Trôi theo mùa hè_18

                                                       Chương 18

                       Rối ren cuộc đời


K
hi những  mảng  tuyết đầu tiên bắt đầu rơi xuống, cuộc sống của anh và của những người còn lại trên tàu Mạc Tư Khoa II bắt đầu thay đổi  mà không hề thấy trước.  Trong mấy tuần lễ cuối của mùa hè và mùa mưa  theo sau, một mùa thu ngắn ngủi trên phần đất phía bắc nước Nga, một đám thủy thủ người Nga lên tàu. Con tàu được  xử dụng như một tiếp vận hạm dọc theo bờ biển Baltic. Họ chuyên chở than đá, đôi khi máy móc  và có một lần là những thùng súng ống cổ  vừa được tìm thấy trong một xưởng quân đội cũ và được tiếp nhận thật vui mừng để làm dịu bớt  thảm trạng thiếu thốn vũ khí trầm trọng ở chiến tuyến. Bởi vì, mặc cho sự tuyên truyền, mặc  cho những hoan hô, những  cờ quạt diễu hành trên đường phố, những tin tức xấu  đã lọt ra ngoài  toà đại sứ Anh Quốc , qua lãnh sự quán để đến tai thuyền trưởng Patterson.  Người Nga đã khởi đầu chiến cuộc  với sự chịu đựng một  tổn thất lớn, và cứ theo tin đồn, những đoàn quân đông đảo của họ  gồm toàn thành phần  không chuyên nghiệp và thiếu trang bị.
     Đám thủy thủ Nga đến thay thế trên tàu Mạc Tư Khoa II đều già nua hơn đám thủy thủ Anh Quốc, họ là những người hiền lành, dáng mập mạp, buồn bã với đôi mắt sâu thẳm và giọng nói trầm trầm. Trông họ chẳng giống chút nào với hình ảnh ông Barshinskey mà anh còn nhớ, nhưng cũng từ  nơi họ có một đặc tính   gợi  anh  nhớ  về những kỳ lạ trong làng  vào cái thời điểm xa xưa ấy.  Anh nhận ra được những từ ngữ họ xử dụng, đôi khi  anh  cố làm ra vẻ hiểu họ , và rồi  những khuôn mặt lạnh lùng thụ động của họ vụt thoáng lên một nụ cười, cái cười  dễ mến và thân mật đến nỗi làm anh lầm tưởng, lẫn lộn  chúng với những ước mơ tuổi trẻ của anh và tình yêu của anh dành  cho Galina.
     Khi tuyết bắt đầu rơi, bọn  họ rời tàu. Những người bạn đồng tàu của anh cũng thế,  từng  nhóm ba bốn người  ra đi. Không có việc cho họ làm  vào mùa Đông  dài dằng dặc trên đất Nga. Họ bắt đầu một hành trình dài  đi về nhà  qua đất Phần Lan và Thuỵ Điển. Những người tình nguyện ở lại được yêu cầu đến trình diện viên  thuyền trưởng . Edwin giờ là một trong nhóm  thủy thủ đoàn co cụm nhất. Khi người thợ máy và viên kỹ sư phó  được  lệnh  đi về, anh thay thế họ làm nhiệm vụ bảo trì phòng máy và giữ lửa cho lò nhóm.  Họ đóng lại những lò chính và tháo hết nước để ngăn ngừa  chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt của nước Nga.
     Khi có tuyết rơi, mỗi buổi sáng anh lên boong tàu giúp một tay xúc tuyết đổ xuống giòng sông Neva  đóng băng bên dưới, giúp  đỡ thay phiên cho  đầu bếp  nghỉ xả hơi và  làm cho tuyết tan để lấy nước dùng. Anh lại chạy mang tin tức công văn liên lạc  giữa con tàu và thành phố. Những tháng ngày nghiên cứu cuốn sách chỉ dẫn, những giờ phút lang thang trên đường với Galina trong mùa hè đã giúp anh thấy tự tin  khi tìm  đường tới lãnh sự quán,  trạm cảnh sát Nga, các văn phòng dân sự , các tuỳ viên thương mại. toà đại sứ…. Có nhiều việc phải làm trong  cái mùa đông đầu tiên đó. Thủy thủ đoàn, ngay cả với những người được lệnh trở về nhà cũng cần được cấp phát  quần áo mùa đông đặc biệt. Họ được  cung cấp những tem phiếu thực phẩm, nhưng họ phải đi xuống đường, ra chợ ở St Peterburg tự mua lương thực cho mình.     
     Có những đơn từ giấy má và các sổ thông hành tạm thời cần được sắp xếp. Một đoàn người  ngoại quốc bị mắc kẹt, dù là đồng minh, trong một số lãnh vực là cả sự rối ren  lúng túng với một  guồng máy quan liêu cồng kềnh  của hệ thống chính trị Sa hoàng.
     Và rồi khi mùa đông thực sự tới, ngày càng trở nên ngắn ngủi và ảm đạm hơn, càng có nhiều người trong đoàn được lệnh trở về nhà hơn, và khi một loạt những hoạt động đầu thời chiến  đã đi vào trật  tự quy củ thành thói quen hàng ngày, anh bỗng thấy mình có nhiều thì giờ và tự do hơn. Những người còn ở lại không còn là liên hệ  giữa chủ nhân và đám công nhân nữa mà tất cả trở nên một đám người tha hương  lần đầu tiên kinh qua  sự lạ lẫm của một mùa đông xứ Nga.
     Anh cũng thấy, vào cái mùa đông đầu tiên này, tâm hồn anh tràn ngập nỗi vui mừng , một  hạnh phúc  chỉ vì  phần nào có sự hiện diện của Galina. Mùa đông  ấy, thành phố giữ nguyên  hình ảnh trong trí tưởng tượng của anh.  Chưa khi nào anh thấy một cái lạnh như thế, cái lạnh  buốt cháy trong lỗ mũi, trong cổ họng, nó cắt thẳng vào da thịt  anh dù đã  được che chở bằng lớp quần áo đặc biệt. Anh đã từng biết đến những mùa đông tệ hại ở vùng Kent quê nhà của anh, nhưng chúng sẽ chỉ là một trò chơi mát mẻ so sánh  với lượng tuyết khổng lồ đổ xuống,  với gió  thổi ào ạt và băng đá bao phủ toàn thành phố ở đây.
     Khi ánh bình minh muộn màng với  làn ánh sáng xám xịt mỏng manh xuất hiện mờ  mờ từ phía  đông, anh bước lên boong tàu lặng lẽ nhìn những con tàu kẹt cứng trong băng đá, thỉnh thoảng  có sự di chuyển  xà quầy của chiếc tàu phá bang. Những kho hàng, cần cẩu, cầu tàu tất cả phủ một màu trắng xoá. Những hình dạng người và xe cộ đen ngòm   thấy được di động  qua làn tuyết trắng trông như lũ kiến. Vài người quét đường lùm xùm trong bộ đồ dầy cộm xám xịt đang cố dọn dẹp   trên đường đám tuyết vừa rơi qua đêm. Anh thích nhất vào lúc trời sáng tinh mơ khi tuyết rơi chưa được quét dọn, Và khi  đi vào thành phố chạy việc cho tàu, anh thấy vui thích  với những đợt gió  mạnh làm tuyết  rơi như mưa vào người khi anh   quẹo qua một góc phố.
     Khi trời tối, thời tiết càng lạnh hơn. Lạnh đến nỗi những đèn đường dọc theo bến tàu dường như chiếu ra những tia sáng có chứa
tinh  chất  giòn giã và lóng lánh như kim tuyến, dường như  sương lạnh ở một âm  độ cao hơn , có thể tan vỡ  thành từng mảnh.
     Anh thật kinh ngạc với sự chịu đựng bền bỉ của  dân buôn bán ở St Peterburg. Họ đứng trên vỉa hè ướt át,  giữa những đống tuyết mới cào, vẫn  ào ạt rao bán hàng hoá của họ: bánh mì đen, quần áo cũ, sữa tươi hoặc những mảnh cá mòi muối gói trong giấy báo cũ.
     Trong cái mùa đông đầu tiên này, không có phần nào của thành phố không quyến rũ anh, ngay cả ở phía Viborg chán phèo với hãng xưởng và  những khu nhà cho thuê cũng mang một  tính chất bí mật  khi sự nghèo nàn  của nó  cũng được   tuyết trắng  che lấp.
     Dĩ nhiên anh có cơ hội gặp Galina rất nhiều. Nhưng như một điều lệ bất thành văn trên tàu rằng mọi người phải cùng gắn bó với nhau, và không ai được vắng mặt quá lâu, những cuộc  gặp gỡ Galina của anh  giảm thiểu xuống  thời hạn  không hơn hai, ba tiếng đồng hồ một lần. Mùa đông ấy, ông Heikki chỉ đến có bốn lần. Với sự lo lắng cho công việc của ông, được đặt bản doanh tại Mạc Tư Khoa, đã có  một sự cạnh tranh mới  do  hậu quả của chiến tranh. Những thị trường cũ đã đóng cửa, nhưng chính quyền sẵn sàng mua bất cứ gì  họ cần và trả giá cao. Ông ta không  thể nào rời bỏ công việc làm ăn của mình.  Ngay chiến tranh dường như cũng đứng về phía những người yêu nhau.
    Thỉnh thoảng, trong những chuyến đi chớp nhoáng  vào thành phố, anh có nhìn  thấy cô, thoáng bắt gặp lối sống riêng tư của cô . Có một lần, anh thấy cô vào một tiệm cà phê ở Mikhailovskaya với một người đàn bà khác. Họ bước xuống một chiếc xe một ngựa, cười nói vui vẻ,  khuôn mặt đỏ bừng vì gió lạnh  trông thật trẻ trung và đáng yêu  trong lớp nón áo có  viền lông thú. Lại một lần khác ở trong Gostiny Dvor cũng với cùng cô gái ấy, anh ngừng lại và chờ đợi cho họ nhìn thấy anh. Cô cười thật vui vẻ  và giới thiệu anh với  Lizka, một nữ ca sĩ ở  phòng trà Carcade. Dường như cô đã tạo được một nhóm bạn bè, những người quen biết, tương tự như những người cô có ở Luân Đôn: vài nghệ sĩ  ở những nhà hát không lớn lắm, một bà trung niên  và cô con gái  làm chủ một quán  bán trà ở  đầu phố Nevsky không hợp thời trang lắm, một người dạy dương cầm, một ông lưng hơi gù có dáng tật nguyền sở hữu một căn hộ ở đảo Vasilevsky.
     Anh cũng chút đỉnh hòa nhập vào cái thế giới thu nhỏ lại của cô. Một buổi dạ tiệc nho nhỏ  ở nơi trú ngụ của Lizka, chầu cà phê sáng trong phòng của ông thầy dạy piano. Họ là những người chỉ nói chuyện tầm phào vui vẻ và ra vẻ không chú  ý nhiều đến chiến tranh, mặc cho sự thiếu thốn. Họ tiêu khiển thì giờ  đi mua sắm, ngồi  trong quán tán gẫu về  tình ái lăng nhăng của bạn bè. Anh nghĩ là mình không bắt buộc phải  tán dương tất cả bọn họ,  đúng là một đám ong bướm vô dụng. Nhưng  như  loài bướm,  họ đều quyến rũ và vô hại, và anh không thể nào kềm lòng mà khônng ưa họ.
     Vào mùa đông, khi  đến mùa các vũ trường nhà hát mở cửa trở lại, Lizka giới thiệu Galina cho một giám đốc phòng trà, từ đó cô  được xuất hiện không đều đặn lắm như một vũ công đột xuất. Đời sống  cô gần như rơi vào cùng khuôn mẫu  với cuộc sống tại Luân Đôn.
   Rất thường, khi anh đến gõ cửa phòng cô trên đường Borovaya, cô không có ở nhà. Nhưng  sự liên lạc không đều đặn của họ , cách nào đó,  giờ lại tăng thêm cường độ kích thích, bởi hai người biết họ đang ở cùng một thành phố, và sẽ chẳng phải chờ đợi lâu  hơn một vài ngày trước khi họ  sẽ lại gặp nhau.
     Mùa đông đó, anh thấy mình quả thực đã là một công dân của St Peterburg:  Có một nơi chốn đi về   trong thành phố. Anh biết dân cư, không  nhiều lắm, nhưng đủ để không còn nghĩ mình là một  khách lạ. Anh thấy tự hào vì chẳng hề lúng túng  với kích thước và  sự xa lạ của cái thành phố lớn lao này. Suốt mùa đông, anh cảm thấy một niềm vui sướng dâng đầy, một cảm nhận rằng tất cả những điều này  sẽ lên tới đỉnh  cao của một hạnh phúc bùng nổ. Một cảm giác thân tình. Cái  cảm giác anh đã từng có nhiều năm trước, khi đứng bên cửa sổ trong phòng ngủ ngắm nhìn Galina múa  hát quanh đống lửa. Cảm giác ấy bây giờ trở lại, nhưng mãnh liệt hơn, vững chắc  hơn, cái chắc chắn về sự thực hiện một ước mơ hoàn toàn và đích thực không còn xa xôi quá.
     Giây phút đã đến nhưng anh đã không nhận ra  nó như là đỉnh điểm của mùa đông của anh cho tới khi nó đã qua đi. Anh  đi băng qua cây cầu Nikolaievski vào một buổi sáng cuối tháng Tư, có điều gì khác lạ  giữa làn gió nhẹ, giữa bầu trời xanh làm anh ngưng lại và nhìn  xuống  băng đá. Và khi anh nhìn vào đó, có tiếng kêu lách tách nhẹ như tiếng súng lục nhỏ và lớp băng bắt đầu rung chuyển. Những kẽ nứt mở lớn ra, và như một kỳ tích, dòng sông băng đá lay động,  và bắt đầu nổi phồng lên quanh thành cầu. Mặt trời nhô lên trên nền trời xanh  nhạt phản chiếu vào mặt băng đá và dòng sông tạo thành những vảy bạc lấp lánh chói loà. Khi  đang ngắm nhìn cảnh tượng trên, anh nghe tiếng  hai cô gái trò chuyện ở phía sau và bất ngờ khám phá mình  có thể hiểu họ nói gì, không chi tiết lắm, nhưng âm thanh và  giọng điệu trầm bổng thường vẫn gây trở ngại cho anh, bây giờ bỗng nhiên rất quen thuộc. Họ đang nói về mùa xuân. Mùa xuân vừa đến, một cô nói. mặc dù anh vẫn chưa phân tích được ngữ pháp hay tự tạo được một  câu nguyên vẹn. Anh quay đầu lại nhìn họ, và vì quá vui sướng anh mỉm cười và họ cũng mỉm cười với anh.
-   Thật là tốt! - Họ nói. -  Cuối cùng, mùa xuân đã đến. Tuần tới, băng  sẽ tan hết và chiến tranh rồi cũng sớm kết thúc.
-   Đúng thế. – Anh nói . – Mùa xuân.
     Các cô gái đưa bàn tay đeo găng lên vẫy tạm biệt và vội vã bỏ đi,  để lộ những đôi ủng  dưới gấu  chiếc áo choàng màu xám.
-     Mùa xuân đã đến. – Anh tự nói bằng tiếng Nga, lập lại y hệt những lời hai cô gái mới nói. – Mùa xuân đã đến, và tôi đang sung sướng hơn bao giờ hết trong đời.
  Khi cây cối bắt đầu đâm chồi và những chiếc xe tuyết do ngựa kéo biến mất trên đường phố,  bầu không khí  trong St Peterburg, thành phố giờ đã có tên mới  Petrograd, cũng bắt đầu thay đổi. Nó phải  trở nên tốt hơn.  Mùa đông  dài tăm tối đã qua, người dân thành phố đổ ra đường  đi dạo mát trong vườn,  nhưng vẫn có một sắc thái u buồn bao phủ thành phố. Cho dù anh không quen biết  những  công dân  đích thực ( anh không coi Galina và đám bạn bè thấp hèn   vây quanh cô là những người Nga điển hình), anh vẫn có thể cảm nhận được  cái sự buồn rầu và phẫn nộ thay thế  chỗ cho  nhiệt tình yêu nước  và tôn giáo . Màu đen tang tóc thấy  khắp nơi ở trên thân thể những người đàn bà,  trong mọi bước đi của cuộc đời. 
     Rồi một buổi sáng, khi băng qua kinh đào Fontaka, anh nhìn thấy một người lính trên đôi nạng gỗ, một ống quần sắn cột lên chỗ chân bị cưa mất. Sau đó anh nhìn thấy ngày càng nhiều hơn những thương binh trên đường phố.  Anh nghe được tin tức từ một ngưòi thư ký trong lãnh sự quán cho hay  tất cả những cứ điểm  quân Nga đạt được tại tiền tuyến vào mùa đông đã bị đẩy lui và những đoàn quân Đức – Áo  đã tràn qua Galicia. Anh cũng thấy lúc này  phải chờ lâu hơn trong việc xếp hàng mua thực phẩm và  nhiều ngày đến cả bánh mì cũng không có. Càng ngày anh càng bị đẩy gần hơn về phía Viborg nghèo nàn. Chỉ cần  đi dọc theo phố xá anh có thể cảm nhận được tâm trạng của thành phố. Chỉ cần nhìn khuôn mặt của đám công nhân, anh có thể  thấy sự lo âu của mọi người.
     Anh bây giờ là thủy thủ cơ hữu  duy nhất còn ở trên tàu, cùng với hai tay  thủy thủ trên boong   chịu trách nhiệm  giữ tàu. Khi mùa hè  tới,  chuyện rõ ràng là thuyền trưởng và viên kỹ sư cơ khí trưởng, ông Bathgate, hai người nói tiếng Nga trôi chảy, đang làm một chuyện  gì đó có vẻ bí mật. Có những lúc Edwin được sai đi  thuê mướn một chiếc tắc xi và ba người lái tới ngân hàng Nga và Anh toạ lạc ở Nevsky, rồi họ quay lại tàu với một  hộp sắt  an toàn  đặt giữa  chỗ hai người ngồi. Sau nhiều tuần lễ, anh   nhận ra là hai ông xếp của anh đang cất giấu đủ loại các hồ sơ an ninh của Anh Quốc và những tài vật của cải  ở nhiều chỗ giấu khắp trong và ngoài thành phố. Chúng có được mang chui  ra khỏi đất Nga hay chỉ tạm giấu trong thời chiến, anh không biết, nhưng khi thấy điều họ làm, bởi anh đã bắt đầu yêu thích cái thành phố này ,anh thấy hơi  buồn vì rõ ràng chính quyền nước Anh chỉ có  rất ít, hay  không còn tin   tưởng nước  Nga  sẽ có   bất cứ cơ may thắng trận  nào.
     Rồi đến một đêm tháng Bẩy, một đêm trời trắng một màn sương lộng lẫy, khi ánh sáng mặt trời không bao giờ thực sự  tan biến, anh và viên kỹ sư trưởng hai người đi giao một món đồ mà  ông ta gọi đùa  là ‘ một gói trà nhỏ của chúng ta’ đến một  tòa nhà ở Zadovskaya.
-    Chúng ta sẽ cuốc bộ về, Willoughby ạ!. – Viên xếp nói khi hai người đứng ở ngoài lề đường và trong một trạng thái  thảnh thơi đột xuất, hai người thơ thẩn đi về phía cầu Nikolaevski. Khi họ đến gần nhà hàng Old Donon, một đám đông  các sĩ quan trẻ từ học viện Tham Mưu  Đế Quốc tràn ra khỏi cổng. Họ đã uống say, ồn ào   và bát nháo đến náo loạn cả một góc đường. Edwin và  ông xếp kỹ sư đứng lại chờ cho bọn họ phân tán. Lại có hai người đàn bà  từ trong nhà hàng bước ra, nói cười  ồn ào không kém gì đám sĩ quan trẻ , và rồi  họ bị  hai người trong đám kéo ôm vào lòng. Chuyện xảy ra thật nhanh thật gọn  đến nỗi Edwin không thể ngờ làm cho anh từ chỗ chỉ thoáng nhìn  qua đến  sững sờ. Trong phút chốc, anh chú ý đến người đàn bà mặc chiếc áo khoác màu đỏ tươi có cổ màu cát vàng đang  được một tên tóc hoe ôm hôn  và cô cũng đáp ứng hôn lại. Rồi bỗng nhiên như không thể tin vào mắt mình, anh thấy người đàn bà đó chính là Galina. Anh nhào tới, không thể thấy gì ngoại trừ gương mặt của cô ngước lên sát  bộ ria vàng.
-     Khoan đã, anh bạn trẻ.  Chúng ta không muốn tự   gây chú ý chứ, phải không?
     Cánh tay anh bị một bàn tay cứng như sắt nắm chặt. Anh giận dữ vùng giật ra . Một trận ghen tuông  giận ghét vì bị phản bội làm anh lao thẳng vào đám đông, dùng hết sức mạnh  thúc cùi chỏ đẩy những anh chàng say rượu  dạt qua hai bên.
-     Willoughby, ngừng lại ngay!
    Anh nghe nhưng không để vào tai.  Chộp lấy vai anh chàng sĩ quan có râu  mép trẻ xoay một vòng và nắm tay đấm một quả như trời giáng.
-     Edwin. – Anh nghe tiếng cô gào lên, rồi  đến phiên anh bị đấm lại và ngã xuống với cùng một loạt cú đánh hội đồng khắp mặt mũi  cơ thể và thấy hai cánh tay bị bẻ quặt ra phía sau lưng.  Người kỹ sư trưởng bắt đầu nói bằng tiếng Nga thật nhanh và lưu loát. Galina nhìn anh, mặt cô trắng bệch ra và một bàn tay đeo găng đưa lên che miệng.
-    Cô là con đĩ. – Anh  khạc xuống đất. - Đồ con đĩ thối tha.
-     Edwin! -  Cô bắt đầu khóc , và người đàn bà kia, anh nhận ra là Lizka, vòng tay ôm cô  dìu đi trong tiếng nức nở. Dường như có một đám lửa rực đỏ trước mắt anh và chỉ khi Galina đã  đi khuất  vào góc đường,  cái màu đỏ ấy mới tan đi. Anh có thể nghe thấy từ xa xa, ông xếp của anh  đang xin lỗi, giải thích và  tìm cách giảng hoà. Bọn sĩ quan trẻ  đang   say khướt và ngổ ngáo.
-     Willoughby, cậu phải xin lỗi họ ngay. – Ông xếp kỹ sư thúc giục.
-     Không.
-     Cậu không có quyền chọn  lựa . Tôi ra lệnh cậu phải xin lỗi ngay  lập tức. Tôi đây đại diện cho chính phủ nước Anh, và ở một mức độ thấp hơn, cậu cũng thế. Chuyện cá nhân của cậu không có chỗ ở đây. Cậu đang biểu hiện một hành vi nguy hiểm và không đàng hoàng.
      Như có giọt đắng trong lòng, anh hít một hơi dài cố trấn tĩnh mình.
-   Tôi xin lỗi. – Anh  nói một cách vô cảm bằng thứ tiếng Nga tồi. - Chỉ là sự hiểu lầm.
     Ông xếp lại một lần nữa bắt đầu  giải thích cà kê dê ngỗng  thật dài dòng.  Edwin   đoán rằng ông đang nói về một điều gì đó có vẻ giễu cợt về đám trai trẻ thiếu kinh nghiệm với đàn bà. Chuyện đó làm cơn giận dữ của anh  vụt trở lại, lần này, với ông xếp kỹ sư của anh. Rồi   đám sĩ quan trẻ bỗng đổi giận làm vui. Một  tay còn cười ha hả. Tên có bộ ria mép  vàng  chùi máu chảy ở khoé miệng và khó nhọc  cúi chào , không phải Edwin mà là ông xếp.
     Edwin lại thấy cánh tay bị nắm chặt đẩy tới phía trước, đi về hướng bờ sông. Hai người yên lặng đi rảo qua những con đường trở về bến tàu. Khi cơn giận đã hạ nhiệt, anh  thấy muốn bịnh, bịnh và đau khổ. Thật là không hiểu được. Thì ra mọi thứ chỉ là dối trá sao? Chắc là cô ta cười nhạo mình lắm? Nhưng sao cô ta lại bận tâm thế?  Sao cô  lại nằng nặc van nài mình tới đây? Sao vậy? Một làn sóng ghen ghét giận dữ lại tràn ngập hồn anh. Chắc phải giết chết cô ta quá!
-     Willoughby! Tạm thời anh  hãy tự giam mình trên tàu. - Giọng nói lạnh lùng bên cạnh anh. -  Theo nguyên tắc, tôi phải báo cáo  chuyện này với thuyền trưởng. Ngay lúc này, tôi không biết có thể chuyển anh về lại Anh Quốc hay không.  Chúng tôi giữ anh lại vì anh tình nguyện và vì nghĩ anh khá thông minh và có  tay nghề. Nhưng dường như chúng tôi đã lầm.
-     Tôi xin lỗi xếp!
-     Tôi đề nghị anh về phòng nghỉ nhìn lại mình trong gương coi. Cặp mắt anh toé ra đầy những tia máu kìa.
     Anh cứ tưởng những ý tưởng hận thù chỉ ở trong trí, nhưng giờ mới nhận ra   chúng phát ra cả ở  sắc diện bên ngoài.
-    Tôi chỉ có thể nói  tôi xin lỗi, thưa xếp!
-     Người đàn bà đó là ai vậy?
-     Cô ta là… cô là người …tôi muốn cưới làm vợ.
-     Một cô gái Nga?
-    Không phải. Ít ra là trong dòng máu .  Cô ta sinh trưởng ở bên Anh. Tôi biết cô từ hồi hai đứa còn nhỏ. Cô sống trong cùng một làng với tôi. (Đồ đĩ. Một con đĩ nhơ bẩn. Nhưng  bộ mày không biết nó là một con đĩ sao? Còn nhớ ông Hope-Browne chứ? Và ông thầy giảng du hành? Sao mày cứ phải giả vờ cô ta khác biệt? Chúa ơi! Sao mày để cho mình yêu cô? Sao mày để cô ta luồn lách khỏi vòng kiểm soát của mày. Cô ta chỉ là một con điếm.)
-     Ra thế! Anh cứ ở lại trên tàu cho tới khi tôi nói chuyện với thuyền trưởng xong.
      Lờ mờ anh nhận thấy mình có lẽ đang gặp rắc rối, nhưng  ngay lúc này anh không thể nghĩ gì khác ngoài sự đau đớn trong lòng và rối loạn trong tâm trí. 
      Anh bị phạt  cấm rời khỏi tàu trong nhiều tuần lễ nhưng anh chẳng bận tâm. Hết nấu nướng thì kỳ cọ, đánh bóng sàn tàu, và  vô dầu mỡ  từng bộ phận  của máy, cố làm tất cả mọi việc  để  khỏi phát điên. Rồi anh được gọi lên trình diện viên thuyền trưởng. Ông ta giận dữ:
-     Willoughby! Anh biết rất rõ là  ông Bathgate và tôi đã đang làm gì trong mấy tháng vừa qua.  Đó không phải là  bất hợp pháp, mà chỉ là những thứ chúng ta không muốn được công khai hoá. Nếu giới chức nước Nga nhận ra rằng chính quyền Anh Quốc  có rất ít sự tín nhiệm với  viễn ảnh chiến thắng của nước họ, thì chúng ta sẽ ở trong tình trạng khó khăn bối rối.  Chúng tôi để anh giúp bởi anh ra vẻ trông cậy được và kín miệng và bởi anh biết một chút  tiếng Nga . Anh có vẻ không ở trong tầng lớp những người khác trong đoàn thủy thủ và ra vẻ tự chủ. Nhưng rõ ràng chúng tôi đã đánh giá sai về anh. Lúc này tôi không thể chuyển anh về nhà. Chúng ta đã  giảm  người đến mức tối thiểu và không thể giảm đi hơn nữa. Tôi sẽ liên lạc với Edinburg để xem họ có đề nghị dự phòng nào khác không. Dù sao, anh cũng đã làm chúng tôi quá thất vọng.
-    Tôi xin lỗi, thưa thuyền trưởng. Chuyện đó sẽ không xảy ra nữa. Đây chỉ là  một trường hợp…bất bình thường.
-    Vì thế tôi tin. Tôi đoán  đó là lý do vì sao anh  xin vào làm ở  đường vận chuyển này. Chỉ vì người đàn bà đó.
-    Đúng vậy, thưa thuyền trưởng.
-     Nếu tôi biết, tôi đã từ chối cho anh  làm việc trên tàu này.
-    Dạ thưa thuyền trưởng!
     Buổi trình diện kết thúc. Anh thấy nhục nhã. Anh cố xua đuổi hình bóng cô ra khỏi tâm tưởng, khỏi  trí óc, nhưng khi đêm về nằm trên giường trong bóng tối, lại trăn trở với những câu hỏi “vì sao”, những mường tượng “nếu mà”.
     Cuối cùng, họ vẫn phải xử dụng anh chạy việc  quanh thành phố. Hai người thủy thủ sàn tàu kia họ  chỉ nói được ít tiếng Nga ‘bồi’, và dĩ nhiên không thể nào hai viên xếp thuyền trưởng và kỹ sư trưởng lại đi làm người chạy công văn cho chính phủ  cũng như đứng xếp hàng nhận lãnh thực phẩm và đứng chờ đợi trong các văn phòng  nhà nước, các trạm cảnh sát để xin giấy phép hay xin phiếu lương thực.  Edwin lại phải tiếp tục đi ra đường phố Petrograd, lúc nào cũng nơm nớp e là  gặp gỡ Galina,  sợ hãi  mỗi khi  rẽ vào một  góc phố  với sự chạm trán cô ta. Nhưng khi không gặp cô, anh lại có cảm giác mất mát, trống vắng tronng tim rằng chuyện tình của họ đã qua, và trong suốt quãng đời còn lại này, anh chẳng bao giờ hiểu vì sao cô đã phản bội anh.
     Dường như phản ảnh theo đời sống cá nhân anh, điều kiện  sống trong thành phố bỗng trở nên tồi tệ hơn. Tất cả các loại thực phẩm đều khan hiếm. Trong  mùa đông, anh đã dự phòng bằng cách mua một số bao đậu khô, và với số lượng súc sích dự trữ đủ cho họ sống với chế độ ăn uống dè xẻn. Có  hôm, họ đã không có bánh mì để ăn trong nhiều ngày, anh được  chỉ tới bộ phận nhà bếp của đại sứ quán và người ta phân phát cho anh một bao bột mì và  một hộp bơ. Người phu tải hàng là một cựu thượng sĩ trong   đội khinh binh là người tử tế mà  Edwin quen biết được. Ông ta cho anh biết quân Nga đang ở trong một tình thế nghiêm trọng, và  bọn Đức đã tiến tới bên  ngoài thành phố Warsaw. Nếu cuộc tiến quân của bọn chúng  tiếp tục theo cùng tốc độ, chẳng bao lâu nữa Petrograd sẽ gặp nguy hiểm . Phiền muộn, anh trở về tàu thì đưọc biết anh chàng McKenzie, một trong hai thủy thủ sàn tàu bị vướng dịch tả. Thuyền trưởng Patterson vừa lo âu vừa giận dữ.  Và sự giận dữ của ông với  anh chàng McKenzie đang suy nhược vô hình chung làm cho Edwin lấy lại được một chút cảm tình của ông.
-      Tôi đã ra lệnh nghiêm ngặt là không được uống nước chưa được nấu sôi  trước.  Trên tàu không thể có nước  dơ. Vậy là anh ta đã bất tuân thượng lệnh và uống nước trên bờ.  Willoughby, anh phải đi báo cáo với lãnh sự quán, rồi làm cho xong bất cứ thủ tục giấy tờ gì họ trao để  xin vào bệnh viện Alexander, và xếp đặt cho anh ta nhập viện.  Bác sĩ đã khám qua rồi,  chắc chắn đó là dịch tả.
    Khi rời bến tàu và chân  thấp chân cao đi ngang qua giòng sông, anh nhìn thấy một người đàn bà tiến về phía anh, một phụ nữ Nga mà anh ngờ ngợ đã gặp đâu đó. Bà ta bận một áo khoác màu đen, váy và khăn choàng bạc thếc h chứng tỏ thuộc  loại dân nghèo, nhưng  trông bà gọn gàng sạch sẽ và  chân lại đi giày bằng da. Khi thấy anh, bà ta ngưng lại.
-     ‘Gospodin’! (Thưa ông?). -  Bà thọc tay vào túi áo khoác lấy ra một bao thư. Và khi  anh nhìn thấy hàng chữ viết tay to tổ bố như chữ con nít mới đi học: Ông Wilerby, SS Mạc Tư Khoa, anh nhớ ra  ngay người đàn bà đó là ai.
-     Bà Yelena phải không ? – Anh hỏi.
-     Phải, thưa ông. -  Đây chính là người đàn bà vẫn đến căn hộ Galina đang sống để dọn dẹp vệ sinh và mua sắm cho cô. Anh nhìn chăm chăm vào lá thư, tim đập thình thịch,  mong mình có đủ can đảm và phẩm cách xé toạc lá thư trước mặt người đầy tớ này  để bà ta về nói lại với Galina, nhưng bất thần bà ta quay lưng vội vã bỏ đi về phía đại lộ. Anh cũng  không cố gọi bà quay lại. Lá thư viết  nguyệch ngoạc đầy lỗi chính tả và lấm lem mực.
     Edwin iêu rấu,
     Em biếc em xai  dồi và em sin lỗi. Em đang ốm lặng lắm. Anh lói  anh iêu em dù em có nàm bất cứ rì, anh còn nhớ không? Đừng bỏ em. Đừng bỏ em. Em ốm lặng lắm và em chẳng có ai. Heikki có đến nhưng em no sợ không rám lói với ông nà em ốm. Lếu anh không đến, em không biếc phải nàm rì. Em iêu anh nhiều  Edwin
                                                                             Galina Barshinskaya
     Không bao giờ có một giây phút  nghi  ngại rằng anh rồi sẽ đến với cô. Anh không biết gì về cảm giác anh dành cho cô nữa. Tuy nhiên  cái ý tưởng  vụt lóe lên lúc này là anh phải đến với cô ngay.  Nếu   nhanh chân, anh có thể đến lãnh sự quán và  qua bệnh viện, sau đó ghé qua nhà Galina một chút trước khi  viên thuyền trưởng nhận ra được  thời gian anh đi bao lâu.
     Ở trạm xe điện là một dãy người đứng nối đuôi đợi xe  mà không thấy chiếc xe điện nào. Nóng lòng, anh  vẫy gọi một chiếc xe ngựa và hối hả nhảy lên. Anh muốn  đến với cô ngay tức khắc, nhưng biết là không thể nào. Trong suốt thời gian điền vào những tờ đơn tưởng như vô tận ở lãnh sự quán, và sự chờ đợi còn lâu dài hơn ở bệnh viện, đầu óc anh cứ lẩn quẩn với câu hỏi cô ấy  bị gì. Có phải đang bị nhiễm dịch tả không? Liêu cô đang hấp hối? Mình đã tha thứ cho cô ấy chưa? Anh không biết. Cứ mỗi lần nhớ đến cảnh  cô nhón gót chân lên để hôn  cái tên sĩ quan say rượu hôm ấy, anh biết mình không thể nào tha thứ cho cô, nhưng anh  phải đến với cô.
     Cuối cùng, công việc ở bệnh viện cũng đã xong, nhìn thấy chiếc xe cứu thương đã  lăn bánh đi mang McKenzie vào viện, anh nhảy ngay lên một chiếc tắc xi đến thẳng đường Borovaya. Suốt con đường, tâm trí anh hỗn loạn. Đằng sau sự hỗn loạn là một nỗi buồn rầu đau khổ nặng nề. Chẳng lẽ anh không bao giờ thoát ra khỏi sức quyến rũ của cô?
     Bà Yelena  ra mở cửa,  anh lấn qua bà ta, vội vã  đi vào phòng ngủ.
-     Edwin? Ồ Đúng là anh Edwin. – Cô bắt đầu khóc. Nước da  mang màu vàng tái và tóc tai xồ xề xõa xuống  đôi vai, trông cô yếu ớt và buồn bã. Anh muốn ôm ngay cô vào lòng cùng khóc với cô, nhưng bỗng nhiên hình ảnh tên sĩ quan say rượu loé lên trong trí làm anh ngưng lại.
-     Có chuyện gì?
-    Ô! Anh Edwin, đừng giận em như vậy. Em xin lỗi, thật tình xin lỗi. Nhưng em đang bệnh hoạn, cô đơn và sợ hãi lắm. Anh Edwin ơi! chắc em chết quá? Em không muốn chết ở đây một mình.
      Trông cô lúc này thật đơn sơ và mỏng manh làm cho đôi mắt trở nên thật to.  Kể từ lần gặp cuối đến nay, cô đã sụt đi nhiều ký thấy rõ, và khi tiến tới gần giường, anh thấy   từ con người cô toát ra một mùi  khó chịu.
-    Anh Edwin, làm ơn… -  Cô nức nở và đưa hai nắm tay lên chà mắt như một đứa trẻ. -  Em sẽ chết. – Cô giật người lên. – Em biết em sẽ chết. – Cô đưa tay ra nắm lấy tay anh. Lúc này cô thật là nhỏ bé,  bệnh hoạn và thảm thương. Dù sao anh đã hy vọng cô thế nào cũng  lôi kéo  cho sự tha thứ của anh, nhưng cái con người hèn hạ này thật quá  mức. Anh ngồi xuống  cạnh giường với tiếng thở dài.
-    Có chuyện gì với cô vậy? - Giọng anh đã dịu dàng hơn.
-     Edwin! – Cô sụt sùi. -  Xin anh nói anh tha thứ cho em đi! Xin anh hãy tha thứ. Em không có ý đi với bọn họ. Chỉ là vì  suốt ngày  chẳng có gì làm trong căn phòng này. Heikki đã  lâu không đến. Còn anh    lúc nào cũng chỉ  đến trong chốc lát… - Cô ngưng lại lấy thêm hơi sức. -  Em  rất cô đơn, rồi Lizka tới rủ rê nói là đi ra ngoài chơi sau  buổi trình diễn vui lắm. Em không có ý phản bội anh, anh Edwin! Em không có ý đó.
-    Không phải cô đã từng… đi với bọn họ trước đó? – Anh hỏi.
-    Không , không hề có, Em xin thề là không có.
-     Thằng Mackenzie trên tàu tôi có nhìn thấy cô với đám sĩ quan Nga trước đây. – Anh nói dối, tự hận mình sao dám đưa cô vào bẫy, nhưng không thể kiềm chế nổi  một sự đồi bại  hiện lên trong trí.
-     Chỉ có vài lần thôi! Chỉ khi nào em thấy cô đơn sợ hãi… - Cô bật khóc tức tưởi và đổ sụm xuống mặt gối. -  Chỉ có anh là người em yêu. Em chỉ cần anh, anh Edwin! Phải chi  anh luôn luôn ở mãi bên em.
     Một   trạng thái  thêm đau buồn thêm tuyệt vọng chiếm  hữu tâm hồn anh. Cô  ta đang lừa dối. Ồ, nhưng  không phải  vì không yêu anh.  Cô yêu anh theo cách thức trái luân thường đạo lý của cô, không giống như anh yêu cô với  cả sự đắm say bùng cháy  lên thành nỗi ám ảnh. Yêu cô, anh sẽ chẳng bao giờ đi hôn một người đàn bà khác hay  ngay cả chỉ bỏ ra một buổi chiều lang thang với họ.
-     Ô! Galina! – Anh thầm thì. -  Em có biết em đã làm gì đối với anh?  Em có biết em đã tàn phá đời anh như thế nào không? Em có bao giờ  suy nghĩ về những điều em đã làm với những người đàn ông đi qua đời em và rồi em bỏ rơi không cần biết tới? Có bao giờ em nghĩ đến ông Hope-Browne? Thời đó em còn quá trẻ và có lẽ không biết mình đã làm gì, nhưng có bao giờ em nghĩ về  ông Hope-Browne và đã huỷ diệt ông  ra sao không?
     Cô ta dường như co rúm người lại , trông càng nhỏ bé hơn trên giường.
-     Còn chuyện gì xảy ra với những người khác? Ông thày giảng và những người đàn ông sau đó? Ai là người đã dạy em múa hát trên sân khấu? Chuyện gì xảy ra cho ông ta? Em có biết những gì em làm không? Em có bao giờ nghĩ đến những cuộc đời  đã  bị em làm tan nát?
     Cô ngước lên nhìn anh  với ánh mắt mở to, hai hàng nước mắt từ từ lăn trên má.
-      Em không bao giờ có ý đó. – Cô thì thào. -  Em không có ý làm thương tổn  Hope-Browne, cả anh, cả ông Heikki. Ông ấy có đến thăm em. Có người đồn thổi  đến tai bà vợ ông ta về em. Bây giờ bà ấy không cho ông gặp gỡ đứa con trai. Ông ta đã phải hứa với bà vợ không bao giờ gặp lại em nữa, bà ấy mới cho gặp con. Ông có để lại cho em ít tiền cùng với căn hộ này  ở bao lâu cũng được. Ông ấy đã khóc khi xa em.  Ông nói là ước chi ông rời xa vợ ông được để cưới em, nhưng không thể được vì người bố vợ của ông  sở hữu  phần lớn  công việc làm ăn. Khi bà vợ ông biết ông ấy đi lại với em, bà đã  toan tự tử. Ông nói lúc này bà ấy  chưa hồi phục…
     Anh đăm đăm nhìn cô, không thể nào hiểu được một  con người nhỏ bé,  vừa không tự bảo vệ được, vừa bất tài vô dụng như cô lại  có thành tích hủy diệt ghê gớm thế.  Anh nghĩ đến người đàn ông lùn mập đáng buồn và kỳ lạ nhưng  lại  rất rộng rãi. Ông Heikki  coi như đã tiêu đời, nhưng anh chẳng  cảm thấy một chút vui mừng nào của kẻ chiến thắng, chỉ có lòng thương hại cho người lái buôn Phần Lan này, bằng cách nào đó  phải tự hàn gắn những mảnh đời vỡ nát  của mình lại với nhau lần nữa.
-     Bộ ông ta không  khuyên em trở về Anh sao?  - Anh hỏi.
-      Em không về được. Lúc này đã  quá đau ốm.
-      Em bịnh hoạn ra sao?
-     Em sắp có con. Nhưng giờ đã hư thai  , và máu cứ ra dầm dề. Mỗi khi em đứng lên là máu lại chảy.
     Anh tưởng như có ai đá vào bụng mình một cú.  Thật sốc khi nghe cô nói chuyện ấy chẳng chút ngập ngừng trở ngại..  Theo quan niệm của anh, đàn bà không bao giờ  nên nói những chuyện ấy ra, huống chi lại còn nói với  sự rõ ràng trắng trợn như thế. Chuyện sanh con đẻ cái, hư thai  chỉ nên  nói thật kín đáo trong  phòng riêng  cửa đóng then cài nơi không có mặt đàn ông. Câu nói của Galina lúc đầu mới chỉ gây sửng sốt , rồi sau đó , một luồng ghen tuông lại nổi lên gậm nhấm trái tim anh.
-     Có phải đó là giọt máu  của anh?. – Khi cô chuẩn bị nói tiếp,  anh bỗng chộp mạnh cổ tay của cô. -  Em phải nói sự thật, hiểu chưa Galina? Không được dối trá nữa! Nếu em muốn anh giúp đỡ em, ở lại với em, thì không bao giờ được lừa dối anh nữa. Bây giờ, suy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời. Đó có phải là con của anh không?
-     Em không biết. – Cô rên rỉ.
-    Ôi , lạy Chúa! – Anh đưa tay lên ôm mặt.
-    Anh thấy đó. – Cô bắt đầu lắp bắp. -  Em không thể nào cho ông Heikki biết em đau bệnh gì. Ông ta biết ngay không phải con của ông. Suốt mùa xuân và mùa hè ông đã không đến đây. Em thì lo sợ điều mà ông ta sẽ làm với  em nếu ông ta biết  em đau ốm ra sao. Em cần tiền của ông ấy, và cả chỗ ở này nữa.
    Anh không đáp lại. Thật ghê tởm và đáng xấu hổ.  Đàn ông thiên hạ khắp thế giới đang ngã xuống  trong  sự chiến đấu cho  đất nước của họ, còn anh đi lãng phí đời mình để  cứu giúp cái mảnh đời  hoàn toàn vô dụng, vô tâm , ích kỷ này. Và rồi khi nhìn xuống cô ta quá  bé nhỏ, quá tái nhợt  và quá thảm thương, anh biết  anh   không thể làm gì khác vì anh quá yêu cô.
-     Em đã đau ốm thế này bao lâu rồi?
-     Đã mấy tuần rồi, em không nhớ rõ.
-        đi gặp bác sĩ chưa?
-     Chưa… Cô tránh đôi mắt anh.
-     Em có điên không?  Em sợ là có thể chết mà lại không đi khám bác sĩ.
-     Em không thể. – Cô lại khóc. – Lizka bắt em phải hứa là  không mời bác sĩ tới vì cô ấy sợ gặp rắc rối. Cô ta có đưa em tới một anh chàng bác sĩ ở phía Viborg. Có điều em không nghĩ anh chàng đó thực sự là một bác sĩ. Khi  em bảo Lizka là em  đau nặng  và nhờ cô ta mời ông  ta tới khám bệnh, cô ta nói ông không còn ở đó nữa. Rồi cô ta bỏ đi và không  trở lại  thăm em nữa. – Cô  đưa mắt lên nhìn anh và nói với giọng mệt mỏi buồn bã, - Anh cũng thấy đó. Em đã có lần nói với anh, em chẳng có một người bạn nào cả. Chỉ có đàn ông, đàn bà xum xoe  quanh mình thôi.
     Bỗng nhiên anh thấy mình phải ra khỏi chỗ này ngay nếu không sẽ ngộp thở.  Mùi vị của cô, ý nghĩ về việc cô làm,  về con người cô  làm anh  thấy có thể chết vì ngộp.
-    Giờ anh phải đi. Ngày mai sẽ trở lại.
      Gương mặt cô  co rúm lại và cô đưa cánh tay ra:
-     Đừng rời xa em! Xin đừng xa em! Em sợ hãi quá .
     Bởi vì cô  tới gần anh với  sự đau khổ, bởi cô hoàn toàn bất lực, bỗng nhiên cô lại ở trong vòng tay của anh, đầu dựa vào ngực anh, nỗi lo  sợ  của cô lan truyền sang anh, nỗi lo sợ  toát cả ra ngoài.
-     Ôi! Galina!
-     Đừng  rời bỏ em!
-     Anh phải đi. Ngày mai anh sẽ trở lại và sẽ mang bác sĩ tới. Thế nào anh cũng phải tìm  được một bác sĩ. Bà Yelena thì sao? Bà ấy có thể ở lại với em đêm nay chứ? Nếu anh cho bà ít tiền, liệu bà ấy chịu ở lại chăm sóc em cho tới khi anh xếp đặt công việc không?
-    Dạ được. Em hy vọng nếu em hỏi bà ấy sẽ bằng lòng.
-     Anh sẽ hỏi bà ấy khi anh ra về. Anh cho bà ấy tiền nhờ bà ở lại với em  cho tới ngày mai anh trở lại với một bác sĩ. Em sẽ không sao cả cho tới mai. Nhớ đừng ra khỏi giường.
-     Edwin! Anh sẽ không bỏ em phải không? Hứa không bỏ em nghe anh!
     Anh hôn nhẹ lên má cô và đặt cô trở lại giường.
-     Ngày mai anh sẽ đến. – Anh bình thản nói.
     Khi  rảo qua phòng ra cửa, anh  có thấy trong đôi mắt cô vẻ van nài cầu khẩn, nhưng anh không thể nào nói những lời cô muốn nghe. Chưa thể nói được. Anh nói chuyện với người đàn bà và cho bà số tiền còn lại trong túi, rồi bước ra khỏi căn phòng đi xuống những bậc cầu thang. Anh đứng lại hít thật mạnh những làn không khí tươi mát, cố cho đầu óc thoát khỏi cái ngột ngạt của căn phòng, và của nỗi lòng chán nản thất vọng của chính mình. Anh tự hỏi trong trí làm sao giải quyết những  khó khăn rối rắm của cô, nhưng anh biết mình sẽ phải làm. Với bất cứ giá nào, anh biết mình phải làm.

                                              ( Xem tiếp chương 19)

No comments: