Trôi theo mùa hè_19

                                                                  Chương 19

                           Hành trình dấn thân

 K
hi Sophie đưa  vé cho người soát vé coi rồi vội vã lên sân ga của trạm xe lửa Newcastle, lúc đầu, cô không tìm thấy Daisy May. Một đám đông nghẹt các thủy thủ đang chất đồ đạc hành trang của họ lên toa chở hành lý. Cô phải chen lấn qua họ. Trời còn quá  sớm và lạnh lẽo  để họ có thể  biểu lộ  tinh thần cao thượng, nhất là rõ ràng họ  đang trở lại sau những ngày giờ nghỉ phép để phục vụ tiếp tại vùng Biển Bắc. Nhưng rồi họ cũng bị khuất phục chịu mở lối cho cô.
     Vội vã bước lên thềm ga, cô càng thêm thất vọng,  đảo mắt không thấy Daisy ở đâu cả.  Cô đã phải thức dậy rất sớm vào buổi sáng, bắt chuyến xe lửa chở sữa đến Victoria, rồi  ngồi tắc xi băng qua Luân Đôn đi tới King’s Cross đặc biệt để từ biệt Daisy.   Nói lời giã biệt với người bạn của cô, thật là một việc vô cùng quan trọng cô cần phải làm.
     Gần  đầu máy xe lửa, một đám người đàn ông đàn bà lẫn lộn đang vừa chất hành lý lên xe vừa  chào hỏi giã từ nhau, tiếng nói í ới ồn ào qua tiếng rít của bầu hơi nước nóng.  Cuối cùng, cô cũng thấy Daisy May, đứng riêng một góc, cùng chung một toán nhưng không cùng một thành phần với họ.
-     Daisy!
     Daisy quay lại, gương mặt nhỏ nhắn  lợt lạt của cô chợt toét miệng cười, một nụ cười ngạc nhiên vui thích đến nỗi cô cảm thấy mọi cố gắng  để đến đây thật  sớm với bạn  thật đáng giá biết bao.
-     Sophie! – Daisy thở vồn vã. – Sophie!  Trời thần nào  đưa cô tới đây vậy? Tôi chẳng  bao giờ nghĩ sẽ gặp cô ở đây.
-      Tớ  chỉ báo cho bà Fawcett biết là  tớ đi, bà ta phải chấp nhận thôi. Không nói một lời.  Bà ấy không thể nói đưọc gì  bây giờ vì ai cũng bỏ đi. Tớ bắt chuyến xe chở sữa. Nhất định phải đến từ biệt bồ, Daisy ạ! Tớ không thể nào để bồ ra đi mà không có…
    Cô chợt ngưng lại nuốt lời vào miệng. Mình tìm đủ mọi cách đến đây, vào giờ giấc này của buổi sáng , không thể để Daisy May  ra đi với tâm trạng nặng trĩu và hàng đống nước mắt.
-    Đáng lẽ là cô  ra đi mới phải Sophie ạ! Cô là người vẫn luôn mơ ước đi  đây đi đó. Tôi thì có bao giờ muốn  làm gì khác ngoại trừ  ổn cư một chỗ. Có lẽ nếu cô đi sẽ  vui thích nhiều hơn tôi.
     Sophie lại  cố nuốt nước miếng.
-     Ừ phải. Nhưng mà … bồ lại là người ra đi. Bồ tự làm lấy hết mọi việc, tự xếp đặt, và một khi bồ tới đó rồi, bồ sẽ thấy thích thú và…
     Nhìn con người của Daisy May, cách ăn mặc của cô làm Sophie  phiền muộn nhiều nhất.  Cô đứng đó với chiếc áo khoác đậm màu và áo sơ mi trắng bên trong, cái mũ tròn quay trên đầu có gắn huy hiệu Quaker trên giải băng phía trước, trông cô quá lẻ loi, chẳng bắt mắt chút nào. Đó là lý do  vì sao Sophie muốn đến từ giã. Cô không thể chịu đựng nổi  hình ảnh Daisy May không có một người thân thuộc, ra đi mà không có lấy một người đứng trên thềm ga vẫy chào giã biệt.
-     Bồ đã có đủ mọi thứ  cần thiết cho hành trình  rồi chứ? Cả trên tàu thủy và cả trên xe lửa ở phía bên kia bờ nữa?
-    Có đủ hết rồi.
     Sophie nhìn vào đám người bên cạnh. Tất cả  phụ nữ đều có mang huy hiệu Quaker trên mũ. Đàn ông cũng có đồng phục riêng của họ với  ngôi sao tám cánh được gắn trên ngực áo.
-     Bồ có quen biết một ai trong họ không Daisy?
-    Chỉ vài người thôi… từ những buổi họp đầu tiên của chúng tôi.  Tôi hy vọng sẽ làm quen với họ trong suốt hành trình. – Cô cười, một nụ cười nhỏ hơi căng thẳng nhưng đầy quyết tâm. Sophie  đưa tay nắm lấy cánh tay bạn và nghĩ đến  điều tốt đẹp hơn.
     Cô nghe tiếng người trong nhóm bên cạnh trò chuyện và cô biết rằng, khi họ  đã có dịp quen biết nhau, Daisy May sẽ là một người thừa thãi trong đám. Họ dường như có vẻ tử tế và  ăn nói  thật sang giống như lối ăn nói của ông Hope-Browne, của bà Fawcett, không phải thứ sang trọng kiểu cách hay ngốc nghếch, mà là thứ sang trọng  dễ thương. Cô không thể tìm thấy một âm hưởng  quê mùa nào như giọng nói của  Daisy và của chính cô. Họ là những người có học, khôn ngoan . Tử tế nhưng khôn ngoan. Daisy May rồi  sẽ trở nên cô đơn.
-     Tôi biết bạn đang nghĩ gì Sophie. – Daisy May thình lình nói, giọng nói trở nên lớn hơn. – Nhưng tôi chắc chắn mọi sự sẽ tốt đẹp. Tôi biết họ ăn nói như bà Fawcett, nhưng  họ thực sự tử tế với tôi. Hơn nữa, có một số người đã có mặt sẵn ở đó rồi, và còn nhiều người nữa sẽ lên đường sau bọn tôi.  Bắt buộc thế nào cũng có  vài người giống như… giống như tôi vậy.
-     Dĩ nhiên phải có. – Sophie thành tâm nói.  Cô vẫn chưa đồng cảm  được với chuyện ‘tày trời’ mà Daisy May đã làm. Mới chỉ hơn năm tuần lễ trước, Daisy May  đã cho nổ một tin động trời. Với một cử chỉ vừa hiếu thắng vừa tự bảo vệ, cô tuyên bố  sẽ rời bỏ nhà Fawcett. Cô đã nộp đơn xin đi qua  Nga, tới một vùng có tên  Samara với một đơn vị cứu trợ nạn nhân chiến tranh của Quaker và đã được chấp nhận. Cô sẽ rời nước Anh   vào cuối tháng Bảy. Chuyện ấy làm Sophie không thốt nổi nên lời.
-     Tôi đi làm việc  giúp những người tỵ nạn chiến tranh, những người Nga, người Ba Lan và người Lithuanian đã mất nhà cửa  gia đình vào tay bọn Đức. Họ được chuyển đến Samara, ở miền Nam nước Nga gần rặng núi Ural. Chúng tôi sẽ đến một nơi có tên Buzulus. Người ta  có thể tìm  thấy trên bản đồ thế giới.
     Có một lối nói như diễn giảng trong giọng nói của cô, dường như vừa để thuyết phục cả chính cô và Sophie. Và bỗng nhiên Sophie  lấy lại được tiếng nói:
-     Bồ đi qua…Nga?  Không vô lý như thế chứ? Daisy ! Bồ sẽ tự xoay sở ra sao  trên đất Nga?  Bồ đâu có biết tiếng Nga.
     Daisy May nhìn cô chòng chọc và rồi nhăn mũi cười:
-     Đừng ngốc nghếch chứ Sophie! Dĩ nhiên tôi hiểu tiếng Nga .
     Với  cảm giác sững sờ, Sophie bỗng nhớ ra Daisy là ai. Hai người đã cùng lớn lên  với nhau trong quá trình nhiều năm, con bé Daisy May trầm lặng với  giọng nói miền Kent  mềm mại và cử chỉ nghiêm trang nhút nhát đến nỗi  cả hai quên mất rằng cô là con gái của một người lạ thường đã từng đến sống trong làng trong một mùa hè ngắn ngủi. Dĩ nhiên, Daisy May là một người  trong nhà Barshinskeys và cô đã có mười một năm đầu đời nghe cha cô và Galina  trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ riêng của họ. Thêm  nữa, cô lại nhận ra rằng, như đã từng xảy ra nhiều lần trong  cuộc sống của họ, Daisy May đã không  làm những chuyện người ta nghĩ cô  sẽ làm. Như trong  nhiều năm tháng, Daisy  hành xử  với  lối vâng lời  tuyệt đối trong sự tự làm mình mờ nhạt, nhẫn nhục chịu đựng để làm vui lòng mọi người và  tỏ vẻ biết ơn, đôi khi  quá mức đến  đáng nổi giận, rồi bỗng nhiên  không hề  báo trước cô  lại làm một chuyện  ra ngoài  bản chất của cô. Điều đó làm người ta nhớ lại rằng cô không giống như những người khác.
-     Tôi không  nói  được tiếng Nga. Anh Ivan và tôi hồi nhỏ  nhất định không chịu nói, nhưng cả hai đứa đều hiểu. Ngay cả mẹ tôi rồi cũng hiểu đôi chút vì bố   không bao giờ nói gì khác với Galina.  Khi đi xin việc, đi tới Samara, tôi có giải thích là tôi không thể nói được, nhưng dường như họ nghĩ rằng nghe hiểu thôi cũng đủ để cho tôi  hợp tiêu chuẩn cho công việc. Tôi nghĩ là không có nhiều người Anh trong Quaker  có thể hiểu được  tiếng Nga.
-   Nhưng thế nào…  rồi sao…?
-   Tôi không hy vọng xin được việc. – Cô khiêm tốn nói. - Tất cả những người khác  ra đi đều là bác sĩ , y tá hay những người học thức cao. Lý do duy nhất họ nhận tôi là về ngôn ngữ.
      Sophie nhìn cô đăm đăm, không thể nào  thấm nhập vào lối giải thích tréo ngoe đó. Nếu chuyện không quá kinh khủng thì thật quá tức cười:  con nhỏ Daisy May nhát như cáy, sợ hãi mọi thứ  lại đi tới tận nước Nga làm việc.
-     Bồ đi vì anh Edwin phải không?. – Cô hỏi, bỗng  tìm lại được miệng lưỡi. – Đúng là vì lá thư cuối anh mới gửi về phải không?. Tớ biết  là không nên cho bồ coi nó. Tớ biết mình đã làm sai rồi.
      Cô đã  hầu như  sợ hãi với mớ thư từ của Edwin. Ngay  với những lá thông thường chỉ tả về  thời tiết bên Nga, về con tàu và thành phố St Peterburg cũng làm  bố mẹ  buồn phiền, nhấn mạnh rằng con trai của ông bà tự đày đoạ cô lập mình ở  vùng  bên kia thế giới  làm những sự việc quái lạ họ không thể nào hiểu ở trong một thành phố xa lạ, trong khi con cái của những gia đình khác  đã hy sinh ngoài mặt trận Flanders.
     Nhưng vào  mùa xuân, có một lá thư chợt đến. Nó  được gửi đến theo địa chỉ nhà Fawcetts để bố mẹ không đọc được, là lá thư gây phiền toái nhất vì sự trung thực của nó.
     Trorng thư, anh  giải thích cho Sophie biết nguyên nhân nào đã làm anh đi tới đất Nga. Không chi tiết lắm, chỉ là vì Galina Barshinskey  đã đi vào đời anh, và anh đã theo cô tới St Peterburg. Bây giờ cô ốm nặng. Cô đã đau ốm trong nhiều tháng trời, đã phải nhập viện và  có cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Anh viết là anh không thể bỏ rơi cô, anh đã cam kết chăm sóc cho cô. Anh không biết  chuyện gì sẽ xảy đến cho họ nhưng tạm thời anh phải ở lại đó. Anh nhờ cô  cho Daisy May biết anh đang săn sóc Galina và hy vọng, rồi sẽ mang được  cô ấy trở lại Anh Quốc. Anh  nhờ cô quan tâm tới bố mẹ. Anh  nói rất xấu hổ vì  anh đã  bỏ lại mọi thứ đáng lẽ là trách nhiệm của anh cho cô và chị Lillian. Và rồi anh viết:
và mặc dù anh nói  em và  chị Lillian, anh thực sự  chỉ có ý nói  tới em Sophie ạ! Bởi em là đứa con ngoan nhất nhà. Em chính là người đang thắt chặt gia đình mình lại với nhau khi bố  thì bịnh hoạn. Em  chẳng bao giờ nghĩ mình quan trọng, nhưng thực ra em thật quan trọng bởi em  quá bình dị, quá tầm thường, quá tốt và quá thực tế đến những điều cần thực tế  giống như bố. Em là người  thực sự giúp đỡ gia đình Barshinskeys những năm trước. Chính em  đã nhắc nhở mẹ phải đối xử tử tế với gia đình họ trong tình người.
      Hơn thế, em  là bạn thực sự của họ, không như anh và Lillian. Lúc nào em cũng cư xử đúng đắn  mà cũng không biết mình làm  điều đúng đắn đó. Vì thế bây giờ anh nhờ em  làm tiếp chuyện đúng đắn: ở lại trông chừng bố mẹ  giùm anh, làm người bạn tốt của Daisy, là một hộp thư cho anh và Ivan, và là một cây cột vững vàng mạnh mẽ cho chị Lillian khi chị cần một  hai chỗ nối kết  để nương tựa. Đến cả tiền bạc anh  cũng không thể  giúp, Anh không biết nếu có cách nào để chừa ra  một ít lương của anh  lại cho nhà, nhưng nếu có cách anh cũng không thể gửi. Hiện anh phải tiết kiệm từng xu để  hy vọng có thể đưa Galina trở về nhà ngay khi có cơ hội đầu tiên. Anh sẽ cố gắng  đền bù một ngày nào đó Sophie! Anh chẳng thấy mình đáng tự hào, nhưng anh biết mình sẽ  hổ thẹn hơn nếu bỏ rơi cô ta lúc này. Cô ấy đau ốm, bạc nhược và sợ hãi. Anh không có sự chọn lựa, nhưng anh biết mọi sự ở nhà  sẽ ổn thoả nếu có em ở đó.  Xin  Thiên Chúa chúc phúc  cho em….
     Trong  gia đình, họ  không bao giờ nói hay viết cho nhau một cách tình cảm. Cảm xúc thường được giữ kín  giữa đôi môi mím chặt, và vì thế, lá thư  đã làm cô  phiền lụy vô cùng với những câu nói về việc chăm lo  người này người kia cũng như  việc ai tốt ai không. Lá thư đánh động cô và làm cô đã bối rối, lại thêm một chút đắng cay. Anh  viết về chị Lillian hoàn toàn sai, riêng  nói về cô thì  giống như cô  đã là một gái già ế chồng.
     Những lá thư của Ivan có đôi khi  đến với cô, nhưng thường đến nhiều hơn với chị Lillian. Cô nhìn thấy chúng  trên bàn của chị.  Ivan hoặc là đã học cách viết thư mà  anh ta không thấy xấu hổ, hoặc  có điều gì đó làm anh ta chẳng thèm để ý  chúng như thế nào, miễn là  chúng tới được tay chi Lillian. Cô rất nóng lòng muốn biết  chị có trả lời anh ta  không, nhưng  vết thương mưng mủ trong tim không cho phép cô hỏi. Mỗi lần anh ta viết cho Sophie, cô đều đọc   kỹ lưỡng   coi có dấu hiệu thân thương nào trong đó không, nhưng chúng toàn là những  lời lẽ của một  người trẻ kiêu hùng nhưng  e sợ, coi Sophie như một người bạn thân thiết và an toàn. Chỉ có thế. Một lần anh ta viết:
-    Người bạn thân của tôi vừa ngã xuống hôm nay, Sophie !. Hai đứa là bạn thân từ  khi tôi mới gia nhập trung đoàn như một thằng lính sữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng thêm…
     Mặc dù lo sợ cho anh, cô cũng  cảm thấy hãnh diện là anh đã viết cho cô như thế. Nhưng những lá thư ấy chẳng có chút nào giống  những thư anh viết cho Lillian. Cô biết điều đó,  bởi cô đã có coi một lá, lấy nó ra khỏi bao thư và đọc trộm thật nhanh trong khi Lillian ở dưới lầu, và cô chẳng thấy xấu hổ mà chỉ thấy thật thất vọng vì những cái Ivan viết toàn là  ca tụng Lillian xinh đẹp ra sao trong đêm  chị ngồi dưới ánh đèn dầu  bên cửa sổ và  bao nhiêu thời gian anh đã nghĩ đến chị. Anh nói anh sẽ  gửi đến chị những  tấm  bưu thiếp từ Pháp có  hình thêu đặc biệt. Từng tấm một chúng đến, với những mảnh tơ và  mút lin mỏng thêu thùa  tinh  xảo  trong lớp lụa xinh xắn và được trang trí trên tấm thiệp như một bức tranh đóng khung. Chị Lillian có khoảng mười tấm như thế. Sophie mong ngóng anh ta gửi đến cô một tấm, nhưng những gì cô nhận được chỉ là những  diễn tiến của chiến hào.
      Cuối cùng, khi  nghiên cứu lá thư của Edwin trong một lúc lâu, cô quả quyết rằng chỉ có một phần trong đó là sự thật. Đó là phần tả cô giản dị và tầm thường.
     Cô đã  do dự thật lâu trước khi  đưa lá thư cho Daisy May. Và rồi cuối cùng cô  đưa ra vì, dù sao Galina cũng là chị ruột Daisy May, và  dù sao Daisy cũng đã nói là cô luôn luôn biết rằng chuyện Edwin đi tới nước Nga phải có gì liên quan tới Galina.
     Đó là kết quả  giờ này Daisy đang đứng trên thềm ga King’s Cross trong bộ đồng phục Quaker với  rương hành lý dưới chân.
-     Tớ hy vọng là bồ đã có viết cho anh Edwin rồi! – Sophie nói, không nhìn vào khuôn mặt của Daisy May, nhưng khi  Daisy trả lời, cô tỏ ra trấn tĩnh.
-     Có, tôi có cho anh biết là  hành trình đi tới  Petrograd   dự trù khoảng chín ngày. Xe lửa đến từ Phần Lan rõ ràng mỗi ngày cùng một  thời điểm. Đây quả là một biến cố, vì thế anh sẽ  giàn xếp để mỗi ngày có mặt ở  nhà ga vào giờ giấc đó. Tàu của anh khoảng thời gian này cũng đang  đâu bến. Mọi  chuyện diễn ra đúng theo ý muốn. Bọn  chúng tôi có nhiều giờ chờ chuyến ở Petrograd trước khi băng qua thành phố   đón đoàn xe lửa đi Mạc Tư Khoa.
     Thật vô lý. Một người nhỏ nhoi khốn khổ như Daisy giờ tuôn ra hàng loạt những tên Petrograd, Mạc Tư Khoa  trôi chảy như  là Reigate và  Turnbridge Wells vậy. Rồi Daisy nói:
-      Tôi biết là có vẻ ngu dại, thảm hại nữa không chừng cho tôi  đi hết hành trình này để gặp Edwin, nhưng không hẳn là  như thế. Tôi đã từng bảo bạn  khi gia nhập vào giáo hội Thân Hữu là tôi muốn  làm điều gì đó cho đời mình, phụ thuộc vào một nơi nào đó. Giờ  này tôi đang  chuẩn bị làm điều tôi  muốn  đó    tôi đã thuộc về đơn vị cứu trợ. Điều này với tôi thật đặc biệt. Và đúng thế. - Lời nói cô  bỗng trở nên hối hả. –Phải.Tôi có quan tâm đến Edwin. Ít nhất, nếu tôi có mặt trên đất Nga. Tôi đang ở trên cùng mảnh đất với anh. Có lẽ tôi có thể giúp đỡ anh  một cái gì đó, cho dù có có ở xa  cách anh nhiều dặm đường.
     Từ cuối sân ga, có tiếng còi của người giữ trạm và một tiếng hô lớn. Một trong những người đàn ông mặc đồng phục tiến tới xách rương hành lý của Daisy May lên.
-    Chúng ta lên đường, cô Barshinskey! – Ông  vui vẻ nói. -  Tôi để cái này chung với  mớ hành lý kia nhé? Có lẽ cô muốn lên chung toa với cô D’ete và cô Stubbs.
    Hai cô gái chăm chú nhìn nhau, thình lình thấy e sợ trước ý nghĩ có thể họ  đang nói lời giã biệt  nhau mãi mãi.. Rồi Daisy nghiêng người qua hôn lên má Sophie.
-   Cám ơn Sophie… cho tất cả mọi thứ.
-     Cô Barshinskey!
     Cô bước lên toa xe, nhẹ nhàng kéo váy lên thật khả ái. Người giữ trạm đóng mạnh cửa toa và  xe lửa bắt đầu nổ máy với tiếng hơi nước rít lên. Bàn tay đeo găng đen của Daisy đặt trên thành cửa sổ, và khi xe bắt đầu lăn bánh, cô đưa tay lên vẫy. Còn Sophie, dù có sự lo lắng, cũng thấy một chút ghen tỵ với hành trình vượt qua núi  rừng sông biển  mà Daisy May  đang sắp dấn thân. Dù hành trình ấy kết thúc  ra sao, dù bất cứ gì sẽ xảy ra, Daisy May cũng  đang  được  đi ngắm nhìn thế giới.

      Họ  vượt qua Biển Bắc vào ban đêm, mọi đèn đuốc  trên tàu được tắt hết để tránh sự chú ý theo dõi của  đám thuyền bè của Đức. Không có một lúc nào trong tâm trí của Daisy May nghĩ  rằng họ bước vào nguy hiểm. Mặc cho những xa lạ   và những kinh nghiệm mới mẻ về  chuyến  đi xe lửa  suốt chiều dài  nước Anh và  sự lạc lối khi xuống tàu, cô biết là dù có  chuyện gì xảy đến với cô, nó sẽ không kết thúc ở đây, trên  vùng biển Bắc này. Cô có lo lắng, nhưng không  vì chuyến hành trình, mà  vì cái khả năng kém cỏi của mình.
     Cô là một đầu bếp chỉ biết sắp xếp trong nhà bếp và những bữa ăn cho một căn nhà lớn. Nhưng mớ năng khiếu đó và một tí kiến thức về tiếng Nga là tất cả những gì cô có, và cô lo ngại  đoàn người của cô sẽ khám phá ra cô là một vật cản trở vô dụng. Tuy đã nói với  Sophie thật mạnh dạn, cô vẫn không chắc cái kiến thức về tiếng Nga ít ỏi của cô có đủ dùng không. Ngay từ khi biết mình sẽ  qua Nga làm việc, hằng đêm, cô có thói quen  nhắm mắt lại, cố mường tượng  việc bố và Galina nói chuyện với nhau. Có lần, một ý tưởng thoáng qua trong đầu: giả như khi mình đến đó và cuối cùng  không hiểu được tiếng Nga, giả như mình làm mọi người thất vọng khi họ cần mình… Nhưng rồi, tự nhiên,  hình ảnh Galina ngồi trong lòng bố hiện lên trong trí, và bất ngờ cô có thể  nhớ lại được âm điệu và  lời nói họ đã từng nói. Cô không thể tự nói ra miệng, nhưng  cô có thể nhớ hết.
     Trong hành trình, cô cẩn thận không gia nhập vào các cuộc nói chuyện quá nhiều. Cô quyết định phải cố gây càng ít  phiền hà càng tốt và không phô ra cái sự dốt nát của mình. Một trong hai cô gái kia   bị say sóng dữ dội khi  đi trên biển, và cô thấy là cô Stubbs, người nữ y tá  chuyên nghiệp đã tỏ ra biết ơn  khi cô giúp cô ấy cầm chậu và đi đổ nước thải. Tới đoạn cuối hành trình vượt biển, ngay cả cô Stubbs cũng phải  nằm xuống nghỉ, cô mới bắt đầu thấy mình hầu như cũng có tí ti cần thiết. Cô bèn âm thầm dâng  lên một lời cầu nguyện: Cám ơn Chúa đã cho cô là một người đi biển tốt. Thật tệ hại như thế nào, nếu   ngược lại, bạn đồng hành phải phục dịch cô.
     Cuối cùng  khi mọi người và hành lý đã lên bờ,  họ không đủ thì giờ cho bữa ăn sáng trước khi phải lên  xe lửa đi tới Oslo. Cô đã  đi với ông  Foulgar, người thủ quỹ của nhóm,  để mua bánh mì, bơ và sữa  từ một quầy hàng trong nhà ga. Khi cả nhóm đã ngồi trên xe, vì tự nghĩ mình có nhiệm vụ  phục dịch, cô tự động phân chia thực phẩm. Một bầu không khí hân hoan và lạc quan xuất hiện. Họ vừa  khởi đầu con đường và đã  vượt qua được trở lực đầu tiên.  Như những nhóm du hành nhỏ bị cô lập trong một môi trường xa lạ  thường làm, họ nhanh chóng kết hợp thành một  đơn vị hỗn hợp, mỗi người tự nhận lãnh một vai trò trong nhóm hầu như không cần bàn thảo.
    Họ còn rất trẻ, với ông Foulgar  ba mươi sáu, lớn tuổi nhất. Bốn người còn lại đều dưới ba mươi, không kể Daisy May, họ đều thuộc giới trung lưu. Cô Stubbs, người nữ y tá chuyên nghiệp tỏ ra hữu dụng nhất đám, cô D’Ete đã giúp gây quỹ từ thiện ở  Midlands. Anh Chàng Goode, chỉ hơn Daisy May một tuổi , đang học để thành kỹ sư. Anh  ta đầy năng lực với sự lạc quan vô hạn. Anh tổ chức trò chơi đố chữ suốt hành trình trên xe lửa    mang lại một cảm giác vui tươi và thích thú trong mọi việc họ làm.  Vào thời điểm họ tới Stockholm chuẩn bị  bắt đầu cho đoạn đường dài  đi qua những cánh rừng thông của Thụy Điển, hai cô Stubbs và D’Ete đã thân mật gọi nhau  và cả Daisy bằng tên riêng. Daisy vẫn còn cảm thấy quá sỗ sàng  để gọi thế và cô trù tính cố tránh phải gọi tên họ.
     Mất ba ngày chạy như điên qua  sông núi Thuỵ Điển mới tới được tiền trạm ở Haparanda. Thỉnh thoảng, ông Foulgar đọc cho họ nghe  một số đoạn từ Thánh Kinh và từ cuốn Barchester Towers mà Daisy rất  thích. Từ khi rời nhà  trường, cô chẳng bao giờ có thời giờ hay cơ hội để  đọc sách. Mỗi khi  xe lửa dừng lại  đủ lâu, họ  ra khỏi toa xe đi bộ lên xuống, cố kiềm chế cái cảm giác choáng váng bây giờ dường như mai phục sẵn trong tâm và đã trở thành một tính chất vĩnh cửu của cuộc đời họ. Những cảm giác mới mẻ, xa lạ của  hành trình đã mòn mỏi. Chỉ Daisy May vẫn còn trầm tĩnh. Cô thấy như  đã xa nhà nhiều tháng  rồi. Thật khó khăn để  nhớ rằng chỉ mới vài hôm trước.  cô còn đang nấu nướng ở  căn bếp nhà Fawcetts.
     Khi  họ đi qua dòng sông ở Haparanda, những người Nga đang chờ đợi họ ở đó. Với một   loáng sợ hãi nho nhỏ, Daisy biết giây phút thử thách  đã tới. Xuyên qua Na Uy Và Thụy Điển, họ có được những nhân viên phục vụ  trên xe lửa biết xử dụng Anh Ngữ thông dụng cho du khách, đủ để thông báo cho họ biết xe lửa ngưng lại bao lâu, khi nào  họ nên trở lại, họ có thể ở trong các nhà hàng trong các nhà ga bao lâu… Cô lại thấy mình lẩm bẩm cầu cho các nhân viên quan thuế Nga cũng biết tiếng Anh căn bả . Giả như  bây giờ cô ở đây mà không hiểu được chữ nào. Họ sẽ làm gì với cô. Liệu sẽ gửi trả cô về nước?
     Họ đợi ở trạm  biên phòng thuế quan  trong cái mát lạnh buổi sáng, mùi hương của gỗ thông ngào ngạt chung quanh và trên đầu bầu trời cao một màu xanh  nhạt. Một người Nga trong bộ đồng phục bước ra và chẳng cần một chút cố gắng nào, cô nghe và hiểu lời ông nói.
-     Ông ta nói chúng ta phải mở hết các đồ đạc hành lý ra. – Cô thông dịch lại. Thật là một cảm giác kỳ lạ. Cô không biết làm sao mình hiểu, nhưng  cô đã  hiểu. Và khi  nhân viên đó hỏi cô có phải cả  năm người là cùng trong nhóm của cô không, cô thấy mình tự nhiên  bật ra tiếng Nga: “ Dạ! năm.”    chỉ có thể  nhớ hai chữ đơn giản như thế.
     Tất cả những người khác quay sang cô như trút được gánh nặng, họ hỏi cô một lô câu hỏi  làm cô không thể trả lời, nhưng  với niềm tự tin mới tìm được làm cô bảo họ:
-    Cứ  mở hết mọi hành lý ra và tôi chắc chắn mọi việc sẽ ổn. Họ đặc biệt muốn  coi chúng ta  đã mang vào những sách vở gì.
     Cô không thể nói nhiều hơn hai tiếng’ có’ ‘không’ và câu’ tôi không nói được, chỉ nghe được thôi’, nhưng tình thế bắt buộc làm cô  đủ sức. Điều gì không thể giải thích, cô ra dấu hiệu, đưa ra  sổ thông hành, giấy phép đi lại và các  công văn tài liệu từ chính quyền nước Nga để giải thích vì sao họ đến.
     Một lần nữa, cả bọn họ lại bị thu hút. Anh chàng Goode nói:
-    Ô! thật tốt quá, cô Barshinshey này! Từ giờ trở đi  bọn mình phải coi cô như người lãnh đạo mới được.
     Cô cười không đồng ý  kiểu “vừa thôi ông bạn”, nhưng cũng nhận ra sự thay đổi thái độ trong nhóm. Vai trò của cô  đã thay đổi. Cô đã gắn liền vào nhóm. Và bởi vẫn là một Daisy May, cô bắt đầu lo lắng và cố giải thích.
-     Tôi không biết mình có chắc  lúc nào cũng hiểu lời họ nói không.  Cha tôi sinh trưởng ở Novgorod mà tôi nghĩ thuộc miền Bắc nước Nga.  Ở đó họ nói cùng một thứ tiếng Nga như  ở đây. Nhưng ở Luân Đôn, người ta nói  ở miền Nam nước Nga có thể họ nói khác, một thổ ngữ nào đó. Tôi không dám hứa mình có hiểu không?
-     Đừng lo. – Ông Foulgar tử tế nói. -  Chúng ta đã được khuyến cáo là có thể sẽ phải thuê  thông dịch viên địa phương, nhưng trong đám dân đi tỵ nạn, cô hãy vui lên đi. Tất cả những người này  đều từ miền Bắc. Dù bất cứ trường hợp nào, ít ra một người trong chúng ta cũng nên  hiểu mớ ngôn ngữ căn bản. Tôi nghĩ bắt đầu từ bây giờ,  trên các chuyến xe lửa,    nên dạy cho chúng tôi một số từ ngữ đơn giản.
     Vào ngày cuối chuyến đi, họ vượt qua những khu rừng có ánh mặt trời chiếu xuyên qua, có đôi lúc Daisy  bất thần nhắc đến  là rất có thể, người anh trai của bạn cô sẽ chờ đón họ ở trạm Finland.
-      Anh ấy là anh trai của người bạn đã đến tiễn tôi đi ở nhà ga King’s Cross. – Cô nghiêm trang nói, dường như một sự giải thích đầy đủ và hợp lý của việc có mặt của Edwin ở sân ga là điều cần thiết. -  Chúng tôi cùng lớn lên. Chúng tôi quen nhau từ khi tôi lên mười một tuổi.
   Bốn cặp mắt tò mò nhìn chăm chú vào mặt cô.
-     Anh ấy là thủy thủ tàu buôn và phải ở lại Petrograd cùng với tàu của anh. Anh ấy bảo nếu nhiệm vụ cho phép. Anh ấy  sẽ gặp và giúp đỡ chúng ta những gì anh có thể giúp.
       không nhắc nhở gì đến Galina, không muốn cho họ biết cô có một người chị đang sống ở Petrograd. Khi Edwin viết thư cho cô, một lá thư  ngắn ngủi đọc nghe như  của một khách lạ viết, anh ta bảo Galina sẽ không đến  nhà ga Finland để gặp Daisy. Cô ấy không  khỏe. Tình  trạng  đau yếu không cho phép  cô ấy đi.  Daisy đã mừng vì chuyện ấy. Cô không muốn bất cứ ai trong nhóm biết cô có một người chị như Galina.
-     Tử tế quá! – Cô Stubbs nói. -  Gặp được một khuôn mặt người Anh ở đây thật là hay.
-     Cô có thể nhìn tôi mãi đây này, cô Stubbs à! nếu như cô muốn thấy một gương mặt người Anh.
     Anh Goode nói và cả bọn lăn ra cưòi bởi dưới cuộc hành trình dài dằng dặc, họ đã mệt mỏi và dơ bẩn, vậy mà chuyến đi vẫn chưa  hoàn tất. Sự kiện làm họ  bắt đầu mường tượng tới kích thước  tầm vóc,  không chỉ của nước Nga, mà của cả  công tác bày ra trước mắt họ. Đằng sau niền tự tin đáng hoan hô của lớp người trung lưu Anh Quốc này  đang ẩn nấp một mối lo sợ nhỏ nhoi đang từ từ lớn dần lên.
     Khi xe  lửa tiến vào nhà ga, bụng cô bắt đầu nôn nao khuấy động. Chuyện có ổn thỏa không? Liệu anh vẫn là anh Edwin ngày xưa? Liệu anh vẫn đối xử  tử tế tình cảm với cô như ngày trước hay Galina đã làm anh thay đổi?  Sự khích động biến thành cảm giác nóng rát, và bỗng nhiên cô lo sợ sẽ phải chạy mau đến phòng vệ sinh. Thật tệ làm sao, nếu như  lần đầu tiên từ hai năm rưỡi nay đi gặp Edwin, lại phải chạy vượt qua mặt để tìm nhà vệ sinh.
     Rồi cô nhìn thấy anh.  Edwin đang từ từ chen lấn đám đông, mắt ngước lên  các cửa sổ của toa tàu, và cô quên hẳn việc đi nhà vệ sinh, chỉ thấy một nỗi hân hoan nhẹ gánh, vì anh mặc dù ốm đi và có vẻ hơi căng thẳng, cơ bản vẫn là  anh Edwin  xưa,  một chàng trai trẻ cao lớn , xạm nắng , rắn rỏi, nổi bật  giữa đám đông, vẫn trông  mạnh dạn , có thể trông cậy được  như thuở nào anh luôn quan tâm đến những  kẻ yếu đuối hơn.
     Cô nhìn anh đăm đăm, không biết  là có người bật cười vì khuôn mặt cô. Rõ ràng anh chàng Goode đang nhìn cô mà cười.
     Anh Goode là người bước xuống đầu tiên để đưa tay ra  dìu  các cô xuống.  Cô không nhìn thấy anh và để bàn tay giúp đỡ anh rơi vào khoảng trống, bởi Edwin đang tiến tới gần họ, và khi anh thấy cô, anh cười, một nụ cười ma quái, nhưng vẫn là nụ cười không hơn không kém. Và rồi dưới sự ngạc nhiên của cô, anh cúi xuống hôn lên má cô, một cái hôn kiểu chú  hôn cháu, nhưng cũng  làm cô đỏ mặt. Trước đây anh chưa bao giờ làm thế.
-     Anh chờ có lâu không? – Cô ngốc nghếch hỏi, bởi nếu không hỏi một câu tầm thường trần tục  kiểu ấy, có lẽ  cô đã bật khóc.
-     Hai tiếng đồng hồ thôi, k hông hơn. – Anh lại cười. – Cô  khoẻ không Daisy?  Trông cô vẫn thế.
-     Anh cũng vậy.
    Cô nói dối. Bây giờ ở bên cạnh, cô có thể thấy anh đã xuống bao nhiêu ký và còn phảng phất một thái độ xa lạ nào đó trong con người anh, dường như  sống trên đất nước Nga này suốt thời gian qua đã hằn dấu vết riêng biệt lên anh. Cô cũng thấy những người khác bao quanh cô hơi bối rối.
-   Đây là cô Stubbs, cô D’Ete , Ông Foulgar và anh Goode.
-   Anh đến gặp chúng tôi thật là quá tử tế. – Ông Foulgar nói. -  Tôi nghĩ là chúng tôi có vài giờ nghỉ ngơi trước khi bắt chuyến xe đi Mạc Tư Khoa. Có lẽ ở đó sẽ có một người trong nhóm đến trước đây của chúng tôi ra đón, nhưng thật  vô cùng tốt lành có anh giúp đỡ ở đây.
     Những người khác cũng mở lời cám ơn. Mọi người bỗng trở  lại thuần tuý  Ăng Lê,  họ bắt tay nhau, kể chuyện vu vơ về chuyến đi và sự tử tế của Edwin. Riêng Daisy, bị giằng co giữa niềm vui gặp lại Edwin    sự hãnh diện  với những người bạn mới, cô không nói nên lời. Edwin nói:
-     Tôi đề nghị là quý vị nên ăn uống ngay trong nhà hàng sân ga này.  Nó không giống  bên nhà. Những quán ăn  trong nhà ga ở đây  nó cũng ngon (hay dở)   giống như quán xá   trong thành phố vậy. Cái nhà ga này  đỡ đông đúc chật chội hơn nhà ga Nicholas. Có cả một đạo quân  người  đang đi gửi hàng ở đó, và các bạn sẽ thấy không được tiện nghi. Để tôi  đi kiếm một  người phu khuân vác giúp giữ hành lý cho các bạn, và tôi chắc là  quý cô cũng muốn  rửa mặt mũi tóc tai  một chút trước khi ăn. Daisy này! -  Với sự tinh tế và lịch sự, anh  kéo cô ra một góc. -  Phòng Damskaya (phòng dành  cho phụ nữ) ở phía đằng kia, băng qua  đại sảnh chính. Cô  nghĩ là có thể tìm được lối không?
    Có một điệu bộ hơi lớn lối trong giọng nói của anh, giọng  chỉ huy. Đáng lẽ cô  phải vui sướng vì sự săn sóc ân cần của anh cho tiện nghi của họ, nhưng lạ thay, cô thấy như bị chọc tức.  Chẳng lẽ, giống như Sophie, anh cũng quên rằng cô có nửa dòng máu Nga trong người  và có thể hiểu tiếng Nga sao?
-     Cám ơn, Edwin.  Từ hôm vượt qua biên giới vào đây, em đã học  đọc chữ Nga rồi. Bọn em cũng đã có ngưng nghỉ mấy trạm trong bốn ngày qua rồi.
-    Khi  bọn cô đi  làm vệ sinh cá nhân, tôi sẽ đặt  trước hai bàn trong quán ăn.
     Khi lựa đường lách qua  cái sảnh đường dơ dáy  tới phòng vệ sinh nữ, cô cố gắng để những  xúc động nôn nao trong lòng vào đúng vị trí. Cô đã muốn anh phải là con người y hệt như ngày xưa hay gần như vậy, nhưng cái  cô nhận  được là  một  nỗi thất vọng. Cô có mặt ở đây để khởi đầu một đời sống mới. Cô đeo huy hiệu ngôi sao trắng đỏ của hội Thân Hữu, và cô đượng chấp nhận, hay đâu đó gần bằng, như những con người khôn ngoan, có học  trong toán của cô. Vậy mà Edwin dường như chẳng thấy  gì hết.
     Khi cô chen lấn qua đám đông, qua mặt một bà già  quê mùa bận chiếc váy sọc và chiếc khăn choàng đen, cô  quay  lại nói  ‘Ja vinovat’ (tôi xin lỗi) với  thái độ nhã nhặn quá mức, dường như cốt để  cho Edwin thấy khả năng của cô  ra sao hơn là thành ý  tạ lỗi với người đàn bà đó.
     Quán ăn đầy người. Có rất nhiều những sĩ quan  mặt búng ra sữa trong bộ đồ trận ngồi ăn  chung  với những nhóm người dân sự, đa số là đàn bà. Daisy đoán là các bà mẹ và vợ con họ đi tiễn họ lên đuờng. Mùi súp nóng phảng phất khắp nơi . Một ấm nước sôi nhè nhẹ rít lên tiếng réo, xoắn  bốc lên không một làn hơi   mỏng. Thật tế nhị, bốn người kia tự động kéo nhau ngồi chung một bàn,  chừa  bàn còn lại cho cô và Edwin. Bỗng dưng, ngồi riêng với anh, cô thấy mình chẳng biết nói gì.
-     Mọi người ở nhà thế nào?
-     Không tệ lắm…  Bố anh   không khoẻ nhiều, nhưng hằng ngày ông vẫn  gắng gượng  đến nông trại Haywards . Giờ ông phải làm thôi. Đàn ông đã ra chiến trường hết cả.
-     Còn Ivan?
-      Đang ở Pháp với trung đoàn của anh. Giờ anh ấy đã là trung sĩ.
     Edwin đổi sắc mặt. Dường như anh hơi hổ thẹn, và rồi người bồi bàn bước tới. Như thoát nợ, anh cầm lấy bảng thực đơn, nghiêng mình qua bàn bên giúp chỉ dẫn  gọi thức ăn. Từ đầu hành trình tới giờ, Daisy  chưa thể đọc được Nga ngữ, thường cứ phải tuỳ thuộc vào những câu đàm thoại vụng về với những người bồi bàn để  cố thông dịch lại  ở mỗi quán ăn có những  món nào. Giờ cô rất thán phục nhìn thấy Edwin cầm  thực đơn  đọc  bằng chính mắt mình.
-     Anh đọc được tiếng Nga à?
-     Khá hơn  là nói. Tôi e là không có nhiều món để chọn.  Súp bắp cải và thịt cừu nướng. Thức ăn  thiếu thốn và thịt cực kỳ khan hiếm. Nhiều tuần lễ  đến bánh mì cũng không có. – Anh ngưng lại một chút, rồi tiếp tục nói với giọng  hơi ra vẻ kẻ cả. -  Cô đáng lẽ không nên tới đây, Daisy. Nước Nga không an toàn cho người như cô. Tôi nghĩ  rất có  khả năng  họ bị  bại trong cuộc chiến. Tin tức công khai cho biết danh sách thương vong vô cùng lớn lao và ở tiền tuyến quân lính đào ngũ hàng loạt.  Ngay lúc này đám dân Anh mình không còn được trân trọng. Họ nghĩ chúng  ta không tận tâm giúp đỡ.
-     Vì thế bọn em mới có mặt ở đây. – Daisy  bào chữa. - cố giúp góp thêm một cánh tay.
     Anh như bị chọc tức. Bỗng nhiên cô nhận ra cái biểu lộ thân  quen đó. Đã nhiều lần khi cùng lớn lên, cô đã  thấy và không nghe theo những lời chỉ dạy tử tế của anh.
-     Daisy!  Cô thực sự không biết mình đang làm gì. Cô giống như đứa trẻ đi vào hang cọp. Ở đây không giống bên Anh, hoàn toàn khác xa, hiểm nghèo. Ông thuyền trưởng… - Anh ngưng lại một giây,  dường như cân nhắc  lời nói có thực an toàn. - Thuyền trưởng  của tôi và những người ở toà đại sứ nghĩ là rất có khả năng  một  cuộc nội loạn  chính trị sẽ xảy ra, với hỗn loạn    bất ổn khắp nơi.  Nếu chuyện đó là thật, những kẻ đầu tiên bị tấn công sẽ là người ngoại quốc. Hầu hết dân Anh ở đây đã quay trở về.  Chỉ ngờ nghệch như cô mới mò tới.
-     Vậy thì tại sao anh vẫn còn ở đây?
     Cô cảm thấy  bị  sỉ nhục, tổn thương và điều đó làm cô giận dữ. Cô đã ngóng đợi rất nhiều về buổi gặp gỡ này, mong có lại mối liên hệ cũ, bởi cô biết không thể hy vọng nhiều hơn. Nhưng cũng mong muốn  là anh phải coi là giờ cô đã là một phụ nữ trẻ độc lập, có thể  tự đặt kế hoạch cho cuộc sống riêng của mình. Thay vào đó, anh lại nói với cô như cô  vẫn là đứa trẻ bất tài vô dụng, một đứa con của gia đình Barshinskeys rách rưới.
-     Tại sao anh còn ở lại khi hầu hết thủy thủ đoàn trên tàu đã trở về nhà? – Cô giận dữ hỏi.
      Một biểu hiện bị săn đuổi lướt qua trên khuôn mặt của Edwin.. Anh mở miệng định nói, và rồi người bồi bàn  mang tô súp nóng tới. Hai người chờ anh ta đặt tô súp xuống và bỏ đi.
-     Tôi hy vọng Sophie có nói với cô về chuyện Galina. – Anh cứng cỏi nói.
-     Có!
-     Và dù bất cứ trường hợp nào, bây giờ tôi không có quyền  bỏ tàu. Chính phủ Anh Quốc đã quyết định  mọi tàu bè của Anh đang ở các cảng  nước Nga giữ lại một số nhân viên thủy thủ. Nếu có chuyện xảy ra, chúng tôi phải bảo vệ tài sản Anh Quốc.
-     Nhưng anh đã có thể trở về sớm hơn không phải sao?
-     Tôi không biết, Có lẽ thế!
-     Anh ở lại chỉ vì  chị Galina?
-    Đúng vậy! – Anh giận dữ nói. – Cô biết mà. Sao lại còn hỏi những câu này?
-     Em nghĩ anh có rất ít quyền  để nói em không biết  mình đang làm gì.  Em  chính thức tới đây, với sự chấp thuận  hoàn toàn của chính quyền nước Nga. Em có mặt ở đây với hội Thân Hữu, một  tổ chức có lịch sử làm công tác cứu trợ lâu dài và đưọc trọng vọng ở đất Nga này. Anh đâu biết gì về  hội Thân Hữu hay  vì sao họ có mặt ở đây, anh Edwin. Anh đâu biết gì về nhóm chúng em. Em đâu có trôi giạt tới đây bởi may mắn  hay đến  để nhàn nhã rong chơi.
     Gương mặt cô trắng bệch ra và giọng nói của cô, dù đã cố kiềm chế vẫn run run và the thé. Cô nhận thấy bàn bên kia Elizabeth Stubbs và  Flora D’Ete đang chăm chú nhìn cô, và với bàn tay vẫn còn run rẩy, cô cẩm cái muỗng ăn súp lên.
-     Cô nghĩ tôi qua đây để rong chơi nhàn nhã? – Anh hỏi, môi mím lại. Nhưng một giọng nói trong tim anh vang lên :   Còn gì nữa? Còn gì khác ngoài việc  mày gạt bỏ mọi thứ để đeo đuổi  Galina?”
     Cơn giận của Daisy bốc lên  thành nỗi lo sợ bất ngờ. Suốt đời cô trước đây, chưa bao giờ cô dám coi thường Edwin. Cô luôn tôn kính anh, nghe theo lời anh. Nhiều năm trời, khi có sự hiện diện của anh, cô luôn nhìn lại mình, giữ ý từng lời nói, từng cử chỉ để anh không thể thấy bất cứ gì đáng ghét nơi cô. Và lúc này, khi cô chỉ có ít ỏi thì giờ quý báu với anh, vì cơn giận dữ cô đã liều bỏ hết. Nhưng sao vậy? Ôi! Tại sao anh không thể  thấy là  mình đã khác? Tim cô thổn thức. Tại  sao anh không thấy minh đã trưởng thành?
-     Em không biết vì sao anh đến đây, anh Edwin! – Cô buồn bã nói. - ngoại trừ lý do  em nhớ được là vì bà chị của em. Và em đoán là  chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu có chuyện gi xảy ra. Chị ấy thế nào?
-  Yếu lắm!. – Anh nói. -  Cô ấy bị nhiễm trùng máu sau  cuộc  giải phẫu, và rồi qua bệnh sưng phổi. Cô không được khoẻ và  rất tuyệt vọng. Cô khóc nhiều lắm.
     Một mối ghen tuông tràn vào trong tim làm cô quên cả sự cẩn trọng.
-     Chị ấy lúc nào chẳng khóc khi  muốn người khác nuông chiều theo ý chị. – Cô nói thật phũ phàng, nhưng Edwin làm như không nghe thấy.
-      Chị ấy giải phẫu về  bệnh gì? – Cô hỏi, nhưng trong thâm tâm nghĩ: “ Mong cho chị chết đi. Sao chị không chết cho rảnh nợ?”
     Edwin do dự. Đôi mắt anh tránh gặp đôi mắt cô.
-    Một loại giải nào đó. phẫu ở  phần bụng Tôi không chắc là chuyện gì.
-   Bị ung thư?
-   Không,không phải ung thư.
-   Ồ! Vậy thì không sao. Nếu không phải ung thư.
-   Cô có muốn tôi nhắn gì với cô ấy không?
-   Chị có nhắn gì cho em không?. – Cô lại tràn đầy phẫn nộ đắng cay. Lại phải cố kiềm chế giọng nói, nhưng cô mệt mỏi quá, chuyến hành trình thật dài  và cô dường như đã kiệt sức.
-   Cô ấy gửi tới lời thương nhớ cô.
-    Đừng  nói với chị ấy là em thương nhớ chị. Như thế là nói láo phải không?
     Cô biết là nói những lời thực sự từ trong lòng như tạt át xít vào mặt người khác như thế, cô đã huỷ hoại hết những năm tháng với cảm tình cao quý, nhưng đồng thời lại có cảm giác  tự do tuyệt vời. Cô cảm thấy sự cấp thiết  cần buông thả, cần nói những điều ghê gớm về Galina, cần cho anh biết những chuyện đáng sợ, những điều ích kỷ giấu kín trong tim, những gì cô làm khi họ còn là trẻ con.
-     Anh chỉ việc nói là em cầu chúc chị ấy chóng bình phục.
    Rồi cô thấy là, qua cơn giận dữ đến run rẩy và sự thất vọng của cô. Edwin vẫn mỉm cười với cô với thái độ vui thích và  dễ tánh, và cô nhận ra  rằng  anh nghĩ cô thật trẻ con.
-    Đừng ngu ngơ thế Daisy! – Anh tử tế nói.- Dĩ nhiên tôi  sẽ nói cô gửi lời thương nhớ chị cô.
     Cô phải làm một điều gì đó, bất cứ gì để làm cho anh nghĩ về cô như một người trưởng thành, một người bình đẳng. Cô bắt đầu lục lọi trong xách tay và cuối cùng tìm được một mảnh giấy, lấy ra trao cho anh.
-    Cầm lấy đi. -  Cô cố gắng nói bằng một giọng nói mà bà Fawcett thường dùng khi bà chiếu cố đến nhà bếp. -  Đó là địa chỉ của đơn vị tổ chức Thân Hữu ở Buzulus.  Anh không bao giờ biết trước có khi nào anh hay chị Galina cần dùng đến nó. Bọn em có thể giúp đỡ nếu anh gặp rắc rối.
-    Cám ơn Daisy! – Anh trang trọng nói, đôi mắt chớp chớp.
    Người bồi bàn đến dọn dẹp tô súp đi và đặt vào  hai đĩa  với miếng thịt  cừu nhỏ như sợi dây và một ít dưa leo ngâm muối.
-    Còn  cô biết cách liên lạc với tôi chứ? – Anh nói. – Qua  lãnh sự quán. Tôi sẽ cho cô địa chỉ của nơi Galina  đang ở.
     Điều đó  cũng thật đau lòng, cho dù cô chẳng biết sao lại đau. Rõ ràng anh biết nơi chị ấy sống. Rõ ràng anh vẫn thường tới đó. Chính cái sự …thân quen của anh khi nói về nơi đó  gây bối rối cho cô. Nó mở ra  nguyên vẹn những khía cạnh  để suy cứu trong tâm tưởng mà cô không muốn nghĩ tới.  Cô mơ hồ  nhận ra rằng tốt hơn  họ phải ngưng ngay chuyện về Galina. Điều đó sẽ phá huỷ mọi thứ.
-     Anh có biết  là bây giờ Sophie đã phụ trách toàn thể nhà Fawcetts chưa?
      Mắt anh sáng lên.
-     Người hầu gái kia đã  xin nghỉ, người làm vườn và anh thợ  nồi hơi đã  nhập ngũ. Rồi đến phiên em báo nghỉ. Bà Fawcett bỗng nhiên rúng động và dưòng như không thể đối phó với quá nhiều đổi thay, Rồi Sophie tiếp nhận. Bây giờ cô giống như một nữ quản gia hơn là một  cô hầu phòng khách. Một trong các cô con gái của nhà Kelly  giờ vào làm bếp. Hai người khác làm việc ban ngày. Sophie coi sóc tất cả. Em nghĩ bây giờ mẹ anh hãnh diện lắm, mặc dù  dĩ nhiên bà không nói ra.
-     Còn Lillian?
-    Ô! Chi Lillian những ngày này ‘oách’ lắm.  Có một lần, bà vợ của tướng Harding ở trên Dormansland nhìn thấy chiếc áo đầm chị ấy  thiết kế và bà bảo nó thật xuất chúng. Thật xuất chúng, Đó là lời bà ấy. Rồi bà  giới thiệu  Lillian với một  tiệm may ở Luân Đôn,  em nghĩ đâu như trên đường Bond. Giờ chị ấy lên Luân Đôn hai ngày trong tuần để phụ giúp  một nơi mà mẹ anh gọi đó là  ‘ sa lông, sa liếc’ gì đó. Vì chiến tranh đâu đâu họ cũng thiếu người. Chi Lillian treo thêm một tấm bảng trước cửa tiệm cô Clark, với hàng chữ:  Thiết kế  quần áo trang phục và lễ phục.
     Edwin bật cười lớn, và bỗng nhiên giây phút thân mật cũ  trở lại, cái tình bạn cũ  giữa hai người. Nhưng rồi anh lại  làm tiêu tan ngay khi nói.
-     Còn cô sẽ làm gì Daisy?  Khi cô hoàn tất công việc cứu trợ,  hay gì gì đó. Cô có quay về, trở lại nhà Fawcetts không?
      Bộ anh không thể nhìn thấy là cô đã không còn là một kẻ đầy tớ nấu bếp vô dụng, bằng lòng với số phận trong nhà bếp của Fawcetst sao? Anh không thể thấy là cô đã  đổi khác? Rồi. trong một giây phút hoảng hốt, cô tự hỏi không biết mình  đã đổi khác chưa?  Chưa bao gìờ cô nghĩ  quá khỏi việc đi tới nước Nga, quá khỏi việc tìm cho mình một nơi chốn ở chỗ nào đó, và để gặp Edwin. Cô sẽ làm gì khi chiến tranh qua đi? Cô sẽ đi về đâu?  Cô bỗng thấy lạc loài cô độc trong  cái thế giới không có  mối liên hệ, không nhà, không có ai để ý đến. Và rồi, như một sự đụng chạm thực tế, cô  cảm thấy những người khác đứng phía sau. Cô Stubbs với sự  điềm tĩnh của người y tá và rồi Flora, ông Foulgar và anh chàng  Goode vui tính. Cô đang bắt đầu là một người trong bọn họ, gắn bó với họ, không phải chỉ vì cuộc hành trình và  cùng ở với nhau trên mảnh đất xa lạ mà còn vì họ đã chấp nhận cô  đã cùng có những cam kết chung giống như họ. Họ tùy thuộc vào mình. Cô nghĩ. Họ tùy thuộc vào mình. Cô bám lấy suy nghĩ này. Giờ cô không biết tương lai  sẽ ra sao, nhưng trong lúc này, cô   đang ràng buộc với những người bạn mới.
-      Tôi tự hỏi là  có phải đã đến lúc chúng ta  chuẩn bị để qua  trạm xe lửa khác chưa ạ? – Ông Foulgar lo âu hỏi. Ông  lịch sự nhìn từ cô sang Edwin, và rồi Edwin đứng dậy.
-     Tôi đi thuê hai chiếc  xe ngựa. Rồi tôi sẽ bảo người phu chất hành  lý lên cho quý vị.
     Họ theo anh ra khỏi quán ăn đi vào sảnh đường chính của nhà ga. Daisy chú ý đến nhiều thứ mà cô đã không để ý trước đó, những dấu tích chiến tranh, một hàng  lính trong bộ đồng phục xám. mền chiếu cuốn lại đeo trên vai và nồi niêu bằng thiếc đeo ở phía sau. Sàn nhà rải rác vỏ hạt đậu hướng dương. Cô thấy đám lính ai cũng nhai kẹo và khạc nhổ, khắp nơi  quện mùi khói thuốc.
     Đám đông là một sự  pha trộn  giữa sang  và hèn.  Những sĩ quan viên chức ăn mặc chỉnh tề  và những phụ nữ sang trọng  với dù trên tay  chen lấn giữa những kẻ ăn mày râu ria rậm rạp,chân quấn giẻ thay giày. Một người bán dạo đẩy chiếc xe nấu than nhỏ  qua giữa đám và ngay phía trong cửa ra vào chính, một  dáng người  thò  ra ngoài. mặt quay vào tường, không biết đó là nam hay nữ.
     Nhà ga Nicholas còn tệ hại hơn. Thật khó để chen  qua một lượng lớn lính tráng và  sĩ quan  đứng chật ních. Đàn bà trẻ em la khóc cùng với đàn ông nín lặng như tờ tụ tập chung với nhau.  Cô chỉ lờ mờ hiểu được vài câu nghe lén : “ Bánh mì ngon lắm; để dành sẽ ăn được lâu” , “đeo tượng ảnh vào…”   “ Cầu Chúa che chở  cho con…”
     Edwin đưa họ tới xe lửa, nói chuyện với người phục vụ, giành chỗ ngồi rồi giúp  chất hành lý của họ vào toa.
     Hồi chuông thứ hai rung lên, và Daisy, ngồi ngay cửa sổ,  bỗng thấy mình sắp sửa đi xa, hàng trăm dặm. Có thể cô sẽ không bao giờ gặp lai anh. Hai người chỉ có vài giờ ngắn ngủi gặp nhau, vậy mà hầu hết thời gian họ  dùng để cãi nhau. Cô đã hy vọng, mong muốn quá nhiều cho buổi gặp gỡ này, mặc cho mọi thứ, mặc kệ Galina, nhưng trên thực tế, chẳng có gì  xảy ra cả..
     Khi hồi chuông thứ ba  rung và xe bắt đầu lăn bánh, cô thấy là có lẽ chẳng bao giờ có chuyện mới lạ. Cô vẫn là  con bé Daisy May đáng thương. Đó là điều họ nghĩ về cô. Họ thương yêu cô nhưng  thấy tội nghiệp cô. Cô nghèo nàn  và thấp kém, một đứa con của kẻ ăn mày.
     Một luồng khói dầy dặc  bay qua cửa sổ, và khi nó tan đi, cô quay lại nhìn    bắt gặp một thoáng gương mặt  tươi cười của Edwin, nụ cười dễ cảm ngày xưa,  vừa tử tế vừa  nổi bật nam tính, nụ cười đã thu hút phụ nữ lắm lắm, đặc biệt phụ nữ nhà Barshinskeys. Khi đoàn tàu kéo ra khỏi sân ga, cô có cảm giác cái thân quen cũ  cứ gặm nhấm tâm hồn cô một phần vì mặc cảm tự ti của mình, một phần vì tình yêu cô dành cho Edwin.
     Thật khó  để có lòng tự trọng khi ta không có một mái ấm hay  một sở hữu nào, bố không thèm để ý tới và biết rằng dù mẹ có yêu thương  ta nhưng bà yếu đuối, bị áp bức và quá  tội nghiệp. Cũng khó mà tin tưởng vào giá trị của mình khi bạn  ít học, ăn mặc tồi tàn và là  khách hàng thường xuyên nhận lãnh các vật  cứu trợ và sự  chiếu cố  từ người khác. Cô chưa bao giờ gặp bất cứ ai thấp hèn hơn mình, nhưng cô thừa nhận là  một phần nào đó do chính lỗi của cô. Bởi chính cô đã  coi trọng mình quá ít, làm sao người khác coi trọng cô được.
      Và rồi từ một nơi nào đó, chắc chắn không phải từ nơi người mẹ đáng thương  uỷ mị, cô lại thừa kế một bản tính  bướng bỉnh, sự bướng bỉnh làm cho cô có một tính cương quyết gần như thách thức ở ngay trong  nhà hội của Quaker ở Reigate vào  Chúa Nhật đầu tiên cô bước chân tới. Ở nơi đó, trong một buổi tĩnh tâm thầm lặng chung, cô đã khám phá  ra một sự bình an đến  từ một nơi nào đó bên ngoài con người cô. Vào ngày Chúa Nhật sau, khi sự yên bình nhẹ nhàng đó chiếm lĩnh tâm hồn, cô lại nhận ra  khi ở trong làng cô không bao giờ cô độc. Cô ở chung phòng với Sophie, cô tiêu ngày tháng  trong sự ồn ào của khu bếp nhà Fawcetts, và cô  san sẻ niềm vui trong căn bếp nhà Willoughbys.
     Cô tin vào Thiên Chúa.  Niềm tin hời hợt của mẹ cô, tinh thần Ki tô hữu thực tiễn của gia đình Willoughbys đã củng cố niềm tin của cô  vào Thiên Chúa, nhưng cô vẫn luôn luôn nghĩ về Ngài như một con người chủ bận rộn trong việc quản lý  một số lượng khổng lồ  những uỷ ban bảo vệ lợi ích của Ngài hơn. Và bây giờ cô lại bắt đầu tự hỏi có lẽ  Thiên Chúa  là một con người trầm lặng, một ai đó hơi khó  hình dung, như mùi vị của biển cả đôi khi trôi dạt vào đất liền khi có gió thổi đúng chiều.
     Phải đến bốn tuần lễ mới có người đến hỏi tên cô, và điều đó cũng làm cô thích thú.  Thật sảng khoái được là kẻ vô danh, được để yên để tự tìm hiểu  tầng lớp của chính mình thay vì bị xô đẩy vào những  tấm lòng tử tế thích ba hoa tán gẫu. Cảm giác yên bình đã thắng,   càng  mạnh mẽ hơn mỗi lần cô đến. Đó không phải là điều cô tới để tìm,  nhưng sức mạnh  thấm nhập vào cô từ  sự bình an trầm lặng đó dường như đưa cô về nhà , êm ái nhẹ nhàng , ung dung tự tại.
     Rồi vào một buổi họp , một người đàn bà nét đau khổ hiện rõ trên mặt  xin được giúp đỡ và cầu nguyện cho việc phiền muộn quá lớn trong lòng của bà. Bà đã không nói  ra phiền muộn gì, nhưng Daisy với  cảm giác hơi ngạc nhiên, chợt nhận thấy là chỉ ngồi đó  và cảm nhận sự bình an thì chưa đủ. Cô phải cộng tác vào đó. Một cách ngây thơ, cô nhắm mắt lại và truyền đạt  niềm an ủi đến người đàn bà  đau khổ, không biết có hiệu nghiệm không, nhưng bắt đầu hiểu ra rằng cái mà hội Thân Hữu  làm là  sự chia sẻ với nhau. Và với sự thông hiểu đó dẫn đến  sự nhận chân được giá trị của riêng mình, một nhận thức mỏng manh rằng cái mục đích tốt đẹp của một người dù  có thấp hèn như cô cũng  có thể cộng tác vào cái tốt đẹp chung.
     Kiến thức, nhận thức về giá trị riêng của mình  lúc có lúc không, đôi khi    mất hết, nhưng có cái cô đã không mất đi là cảm giác mình đã thuộc về những người đó, là một phần tử trong họ.
     Khi cô ngồi trên chuyến xe lửa chật người, đăm đăm nhìn qua cửa sổ quan sát   cảnh vật cây cối và đầm lầy bằng phẳng tưởng như không bao giờ dứt, cô tự hỏi  có phải cô tới nước Nga này là không đúng?  Cô tới đây vì  nhu cầu hay vì Edwin? Cô không chắc. Có lẽ chẳng bao giờ cô  biết chắc.  Nhưng trong tim cô, sự mãn nguyện cứ lớn dần với  cuộc sống mới. Chẳng có gì có thể bắt cô không được yêu Edwin, nhưng cho tới khi anh  cần tới, cô quyết định  tìm một nơi chốn cho mình ở đây, với những người bạn tốt và có mục đích cao cả này.

     Cảm giác sững sờ  đến với  cả nhóm, mặc dù họ là những người có tri giác và rất thực tế, dư đoán biết đưọc  tình trạng  sẽ xấu  như thế nào. Họ cố đi tìm sức mạnh từ niềm tin và từ cảm nhận thông thường, nhưng trong thoáng giây,  họ  thấy choáng váng, thấy tràn ngập sự đe doạ bởi  bệnh tật, sự nghèo khổ, trạng thái dơ bẩn, và trên hết, tình trạng bi đát của hai trăm ngàn người tỵ nạn.
-     Đa số họ đã mất hết mọi thứ , trừ bộ quần áo mặc trên người. -   Ông Robert Tatlock nói ngay đêm đầu tiên đoàn người đến Buzulus. Họ ngồi quanh chiếc bàn gỗ, từ ngoài cửa sổ bay vào mùi hôi thối của một thị trấn  vào mùa hè nước cống không thoát. Xe lửa đến nơi vào khoảng mười một giờ đêm và họ chỉ có một ấn tượng lờ mờ hỗn độn  về những căn nhà tồi tàn, những con đường đất thô sơ và  những đàn ruồi  đông khủng khiếp.
-    Họ đã bỏ chạy trước sức tiến  vũ bão của quân Đức và cuối cùng được  tàu chở đến  Turkestan mùa đông vừa qua. Một phần ba  đã chết ở đó, một số vì bệnh tật, nhưng hầu hết vì đói và lạnh. Những người sống sót được mang tới đây và ở chung với dân quê địa phương, những người không ưa họ lắm.
      Ông ngừng lại  và nhìn vào những gương mặt trẻ  mệt mỏi quanh bàn.
      -  Khi tôi nói về những người  dân quê, các bạn  hãy quên đi những nông dân của chúng ta ở tại quê nhà. Ở đây họ không giống vậy. Dân quê ở đây họ cũng chẳng sống khá hơn  đám dân tỵ nạn là bao. Họ chỉ có một bữa ăn trong một ngày,  cả nhà sống chung trong một căn phòng và ghẻ ngứa  là đặc sản địa phương,  không có bệnh viện hay bác sĩ trong một khu vực cả ngàn dặm vuông. Vào mùa hè có bệnh thương hàn, đậu mùa và bệnh than. Vào mùa đông, họ chui rúc vào trong những căn lều có lò  đốt, thiếu khí trời và quá chật chội. Đó chính là cuộc sống  bình thường ở đây.
      Dân tỵ nạn có tất cả những thứ ấy,  thêm vào đó là họ mất  cả  gia đình, nhà cửa… Quần áo họ mặc không thích hợp với khí hậu địa phưong. Thêm một phần ba sẽ chết vào mùa đông tới, trừ phi chúng ta có thể mang đồ ấm áp từ nhà qua. Tất cả đàn ông đều, hoặc đã chết, hoặc đang ở ngoài mặt trận, và hầu hết bọn họ không biết người thân của họ hiện đang ở đâu.  Tất cả họ đều chứng kiến cha mẹ họ, con cái họ hấp hối chết trên đường đi. Không có lấy được một gia đình nào còn nguyên vẹn. Trong nhiều trường hợp. chỉ còn một người sống sót và có một đứa bé còn không thể nhớ cả tên nó lẫn tên của làng. Họ không chỉ suy dinh dưỡng, yếu đau và thiếu áo quần mà họ còn hoàn toàn mất tinh thần, tuyệt vọng.  Nhiều người trong họ sẽ chết vì họ muốn thế.
    Ông là một  chàng trai trẻ tuổi, tử tế, khá đẹp trai  với khuôn mặt thuôn dài và hàng ria mép đậm.  Ông ta có  dáng dấp một dân Anh thuần túy và nhìn vào, người ta sẽ nghĩ ông chắc làm việc ở ngân hàng hay là  một ông thầy  dạy học. Mặt ông có vẻ căng thẳng, nhưng từ con người ông toát  ra một vẻ oai phong quyền lực. Chỉ có điều này mang đến cho họ  ít hy vọng.
-     Chúng ta có thể làm gì? -  Anh chàng Andrew Goode hỏi. Ngay cả sự bồng bột phấn khởi của anh cũng đã xẹp xuống
-     Điều chúng ta   có thể làm được rất  ít . Chúng ta không đủ người, cũng không đủ bất cứ thứ gì, không đủ quần áo, không đủ thực phẩm, thuốc men và dụng cụ y tế. Chúng ta chỉ  làm những gì có thể, làm giảm bớt cái  bề ngoài của sự khốn khổ của họ và cố học hỏi tiếng Nga cho thật mau lẹ. Chúng ta có nhân viên thông dịch , nhưng  khi xử dụng họ, mọi việc  đều rất mất thì giờ và thường xuyên có sự hiểu lầm. Cô Barshinskey! Trong lúc này, cô là người hữu dụng nhất  ở đây và tôi sẽ gửi cô đến  Mogotovo ở phía Bắc.
       Ông  kéo ra một tấm bản đồ từ đống giấy tờ bên cạnh ông và  trải nó ra giữa bàn.
 -  Nó ở cách đây bốn mươi dặm về phía Bắc. Nhưng lần nữa, xin nhắc lại, xin đừng coi nó như bốn mươi dặm ở quê nhà. Đường cái   không trải nhựa và đi xe mất  tám hay chin tiếng đồng hồ, đôi khi còn lâu hơn. Tôi nghĩ là mùa đông sẽ di chuyển bằng xe trượt tuyết dễ dàng hơn.
-   Ở Mogotovo có một ngôi nhà rất lớn đã được nhà chức trách địa phương  giao phó cho chúng ta. Ở đó chúng ta sẽ  tập trung  các trẻ em bị lạc gia đình và cố dựng lên một trạm y tế nhỏ  cho toàn thể vùng quê chung quanh, cả người tỵ nạn lẫn dân địa phương. Bác sĩ Manning và  trợ tá Morgan đã ở đó rồi nhưng không có người thông dịch. Một  lố hàng quần áo giày dép đã được gửi đến và chúng sẽ được phân phát cho tất cả các làng mạc trong khu vực.  Nhu cầu quá nhiều mà  đồ không đủ phân phát nên phải chia sẻ sao cho mỗi gia đình có được  chút đỉnh gì đó. Một đôi giầy cho mỗi gia đình, một chiếc áo ấm  để đám con cái có thể chia nhau mặc, đại khái như thế. Đó là lý do tại sao chúng ta cần người hiểu họ: mọi vật mọi thứ phải được chia sẻ rất thận trọng trong một khu vực rất rộng lớn.
     Daisy chỉ gật đầu. Cô quá mệt mỏi để cảm nhận bất cứ  chuyện gì.
-     Cô Stubbs!  Cô sẽ đến Lubimovka nơi chúng ta đang cố mở lại bệnh viện. – Ông lại chỉ tay lên tấm bản đồ tới một địa điểm  ở phía Nam có khoảng cách cũng tương đương với Mogotovo ở phía Bắc.    
     Daisy có vẻ thất vọng như người bị dao  đâm vào ngực. Elzabeth Stubbs là một cô gái  có tài năng và trầm lặng và Daisy có  ý nương tựa vào cô trong hành trình này, Bây giờ hai người cách nhau đến tám mươi dặm đường.
-     Cô D’Ete!  Cô sẽ đi Mogotovo với cô Barshinskey để cố lập nên  nhà trẻ mồ côi, và ông Foulgar sẽ đi cùng. Anh Goode tạm thời đến Lubimovka. Sau này, có lẽ tôi sẽ nhờ anh  mở một trung tâm mới ở phía Nam. Và bây giờ, tất cả hãy nghe các biện pháp dự phòng:   
     Chúng ta phải dùng chất carbolic tắm rửa mỗi ngày. Và nếu phải ngủ lại, một căn  nhà  nào của các   dân quê  địa phương, điều mà khi đi phân phát đồ chẩn chúng ta sẽ gặp  phải, thì ngay khi trở về nhà, mọi thứ quần áo  ăn bận trong người cũng phải được ngâm  giặt trong carbolic.
     Trong suốt mùa hè, phải tiếp tục uống thuốc ký ninh, nhất là những người làm việc trong các trung tâm phía Nam. Bệnh sốt rét  lan truyền thường xuyên tại đây. Phải báo cáo ngay tức thì khi có dấu hiệu nhuốm bệnh.
      Tất cả nước dùng ăn uống phải được nấu sôi. Điều này sẽ không lâu lắm. Khi muà đông đến, chúng ta có thể làm tuyết tan để  xử dụng cho cả ăn uống và tắm rửa.
     Chúng ta phải ăn uống đầy đủ, cho dù có thấy đau lòng hay  bực bội  thế nào vì  những người chúng ta giúp đỡ không đủ ăn. Tình trạng thực phẩm  đang khả quan hơn và nên nhớ nếu chúng ta đau yếu sẽ chẳng giúp được gì. Một lần nữa xin nhắc lại,  tiêu chuẩn vệ sinh là điều kiện tiên quyết. Phải chắc chắn dùng chất carbolic ở bất cứ nơi nào chúng ta phải đào một lỗ làm vệ sinh cá nhân. Tôi đề nghị chúng ta không dùng chung nhà cầu với người địa phương.
     Daisy nhận thấy Flora D’Ete đang  đỏ mặt lên. Cô bất ngờ nhận ra  sự khó khăn làm sao cho một người  chưa bao giờ đối diện với sự nghèo khổ  phải xử dụng phương tiện  vệ sinh sơ khai hay phải đào lỗ dưới đất,  ngủ chung lều với người dân quê mùa, không tránh được lũ chấy rận.
-     Tôi cũng e là thư từ  từ nhà gửi qua sẽ mất nhiều thời gian để tới đây. Tôi cũng không biết  tại sao, chính các bạn chỉ mất hai tuần lễ  để đi đến đây. Chúng ta  sẽ sắp xếp để có những buổi hội họp và cầu nguyện khi thuận tiện. Một số trong chúng ta ở các trung tâm nhỏ rất cô đơn, chỉ có hai người ở Bogdanovka. Họ cần chúng ta cầu nguyện cho họ. Đôi khi… - Giọng ông hơi khàn đi. -  Đôi khi thật khó để nhớ lại rằng Thiên Chúa  đang phụ giúp chúng ta khi chúng ta   nơi quá xa xôi cách trở này…
     Dưới ánh đèn dầu, gương mặt họ trở nên  lợt lạt và nhỏ bé.  Phía dưới bàn, Daisy cảm thấy Flora  nắm lấy tay cô.
-     Chúng ta có nên cùng thầm lặng cầu nguyện chung không? – Robert Tatlock nhìn  quanh  do dự hỏi. Họ chụm lại sát cạnh nhau. Flora đưa cánh tay kia để trên mặt bàn, bàn tay run rẩy.  Và rồi Daisy thấy Andrew Goode đặt tay mình lên  bàn tay Flora. Từng người một,họ nắm tay quanh bàn, trong sự nhỏ nhoi và sợ hãi, họ cầu nguyện cho có sức mạnh và  sự quyết tâm giữa cái đêm tối của nước Nga bao la này.
      Sáng hôm sau họ khởi  hành trên hai chiếc xe thồ mà chúng chỉ lớn hơn hai  cái hộp chút xíu, trên bánh xe  có bọc rơm để làm giảm nhẹ đi những cú xóc muốn bể xương trên đoạn đường gồ ghề  dơ bẩn. Hai cô gái Daisy và Flora ở trên một chiếc, họ ngồi trên chiếc rương hành lý. Còn ông Fougar trên chiếc xe kia với nhiều bao đậu và gạo. Ngay tức khắc, một đàn ruồi khổng lồ bay tới bao vậy che kín mặt mũi họ, chui cả vào mũi và miệng. Daisy khẽ kêu lên một tiếng kinh hoảng và dùng đôi tay đập loạn xạ lên không, một cử chỉ càng làm cho đám ruồi  hoạt động  mạnh đến cực điểm. Cô nhìn sang Flora và thấy chúng bám đầy trên tóc,và quanh đôi mắt cô.
-   Mau lên Flora! Lấy khăn tay ra buộc che mặt lại.
-   Tôi sợ ruồi lắm. – Flora run rẩy nói. -  Ghét chúng thậm tệ. Thứ đồ dơ dáy bẩn thỉu.
     Khi chiếc xe  tăng thêm tốc độ vượt qua  cánh đồng hoang. Đám ruồi đã thưa thớt hơn một chút. Sau khoảng chừng nửa giờ, người lái xe, một  dân quê vạm vỡ  với gương mặt xạm nắng trong chiếc áo lót ngắn  tay châm một điếu thuốc và thổi khói ngược trở lại vào  mặt hai người. Mùi khói thuốc trộn lẫn với mùi hành và  mùi hôi của hàm răng  bị sâu, nhưng Daisy không cảm thấy gì ngoài việc  biết ơn và  mở lời cám ơn ông ta với  đầy nhiệt tâm.
     Chỉ mới đi được ít dặm đường  trên vùng đất khô cằn  bằng phẳng mà Flora đã đổ bệnh. Daisy muốn dừng xe lại nhưng Flora  nhất định không cho.
-     Tôi là người  bị say xe. Có dừng lại thì ngay khi khởi hành trở lại tôi cũng  đổ bệnh ngay. Vả lại  chúng ta ngưng thì   đám ruồi lại bám đầy….
     Daisy cố gắng lau bớt bụi bặm và mồ hôi trên khuôn mặt xanh như tàu lá của cô bạn. Sau một hồi, cô gục đầu vào vai của Daisy và thở dồn dập.
-     Stoi! Stoi! (Dừng lại). – Diasy la lên với người lái xe. Sau vài  bước  cà giật và  lắc mạnh, chiếc xe ngưng lại. Ông Foulgar kéo tới bên cạnh.
-     Chuyện gì thế!
-    Tôi nghĩ  Flora đã ốm rồi.
-     Chỉ là say xe thôi mà. – Cô thều thào, đôi mắt vẫn nhắm. -  Tôi lúc nào cũng thế! Còn nhớ khi ở trên tàu vượt biển chứ?
-     Có lẽ chúng ta nghỉ ngơi một chút.
     Mặt trời toé lửa trên đầu họ.  Đám ruồi bu lại, và Daisy  cũng bắt đầu cảm thấy muốn bệnh.
-     Có lẽ chúng ta nên tìm một  bóng mát để nghỉ, một ngôi làng chẳng hạn… Để tôi thử coi…
      Cô mò mẫm lại tiềm thức để tìm ra chữ, và cuối cùng cũng nhớ ra được những từ ‘ nhà’, ‘đàn bà’ ‘đau ốm’. Người lái xe  trổ ra một tràng thổ ngữ . Phải mất một lúc khá lâu cô mới hiểu ý ông ta.
-     Ông nói ông sẽ lái chầm chậm đến ngôi làng kế cận và Flora có thể nghỉ ngơi tại đó.
     Việc lái chậm chỉ đỡ hơn một chút.  Chiếc xe vẫn cứ lắc lư và có những lúc tưởng như muốn lật nhào sang một bên. Sau chừng một giờ,  qua lớp bụi mịt mờ, Daisy nhìn thấy một màu vàng loé mắt của chỏm cầu  của một nhà thờ.  Khi họ đến nơi, ngôi làng  là một khúc  đường  rộng bao quanh bởi những căn nhà gỗ có một giếng nước ở trung tâm. Nổi lên cao giữa  cái cảnh quan màu nâu dơ bẩn là ngôi nhà thờ với ba màu sắc vàng, xanh và trắng. Người lái xe  đánh xe tới một căn nhà gần nhà thờ và nói với Daisy điều gì đó, mà cô phải vật lộn mãi với ký ức mới hiểu.
-     Đây là nhà của ông trưởng thôn. Chúng ta có thể nghỉ  ở đây.
     Người ta kéo nhau từng đám ra khỏi nhà  bu lại xem bọn họ, lũ trẻ con chân đất, đầu cạo trọc và đám phụ nữ trong bộ đồ vải thô tự dệt lấy dơ bẩn màu nâu xám. Trẻ con  vài đứa lao xao nói năng một chút, nhưng  hầu hết chỉ đứng ngó. Daisy có cảm tưởng nếu cô tiến tới gần có lẽ họ bỏ chạy.
     Họ đi vào căn nhà gỗ thấp mái qua một chuồng bò ở bên hông nhà dẫn tới một gian phòng nhỏ  nồng  nặc mùi hơi người lâu ngày không tắm rửa  làm  Daisy muốn bịt mũi.
-     Cố đừng thở bằng mũi. – Cô thì thầm bảo Flora. Có một dãy ghế dài  chạy dọc hai bên tường  gian phòng, cô dẫn Flora đến   một chỗ còn trống và  đỡ cô nằm xuống.  Chung quanh toàn là các bà già và con nít đầy phòng.
     Mồ hôi lại  vã đầy trên trán của Flora và  cô vẫn thở hổn hển. Chung quanh phòng, những bà già  chăm chú nhìn cô. Rồi một người nghiêm nghị  nói một câu.
-     Bà ta hỏi chúng ta có  muốn ăn chung với họ không. – Daisy nói, còn Flora rên rỉ. Trước khi cô có thể cố mò ra chữ để từ chối một cách nhã nhặn, một phụ nữ  tuổi  xồn xồn đi đến cái lò  khổng lồ  mang lại đưa cho họ một cái tô bằng gỗ đựng những quả trứng rất nhỏ. Daisy nhìn ông Foulgar vừa mới theo họ bước vào.
-     Tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải ăn. – Cô nói. -  Tôi nhớ đến cha tôi… Nếu ta từ chối sẽ rất bất lịch sự. Nếu tôi và ông ăn, thì  Flora được miễn. Hai người chúng ta chia nhau ăn, như vậy mỗi người sẽ không ăn quá nhiều thức ăn của họ.
     Rồi cô mỉm cười, cố gật đầu với một cử chỉ hoà nhã, cô cầm lấy một quả trứng và nói : ‘ spasibo’ (xin cám ơn) cố làm ra vẻ thật nồng ấm và cuối cùng cũng nhận được một nửa nụ cười.  Cô đưa tay ra dấu về phía Flora, đặt tay lên bụng và lắc đầu. Những  cái ly chứa một thứ chất lỏng màu nâu được mang ra mời và lại từ một nơi nào trong ký ức cô nghĩ ra đó là thức gì.
-    ‘Kvas’. -  Cô nói với ông Foulgar. -  Tôi nghĩ là  uống được. Đó là một loại bia lên men. Có lẽ nó vô hại.
     Cô nhìn quanh và đếm được  có tới mười lăm người trong một gian phòng nhỏ bé không kể con nít mới sinh. Có hai dãy ghế  gỗ dài, một cái bàn, một tượng ảnh thô sơ trong một góc phòng, ít da cừu phủ trên nóc lò và một loại giường  xếp ở gần cửa, trên đó một đứa  trẻ ốm nhom xanh lướt nhìn họ với cặp mắt  lờ đờ chẳng  có tí quan tâm nào.
     Cô chỉ về phía  đứa nhỏ: ‘Ốm hả?’ Cô hỏi, nhưng người đàn bà chỉ nhún vai  kiểu  đành chịu theo số mệnh. Con cái nhà ai ? Đây là  dân tỵ nạn hay dân quê địa phương? Họ giống hệt nhau, bẩn thỉu và thảm thương.
     Mắt cô bỗng chú tâm  lên tường nhà, nơi  những con gì trông như bọ chét bò rất nhanh qua những tấm ván và cô phải cố  kiềm chế một tiếng la nhỏ. Chúng là một loại bọ mới ở trong nhà mà  cô chưa từng thấy. Cô   bắt đầu cảm thấy như   có có những con sâu tưởng tượng đang bò trên da thịt.
-    Flora! Cô đã thấy đỡ hơn chưa? Tôi nghĩ chúng ta nên đi tiếp.
    Họ dìu cô trở lại xe. Daisy cố nhét thêm vào xe một bao nhét đầy rơm hy vọng Flora  có thể nghỉ ngơi thuận tiện hơn, nhưng chỉ  được mười phút là cô lại trở ốm. Hành trình trở nên một cơn ác mộng. cảnh vật phẳng lặng khô héo, ruồi muỗi, bụi bặm và cái dĩa tròn rực lửa từ trên trời chiếu xuống chẳng có gì  che chở trở thành một hậu cảnh kinh hoàng cùng  với  tiếng ụa mửa liên tục của Flora. Mất hơn tám tiếng đồng hồ và nhiều lần ngưng lại, cuối cùng họ tới một chỗ nghỉ ở một rừng thông.  Người lái xe quay  đầu lại nói với cô.
-    Flora! Ông ta nói giờ không còn xa nữa. Cố chịu đựng một chút nữa thôi. -  Cô lấy khăn tay ra lau mặt Flora. Cả hai  người đều  dơ dáy với những vòng bụi quanh mắt và miệng, mặc dù đã  che mặt.
-     Thật khó chịu. – Flora thì thào. - Thật đau đớn, trước đây, mình chưa bao giờ say xe mà trong người khó chịu như vầy.
     Mặt cô nóng rát như bùng cháy với những hạt mồ hôi lấn tấm trên trán. Daisy mong ước phải chi có được Elizabeth bên cạnh. Giờ này cô ấy đang trên đường tới Lubimovka ở phía Nam.
    Cuối cùng họ cũng ra khỏi khu rừng  và nhìn thấy ngôi làng.  Lại vẫn là  sự tập trung những căn nhà bằng gỗ như thường lệ, nhưng có một vài căn to lớn và kiên cố  hơn nhiều  những căn nhà  lân cận, Trông rõ ràng là một ngôi làng sung túc. Ngôi nhà thờ với hai chỏm cầu và một tháp nhọn có cây cối và một bức tường trắng thấp bao quanh. Khi họ tới nơi, căn nhà to lớn trông lạ thường giữa  vùng đất hoang và  ngôi làng  của dân quê. Nó là một biệt thự màu trắng rộng lớn gồm hai tầng lầu với một bồn cao chứa nước và một  mái hiên đồ sộ với hàng cột lớn. Khi họ tiến đến gần hơn, họ có thể thấy rõ lớp xi măng  trắng tô tường bên ngoài  đã bị tróc loang lổ, và cây cỏ trong khu vườn bao quanh mọc chi chit và hoang dại. Bức tường bao quanh khu vườn đã đổ nát.  Ánh nắng  đang nhạt  dần, và khi Daisy  bước xuống xe, một đám côn trùng có cánh  đã thay thế đàn ruồi  bay lượn vần vũ trên đầu cô. Chúng châm chích lên cổ lên mặt cô.. Ông Foulgar vội vã  từ phía sau bước tới.
-     Chúng ta phải đưa Flora vào trong nhà  càng nhanh càng tốt. -  Cô nói qua cái miệng còn nghẹt đầy bụi bặm.
     Hai người đỡ Flora xuống, mỗi người một bên. Cánh cửa lớn của căn nhà bật mở và có hai bóng người bước xuống mấy bực cấp. Lời gìới thiệu  được trao đổi vội vã, và rồi  thật nhẹ gánh, Daisy đã có thể  chuyền Flora qua tay bác sĩ Manning. Chỉ mãi một lúc lâu  sau đêm đó, khi đã tạm ổn trên cái giường gỗ thấp  trải nệm rơm, cô mới chợt nhận ra mình đã  dùng tên Flora để gọi cô bạn mà không chút bối rối.
     Flora mắc bệnh kiết lỵ.  Không thể giải thích được, bởi  ông Foulgar và Daisy không ai bị vướng, nhưng  ở một nơi nào đó trên đường, Flora đã bị truyền nhiễm. Sau này, trong  thời gian ở  lại Modotovo, tất cả họ đều  phải chịu đựng nhiều lần  đủ loại kiết lỵ. Ba người trong số bị  sốt rét ác tính và một người mắc bệnh yết hầu. Daisy, dù  đã uống ký ninh thường xuyên, vẫn không tránh khỏi sốt rét. Sau đó, có một loại  dịch sốt truyền nhiễm  lan toả trong  cả bệnh xá cạnh nhà nuôi trẻ mồ côi,  thật may mắn, tất cả họ đều tránh khỏi, nhưng  những cơn sốt mùa hè thường xuyên làm họ suy yếu, và suốt mùa đông đen tối và dài dằng dặc, lại bị cảm lạnh và cúm hành hạ.
     Cô cứ nghĩ là mình sẽ  được chỉ định săn sóc Flora, nhưng có nhiều việc  phải làm cần đến cô hơn.  Chưa đầy hai hôm, cô và ông Foulgar lại ra đi trên chiếc xe lắc lư đến muốn rụng xương để đi quan sát điều kiện sinh hoạt của dân tỵ nạn trong các làng mạc và phân phát cho họ mớ quần áo đầu tiên. Họ trở lại trong vòng bốn ngày, bị  lây lan chấy rận và lòng đầy khắc khoải  bởi cú chạm trán đầu tiên với sự khốn cùng. Ông Foulgar, dù không thông hiểu ngôn ngữ,  cũng chẳng thấm vào nỗi tuyệt vọng ít hơn và đâm ra có trạng thái bi quan cùng cực.
-     Chúng ta  không có đủ cho họ. – Ông nói gần như khóc. - Họ chẳng có gì cả. Hoàn toàn không. Thật không thể tin  được là con người lại thực sự không có một cái gì hết. Và sự thờ ơ không còn tha thiết gì của họ mới là đáng sợ.  Nhìn một người phụ nữ ngồi dưới đất mở to mắt mà không nhìn    hết , không  cả để ý tới đám con la khóc bên cạnh, thật không thể nào hiểu nổi… rằng lại có  ai trở nên thảm hại như thế cho dù bất cứ gì đã xảy ra với họ.
-    Không! -  Daisy chậm rãi nói. – Không  khó hiểu gì đâu.
       thấy chuyến đi  thật dễ sợ bởi cô rất hiểu con người họ. Cô đã  có thể thấy chính mẹ cô trong hình ảnh người đàn bà mòn mỏi ngây dại không còn tha thiết gì với cuộc sống ấy. Cô có thể thấy lại  chính cô và Ivan  trong  đám trẻ con với những vết đau trên miệng và không đủ áo quần lành lặn che thân. Cô  đã muốn trốn chạy khỏi sự khốn khổ của họ để  mà gào khóc lên, bởi cô đã dùng biết bao nhiêu năm tháng cố bỏ lại  cái quá khứ  kinh hoàng đó sau lưng. Nhưng bây giờ cô lại chuẩn bị bước vào cơn ác mộng  ghê gớm mà chính cô từng là một phần  của sự nghèo khổ đáng sợ, cái khốn khổ  quá tệ hại hơn bất cứ gì cô biết trước đây, khốn thay,  lại  quá quen thuộc.
     Khi lắng nghe câu chuyện của người tỵ nạn, những ông già bà cả sống sót, những người mẹ mà con cái đã chết hết trên  hành trình băng qua  lục địa, cô nhận ra những gì còn lại  trong con người có phẩm giá đã tiêu tan hết. Những người đàn bà từng là chủ các nông trại với bộ cánh sang trọng mặc ngày Chúa Nhật, họ có lò nướng bánh tại nhà và  cung cấp cho gia đình những bữa ăn ngon trên bàn ăn  có khăn trải trắng toát. Bây giờ , họ phải sống nhờ  vào lòng từ thiện của những người chỉ hơn họ một chút. Để chống lại sự hoảng hốt, Daisy nghĩ:  Mình phải cố giống như Sophie. Mình phải nhớ những gì Sophie đã làm cho gia đình mình nhiều năm trước đây. Và mình phải nhớ  cái cảm giác của gia đình mình. Cô cố gắng giải thích cho ông Foulgar:
-     Đó là sự sở hữu. – Cô nói. – Tôi biết là không hay ho gì khi đánh giá  họ qua  việc sở hữu, nhưng người nghèo  chẳng có gì khác để tự đo lường mình. Họ cần  một vật  gì đó.
-     Cô muốn nói họ cần loại vật gì? – Bác sĩ Manning hỏi. Những người khác cũng chăm chú theo dõi, cố hiểu lời cô nói, lo lắng để tìm ra  bất cứ gì có thể giúp .
      Đó là vào buổi tối, thời gian đã ăn xong bữa và chén đĩa đã được  dọn dẹp lau chùi. Đây là giờ giấc duy nhất họ có thể ngồi lại với nhau trong một góc của căn phòng tiếp tân rộng thênh thang của ngôi biệt thự cổ. Họ chỉ có một ngọn đèn dầu thắp  quanh chỗ họ ngồi. Phần còn lại của căn phòng chìm trong bóng tối  với tiếng chuột bọ lao xao.
-    Bất cứ thứ gì… miễn là họ có thể giữ riêng cho mình. Một quyển sách, cho dù là quyển sách về máy móc xe lửa, một chiếc khăn tay, một cái rổ, một chảo chiên đồ ăn.  Nếu ta có một cái gì thuộc về riêng mình, vậy thì ta bắt đầu  là một con người.  Chẳng hạn ta là chủ của một cái chảo, ta có một bản sắc. Ta có thể bắt đầu thấy được mình, tự so sánh mình với những người chung quanh. Những người tỵ nạn này không còn biết họ là ai nữa bởi  họ chẳng sở hữu một cái gì. Tất cả họ chỉ là một màu xám, họ  cùng chung một màu xám xịt.
     Mọi người im lặng và cô không biết có làm cho họ hiểu gì không. Tất cả họ là những người tốt, nhưng làm sao họ có thể hiểu như cô đã hiểu?
-     Chúng ta chẳng làm được gì. - Cuối cùng  bác sĩ Manning nói. -  Đành phải chờ thêm quần áo từ Luân Đôn tới. Cho tới lúc đó, chúng ta chẳng có gì để cho họ.
     Những  đôi giày bốt bằng nỉ từ Mạc Tư Khoa  gửi đã đến, và Daisy lại đi ra ngoài. Và bởi vì họ chỉ  có một ít đem cho, cô cố cho luôn những phần của  riêng cô,  cố lắng nghe những mẩu chuyện  đã xảy đến với họ và cả cuộc sống trước đây của họ.
     Họ từng sống trong một khu vực  nông nghiệp tương đối giàu có, và đã được di tản đến một cộng đồng  đám dân quê còn sống  như ở thời Trung Cổ. Họ chỉ giống với những người cho họ trú ngụ ở mỗi hai  thứ: ngôn ngữ và tôn giáo. Cô lắng nghe họ, và vì cũng là một dân quê nên cô hiểu. Cô hiểu rằng nếu  mình quen ăn mỡ heo với bánh làm bằng lúa mạch, thì bụng sẽ chuyển khi phải ăn mỡ cừu với bánh mì. Cô hiểu rằng nếu nhà mình  bị phá hủy tan tành và chồng con mình chết vì đói   lạnh và bệnh tật, thì đôi khi chỉ những sự khác biệt vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày cũng tạo nên nỗi tuyệt vọng cuối cùng.
     Cô ngồi hằng giờ trên những sàn nhà bẩn thỉu, chịu đựng sâu bọ chích đốt để thấm sâu vào nỗi đau buồn của họ, và rồi lại nhận thêm  ra rằng, những người chứa chấp họ cũng có những nỗi khổ  phải chịu đựng. Cuộc sống của những người dân quê Samarian này (kẻ giúp người hoạn nạn giữa đường theo dụ ngôn của Thánh Kinh) dù chưa giúp đỡ những người tỵ nạn phiền phức từ  miền Tây  tới cũng đã đủ khó khăn rồi.
     Mùa đông đến. Dường như mùa thu chỉ là vài tuần lễ ngắn ngủi, và rồi một buổi sáng cô thức dậy sớm và chợt thấy một làn tuyết nhẹ bay ngang cửa sổ. Khi cô bước ra khỏi giường,  những cơn bão tuyết nho nhỏ  từng chập nổi lên trong  làn  gió tháng Chín. Vừa chạm mặt đất là chúng đã tan. Nhưng vào tuần lễ sau, một trận tuyết rơi dầy dặc trong đêm, nằm nguyên trên mặt đất. Đến cuối  tháng Mười, mặt đất hoàn toàn bị bao phủ  và cuộc sống trở nên dễ dàng hơn ở nhiều khía cạnh.
     Chiếc xe chạy rung muốn rụng xương được cất vào kho, và cặp ngựa được chuyển qua kéo xe trượt tuyết. Bây giờ họ có thể lướt đi trên mặt đất. Chỉ  mất năm giờ  để tiếp tế đồ từ Buzulus. Ruồi muỗi, bụi bặm và một số chấy rận đã biến mất. Cảnh vật trở nên  xinh đẹp. Đồng hoang giờ thành một đại dương bao la trắng xoá với những nhấp nhô gồ ghề tạo thành các đợt sóng. Vào tháng Mười, khi Robert Tatlock đưa đồ tiếp tế đến, ông mang cho tất cả họ những chiếc áo khoác da cừu hơi sờn rách và không sạch lắm, nhưng thật cần thiết vì mùa đông  đã đến.
     Họ sống trong một trạng thái  kiệt quệ và thất vọng lạ lùng,nhưng vẫn phấn khởi  thật đáng ngạc nhiên.  Niềm phấn khởi đến từ cái  thế giới kỳ diệu trắng toát bên ngoài, bầu trời xanh trong sáng và cây cối bao phủ trong tuyết, đôi khi  thấp thoáng bóng dáng một con nai trong rừng thông. Mặc dù hiếm hoi hơn, niềm phấn khởi cũng đến từ cái cảm giác  về tinh thần huynh đệ hỗ tương của họ. Nhưng thất vọng và cạn kiệt  hầu như lúc nào cũng ở bên họ.
     Mùa đông đầu tiên làm họ suy nhược nhất. Suy nhược và xuống tinh thần, nhất là những người như Flora sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu nhàn nhã.
     Bọn trẻ, được gom lại từ những mái nhà tranh ở các làng mạc quanh đó, tất cả hầu như mồ côi, vài đứa  còn không biết chúng là ai, chúng đã học  những thói xấu của loài thú hoang trong hành trình lang thang  của chúng  qua suốt Âu Châu và Turkestan. Chúng ỉa đái bất cứ chỗ nào khi cần giải quyết, trộm cắp, đánh nhau giành giật trong giờ ăn như  đám mèo hoang gầm gừ, có lần  tranh  cướp thức ăn đến làm đổ cà bàn.
    Một buổi tối, mệt mỏi và ngứa ngáy vì bị bọ chét cắn sau một đêm tạm trú tại căn lều của một dân quê địa phương, Daisy lại gặp  Flora nước mắt chảy dài ở bên ngoài phòng ngủ của cô. Thật phi lý với cuộc sống của họ là ở giữa sự nghèo khổ đói rách lại có một biệt thự to lớn vô chủ  có quá nhiều phòng ngủ. Càng vô lý hơn khi căn phòng khách vĩ đại có sàn lót bằng gỗ quý bị đám trẻ lớn tuổi cạy lên đem  đốt .
-     Cô bị ốm hả Flora?
    Flora lắc đầu chỉ tay về phía phòng ngủ của mình, trong giây phút  cô không thể mở miệng nói được.
-      Bọn chúng lại vào phòng cô lục lọi nữa sao? Có lấy mất gì không?
      Cô qua mặt Flora bước vào phòng của cô ấy. Bên cạnh giường ngủ là một bãi cứt với một mớ giấy vò nát mà kẻ phạm tôi lấy để chùi đít. Daisy nhìn vào đó  chán nản vô cùng.
-     Chán thật! -  Cô mệt mỏi nói. -  Trước đây , bọn chúng chưa làm thế trong phòng chúng ta.
-    Không phải chuyện đó. – Flora lắc đầu nói. -  Chuyện là ở tờ giấy. Đó là lá thư mới nhất mẹ  mình  từ nhà gửi qua. Minh biết giữ lại nó là ngốc nghếch, nhưng…
    Cứ  khoảng mỗi sáu bảy tuần họ nhận được thư từ. Đó là may mắn lắm. Có khi còn thưa thớt hơn. Nhiều thư từ và bưu kiện  bị giữ lại ở Petrograd hay Mạc Tư Khoa. Những lá thư này vô cùng quý giá. Chúng là sự nối kết với gia đình,  một sự  nhắc nhở cho họ rằng vẫn có những nơi chốn trên thế giới mà  đời sống cũ của họ vẫn đang hiện hữu. Họ đọc đi đọc lại thư nhiều lần,  và khi đọc xong họ thường chia sẻ một số  chuyện với nhau.
     Daisy cố tìm lời an ủi.
-     Flora à! Chúng ta đã làm được một bước tiến triển lớn rồi.  Ít ra,  giờ bọn chúng đã bắt đầu xử dụng giấy cho việc đó. Lúc trước  chúng chẳng dùng gì  để chùi cả.
     Flora đăm đăm nhìn cô, rồi từ nỗi thất vọng phá ra cười.
-      Cô qua phòng tôi ngồi nghỉ  chút đi, để tôi dọn dẹp cho.
-    Không. Ồ! Đâu được!  Mình đâu có quyền mềm yếu. Mình phải chia sẻ những chuyện không vừa ý với mọi người chứ.
-     Cô làm phần cô. Còn chuyện này để tôi.
     Sau đó, khi cô trở về phòng, tay  vẫn còn đầy mùi carbolic. Flora đang ngồi bên cửa sổ nhìn  tuyết rơi.
-     Tôi tự hỏi mình đi đến đây có đúng không Daisy? Tôi cảm thấy mình chẳng có ích lợi gì cho công việc. Mình ghét bụi đất và … nói ra thật xấu hổ…nhưng mình thường ghét  cả con người họ nữa. Mình biết  họ chẳng đặng đừng, nhưng đôi khi mình thấy họ dường như không phải giống người.  Tôi không thấy mình giúp đỡ được  cho  ai trong các bạn, và tôi trở thành một gánh nặng.
       cúi mặt xuống đôi bàn tay và bắt đầu tấm tức khóc. Daisy  trông dáng hơi mất kiên nhẫn vì cô đã mệt, chỉ còn biết vỗ vai cô.
-    Tất cả chúng ta ai cũng chán nản. – Cô nói. – Tôi cảm thấy  tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều. Mà tôi  còn cảm thấy vậy lâu rồi, từ trước khi chúng ta tới đây nữa kìa.
-    Cô! – Flora sững người nói. -  Sao thế!  Cô không thể  nào có cảm giác ấy được.
-    Có thật mà!
-    Nhưng hiện cô là người hữu dụng  nhất trong nhóm. Nói được tiếng Nga, biết sửa lại mấy cái lò sưởi chết tiệt đó để xài, biết nên dùng thứ thực phẩm nào để nấu cho cả chín chục miệng ăn, và dường như cô chẳng phiền hà lắm với bùn đất và tình trạng nhà vệ sinh tồi tệ… -  Cô ngừng lại một chút  với một cái nhíu mày nhỏ rồi tiếp. -   Cô ra vẻ hiểu những con người đáng ghét này hơn cả nhóm, và nhất là dường như cô biết phải làm gì cho họ.
-     Đó là bởi có một nửa  máu Nga chảy trong con người tôi. Tôi nghĩ thế. – Daisy bối rối nói. -  Hoặc có lẽ bởi tôi đã từng nghèo khổ.
     Cô nhìn  Flora  và bỗng thấy thương hại rằng, quả thực cô ấy không  hữu dụng lắm.  Cô tử tế, ngọt ngào và có ý tốt, nhưng luôn luôn  phải được hỗ trợ và khuyến khích. Rồi cảm thấy mình có ý nghĩ xấu và mặc cảm tôi lỗi với bạn, Daisy nói tiếp.
-     Tôi thực sự không phải là người hữu dụng nhất. Chính bác sĩ Manning, Hannah và Elizabeth mới là những người hữu dụng nhất. Đôi khi tôi nghĩ  những người tới đây  làm chỉ nên là các nhân viên y tế.
-     Cô có nghĩ là chúng ta sẽ có ngày trở về nhà không? -  Flora trẩm giọng hỏi. - Liệu chiến tranh sẽ kết thúc?
     Cây nến  để cạnh giuờng  của Daisy lung linh tạo nên một  vùng sáng ở giữa phòng. Trời lạnh, nhưng không đến mức không chịu đựng nổi, vì những lò sưởi ở các phòng phía dưới được  mở nóng suốt đêm. Căn phòng thì  rộng rãi, to lớn với những đường thiết kế công phu. Cái giường gỗ lại nhỏ bé với cái bàn thô nhám chỉ có duy nhất một cái ghế trông không  thích hợp tí nào. Daisy nghĩ tới việc  về nhà, trở lại với  bà Fawcetts, với ngôi làng, với ‘con bé Daisy May  đáng thương’ ngày xưa.  Và rồi cô nhận ra một điều là cô sẽ không bao giờ trờ lại làm ‘con bé Daisy May đáng thương’ ấy nữa. Nếu cô có quay lại nhà Fawcetts, mọi việc sẽ phải khác đi.
-     Tôi hy vọng    một ngày chúng ta sẽ trở về nhà. – Cô cố nói an ủi bạn .
-     Tuyết lại rơi xuống nữa rồi!
     Daisy bước tới đứng bên cạnh cô.  Bên ngoài một cơn bão tuyết đang vần vũ và hai người có thể nghe tiếng chuông nhà thờ chầm chậm đổ trong làng.
-     Bão tuyết thì thật tệ. – Cô nói. -  Nếu có ai phải đi ra ngoài lúc này, họ  nhanh chóng bị lạc lối. Chúng ta vẫn rất may mắn ở đây, bên trong nhà, với sự ấm áp.
-      Dĩ nhiên  là may mắn. – Flora nói với  một quyết tâm  lạc quan trở lại. – Chúng ta phải luôn luôn nhớ  rằng mình  may mắn biết bao, và tôi phải cố gắng để thành hữu dụng.
      Cô từ trên ghế đứng bật dậy và đi ra cửa.
-     Tôi không nghĩ mình có thể làm được gì ở đây nếu không có cô, Daisy à!. – Cô run run nói. -  Thật như thế!  Nhưng, tôi thật mong ngóng được quay trở về nhà.
     Cô rời phòng và Daisy còn ngồi nán lại một lúc nhìn ra những nạm tuyết  quay cuồng. Về nhà?  Thế nào là nhà, và ở đâu? Nhà Fawcetts ư? Không phải. Cô chăm lo săn sóc cho căn nhà bà Fawcett nhưng đó không phải là nhà. Căn nhà ‘tổ cú’, và những lều, những kho chứa, những mái tranh gia đình cô sống trước khi đến căn nhà ‘tổ cú’? Nhà  Willoughbys? Có lẽ có một chút. Đó là nơi  gần nhất cô có thể gọi nó là nhà. Nhưng  mặc dù với những đối xử rất tử tế của họ, mặc dù với người bạn thân Sophie, đó vẫn không phải nhà  của mình.  Cô run rẩy nhìn quanh căn phòng ngủ quá lớn với  cái trần nhà đúc khuôn kiểu cọ và mớ đồ đạc thô sơ  trong phòng.
-     Mình không có nhà. – Cô nhủ thầm với mình. – MÌnh chưa có nhà. Nhưng có ngày rồi sẽ có. Có một ngày, mình sẽ có một nơi gọi là nhà.

                                                     (Xem tiếp chương 20)
    
    


No comments: