống ra sao khi không có tiền. Nhưng dù thế nào đi nữa, anh cũng phải chăm sóc cho Galina đến khi tôi trở lại. Nếu có thể được, tôi sẽ để tiền lại cho anh, nhưng như  thế thật sai quấy, rất sai quấy, đồng ý chứ?
     Khó khăn với sự hiểu lầm, và với cảm giác chống  cự lớn dần trong tim, anh gật đầu. Ông Rautenberg rảy tàn thuốc xuống sàn.
-     Tốt! Vậy là đã hiểu nhau. Sẽ không dễ dàng cho anh. Chẳng  bao giờ không có tiền mà dễ dàng cả. Tôi chỉ hy vọng là  cuộc sống đơn giản thành thật  trong nghề nghiệp hoả xa của anh không bị phá huỷ.
-    Tôi…
-     Có lẽ tôi sẽ trở lại trong sáu tuần lễ. Sẽ cố gắng về sớm hơn. Cũng là vấn đề khó khăn cho tôi. Tôi có vợ và một đứa con ở Mạc Tư Khoa. Nhưng tôi nghĩ là anh biết anh phải chăm sóc Galina khi tôi  ra đi. Tôi nghĩ là dù tôi không bảo, anh cũng vẫn gặp cô,  có đúng thế không?
-    Vâng, tôi  nghĩ thế.
-    Đôi khi  ta không có  quyền chọn lựa. Chỉ có một cách để đi.
-    Vâng!
      Ông Rautenberg  chăm chú nhìn mặt bàn, vào đôi bàn tay mập mạp lông lá của ông:
-    Anh và tôi, giữa hai chúng ta, cô ấy có mọi thứ cô muốn.  – Ông thì thầm.
     Edwin thấy tim mình đập mạnh. Anh lo sợ. Và ngay khi lo sợ, anh biết là đã quá trễ để làm bất cứ gì.  Mọi điều ông Rautenberg nói, anh chỉ hiểu nửa vời. Đã quá muộn màng để làm bất cứ gì về điều ấy, và nó muộn từ giây phút  anh nhìn thấy lại cô trên sân khấu Tân Thập Đế.
-     Ông không hiểu là. – Anh bỗng nhiên nói trong tuyệt vọng. - Mọi việc này  thật sai trái cho tôi. Gia đình tôi, giai cấp  của tôi, những người tôi biết, chắc họ nghĩ là tôi  điên rồi.
-     Cả hai chúng ta đều điên.
-     Rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
-   Chuyện gì sẽ xảy ra? -  Ông đứng dậy, và Edwin với sự hoang mang, vừa nhận ra là Galina đã trở lại bàn. Khuôn mặt cô đỏ ửng và mọi sự giận hờn vì sự từ chối của Edwin đã tiêu tan.
-     Chuyện sẽ xảy ra. – Ông Rautenberg vui vẻ nói. – là sau  buổi tối tuyệt vời này, hai người  sẽ vui vẻ ít thôi, ít vui đi bởi hai người sẽ  nhớ  tôi, cho tới khi ông chú Heikki này trở lại với hai người.
-   Ồ đúng vậy,  Heikki yêu quí !  Tụi em sẽ mong đợi ông trở lại, mong đợi từng giây từng phút.
-     Em có muốn nhảy thêm một lúc nữa không?
-     Tôi nghĩ chúng ta nên đi về. – Edwin thình lình nói. Anh thấy không thể chịu đựng hơn. – Tôi đi gọi tắc xi.
     Galina có phản đối không, anh cũng đã không nghe thấy, vì dứt lời anh đã đi ngay ra  ngoài xuống phố tìm xe. Không khí tươi mát làm anh dịu lại một chút, nhưng  cái cảm giác choáng ngập là một trong những điều buồn khổ không chỉ cho riêng anh mà cho cả ông Rautenberg.
     Khi xe tới, anh đã không đi chung với họ như mọi lần. Anh lang thang qua  đường phố Soho, không thèm để ý đến những lời chế giễu, mời mọc, tự hỏi nên làm gì, cảm thấy  bị sập bẫy và tuyệt vọng nhưng chẳng biết  rõ cái gì bẫy anh. Về đến nhà đã gần ba giờ sáng, và phải lên phiên làm việc sớm, thật không đủ thời gian lên giường ngủ. Nhưng anh cũng cố nằm xuống nhắm mắt trong khoảng một tiếng. Rồi anh thức dây  thay đồ đi làm. Trong  cái  ngăn nắp của  những kho chứa đầu máy xe, anh thấy  cảm giác khó chịu bốc hơi đi chút ít.
     Anh đã không đến với cô trong ba ngày. Khoảng ba ngày này, anh đi đến  sự chấp nhận một số việc và  ra kế hoạch có  phương pháp cho một số việc khác. Anh chấp nhận rằng, dù ông Rautenberg nói gì, anh vẫn phải gặp gỡ cô và gặp gỡ thường xuyên, bởi anh không thể hình dung  ra đời anh  không có mặt cô sẽ  ra sao. Đôi khi, trong những giây phút man dại nhất anh đã suy xét đến một cuộc sống cưới cô làm vợ, cùng sống chung trong một căn nhà nhỏ ngăn nắp ở Southwark, sẽ đưa cô về làng gặp lại gia đình một lần, như một người vợ hiền dâu thảo. Khi cái thực tế đắng chát làm tan vỡ giấc mơ, anh   cười thật chua cay và rồi quyết tâm không nhìn tới trước, chỉ  đơn giản chấp nhận là không thể  nghĩ tới cuộc đời mà không có cô ta.
     Nhưng bởi là một người  mang dòng họ Willoughby,  có phần chia sẻ cái giá trị chung của gia đình, anh biết rằng  cuộc đời hiện tại của anh phải  nằm trong  một số mức độ nguyên tắc định sẵn. Anh không  có khả năng  chăm sóc cho Galina  theo kiểu ông Rautenberg, nhưng anh có thể  có phương cách khác kém hấp dẫn hơn.  Ăn tối ở Slater thay vì các dạ tiệc  tại Cà Phê Hoàng Gia, đi tàu  thuyền dạo chơi trên sông tới  Southend  thay vì thuê tắc xi riêng tốn kém tới tận Richmond. Anh trở lại Soho và nghiên cứu kỹ càng những  món ăn bán bên ngoài  các nhà hàng.  Có thể có một bữa ăn tối với giá chỉ tám xu. Anh có thể lo liệu  chi trả được với đồng lương hiện tại, chút ít  tiền tiết kiệm và có thể chi trả đến khi ông Rautenberg quay trở lại hoặc có gì khác biến chuyển. Và, sau ba ngày, khi anh đã  có quyết định rằng  tạm thời có thể đối phó với cuộc sống bao gồm Galina trong ấy, anh từ chỗ làm đến thẳng  nơi ở của Galina ở Bayswater. Bà Keith  thoáng nhìn anh với vẻ tò mò, nhưng bà vẫn cho anh vào.
-     Tôi đoán anh muốn lên gặp cô ấy?
-     Vâng, nếu được phép, thưa bà Keith.
-    Được thôi. Anh biết đường rồi.  Đã từng đến đây nhiều lần với ông ấy mà. Cô ta  đang ở trong nhà.
     Anh thừa biết rằng bà đang nhìn anh bước lên cầu thang một cách tò mò nhưng không có ý phê phán.  Anh gõ cửa phòng khách của Galina. Một hồi không thấy ai trả lời, anh xoay nắm  cửa gọi cô. Vẫn không có tiếng trả lời. Nhưng  từ trong phòng ngủ, anh nghe có tiếng nức nở đang cố nén lại.
-     Galina!
     Anh mở cửa phòng. Cô ta nằm một đống bèo nhèo trên giường. Lúc này trên người cô là bộ đồ lụa trắng dơ bẩn và mái tóc  rối bời. Khi cô quay mặt lại, anh thấy cô đang khóc.
-     Sao thế Galina? Có chuyện gì vậy?
      Cô vùi đầu xuống gối nói nhỏ: -  Không có gì!
     Kể từ hôm gặp gỡ cuối, trí tưởng tượng  của anh có  đủ loại hình ảnh  của cô, nhưng cái hình dáng buồn rầu khốn khổ như vầy không hề có. Anh  bước lại gần giường nắm nhẹ cổ tay cô.
-    Có chuyện gì Galina? Cô ốm phải không?
     Những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má, cô lại vùi đầu vào gối và bắt đầu nức nở.
-    Galina, chuyện gì? Em phải cho anh biết.
     Anh đưa tay ra choàng vai cô kéo vào  ngực anh. Lúc này cô thật nhỏ bé và mỏng manh như một chú chim non tí hon, run rẩy.
-     Chuyện gì? Làm ơn cho anh biết.
-     Em thấy quá cô độc. – Cô nức nở. -  Bỗng dưng, Heikki đã đi xa, anh cũng không có mặt. Chẳng ai đến với em cả, tới bao nhiêu  ngày rồi. Em lại không có sô diễn trong hai tuần liền. Không có nơi nào để đi, không có ai để gặp gỡ. -  Cô nín lấy hơi và rồi òa khóc. – Em cô đơn quá.
-     Nhưng mới có ba ngày thôi Galina. Chỉ có ba ngày.
-     Những ba ngày trời. Với chỉ một mình em!
-   Anh đâu thể lúc nào cũng gặp em, Galina!  Anh còn công việc, anh không thể  suốt ngày với em.
-    Nếu em biết anh sẽ đến thì được. Nhưng em không biết anh có đến không? Lại không biết tìm anh ở đâu. Không biết chỗ anh ở, nơi anh làm. Em không thể kiếm ra anh. Ồ ! Edwin…
     Anh nhắm mắt lại, cố  đè nén cái cảm giác phấn khởi đang dâng lên ào ạt trong lòng. Cô  thật nhỏ bé, run rẩy và mềm yếu. Cô bám chặt lấy anh và  khóc như một đứa trẻ sợ hãi bị bỏ rơi. Anh đập nhẹ lên mái tóc rối của cô  và ru cô nhè nhẹ trong vòng tay anh.
-     Sao em không đi ra ngoài tìm bạn bè của em? – Anh lặng lẽ hỏi.-  Cái cô gì đó, Rose phải không? Cô gái hôm rồi có đến đây đó. Còn những người bạn khác. Bạn bè trong đám nghệ sĩ của em, sao không  đến thăm họ?
-     Em chẳng có ai là bạn, Em chỉ có anh và ông Heikki…
     Anh mỉm cười:
-    Thật ngố! Galina!  Em có nhiều bạn bè lắm mà.
     Cô ngẩng đầu lên ngước nhìn anh, nước mắt vẫn còn  đọng trên má.
-    Không phải đâu, anh Edwin! – Cô nói giọng khô khốc. – Em chẳng có bạn. Không bao giờ có. Anh biết mà. Em chưa hề có bạn, chỉ có đàn ông.
     Trong thoáng giây thinh lặng. anh cảm thấy cô cứng người trong tay anh. Một phần trong con người anh muốn  đập tan cô, bóp nghẹt hơi thở cho tới khi cô đau nỗi đau của anh. Anh không muốn nghĩ đến những đàn ông trong đời cô. Có quá nhiều, và anh muốn nổi khùng vì cô nhắc đến họ. Phần khác trong con người của anh, chín chắn hơn, lại thấy vô cùng tội nhgiệp cô. Cô quá xinh đẹp, quá  hấp dẫn, lôi cuốn, quá cám dỗ. Vậy sao cô chẳng có bạn bè?
-    Anh Edwin!
     Giọng cô không còn nước mắt. lại bắt đầu mang vẻ phấn khích mạnh mẽ. Lần nữa, anh lại cẩn trọng với  sự nhỏ bé và mềm mại của     với thân thể anh. Rồi cô ngửa mặt lên nhìn anh,  anh  không thể tin  có sự thay đổi mau chóng vậy.  Hàng nước mắt vừa tuôn đã biến thành những giọt sương long lanh làm đôi mắt cô sáng rỡ.
-    Edwin…
     Cô choàng tay lên cổ anh và rướn gương mặt lên tới má anh. Anh liền cảm thấy một luồng điện kích thích    nó luôn luôn  có khi cô đụng chạm vào người anh.  Cô bắt đầu đặt lên mặt anh những nụ hôn nhẹ nhàng, mơn trớn, nồng nàn và thì thào:
-   Anh Edwin! Em yêu anh. Ồ ! Edwin yêu quí! Em thật yêu anh.
    Thình lình anh không còn chịu đựng nổi. Máu trong người chảy rần rật làm tim anh đập  rộn rã đến không nghe    tiếng cô nói và rồi bùng lên đến hoàn toàn mất kiểm soát nổi mình. Anh quên hết những nghi ngại, những dự trù, những  thận trọng của anh. Anh quên luôn ông Heikki và tất cả những người khác trước ông ta. Và khi cảm thấy môi cô  mơn trớn bên cạnh, anh rên lên một tiếng và đẩy cô xuống mặt gối, hân hoan trong cái cảm giác ấm áp với thân hình nóng bỏng của cô bên trong tấm áo lụa.

                                                 (Xem tiếp chương 12)

    



No comments: